Đã đến lúc, văn học miền Nam cần được thực sự nhìn nhận và
đánh giá. Năm 2013 này sẽ là năm của nghiên cứu văn học miền Nam.
Cùng vài đồng nghiệp, chúng tôi đi vào một số vấn đề của văn
học miền Nam, những vấn đề văn học sử, hoặc sẽ là tiểu luận chi tiết như bài dưới
đây về văn xuôi Thanh Tâm Tuyền của nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương, hoặc những
sưu tập và chỉ dẫn về tư liệu. Rất mong được giúp đỡ thêm từ phía các nhà sưu tầm
và nhất là những người từng có trải nghiệm trực tiếp với văn học miền Nam
1946-1975.
Trang phebinhvanhoc.com.vn do nhà nghiên cứu Trần Thiện
Khanh chủ trương cũng sẽ hỗ trợ thêm. Hiện nay trang “Phê bình văn học” cũng đã
đăng tải một khối lượng tư liệu lớn.
Các nghiên cứu sẽ dựa trên tư liệu thực tế, sục vào các kho
tư liệu công hoặc tư, sử dụng các công trình từng có của các nhà nghiên cứu đi
trước với tinh thần cầu thị nhưng không dễ dãi chấp nhận mọi thứ.
Mở đầu bằng Thanh Tâm Tuyền và Sáng tạo hẳn là một khởi đầu hợp lý, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của
một nhóm văn chương từng có tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng lớn trong văn học
miền Nam trước 1975; cùng vệt này có thể tìm được một số tư liệu có sẵn trên
blog này, đặt ở các label thanh-tam-tuyen, mai-thao, sang-tao.
Theo dòng Dionysos: Thanh Tâm Tuyền và những dấn thân tiểu thuyết
Đoàn Ánh Dương
Thanh Tâm Tuyền, như Trần Dần ở ngoài Bắc, có một vị trí văn
học sử rất đáng kể. Đều bắt đầu sự nghiệp văn học từ những năm bản lề của cuộc
cách mạng lật đổ ách thống trị thực dân, thời cuộc và những dấn thân trí thức của
họ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn nghiệp. Người Bắc người Nam, với họ, những
tiếp xúc thường xuyên với nghệ thuật phương Tây đã đem đến những cách tân táo bạo
trong nghệ thuật văn chương. So sánh văn nghiệp và vị trí văn học sử của hai
tác giả này là một đề tài thú vị nhưng nằm ngoài sự bao quát của tiểu luận này.
Ở đây, bước đầu, chúng tôi chỉ đặt vấn đề tiếp cận với văn xuôi Thanh Tâm Tuyền,
một phần sự nghiệp rất đáng kể song còn nhiều khuất lấp, từ quan niệm đến thực
hành sáng tác, để chỉ ra những đóng góp mới mẻ của Thanh Tâm Tuyền cho việc hiện
đại hóa văn học Việt Nam. Việc Thanh Tâm Tuyền có mối quan tâm đặc biệt đến
phân tâm học, cùng với chủ nghĩa hiện sinh (vốn có ảnh hưởng khá sâu rộng ở miền
Nam), và chủ động kết hợp hai nguồn ảnh hưởng này để thiết tạo quan niệm nghệ
thuật, phổ vào trong các sáng tác, nhất là tiểu thuyết, sẽ là dòng mạch chính của
sự khảo sát này.
Con đường văn xuôi của Thanh Tâm Tuyền có mấy cột mốc đáng
chú ý: thời Người Việt và Sáng tạo (31 số, 1956-59) với một tiểu
thuyết đầu tay: Bếp lửa (S. Nguyễn Đình Vượng xuất bản, 1957)1;
khúc quành Sáng tạo (bộ mới, 7 số, 1960-61) với một tiểu thuyết in
phơi-ơ-tông (feuilleton) dở
dang trên tạp chí: Thềm sương mù (S.: tạp chí Sáng tạo, s.4,
tháng 10/1960 + s.5, tháng 11/1960 + s.6, tháng 12/1960-01/61 + s.7, tháng
9/1961) mà sau này sẽ được tu chỉnh để trở thành tiểu thuyết đáng kể thứ hai của
Thanh Tâm Tuyền: Cát lầy (S.: Giao Điểm
xuất bản, 1967)2; và hậu Sáng tạo với các tiểu thuyết:
Tiếng động (S.: Hiện đại xuất bản, 1970), Mù khơi (S.: Kẻ Sĩ xuất bản,
1970), Một chủ nhật khác (S.:
Khai hóa xuất bản, 1975), trong đó rất đáng chú ý là tiểu thuyết Mù khơi3.
Như một hậu thân của Người Việt4, tạp chí Sáng tạo do
Mai Thảo chủ trương, ra số 1, tháng 10/1956, tập trung một số cây bút trẻ thuộc
thế hệ trưởng thành sau tiền chiến. Tạp chí được xác định là “tạp chí văn nghệ
xuất bản hàng tháng” (khổ 16x24cm, bìa màu, 48 trang ruột), bìa 1 thông tin về
tạp chí và nội dung của số, bìa 4 giới thiệu những bài sẽ được công bố trong
các số sau (biên khảo, sáng tác, “cùng với nhiều tiếng nói nghệ thuật của những
người văn nghệ đang góp phần vào cuộc xây dựng văn hóa mới”). Khác với lệ thường,
Sáng tạo số 1 không nêu tôn chỉ trực tiếp. Song căn cứ vào các bài được
in, cũng như những thông tin cận văn bản, có thể nhận thấy mục tiêu của Sáng
tạo là “góp phần vào cuộc xây dựng văn hóa mới”5. Phải đến một
năm sau, ở số 12 (tháng 9/1957), tạp chí mới công bố một bản tuyên bố chung của
nhóm (gồm Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh, Mai Thảo, Mặc Đỗ, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm
Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Vũ Khắc Khoan), có lẽ nhân kỷ niệm chẵn năm hoạt động6.
Tuy vậy, tiếng nói gây dựng một nền văn hóa mới chỉ thực sự trở nên rõ ràng và
quyết liệt ở Sáng tạo (bộ mới, s.1, tháng 7/1960), khi tít phụ “tạp chí
văn nghệ xuất bản hàng tháng” được đổi thành “diễn đàn văn học nghệ thuật hôm
nay”. Bởi trong khoảng giữa Sáng tạo và Sáng tạo (bộ mới), đời sống
chính trị xã hội miền Nam có một biến cố quan trọng: tuyên ngôn Caravelle của một
nhóm trí thức ngày 26/4/1960 gửi tới chính phủ Ngô Đình Diệm; tuyên bố ôn hòa
này đã được chính quyền đáp lại bằng sự đàn áp, và mở đầu cho chuỗi khủng hoảng
chính trị ở miền Nam, mà khởi đầu là cuộc đảo chính bất thành chống Ngô Đình Diệm
ngày 11/11/19607.
Sáng tạo (bộ mới) đặt vấn đề chủ động xây dựng một nền
nghệ thuật mới, nơi mà “nghệ thuật đó tạo thành sự khác biệt căn bản giữa con
người, đời sống hôm qua và con người, đời sống hôm nay”. Họ, “trong không khí
và trạng thái một thời đại đã chết”, đặt lại vấn đề nghệ thuật: “Tránh xa những
xung đột trường phái, những bút chiến nhóm đảng, chúng tôi muốn nhập vào những
giòng [dòng] sống lớn của thế kỷ này. Chúng tôi kính trọng những tài năng thuở
trước, nhưng chúng tôi sẽ đặc biệt chú trọng đến những tài năng mới. Chúng tôi
đứng về phía những thí nghiệm và những mở đường dũng cảm, những người đang băn
khoăn, đang tìm kiếm và sẽ đi xa. Chúng tôi đón nhận mọi tư tưởng khuynh hướng
khác biệt nếu những khuynh hướng tư tưởng khác biệt đó phong phú, mãnh liệt, phản
ánh được ưu tư đạt tới sự thực của nghệ thuật và đời sống”; và tự xác lập vị
trí của mình: “chỉ là những người viết trẻ, tự nhận chưa làm được gì cho nghệ
thuật. Sự chân thành chúng tôi mang đến cho nghệ thuật là ý thức chúng tôi.
Sáng Tạo từ nay sẽ đặt hẳn mình là diễn đàn là ý thức của những người viết trẻ,
của nghệ thuật mới. Trên “diễn đàn văn học nghệ thuật hôm nay” dựng lại, chúng
ta, người viết và người đọc cùng tìm trả lời cho câu hỏi: Thế nào là nghệ thuật
hôm nay?”8. Bốn số liên tiếp của tạp chí, từ s.1 đến s.4, Sáng tạo
tổ chức thảo luận về các chuyên đề: Nhân vật trong tiểu thuyết (s.1);
Nói chuyện về thơ bây giờ (s.2, tháng 8/1960); Ngôn ngữ mới trong hội
họa (s.3, tháng 9/1960); Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam
(s.4, tháng 10/1960). Đây là những thảo luận thẳng thắn và quyết liệt, hòng chỉ
ra và xóa đi tàn dư của nền văn nghệ cũ và suy tư về các vấn đề cần có của nền
văn nghệ mới9. Thanh Tâm Tuyền tham dự đầy đủ (và nhiệt thành, nếu
tính tần số các lần phát biểu ý kiến và sự gay gắt trong các ý kiến) các cuộc
thảo luận này; đồng thời cũng công bố một tiểu luận, mà theo chúng tôi, đáng được
hiểu như là tuyên ngôn sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền: Nghệ thuật đen (Sáng
tạo, s.3, tr.35-48).
Nghệ thuật hôm nay: “sự bi đát đến phẫn nộ” trong phương
cách “dục tình”
Khi bàn về “nhân vật trong tiểu thuyết”, Thanh Tâm Tuyền đã
viện dẫn tới phân tâm học của Freud như một kích thích tới nghệ thuật hiện đại.
Nhận định về tiểu thuyết, ông cho rằng cần phải xác định chính xác thế nào là
nhân vật và vị trí của nó trong tiểu thuyết. Theo ông, “đường lối chung của tiểu
thuyết gia hiện thời” (ở đây ông muốn nhấn mạnh đến tiểu thuyết mới, vừa trong
ý đối lập với “tiểu thuyết truyền thống” và cả trào lưu tiểu thuyết Mới của
Pháp, bởi trong thảo luận ông có nhắc đến một đại diện của trào lưu này là
Michel Butor), “là tác giả chú trọng tạo cái không khí cho toàn thể tác phẩm.
