Apr 28, 2015

Amerika: Chương hai

Chương này cung cấp nguyên liệu vô cùng màu mỡ cho các nhà phê bình thích nhìn thấy ở tác phẩm của Kafka tiềm năng về phê phán xã hội.

Cũng cần nhớ rằng Kafka chưa bao giờ đến Mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra các "nguồn thông tin" về nước Mỹ mà Kafka từng xem, trong Nhật ký cũng có vài chỗ cho thấy mối quan tâm đối với nước Mỹ, ví dụ ngày 2/6/1912 Kafka viết đã đi nghe tiến sĩ Soukup nói chuyện về nước Mỹ (cụ thể là về người Séc ở Nebraska).

Một chi tiết nhỏ: họ của nhân vật Mack mà ta sẽ thấy ở chương này, người đầu tiên mà Karl Roßmann làm quen sau khi tới Mỹ, đã xuất hiện một lần trong Nhật ký, ở một ghi chép hay phác thảo bỏ dở, ngày 21/7/1913:

"Hồi còn đi học, thỉnh thoảng tôi đến gặp một người tên là Joseph Mack, bạn của ông bố quá cố của tôi."



Chương hai: Ông cậu

Ở nhà ông cậu, Karl nhanh chóng quen với hoàn cảnh mới của mình. Cũng phải nói rằng ông cậu luôn luôn mau mắn đáp ứng mọi mong muốn nhỏ nhất của anh và Karl chẳng bao giờ phải chuốc lấy những kinh nghiệm đáng buồn vốn rất hay biến những khởi đầu ở nước ngoài trở nên cay đắng.

Căn phòng của Karl nằm ở tầng sáu một ngôi nhà, năm tầng dưới - thêm vào đó còn có ba tầng ngầm - phục vụ cho công việc kinh doanh của ông cậu. Ánh sáng tràn vào phòng anh qua hai cửa sổ và một cánh cửa dẫn ra ban công; lúc nào nó cũng làm Karl thấy tràn ngập một nỗi kinh ngạc mới mẻ khi bước ra từ buồng ngủ nhỏ vào buổi sáng. Lẽ ra anh sẽ phải trú ngụ ở đâu nếu cập bến nơi đây với tư cách một người nhập cư nhỏ nhoi nghèo khổ? Có thể - và đây là điều mà ông cậu nghĩ là nhiều khả năng xảy ra nhất dựa theo hiểu biết của ông về luật nhập cư - thậm chí người ta còn chẳng cho anh vào Mỹ, người ta sẽ tống cổ anh về nhà mà chẳng buồn để ý đến việc anh không còn tổ quốc nữa. Bởi vì không được trông chờ vào lòng cảm thông của người khác tại đất nước này, những gì Karl từng đọc về nước Mỹ cũng nói đúng như thế; dường như chỉ những ai hạnh phúc mới có thể thực sự tận hưởng hạnh phúc của mình ở đây giữa những con người thờ ơ.

