Sep 22, 2012

Phong hóa của ngày nay

Chính xác hôm nay là kỷ niệm (chính thức) 80 năm báo Phong hóa (không phải ngày ra số 1, cũng không phải số cuối cùng, nhưng vẫn là ngày kỷ niệm chính thức). Tờ báo thú vị nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam, theo tôi. Sau đó nó sẽ được tờ Ngày nay tiếp sức, trong một quãng thời gian.

Tôi thích hình dung nhóm người tuổi trẻ cái năm ấy hợp lại với nhau để khởi đầu một dự án điên rồ, vì mọi thứ gì đẹp đều có bước khởi động rất điên rồ. Tôi cũng thích ý nghĩ về một thanh niên sau khi thử lái cuộc đời mình đi theo nhiều hướng mà vẫn không biết nên làm gì, phải làm gì, chắc từng có nhiều bốc đồng và lạc lõng lắm, năm 26 tuổi rốt cuộc cũng đã quyết định con đường sự nghiệp của mình (năm ấy là năm 1932, Nhất Linh 26 tuổi).

Dự án Phong hóa (đủ 190 số, trong đó từ số 1 đến số 13 do Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai làm, từ số 14 ra ngày 22/9/1932 bắt đầu do nhóm Nhất Linh làm) và Ngày nay (đủ 224 số) được thực hiện bởi nhóm Phạm Thảo Nguyên và Martina Nguyễn Thục Nhi. Sưu tầm Phong hóa không dễ vì báo có khổ rất khó bảo quản, hay bị gập lại nên dễ giòn, số hóa tạp chí thì dễ hơn số hóa báo nhiều. Trước đây Viễn Đông bác cổ đã có dự định làm bộ này nhưng chưa thực hiện được.

Viễn Đông bác cổ là nơi đã số hóa Tri tân, Thanh nghị, Văn Sử Địa, tạp chí của trường Sư Phạm. Nam phong thì do Viện Việt học làm.

Nếu sau đây có tờ nào nên được làm ngay, thì tôi nghĩ là Phụ nữ tân văn, rồi Bách khoa.

Những ai quan tâm đến lịch sử báo chí Việt Nam thì hẳn đã có bộ Phong hóaNgày nay trước khi chúng được chính thức công bố (cho tải về miễn phí) từ ngày 22 tháng Chín vừa qua.

Hóa ra những số cuối của Phong hóa đăng cả truyện trinh thám của Thế Lữ (Lê Phong) và truyện trinh thám của Phạm Cao Củng (Kỳ Phát).

Phong hóa có lối chế giễu rất sâu cay, và có một số đối tượng lâu dài, chẳng hạn như Bùi Xuân Học và nhiều người khác. Nhưng đọc Phong hóa lần này (trước đây tôi chỉ tìm được vài số lẻ tẻ) tôi thích đọc nhất những quảng cáo đăng trên báo. Vài ví dụ:

"Đến kỳ sinh nở. Mãn nguyệt khai hoa

Các bà khi sinh nở dùng Rượu-Chồi Hoa-kỳ soa nhất quý.

- đỡ phải nằm than -
- không lo tê thấp -
- gân cốt khỏe mạnh -
- đi lại được ngay -

Buôn lãi nhiều, bán rất chạy. Nhiều tỉnh có Đại-lý rồi."

"CÁC BẠN SƠI CƠM ĐEN NÊN BIẾT

Nếu bạn muốn chữa thuốc phiện thì không có thứ thuốc nào hay bằng THUỐC CAI HỒNG-KHÊ. Bạn hút ít chỉ hết 2$00 là bỏ hẳn được (Thuốc nước mỗi chai 1$00, thuốc viên mỗi hộp 0$50). Trong khi uống thuốc cai vẫn đi làm việc như thường, sau khi bỏ hút lại khỏe mạnh hơn, không sinh ra chứng gì khác cả. Nếu bạn nghèo không có tiền mua thì bạn cứ thân-hành lại nhà thuốc HỒNG-KHÊ (số nhà 88 phố Huế, ngay trước cửa chợ Hôm Hanoi) sẽ có thuốc cho bạn cai được hẳn mà không tính tiền (buổi chiều từ 7 giờ đến 9 giờ). Bạn đừng ngại, chủ-nhân sẽ tiếp bạn rất vui vẻ và kín đáo. Nếu bạn cho người lại lấy thì không được, vì sợ có kẻ lợi dụng xin thuốc về bán. Khi đến lấy thuốc bạn nên nhớ hỏi lấy quyển sách thuốc, đem về xem, có đủ các thứ thuốc gia-dụng chữa đủ các bệnh người lớn trẻ con. Lỡ khi trái nắng trở giời phải dùng đến, hoặc mách bảo cho những người có bệnh. Ai có tiền thì mua, nghèo túng đến xin cũng được.

HỒNG-KHÊ CÓ MÔN THUỐC LẬU HAY NHẤT HOÀN-CẦU"

(vị trí hiệu thuốc Hồng Khê gợi nhớ đến ngôi nhà cũ gần đây vẫn thấy, ghi bên ngoài là nhà Lý Sáng, ở đó có nhà của ông Phạm Văn Phúc, không rõ là có đúng không)

-----------

Còn đây là một "Tuổi thơ", NXB Sáng Tạo, logo con gà :p


2 comments:

  1. Sắp tới chắc sẽ có thêm bản số hóa của CNTB nữa đấy bác NL :)

    ReplyDelete
  2. Thêm vào lời ca tụng Nhất Linh "tuổi trẻ tài cao": năm ấy, 26 tuổi, NL đã đi du học Pháp lấy được bằng cử nhân Vật Lý về rồi. (Ông thầy già dậy môn Vật Lý thời trung học, cụ ĐTL, ghen với NL, có lần nói với bọn học trò chúng tôi: "'Thằng' NL chỉ có cử nhân "tự do", tao mới là cử nhân giáo khoa!". Số là thời đó, học sinh trường Bưởi, như NL, chỉ dạy đến Tú Tài Một, nên khi đi Tây học, dù đậu đủ chính chỉ cử nhân NL vẫn không được công nhận là "cử nhân giáo khoa"). Trước khi "đi Tây" (tên cuốn truyện trào phúng của NL, x/b 1935), ông đã học thử một năm Mỹ Thuật và một năm trường thuốc (Y khoa) Hà Nội. Đúng là các cụ thời đó, vì không sống dai như thời bây giờ nên phải "thông minh" sớm!

    Thời đầu 1970s, mỗi lần sang Bruxelles, tôi thường đến nhà anh chị Học - Thảo chơi mà-chược. Cả hai anh chị đều là dân Toán, nhưng qua trò giải trí "tính toán" này, tôi biết chị là người thật sự bản lĩnh. Có điều, tôi không ngờ chị lại là người yêu văn chương nghệ thuật. Oái oăm nữa là, việc sưu tầm Phong Hóa là việc một chính quyền bắt buộc phải làm (mà không làm), gia đình Nguyễn Tường còn đông đảo cũng không làm (nổi?). Rốt cục một người "con dâu" của Phong Hóa đã làm. Có phải đây cũng là một "biểu tượng" của thời đại?

    ReplyDelete