Jan 6, 2014

Malaparte: tiểu thuyết Kaputt

Malaparte (xem thêm ở đây, đây và đây) gần đây như thể "được phát hiện lại", như một nhà văn xuất sắc hàng đầu châu Âu trong đề tài về Thế chiến thứ hai. Kaputt là tác phẩm lớn nhất của Malaparte.

Cuốn tiểu thuyết gồm sáu phần, mỗi phần có tiêu đề một loài thú: phần 1 Ngựa phần 2 Chuột phần 3 Chó phần 4 Chim phần 5 Tuần lộc phần 6 Ruồi.

Cách nào đó, Malaparte, với sự điên rồ, cái chứng mythomania ấy, như thể báo trước một nhân vật sau này: Roberto Bolaño.

Chuẩn bị cho sự trở lại của Malaparte ở Việt Nam (:p) dưới đây là chương đầu phần đầu của Kaputt.




I

Về phía Guermantes


Hoàng thân Eugène của Thụy Điển dừng lại giữa phòng:

“Nghe này,” ông nói.

Xuyên qua đám sồi trên Oakhill và đám thông trong công viên Waldemarsudden, vượt khoảng biển ăn sâu vào đất liền tới tận Nybroplan, vào đến trung tâm của Stockholm, gió mang lời than thở êm dịu và buồn bã. Đó không phải lời gọi buồn sũng của tiếng còi những con tàu đang trôi trên biển về phía cảng, cũng chẳng phải tiếng kêu mù sương của lũ mòng, mà là một giọng nữ, lơ đãng và não nề.

“Lũ ngựa Tivoli đấy, Lunapark ở trước Skansen,” hoàng thân Eugène trầm giọng nói.

Tiến lại gần các ô kính lớn nhìn xuống công viên, chúng tôi tựa trán vào lớp kính hơi mờ đi vì sương mù màu xanh từ biển bốc lên. Dọc con đường men theo sườn đồi, ba con ngựa trắng khập khiễng bước đi, theo sau là một cô bé gái vận váy vàng: cả đám đi qua một cánh cửa sắt rồi bước xuống phía một bãi biển nhỏ đậu đầy tàu, ca nô và thuyền của ngư dân màu đỏ xen xanh lục.

Đó là một ngày sáng trời vào tháng Chín, không khí nhã dịu như thể đang mùa xuân. Mùa thu đã làm rực đỏ đám cây già nua trên Oakhill. Trên vũng biển có doi đất nhô ra trên đó xây dựng tòa biệt thự Waldemarsudden, nhà của hoàng thân Eugène, em trai đức vua Gustave V của Thụy Điển, những con tàu lớn màu xám đi ngang, trên sườn vẽ những lá cờ Thụy Điển lớn, hình chữ thập màu vàng trên nền xanh dương. Lũ mòng biển vừa chao lượn vừa khàn giọng quạc những tiếng thở than như tiếng trẻ con khóc tấm tức. Xa xa, dọc các ke của Nybroplan và Strandwägen, ta thấy những tàu hơi nước màu trắng trôi dập dềnh, chúng mang những cái tên êm đềm của các làng và đảo, nối Stockholm với cả quần đảo. Phía sau cảng, một cụm mây khói xanh lơ bốc lên, chốc chốc lại bị rạch ngang bởi đường bay màu trắng của một chú mòng. Gió làm vẳng tới âm thanh những dàn nhạc nhỏ ở Belmannsro và Hasselbacken, tiếng la hét của một đám thủy thủ trộn lẫn với lính tráng và gái trẻ cùng trẻ con vây quanh đám diễn viên nhào lộn, mấy tay làm trò tung hứng và các nhạc công lưu động, bọn họ đóng đô cả ngày trước lối vào Skansen.

Hoàng thân Eugène dõi theo lũ ngựa bằng một ánh mắt chăm chú và trìu mến, hai mắt nhắm hờ dưới cặp mí sáng màu với những sợi lông mi mảnh tơ lụa màu xanh lục. Nhìn nghiêng ngược sáng trong ánh chiều tà uể oải, khuôn mặt hồng hào của ông - với cặp môi hơi mọng đầy ham muốn kia, được hàng ria trắng làm cho mang một dáng vẻ gần gũi như trẻ con, cái mùi khoằm kia, vầng trán cao bên trên là mái tóc rất trắng quăn quăn và rối lên như tóc một đứa trẻ vừa ngủ dậy - tôi được thưởng thức bức tranh trên gia huy vẽ khuôn mặt những người trong dòng tộc Bernadotte. Trong toàn bộ hoàng tộc Thụy Điển, hoàng thân Eugène giống vị thống chế của Napoléon, người lập ra triều đại, hơn cả; và cái vẻ mặt nhìn nghiêng sắc nét, nghiêm nghị, gần như cứng rắn kia tương phản đặc biệt với sự dịu dàng trong ánh mắt ông, sự nhã nhặn tinh tế trong lối nói năng, cười, cử động đôi bàn tay trắng với những ngón dài xanh và thon thả của ông - bàn tay của nhà Bernadotte. Cách đó vài hôm, tôi đã đến một cửa hàng ở Stockholm để xem những hình thêu mà được đức vua Gustave V làm ra đầy duyên dáng, một sự tinh tế của hình họa và sự xử lý gợi nhớ đến nghệ thuật Venice, Flamand, Pháp xưa cũ, ông đã làm ra chúng trong những đêm dài mùa đông, trong Cung điện Hoàng gia do Tessin vẽ kiểu, và trong những đêm trắng mùa hè tại lâu đài Drottningholm của ông, vây quanh là người thân cận và đám cận thần của triều đình. Hoàng thân Eugène không thêu: ông là họa sĩ. Cách ăn vận của ông cho thấy những cung cách tự do, vô tư lự của Montmartre cách đây năm mươi năm, cái thời cả hoàng thân Eugène lẫn Montmartre đều còn trẻ. Ông mặc một cái jacket dày vải tweed màu sợi thuốc lá, cắt theo kiểu đã cổ lỗ, cài cúc thật cao. Trên chiếc sơ mi màu xanh nhạt là một cái cà vạt len sợi trắng vặn xoắn như bím tóc, nó tạo ra bóng có màu xanh dương hơi thẫm hơn.

“Ngày nào vào giờ này chúng cũng đi xuống biển,” hoàng thân Eugène trầm giọng nói. Trong ánh sáng hồng và xanh nhạt của buổi hoàng hôn, ba con ngựa trắng này, theo sau là đứa bé gái mặc váy vàng, thật buồn và thật đẹp. Lội xuống nước ngập tới đầu gối, chúng lúc lắc đầu phủ đám bờm lên cái cổ dài của chúng - rồi hí. Mặt trời xuống. Đã rất nhiều tháng rồi tôi chưa thấy mặt trời lặn. Sau mùa hè dài dặc của miền Bắc, sau cái ban ngày mãi không chịu dứt, không thể kết thúc ấy, không bình minh, không hoàng hôn, rốt cuộc bầu trời trở nên ủ rũ phía trên các khu rừng, trên biển, trên những mái nhà thành phố. Cái gì đó như một bóng ma (hay có lẽ chỉ là phản chiếu của một cái bóng, cái bóng của một cái bóng) đang tụ lại ở phía Đông. Đêm dần nảy nở, ve vuốt và tinh tế; và bầu trời, ở phía Tây, cháy rực lên phía trên những cánh rừng và hồ, cuộn nhỏ mình lại trong ánh lửa chiều tà như một chiếc lá sồi trong đám lửa mệt rã rời của mùa thu.

Giữa đám cây trong công viên, trên nền cái phong cảnh nhợt nhạt và nhẹ nhõm miền Bắc này, những bức tượng chép theo mẫu Người suy tưởng của Rodin và tượng Chiến thắng Samothrace, tạc bằng một thứ đá hoa cương quá trắng, theo một cách thức bất ngờ và đầy cả quyết gợi lên cái gu Paris của một hồi cuối thế kỷ suy đồi và Thi Sơn, tại Waldemarsudden này nó mang dáng dấp thật võ đoán và giả tạo. Trong căn phòng rộng nơi chúng tôi đang đứng áp trán vào cửa kính những cửa sổ lớn - căn phòng hoàng thân Eugène dùng để nghiên cứu và làm việc - cũng có một tiếng vọng sót lại, đã suy yếu, quá đát, của thứ mỹ học Paris khoảng năm 1888, thời hoàng thân Eugène từng có một xưởng vẽ ở Paris (ông sống tại phố Monceau, dưới cái tên Ô. Oscarson), đang là học trò của Puvis de Chavannes và Bonnat. Vài bức tranh thời trẻ treo trên tường: những bức phong cảnh vẽ Ile-de-France, sông Seine, Thung lũng Chevreuse, vùng Normandie, những chân dung vẽ các mẫu có mái tóc lưa thưa rơi xuống tấm vai trần, cùng những bức họa của Zorn và Josephson. Những cành sồi phủ lá tía xước vàng cắm trong những cái bình cổ cao bằng gốm Marieberg và bình Rörstrand do Isaac Grunevald vẽ mẫu theo phong cách Matisse. Một lò sưởi lớn bằng gốm trắng, bệ trước trang trí phù điêu vẽ hai mũi tên bắt chéo vào nhau, phía trên là vương miện quý tộc, ngự ở một góc phòng. Trong một cái bình pha lê Orefors là một cành hoa mimosa tuyệt đẹp do hoàng thân Eugène mang về từ một khu vườn miền Nam nước Pháp. Tôi nhắm mắt lại một lúc: đích thực tôi đang hít thấy mùi Provence, mùi Avignon, mùi Nîmes, mùi Arles: mùi Địa Trung Hải, nước Ý, Capri.

“Cả tôi nữa, tôi cũng muốn sống ở Capri như Axel Munthe,” hoàng thân Eugène cất lời. “Có vẻ như ông ấy sống giữa hoa và chim. Đôi khi tôi tự hỏi,” ông mỉm cười nói tiếp, “liệu ông ấy có thực sự yêu hoa và chim không.”