Một ban công hẹp chạy suốt chiều rộng căn phòng. Nhưng cái chỗ lẽ ra, nếu ở thành phố quê hương Karl, phải là điểm quan sát thuận tiện nhất thì nơi đây lại gần như chỉ cho phép nhìn xuống duy nhất một phố, nó chạy thẳng tắp giữa hai dãy nhà phân chia nghiêm ngắn, mất hút về phía xa xa, nơi ấy hiện lên sừng sững, trong màn sương dày, bóng dáng một nhà thờ. Và, sáng cũng như tối, trong những giấc mơ ban đêm, phố này lúc nào cũng nhộn nhịp sự đi lại, nhìn từ trên cao trông như thể một sự hòa trộn rối tinh không ngừng biến đổi của những bóng người dị hình và những nóc xe cộ đủ mọi kiểu, từ đó hiện ra một hỗn hợp khác còn lớn hơn, cuồng loạn hơn của sự ồn ào, bụi và các loại mùi vị, tất tật bị một ánh sáng mạnh mẽ túm lấy, xuyên chọc, ánh sáng này cứ không ngừng tản mát, bị cuốn đi, mang trở lại với một tốc độ kinh người bởi vô số đồ vật, trước con mắt một người quan sát ngất ngây, toàn bộ cảnh tượng giống như một tấm kính dày treo lơ lửng phía trên phố không ngừng bị đập vỡ một cách tàn bạo. Là người thận trọng như vốn dĩ trong mọi việc, ông cậu khuyên Karl tạm thời đừng vội lao vào bất kỳ điều gì một cách thực sự nghiêm túc. Thay vì thế, anh phải nhìn ngắm và xem xét mọi thứ, nhưng không để bị cuốn vào điều gì hết. Những ngày đầu tiên của một người châu Âu trên đất Mỹ có thể so sánh với khi mới sinh ra trên đời và, mặc dù ở đây người ta quen với phong thổ - ông nói thêm để không khiến Karl phải hoảng hốt vô ích - nhanh hơn so với lúc từ hư vô bước vào thế giới con người, không bao giờ được quên rằng sự đánh giá đầu tiên luôn luôn đặt trên một nền tảng mỏng manh và không được phép để cho nó có nguy cơ tạo ra sự hỗn loạn ở những đánh giá sẽ tới sau này. Ông từng, bản thân ông, biết những người mới tới, chẳng hạn, thay vì hành xử theo các nguyên tắc tốt đẹp, lại bỏ phí hàng ngày trời ngồi ở ban công mà nhìn ra phố như những con chiên lạc. Điều đó chắc chắn làm mất phương hướng! Sự vô công rồi nghề đơn độc này, ngắm nhìn một ngày New York tham công tiếc việc, một người khách ghé qua thì được phép, có lẽ thậm chí còn nên được khuyến khích, tuy nhiên cũng chỉ trong chừng mực thôi; nhưng với ai đó ở hẳn đây thì như thế là tai họa, ta có thể dùng từ này, tuy rằng như thế là hơi quá lời. Và quả thật ông cậu nhăn mặt khó chịu nếu thấy Karl ngoài ban công lúc ông lên thăm anh, chỉ một lần mỗi ngày thôi, nhưng vào những thời điểm khác nhau. Karl nhanh chóng nhận ra điều đó, anh liền tự cấm mình hưởng cái thú lơ đãng ngoài ban công này, càng triệt để càng tốt.

Vả lại đó không phải là trò tiêu khiển duy nhất của anh. Trong phòng anh có một cái bàn làm việc kiểu Mỹ theo mẫu đẹp nhất, đúng kiểu mà bố anh ao ước suốt nhiều năm và đã vô vọng tìm kiếm ở mọi cửa hàng với một cái giá chấp nhận được, vì ông không có đủ tiền. Dĩ nhiên cái bàn của Karl không có gì chung với những cái được gọi là bàn Mỹ lang thang trong các cửa hàng bên châu Âu. Chẳng hạn, phần phía trên của nó có một trăm ngăn kích thước khác nhau, thế nên ngay cả đến ông Chủ tịch Liên đoàn cũng sẽ tìm được đủ chỗ thích hợp cho mọi loại giấy tờ của ông ta; nhưng chưa hết, bên cạnh bàn còn có một bộ điều khiển, và ta có thể quay maniven để chỉnh các ngăn tùy ý và tùy nhu cầu, theo những kích thước và trật tự khác nhau. Những tấm vách mỏng nằm ngang chậm rãi hạ xuống để tạo thành đáy hoặc trần của những ngăn mới; quay xong một vòng maniven, cách bố trí đã trở nên hoàn toàn khác và mọi thứ diễn ra, tùy thuộc vào tốc độ quay, chậm rãi hoặc nhanh kinh khủng. Đó là một sáng chế rất mới, nhưng hết sức sống động nó gợi cho Karl nhớ đến hoạt cảnh Chúa ra đời mà ở quê nhà anh người ta vẫn hay cho lũ trẻ con lòng đầy sửng sốt xem tại hội chợ Giáng sinh; bản thân Karl từng rất hay đứng lặng trước các hoạt cảnh này, trên người mặc chật quần áo mùa đông, để so sánh những vòng quay maniven dưới tay một ông già với hiệu ứng chúng gây ra trên sân khấu: cuộc diễu hành nhịp nhàng của ba ông vua, ngôi sao rực sáng và cuộc sống hiền hòa nơi chuồng gia súc thiêng liêng. Và anh luôn luôn cảm thấy hình như mẹ anh, đứng sau lưng anh, không dõi theo những gì diễn ra với đủ mức độ chăm chú; anh kéo bà sát lại mình cho đến khi cảm thấy bà áp chặt vào lưng anh và ríu rít chỉ những cảnh tượng ít thấy rõ hơn - một con thỏ nhỏ, chẳng hạn thế, trên bãi cỏ phía trước, nó hiện ra rồi chạy đi mất - cho đến khi bà đưa tay bịt miệng anh và rơi trở lại sự hờ hững của mình. Lẽ dĩ nhiên cái bàn không được làm ra chỉ để gợi nhớ những thứ như thế, nhưng ở nguồn gốc của các sáng chế hẳn có những mối liên hệ cũng mơ hồ như trong các kỷ niệm của Karl. Ông cậu, trái ngược với Karl, hoàn toàn không thích thú cái bàn này; nhưng, khi muốn mua cho đứa cháu một cái bàn viết đích thực, ông thấy rằng mọi cái bàn hiện nay đều được lắp một hệ thống ngăn mới mẻ, với một lợi thế khác nữa là chúng không hề đắt so với những mẫu bàn kiểu cũ. Dẫu sao, ông cậu cũng không quên khuyên Karl tốt hơn hết là đừng sử dụng bộ điều khiển; và để củng cố cho lời khuyên, ông nói rằng cơ chế này mảnh lắm, rất dễ hỏng và thay thì rất đắt. Không khó thấy những lời này gần như chẳng để làm gì, thế nhưng mặt khác ta có thể nói sẽ là rất dễ cho ông cậu nếu cố định hẳn bộ điều khiển không cho hoạt động nữa, nhưng điều này ông đã không làm.

