Về Nhã Thuyên
Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Duy viết từ năm 1988:
“Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối
Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh lên?
những người tốt đang cần liên hiệp lại!”
Những lời thơ viết từ lâu ấy vẫn còn thời sự.
Trong những ngày này, sự vụ xung quanh Nhã Thuyên khiến
khá nhiều người quan tâm, tôi muốn nhờ blog của Nhị Linh đăng lại bài viết này,
vốn là một tiếng nói về Nhã Thuyên khi Không gian Sáng tạo Trung Nguyên tổ chức
tọa đàm “Đọc sách và trò chuyện với Nhã Thuyên: Viết, một tưởng tượng về bản
sắc”, ngày 19/11/2011. Bài viết này được đăng trên Văn nghệ trẻ số 47 ra
ngày 20/11/2011, nơi, khi ấy, Nhã Thuyên cùng Trần Thiện Khanh là hai cộng tác
viên đắc lực góp vào sự sôi động của tờ báo, cũng là nơi mà người chủ blog này
công bố loạt bài về lý thuyết văn học, khuấy vào không khí vốn không năng động
gì của phê bình văn học Việt Nam đương đại. Đó cũng là thời điểm Nhã Thuyên công bố “Văn chương dấn thân hôm nay” (vốn là tham luận tại Hội nghị Những
người viết văn trẻ lần thứ VII, tổ chức tại Hà Nội, Tuyên Quang và Thái Nguyên,
ngày 9-11/9/2011) và cũng là lúc mà tọa đàm về “underground voices” của Nhã
Thuyên tại trung tâm L’Espace Hà Nội nhận quyết định hoãn lại.
Tôi và một số người bạn lúc ấy đều
cho rằng đấy là một thái độ đúng mực của tờ báo đối với cộng tác viên của mình.
Ngay khi ấy và cho đến nay, không phải tất cả các tiếng
nói của Nhã Thuyên đều được chia sẻ, và cũng không phải ngôn ngữ phê bình lúc
ấy và bây giờ đã có thể trở thành một ngôn ngữ chung cho người viết, nhưng
rõ ràng, nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại tọa đàm hôm ấy, những viết
mới đều cần người đọc mới, trên cơ sở chia sẻ một ngôn ngữ mới. Người ta không
thể đối thoại nếu bất đồng ngôn ngữ. Và cầu thị một ngôn ngữ mới sẽ cần thiết
hơn rất nhiều những tiếng nói từ quá nhiều ngôn ngữ như bây giờ. Tôi nghĩ như
vậy. Cho sự phát triển của không chỉ văn học cả hôm nay và ngày mai.
Đoàn Ánh Dương
Những viết ngắn về viết ngắn của Nhã Thuyên
Đoàn Ánh Dương
1. Khi thuật ngữ hậu hiện đại ở Việt Nam đang được sử dụng
tràn lan và tùy tiện đến trở nên rỗng nghĩa thì những suy nghĩ về (cái/sự/lối)
viết đương đại luôn cần được tái nhận thức. Về tâm thức. Về hoàn cảnh. Đặc
biệt, về ngôn ngữ. Viết của Nhã Thuyên nằm trong phối cảnh ấy, không gian hậu
thực dân và thời gian hậu hiện đại, với tất cả sự mơ mộng và suy tư. Bởi chủ
thể viết tự nhận thức “Tôi là Thơ” và cứu cánh cho viết là “kẻ sót cuối cùng
lên thuyền cùng người-nữ-ngôn-từ”. Và bởi chủ thể viết tự nhận thức cần phải
“nhảy qua bẫy lời” “NổI loẠn bẤt BìNh im lặng như không-sinh/sự”. Còn bởi,
trong tất cả sự hiện hữu khả hữu, chủ thể ấy (được/bị) lựa chọn
“thuần-túy-là-một-kẻ-viết”.
2. Nhã Thuyên viết thơ, truyện chớp và tiểu luận. Ở thể loại
nào, Nhã Thuyên cũng để lại dấu ấn của một sự viết thuần chất, những
lao-động-chữ, và một ý thức rốt ráo về viết ngắn. Đó không chỉ là chắt lọc ngôn
ngữ, ở sự cô đặc và tối giản của ngôn ngữ mà còn thể hiện cả ở ý thức quyết
liệt về việc tái cấu trúc ngôn ngữ cho từng sáng tạo. Sức sống của tác phẩm, vì
vậy, không đơn thuần nằm ở xác (chữ), hồn (nghĩa), cũng không còn có thể phỏng
đoán “giữa hai hàng chữ”. Nó là một tổng hòa của vật liệu ngôn ngữ. Nó là
một-thế-giới-chữ. Đặng kiến tạo một-hiện-thực-chữ.
