Trước tiên là sự đọa. Những bữa tiệc trong The Great Gatsby ấy dậy mùi Decadence,
thời Suy đồi, fin de siècle, mà
Moulin Rouge, Montmartre chính là một biểu tượng; nhưng chúng cũng như thể bước
thẳng ra từ Satyricon của Petronius,
những bữa tiệc của Trimalchio: Petronius đã miêu tả cực kỳ tinh vi sự xa hoa của
đời sống La Mã. Cộng thêm nữa: ông chủ lâu đài vừa từ tòa lâu đài nghiêm ngắn,
chuẩn mực với những gia nhân tôi tớ đi lại đều răm rắp lao thẳng tới cuộc orgy, truy hoan điên loạn. Suy đồi kiểu
cuối thế kỷ và Suy đồi La Mã trộn lẫn vào với nhau theo một lối vô cùng
cynical: cynical và satyrical là hai phương diện tâm lý trọng
yếu của những nhà văn hiện đại, mà Scott Fitzgerald là một thành viên xuất sắc.
Bởi The Great Gatsby
cũng là một magnum opus của văn
chương phương Tây, nên dự đồ của nó cũng không hề nhỏ. La Mã là một mẫu hình,
vì để nói đến lost world, một thế giới
đã mất, không gì hiệu quả hơn là khéo léo đưa các yếu tố cổ xưa của văn hóa
phương Tây vào. La Mã, rồi thì đạo diễn Baz Luhrmann đã cực kỳ khéo léo với một
chi tiết nhỏ: ở đoạn đầu, khi miêu tả Nick Carraway mộng ước trở thành nhà văn,
có lúc Nick nhấc một quyển sách lên, đó là Ulysses:
vừa là Ulysses gợi đến cả một truyền thống mưu mẹo của Hy Lạp, vừa là Ulysses của James Joyce.
Mọi khung cảnh quan trọng trong bộ phim đều được quay với chủ
ý cực kỳ hài hòa, đối xứng, thể hiện một mỹ cảm chuẩn mực, lâu đời của văn hóa
phương Tây, đến cả khung họa tiết ở đoạn générique và đoạn credits cũng cực kỳ
cân bằng ở trong toàn bộ tính chất vàng son của nó.
Có sa đọa, thì tức là phải đã có đỉnh cao, và ở đây ta đứng
trước câu hỏi: tại sao nhan đề cuốn sách này lại là “The Great Gatsby”? Trả lời
câu hỏi này không dễ, vì sự mù mờ là quá lớn - ngay bản thân Scott Fitzgerald
cũng chưa chắc trả lời thấu đáo được.
Câu trả lời của tôi là “The Great Gatsby” là một cấu trúc có
thể hiểu lệch đi, thành “Gatsby The Great”, một cái gì tương đương với một đế
hiệu. Trong tiếng Pháp tình hình sáng sủa hơn nhiều: cuốn sách được dịch ra
thành “Gatsby Le Magnifique”.
Bởi vì Gatsby là một ông vua, có một địa vị cao đến chóng mặt,
cái chóng mặt ấy được Baz Luhrmann, tận dụng lợi thế thị giác của mình, diễn đạt
rất hay bằng cách luôn luôn để cho Gatsby ở trên cao còn Nick Carraway ở dưới
thấp; ngay từ đầu đã như vậy khi hai người còn chưa quen nhau, nhưng sau đó rồi,
thường xuyên có cảnh Nick đứng ở dưới nhìn lên Gatsby ở ban công, kể cả khi nói
câu kinh điển ở đoạn cuối thì vẫn là Nick ở dưới đất, Gatsby ở trên cao.
“The Great Gatsby” là một câu chuyện về Chúa tua nhanh chóng
mặt. Scott Fitzgerald viết nó khi đang ở đỉnh cao, vài năm sau This Side of Paradise. Ở một nơi nào đó,
chi tiết ấy bị giấu đi, đã có một thỏa thuận mà Jay Gatsby ký với quỷ: trong một
xã hội kiểu Mỹ hồi ấy, bước chân vào hàng nhà giàu mấy thế hệ là điều bất khả,
nên chỉ có một đường là trở thành Chúa, hy sinh năm tháng, hy sinh tình yêu.
“The Great” mang cả hai hàm ý, mỉa mai và chân thực, trong đó phần chân thực mới
là đáng nói: Jay Gatsby vĩ đại là vì Gatsby có một ý chí hướng thượng kinh khủng,
hướng đến chỗ xứng đáng được với nữ thần của mình, Daisy. Đó là một thứ gì đó
không hẳn là tình yêu. Trong bộ phim, những trường đoạn có Gatsby thật xuất sắc:
tính chất kịch lộ liễu, phô trương, nét mặt nhại vẻ charismatic, những vụng về
của một con người không giỏi xoay xở trong thế giới bình phàm…
Vì thế giới của Gatsby là một thế giới lý tưởng: hãy để ý đến
nhan đề cuốn tiểu thuyết đã khiến Fitzgerald trở nên nổi tiếng, This Side of Paradise. Một vị Chúa bị đọa
khỏi thiên đường, khỏi cõi lý tưởng đã mất, đó chính là chủ đề đeo đẳng
Fitzgerald, suốt một cuộc đời. Tender Is
the Night thì rồi, nhưng nhất là các truyện ngắn.
