Jul 9, 2013

Sở Từ. Ly Tao. Nhượng Tống

Câu chuyện nhỏ này có ý nghĩa ở chỗ: các nhân vật chính trong đó, Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Lê Văn Văng và Nhượng Tống đều đã thực sự bị lãng quên. Người đồng chí thân thiết của Tạ Thu Thâu là Phan Văn Hùm có sự xuất hiện trở lại kín đáo, nhưng bốn con người kia thì gần như mất hút. Đây là một phần của câu chuyện về những con người đảng phái ở Việt Nam.

Trong khi đó, Lê Văn Văng là yếu nhân của Tân Việt, một nhà xuất bản vô cùng quan trọng vào quãng sát năm 1945, còn Nhượng Tống, người từng cùng sát cánh bên Phạm Tuấn Tài và là yếu nhân của Quốc Dân đảng, là một bậc kỳ tài thiên hạ xưa nay hiếm.

Nhượng Tống đặc biệt ưa thích Kim Thánh Thán và trong tổng số "lục tài tử" của Kim Thánh Thán, Nhượng Tống đã dịch đến năm tác phẩm, chỉ sót Thủy hử.

Câu chuyện có thể bắt đầu với lời nhận xét sau đây của Nguyễn Tôn Nhan:

"Người tiêu biểu và đáng kể nhất là Nhượng Tống, một dịch giả uyên bác và tài hoa, các bản dịch Ly tao, Tây sương ký… của ông ta đến bây giờ vẫn là mẫu mực, chưa ai có thể dịch hay hơn. Ngay cả Đào Duy Anh, khi dịch Sở từ của Khuất Nguyên, đến bài Ly tao thì cũng lấy lại bản dịch của Nhượng Tống để in vào sách, đề tên N.T. dịch, xem như phần tham khảo chính".

Điều này chính xác. Bản Sở Từ mà Nguyễn Tôn Nhan nhắc đến là của Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm, in năm 1974:


Chi tiết mà Nguyễn Tôn Nhan nhắc đến nằm ở đây:


Còn đây là đoạn đầu bản dịch Ly Tao của Đào Duy Anh (trong bản dịch này, từ đệm không còn là "chừ" như ở Nhượng Tống hay "hề" như ở một số nhà thơ Việt Nam, mà là "a"):


Trong sách, Đào Duy Anh (cũng là một con người đảng phái - từng là yếu nhân của Tân Việt đảng), cũng đưa vào "tham khảo" bản dịch "Thiệp Giang" của Phan Kế Bính.

Bản dịch Ly Tao của Nhượng Tống đã in ở nhà Tân Việt đúng 30 năm trước đó, năm 1944:


Đây quả là một bản dịch tuyệt vời (sau này một vài bản dịch của Nhượng Tống cũng có được in lại, ví dụ Mái Tây Vương Thực Phủ).

Trong Sở Từ, bản Ly Tao Nhượng Tống có một số sai sót về sao chép, ví dụ:

hai câu rất hay "Đời đều bè đảng gian tà/Một mình ta nói, nói mà ai nghe" bị đổi thành "Đời toàn bè đảng gian tà/Một mình ta nói, nói là ai nghe" khá ngớ ngẩn

Điều rất buồn cười xảy ra khi Nhượng Tống dịch Ly Tao được ông kể lại trong "Cùng bạn đọc": "Tôi rất tiếc bộ sách thường gối đầu giường của tôi ấy ngày nay lại lạc mất! Đến nay, khi tôi muốn dịch Ly Tao thì cái bản chính phải dùng đến lại là một bản viết, mượn của người ta, mà dán lại nhấm nát mất hai bài Thiên Vấn và Đại Chiêu".

Trong Sở Từ có thiên "Thiên Vấn" (Nguyễn Sĩ Lâm dịch) nhưng cũng chẳng thấy Đại Chiêu đâu.

