Oct 20, 2012

Malaparte và Thomas Bernhard




Mấy nước phát xít đã đen thui, mấy cục đen sì văn chương của mấy nước ấy thì còn đen đến mức nào nữa: một người Ý, Malaparte và một người Áo, Thomas Bernhard.

Trong ảnh trên đây, bên trái là quyển tiểu sử đầy đủ nhất cho tới nay về Malaparte tức Curzio Suckert; tác giả Maurizio Serra ngay từ đầu đã cho biết: “Người ta có thể tìm ra rất nhiều lý do, mà lý do nào cũng tuyệt hảo, để không yêu quý ông”. Bởi tài năng của Malaparte đi kèm với những khiếm khuyết, thậm chí là những xấu xa của con người: mythomane (có thể hiểu đại ý là nói dối bệnh lý), exhibitionniste (thích tự trưng bày), ham muốn tiền bạc và khoái lạc, một “tắc kè hoa” trong nhiều thứ. Từ “tắc kè hoa” ngay lập tức gợi ta nhớ đến Romain Gary-Émile Ajar; quyển tiểu sử lớn nhất về Gary mang nhan đề “tắc kè hoa”, và Romain Gary cũng mythomane, cũng thích điệu đà, gái gú như điên, một thời sống với “femme fatale” Jean Seberg, một trong những phụ nữ đẹp nhất của thời ấy.

Malaparte là một phát hiện trở lại của châu Âu như một nhà văn đặc biệt quan trọng về Thế chiến thứ hai, từ góc nhìn rất đặc biệt: đặc phái viên báo chí chiến trường của Ý, có mặt ở những bữa tiệc xa hoa nhất giữa cảnh đổ nát và chết chóc của châu Âu, ngồi cùng bàn ăn với Toàn quyền Ba Lan Frank, ông vua Đức của Ba Lan, chơi Chopin tuyệt hảo và thực tâm ước nguyện khai hóa cho dân Ba Lan, là bạn thân của các hoàng thân Thụy Điển rồi một loạt nhân vật tối cao của châu lục hồi ấy.

Những chuyện này được Malaparte thuật lại trong Kaputt (quyển bên phải trong ảnh), tác phẩm lớn nhất của Malaparte và cũng thuộc hàng tác phẩm lớn nhất về Thế chiến thứ hai, trong đó Malaparte, mặc dù miêu tả châu Âu từ các bữa tiệc linh đình đúng theo kiểu truyền thống La Mã của Satyricon, lại dùng những ẩn dụ “thấp” nhất, các ẩn dụ thú vật: các chương tên là “Ngựa”, “Chuột”, “Chó”… “Malaparte” nghĩa là ngược lại với (Napoléon) Bonaparte, là “la part du mal” (phần của cái ác), vì chủ đề chính của văn chương Malaparte là cái ác, cái ác độc địa nhất của con người văn minh nhất.

Ở Việt Nam hiện nay đã có ba tác phẩm của Malaparte (chắc chỉ có vậy): Kỹ thuật đảo chánh dường như do Thế Uyên dịch, Thượng đế đã chết trong thành phố tức La Penne tức La Peau (Da) do Nguyễn Quốc Trụ dịch và Mặt trời mù do Bửu Ý dịch.

-----------

Còn đây là Thomas Bernhard nói về nhiếp ảnh trong Auslöschung. Ein Zerfall (sụp đổ, suy sụp, chấm dứt), từ bản dịch tiếng Pháp Extinction của Gilberte Lambrichs:

Ảnh chụp chỉ bày ra khoảnh khắc kệch cỡm và khoảnh khắc khôi hài, tôi nghĩ, nhìn chung, nó không bày ra con người đúng như thế, trong cả cuộc đời, ảnh chụp là một cuộc làm giả xảo trá, lệch lạc, mọi loại ảnh chụp, ai chụp thì cũng thế, chụp ai cũng chẳng mấy quan trọng, đều là một sự vi phạm cực điểm tới phẩm cách con người, một cuộc làm giả tự nhiên gớm guốc, một trò mọi rợ nhơ bẩn. […] Với lại, trên đời gần như chẳng có gì khiến tôi căm ghét hơn sự phô bày của những tấm ảnh. […] trong đời tôi chưa từng bao giờ có cái máy ảnh nào. Tôi khinh bỉ những kẻ lúc nào cũng chăm chăm chụp ảnh, cứ vơ vẩn khắp mọi nơi với cái máy ảnh đeo trên cổ. Bọn họ không ngừng kiếm tìm một chủ đề và bọn họ chụp mọi thứ và bất kỳ cái gì, ngay cả những thứ ngớ ngẩn nhất. Không ngừng, trong đầu bọn họ chẳng có gì khác ngoài chuyện tự trình mình ra và luôn luôn là theo cách thức đáng tởm nhất, tuy thế họ không hề ý thức được điều này. Bọn họ ghim vào những bức ảnh của mình một thế giới bị bóp méo một cách lệch lạc, chẳng có gì chung với thế giới thực ngoài sự bóp méo lệch lạc kia mà họ là thủ phạm. Chụp ảnh là một thói tật gớm guốc dần dà phạm tới toàn thể nhân loại, bởi nhân loại ấy không chỉ yêu đắm đuối sự bóp méo và sự lệch lạc, mà còn mê đắm chúng và trên thực tế, cứ chụp mãi chụp mãi, lâu dài nó coi cái thế giới bị bóp méo và lệch lạc là thế giới xác thực duy nhất. Những kẻ chụp ảnh phạm một trong những tội ác gớm guốc nhất có thể phạm, vì bọn họ biến tự nhiên trở nên kệch cỡm một cách biến thái trên các bức ảnh của mình. Trên các bức ảnh của họ, con người trở thành đám búp bê lố bịch, xiên xẹo đến mức khó mà nhận ra được nữa, bị biến dạng, đúng, hoảng hốt nhìn vào ống kính gớm guốc của bọn họ, trông thật ngu đần, đáng tởm. Chụp ảnh là một thói đam mê rác rưởi phạm tới mọi châu lục và mọi tầng lớp dân cư, một chứng bệnh giáng xuống toàn thể loài người mà sẽ chẳng bao giờ chữa khỏi cho nổi. Người sáng chế ra nghệ thuật chụp ảnh là kẻ sáng chế ra thứ nghệ thuật ghét người nhất trong số mọi nghệ thuật. Chính bởi kẻ ấy mà ta có sự bóp méo chung quyết cả tự nhiên lẫn con người sống ở trong đó, có hình biếm họa lệch lạc của cả tự nhiên và con người. Tôi còn chưa từng bao giờ thấy dù chỉ một bức ảnh chụp được một người tự nhiên, nói cách khác là con người thật và xác thực, cũng như chưa từng bao giờ thấy dù chỉ một bức ảnh chụp được một tự nhiên thật và xác thực. Ảnh chụp là nỗi bất hạnh lớn nhất của thế kỷ XX. Tôi chưa từng bao giờ thấy tởm hơn khi nhìn các bức ảnh.


Nhân tiện giới thiệu lại bài viết được nhiều người đọc nhất trên blog của tôi, cũng về chụp ảnh (lượng người đọc lên đến năm chữ số hehe).

Một cái khác của Thomas Bernhard, lần này là về Glenn Gould.

5 comments:

  1. Như vầy là chúng ta mặc định nhiếp ảnh có nhiệm vụ phản ánh tự nhiên ạ? Mà mọi sự phản ánh vốn đã lệch lạc, méo mó rồi.

    ReplyDelete
  2. đâu có gì là như thế đâu

    ReplyDelete
  3. Thế chú nói đi :D Vì sao chú lại không thích chụp ảnh?

    ReplyDelete
  4. thì ông í đã nói hộ hết rồi còn gì :p

    bản thân tôi cũng chẳng bao giờ có máy ảnh hehe, nếu điện thoại bây giờ không toàn có sẵn chức năng chụp ảnh thì chẳng bao giờ tôi chụp cái gì hết (Bernhard viết quyển này năm 1986, ông í tiên tri đấy hehe)

    ReplyDelete
  5. I feel that is one of the so much significant info for me.

    And i am glad reading your article. However wanna remark on some basic things, The website taste
    is great, the articles is in point of fact nice : D.
    Excellent job, cheers

    ReplyDelete