Tôi rất nhớ một câu chuyện vô cùng hay của Scott Fitzgerald:
“Viên kim cương to bằng khách sạn Ritz”. Giữa một cõi đồng không mông quạnh có
một nơi rất nhiều kim cương, trong đó có viên kim cương cực kỳ to, như khách sạn
Ritz. Nhưng rồi nơi ấy, thế giới ấy sụp đổ, mọi thứ biến mất. Chua chát và hẫng
hụt khủng khiếp. Chứng kiến nhưng không được hưởng, đó là định mệnh của những
con người kiểu Gatsby, định mệnh theo kiểu lên đỉnh cao rất nhanh rồi sa đọa
cũng vô cùng nhanh.
Bình luận về điều này, Beigbeder viết: “Nếu là ngày nay, hẳn
Fitzgerald sẽ viết “Một viên kim cương to bằng World Trade Center”. Cũng
Beigbeder viết một điều rất hay: “Tác giả đã tiên liệu trước cuộc đời trong
tương lai của mình. Ông hiểu rằng thời trẻ mình đã viết ra tương lai chính
mình, khi ông cười cợt những kẻ suy sụp”.
Trong cái thế giới ấy, đúng hơn là trong cái dõi nhìn về một
thế giới đã mất ấy, những yếu tố đặc biệt nổi bật ở Fitzgerald là: xa hoa, phù
phiếm, tình yêu. Đương nhiên là chúng bí ẩn, và không chịu bất kỳ phán xét nào.
Và rất hãi hùng với những cái nhìn của phàm nhân bảo thế này
là xấu xa vậy nọ là hời hợt, cái phàm nhân vì thiếu độ cao nên chăm bẵm “chiều
sâu” nhằm cố lấy độ sâu sắc đo độ cao, chỉ là không cùng hệ đo lường mà thôi.
Ấy là giả dụ trong thế giới ấy những cảm giác kiểu “hãi hùng”
còn có chút ý nghĩa gì.
Bài có liên quan
Bài nữa có liên quan
Bài có liên quan
Bài nữa có liên quan
“The Great Gatsby” là một câu chuyện về Chúa tua nhanh chóng mặt.
ReplyDeleteViết tài hoa đến thế là cùng. Đọc cả bài chỉ cần nhớ nằm lòng câu này.
có vẻ như chất Chúa là : chịu khổ nhục , đạt thành công và tôn thờ tình yêu :D
ReplyDeletecẩn thận kẻo có đứa vào bình luận về agape dài 8 trang A4 đó :p
Deletetrong cuộc chiến giữa Chúa và Sự phù phiếm, hãy đứng về phe Tom Ford \:D/
DeleteTôi may mắn xem The Great Gatsby (1974) trước khi đọc truyện, nên thấy phim không đến nỗi tệ, dù hai cái không giống nhau cho lắm. Về mặt "xã hội", theo tôi, GG-74 có ảnh hưởng tốt là chặn đứng được mốt để ria mép của đàn ông Âu Mỹ cho giống Mark Spitz. Đúng là lúc đó chỉ có Robert Redford mới đánh bại được Mark Spitz...
ReplyDeleteSau hai lần mang thương tích Baz Luhrmann từ Moulin Rouge và Australia, tôi không hy vọng sẽ xem GG của ông ta để còn giữ được liên hệ tình cảm tốt đẹp với Hollywood qua Gone with the Wind, Goldfinger, Godfather ...
Tôi có cảm tưởng "Chúa" của bác NL dùng theo nghĩa biểu tượng nghệ thuật, "icon", hơn là Tình yêu. (LV)
Xin chào bạn Nhị Linh,
ReplyDeleteMình là Quỳnh Trang hiện đang phụ trách chuyên mục Chơi Blog của báo Ngoisao.net
http://ngoisao.net/tin-tuc/choi-blog/
Một độc giả hâm mộ phim The Great Gatsby có gửi bài blog của bạn tới báo. Nếu không phiền bạn có thể cho bên báo chia sẻ bài viết tới các độc giả khác không?
Mong sớm nhận được hồi âm từ bạn.
Chúc bạn một ngày vui vẻ!
Quỳnh Trang.
yep, no problem
Delete
ReplyDeleteFB của NL viết: "...ở miền Bắc nó tên là "Gátxbi vĩ đại", của X. Fitgiêrơn..." có trưng hình bìa cuốn sách làm chứng. Không giải thích gì cả, chắc cũng đủ. Cũng chẳng ai théc méc là "Mr X." này là ai (trong toán học, "x" là ẩn số, inconnu). Một bản dịch "miền Bắc" khác, cũng được bác NL triển lãm, thấy đề tên tác giả là Francis Scott Fitzgerald, thay vì F. Scott Fitzgerald như đề trên bìa mọi cuốn sách của "F." - mọi thứ tiếng. Hẳn nhà xuất bản muốn khoe là mình biết "tên thật" của tác giả :(