Không khí là chính. Nhân vật là phụ. Nhân vật giống nhau, nhiều khi chỉ còn là
những tên gọi”10. Điều này sẽ được ông thực hiện trong các sáng tác
của mình (mà trường hợp Tiếng động là một ví dụ). Riêng về vấn đề nhân vật,
sau này sẽ trở thành vấn đề con người trong tiểu thuyết Thanh Tâm Tuyền, ông
phê phán xu hướng sử dụng tâm lý học cổ điển để dựng nhân vật và cổ vũ cho việc
sử dụng tâm lý học hiện đại, ở đây là Freud: “Đặt vấn đề một cách cụ thể hơn;
chúng ta có thể phân tích được rằng quan niệm về nhân vật thời xưa dựa vào tâm
lý cổ điển. Trong tâm lý nhân vật có những thành phần riêng biệt và chia rẽ.
Như đời sống tâm lý nhân vật cổ điển được chia làm ba phần: thông minh, cảm xúc
và ý chí. Mỗi nhân vật được quy định cá tính về một trong những khuynh hướng
căn bản kể trên. Bây giờ con người là một đồng nhất. Trong mỗi hành động đều
bao gồm cả một đời sống tâm linh. Phải kể đến ở đây tâm lý học của Freud chú
trọng khai triển con người ở bí mật tiềm thức hiện lên - chúng tôi nhấn mạnh”11.
Có lẽ đó cũng là lý do căn bản để đến cuộc trao đổi sau, khi thảo luận về “văn
nghệ tiền chiến”, Thanh Tâm Tuyền đã cực lực công kích tiểu thuyết tiền chiến,
nhất là kiểu tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn. Ông nói: “Theo tôi, tiểu thuyết
tiền chiến nói chung đã lỗi thời về mọi phương diện. Có thể gọi chung tiểu thuyết
tiền chiến là một thứ tiểu thuyết đơn giản. Trước hết, đề tài là một sự giản lược
của đời sống. Cốt truyện cũng hết sức giản lược, có thể quy thành công thức sau
này: một đàn ông + một đàn bà = một chuyện tình. Chuyện tình có thể chia rẽ hay
hòa hợp, bởi trở ngại cũ, mới, luân lý, lý tưởng v.v… Bố cục tiểu thuyết tiền
chiến thì mạch lạc, đơn giản. Tâm lý hời hợt, bởi chỉ ngưng lại cái vỏ con người
là tình cảm”. Để tỏ ra công bằng, ông nói thêm: “Qua tiểu thuyết tiền chiến,
tôi chỉ có thể nhận được người như Vũ Trọng Phụng. Và tạm nhận được Nguyên Hồng
qua Những ngày thơ ấu. Nhận ở cái ý thức mới so với thời đại của Vũ Trọng
Phụng, Nguyên Hồng. Nhưng phải công nhận rằng tiểu thuyết họ vẫn còn rất nhiều
khuyết điểm kỹ thuật”12. Với tất cả những kiểm thảo như thế, Thanh
Tâm Tuyền đề xuất phải đổi mới tiểu thuyết: “Tiểu thuyết không phải chỉ là truyện.
Như các nghệ thuật khác, nó phải là sự biểu diễn hết sức phức tạp của một nhận
thức chủ quan về đời sống”13. Ông đề cao ý thức của chủ thể sáng tạo,
bắt buộc nhà văn phải chú ý đến quan điểm, đến kỹ thuật, với nhân vật, thì “dựng
xong nhân vật rồi hãy tìm ở ngoài đời để kiểm chứng” chứ không phải “tìm ở
ngoài đời để dựng nhân vật”, “và như thế người viết tiểu thuyết với đầy đủ ý
nghĩa là một ông trời con”. Theo ông, “cái ý nghĩa chính là ảnh hưởng của tiểu
thuyết trong đời sống. Sẽ có những người ngoài đời bắt chước sống theo nhân vật
tiểu thuyết, và giá trị của tiểu thuyết chính ở chỗ nó tạo được một lối sống
cho người đời”14. Bằng cách lập luận ấy, ông đề xuất hình ảnh con
người của văn học thời bấy giờ: “Ở những tác giả buộc chặt được với thời đại
tôi thấy có thể quy định rằng: nhân vật thời nay là một người bước vào cuộc đời
với một cặp mắt bỡ ngỡ kinh ngạc và đòi hỏi một sự đặt lại tất cả các vấn đề mà
từ trước tới nay người ta coi như đã giải quyết ổn thỏa hay người ta đã làm lơ”15.
Nói như Tô Thùy Yên - người chia sẻ quan điểm với Thanh Tâm Tuyền khi thảo luận
- thì đó là “nhân vật với con mắt người tiền sử”16. Đây sẽ là một kiểu
nhân vật trong sáng tác của Thanh Tâm Tuyền, và được ông minh định sáng rõ
trong tiểu luận.
Một số ý kiến Thanh Tâm Tuyền phát biểu tản mát trong thảo
luận của nhóm Sáng tạo đã hiện diện trở lại lớp lang và bài bản trong Nghệ
thuật đen, bản tuyên ngôn về sự phản kháng nghệ thuật và nghệ thuật phản
kháng. Tiểu luận cũng có những tiếp nối và triển nở quan niệm về thơ đã được
trình bày trong tiểu luận Nỗi buồn trong thơ hôm nay được công bố trên Sáng
tạo số cuối cùng của bộ cũ, khi ông viện dẫn cách phân chia của Nietzsche về
hai dòng quan niệm nghệ thuật đối chọi: quan niệm kiểu Apollon và quan niệm kiểu
Dionysos17. Như sẽ thấy ở sau này, sự đối chọi ấy không chỉ được
Thanh Tâm Tuyền viện dẫn cho sự phân biệt giữa “thơ xưa” và “thơ hôm nay”, mà
còn trở thành cảm hứng cho những dấn thân về lý thuyết khi tiến hành phân biệt
giữa “nghệ thuật đen” (nghệ thuật hôm nay) và “nghệ thuật xưa” (nghệ thuật truyền
thống), để tìm cách ủng hộ nghệ thuật đen như cách Nietzsche đã ủng hộ nghệ thuật
của những người mơ mộng theo Dionysos. Mở đầu tiểu luận, Thanh Tâm Tuyền đã
dùng một lối văn hùng biện:
“Gọi nghệ
thuật đen là thứ nghệ thuật bi đát phẫn nộ, thứ nghệ thuật dục tình xuồng xã
[suồng sã], thứ nghệ thuật vô luân trắng trợn. Thứ nghệ thuật bị các nhà đạo đức
lên án, bị con người văn minh chối nhận, bị những người mác-xít dè bỉu - những
hạng người rất nghịch nhau lại gặp nhau ở điểm này.
Gọi nghệ
thuật đen là nghệ thuật bị hắt hủi, một nghệ thuật “mọi” của những tên “mọi”
trong xã hội¨. Nhưng ¨hãy nhận lấy một sự thực: “mọi” cũng là người và nghệ thuật
của “mọi” cũng là nghệ thuật của người. Và bọn “mọi” ấy cũng muốn được phát biểu
ý kiến như các ngài vậy.”18
Sau khi đã chỉ ra nguyên
nhân ra đời nghệ thuật đen, phân biệt nghệ thuật đen với nghệ thuật xưa [nghệ
thuật truyền thống], phân tích phẩm tính của nghệ thuật đen, ông kết luận:
“Gọi nghệ thuật đen không phải vì những ý nghĩa suy đồi lầm
lạc người ta gán cho nó. Gọi nghệ thuật đen bởi liên tưởng tới một màu da của
nhân loại, màu da đen. Đen có thể là một màu đẹp như đêm tối trong suốt vô
cùng, như tròng mắt của người thiếu nữ Á đông. Nhưng hiện thời đen tiêu biểu hết
nghĩa cho một cảnh ngộ trong ấy con người chịu đựng sức nặng đè ép của sự vật,
của một trật tự mấy nghìn đời.
“Cớ sao tôi xanh, tôi sần và tôi đen đến thế?”. Hãy
nghe tiếng kêu ấy của chàng nhạc sĩ da đen, hãy nghe những âm thanh đổ vỡ lổng
chổng hay mệt mỏi thê thiết của chàng như hình ảnh của một thế giới dục tình bi
đát.
Danh từ nghệ thuật đen được tạo thành từ hình ảnh
một màu da lại luôn luôn là thân phận của người, một thân phận mọi. Bởi thế
nghệ thuật đen chính là nghệ thuật hôm nay vậy.”19
Hướng lập luận của Thanh Tâm Tuyền trong tiểu luận này là tấn công vào quan
niệm xem thường thứ nghệ thuật bị cho là tôi mọi, là “phản động, phản tiến hóa,
phản nhân loại”, bởi các nhà bình luận chỉ vớt cái váng nổi trên bề mặt của lý
do phát sinh nghệ thuật này: bình diện xã hội mà nghệ thuật hiện diện như một
biểu thức. Thanh Tâm Tuyền muốn đi tìm căn nguyên “tiến bộ, tiến hóa, nhân loại
(phổ quát)” của nó từ bề sâu sự sáng tạo tinh thần cá nhân. Với ông, “nghệ thuật
trước hết là một lối nhận thức đời sống. Nhận thức nào cũng bắt đầu bằng sự
chia lìa cần thiết giữa một ý thức và đối tượng của nó. Cấp độ của sự nhận thức
cao thấp tùy theo sự chia lìa ấy sâu xa hay hời hợt”20. Nên trong sự
so sánh với lối nhận thức đời sống ở nghệ thuật xưa và lối nhận thức triết lý,
ông thấy tính cách mạng của nghệ thuật đen nằm chính ở cấp độ của sự chia lìa ấy,
một “chia lìa ghê gớm” như là “khởi nguyên của ý thức là mầm mống của thay đổi,
của sáng tạo”. Bởi theo ông, “triết lý luôn luôn là một sự khởi đầu, kẻ tới sau
muốn lật đổ áp lực người thuở trước. Nghệ thuật đối với các tác giả lớn cũng là
một khởi đầu”21. Ở đây, chúng ta thấy phảng phất cái quan điểm đã được
Thanh Tâm Tuyền nêu ra trong cuộc thảo luận về “nhân vật tiểu thuyết” đã được
nhắc đến trên kia, trong việc đòi hỏi nhà văn phải sáng tạo nên những nhân vật
bỡ ngỡ kinh ngạc trước thực tại với ý thức lật lại mọi vấn đề cố định thực tại ấy.