“Lũ hoa rất yêu ông ấy,” tôi đáp.

“Lũ chim cũng yêu ông ấy à?”

“Chúng nghĩ ông ấy là một cái cây cổ thụ,” tôi nói, “một cái cây khô.”

Hoàng thân Eugène mỉm cười, hai mắt nhắm hờ lại. Cũng như mọi năm, mùa hè Axel Munthe đã đến làm khách của nhà vua tại lâu đài Drottningholm, ông mới rời sang Ý được vài hôm. Tôi rất tiếc vì đã không gặp được ông ở Stockholm.

Cách đây năm sáu tháng ở Capri, ngay trước khi lên đường sang Phần Lan, tôi đã lên Tháp Materita chào Axel Munthe, ông muốn nhờ tôi chuyển vài bức thư cho Sven Heddin, Ernst Manker và vài người bạn khác ở Stockholm. Axel Munthe đợi tôi dưới tán những cây thông và bách của Materita: đứng đó thật thẳng, gầy ngoẵng, thô dã, phủ trên người cái áo măng tô xanh lục đã cũ, một cái mũ xấu đội lệch trên mái tóc bù xù, đôi mắt sáng rực, tinh quái, giấu đằng sau cặp kính đen khiến ông có một dáng vẻ kỳ bí và đe dọa thường thấy ở người mù. Munthe cầm dây buộc cổ một con chó lai sói và, mặc dù trông con chó có vẻ hiền, ngay khi nhìn thấy tôi giữa đám cây, ông hét lên bảo tôi đừng lại gần quá. “Anh đi đi! ông hét lên,” vừa hét vừa vung vẩy tay chân loạn xạ, nạt con chó không được nhảy chồm vào tôi, đừng xé xác tôi ra, cứ như là ông phải khó khăn lắm mới giữ nổi nó, cứ như là ông không còn có thể cự lại những cú giật điên khùng truyền qua sợi dây buộc cổ con vật hung dữ kia nữa. Nó thì nhìn tôi, hiền lành và vui vẻ, vẫy vẫy cái đuôi, còn tôi thì chậm rãi tiến lên, vờ tỏ ra là mình đang sợ, rất khoái chí với màn diễn kịch vô hại này.

Axel Munthe, những lúc tâm trạng tốt đẹp, thích đùa bằng cách tạo ra những cảnh ghê người để nhạo bạn bè. Có lẽ đây là ngày đầu tiên ông được thoải mái sau nhiều tháng trời sống trong cảnh cô độc điên rồ. Ông vừa qua một mùa thu buồn bã, sống giữa những cơn trở chứng đen tối, những sầu thảm cuồng loạn của mình, ngày này qua ngày khác tự nhốt kín trong tòa tháp điêu tàn, như một mẩu xương già bị gặm nhấm bởi những cái răng sắc nhọn của gió Tây Nam thổi tới từ Ischia, và bởi tramontane, cái thứ gió mang tới tận Capri mùi hắc lưu huỳnh của núi Vésuve - tự khóa trái nhốt mình trong nhà tù ẩm ướt sặc mùi bồ tạt, giữa những bức tranh giả cổ của ông, những tảng đá hoa cương Hy Lạp giả và những bức tượng Madone thế kỷ XV tạc vào gỗ của một thứ đồ kiểu Louis XV.

Hôm ấy, Munthe có vẻ nhẹ nhõm. Tới một lúc, ông khởi sự nói với tôi về lũ chim chóc ở Capri. Tối nào vào lúc hoàng hôn ông cũng ra khỏi tháp, chậm rãi và cẩn trọng tiến đến giữa đám cây trong công viên, cái áo măng tô xanh lục cũ kỹ phủ trên người, cái mũ độc ác đội lệch trên mái tóc bù xù, mắt giấu sau cặp kính đen - cho tới khi đến được một nơi có đám cây rải rác tạo thành một khoảng như tấm gương soi bầu trời trên cỏ. Ông đứng đó, gầy ngoẵng, thật thẳng, như một cái cây cổ thụ khô kiệt, bị mặt trời, băng giá và những trận bão sấy khô, với một tiếng cười sung sướng ẩn trốn trong bộ râu kiểu thú hoang về già của mình - và đợi. Lũ chim bay đến với ông thành từng đàn, với những tiếng chiêm chiếp thân mật: chúng đậu lên vai ông, trên hai cánh tay ông, trên mũ ông, mổ vào mũi, môi và tai ông. Munthe cứ đứng thẳng như vậy, bất động, giao tiếp với những người bạn nhỏ bé của mình bằng thứ phương ngữ dịu dàng của Capri, cho đến khi mặt trời xuống, chui xuống mặt biển xanh lơ xanh lục, và lũ chim bay về tổ, đồng loạt, với tiếng kêu liên hồi thật đẹp thay cho lời từ biệt.

“A! cái cha Munthe ấy!” hoàng thân thốt lên, và giọng của ông, đầy vẻ trìu mến, hơi run run.

Chúng tôi đi dạo một lúc trong công viên, bên dưới những tán thông đang phồng lên vì gió, rồi Axel Munthe dẫn tôi lên căn phòng cao nhất trong tòa tháp của ông. Trước đây hẳn nó là một dạng kho chứa đồ, giờ thì ông đã biến nó thành một phòng ngủ cho những ngày của sự cô độc đen tối của ông, những lúc ông tự nhốt mình lại ở trên cao đó như trong một xà lim nhà tù, lấy bông bịt lỗ tai lại để khỏi nghe thấy một giọng nói con người. Ông ngồi trên một cái ghế, một cây gậy lớn đặt giữa hai đầu gối, sợi dây buộc con chó quàng quanh cổ tay. Con chó, nằm dưới chân ông, nhìn tôi chằm chằm, cái nhìn trong và buồn. Axel Munthe ngẩng đầu lên: một khoảng tối bất ngờ vừa hạ xuống trán ông. Ông bảo ông không ngủ được, đêm đến ông cứ thao thức hoảng sợ mà nghe tiếng gió gào qua đám cây lá và giọng biển ở xa xa.

“Tôi hy vọng anh không đến đây để nói với tôi về chiến tranh,” ông bảo tôi.

“Tôi sẽ không nói với ông về chiến tranh đâu,” tôi đáp.

“Cám ơn,” Munthe nói. Rồi, đột nhiên, ông hỏi có đúng người Đức tàn bạo đến khủng khiếp như vậy không.

“Sự tàn bạo của họ là do nỗi sợ gây nên,” tôi đáp; “bọn họ phát ốm vì sợ. Đó là một dân tộc bị bệnh, một Krankenvolk.”

“Đúng, một Krankenvolk,” Munthe nói, gõ gõ đầu cây gậy của mình xuống nền đá. Và sau một hồi lâu im lặng, ông hỏi tôi có đúng người Đức khát máu và say mê tàn phá đến như thế hay không.

“Họ sợ mà,” tôi đáp. “Họ sợ mọi thứ và mọi người. Họ giết chiếc chóc và tàn phá vì sợ. Không phải là họ e ngại cái chết; không một người Đức nào, đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ em, e ngại cái chết. Họ cũng không sợ phải chịu đau đớn. Theo một nghĩa nào đó có thể nói rằng họ thích đau. Nhưng họ sợ mọi thứ đang sống, mọi thứ đang sống ở bên ngoài họ - và cả mọi thứ khác họ nữa. Nỗi đau mà họ chịu đựng rất bí hiểm. Trên tất cả họ sợ những con người yếu ớt, những người không mang vũ khí, người đau ốm, phụ nữ, trẻ con. Họ sợ những người già. Nỗi sợ của họ luôn luôn làm tôi thấy thương hại sâu sắc. Nếu châu Âu đem lòng thương hại họ thì có lẽ người Đức sẽ được chữa khỏi chứng bệnh khủng khiếp của mình.”

“Tức là họ điên cuồng? Thế có đúng là họ tàn sát người ta không chút xót thương không?” Axel ngắt lời tôi, sốt ruột gõ đầu cây can xuống sàn.

“Đúng, đúng vậy,” tôi đáp, “họ giết những người không vũ khí, treo cổ người Do Thái lên cây tại các quảng trường ở làng, thiêu sống họ trong các ngôi nhà như lũ chuột, bắn những người nông dân và công nhân trên những cái sân kholkhoze và nhà máy. Tôi đã thấy họ cười, ăn và ngủ dưới bóng những xác người treo lủng lẳng trên cây.”

“Đó là một Krankenvolk,” Munthe nói, tháo đôi kính đen ra để dùng khăn mùi soa chùi thật kỹ lưỡng hai bên mắt kính. Mí mắt ông cụp xuống: tôi không nhìn thấy được mắt ông. Rồi ông hỏi có phải người Đức giết cả chim chóc không.

“Không, điều đó thì không,” tôi đáp, “họ không có thời gian để ý đến lũ chim: thời gian cho người đã gắt gao lắm rồi. Họ tàn sát người Do Thái, công nhân, nông dân, họ đốt thành phố và làng mạc với một sự điên giận man dã, nhưng họ không giết chim chóc. A! bên Nga có nhiều loài chim mới đẹp làm sao! Có lẽ còn đẹp hơn lũ chim ở Capri nữa ấy.”

“Đẹp hơn lũ chim ở Capri à?” Axel Munthe hỏi, giọng tức tối.