Đọc thiên "Quốc Thương" mà Nhượng Tống dịch, tôi có cảm giác như đây là Iliad của Trung Quốc vậy:

Mặc giáp dày chừ, nắm mác tốt
Xe xít bánh chừ, gươm ngắn tuốt
Cờ rợp trời chừ, giặc như mây

Quân đua tiến chừ, tên mưa bay
Trận đánh xát chừ hàng rối bời
Này ngựa chết chừ, quất bốn ngựa
Giật dùi ngọc chừ thúc trống rữ
Thần linh giận chừ, trời chẳng tựa
Đầy đồng hoang chừ, chết tứa bựa
Tiến chẳng lui chừ, đi chẳng về
Trông nước cũ chừ đường xa ghê
Lưng đeo kiếm chừ, tay cắp cung
Đầu tuy rơi chừ dạ chẳng chùng
Thật hăng hái chừ thật can đảm
Lấn hiếp nhau chừ chuyện không xong
Thân đã chết chừ, thần phải thiêng
Hồn vía ma chừ, vẫn anh hùng

Nói chung, toàn văn Ly Tao Nhượng Tống có thể đọc trên mạng. Tôi chỉ còn thắc mắc tại sao Hoàng Phạm Trân lại lấy bút hiệu là "Nhượng Tống". Tôi từng nghe một câu chuyện giả thuyết về cái bút hiệu này, nhưng chưa tìm được tài liệu chứng minh.

Nhượng Tống là một trong những nhân vật kiệt xuất của Việt Nam bị lịch sử đối xử quá mức bất công. Dưới đây là các tác phẩm chính của Nhượng Tống (hình ảnh của bạn VHT):








còn dưới đây là hình ảnh của anh HTN:


6 comments:

  1. Nói chuyện "gở". Đã "gở" thì không giải thích theo lý trí được. Như chuyện mở cái bầu hồ-lô, đụng tới "cơ trời" ắt phải có hậu quả khó lường...

    Nhượng Tống chỉ bàn về chuyện người, đây là Thánh Thán thôi, cũng đủ sinh chuyện. Trong Lời giới thiệu Sử Ký, ông viết về Kim Thánh Thán:
    "... văn học giới đã không đủ chỗ để chứa cái tâm hồn to tát ấy.
    Thấy việc nước nát bét vì bọn quan lại tham tàn, ông liền theo phái Thanh Nghị đem ba tấc lưỡi nói chuyện văn chương mà nói chuyện Triều Đình! Và vẫn một tinh thần cứng cáp và tinh ranh, ông phê văn nghiệt ngã chừng nào thì ông chửi đời cũng chua cay từng ấy! Rồi, sau bao năm lăn lóc, một khi thấy việc đời chửi cũng không thể chuyển được như là cười hoặc khóc; một khi thấy cây bút trong tay mình là bất lực, ông liền quăng nó đi mà cầm lấy cây gươm! Chuyện đó có thực, hay do phe địch bịa đặt ra? Cái án ấy cũng ngờ như cái án Cao Bá Quát nước ta. Và cũng như ông Cao Bá Quát, đầu Thánh Thán đã rơi dưới cái tội danh phản đối triều đình! Nhà văn học cách mạng đã chết trong một việc chính trị cách mạng!"

    Quả nhiên nhà văn học cách mạng Nhượng Tống cũng chết vì đã làm chính trị cách mạng. Một buổi sáng, tháng 11, 1949, Ông bị một tay sát nhân bắn vào đầu ở Chợ Hôm, khi được gọi đi chữa bệnh (ông làm thầy thuốc Bắc).

    Ai giết Nhượng Tống cho đến nay cũng chưa thể biết đích xác, ít nhất không phe nào nhận trách nhiệm, cũng như đến ngày hôm này không ai nhận trách nhiệm đã giết Phạm Quỳnh, Khái Hưng, Tạ Thu Thâu... Người ta vẫn gọi phe Taliban là bọn khủng bố, nhưng ít ra phe Taliban còn có can đảm nhận trách nhiệm cho phần lớn điều mình làm!