Chấp nhận nghệ thuật là một ý thức siêu hình về đời sống, giống như triết
lý, nhưng nghệ thuật đen đã không bị “tha hóa” như nghệ thuật xưa, dù là những
nghệ thuật lớn, khi chúng cố gắng “đồng hóa với triết lý”. Vì thế mà Thanh Tâm
Tuyền tuyên chiến, “ngay trong lĩnh vực văn chương, cái tham vọng của nhà văn
muốn đồng hoá văn chương với triết lý bao giờ cũng dẫn tới sự thất bại trên
bình diện nghệ thuật - không kể đến thứ văn chương đồng hóa với luân lý hay với
chính trị là thứ phản-văn-chương, bởi nó chẳng mang tới một nhận thức nào về đời
sống, nó chỉ minh họa cho một nhận thức đã được quy định giản lược từ trước”22.
Tham vọng đồng hóa để hướng tới sự bất diệt của nhận thức văn chương theo mô
hình triết lý là bất khả, mà phải đi theo con đường khác. Ông cho rằng nhà văn
phải ràng buộc mật thiết với đời sống để “chụp lấy trong những tình thế nhất định
bằng những kinh nghiệm độc nhất”, bởi “cái ý nghĩa vĩnh cửu của đời sống văn
chương, nếu đạt tới, vẫn bị giữ rịt giữa một hiện tại rõ ràng hiển hiện, gọi nó
là một hiện tại bất diệt vậy, không bao giờ nó là một thứ tuyệt đối khách quan
như cái ý niệm của Platon, của Hégel, hay - Thượng Đế (hoặc sự Siêu hóa) của
các nhà hiện sinh Công giáo như Kierkegaard, Jaspers, hay Tự Do (viết hoa) của
Sartre”23. Nghệ thuật đen không “tự vẫn trong triết lý” (ông mượn lại
cách nói của Camus), nên nó bất diệt và có sức mạnh.
“Nghệ thuật đen” - Thanh Tâm Tuyền viết - “chính là cái ý
thức siêu hình trước những cảnh ngộ trong đời sống hôm nay, là biểu thị sự tự
do của những con người bằng xương thịt trong những tình thế có thực của kiếp
người, là lời kêu gọi cất lên cùng mọi người trong cuộc hành trình lịch sử phải
sống.
Bởi đó nó bi đát phẫn nộ, nó xuồng xã dục tình, nó vô
luân trắng trợn.”24
Chính từ nền tảng này, Thanh Tâm Tuyền chỉ ra tính chất của nghệ thuật đen,
cái ưu thế cần thiết khiến nó trở thành nghệ thuật cần theo đuổi trong hiện tại.
Ông khẳng định: “cái tính chất đen đầu tiên của nghệ thuật hiện nay là sự bi
đát đến phẫn nộ ít thấy ngày trước”, “nghệ thuật đen đứng lại là một lời kêu gọi,
ý thức siêu hình sáng tạo của nó cố gắng đạt đến một nhận thức càng rộng rãi đầy
đủ bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, phô bày qua tác phẩm những thực kiện phức tạp
cho thật cụ thể chân xác, nỗ lực trong nhận thức triệt để về một cảnh ngộ là đã
mở ra những tầm chân trời để tùy sự lựa chọn từng cá nhân đường lối thích hợp
cho riêng mình giải phóng mình khỏi cảnh ngộ. Đối với xã hội, nghệ thuật đen giữ
vai trò là một ý thức dò hỏi phát hiện những vấn đề có liên quan đến kiếp sống
con người, một ý thức siêu hình luôn luôn thức tỉnh hoạt động trong phạm vi của
nó, không có tham vọng giải quyết. Giải quyết thuộc phần vụ của các ngành hoạt
động khác trong xã hội nhân loại, nói cho đúng là công trình của cả một xã hội
trong sự vận dụng hết mọi khả năng của xã hội ấy”25. Để đạt được mục
đích ấy, nghệ thuật đen phải tạo cho mình nhiều phương cách, nhưng trội bật hơn
cả là việc sử dụng dục tình. Ở đây, Thanh Tâm Tuyền đã tuyên bố một quan điểm
khá mới mẻ về vấn đề dục tình trong văn nghệ, điều sau này sẽ trở thành một chủ
đề rất đáng kể, luôn luôn dằn vặt và đòi hỏi được tái nhận thức, trong sáng tạo
của ông. Ông viết:
“Dục tình trong nghệ thuật đen là một phương cách của nhận
thức siêu hình, hiển nhiên không phải là phương cách độc nhất. Nếu nghệ thuật
đen có thường dùng đến luôn chỉ bởi phương cách ấy từ xưa vẫn bị nghiêm cấm
khinh rẻ, dục tình trong nghệ thuật ở xứ ta là một khu đất hoang chưa được khai
thác trong khi thật sự nơi ấy, cũng như ở những hình thái sinh hoạt nhân loại
khác, tiềm ẩn cái ý nghĩa siêu hình của kiếp sống mà nhận thức nghệ thuật có thể
phơi mở. Không tuyệt đối tin theo Freud rằng cuộc sinh hoạt nhân loại bị quy định
thầm kín bởi dục tình bởi bản năng - sự sai lầm hư hỏng của Freud là muốn biến
khoa tâm phân bệnh học của ông thành một triết lý toàn diện giải thích tất cả -
nhưng cũng không thể chối rằng bản năng, dục tình không giữ vai trò gì đáng kể
trong cuộc sinh hoạt nhân loại. Nghệ thuật đen không ngoảnh mặt với đời sống, đối
diện với nó trong mọi mặt xuất hiện để theo đuổi dò hỏi ý nghĩa của nó. Hơn nữa,
dục tình lại là điểm phát khởi của đời sống nhân loại lúc sơ khai và còn dự phần
mãi mãi trong đời sống ấy, trong nó có chứa đựng cái ý nghĩa siêu hình thiết thực
của thế tục. Không nhận thức nào cụ thể mạnh mẽ hơn về sự sầu khổ hay hân hoan
bằng sự sầu khổ, hân hoan hiển hiện trong da thịt của một người, người ta không
còn thể chối cãi rằng đó chỉ là tưởng tượng. Đáng thương cho những kẻ mà sự nhận
thức mới nằm trong địa hạt của lý tính trong con người, nó làm cho họ trở thành
kẻ lạ mặt giữa cuộc sống, kẻ lạ mặt trong chính thân xác họ. Đối với một vài cảnh
ngộ, dục tình còn có thể được coi như một nguyên lý phát khởi cùng một lúc sự
chối từ tất cả và và sự yêu mến tất cả. Trong dục tình người ta yêu cái chết
cùng một lúc với sự sống. Nói như Sartre, “dục tình ném con người vào trong
lòng sôi sục của tự nhiên và đồng thời nâng nó vượt khỏi tự nhiên do sự khẳng định
cái quyền hạn của nó không được thỏa mãn”.26
Tiếp nhận phân tâm học của Thanh Tâm Tuyền ở đây đã mang một tinh thần phản
biện rõ ràng. Ông đồng tình với Freud ở chỗ dục tình được hiểu như là một
phương cách tư duy siêu hình của nghệ thuật, nhưng ông phản đối Freud ở chỗ ông
ta đã đẩy những suy tư phân tâm học từ lĩnh vực tri nhận của một ngành bệnh lý,
sự phát hiện tính chất khởi điểm của dục tình như là khởi điểm của nghệ thuật,
dấn sâu vào không gian suy tư triết lý, tưởng làm giàu sang nó nhưng thực chất
làm nghèo nàn nó. Vì vậy, Thanh Tâm Tuyền muốn kết tập phân tâm học của Freud
và tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh, để đề xuất một mô hình nghệ thuật mới,
“nghệ thuật đen chính là nghệ thuật hôm nay”, mang thế giới quan hiện sinh (nhà
văn dấn thân, văn nghệ phản kháng,…) và thao tác luận phân tâm học (vai trò của
tiềm thức, vô thức; của dục tình;…). Tất nhiên, trong sáng tác của Thanh Tâm
Tuyền về sau này, mô hình nghệ thuật đen được thi triển với nhiều biến hóa,
cung cách ứng xử với những luồng ảnh hưởng triết mỹ Âu Tây cũng có nhiều biến đổi;
dù ngay lúc ấy tiểu luận đã được hồi ứng đáng kể27. Có thể do nghiệm
trải của nhà văn, cũng có thể do không gian văn học đô thị miền Nam có nhiều
chuyển động phong phú và đa dạng. Nhưng ở ngay năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ
XX, quan niệm văn học của Thanh Tâm Tuyền nói riêng và của nhóm Sáng tạo nói
chung, có tính cách đột phá, có nhiều tác động tới đời sống văn học đô thị miền
Nam28.