“Đẹp hơn, sung sướng hơn,” tôi đáp. “Bên Ukraine có vô số họ chim tuyệt diệu. Chúng bay thành từng đàn hàng nghìn con, lích rích trên những tán keo, chúng nhẹ nhàng đậu xuống những cành dương ánh bạc, trên nhành lúa mì, trên vồng hoa hướng dương vàng để mổ hạt những con mắt đen to của hoa. Ta nghe tiếng chúng hót không ngưng nghỉ bên dưới tiếng đại bác gầm, ngay giữa tiếng đạn súng máy tíu tít, qua tiếng gầm gào uy lực những phi cơ trên bình nguyên Ukraine mênh mông. Chúng đậu xuống vai những người lính, yên ngựa rồi bờm ngựa, trên những cỗ pháo, trên nòng những khẩu súng trường, trên tháp pháo xe tăng panzer, trên giày người chết. Chúng không sợ người chết. Đó là những con chim nhỏ thó, nhanh nhẹn và tươi vui. Một số con màu ghi, số khác xanh lục, nữa là màu đỏ, rồi màu vàng. Có những con chỉ đỏ hay xanh lơ ở ngực, những con khác ở cổ, những con khác nữa thì ở đuôi. Lại có những con màu trắng cổ xanh, và tôi từng thấy những con (rất rất nhỏ và rất kiêu hãnh) trắng muốt, không một vấy bẩn. Sáng sáng lúc bình minh, chúng bắt đầu hót du dương trong đám lúa mì và người Đức thức dậy từ giấc ngủ buồn thảm của mình, ngẩng đầu lên để nghe tiếng hót hạnh phúc của chúng. Chúng bay thành đàn hàng nghìn con phía trên các chiến trường vùng sông Dnietster, sông Dnieper và sông Don; chúng lích chích tự do và vui sướng. Chúng không sợ chiến tranh, chúng không sợ Hitler, sợ SS, sợ Gestapo. Chúng không đậu lại trên những cành cây để ngắm nhìn cuộc tàn sát mà chúng vừa bay lượn vừa hót trên nền trời và theo các đội quân tiến lên trên bình nguyên vô tận, từ trên cao. A! Chúng thực sự đẹp, lũ chim bên Ukraine ấy!”

Axel Munthe ngẩng đầu lên, bỏ cặp kính đen ra, nhìn tôi bằng đôi mắt sống động và tinh quái. Ông mỉm cười:

“Thật may mắn vì người Đức không giết lũ chim!” ông nói. “Tôi rất sung sướng vì bọn họ không giết lũ chim.”

“Ông ấy thực có một trái tim dịu dàng, một tâm hồn cao nhã, cái ông Munthe thân thương đó,” hoàng thân Eugène nói.


Đột nhiên một tiếng ngựa hí dài, êm ái vọng lên từ phía biển. Hoàng thân Eugène rùng mình, lấy chiếc áo măng tô rộng bằng len màu ghi đang vắt trên thành một cái ghế, mặc vào người.

“Ta ra xem cây cối đi, ông nói. Đẹp lắm, đám cây ấy, vào giờ này.”

Chúng tôi ra ngoài vườn. Trời bắt đầu trở lạnh và bầu trời ở đằng Đông mang màu bạc ngả sang nâu. Cái chết chậm rãi của ánh sáng, sự trở lại của màn đêm sau ngày hè bất tận, khiến tôi cảm thấy bình yên và thanh thản. Cứ như là chiến tranh đã kết thúc, châu Âu vẫn còn sống, the glory that was, v.v… the grandeur that was, v.v… Hồi hè tôi ở Laponie, mặt trận Petsamo và Liza, trong những khu rừng mênh mông của Inari, vùng toundra Bắc Cực, chết chóc như trên mặt trăng, được chiếu rọi bởi một mặt trời hung dữ không bao giờ chịu lặn. Những tăm tối đầu tiên của mùa thu mang cho tôi hơi ấm, sự ngơi nghỉ, cảm giác về một cuộc sống yên ả và không chút nào bị vương nhiễm sự hiện diện kiên trì của cái chết. Tôi cuộn mình vào bóng tối rốt cuộc cũng tìm lại được, như vào một tấm chăn len. Không khí có độ nồng ấm, có mùi phụ nữ.

Tôi mới tới Stockholm được vài ngày sau một kỳ lưu trú dài trong một bệnh viện ở Helsinki và tại Thụy Điển, tôi tìm thấy lại sự dịu dàng của một cuộc sống yên ả trước đây từng là đặc ân của châu Âu. Sau ngần ấy tháng trời cô độc hoang dại ở Cực Bắc, sống giữa những thợ săn gấu Laponie, dân chăn tuần lộc, những người câu cá hồi, những cảnh tượng, kể từ bấy đã bị lãng quên, của một cuộc sống êm ái và cần cù, mà tôi kinh ngạc chiêm ngưỡng trên phố phường Stockholm, khiến tôi như chếnh choáng, theo cách nào đó như lạc lối. Nhất là phụ nữ, sự duyên dáng đậm tính chất thể thao và đầy kiêu hãnh của những phụ nữ Thụy Điển da sáng màu và trong suốt với mái tóc vàng cổ kính, nụ cười trong trẻo, vú nhỏ nhô cao trên bầu ngực giống như hai cái huy chương giành được khi thi điền kinh, hai huy chương kỷ niệm sinh nhật lần thứ tám mươi lăm của đức vua Gustave V - mang trả lại cho tôi sự e thẹn của cuộc đời. Bóng tối những hoàng hôn đầu tiên khiến sự cao nhã nữ giới chợt mang một điều gì thật khó biết về bí mật, về bí ẩn.

Dọc các phố chìm trong ánh sáng thanh thiên, dưới một bầu trời lụa xanh nhạt, trong bầu không khí rạng ngời từ ánh phản chiếu màu trắng các mặt tiền nhà, những phụ nữ bước đi, giống hệt những sao chổi màu vàng pha xanh. Nụ cười của họ ấm, ánh nhìn phấn chấn và trong sạch. Các cặp ôm riết lấy nhau trên những ghế băng của Humle Garden, dưới những tán cây đã ẩm mùi đêm, với tôi thật giống sự lặp lại lý tưởng của cặp trai gái ôm nhau của Josephson trong Festlig Scen. Bầu trời phía trên những mái nhà, những ngôi nhà dọc theo biển, thuyền buồm và tàu hơi nước neo lại trong Ström và dọc Strand-wägen có màu xanh lơ của đồ gốm Marieberg và Röstrand, mặt biển xanh giữa các hòn đảo và bán đảo, màu xanh của Mälaren gần Drottningholm, những cánh rừng vây quanh Saltsjösbaden, những cuộn mây trên đám mái nhà cuối cùng của Walhallawägen - cái màu xanh xuyến vào màu trắng miền Bắc, trong tuyết miền Bắc, trong những dòng sông, những hồ, những rừng miền Bắc, cái màu xanh ta thấy ở lớp stucco của kiến trúc tân cổ điển Thụy Điển, ở các đồ gỗ thô kệch kiểu Louis XV đánh véc ni trắng bày trong nhà các nông dân Norrland và Laponie, được Anders Oesterling nhắc tới, ông vừa nói với tôi bằng cái giọng êm dịu vừa thơ thẩn giữa những cây cột gỗ trắng khía theo kiểu cột doric mạ vàng, trong Phòng Họp của Viện Hàn lâm Thụy Điển, Gamle Stade. Màu xanh ánh sữa đục của bầu trời Stockholm vào quãng bình minh, lúc các bóng ma cả đêm lang thang trên phố phường nội đô (miền Bắc là vùng đất của những bóng ma, cây cối, nhà cửa, thú vật là bóng ma của cây cối, nhà cửa, thú vật) đã trở về nhà dọc theo các vỉa hè, giống những cái bóng xanh lơ - và tôi rình mò chúng, những bóng ma ấy, từ trên cửa sổ phòng tại Grand Hôtel, hoặc các cửa sổ ngôi nhà của Strindberg, cái ngôi nhà xây bằng gạch đỏ nằm tại số 10 Karlaplan, giờ là nơi ở của bí thư Phái đoàn Ý Maioli và, ở tầng trên, trú ngụ nữ ca sĩ Chilê Rosita Serrano. Mười chú chó của Rosita Serrano sủa váng chạy lên chạy xuống cầu thang, giọng Rosita vang lên khàn khàn và êm, nương theo các hợp âm đàn ghi ta, và tôi nhìn xuống bên dưới, quảng trường, nơi đang lang thang những bóng ma mà Strindberg bắt gặp nơi cầu thang khi ông trở về nhà lúc bình minh, hoặc giả bắt chợt được, đang ngồi đó trong phòng để quần áo, hoặc giả nằm trên giường của ông, hoặc giả đang đứng nhìn xuống cửa sổ của ông, nhợt nhạt trên nền trời nhợt nhạt, ra dấu với những người vô hình đi ngang qua. Giữa tiếng rì rầm của vòi phun nước nằm ngay giữa Karlaplan, ta nghe tiếng lá cây xạc xào trong cơn gió nhẹ thổi lên từ mặt biển buổi sớm hôm.

Chúng tôi ngồi trong một ngôi đền nhỏ xây dựng theo lối tân cổ điển nằm cuối công viên, nơi có tảng đá sát kề bờ biển, và tôi ngắm nhìn những cây cột doric trắng êm ái in hình lên nền xanh của khung cảnh mùa thu. Dần dà, một điều gì đó cay đắng nảy sinh trong lòng tôi. Giống như một nỗi hận thù buồn bã. Những lời tàn nhẫn dâng lên bờ môi tôi, tôi có cố công đè nén chúng thì cũng chỉ vô ích. Vậy là, gần như một cách vô thức, tôi khởi sự nói về các tù binh Nga ăn xác chết đồng đội của mình ở trại Smolensk, ngay dưới những cặp mắt không chút cảm xúc của sĩ quan và quân lính Đức. Tôi ghê tởm và xấu hổ vì những lời của mình; tôi những muốn ngỏ lời xin lỗi hoàng thân Eugène về sự tàn nhẫn của tôi; và hoàng thân Eugène im lặng, quấn mình trong chiếc măng tô màu ghi, đầu gục xuống ngực. Đến một lúc, ông ngẩng đầu lên, mấp máy môi như muốn nói, nhưng vẫn giữ im lặng. Và tôi thấy trong ánh mắt ông một lời trách cứ đau đớn.