3. Với Nhã Thuyên, có thể coi viết là một thái độ, một mơ
mộng, một (sự) nghiệp,… nhưng trước hết là một cách thế sống với cuộc đời này.
Một cuộc đời dễ dàng (được/bị) đánh mất trong ngôn ngữ. Trong một cuộc viết mà
ngôn ngữ dễ dàng (bị/được) hiểu sai, biến dạng. Nhã Thuyên định nghĩa đó là
“cuộc đời tẻ nhạt”. Nhưng định nghĩa đó cũng nhanh chóng tái diễn bởi “một định
nghĩa”, rồi “một định nghĩa”. Thân phận người viết, theo đó, luôn luôn
(được/bị) tái diễn. Như cách nó tái diễn ngôn ngữ.
4. Đặng Thơ Thơ cho rằng: “Thơ Nhã Thuyên là một phối-tưởng
giữa bản thể mơ mộng và các tầng đan xen chất vấn của tư duy (…) Thơ Nhã Thuyên
mang trong mình nỗi mâu thuẫn căng thẳng, nhưng cùng lúc thăng bằng, của lý
tính và của xúc cảm”. Bản thân Nhã Thuyên thì cho rằng cô luôn viết trong ý
thức rõ rệt về thể loại. Tôi thì không hẳn nghĩ vậy. Trong chừng mực nào đó,
với Nhã Thuyên, “bản thể mơ mộng” nghiêng về thơ, “bản thể tư duy” nghiêng về
truyện, và tiểu luận là sự giao kết của hai bản thể ấy. Tất nhiên, cách đọc như
vậy cũng đã làm “mạch lạc” hóa diễn ngôn văn học của Nhã Thuyên. Dẫu có dễ dàng
cho việc thám mã tác phẩm thì cũng đồng thời làm mất đi vẻ đẹp phong nhiêu của
nó.
5. Thơ Nhã Thuyên là hiện thân của những giấc mơ. Sự gặp gỡ
giữa sự ngẫu nhiên của giấc mơ và lối viết tự động của chủ nghĩa siêu thực,
trong chiều kích chính trị tự thân của ngôn ngữ, đã kích hoạt, bung phá, làm
nên sức mạnh thay đổi của thơ. Khi ấy, thơ không truy cầu chân lý, không quan
hoài phương pháp, nó rờ rỡ vẻ đẹp tự do sáng tạo. Viết-giấc-mơ-thơ, đó là cách
Nhã Thuyên lựa chọn chỗ đứng cho mình: Rìa vực. Ở đây, trò chơi ngôn ngữ và thi
ca đã đem đến sức mạnh cho cuộc viết: nhà thơ là nghệ sĩ chơi trò hiện thực -
tư tưởng, hắn lựa chọn vị thế lằn ranh, và vì thế bao giờ cũng là ngoài lề, rìa
mép của một bên là vực-thẳm-thực-tại và một bên là hố-thẳm-tư-tưởng. Tham vọng
của thơ hiện diện ở chỗ ấy. Không trở thành con mồi, chịu kiếp tôi đòi, phương
tiện cho phía bên này hay bên kia của những cám dỗ. Thơ không là triết học, thơ
không là chính trị, (nỗ lực) tự do đi giữa những xoáy hút ấy làm nên vẻ quyến
rũ của nó, cám dỗ thay đổi những gì vốn đã là cám dỗ.
6. Truyện chớp là một cách thức khác trong ý hướng, có thể
tạm gọi như vậy, thiết tạo sự tự trị cho văn học trong ý thức sáng tạo của Nhã
Thuyên. Sự tự trị với đời sống và với những áp đặt của truyền thống (ngoài) văn
học. Italo Cavilno muốn gọi điều này là một cách thức tạo lập chức năng tinh
thần của văn học, để vượt lên những áp đặt chức năng mà thiết chế chính trị quy
định hay chân lý do thói quen ngôn ngữ đặt định. Đầu tiên, truyện chớp đem đến
một hình thức thể loại mới. Sau đó, để phù hợp với hình thức ấy, nó định hình
những kinh nghiệm thẩm mỹ từ những thể nghiệm mới ấy. Với số lượng ít ỏi của
ngôn ngữ, sử dụng các biện pháp ẩn dụ, phúng dụ, cách thức xây dựng biểu tượng,
ám thị, chắc truyện chớp sẽ đem lại một kinh nghiệm đọc mới. Trước nhất, có
cách đọc khác với cách đọc cũ. Sau nữa, dần chấp nhận lối đọc dựa trên
sự-tự-trị-của-ngôn-từ, tìm đến cái hiện thực ngoài hiện thực phản ánh.