Từ tiếp nhận đến biến cải: phân tâm học trong tiểu thuyết
Thanh Tâm Tuyền
Bếp lửa là sáng tạo văn xuôi đáng kể đầu tiên của Thanh Tâm Tuyền. Đó không phải
là một cuốn tiểu thuyết đầu tay, như ông xác nhận trong lời tựa bản in lần thứ
tư (S.: Kẻ Sĩ xuất bản, 1973)29, bản in mà ông muốn là bản in chung
quyết để bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết khác, không phải cố công tìm cách viết
lại chính nó nữa. Tại sao lại phải viết lại? Vì tiểu thuyết đầu tay đã bị tác
giả hủy bỏ, nó trở thành “cuốn tiểu thuyết thứ nhất” dù không phải là “tiểu
thuyết đầu tay”, một cuốn tiểu thuyết “được viết một hơi - khoảng đâu hai ba
tháng - được in ngay sau khi viết - không có một quãng cách nào để kịp lùi,
nhìn lại”, “quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo”. Nó có nhiều yếu tố
tự truyện, từ nhân vật Tâm mang tên cúng cơm của tác giả đến nhiều sự kiện có
thật khác, như đã được Thanh Tâm Tuyền nói trong cuộc thảo luận về “nhân vật tiểu
thuyết”, tức nó là một ký ức, thứ ký ức nhuốm màu hư cấu, mà nói như Nabokov,
“sự khai thác thực tại riêng cá nhân được tiểu thuyết hóa say sưa mãnh liệt hơn
trong lời tự thuật tỉ mỉ trung thực” đến mức sau đó nhà văn “không hề cảm thấy
chút nào ngượng ngùng thú nhận rằng sự gắn bó của tôi - như một vết thương sâu
- đối với quyển sách đầu đời”, khi ông so sánh tiểu thuyết đầu tay Mashenka
(1926) với tự truyện Nói đi, hồi ức (1969) trong lời tựa Mary (1970),
bản dịch tiểu thuyết ấy sang Anh ngữ. Vậy là, lại là trong một lời tựa, và
về một cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không phải là cuốn xuất sắc, càng không xuất
sắc so với Lolita (1955) đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới và
trong đô thị miền Nam, song đã được Thanh Tâm Tuyền chọn dịch dưới tiêu đề Tình
một thuở30. Có một
sự chia sẻ đáng kể giữa Thanh Tâm Tuyền với Nabokov, mà chúng tôi sẽ trở lại ở
phần sau của tiểu luận này. Viện dẫn Nabokov, và những lời tự bạch của Thanh
Tâm Tuyền, để thấy rằng, Bếp lửa là cội nguồn tình yêu văn chương và sự
sống của ông, ý thức trách nhiệm trong sáng tạo và trong đời sống của ông. Bởi
như lời nhân vật chính của tiểu thuyết gửi người yêu, “anh yêu quê hương vô
cùng và anh yêu em vô cùng”, và như lời tác giả của nhân vật tự truyện ấy “mỗi
nhà văn là một kẻ sống sót” để truyền lưu sự thật và sự lựa chọn, trong lời tựa
của bản in lần thứ 2 (S.: Sáng tạo xuất bản, 1965)31. Bếp lửa,
nói như Nabokov, cũng là “một vết thương sâu” nuôi dưỡng tình yêu văn chương và
niềm tin sống của Thanh Tâm Tuyền.
Sau Bếp lửa, Thanh Tâm Tuyền không còn viết một cách giản đơn như thế.
Dù tự bạch về việc muốn viết lại cuốn tiểu thuyết ấy chắc hẳn không phải vì sự
phức tạp hóa của ông ở giai đoạn sau. Gần như để minh chứng cho những công kích
của mình với sự giản đơn của tiểu thuyết tiền chiến, trong Sáng tạo (bộ
mới), ông cho in phơi-ơ-tông Thềm sương mù32, một tiểu thuyết có cấu trúc phức tạp, và không ít giễu
nhại, được tái xuất trong một hình hài khác dù vẫn dưới dạng in phơi-ơ-tông, để
phải đến bảy năm sau, tiểu thuyết mới xuất hiện ở dạng ấn bản sách, dưới tiêu đề
Cát lầy của lần tái xuất thứ hai như đã nói đến ở trên. Thềm sương
mù/Cát lầy dùng nhiều tuyến truyện xen gài với nhau giữa hàng loạt nhân vật:
Hiệp - Nhàn - Khuyến - Tạo - Bằng - Khôi - Lucie - Khản - Hoa - Kim - Hồng -
Trí - Diệp - …, trong đó có hai mạch chính là các mối tình giữa Hiệp - Nhàn -
Khuyến - Kim - Hoa và Trí - Nhàn - Diệp. Ở đấy, Nhàn yêu Khuyến (hay yêu cả
Khuyến và Hiệp?), nhưng lại rời Sài Gòn ra Thủ Dầu Một để sinh sống với Hiệp;
Hiệp ở với Nhàn nhưng vẫn vào Sài Gòn dan díu với Hoa, người tình của anh bạn
tên Kim mà y đã bỏ rơi; Trí yêu Diệp, nhưng cũng đơn phương yêu Nhàn, dù tình cảm
anh em bạn bè giữa bốn người là gần gũi, thân thiết. Nếu như dấu vết hiện sinh
hiện diện trong lối sống thì phân tâm lại hiện diện trong cách thức xây dựng
tâm lý nhân vật (chứ không đơn thuần chỉ là dấu vết vật chất, khi trong truyện,
nhà văn để cho Khản đề nghị Hiệp viết một cuốn sách về Freud với nhận định chắc
chắn của một người xuất bản: “Thiên hạ bây giờ đang refoulé tợn lắm”)33.
Sự phức tạp trong tâm lý và tính cách của Trí, cái sự điên và ý thức về sự điên
ấy, có dấu vết rõ ràng của phân tâm học với việc khai thác phần tiềm thức và những
ẩn ức ấu thời của nhân vật34.
Song tham vọng của Thanh Tâm Tuyền hình như không chỉ dừng lại ở đấy. Ông nỗ
lực hiện đại hóa nghệ thuật tự sự, từ đơn tuyến thành đa tuyến, từ đơn giản
thành phức tạp. Cùng với hiện đại hóa, ông công kích tiểu thuyết tiền chiến, bằng
cách trưng ra mối tình “lãng mạn hiệp sĩ” của Hiệp với Hoa, và để cho Hoa,
trong lúc đắm đuối thụ hưởng tình yêu của Hiệp, tán nhảm về cuộc tình của mình
thời thơ ấu, một cuộc tình thấm đẫm màu sắc Tự lực văn đoàn và Thơ mới, mà cô
không ngần ngại nhại: Ngày mai anh bỏ làm thi sĩ/Em lấy chồng rồi hết ước mơ;
hay để người tình bé bỏng của cô làm thơ: Tôi khóc vì mình sắp biệt ly/Hoa
ơi đâu có hẹn ngày về… Tuy nhiên, sự giễu nhại này hầu như rất ít xuất hiện
trong các sáng tác sau đó của Thanh Tâm Tuyền. Có thể vì trong khúc ngoặt những
năm 60 của thế kỷ trước, khát vọng khẳng định của một thế hệ trẻ trước gánh nặng
quá khứ và sự trỗi dậy của quá khứ ấy trong một bộ phận không nhỏ các nhà văn
thế hệ tiền chiến di tản vào Sài Gòn, khiến phản ứng của họ trở nên mạnh mẽ và
quyết liệt, mà trong sự đa dạng và cởi mở ở giai đoạn sau, vấn đề xung khắc thế
hệ trở nên bớt gay gắt hơn. Sáng tác của Thanh Tâm Tuyền khi ấy, chủ yếu hướng
về phía hiện đại hóa văn học.
Năm 1970 đánh dấu sự trở lại ấn tượng của Thanh Tâm Tuyền với việc nguyệt
san Tân văn (s.23, tháng 3/1970) tái bản tập truyện ngắn Dọc đường,
và các cơ sở xuất bản khác nhau cho ấn bản ba tác phẩm khác: Hiện đại với Tiếng
động, Kẻ Sĩ với Mù khơi, và Chiêu Dương với Tạp ghi. Ngoài Tạp
ghi là tạp văn sưu tầm trên nhật báo Tiền tuyến, hai tác phẩm còn lại,
dù Tiếng động được ghi là “truyện tình”, vẫn được xem là hai tiểu thuyết
độc đáo của Thanh Tâm Tuyền, ở hai phương hướng thể nghiệm nghệ thuật khác
nhau. Tiếng động, chỉ gồm hai chương, dưới hình thức nhật ký và thư từ,
như đã nói từ trước, chủ yếu hướng tới việc tạo dựng không khí tiểu thuyết. Một
bút pháp tiểu thuyết vạm vỡ, với con người và đời sống vây bọc nó, hiện diện đủ
đầy trong Mù khơi. Chúng tôi sẽ không nói về tất cả những đổi mới về mặt
thi pháp của Mù khơi mà chủ ý đi tìm cách thức mà phân tâm học đã để lại
dấu vết, còn nhà văn thì kháng cự lại nó, như là một biểu hiện của tinh thần
“nghệ thuật đen”. Chúng tôi muốn nói đến một nỗ lực phản-phân tâm học trong tiểu
thuyết này.
Mở đầu tiểu thuyết, Thanh Tâm Tuyền đã nêu rõ cái ý tưởng ấy. Cái ý tưởng
mà chỉ một lần duy nhất, ông công nhận công trạng của phân tâm học khi nó phát
kiến ra thế giới của tiềm thức, vô thức (trong cuộc thảo luận về “nhân vật
trong tiểu thuyết”), còn các lần khác đều chủ yếu là công kích nó, đúng hơn,
công kích nỗ lực phổ quát hóa nó như một triết lý toàn diện, một phương pháp vạn
năng, một chủ đề đầy đủ35. Trong những trang đầu của tiểu thuyết,
tác giả để cho nhân vật xưng tôi quả quyết:
“Tôi biết, tôi dư sức biết, mối tình cảm của tôi có thể
được giải thích bằng cái lý thuyết gọi là tâm phân của Freud. Ôi, cái mặc cảm gọi
là Oedipe kia lồ lộ trong cái khuynh hướng sát phụ. Mọi người muốn hiểu thế
cũng được. Riêng tôi, tôi không muốn…
Phải, mối tình cảm của tôi đối với người đàn ông ấy không
giản dị là của đứa con chống lại với bố nó. Không giản dị thế đâu. Còn cái gì
hơn nữa kìa, cái gì mạnh mẽ buộc chặt tôi vào người khiến tôi nổi điên vùng vẫy.
Cái gì buộc chặt tôi? Và bây giờ cái chết cởi thoát cho tôi, với sự tự do vừa
tìm thấy, tôi sẽ… phải, tôi sẽ sung sướng hơn”.36
Để trả lời cho được định đề khởi điểm ấy, nhà văn đã dẫn dắt người đọc qua
biết bao con đường lắt léo, bố cục trôi nổi, mạch truyện khi căng khi chùng khiến
cho nhiều lúc, câu chuyện tưởng đã đi đến hồi chung cục, lại rẽ quành theo ngả
khác. Nhân vật xưng tôi, trải qua bao biến cố, bao cuộc tình, tuy hình hài
không thay đổi nhưng tên tuổi và lai lịch lại thay đổi thường xuyên, chẳng vì một
lý do nào cả, ngoài lý do cần thấy thay đổi và xóa nhòa dấu vết, ngược hẳn với
cái lai lịch dẫu được huyền thoại hóa vẫn ít nhiều cố định của người cha và người
bạn gái (vừa của người cha vừa của người con) bởi những hoạt động mang tinh thần
tranh đấu của họ. Phải đến hai chương áp chót của cuốn tiểu thuyết, Thanh Tâm
Tuyền mới hé lộ câu trả lời cho cái câu hỏi bóp nghẹt nhân vật chính. Một câu
trả lời giả, sau đó mới đến câu trả lời thật.