Trong ánh mắt ông, trên vầng trán ông, tôi những muốn đọc thấy cùng sự tàn nhẫn lạnh lẽo hằn lên trên khuôn mặt Obergruppfürer Dietrich lúc tôi kể cho ông ta chuyện về những tù binh Liên Xô ăn xác đồng đội mình ở trại Smolensk. Dietrich phá lên cười. Tôi đã gặp Obergruppfürer Dietrich, Dietrich khát máu, chỉ huy đội vệ binh của Hitler, ở biệt thự của Đại sứ quán Ý, trên bờ sông Wannsee kề Berlin - tôi bị thu hút khủng khiếp về phía khuôn mặt tái nhợt của ông ta, sự lạnh lẽo khó tin của đôi mắt ông ta, cặp tai to tướng, cái miệng cá của ông ta. Dietrich phá lên cười.

“Haben sie ihnen geschmeckt? Chúng ăn có ngon miệng không?” ông ta hỏi tôi.

Và ông ta cười, mở thật lớn cái miệng cá lợi đỏ hồng ra mà cười, nhe ra hàm răng cá sắc nhọn và sít sịt. Tôi những muốn khuôn mặt hoàng thân Eugène cũng biểu lộ cùng sự tàn nhẫn như khuôn mặt Dietrich, muốn ông cũng hỏi tôi bằng cái giọng mệt mỏi nhung lụa hơi có chút xa cách của ông:

“Bọn họ ăn có ngon miệng không?”

Nhưng hoàng thân Eugène ngước mắt lên nhìn tôi chằm chằm với một cái nhìn trách cứ đau đớn.

Một tấm mặt nạ của nỗi đau sâu sắc phủ lên mặt ông. Ông hiểu tôi đau khổ, ông im lặng nhìn tôi chằm chằm, với một nỗi thương hại trìu mến. Tôi cảm thấy rằng nếu ông cất tiếng nói, nếu ông nói với tôi dù chỉ một từ, nếu ông chạm vào tôi - thì hẳn tôi có thể òa khóc. Nhưng hoàng thân Eugène chỉ im lặng nhìn tôi, trong khi những lời tàn nhẫn cứ trào khỏi miệng tôi. Đột nhiên, tôi nhận ra mình đang kể câu chuyện về cái ngày tôi lái xe tới mặt trận Leningrad. Tôi đi ngang qua một khu rừng rậm gần Orianenbaum cùng một sĩ quan Đức, trung úy Schultz người Stuttgart, hay nói chính xác hơn là người thung lũng sông Neckar, “thung lũng của các thi sĩ”, Schultz nói với tôi, và anh ta nói với tôi về Hölderlin, về bệnh điên của Hölderlin. “Ông ấy không điên đâu, Schultz nói, đó là một thiên thần” rồi tay anh ta phác một cử chỉ mơ hồ và chậm rãi, như để vẽ nên trong không khí giá lạnh cặp cánh vô hình, và hướng cái nhìn lên trời như đang dùng mắt dõi theo đường bay của một thiên thần. Khu rừng rậm và sâu hun hút; ánh chói mắt của tuyết phản lên những thân cây với chút điểm xanh, chiếc xe trượt trên đường đóng băng với một tiếng ồn êm ái. “Hölderlin trong Rừng Đen, bay trên đám cây như một con chim lớn”, Schultz nói. Tôi im lặng, nhìn khu rừng sâu hun hút khủng khiếp vây quanh chúng tôi, nghe tiếng xào xạo của bánh xe trên con đường phủ băng. Và Schultz ngâm những vần thơ của Hölderlin:

Trên những cánh đồng Necker vùng sông Rhin
Ta tưởng như nếu để sống
Chẳng có đâu hơn nữa ở trên đời
Nhưng tôi lại muốn đến dãy Caucase

“Hölderlin từng là một Thiên thần Đức!” tôi mỉm cười, nói.

“Ông ấy từng là một Thiên thần Đức,” Schultz nhắc lại, rồi anh ta ngâm:

Nhưng tôi lại muốn đến dãy Caucase

“Hölderlin,” tôi nói, “cũng muốn tới dãy Caucase, nicht wahr?”

“Ach so!” Schultz đáp.

Đúng lúc ấy, nơi khu rừng còn hun hút hơn, dày rậm hơn và có một lối đi cắt ngang con đường của chúng tôi, đột nhiên tôi nhìn thấy hiện ra từ sương mù, ngay trước mặt chúng tôi, ở chỗ hai con đường giao nhau, một người lính đứng ngập trong tuyết đến ngang bụng. Anh ta đứng ở đó, bất động, tay phải dang ra để chỉ lối. Khi chúng tôi đi ngang qua trước anh lính, Schultz để tay lên mũ kê pi như để chào và cảm ơn anh ta, rồi bảo:

“Đây cũng là một người nữa muốn tới dãy Caucase đấy!” và phá lên cười, ngửa hẳn người ra sau trên ghế.

Đi thêm một đoạn nữa, đến một chỗ đường giao nữa, cách đã khá xa, lại có thêm một người lính hiện ra, cũng đứng ngập mình trong tuyết, tay phải dang ra để chỉ đường cho chúng tôi.

“Họ sẽ chết lạnh mất, những con quỷ tội nghiệp kia,” tôi nói.

Schultz quay sang nhìn tôi:

“Chẳng thể nào họ lại chết lạnh được đâu!” anh ta nói.

Và anh ta cười. Tôi hỏi tại sao anh ta lại nghĩ những con quái tội nghiệp kia lại chẳng thể chết lạnh.

“Bởi vì kể từ nay bọn chúng đã quen với cái lạnh rồi!” Schultz đáp và cười, lấy tay đập lên vai tôi. Anh ta dừng xe lại rồi vừa cười vừa quay sang tôi:

“Anh có muốn lại gần mà xem không? Anh có thể hỏi anh ta có lạnh không.”

Chúng tôi xuống xe tiến lại gần người lính đang đứng đó, bất động, tay phải dang ra chỉ đường. Anh ta đã chết. Ánh mắt anh ta hoang vắng, miệng hơi hé. Đó là một người lính Nga đã chết.

“Đây chính là cảnh sát phụ trách giao thông liên lạc của chúng tôi đấy,” Schultz nói. “Chúng tôi gọi họ là “cảnh sát im lặng”.”

“Anh có chắc là anh ta không nói không?”

“Anh ta không nói ấy à? Ach so! Thì anh cứ thử hỏi anh ta xem.”

“Tốt hơn hết là tôi không làm vậy. Tôi chắc anh ta sẽ đáp lời tôi,” tôi nói.

“Ach sehr thú vị!” Schultz cười, kêu lên.

“Ja, sehr thú vị, nicht wahr?”

Rồi tôi làm ra vẻ thờ ơ nói thêm:

“Khi các anh dẫn họ ra đây thì họ còn sống hay đã chết?”

“Sống chứ, tất nhiên rồi!” Schultz đáp.

“Sau đó thì hẳn là họ chết vì lạnh phải không?” tôi nói.

“Nein, nein, họ không chết lạnh: nhìn đây này.” Và Schultz chỉ cho tôi một khoảng máu bầm, một ít băng giá màu đỏ, trên thái dương người chết.

“Ach so! Sehr thú vị.”

“Sehr thú vị, nicht wahr?” Schultz hỏi. Rồi anh ta vừa cười vừa tiếp: “Dù sao thì cũng phải dùng lũ tù binh Nga vào việc gì đó chứ!”

“Anh đừng nói nữa,” hoàng thân Eugène trầm giọng nói. Ông chỉ bảo: “Anh đừng nói nữa.” Còn tôi, tôi những muốn ông nói, bằng cái giọng mệt mỏi nhung lụa hơi có chút xa cách của ông: “Phải đấy! cũng phải dùng lũ tù binh Nga vào việc gì đó chứ!” Nhưng ông im lặng; còn tôi, tôi thấy kinh tởm và xấu hổ về những lời của mình. Có lẽ tôi đợi hoàng thân Eugène chìa tay, đặt lên cánh tay tôi. Tôi cảm thấy nhục nhã, đầy một nỗi căm hận buồn bã và tàn nhẫn.


Từ quãng rậm nhất của khu rừng sồi Oakhill vẳng tới những tiếng vó ngựa sốt ruột gõ xuống nền đất ẩm, những tiếng hí bị kìm lại. Hoàng thân Eugène ngước trán lên, lắng nghe một chốc, rồi đứng dậy và im lặng đi về phía tòa biệt thự. Tôi cũng im lặng đi theo sau ông. Chúng tôi bước vào studio và ngồi xuống bên một cái bàn nhỏ trên đó trà đã được rót ra những cốc gốm Nga thời Catherine rất đẹp, trong suốt và phớt xanh. Ấm trà và lọ đường làm bằng bạc cổ Thụy Điển, không hề chói lên như đồ bạc Nga của Faberger, mà hơi xỉn, với cái màu u tối giống ten cổ ở các nước Baltic. Tiếng hí của lũ ngựa vẳng tới yếu ớt. Nó hòa lẫn vào với tiếng rì rào của gió trong tán cây. Hôm trước, tôi đã tới Uppsala thăm khu vườn nổi tiếng của Linné và mộ các ông vua cổ xưa của Thụy Điển, những tumili đất khổng lồ rất giống mộ các Horace và Curiace trên đường Appienne. Tôi hỏi hoàng thân Eugène xem có thực là người Thụy Điển thời cổ hiến sinh ngựa trên mộ các ông vua hay không.

“Cũng có lúc họ lại hiến chính các vị vua trên mộ lũ ngựa ấy chứ,” hoàng thân Eugène đáp; rồi ông cười đầy láu lỉnh như thể hài lòng vì thấy tôi giờ đây đã thanh thản trở lại, không gợn chút tàn nhẫn nào, cả trong giọng nói lẫn cái nhìn. Gió rít giữa đám cây trong công viên, và tôi nghĩ đến những cái đầu ngựa treo lơ lửng nơi các cành sồi ở Uppsala phía trên mộ các vị vua, đến những cặp mắt ngựa tràn đầy cái lóe chớp ẩm ướt hay thấy ở mắt phụ nữ, những lúc được khoái lạc hay lòng thương hại rọi chiếu.