    ReplyDelete
  2. Trường hợp Phạm Quỳnh tuy có nhiều giả thiết, không khẳng định chính xác người hạ thủ, nhưng do lệnh trên, do tòa án xử, hay do dân quân địa phương manh động thì vẫn là Việt Minh chịu trách nhiệm. Điều này chính quyền VN hiện nay cũng không phủ nhận, chỉ là không tung hô rầm rộ nữa.

    Cuốn "Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX", mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng có một dòng: "Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình!"
    ( http://www.tienphong.vn/van-nghe/28469/Nhung-uan-khuc-trong-cuoc-doi-ong-chu-bao-Nam-Phong-ky-cuoi.html )

    ReplyDelete
  3. "Lược truyện các tác gia Việt Nam" tập 2, mục Phạm Quỳnh ghi rõ: "Trong những ngày đầu tổng khởi nghĩa thắng lợi, tháng 8 năm 1945, chính quyền nhân dân cách mạng đã xử tử Phạm Quỳnh."
    (Lược truyện..., tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà-Nội, 1972, trang 138)

    Ngay cả theo quan điểm thời đó thì cuốn Lược truyện trên cũng rất bất công với Nhượng Tống, khi chỉ ghi nhận: "Trong thời gian Hà-nội bị tạm chiếm, Nhượng Tống có tham gia một đảng phái phản động. Vì mâu thuẫn quyền lợi, Nhượng Tống bị một đảng viên đảng phản động khác ám sát và chết ở Hà-nội cuối năm 1948." (Sđd, trang 151) mà không hề nhắc tới ông đã tham gia Việt Nam quốc dân đảng từ trước Khởi nghĩa Yên Bái, tức giai đoạn mà chính quyền vẫn công nhận VNQDĐ là "yêu nước".

    ReplyDelete
  4. Thật ra mọi vụ xử tử đó đều có nhân chứng, kể cả trường hợp Khái Hưng, nên khó mà chối tội (hay "công"?).

    Mà cũng không chỉ những đối thủ chính trị, dù chỉ là "có khả năng" đối địch, chứ không còn hoạt động (Phạm Quỳnh đã tuyên bố từ bỏ chính trị, trở về nghề viết lách, từ khi Nhật đảo chính Pháp, tháng Ba, 1945).

    Sau ngày Tổng khởi nghĩa, 12/1946, vợ con của nhà văn Nhất Linh đã đi theo người anh thứ Hai của NL, tên Nguyễn Tường Cẩm, về quê vợ của bác Cẩm lánh nạn, cũng đã bị "du kích" đến bắt đi (thủ tiêu). Giữa đường nhờ có máy bay của "địch" đến pháo kích, du kích tìm chỗ ẩn núp, nên vợ con của Nhất Linh chạy thoát, nhưng ông Nguyễn Tường Cẩm - người chưa bao giờ làm văn hóa hay chính trị - đã không thoát lưới tử thần. Nhân chứng là Nguyễn Tường Thiết, con út của NL, đã kể lại hình như trong cuốn hồi ký "Nhất Linh, Cha tôi" (có online trên diễn đàn talawas, bộ cũ).

    ReplyDelete
  5. Em thực sự thích các bản dịch của Nhượng Tống. Trên cả tuyệt vời. Nhất là bản dịch Thượng Thư

    ReplyDelete
  6. hiện tại em đang làm khóa luận về Nhượng Tống và 2 bản dịch Ly tao, Mái tây của ông. Tuy nhiên thông tin mà em có được không nhiều nên rất khó khăn trong việc viết. Thêm vào đó, vì Nhượng Tống bị cái án oan là phản động nên nếu lỡ tay viết nhiều thông tin liên quan đến chính trị trong cuộc đời của Nhượng Tống thì rất có thể em sẽ bị kỉ luật. vậy nên, em viết vài dòng này mong muốn nhận được thêm thông tin hữu ích và chính xác từ chị cùng với những người có hiểu biết khác ạ. Mong nhận được hồi âm của mọi người. Mail em là : nguyenhoaitrinh94tb@gmail.com . em xin chân thành cảm ơn ạ

    ReplyDelete