Trong chương 12, tác giả để cho Trường, lúc này đang mang tên Phúc, có một
cuộc làm tình bẽ bàng với người phụ nữ của cha mình - ông Nguyễn - dù hai người
thực sự đã vượt qua được cái bóng phủ trùm của ông ta. Trong im lặng của buổi
chiều, một hình ảnh của người bạn gái đã kéo Trường về với thời quá khứ, để đem
lại lời giải đáp cho nỗi trớ trêu của cuộc tình ấy:
“Hồng nghiêng mặt nhìn tôi dịu dàng thân ái, môi dưới trề
thêm theo thói quen mỗi lần phát biểu kín đáo mối bất bình trước đám bạn trai
ngày nào trong sân trường đại học hay trong các buổi hội họp khi mọi người quá ồn
tranh giành thủ thắng với lý lẽ cù nhầy. Hồi đó, bọn con trai gọi Hồng là
"bà già khó tính" và trêu tôi "cậu gánh dùm bà già khó tính cho
em nhờ".
Tôi bỗng nhớ đến những ngày trôi nổi của đời sinh viên,
nhớ đến hình như trong một giấc mơ nào, tôi đã hôn Hồng và tưởng tượng người bạn
gái đã nói: "Anh Phúc ơi, đứa nào xúi anh hôn tôi… Anh coi chừng…" Bản
năng làm mẹ của Hồng quả là mạnh, nàng đứng vững chân trên mặt đất cứng. Tôi xẹp
xuống, mềm nhão trong cái cảm tưởng chúng tôi đã lìa bỏ cơn lốc mù bước vào
vùng bình yên thoáng khí.
Tôi bạo dạn quàng tay ôm ngang ngực người bạn gái và Hồng
tụt dần ra khỏi gối tựa vào tay tôi. Chưa khi nào tôi hưởng được những giây
phút thanh thản đến như thế. Tôi muốn thiếp ngủ bên cạnh Hồng với sự trống trải
của chúng tôi ủ dưới lần chăn mỏng. Thân nhiệt ở Hồng điều hoà bình tĩnh như
làn nước dưới mặt hồ phẳng. Có lẽ sự căng thẳng trong ngày đã giựt đứt mọi giây
trói quấn bây lâu ở nàng và lúc này chỉ còn sự tả tơi mơ mộng ở lại trên da thịt
nàng.”37
Một câu trả lời với đầy đủ các bước của một trị liệu tinh thần, có một hình
ảnh bất ngờ gợi về ký ức, có giấc mơ dục tình, để nhận ra sự chi phối của bản
năng làm mẹ nơi Hồng, xóa đi khoảng cách giữa hai người để họ có thể sống thanh
thản trong một “vùng bình yên thoáng khí”. Câu chuyện tưởng cũng có thể dừng lại
tại đấy, khi đôi tình nhân đã nếm trải quá nhiều thử thách trên đường đời.
Nhưng với Thanh Tâm Tuyền, từng ấy là chưa đủ. Nó là lý do để ông lật lại phân
tâm học, hay vì muốn lật lại phân tâm học như một triết lý trọn vẹn, mà xuất hiện
tiếp tục những dữ kiện phân tâm ở chương kế tiếp.
Chương 13 tiếp tục ca trị liệu theo phương pháp phân tâm ấy. Sự kiện chia sẻ
thân xác lần đầu tiên tạo đủ sự tự tín cho Hồng thổ lộ với người yêu quá khứ của mình. “Hôm nay tôi sẽ nói hết cho
anh nghe. Tôi nói với tôi hoài vô ích. Tôi là con bệnh, anh cứ coi tôi là con bệnh.
Anh thử đóng vai psychanalyste hộ tôi. Biết đâu, anh chẳng phát giác giúp tôi
chữa khỏi… Biết đâu?”38 Và một câu chuyện theo lối phân tâm được kể
ra: tình yêu ấu thời cùng lần chung đụng thể xác từ tấm bé với người anh họ xa
đã theo Hồng đến mãi sau này, không thể nguôi ngoai, không thể dứt bỏ, và càng
không thể thổ lộ. Những cứ liệu chính xác và trùng khít lý thuyết đến mức tạo
ra sự… hoài nghi nơi Trường.
“- Chị Hồng, chị thử nhớ kỹ lại xem chị đã đọc Freud trước
hay sau khi chị nhớ lại cái biến cố thời thơ ấu… Chị nhớ kỹ lại xem".
- Trước hay sau, làm sao tôi nhớ? Nhưng điều ấy có quan hệ
gì?
- Tôi nghĩ là quan hệ. Câu chuyện của chị có thể đã không
sống lại, không ám ảnh chị nếu chị không đọc Freud. Chị sẽ không thấy gì cả. Mọi
sự rồi trôi qua tự nhiên. Nhưng vì chị đã đọc tâm phân và chị nhiễm bệnh. Chị
không còn thấy tự nhiên nữa… Rất có thể chuyện đó không hề bao giờ xảy ra và chị
đã phải cố tìm, tìm cho ra một điều gì… điều gì đó phải có để biện minh cho một
sự trục trặc hiện thời… Cái việc không là biến cố hoá thành ra biến cố trọng đại,
có thể là vết trầy xước sơ xịa bị khoét moi móc thành vết thương… Sự trục trặc
có thể qua khỏi nghiễm nhiên trở thành tật chứng có căn rễ sâu xa…, chị sẽ nhìn
thấy những vực thẳm nơi mình, vực thẳm không đáy… Làm gì có vực. Chỉ có ảo tưởng
của chính mình thôi."39
Trước sự khăng khăng của người bạn gái, “có Freud hay không có Freud thì
tình trạng của tôi vẫn rõ ràng… làm sao tôi chối được?”, Trường tiếp tục phân
giải, nhưng lần này không hề giống tư cách một bác sỹ tâm lý: “Chị thử nghĩ mà
xem, nếu tôi nghĩ như chị thì tôi sẽ khổ đến chừng nào… Có lẽ không sống nổi…
Chị thử nghĩ lối đó xem thì tôi là cái giống gì? Mình đang nằm đây, tôi với chị
này, là cái sự thể gì vậy? Comlexe d’Oedipe chứ còn gì nữa. Tôi thù ông
bố tôi, chiếm đoạt người yêu của ông bố… Chúng ta vừa đi thăm mộ ông về rồi
thì… Chị thấy không, tôi bệnh, đứt đuôi con nòng nọc chứ còn gì nữa… Như thế
thì chị là hình ảnh của người mẹ đối với tôi, chị không còn là Hồng nữa… Chị
nghĩ thử xem” “Chị Hồng, chị cứ muốn đóng vai người mẹ… nhưng rốt cuộc chị vẫn
là trẻ con như chị thú nhận đấy phải không nào? Tại sao mình không nghĩ ngược lại
là chị từ trong tiềm thức, chị đi tìm tôi qua ông Nguyễn chẳng hạn, nghĩ thế
cũng có thể đúng chứ sao… Nhưng thật ra nào có gì, chẳng là cái gì ráo… Mình vẫn
là bạn, chỉ là bạn thôi, chị Hồng ạ”40. Đến đây, cái ám ảnh phân tâm
đã bị giải thể, bởi nó không tạo được niềm tin, nó dễ dàng bị tháo dỡ và hoán đổi.
Song đòn kết liễu của một niềm tin phân tâm, ở đây được hàm ngụ qua nhân vật Hồng,
lại nằm ở chính lời thú tội sau rốt của chị: “Anh biết không, tôi còn nói chưa
hết… Lầu đầu tiên, tôi như thế này… nhưng không phải là lần đầu tiên… Hồi tôi bị
bắt, phải hồi đó… Anh hiểu tôi định nói gì chứ… Bọn công an chúng cười vào mặt
tôi: tưởng thế nào, tưởng mấy cố thế nào… không ngờ… không ngờ… Chúng tưởng tôi
là con gái trong trắng… Và tôi đã là đàn bà… Anh hiểu chứ, một người đàn bà…”
Cái lý do đích thực làm khô héo con tim của Hồng là ở đấy, một nguyên nhân hoàn
toàn xã hội. Nó làm cho Trường nhận ra “Không hề có xâu chuỗi như người ta mơ
màng quàng quấn trên cổ mình và gọi bên bằng Định mệnh. Định mệnh cũng là thứ hạnh
phúc trang điểm cho đời người thêm rực rỡ”41. Phần còn lại của tiểu
thuyết, chương 14, là dư âm của niềm vui được trút bỏ gánh nặng, không phải để
làm lại một cuộc đời tươi mới, cuộc đời đã bỏ lại đằng sau biết bao đắng cay.
Chi tiết Trường chối bỏ không nhận người bạn cũ, cảm giác an nhiên khi gặp lại
Hằng, người con gái được miêu tả ở những trang đầu tiểu thuyết, trong buổi hẹn hò mà Trường nghĩ mình đã dứt khỏi sự
trì níu của người cha bằng cái chết của ông ta để đến được với người mình yêu,
người con gái đã để lại sự thương tổn sâu sắc khi bỏ Trường ở lại trơ trọi với
mối tình của mình, báo hiệu sự lãng quên toàn triệt, mà trước đó cũng ít nhiều
đã được Trường hé lộ cho Hồng khi cô quyết định xuất ngoại. Tiểu thuyết dừng ở
đấy, như một cố gắng không “tự vẫn trong triết lý”. Mù khơi là cái khoảng
không hỗn mang của con người bị buộc phải đứng trước sự đổ nát của đời sống,
nghiệt ngã và phi lý, nhưng không cùng đường và cũng không có con đường vượt
thoát được vẽ ra, dù bằng ý chí hay niềm tin vào định mệnh. Tiểu thuyết không vạch
mây để thấy mặt trời, nhà văn càng không xé toang lồng ngực lấy trái tim thắp
sáng dẫn lối, mà chỉ gióng lên một tiếng chuông tan trong mây, hay lan lan rồi
hòa vào khói sương trên mặt hồ đã kịp trở nên tĩnh lặng.