“Không bao giờ ông nghĩ rằng phong cảnh Thụy Điển là một phong cảnh mang bản tính ngựa à?” tôi hỏi.

Hoàng thân Eugène mỉm cười.

“Anh có biết,” ông hỏi tôi, “những bức tranh ngựa của Carl Hill, các hästar của Carl Hill không? Carl Hill bị điên,” ông nói thêm: “ông ấy tin rằng cây cối là những con ngựa màu xanh lục.”

“Carl Hill,” tôi nói, “vẽ ngựa như thể chúng là phong cảnh. Thực sự là có điều gì đó rất lạ trong bản tính Thụy Điển: cùng sự điên rồ nằm trong bản tính lũ ngựa. Và cùng sự cao quý, cùng sự nhạy cảm tối tăm, cùng sự phẫn nộ dâng trào và trừu tượng. Bản tính ngựa, sự điên rồ theo kiểu ngựa của phong cảnh Thụy Điển không chỉ lộ ra ở cây cối trong rừng: cao lớn, trang nghiêm, xanh vô cùng, mà còn trong sự óng ánh như lụa ở các phối cảnh dòng nước, cánh rừng, hòn đảo, mây bay - ở các phối cảnh không gian, nhẹ bỗng và sâu thẳm, nơi đó có những màu trắng trong suốt, màu đỏ sẫm ấm nóng, những màu xanh ngọc lục bảo lạnh lẽo, những màu xanh lục ẩm ướt, những màu xanh lơ sáng, chói - tạo nên một tổng thể hài hòa nhẹ bỗng và thoáng qua như thể các màu không bao giờ đậu lại lâu trên những cánh rừng, trên các đồng cỏ, dòng nước, mà ngay lập tức bay lên, giống như lũ bướm (nếu ta chạm vào, phong cảnh Thụy Điển sẽ để lại trên đầu ngón tay ta các màu, giống như cánh bướm). Đó là một phong cảnh nhẵn lì nếu chạm vào, như chạm vào lông một con ngựa: nó có những màu phớt qua, sự nhẹ bỗng và sự bóng loáng của không khí, ánh màu thay đổi của lông ngựa tung bay giữa đám cỏ và lá, trong tiếng ồn ào của một cuộc đi săn, trên cái nền màu xanh lục của cây cối và những cánh đồng, dưới một bầu trời màu ghi và hồng. Hãy nhìn mặt trời mà xem,” tôi nói, “lúc nó nhô lên trên những khu rừng thông xanh lơ, trên những cụm cây dương sáng màu, trên ánh bạc cũ kỹ các dòng nước, trên màu xanh lục phớt lơ của các cánh đồng. Hãy nhìn mặt trời lúc nó nhô lên ở chân trời, chiếu sáng phong cảnh bằng ánh lóe ẩm ướt giống như con mắt khổng lồ phấn khích của loài ngựa. Trong bản tính Thụy Điển có một điều gì đó phi thực, chất chứa huyễn tưởng và thất thường, chất chứa sự thi vị điên rồ sáng ánh lên trong mắt loài ngựa. Phong cảnh Thụy Điển là một con ngựa phi nước đại. Nghe kìa, tôi nói, tiếng hí của gió giữa đám cây cối. Hãy nghe tiếng hí của gió trong gió và trong cỏ.”

“Lũ ngựa Tivoli đang từ biển quay trở lại đấy,” hoàng thân Eugène nói, tai dỏng lên.

“Cách đây ít lâu,” tôi nói, “tôi tới chỗ bãi tập nằm gần trại lính khinh kỵ hoàng gia ở Fatrittklubb của Stockholm để xem ngày đua ngựa cuối cùng với sự tham gia của những con tuấn mã hay nhất của các trung đoàn thanh lịch nhất của nhà vua. Cây cối, ngựa, cỏ trên cánh đồng, màu ghi xỉn của những bước tường cái sân tennis có mái che, lối trang điểm sáng sủa của công chúng nữ giới, những bộ quân phục xanh lơ của các sĩ quan khinh kỵ vẽ nên trong bầu không khí màu bạc một bức tranh của Degas, thân tình và tinh tế, chìm xuống bởi các tông màu ghi-hồng rồi xanh lục vô cùng khó cảm nhận. (Chính trong cái ngày cuối cùng ấy con ngựa Führer, do trung úy Eriksson thuộc Pháo binh Hoàng gia vùng Norrland, cưỡi, vào lúc diễn ra cuộc đua läkaren, lao đi, xô đổ những thanh chắn thanh rào, mọi thứ chướng ngại vật: và công chúng giữ im lặng để nước Đức của Führer, từ bên kia bờ biển, không nổi hứng mà ra oai xâm chiếm Thụy Điển. Và cùng ngày hôm ấy, bằng một tinh thần trung lập tinh tế, con ngựa Molotoff, dưới sự cầm cương của một sĩ quan mang họ Anh - nghĩa là không hợp thời điểm cho lắm - đại úy Hamilton thuộc Pháo binh Hoàng gia ở Göta vào đúng phút cuối bỏ không tham gia cuộc đua nữa, hoặc vì những báo cáo mong manh, đặc biệt căng thẳng vào những ngày ấy giữa Thụy Điển và Liên Xô sau khi Liên Xô bắn chìm mấy tàu Thụy Điển ở Baltic, hoặc để tránh một cuộc đụng độ công khai giữa Führer và Molotoff.) Hai ba trăm người ngồi im re trên vài hàng ghế xếp thành khán đài là công chúng thanh lịch quen thuộc của Stockholm được tập hợp lại quanh thái tử ngồi giữa một cái ghế băng dài không tựa; và nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài tạo thành một cái lỗ màu ghi giữa những váy xanh lục, đỏ, vàng, xanh lục bảo và quân phục màu xanh lơ.”

“Đến một lúc, trước tiếng hí vang êm ái và mượt mà, gần như dịu dàng, cất lên từ con Rockaway do hoàng tử Gustave Adolphe cưỡi, tất cả lũ ngựa trên trường đua hí lên trả lời. Nghe như thể một lời thách thức của tình yêu. Và con Bäckhastäten của Rittmaster Ankarcrona của Khinh kỵ Hoàng gia và con miss Kiddy của trung úy Nyholm thuộc đội Long kỵ binh Hoàng gia ở Norrland và con Babian của trung úy Nihlén thuộc Pháo binh Hoàng gia ở Svea bắt đầu tung tăng trên đồng cỏ, dưới cái nhìn nghiêm khắc của thái tử, trong lúc đó từ phía sau đám cây, ở đầu bãi cỏ, và từ dãy chuồng ngựa của Khinh kỵ Hoàng gia, bên kia đường - vang lên tiếng hí của những con ngựa vô hình. Ngay những con ngựa kéo cỗ xe hoàng gia cũng cất tiếng hí, thành thử trong một lúc, cái giọng duy nhất mà người ta nghe thấy là tiếng ngựa. Dần dà, giọng của gió, tiếng còi tàu, tiếng than thở mù sương của lũ mòng, tiếng xào xạc của cây lá, tiếng động của một cơn mưa ấm vô hình lấy lại được sức mạnh và lòng can đảm, và tiếng hí tắt ngấm. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, thực sự tôi thấy như thể nghe ra giọng của bản tính Thụy Điển trong toàn bộ sự thuần khiết của nó: một giọng ngựa, một tiếng hí êm dịu, một giọng mang tính nữ một cách sâu thẳm.

Hoàng thân Eugène đặt bàn tay lên cánh tay tôi và vừa mỉm cười vừa nói: “Tôi sung sướng vì anh…” Rồi ông nói thêm với một âm sắc trìu mến: “Đừng sang Ý, ở lại Thụy Điển thêm đi; anh sẽ khỏi được tất tật những gì gây đau khổ cho anh.”


Ánh sáng ban ngày yếu dần: màu tím đêm nhiều sắc chậm rãi lan tỏa trong căn phòng. Dần dà, một cảm giác ngại ngùng không thể định nghĩa xâm chiếm lấy tôi. Tôi cảm thấy một nỗi xấu hổ và một niềm kinh tởm về mọi thứ mình từng chịu đựng trong những năm chiến tranh vừa qua. Thêm một lẫn nữa, như vẫn luôn luôn như vậy, khi tới Phần Lan hoặc khi quay trở về, tôi lại có một quãng dừng chân ngắn ở Thụy Điển, ở cái hòn đảo hạnh phúc nằm ngay giữa một châu Âu sa đọa vì cái đói, vì hận thù và bởi tuyệt vọng - tôi tìm lại được cảm giác về một cuộc sống thanh thản, cảm giác về phẩm giá con người. Tôi lại cảm thấy tự do, nhưng đó là một cảm giác đau đớn và tàn nhẫn. Vài hôm nữa, tôi sẽ phải lên đường đi Ý. Và giờ đây, cái ý nghĩ rằng mình sẽ phải rời Thụy Điển, phải đi qua nước Đức, nhìn thấy lại những khuôn mặt Đức dị dạng vì thù hận và sợ hãi, sũng một thứ mồ hôi chết chóc - làm tôi cảm thấy ngập tràn kinh tởm và nhục nhã. Vài hôm nữa, tôi cũng sẽ nhìn thấy lại những khuôn mặt Ý, những khuôn mặt Ý nản chí của tôi, nhợt ra vì đói; tôi sẽ tự nhận ra mình trong nỗi hoang mang khép kín nơi những khuôn mặt ấy, trong những cặp mắt đám đông chật ních xe điện, xe buýt, quán cà phê, những vỉa hè bên dưới những bức chân dung Mussolini to lớn dán trên tường và các ô cửa kính, bên dưới cái bản mặt phì phị với đôi mắt hèn nhát, cái miệng nói dối - và thế là dần dà xâm chiếm lấy tôi một cảm giác thương hại, nổi loạn.

