Aug 30, 2012

Hồ Hữu Tường chê sử

nhân quyển đại luận Sự nghèo nàn của thuyết sử luận của Karl Popper vừa in xong (đối tượng mà Popper chống là historicism), tôi chợt nhớ đến thái độ của Hồ Hữu Tường


"Rầy, mắng, chưởi tôi, thì tôi đành chịu. Nhưng đến khi đậy nắp quan tài cho tôi rồi, tôi vẫn không nhận rằng sử học là một khoa học. Đời tôi, tôi chưa hề có dịp "làm sử", song tôi lại có dịp tiếp cận những kẻ mà các sử gia thảy công nhận là "kẻ làm sử". Như trên bình diện quốc tế: Trotsky. Như trên bình diện dân tộc, những Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tâm, Ngô Đình Nhu,... đối với tôi có gì là xa lạ? Tôi biết những kẻ làm sử ấy bằng một lối, mà tôi rèn ra một danh từ mới để gọi, là "thực chứng pháp"... rồi tôi cũng nghe hay đọc lắm huyền thoại về họ, nghe và đọc cho đến đỗi hóa ngấy đi. Đó là một cái duyên cớ làm cho tôi không tin "sử liệu" do "nhân chứng" chép lại. Rồi luôn đà, tôi không tin nốt cái "biện chứng pháp".

Đỗ Bá Thế, tôi quên là mang bút hiệu gì, trong một hồi ký tiểu thuyết hóa, có nhắc một câu chuyện, tuy ngộ nghĩnh, song không đáng gọi là "giai thoại". Có gì đẹp đẽ cho nhà văn tài hoa, là Nhượng Tống đâu, mà gọi là "giai"? Nên chữa lại là "trào thoại", một câu chuyện kể lại để cười xòa, rồi quên đi, chớ đừng có ác ý chi cả. Lúc ấy Thâu và tôi ra Bắc, toan sang Tàu. Thâu tật nguyền, tay mặt sử dụng không được, phải dắt theo một chàng thanh niên để làm thơ ký riêng và để giúp đỡ: ấy là Thế. Ba chúng tôi tạm trọ nhà ông Văng [Lê Văn Văng], giám đốc nhà xuất bản Tân Việt; và nơi đây, gặp Nhượng Tống đến. Giữa ba điều, bốn chuyện, Thâu có trách các đảng phái quốc gia sao chỉ hoạt động ở địa phương, thêm chẳng tìm [sic] đồng minh nơi các tổ chức cách mạng khác. Nhượng Tống cãi lại hăng hái:

- Có chớ! Có chớ! Chúng tôi có phái người vào Nam mà liên lạc với Tạ Thu Thâu và Hồ Hữu Tường rồi!

- Có kết quả không?

- Kết quả mỹ mãn lắm. Thâu và Tường đều thỏa thuận bắt tay với chúng tôi cả!

Nhượng Tống có dè đâu "người điền chủ mang bịnh bán thân bất toại và tay buôn lậu" ra nghiên cứu thị trường lúa gạo ngoài Bắc lại là Tạ Thu Thâu và Hồ Hữu Tường đang nói chuyện với mình? Nếu Nhượng Tống bằng vào một bản "báo cáo của phái đoàn V.N.Q.D.Đ gởi vào Nam", thì Nhượng Tống đã bị đồng chí của mình bịp: và vài trăm năm sau, một sử gia nào chớp được bản báo cáo ấy, dùng làm sử liệu, thì thật là xa sự thật. Thực chứng một "trào thoại" buồn cười như thế, Thâu và tôi phải nén cười, chờ cho khổ chủ là Nhượng Tống bước ra khỏi nhà, thì cả nhà phá lên cười to. Càng cười ngắt nghẽo [sic] là chị chủ, cả mười phút sau, chị mới nói được:

- Thấy mặt anh năm lớn và anh năm nhỏ làm nghiêm, không đính chánh lại, tôi tức cười muốn chết! Phải chi anh Nhượng Tống rán ở lại thêm ít phút nữa, chắc là tôi nhịn cười hết nổi...

Đời tôi, tôi đã thực chứng hàng tá huyền thoại, tuy không quá buồn cười như chuyện "trào thoại" vừa kể, song cũng xa sự thật không kém. Lúc còn là sanh viên, tôi hay ngốn ngấu thứ văn chương rẻ tiền (vì có tiền đâu mà mua thứ quí?), có lượt tôi đọc được một câu khá hay: "À Saigon on se promène sous les ananas" [chủ thích dưới trang: "Ở Sài-gòn, người ta đi dạo dưới tàng cây thơm". Nhà văn ta, thấy quả thơm to hơn quả táo nhiều, tưởng tượng cây thơm phải to bằng mười lần cây táo ở Âu-châu.] Từ ấy, tôi sanh ra thương hại cho các "sử gia", trích dẫn sách nầy, sách kia, dẫn chứng những "sử liệu", để vặn cổ cái lịch sử đích thật, hầu chứng minh một cái thuyết lập dị nào đó.