Những nhận thức bước đầu khép lại vấn đề
Một quan điểm triết mỹ, hay một lý thuyết Âu Tây, khi vào Việt Nam thường
được tiếp nhận nhưng cùng với đó là quá trình tự điều chỉnh. Luôn chịu sự chi
phối của tâm lý đám đông, khả năng vượt thoát để tạo nên một thế đứng điềm tĩnh
trong tiếp nhận là không dễ dàng. Bằng những dấu vết văn tự, dễ thấy Thanh Tâm
Tuyền có thể đại diện cho một dòng chảy của sự tiếp nhận phân tâm học vào trong
sáng tạo văn học. Tuy vậy, tiến tới một lối viết phản-phân tâm là một nỗ lực
riêng của nhà văn. Ở đây, có lẽ Thanh Tâm Tuyền cũng tâm đắc với nhiều quan niệm
của nhà văn lưu vong Nabokov, trong việc đọc và chuyển ngữ sáng tác của ông
sang tiếng Việt, và trong cả sự tiếp nhận Nabokov ở môi trường văn nghệ đô thị
miền Nam. Như đã nói ở trước, sự chia sẻ ấy ít nhất ở hai điểm: sự tương đồng
trong niềm trăn trở về những sáng tác mang dấu tích hư cấu hóa cá nhân ở giai
đoạn đầu; và, tinh thần phản-phân tâm như một phương cách chống lại sự áp chế của
triết lý khoa học vào triết lý văn chương, trong khi nhà văn được/bị chung sống
với các lý thuyết và kỹ thuật văn nghệ.
Ở đô thị miền Nam, cùng với Thanh Tâm Tuyền, nhiều nhà văn cũng tiếp nhận
phân tâm học như Duyên Anh, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, nhất là
các nhà văn nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Túy Hồng, Nhã Ca, Trần Thị Ng.H,…
tất nhiên với mức độ cùng sự thi triển khác nhau trong sáng tác, như đã được đặt
ra trong giả thiết từ đầu tiểu luận này. Nguồn cội của tiếp nhận xuất phát từ sự
giao lưu văn hóa tương đối dễ dàng, từ sự phổ cập của báo chí và dịch thuật,
cũng từ sự tương đồng trong mối quan tâm tới các chủ đề văn học nữa. Trường hợp
dòng văn học dục tình chẳng hạn, với các tác giả nữ, có lẽ cũng không thể chỉ
xem xét ở khía cạnh tiếp nhận phân tâm, bởi sự bắt nối vào thân thể người nữ vừa
như chủ thể vừa như đối tượng của sáng tạo nghệ thuật luôn mở ra nhiều hơn một
cánh cửa phân tâm học. Một điều nữa cũng đáng được quan tâm là thực sự cũng
không có nhiều nhà văn chuyên tâm vào việc định hình một lối viết có bệ đỡ triết
mỹ, như hiện sinh với Dương Nghiễm Mậu, hiện tượng học với Thế Nguyên, và ở đây
là Thanh Tâm Tuyền với phân tâm học. Cách Thanh Tâm Tuyền dùng từ refoulé
cho thấy tâm lý đám đông đã tác động đến việc hình thành các mốt trong tiếp nhận
và sáng tạo văn chương thế nào. Nó khiến cho hầu như ở tác phẩm nào cũng có ít
nhiều dấu vết của các trào lưu triết mỹ đang được nhập khẩu nhanh mạnh vào đô
thị Sài Gòn.
Trong bối cảnh ấy, tự xây dựng quan điểm nghệ thuật của riêng mình và thi
triển quan niệm ấy trong sáng tác như Thanh Tâm Tuyền đã làm là một nỗ lực vượt
thoát đáng kể. Và tất nhiên, điều đáng kể hơn là nỗ lực ấy đã đạt được kết quả.
Thực vậy, bằng những tiểu thuyết với những quan điểm và bút pháp mới mẻ, Thanh
Tâm Tuyền đã thực sự tạo dựng cho mình một vị thế Thanh-Tâm-Tuyền-văn-xuôi bên
cạnh Thanh-Tâm-Tuyền-thơ. Thậm chí, với văn xuôi, tiếng nói giải phóng càng được
cất lên với những cung bậc đa dạng. Dostoievsky và Nietzsche đã là nguồn
cảm hứng nhân văn khổng lồ cho những sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền, nhất là ở chặng
từ Cát lầy đến Mù khơi. Tiểu thuyết Ung thư, ở dạng bản thảo
in sách chứ không phải dạng in phơi-ơ-tông, đã được quảng cáo xuất bản mà không
đến được tay bạn đọc; và Một chủ nhật khác trở lại nhiều hơn những cung
cách tự sự truyền thống dù còn được đọc như một tự truyện/tự hư cấu, có hay
không, khép lại những nỗ lực bền bỉ ở Thanh Tâm Tuyền? Hình như ngay cả ở những
khoảng lặng như thế, Thanh Tâm Tuyền cũng không bẻ lái về phía nghệ thuật của
thần Apollon, mà vẫn ấp ủ cho một vũ hội mới khởi đi từ thần Dionysos.
-----------
(*) Tiểu luận này được
phát triển trên cơ sở một chuyên đề khảo sát việc tiếp nhận phân tâm học ở đô
thị miền Nam trước 1975 của đề tài cấp Bộ tìm hiểu sáng tác văn xuôi đô thị miền
Nam do PGS.TS. Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm -
ĐHQG Hà Nội chủ trì. Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ về mặt tư liệu của TS. Đỗ Hải
Ninh, ThS. Cao Việt Dũng, ThS. Nguyễn Mạnh Tiến, nhà sưu tầm sách Vũ Hà Tuệ. Một
phiên bản khác của bản thảo này cũng đã được PGS.TS. Nguyễn Thị
Bình, các anh Dũng, Tiến và Mai Anh Tuấn đọc góp ý. Xin được gửi lời cảm ơn.
1 Về tuần báo Người Việt và sự cộng tác của Thanh Tâm Tuyền xin xem:
Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trước khi có nhóm Sáng
tạo, tại http://www.hopluu.net/D_1-2_2-95_4-1594, lên mạng
ngày 6/2/2011.
2 Thực ra, sự tu chỉnh tiểu thuyết dang dở Thềm sương mù với tên mới
là Cát lầy, đã được Thanh Tâm Tuyền thực hiện trước đó, và công bố dưới
dạng in phơi-ơ-tông trên tạp chí Bách khoa [thời đại/ giai phẩm] [bán
nguyệt san, do Huỳnh Văn Lang chủ trương, về sau là Lê Ngộ Châu, ra được 426 số,
s.1 ra ngày 15/1/1957, s.426 [G**/IVoXXVI], ra ngày 15/4/1975, là tờ tạp chí
dung hòa về quan điểm, đăng tải nhiều sáng tác và biên khảo văn học nghệ thuật],
liên tiếp từ s.193+194, ra ngày 15/1/1965 đến s.217, ra ngày 15/1/1966. Đây có
lẽ là tác phẩm duy nhất Thanh Tâm Tuyền công bố trên Bách khoa. Chúng
tôi không tìm được cứ liệu Thanh Tâm Tuyền sử dụng bút danh khác để công bố tác
phẩm trên Bách khoa. Các thành viên khác của Sáng tạo cũng
ít xuất hiện trên tạp chí này, và cũng phải khá nhiều thời gian sau khi Sáng
tạo (tục bản)
đình bản. Giống như Võ Phiến, tác giả thân thiết của Bách khoa,
chỉ xuất hiện hai lần trên Sáng tạo, với truyện ngắn Kể trong đêm
khuya, in hai kỳ trên s.20, tháng 5/1958, s.21, tháng 6/1958 và hai đoản
văn Dừng chân, Tâm sự, trên s.27, tháng 12/1958. Việc các thành viên [và
các tác giả thân thiết] trong hai tạp chí rất đáng kể ở miền Nam những năm đầu
đất nước phân chia này ít cộng tác với nhau, ngoài việc Bách khoa cho in
thư ngỏ của Nguyễn Văn Trung gửi nhóm Sáng tạo, sẽ được chúng tôi đề cập ở sau,
chắc còn có nhiều vấn đề quan thiết tới văn học sử, rất đáng được để tâm tìm hiểu.
3 Bên cạnh những dấu mốc văn xuôi này, Thanh Tâm Tuyền đã sớm xác lập vị trí
hàng đầu với thơ tự do bằng hai tập Tôi không còn cô độc (S.: Người Việt xuất bản, 1956) và Liên đêm mặt trời tìm thấy (S.: Sáng tạo xuất bản, 1964); cùng một
tập thơ dư hưởng, xuất bản khi ông sang Hoa Kỳ định cư theo diện H.O.: Thơ ở
đâu xa (Cali.: Trầm Phục Khắc
xuất bản, 1990). Thanh Tâm Tuyền cũng là tác giả của hai tập truyện ngắn: Khuôn
mặt (S.: Sáng tạo xuất bản,
1964), Dọc đường (S.: Sáng tạo xuất bản, 1966), một tập
kịch: Ba chị em (1967), một tập tạp văn: Tạp ghi (S.: Chiêu Dương
xuất bản, 1970 [tập hợp các bài viết trên nhật báo Tiền tuyến, khoảng
1968-69, dưới bút hiệu ký giả Ba-Tê]); cùng nhiều sáng tác, tiểu luận, phê bình
khác, trong đó rất đáng kể là Nghệ thuật đen (S.: tạp chí Sáng tạo,
s.3, tháng 9/1960, tr.35-48), sẽ được chúng tôi đề cập sâu hơn ở phần sau khi
tìm hiểu về quan niệm sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền. Ngoài ra, ông cũng cho in phơi-ơ-tông tiểu thuyết Ung
thư trên tạp chí Văn, rất tiếc
trong điều kiện tư liệu hạn hẹp, chúng tôi chưa khảo sát được sáng tác này.
4 Về sự cộng tác của những nhà văn trong bộ biên tập tạp chí Sáng tạo
sau này với tuần báo Người Việt, như một lý do để gắn nối Người Việt với
Sáng tạo (số 4 bộ mới của Người Việt là số đặc biệt với chủ đề Sáng
tạo), xin xem: Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền và những người bạn trước
khi có nhóm Sáng tạo, Tlđd.