Hoàng thân Eugène im lặng nhìn tôi chằm chằm. Ông hiểu những gì đang diễn ra bên trong tôi, nỗi hoang mang đang siết chặt lấy tôi, và ông bắt đầu dịu dàng nói về nước Ý, về Rome, về Florence, về những người bạn Ý của ông đã không gặp từ nhiều năm. Tới một lúc, ông hỏi tôi hoàn thân Piémont định làm gì.

“Ông ấy đang đánh mất lũ ngựa của mình!” tôi những muốn đáp như vậy. Nhưng tôi chỉ mỉm cười mà nói: Ông ấy đang ở Agnani, gần Rome, chỉ huy đội quân bảo vệ Sicile. Ông cũng mỉm cười, nhưng hoàn toàn không phải cười sự khôn lanh ngây thơ của tôi, và hỏi lâu rồi tôi có gặp ông ta không.

“Tôi đã gặp ông ấy ở Rome không lâu trước khi rời khỏi Ý,” tôi đáp. Tôi những muốn nói thêm rằng cuộc gặp cuối cùng với hoàng thân Humbert đã khiến tôi thấy cảm thông và nuối tiếc. Vài năm đã là đủ để biến ông hoàng kiêu ngạo và tươi cười tuổi còn trẻ đó trở thành một người đàn ông mang dáng vẻ nghèo khổ, buồn bã, nhục nhã. Điều gì đó trên khuôn mặt ông ta, trong cái nhìn của ông ta, để lộ một lương tâm day dứt và nản chí. Ngay sự lịch thiệp của ông ta, xưa kia vốn đầy ắp sự chân thành đáng mến, giờ hết sức gượng gạo: nụ cười của ông ta trở nên nhún nhường, thiếu tự tin.

Tôi đã nhận ra sự đi xuống của ông ta không lâu trước chiến tranh, ở Capri, trong một bữa ăn tối tại Zum Kater Hiddigeigei, nơi hàng hiên hẹp gắn kính xung quanh nhìn thẳng xuống phố. Trong căn phòng bên cạnh, một đám thanh niên do nữ bá tước Edda Ciano cầm đầu ầm ĩ nhảy nhót giữa rất đông người Naples mồ hôi nhễ nhại và phấn khích điên cuồng hay đổ về đây vào Chủ nhật. Hoàng thân Piémont đưa cái nhìn tối sầm quan sát cái bàn gồm đông đủ triều đình trẻ trung của nữ bá tước Ciano, và cái nhóm nhỏ tụ tập trước quầy bar, xung quanh Mona Williams, Noël Coward, Eddi Bismarck. Thỉnh thoảng, ông ta đứng dậy, nhanh chóng cúi chào rồi mời Élisabeth Moretti, Marita Guglielmi. Giữa hai lần khiêu vũ, ông ta quay lại bàn chúng tôi, dùng khăn mùi soa lau mồ hôi trên trán. Ông ta mỉm cười, nhưng là một nụ cười chất chứa buồn nản và gần như kinh sợ. Ông ta mặc một cái quần dài vải thô màu trắng hơi ngắn, cũng hơi chật, và một áo pull len xanh nhỏ, mốt do Gabriella Robilant lăng xê vào năm ấy. Ông ta để lại cái áo vest quàng quanh lưng ghế. Tôi chưa từng bao giờ thấy ông ta ăn vận cẩu thả sơ sài đến như vậy. Tôi kinh ngạc và khó chịu nhìn khoảng trắng to dần trên đỉnh đầu ông ta, trông như thể bị xén. Trông ông ta thật già nua. Giọng ông ta cũng già đi; nó trở nên vàng vọt, cũng khàn nữa, như phát ra từ cổ họng.

Sự nhẽo nhợt, vẻ buông thả, nỗi chán chường lơ lửng trong từng cử chỉ của ông ta, ngay cả trong nụ cười xưa kia trẻ thơ đến thế, trong cái nhìn và cặp mắt to màu đen của ông ta; và tôi cảm thấy niềm thương hại tế nhị với ông hoàng trẻ tuổi mang dáng vẻ xơ xác, quỵ ngã này, ông ta già đi theo một cách thức thấp kém, với một sự nhẫn nhịn nhẹ nhàng. Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi ở Ý đều già trước tuổi, rằng cùng sự nhẽo nhợt, vẻ buông thả, nỗi chán chường uể oải của các cử chỉ, làm thui chột nụ cười và ánh mắt mỗi người trong chúng tôi. Kể từ nay, chẳng gì còn thuần khiết, chẳng gì còn thực sự trẻ trung ở nước Ý nữa. Trong những nếp nhăn, bệnh hói đầu sớm sủa, làn da chết của vị hoàng thân trẻ tuổi này, có điều gì đó giống như dấu hiệu cho một số phận chung. Tôi cảm thấy rằng một ý nghĩ nặng nề, đau đớn đang chiếm lấy tâm trí ông ta, rằng nỗi nhục nhã của kiếp nô lệ cũng đã làm ông ta bị thui chột, rằng cả ông ta cũng là nô lệ - và điều này khiến tôi muốn cười phá lên, khi nghĩ rằng cả ông ta cũng là nô lệ.

Đó không còn là Hoàng Thân Xanh Lơ người ta từng thấy đi qua các phố ở Turin, một nụ cười nghiêm ngắn trên cặp môi đỏ kiêu ngạo, chàng Hoàng Tử Quyến Rũ mà ta từng thấy hiện ra ở ngưỡng những ngôi nhà bạn bè bên cạnh quận chúa Piémont để ăn tiệc và dự những buổi vũ hội mà giới quý tộc Turin tổ chức cho cặp đôi ấy - và đó là một cặp thực sự đẹp, ta thích thú khi được thấy họ đi cùng nhau: ông ta thì có chút bực bội vì cái nhẫn thít vào tay, bà ta thì hơi nghi ngại và tức tối, ánh mắt trong vắt đặt lên các phụ nữ trẻ trung khác với nỗi nghi ngờ ghen tuông mà vẻ duyên dáng im lìm không làm sao che giấu cho nổi.

Cả bà ta nữa, quận chúa Piémont, lần cuối cùng tôi gặp bà ta, cũng có vẻ buồn bã và nhục nhã. Sao mà khác hẳn cái người đàn bà tôi từng gặp lần đầu tiên ở Turin trong một buổi vũ hội, toàn thân vận màu trắng, rạng ngời và dịu dàng! Đó là một trong những buổi vũ hội đầu tiên bà ta tham gia trên đất Ý kể từ khi lấy chồng. Bà ta bước vào; và dường như bà ta tiến lên bên trong chúng tôi, nhẹ nhàng, như một hình ảnh bí mật. Sao mà bà ta khác với cái người đàn bà tôi gặp ở Florence hay Forte dei Marmi, người đàn bà mà đôi khi tôi chợt bắt gặp trên các bãi đá ngầm hay trong các hang ở Piccola Marina về phía rặng núi Faraglioni. Cả ở bà ta nữa, kể từ nay cũng có điều gì đó thật nhục nhã.

Tôi đã nhận ra điều đó vài năm trước, tại Côte d’Azur. Một tối, tôi ngồi với vài người bạn ở hàng hiên quán Monte-Carlo Beach, ngay gần bể bơi. Trên sân khấu ngoài trời, hàng chân trần của một tốp đồng ca nữ nổi tiếng từ New York hất lên hạ xuống theo nhịp điệu. Buổi tối thật nóng bỏng. Phủ lên những tảng đá ngầm, biển đang say ngủ. Vào quãng nửa đêm, quận chúa Piémont tới: bá tước Gregorio Calvi di Bergolo đi cùng bà ta. Sau một lúc bà ta sai ông ta mời chúng tôi sang ngồi cùng bàn. Quận chúa im lặng, dõi theo buổi biểu diễn với ánh mắt hớp hồn kỳ quặc; dàn nhạc chơi bản Stormy WeatherSinging in the Rain. Tới một lúc, bà ta quay sang tôi hỏi chừng nào thì tôi về Turin. Tôi đáp rằng mình sẽ không trở về Ý nữa nếu mọi chuyện không thay đổi. Bà ta im lặng nhìn tôi một lúc lâu, vẻ rất buồn bã.

“Ông có nhớ buổi tối hôm nọ ở Vence không?” đột nhiên bà ta hỏi tôi.

(Vài ngày trước đó tôi đã lên Vence, thay mặt Roger Cornaz, dịch giả tiếng Pháp của H. D. Lawrence, để chào hỏi hai cô gái Mỹ lúc đó đang rất nổi tiếng toàn miền Côte d’Azur nhờ những “điệu nhảy điên loạn” của mình. Hai trinh nữ Mỹ sống với nhau trong một ngôi nhà nhỏ cũ kỹ. Họ rất nghèo và có vẻ sung sướng. Cô trẻ hơn trông giống Renée Vivien. Họ bảo tôi rằng tối hôm ấy họ đang đợi quận chúa Piémont. Trong khi cô trẻ hơn, trốn vào đằng sau một tấm ri đô đầy bụi thay đồ chuẩn bị nhảy (bạn cô chọn vài cái đĩa rồi quay ma ni ven một cái máy hát), quận chúa Piémont bước vào nhà cùng Gregorio Calvi và những người khác. Thoạt tiên, tôi thấy dường như chưa hề có gì thay đổi trong dáng vẻ bà ta; rồi, dần dà, tôi nhận ra ở bà ta cũng có điều gì đó nhục nhã, điều gì đó úa tàn. Trong căn phòng tối lờ nhờ, trần thấp và khum lên như một cái hang, trên một sân khấu tạm bợ làm bằng vải và giấy, cô gái Mỹ giống Renée Vivien bắt đầu nhảy. Đó là một điệu nhảy nghèo nàn cổ lỗ đến đáng yêu, lấy cảm hứng từ một đoạn của Sapho, theo như bạn cô gái nói. Cô vũ công, lúc đầu, như thể cháy rực trong một ngọn lửa thuần khiết: một ngọn lửa xanh lơ thiêu đốt trong cặp mắt sáng màu của cô. Nhưng được một lúc thì cô có vẻ mệt và chán. Bạn cô chằm chằm vào cô một cái nhìn trìu mến nhưng trấn áp, cùng lúc thấp giọng nói chuyện với quận chúa Piémont về những điệu nhảy điên loạn, về Platon, về những bức tượng Aphrodite. Cô vũ công chậm rãi nhảy trên cái sân khấu nhỏ, dưới ánh sáng đỏ quạch của hai ngọn đèn chụp vải xa tanh tím, nâng và hạ hết chân này đến chân kia theo nhịp điệu phát ra từ máy hát, thỉnh thoảng giơ tay lên, hai bàn tay nắm lấy nhau phía trên đầu rồi lại để chúng rơi xuống dọc theo thân mình, trong một động tác buông thả tuyệt cùng; rồi cô dừng lại, nói: “Tôi mệt rồi”, giọng thản nhiên của trẻ nhỏ, và ngồi lên một cái gối tựa. Bạn cô ôm lấy cô, gọi cô là em gái thân yêu và quay sang quận chúa Piémont, nói: “Cô ấy thật tuyệt vời có phải không ạ? Isn’t she?”

