Jun 29, 2013

Những viết ngắn

Viết dài hay viết ngắn đều khó cả, nhưng cái khó của viết dài chủ yếu nằm ở cấu trúc nhiều hơn, còn viết ngắn, đến mức cực ngắn, thì khó nhất là ở chỗ lựa chọn: chỉ được chọn một ý tưởng, phải phòng chống tham lam, phải chống trả sự lắm lời một cách triệt để.

Bìa sau quyển sách chỉ đủ chỗ cho vài câu văn. Viết như thế nào là cả một vấn đề. Thật ra tôi thích sách không có text bìa hoặc text bìa là trích từ trong sách hơn, nhưng đó là với những tác giả đã quá nổi tiếng không cần nhiều giới thiệu, hoặc tác phẩm kinh điển tái bản.


Text bìa Istanbul của Orhan Pamuk mỗi lần đọc lại tôi lại nhớ toàn bộ cảm giác lúc viết nó.

"Đây chính là cuốn sách biến Pamuk trở thành nhà văn của thành phố Istanbul, đúng như cách thức đã từng làm cho James Joyce là nhà văn của Dublin và Paul Auster thuộc về New York. Trong một viễn tượng hội họa, Istanbul tỏa khói những con phà, trầm lắng một nỗi buồn đế chế giữa ngổn ngang đổ nát thành quách cũ và đọng mãi trong tâm tưởng người đọc hai màu đen trắng, màu của quá khứ, của một ký ức hoang phế nhưng cũng đầy sức mạnh. Người ta chỉ có thể thực sự hiểu năng lượng văn chương của Orhan Pamuk khi thấm đẫm từng dòng ông viết về thành phố của ông, và khi ấy, sẽ không còn ai thấy kỳ lạ việc ông dành cả đời sống ở đó, trong ngôi nhà tuổi thơ, ngồi viết tại cái bàn nhìn ra mưa nắng trên mặt biển vịnh Bosphorus, điểm mốc phân chia ranh giới Đông và Tây."


Gần đây hơn, Nghe mùi kết thúc (Julian Barnes):

"Tony đã già, Tony cảm nhận rõ đoạn kết cuộc đời mình. Một cuộc đời dường như ổn thỏa, tuy có thất vọng, có ly dị và nhiều mất mát - như mọi cuộc đời. Thế nhưng Tony sẽ rất bất ổn ở chính cái đoạn kết này.

Julian Barnes, nhà văn danh tiếng của nước Anh, đã vô cùng lạnh lùng và tỉ mỉ - nhưng chỉ cần sử dụng rất ít trang giấy - miêu tả cái nhà tù mà con người bị giam hãm bên trong, như một điều không thể khác; nhà tù ấy ác nghiệt vì là tổng thể của hiện tại, tương lai và quá khứ. Những mảnh vụn li ti của quá vãng, cộng dồn thêm bao nhiêu thời gian và sự nham hiểm của số phận, khi đuổi kịp Tony đã mang sức nặng khủng khiếp, sức nặng của kết cục.

Văn chương bậc thầy thường xuyên có một sắc thái quỷ quyệt, điều này thể hiện trong cuốn tiểu thuyết này dưới dạng một lời nhắn nhủ vô thanh của tác giả: Đừng quá tự tin, vì cuộc đời này vốn dĩ rất nhiều bất ổn."

"Bất ổn" là khái niệm trung tâm của Nghe mùi kết thúc, thậm chí lúc đầu Barnes đã đặt tên cho tác phẩm của mình là Trouble chứ không phải The Sense of an Ending.


Còn đây là bìa sau cuốn Xấu (Grotesque) của Natsuo Kirino:

"“Bạn cho rằng cái chết của Yuriko sẽ làm tôi ngạc nhiên, sửng sốt? Không hề. Rằng tôi căm thù kẻ đã sát hại nó? Cũng không.”

Ngay từ đầu truyện, tác giả đã “ngửa bài” về cách nhìn và giọng kể chuyện của mình. Và cho đến cuối cùng, Natsuo Kirino - cũng như trong mọi tác phẩm đậm đặc chất đen tối của bà - tuyệt đối trung thành với một cái nhìn dửng dưng trước rất nhiều điều xấu xa của câu chuyện. Câu chuyện trong Xấu được kể lại qua giọng chị gái ruột của Yuriko xấu số.

Nhân vật Yuriko là một cái cớ tuyệt vời để Natsuo Kirino thực hiện một cuộc khảo sát khốc liệt vào mặt khuất tối tăm của tâm hồn những người phụ nữ đặc biệt đẹp nhưng cũng vô cùng lệch lạc, dựng ra một bức tranh xã hội Nhật Bản không một chút tô hồng và chứng minh rằng cái Đẹp có thể chứa đựng sự Xấu to lớn đến mức nào."

Xấu, với độ dài bất thường của nó, là nơi Natsuo Kirino tung tràn ngập mọi thứ trong con người và tài năng của mình, một cách không kiềm chế, mọi thứ gì xấu xa tồi tệ đều được miêu tả chi li, lật đi lật lại mãi đến buồn nôn. Gồm tám chương, Xấu lần lượt "hạ sát" từng nhân vật của mình, từ Yuriko diễm tuyệt nhưng chỉ thích làm điếm đến mấy người phụ nữ khác, mỗi người lại có một kiểu xấu xa riêng: nhân vật "tôi", Yuriko rồi Mitsuru đều nuôi trong mình một con quỷ, nhưng Natsuo Kirino đẩy câu chuyện đi xa tới mức cho rằng chính Kazue, người không nuôi quỷ trong mình, lại cũng xấu xa theo một kiểu riêng.

Và chưa ở đâu ta thấy một ấn tượng mạnh và rõ đến vậy về kiểu "người kể chuyện không đáng tin cậy" trong lý thuyết tự sự học (narratology).

6 comments:

  1. Quyển 1 đọc thích nhỉ. Cứ như đang ở đấy với cậu Pamuk con.
    Quyển 3 bao giờ ra sạp ạ?

    ReplyDelete
  2. À người kể chuyện không đáng tin cậy thì rõ ở trong "Rashomon" của bác Akira Kurosawa từ lâu rồi chứ? Lại cũng Nhật, nhỉ?

    ReplyDelete
  3. "Sắp" của ai chứ của chú thì cháu nghi ngờ lắm, LOTR cũng bảo "sắp", có điều cách đây vài tháng

    ReplyDelete
  4. Trước khi Kurosawa làm phim hình như có Akutagawa viết sách :p

    ReplyDelete
  5. à vụ Akutagawa liên quan chuyện này đã có nói gần gần đây rồi :p

    ReplyDelete