5 Sáng tạo, số 1 gồm: biên
khảo của Mai Thảo (Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam, tr.1-5); Nguyên Sa (Giáo
dục: kiến thức rộng và chuyên sâu, tr.6-12); Mặc Đỗ (Công việc dịch văn,
tr.19-24); Lê Thương (Âm nhạc: xét qua nguyên lý âm nhạc trong căn bản ngôn
ngữ, tr.25-31); Vũ Khắc Khoan (Sân khấu và vấn đề xây dựng con người,
tr.32-35); Thái Tuấn (Hội họa: một vài nhận xét về nghệ thuật,
tr.36-43); Nguyễn Sỹ Tế (Văn học: Một quan niệm nhận thức Nguyễn Du,
tr.44-48); và, sáng tác của Lê Văn Siêu (Quán cháo lú, (truyện),
tr.13-18). Tiếp cận các văn bản này, có thể nhận thấy ý hệ của nhóm Sáng tạo. Với
chủ nhiệm Mai Thảo, đó là một thủ đô văn hóa Sài Gòn đang thay thế cho Hà Nội,
như là không gian hình thành văn hóa mới. Châu tuần vào đấy là những ý kiến đề
xuất trên các phương diện giáo dục và giáo hóa (thông qua trường hợp dịch thuật),
và các ngành nghệ thuật: âm nhạc, sân khấu, hội họa, văn học. Thêm nữa, điều
đáng chú ý là, truyện của Lê Văn Siêu cũng có chung luận đề ấy, trong cách kết
luận về nhân vật chính, thằng Lú từ một tích truyện thời Xuân Thu, nay bỗng chốc
“đầu thai làm một nhà văn hóa”.
6 Bản lên tiếng chung của tám tác giả Việt Nam, nhấn mạnh: “Chúng
tôi, những tác giả Việt Nam ký tên dưới đây, nhận thức: - Những ràng buộc tất
nhiên giữa cá nhân tác giả và cuộc sống của toàn thể - những ràng buộc đó đòi hỏi
ở tác giả ý kiến, thái độ, hành động; - Trách nhiệm mặc nhiên của tác giả trước
xã hội và lịch sử - trách nhiệm đó phải được công nhiên đảm nhận; - Giá trị của
sự lên tiếng chung - đã đến lúc tiếng nói của từng tác giả cần phải kết hợp vì
đòi hỏi và trách nhiệm trên. Bởi vậy, tự liên kết để: - Thống nhất quan điểm,
bày tỏ ý kiến, thái độ về những vấn đề cần đặt ra trong tinh thần tôn trọng tự
do, độc lập của mỗi người; - Tranh thủ những điều kiện căn bản tự do, độc lập
thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của tư tưởng, văn chương, nghệ thuật.
Không nghĩ rằng công việc của chúng tôi có ảnh hưởng quyết định trong việc giải
quyết những vấn đề, nhưng ít nhất cũng có giá trị một cố gắng của những người
tha thiết với trách nhiệm, chúng tôi chân thành kêu gọi bạn đồng tình và viết bản
văn này xác nhận sự có mặt của chúng tôi” (S.: tạp chí Sáng tạo, s.12,
tháng 9/1957, tr.1).
7 Về vấn đề này, xem thêm: Nguyễn
Văn Lục, Trí thức miền Nam - Hai mươi năm nhập cuộc (1955-1975), 5
kỳ, tại http://www.talawas.org,
lên mạng các ngày 8/8/2005-12/8/05.
8 [Phi lộ], S.: tạp chí Sáng tạo (bộ mới), s.1, tháng 7/1960,
tr.1-4.
9 Không chỉ tạo tiếng nói trong nhóm, các thảo luận này cũng tạo được dư luận
đáng kể, chẳng hạn Nguyễn Văn Trung đã lên tiếng trên Bách khoa, xin
xem: “Lá thư ngỏ của ô. Nguyễn Văn Trung: Gửi anh em trong ‘nhóm Sáng Tạo’”,
S.: tạp chí Bách khoa, s.94, tr.38-44. Và chắc sau đó cũng sẽ có dư luận
rộng rãi hơn khi được in thành tập: Thảo luận, [trong Tủ sách Ý thức],
S.: Sáng tạo xuất bản, 1965.
10, 11 Mai Thảo
ghi, “Nhân vật trong tiểu thuyết. Nói chuyện giữa Doãn Quốc Sỹ, Duy Thanh,
Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên, Thái Tuấn”,
S.: tạp chí Sáng tạo (bộ mới), s.1, tháng 7/1960, tr.6, 7.
12, 13 Duy Thanh,
Mai Thảo, Ngọc Dũng, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Thái Tuấn, Tô Thùy Yên, Trần
Thanh Hiệp, “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam”, S.: tạp chí Sáng
tạo (bộ mới), s.4, tháng 10/1960, tr.8, 9.
14, 15, 16 Mai Thảo ghi, “Nhân vật trong tiểu thuyết.”,
Bđd, tr.14, 15, 16.
17 Thanh Tâm Tuyền, “Nỗi buồn trong thơ hôm nay”,
S.: tạp chí Sáng tạo, s.31, tháng 9/1959, tr.1-6.
18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25 Thanh Tâm Tuyền, “Nghệ
thuật đen”, S.: tạp chí Sáng tạo (bộ mới), s.3, tháng 9/1960, tr.35,
48, 36-37, 37, 38, 39, 40, 42.
26 Thanh Tâm Tuyền, “Nghệ thuật đen”, Bđd,
tr.46-47. Với nhận định của Sartre, Thanh Tâm Tuyền chú: “…http://talawas.org/talaDB/suche.php?res=13020&rb=07
- nr3#nr3Du désir qui (…) replonge l’homme au sein bouillonnant de
la Nature et l’élève en même temps au-dessus de la Nature par l’affirmation de
son Droit à l’insatisfaction (Situations, trang 255). Chữ “dục tình” ông dùng
trong bài cũng là chữ được ông dùng để dịch chữ “désir” của Sartre, mà trước đấy
ông cũng chú rõ: Chữ Dục tình hiểu theo nghĩa rộng như chữ Désir của tiếng
Pháp.
27 Ngay trên Sáng tạo các số sau, đã có ý kiến
chia sẻ của Thạch Chương (Cung Thúc Tiến) và Dương Nghiễm Mậu. Xin xem: Thạch
Chương, “Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật”, S.: tạp chí Sáng
tạo (bộ mới), s.5, tháng 11/1960, tr.97-102; Dương Nghiễm Mậu, “Buồn
vàng”, S.: tạp chí Sáng tạo (bộ mới), s.7, tháng 9/1961, tr.59-64.
Cũng tham khảo: Dương Nghiễm Mậu, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm
Tuyền và những người bạn…, Bđd.
28 Dư luận sau này để ý nhiều đến những cách tân về thơ và quan niệm thơ của
nhóm, nhất là thơ tự do Thanh Tâm Tuyền, nhưng thực tế thì bên cạnh một Thanh
Tâm Tuyền thơ, còn có một Thanh Tâm Tuyền văn xuôi rất đáng kể. Để có được những
bước vững chãi như vậy, hiệu ứng được tạo bởi không gian của Sáng tạo là
rất quan trọng. 15 năm sau ngày Sáng tạo ra đời, năm 1970, khi nguyệt
san Tân văn xuất bản Tuyển truyện Sáng tạo, trong lời mở sách,
nhìn lại chặng đường đã qua, Mai Thảo nhận định: “Sự có mặt ấy [của tác tác giả
truyện ngắn và của tạp chí Sáng tạo] có thể xem như một đánh dấu, định
nghĩa như một mở đường, chuyên chở trong nó đầy đủ yếu tính của một cuộc vận động
văn học tiền phong, hàm chứa hẳn hoi trong nó một ý hướng cách mạng nghệ thuật
nồng cháy. Đó là những ánh lửa thắp lên trong đêm nhận đường, những hòn đá ném
xuống một ao tù bất động, những đợt xung kích đầu tiên mở màn một chiến dịch
cho tới bây giờ đang được tiếp tay hào hứng trên nhiều diễn đàn, trên nhiều mặt
trận. Trước
sau, đối tượng của trận đánh lớn vẫn là một: phá đổ cái cũ, tạo dựng cái mới.
Nói một cách khác, đó là kết thành của hoài bão và khát vọng chân thành nơi một
lớp người muốn tạo dựng một nền văn học nghệ thuật của chính mình, và thời đại
mình. Gọi lên đường ấy là trở lại đời sống, thoát ly quá khứ, thức tỉnh ý thức,
thế nào cũng được. Điều đáng ghi nhận là lên đường ấy đã có. Có với sự có mặt của
một lớp người viết mới. Tạp chí Sáng Tạo là một trong những diễn đàn đã được dự
phần vào lên đường này.” (Mai Thảo, “Đứng
về phía những cái mới”, trong Duy
Thanh, Dương Nghiễm Mậu, Mai Trung Tĩnh, Phạm Nguyên Vũ, Song Linh, Thao Trường,
Thạch Chương, Tuyển truyện Sáng tạo, S.: nguyệt san Tân văn, s.29, tháng
9/1970, tr.12) Nhận xét như vậy là
khách quan và trung thực. Trong sự vận hành của văn học miền Nam, sự phổ biến của
các tư tưởng triết mỹ Âu Tây, những di chỉ trên các tạp chí văn nghệ trong những
năm đầu đất nước bị phân đôi cho thấy chúng vừa như là nguồn cội (của sự vận
hành và tiếp nhận) vừa như là cơ sở của sự phát tán ảnh hưởng của sự vận hành
và tiếp nhận ấy.
29 Có thể đọc ấn bản điện tử của
tiểu thuyết này tại http://www.talawas.org, lên mạng các
ngày 4/11/2006-6/11/06.
30 Vladimir Nabokov, Tình một thuở [Mary], Từ
Trí dịch, Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai, 1989. Tiếc rằng, chúng tôi không biết chính
xác được thời điểm Thanh Tâm Tuyền dịch cuốn này, [Từ Trí là bút danh của Thanh
Tâm Tuyền, chúng tôi xin cảm ơn Cao Việt Dũng về chỉ dẫn này], để có thể tìm biết
được những dấu vết của Nabokov đã xuất hiện từ lúc nào trong sự nghiệp sáng tạo
của nhà văn. Dấu vết tiếp nhận Nabokov ở đô thị miền Nam đã thấy trong sáng tác
của Võ Hồng in trên tạp chí Văn, xin xem: Võ Hồng, Con suối mùa xuân,
S.: tạp chí Văn: Giai phẩm Xuân Ất Tỵ, [s.26+27, ra ngày 15/1/1965],
tr.43-59. Trên số này, Thanh Tâm Tuyền cũng cho in truyện ngắn đề tặng Trần Ngọc
Chất: Cuộc gặp gỡ, tr.93-109.
31 Cũng có thể đọc lời tựa này
trên ấn bản điện tử tại http://www.talawas.org đã dẫn.