“Ông có biết tối hôm đó tôi nghĩ gì khi xem cô gái Mỹ ấy trình diễn điệu nhảy không?” quận chúa hỏi tôi. “Tôi nghĩ rằng các động tác của cô ta không thuần khiết. Tôi không muốn nói chúng gợi dục hay thiếu vẻ thẹn thùng; tôi muốn nói rằng chúng thật kiêu ngạo. Chúng không thuần khiết. Tôi thường tự hỏi tại sao ngày nay lại khó thuần khiết đến thế. Ông có nghĩ chúng ta phải nhún nhường hơn không?”

“Tôi ngờ rằng,” tôi đáp, “với bà những điệu nhảy của cô gái Mỹ ấy chỉ là một cái cớ. Có lẽ bà đang nghĩ đến một điều khác chăng?”

“Đúng, có lẽ là tôi nghĩ đến một điều khác,” bà nói. Bà im lặng một lúc, rồi nhắc lại: “Ông có nghĩ chúng ta phải nhún nhường hơn không?”

“Chúng ta phải trở nên cao quý hơn,” tôi đáp, “phải biết tự tôn trọng bản thân hơn. Nhưng có lẽ bà nói đúng: chỉ sự nhún mình mới có thể kéo chúng ta khỏi nỗi nhục nhã mà chúng ta đang rơi vào.”

“Có lẽ chính đó là điều tôi muốn nói đấy,” quận chúa nói tiếp, đầu cúi xuống. “Chúng ta phát bệnh vì kiêu ngạo, thế nhưng lòng kiêu ngạo không đủ để kéo chúng ta khỏi nỗi nhục nhã. Hành động và suy nghĩ của chúng ta không thuần khiết.” Và bà ta nói thêm rằng vài tháng trước, khi bà ta tổ chức ở Cung điện Hoàng gia Turin buổi trình diễn bản Orphée của Monteverdi cho một số nhỏ bạn bè và người sành nhạc, đến phút cuối cùng bà bỗng cảm thấy thẹn thùng. Bà thấy hình như ý định của mình không thuần khiết. Bà thấy hình như mình chỉ làm việc ấy chỉ xuất phát từ lòng kiêu ngạo.”

“Tôi cũng có mặt ở Cung điện Hoàng gia,” tôi nói với bà ta và cảm thấy khó ở mà không rõ tại sao. “Có lẽ bởi vì lúc này, trên đất Ý, ngay cả Monteverdi cũng thật lạc điệu. Nhưng cũng thật tệ khi bà lãng phí cảm xúc thẹn thùng của mình cho một số thứ, mà chúng chỉ có thể vinh danh trí tuệ và gu thẩm mỹ của bà, trong khi còn có hàng đống thứ khác buộc chúng ta, cả bà nữa, phải đỏ mặt vì xấu hổ.”

Quận chúa Piémont có vẻ rất bối rối với câu nói của tôi; tôi thấy bà hơi đỏ mặt. Tôi thấy có chút hối hận vì đã nói năng với bà ta theo kiểu cách ấy. Tôi sợ đã xúc phạm bà ta. Nhưng, sau một lúc, bà ta nói với tôi bằng giọng thân ái, rằng một buổi sáng nào đó - có thể ngay hôm sau thôi - bà sẽ lên Vence viếng mộ Lawrence (vào thời điểm đó Người tình của phu nhân Chatterley được đọc và được bàn luận rất nhiều), và thế là tôi kể cho bà ta nghe chuyến viếng thăm Lawrence cuối cùng.

Khi tôi đến Vence thì trời đã tối. Nghĩa trang đóng cửa, người gác đang ngủ và từ chối dậy, tuyên bố rằng “các nghĩa trang được làm ra để ngủ vào ban đêm”. Thế là, áp trán vào hàng rào, tôi cố nhìn xuyên màn đêm điểm bạc nhờ ánh trăng hầm mộ khiêm nhường và giản dị, bức tranh ghép bằng sỏi màu thô kệch hình phượng hoàng, con chim bất tử, mà Lawrence muốn có trên nấm mộ của mình.

“Ông có nghĩa Lawrence là một con người thuần khiết không?” quận chúa Piémont hỏi tôi.

“Đó là một người tự do,” tôi đáp.

Sau đó, khi chào từ biệt tôi, quận chúa Piémont nói, giọng bà buồn bã khiến tôi ngạc nhiên:

“Tại sao ông không quay về Ý? Đừng coi câu nói của tôi là lời trách cứ. Mà là lời khuyên của một người bạn.”

Hai năm sau, tôi quay về Ý và bị bắt rồi bị nhốt trong một xà lim ở Regina Coeli, ngồi tù năm năm không qua xét xử. Trong tù tôi thường nghĩ quận chúa Piémont đã bị nỗi buồn bã sâu thẳm của dân Ý ám, rằng bà cũng bị làm nhục bởi tình trạng nô lệ chung của chúng tôi - và tôi biết ơn bà vì âm điệu buồn bã, gần như trìu mến, mà tôi từng cảm nhận trong những lời của bà.

Lần cuối tôi gặp bà là ở Naples, cách đây chưa lâu, ở sảnh chờ nhà ga, ngay sau một cuộc ném bom. Người bị thương nằm đầy trên cáng xếp thành hàng dưới hiên để đợi xe cứu thương. Quận chúa Piémont mang trên mặt vẻ nhợt nhạt chết chóc của nỗi sầu thảm - nhưng không chỉ là nỗi sầu thảm: một điều gì đó sâu thẳm, bí mật. Bà đã gầy đi, mắt thâm quầng, hai bên thái dương có chút chằng chịt nếp nhăn. Kể từ nay, sự rực rỡ thuần khiết từng khiến bà tỏa sáng lần đầu tiên tới Turin, vài ngày sau khi lấy hoàng thân Humbert, đã tắt ngấm. Bà trở nên chậm chạp hơn, nặng nề hơn, trông bà già nua một cách lạ thường. Bà nhận ra tôi, dừng chân để chào tôi và hỏi tôi vừa từ mặt trận nào về.

“Từ bên Phần Lan,” tôi đáp.

Bà nhìn tôi, nói:

“Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, dân tộc chúng ta thật tuyệt vời.”

Tôi bật cười. Tôi những muốn đáp: “Chúng ta đã thua trận; tất cả chúng ta đã thua trận, cả bà nữa.” Nhưng tôi đã không nói gì. Mà chỉ nói: “Dân tộc chúng ta bất hạnh quá!” Và bà đi xa dần vào đám đông, bằng bước đi chậm chạp, hơi thiếu tự tin.

Thế đấy… Tôi những muốn kể tất cả những chuyện ấy cho hoàng thân Eugène, nhưng tôi cố tự ngăn mình, chỉ mỉm cười khi nhớ lại cặp ông hoàng bà chúa trẻ tuổi.

“Dân tộc Ý rất yêu quý họ, phải không?” hoàng thân Eugène hỏi tôi. Và trước khi tôi kịp trả lời: “Đúng thế, dân tộc Ý rất yêu quý họ” (nhưng tôi những muốn đáp lời khác hẳn và rồi đã không dám), ông nói thêm rằng ông còn giữ rất nhiều thư của Humbert (ông nói như vậy đấy: Humbert), rằng ông đang sắp xếp lại chúng, rằng ông có ý định tập hợp chúng lại rồi xuất bản - và tôi chẳng còn biết ông nói về vua Humbert hay hoàng thân Humbert xứ Piémont nữa. Rồi ông hỏi tôi trong tiếng Ý có phải Umberto viết là Humberto có h hay không.

“Không có h,” tôi đáp. Rồi tôi cười, nghĩ rằng cả hoàng thân Piémont cũng là một nô lệ, như bất kỳ ai trong số chúng tôi, một nô lệ nghèo khổ đeo vương miện, trên ngực gắn cả động thập tự và huy chương. Tôi nghĩ rằng cả ông ta cũng là một nô lệ nghèo khổ, và tôi cười. Tôi thấy xấu hổ vì mình cười, nhưng tôi vẫn cười.


