Khi cho in Thượng Chi văn tập, Phạm Quỳnh đã rút từ Nam Phong đưa vào đây một số bài điểm sách, tuyệt đại đa số là dài (NB. các bài viết trong Thượng Chi văn tập bao trùm quãng trước tác 1917-1922 của Phạm Quỳnh).
Bộ sách này in làm năm tập, từ 1943 đến 1945, tại NXB Alexandre de Rhodes. Riêng tập 5 ghi Đắc Lộ thư xã; Đắc Lộ là cách gọi phiên âm cố de Rhodes. Tình trạng cụ thể của bộ sách: ba tập đầu in giấy đẹp, nặng, hai tập sau in bằng giấy dó, nhẹ. Hiện tại, tôi vẫn chưa xác định được chính xác niên đại từng quyển, chỉ chắc chắn tập 1 in 1943, tập 5 in 1945. Tra cứu kho của Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng chẳng ích gì, như thường lệ. NXB Alexandre de Rhodes (hay Đắc Lộ thư xã) nằm ở Hà Nội, in được tương đối ít sách, nhưng có một số bộ rất nổi tiếng.
Bởi Thượng Chi văn tập là bộ sách để đời của Phạm Quỳnh, được chính Phạm Quỳnh lựa chọn bài vở, nên ta có thể hiểu các lựa chọn của Phạm Quỳnh thể hiện nhân vật Phạm Quỳnh mà Phạm Quỳnh muốn người đời sau nhìn nhận. Nhân vật Phạm Quỳnh của Thượng Chi văn tập có không ít khía cạnh, tôi từng nói đến chuyện Phạm Quỳnh dịch thơ Baudelaire (một khía nhỏ trong hình ảnh Phạm Quỳnh nhà dịch thuật). Còn ở tư cách nhà điểm sách thì sao?
Những lựa chọn cho thấy tầm hiểu biết, gu thẩm mỹ và những dạng văn chương mà Phạm Quỳnh hướng tới. Cách phân tích cho thấy những gì ở văn chương được Phạm Quỳnh lưu tâm. Lối viết thì cho thấy khả năng nhà phê bình văn học ở Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh nhà phê bình văn học không phải một điều quá nổi bật ở Phạm Quỳnh xét một cách toàn diện, nhưng là thứ hoàn toàn không thể bỏ qua.
(còn nữa)
No comments:
Post a Comment