Hiện-thực-chữ là một mục đích thực sự trong hành vi sáng tạo của Nhã Thuyên.
7. Tôi thích nhiều hơn Nhã Thuyên trong tư cách người đọc:
Nhã Thuyên của các tiểu luận. Hình như chính ở tiểu luận, khả năng tư duy, trực
cảm nghệ thuật và biên độ rộng mở của trí tưởng tượng ở Nhã Thuyên có cơ hội
được bộc phát. Tiểu luận của Nhã Thuyên thường lấp lánh ý tưởng, chặt chẽ trong
lập luận, đông đặc ngôn ngữ nhưng lại tạo được một không gian khoáng hoạt cho
người đọc cùng suy tưởng. Trong suốt tiểu luận, Nhã Thuyên có thể tung tẩy liên
tưởng hết vấn đề này đến vấn đề khác rồi đột ngột quay trở lại dòng mạch ban
đầu, nhưng đó vẫn là một văn bản mà chữ được nêm/nen chặt, không có “khoảng
vắng” nào dành cho bạn đọc. Nhưng ngay khi dòng cuối cùng vừa dứt, trong thế
giới của Nhã Thuyên, “khoảng vắng” ấy xuất hiện và là cả một bầu trời vẫy gọi
niềm mơ mộng.
8. Nhã Thuyên thường viết về tình yêu và về chính sự viết.
Viết lại những chuyện cũ và viết về những cách viết cũ. Tất cả cho một nỗ lực
đi tìm sự viết mới. Có không ít vấp váp trong hành trình gian nan ấy: từ sự
hiểu, khát vọng thay đổi đến hành vi sáng tạo. Nhưng ở đấy luôn hiện diện một
cái nhìn sáng suốt, một quan điểm nhất quán: “Muốn viết? Phải bất chấp cả lố
bịch. Sẵn cảnh nhập vai con rối mặt hề/Tôi truy tôi. Tôi ruổi ngày đang bỏ
chạy”. “Bởi vì anh-thuần-túy-là-một-kẻ-viết”. “Và anh viết, bước dần khỏi nỗi
hoang mang, mà sẽ lại lạc vào một nỗi hoang mang nào khác, biết đâu, nhưng anh
biết, vẫn là thế-giới-của-mình, trôi nổi, trôi nổi thế kia, bỏng rát, say say,
làm sao mà cưỡng được…”
9. Một sự viết luôn vẫy gọi một sự đọc. Một sự viết mới còn
cần những sự đọc mới. Nhã Thuyên luôn ý thức cần “nhảy qua bẫy lời”. Nhưng còn
cần thật nhiều những ý thức “nhảy qua bẫy lời” như thế. Văn học không chỉ phải
đối mặt với sự quen nhàm, xơ cứng, trống rỗng của ngôn ngữ khi nó được sử dụng
đến sáo mòn trong cảm nghĩ thông thường, như một sự trượt nghĩa tự thân của
ngôn ngữ; cái đáng kể mà văn học phải đối mặt là thói quen của người sử dụng ngôn
ngữ, như một vấn nạn của văn học Việt Nam hiện nay. Làm mới ngôn ngữ, cầu thị
những-hiện-thực-chữ trong sáng tạo và tiếp nhận văn học, để hình thành cộng
đồng văn học mới, ít nhiều đã manh nha, là một con đường thúc đẩy sự phát triển
và vị thế tinh thần của văn học.
(Văn nghệ trẻ số
47 ra ngày 20/11/2011)
bài liên quan:
Nhã Thuyên bàn về thơ Nguyễn Bình Phương
Đoàn Ánh Dương bàn về văn xuôi Thanh Tâm Tuyền
What's up to all, how is everything, I think every one is getting more from this website, and your views are fastidious in favor of
ReplyDeletenew visitors.
giờ tan tác hết, bạn bè không còn, đã đau chưa?
ReplyDeleteôi đau quá
ReplyDeletenóng nữa