Tới một lúc, tôi nhận thấy ánh mắt của hoàng thân Eugène đang chầm chậm quay qua bức tranh treo trên một bức tường của căn phòng. Đó là bức Pâ balcong lừng danh, mà ông đã vẽ trong những năm tuổi trẻ, ở Paris, quãng 1888. Một phụ nữ trẻ, Friherrina Celsing, cúi người dựa vào hàng lan can ban công trên một trong những đại lộ tỏa ra từ Quảng trường Ngôi sao. Cái váy màu hạt dẻ của nàng có những ánh phản chiếu xanh lục và xanh lơ, mái tóc vàng nhạt cất trong chiếc mũ buộc dải ruy băng nhỏ kiểu những người phụ nữ của Manet và Renoir hay đội, những đường nét ấy đậm rõ trong bức tranh, trên nền trắng trong suốt và ghi ánh hồng của các mặt tiền nhà, và trên cái nền xanh lục ẩm ướt của hàng cây đại lộ. Một cỗ xe chạy qua bên dưới ban công, đó là một chiếc xe màu đen và con ngựa, nhìn từ bên trên, như thể được làm bằng gỗ: cứng đơ và gầy gò, nó gợi lên sắc thái một trò chơi trẻ con trên cái phố Paris đó, dịu dàng và tinh tế. Cả những con ngựa kéo chiếc xe khách đang xuôi từ Quảng trường Ngôi sao cơ hồ cũng ánh lên vẻ tươi trẻ, cùng sắc men bóng với tán lá đám cây dẻ. Cứ như những con ngựa kéo xe lễ hội ở tỉnh (với sắc màu tinh tế tỉnh lẻ của đám cây, những ngôi nhà đại lộ, bầu trời trên mái). Bầu trời vẫn còn là bầu trời của Verlaine và đã là bầu trời của Proust.

“Hồi ấy Paris trẻ lắm,” hoàng thân Eugène vừa nói vừa tiến lại gần bức tranh. Ông ngắm nhìn Friherrina Celsing đứng trên ban công, hạ giọng nói với tôi, như thể đang thẹn thùng, về Paris trẻ trung ấy, về Puvis de Chavannes, về những người bạn họa sĩ của ông, Zorn, Wahlberg, Cederströrn, Arsenius, Wennerberg, về những năm hạnh phúc ấy. Paris hồi đó trẻ lắm. Đó là Paris của Bà de Morienval, của Bà de Saint-Euverte, của nữ quận công de Luxembourg (và cả của Bà de Cambremer và của hầu tước de Beausergent trẻ tuổi), của những nữ thần của Proust với ánh mắt thiêu đốt mặt đất bằng những ngọn lửa phi nhân tính, theo chiều ngang và rực rỡ, những thần tiên trắng phủ hoa trắng, mượt mà như cánh bay, vừa là lông vũ vừa là vành cánh hoa giống hoa nở trên biển, nói năng bằng sự tao nhã ngọt ngào nhưng cũng cố ý khô khốc, với các á thần của Jockey-Club, trong bầu khí hậu kiểu Racine của vở Phèdre. Đó là Paris của hầu tước de Palancy, người lướt qua trong bóng tối trong suốt của một lô ghế nhà hát như chú cá bơi đằng sau vách kính của một cái bể. Đó cũng là Paris của quảng trường Tertre, những quán cà phê đầu tiên của Montparnasse, của quán La Closerie des Lilas, của Toulouse-Lautrec, của các vũ công, Nàng Háu Ăn và Valentin Gầy Nhom.

Tôi những muốn ngắt lời hoàng thân Eugène để hỏi xem đã bao giờ ông trông thấy công tước de Guermantes bước vào một lô ghế và, bằng một động tác, mời ngồi những quái vật biển thiêng bồng bềnh nơi đáy hang động, để xin ông kể cho nghe về những người phụ nữ đẹp và nhẹ nhõm như nữ thần Diane, những con người tao nhã nói năng bằng thứ biệt ngữ rối rắm của Swann và của Ông de Charlus, và tôi đã sắp đặt cho ông cái câu hỏi đã cháy bỏng trên môi tôi được một lúc, hỏi bằng một giọng nói run rẩy:

“Hẳn là ông có quen biết Bà de Guermantes?”

Thì hoàng thân Eugène quay đầu qua, khuôn mặt ông tắm trong ánh sáng mệt mỏi của chiều tà, ông rời xa khỏi bức tranh, như thể bước ra khỏi bóng tối ấm áp rực vàng của “bên phía Guermantes” ấy, nơi cả ông cũng như thể đang ẩn trốn, từ phía bên kia kính bể cá hiện ra, cả ông cũng thật giống một loài quái vật biển thiêng. Ngồi xuống một cái ghế phô tơi ở góc phòng, ở nơi xa Friherrina Celsing nhất, ông khởi sự nói về Paris, như thể Paris, trong cặp mắt họa sĩ của ông, chỉ là một màu, kỷ niệm, hoài cảm về một màu (những hồng, ghi, xanh lục, xanh lơ đã qua). Có lẽ với ông Paris chỉ là một màu câm lặng, một màu không âm vang; những kỷ niệm thị giác đó, những hình ảnh về những năm tuổi trẻ ở Paris của ông đó, đánh mất đi mọi phẩm tính âm thanh, sống động trong ký ức ông với một cuộc sống riêng có, cựa quậy, sáng bừng lên, bay lên như những con quái vật có cánh của thời tiền sử. Những hình ảnh câm lặng của Paris trẻ trung và xa xôi của ông sụp đổ trước mắt ông, không tiếng ồn, thế nhưng sự sụp đổ của cái thế giới hạnh phúc thời ông còn trẻ không hề dùng sự thô thiển của bất kỳ tiếng ồn nào vấy bẩn lên sự trinh trắng của im lặng.

Để thoát khỏi sức quyến rũ buồn bã của giọng nói này và những hình ảnh mà giọng nói này gợi nên, tôi ngẩng đầu nhìn xuyên qua đám cây trong công viên, ngắm những ngôi nhà màu tro Stockholm trong ánh sáng yếu dần của buổi mặt trời lặn. Tôi nhìn thấy ở xa xa, trên Cung điện Hoàng gia, trên những nhà thờ của Hamle Stade, trải rộng một bầu trời xanh lơ đang bị buổi tối chậm rãi làm cho mờ dần, giống với bầu trời Paris: bầu trời kiểu Proust bằng giấy xanh lơ mà, từ các cửa sổ ngôi nhà Paris của tôi trên quảng trường Dauphine, tôi nhìn thấy mở rộng phía trên những mái nhà bên tả ngạn, mũi tên của Sainte Chapelle, những cây cầu sông Seine, Louvre: và những sắc đỏ tắt ngấm kia, những sắc hồng rực lên, những đám mây nửa ghi nửa xanh tế nhị tiệp với sắc đen mờ của những mái nhà bằng đá, khiến tim tôi khẽ thắt lại. Vào lúc ấy, tôi nghĩ cả hoàng thân Eugène cũng là một nhân vật về phía bên Guermantes, ai biết? Có lẽ là một trong các nhân vật mà cái tên Elstir gợi nên. Và, tôi đã định đặt cho ông cái câu hỏi cháy bỏng trên môi tôi, tôi đã định, bằng giọng nói run rẩy, xin ông kể cho tôi về nàng, về Bà de Guermantes, thì hoàng thân Eugène chợt ngừng nói, và sau một hồi lâu im lặng như thể được dùng để tập hợp những hình ảnh thời tuổi trẻ, nhằm bảo vệ chúng đằng sau hàng mi nhắm, ông hỏi trong suốt chiến tranh có khi nào tôi trở lại Paris không.

Tôi những muốn không trả lời ông. Tôi cảm thấy như thể thẹn thùng; tôi không hề muốn nói chuyện với ông về Paris, về Paris trẻ trung của tôi, và tôi lắc đầu, tôi chầm chậm lắc đầu, vẫn nhìn ông chằm chằm, rồi tôi nói với ông:

“Không, trong chiến tranh tôi không hề qua Paris; tôi không muốn quay trở lại Paris chừng nào vẫn còn chiến tranh.”

Phía bên trên những hình ảnh Paris xa xôi của Bà de Guermantes dần dà xếp hàng những hình ảnh yêu quý, đau đớn của một Paris trẻ trung hơn, lo âu hơn, có lẽ buồn bã hơn. Như khuôn mặt những người bộ hành lướt qua màn sương mù đằng sau các cửa kính một quán cà phê, tôi thấy trong ký ức mình hiện lên khuôn mặt Albertine, Odette, Saint-Loup, những cái bóng người trẻ tuổi mà ta thoáng thấy sau lưng Swann và Ông de Charlus, những vầng trán hằn sâu dấu vết của rượu, mất ngủ, sự gợi cảm của các nhân vật của Apollinaire, của Matisse, của Picasso, của Hemingway, những bóng ma xanh lơ và ghi của Paul Éluard.

“Tôi đã thấy lính Đức trong mọi thành phố châu Âu,” tôi nói, “nhưng tôi không muốn thấy bọn họ ở Paris.”

Hoàng thân Eugène gục đầu lên ngực, và ông cất tiếng, giọng xa xôi: “Paris, chao ôi!”


Đột nhiên, ông ngẩng đầu, chậm rãi bước ngang qua phòng và tiến lại gần bức chân dung Friherrina Celsing. Từ ban công người phụ nữ trẻ nhìn xuống vỉa hè đại lộ đẫm nước mưa thu và ngắm con ngựa của cỗ xe cùng lũ ngựa kéo xe khách lúc lắc đầu dưới tán cây xanh lục, đã bắt đầu điểm những chiếc lá vàng rực đầu tiên của mùa thu. Hoàng thân Eugène chìa tay về phía bức tranh, dùng những ngón tay dài nhợt nhạt của mình lướt qua mặt tiền các ngôi nhà, bầu trời trên mái và những cái lá; ông vuốt ve bầu không khí ấy của Paris, cái màu ấy của Paris, những hồng ghi lục lơ đã có chút quá vãng, cái ánh sáng Paris trong suốt và thuần khiết ấy. Rồi ông quay lại, mỉm cười nhìn tôi. Khi ấy tôi nhận ra hai mắt ông đẫm nước, một giọt nước mắt chầm chậm chảy xuống mặt ông. Hoàng thân Eugène chùi giọt nước mắt ấy đi bằng một cử chỉ sốt ruột, rồi mỉm cười nói:

“Đừng nói gì với Axel Munthe nhé, xin anh đấy. Đó là một tay già đểu lắm, ông ấy sẽ kể với tất cả mọi người rằng ông ấy đã nhìn thấy tôi khóc.”

1 comment:

  1. Quality articles is the important to attract the visitors to pay a visit the website, that's what this website is providing.

    ReplyDelete