32 Thềm sương mù trên Sáng tạo (bộ mới)
không ghi thể loại, 4 kỳ liên tiếp, mỗi kỳ in một chương đánh số thứ tự La Mã;
phần quảng cáo sẽ xuất bản của Kẻ Sĩ trong Mù khơi, ghi thể loại là truyện
dài (Sđd, tr.194). Cho đến nay, chúng tôi không tìm thấy bản in theo quảng cáo
này. Và nhiều khả năng sách đã không được Kẻ Sĩ xuất bản. Bởi Thềm sương mù là
một tác phẩm còn dang dở, vì chưa chạy hết phơi-ơ-tông thì Sáng tạo đã
đình bản. Trong khi trước lời quảng cáo của Kẻ Sĩ dăm năm, một ấn bản của Thềm
sương mù, với những tu chỉnh, như đã nói ở trước, xuất hiện ở dạng
phơi-ơ-tông trên Bách khoa dưới tên Cát lầy, cũng là tên được
Giao Điểm xuất bản lần đầu dưới dạng sách năm 1967. Qua so sánh, chúng tôi nhận
thấy trong Cát lầy, Thanh Tâm Tuyền đã có những chỉnh sửa với phần in
phơi-ơ-tông trên Sáng tạo, hầu như tác giả giữ nguyên cốt truyện, song
nhân vật, kết cấu và ngôn ngữ thì đã có nhiều thay đổi. Xin cảm ơn anh Vũ Hà Tuệ
vì những đối chiếu văn bản và sự chia sẻ tài liệu về Thanh Tâm Tuyền từ bộ sưu
tập cá nhân.
33 Thanh Tâm Tuyền, “Thềm sương mù”, S.: tạp
chí Sáng tạo (bộ mới), s.5, tháng 11/1960, tr.67.
34 Tiểu thuyết Cát lầy còn miêu tả nhiều sự phi
lý của đời sống, nhiều cái chết. Nó cho thấy, bên cạnh những chủ đề ẩn ức ấu thời,
chủ đề bản năng sống (eros) và bản năng chết (thanatos) của phân tâm học, vì vậy,
cũng được hiện diện. Song hình như Thanh Tâm Tuyền cũng bộc lộ sự hoài nghi về
“triết lý” này. Có thể tìm lời giải đáp cho lựa chọn những cái chết trong Cát
lầy từ trong lời tựa ấn bản lần thứ 3 tiểu thuyết Bếp lửa đã dẫn ở
trước, tức cái quan niệm chỉ xuất hiện hai năm trước khi Cát lầy được ấn
hành và năm năm sau khi nó được khởi thảo dưới hình thức của Thềm sương mù,
khi Thanh Tâm Tuyền biện luận về cái chết của Vũ Đạo Ánh, người bạn đã được tác
giả trân trọng đề tặng cuốn tiểu thuyết Bếp lửa. Với Thanh Tâm Tuyền, để
đáp lại các nhà phê bình phê phán về sự bi quan tiêu cực, sự yếm thế của các
nhân vật trong Bếp lửa, ông tuyên bố: “ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối
phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng”, và các nhân vật của ông, trong “thống khổ của lịch
sử” đã lựa chọn cái chết không như “một huyền thoại” mà như “một sự từ chối quyết
liệt”, bởi “cái chết lựa chọn không phi
lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ
sống sót.” (Bếp
lửa, bản in lần thứ 4, Sđd). Đến tiểu thuyết cuối cùng của ông, Một chủ
nhật khác, chủ đề bản năng chết lại được tái lặp, trong Kiệt và Ly, nhưng
cuối cùng không ai tự hủy cả, chỉ có Kiệt hiện bắt gặp cái chết như một nạn
nhân của lịch sử. Phân tâm học hình như chỉ là cái cớ cho những phiêu lưu tiểu
thuyết của Thanh Tâm Tuyền, chứ không phải đích đến của sáng tạo nghệ thuật. Điều
này sẽ được chúng tôi phân tích kỹ lưỡng qua và trong tiểu thuyết Mù khơi
ở phần tiếp sau.
35 Ngoài hai lần đã được nhắc tới ở trên, trong Nghệ
thuật đen và trong Thềm sương mù, thái độ tiếp cận phân tâm học khá
trung tính ở lần trước, bắt đầu có ý mỉa mai ở lần thứ hai (có lẽ là sự mỉa mai
sự “sính” phân tâm đương thời chứ không phải bản thân triết thuyết), khi dùng
chữ refoulé (ẩn ức). Ông cũng lặp lại thái độ này trong một tạp
văn: “Chửa hay không chửa? - that is the question!”, bàn về vấn đề “kế
hoạch hóa” gia đình đang được bàn luận sôi nổi ở Sài Gòn sau 1968, ông viết: “Một
lý do nữa cũng được viện dẫn để bênh vực cho công cuộc “giải phóng” nữ giới dưới
chiêu bài “kế hoạch hóa” gia đình là tình thương yêu và bổn phận giáo dục đối với
con cái. Thế thì nên gọi luôn là “kế hoạch hóa” tình cảm và bổn phận để mưu cầu
tự do, cho rồi. Sợ rằng đẻ nhiều sẽ phân phát tình yêu không đồng đều, quả là một
lý luận “đặc Tây”. Duy lý cực điểm. Chẳng có bà mẹ nào lại nghĩ đến như thế cả.
Nếu có cảnh “con yêu con ghét” trong gia đình ấy là vì nguyên nhân nào khác chứ
không phải vì con cái quá đông. Và mối quan hệ mẹ con, trong gia đình ít con,
không ắt hẳn là sự thương mến gần gũi. Nhiều khi lại nhiễm luôn những bệnh dịch
“Tây” như “Complexe d’Oedipe” là khác nữa (chúng tôi nhấn mạnh). Các vị chủ
trương đẻ ít con để có đủ khả năng hoàn tất bổn phận giáo dục con cái, gián tiếp
đã thú nhận cái khả năng làm tròn trách nhiệm của mình được bao nhiêu rồi… “Kế
hoạch hóa” gia đình, nghĩa là “kế hoạch hóa” tình cảm và bổn phận. Ở Sài Gòn
này, chỉ là biểu thức của “kế hoạch hóa” tự do cá nhân. Ấy vậy thôi” (Thanh Tâm
Tuyền, Tạp ghi, S.: Chiêu Dương xuất bản, tr.133-134). Không khó
để nhận thấy những thông tin ngoài văn bản ấy đã ảnh xạ vào sáng tác, mà những
ghi chú về chủ đề bản năng sống và bản năng chết trong Cát lầy và Một
chủ nhật khác đã chỉ ra ở trên, là những minh chứng.
36, 37, 38, 39, 40, 41 Thanh Tâm Tuyền, Mù khơi,
S.: Kẻ Sĩ xuất bản, tr.9-10, 157-158, 162, 166-167, 167-168, 174.
(nguồn: tạp chí Nghiên
cứu văn học số 2/2013; bản ở đây có đôi chút khác biệt so với bản in trên tạp
chí)
Có 1 khổ bị lặp 3 lần: đoạn về Nghệ thuật đen ấy ạ.
ReplyDeletehì,sửa rồi, merci :)
DeleteNếu quả thật "Năm 2013 này sẽ là năm của nghiên cứu văn học miền Nam" thì đúng là "có tin vui giữa giờ tuyệt vọng"...Nhưng lại chỉ sợ có những việc xảy ra như việc thu hồi bộ DƯƠNG NGHIỄM MẬU trước đây, mà liên quan đến vấn đề này thì có 1 nhân vật là nhà văn VŨ HẠNH.
ReplyDeleteÔng VŨ HẠNH cũng là 1 người đả kích SÁNG TẠO (cụ thể là "đả kích" tiểu luận TIẾP NỐI của TRẦN THANH HIỆP") và nhà văn VIÊN LINH đã "đánh" lại VŨ HẠNH bằng 1 bài khá nặng "ANH LÙN CẠNH NHÀ THỜ ĐỨC BÀ" đăng trên NGHỆ THUẬT số 27 (16/4/1966)
không có nút super like nhỉ :D, chưa thể đọc hết ngay một lúc nhưng rất thích ạ
ReplyDeleteKhi bắt đầu lớn, biết đọc truyện, đọc thơ đúng lúc Sáng Tạo Bộ mới ra đời (1960-61), tôi đã mê các tác giả Sáng Tạo. Đặc biệt là Thanh Tâm Tuyền...
ReplyDeleteLúc trước tôi chỉ tưởng chỉ có thề hệ "Baby Boomers" của tôi - sinh từ 1945-1955 - mới mê TTT, DNM... nhưng sau này tôi biết những thế hệ sau nếu có cơ hội đọc cũng đều "mê" cả.
Tại sao thì tôi không biết. Tôi chỉ đoán, TTT, DNM... nói riêng và Sáng Tạo nói chung là một phần hiện tượng "Cách mạng văn hóa" toàn thế giới của hậu bán thế kỷ 20, với thời kỳ mãnh liệt nhất là thập niên 1960s - "the Swinging 60s"! "Cách mạng văn hóa" trong ý nghĩa của phong trào Khai Sáng (Aufklaerung) đợt II (Đợt I là thời kỳ hậu I.Kant)!
TB. Thời học sinh ở Sài Gòn, tôi đã đọc hầu hết những turyện dài (đã được xuất bản) của TTT, nhưng lại thích nhất truyện dài chưa được xuất bản, đó là Ung Thư. Tôi được đọc nhiều kỳ của Ung Thừ trên tạp chí Văn - nhưng kỳ đầu tiên lại đọc trên Sáng Tạo, trước khi có Văn mấy năm (1960 hay 1961) dưới hình thức một truyện ngắn, nhan đề "Những người đã chết đều có thật"...
"Ung Thư" có bối cảnh Hà Nội thời kháng chiến, nhân vật chính là bốn sinh viên trí thức tuồi 20s, tên Thạch, Đồng, Cảnh và An. Nhân vật Thạch giống y hết Tâm của Bếp Lửa. Cảnh cũng hao hao giống một nhân vật thiên tả trong Bếp Lửa. Bốn người bạn thân nhưng khác hẳn nhau... Hà Nội trong Ung Thư có lẽ là một Hà Nội không có thật, giống như Paris thời Đức Quốc Xã chiếm đóng nhiều hơn...
Nếu tôi có một điều uớc duy nhất liên quan đế văn học VNCH (miền Nam 1955-1975) thì tôi xin cho Ung Thư được xuất bản...
Vâng, cám ơn bác. Tôi sẽ giới thiệu riêng Ung Thư sau.
DeleteBác NL đã thâu tóm được Ung Thư chưa :D
Delete