Đáng lẽ, cái "sử quan" kỳ quái nầy, tôi ôm ấp trong lòng, và đừng đem ra nói cho người khác nghe, nhứt là viết bằng mực đen trên giấy trắng. Làm như vậy thật mích lòng những sử gia xây dựng uy tín của mình trên tờ a, tờ b. Nhưng chẳng đừng được, tôi phải nói. Từ khi tôi viết bộ Phi Lạc, thì trong dân gian, người nầy truyền cho người kia là "Hồ Hữu Tường nói dóc tổ". Nói dóc, quả tôi có nói dóc, khi nào cần pha trò để cười xòa. Nhưng cũng có khi nói thiệt. Đàng nầy lại ngoại suy, cho bất cứ cái chi tôi nói thảy đều dóc; rồi vài trăm năm sau, một sử gia nào đó, căn cứ vào những tài liệu của "nhân chứng" là kẻ sống một thời với tôi, lại viết vào sử rằng "Hồ Hữu Tường là tay nói dóc tổ" thì có phải thiệt cho vong hồn tôi không? Con cháu tôi, đến ngày kỵ cơm của tôi, bởi xấu hổ vì có một ông vải nói dóc quá, nên không dám "hội lại mà kể công đức" của tôi; té ra bữa kỵ cơm của tôi bị bỏ đi, rồi mãi tôi thành con ma đói!"

(trích bài "Học thiệt", tạp chí Văn số 46, 15/11/1965, tr. 3-5)

-----------

Hồ Hữu Tường có kiểu đầu óc thật giống Phan Khôi, vô cùng ương ngạnh và về bản chất là nhất định không chịu đứng vào phe nào, để rồi cứ thế mất hút trong cái gọi là lịch sử của Việt Nam

thêm về Hồ Hữu Tường

8 comments:

  1. Em hỏi khí không phải thế chị Nhị Linh có chê sử không?

    ReplyDelete
  2. Sử đâu không rõ chứ sử Việt chuyện đúng-sai nhiều khi chỉ là chuyện hên xui.

    ReplyDelete
  3. Cụ HHT "nói dóc" bậc... sư, thì chính cụ cũng công nhận, trong đoạn văn trích trên, cũng như vô số bài khác. Tuy nhiên, câu chuyện Nhượng Tống "dóc tổ" hơi kỳ dị ở chỗ cụ là người trong cuộc nhưng nói là câu chuyện cũng được kể trong "hồi ký tiểu thuyết" của Đỗ Bá Thế... Hay là cụ HHT nghĩ chẳng ai tin mình nên phải kiếm thêm "đồng minh"? (Theo tôi, câu chuyện "dóc tổ" - Nam Kỳ còn gọi là "ba đía" - này rất tiêu biểu cho cách người miền Nam "ta" thời đánh giá người miền Bắc "mình" :D)

    ReplyDelete
  4. Tạp chí Văn số 46 năm 1965 được lưu trữ, số hoá hoặc sưu tầm ở đâu vậy Nhị Linh ? Hay đây là trích dẫn từ trong quyển Hồi ký ?

    ReplyDelete
  5. ghi nguồn rõ như thế mà còn hỏi

    thì tức là hỏi cái gì?

    ReplyDelete
  6. Nhị vị Anonymous trên là một -- Tôi cũng nghĩ theo Anonymous 1 là cụ HHT thêm Đỗ Bá Thế vào cho có "đồng minh" . Cũng như chuyện cụ HHT cho cụ Phan Văn Hùm kể chuyện Phạm Quỳnh đi xe kéo , thấy xe ô tô săp đâm vào xe kéo, PQ la lên tự động xa , nên anh xe kéo tránh xe ô tô không kịp.
    Chuyện Cụ Hồ Hữu Tường găp Nhượng Tống ghi trên là xạo cho vui mà thôi -- nếu gặp thiệt , thì có khối chuyện để nói với nhau .
    Cụ HHT đôi khi xạo cho vui như kiểu OSHO kể chuyện về Đức Phật.
    Cuối năm 1966, Đại Học Vạn Hạnh xây xong các tòa nhà chính , nhưng chưa hoàn tất, tôi có học khóa Anh ngữ buổi tối của ba gs Thích Nữ Trí Hải, Huệ Khanh, Đàm Trung Pháp, nhưng tôi chỉ học tuần lễ đầu, và nghỉ học , vì Đại Học tôi theo học bắt đầu khai giảng, và cũng có khóa Anh ngữ cho 262 tân sinh viên. Tôi có thấy Viện Phó Hồ Hữu Tường trên hành lang tầng lầu. Ông cười nói vui vẻ với các nam nữ sinh viên tụ tập quanh ông, nhưng số nữ chiếm tới ba phần tư , nên tôi đi qua luôn mà không dừng lại nghe HHT nói chuyện .

    ReplyDelete
  7. Vạn Hạnh quang vinh, VH quang vinh, thuyết pháp bằng "Tư tưởng"

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thầy Mãn Giác viết Nhân bản và Nhân bản Phật Giáo, tôi đọc xong, nhưng sau này chỉ nhớ được một câu -- người trí thức nếu không cơm gà cá gỏi tại nhà một Bình nguyên quân thì cũng chỉ lang thang trong cõi sống. Sau khi Vũ Khắc Khoan từ trần tại Hoa Kỳ, thầy Mãn Giác có viết bài tưởng niệm VKK,trong có ghi chuyện VKK đi xích lô tới Vạn Hạnh, Thầy Mãn Giác đón VKK ở cổng trường, nhờ VKK diễn thuyết luôn hôm đó -- mùa Phật Đản. VKK nói, nhờ thầy gà cho tôi một câu. Thầy Mãn Giác nói -- bốn ngày Phật đản sinh, xuất gia, thành đạo, niết bàn đều là những ngày trăng tròn . Thế là VKK vào hội trường, nói chuyện -- Bốn vầng trăng trong đạo Phật.

      Delete