Trong những ngày đầu, vào lúc lẽ dĩ nhiên có rất nhiều cuộc trò chuyện giữa Karl và ông cậu, Karl cũng đã kể ở nhà anh chơi đàn piano, nói thật ra thì ít thôi, nhưng rất thích, ở môn này anh chỉ biết những gì mẹ anh dạy cho anh. Kể chuyện này, anh có ý thức rõ rằng những lời của anh hàm chứa lời đề nghị một cái piano, nhưng anh đã chứng kiến đủ để biết rằng ông cậu không cần phải tính toán chi li. Tuy nhiên mong ước của anh không được thực hiện ngay lập tức, mãi chừng tám ngày sau, ông cậu nói, gần như là một lời thú nhận, rằng ông đã làm việc này trái với ý muốn riêng, rằng chiếc piano vừa mới tới và Karl có thể, nếu muốn, kiểm soát việc đưa nó lên phòng. Đây là một việc dễ, nhưng cũng không dễ hơn bản thân việc vận chuyển, bởi vì ngôi nhà được trang bị thang máy chuyển đồ, với nó thì cả một chiếc ô tô chuyển nhà cũng dễ dàng có đủ chỗ, và chính thang máy này đưa chiếc piano của Karl lên phòng. Karl hoàn toàn có thể lên cùng cái thang máy ấy với chiếc piano và những người công nhân, nhưng vì còn có một cái thang máy khác nữa ở bên cạnh, chỉ để chở người, nên anh dùng nó; một cần gạt cho phép anh lúc nào cũng giữ được cùng độ cao với thang máy chuyển đồ và không rời mắt khỏi nó, nhìn xuyên qua vách kính, thứ nhạc cụ tuyệt vời kia giờ đã trở thành sở hữu của anh. Khi rốt cuộc anh đã có nó ở trong phòng và đã có thể gõ những nốt đầu tiên, anh cảm thấy một niềm vui điên cuồng đến độ thay vì chơi tiếp anh nhảy dựng lên và lùi lại vài bước, càng thích hơn nữa, hai tay chống nạnh, ngắm nhìn nó, lòng đầy ngưỡng mộ. Năng lực âm thanh của căn phòng cũng rất đáng kể và đóng góp vào việc làm tan biến nỗi khó ở nhè nhẹ mà anh đã cảm thấy khi khởi đầu sống trong một ngôi nhà sắt. Quả thật, mặc cho bề ngoài tòa nhà mang đầy vẻ kim loại, không gì trong căn phòng để lộ tính chất luyện kim ở các yếu tố của nó, và hẳn là chẳng ai có thể chỉ ra dù chỉ một chi tiết trong cách bài trí không tuyệt đối ấm cúng. Thời gian đầu Karl dựng ra những hy vọng lớn lao đối với việc chơi nhạc; thậm chí anh còn có sự táo bạo đầy cao ngạo, ít nhất là những lúc nằm trên giường, tưởng tượng ra khả năng về một ảnh hưởng trực tiếp của việc chơi nhạc này lên cuộc sống Mỹ. Và quả là một điều kỳ lạ khi, trước những cửa sổ mở xuống sự náo loạn của bên ngoài, anh chơi một bản ba lát cũ kỹ của tổ quốc anh mà những người lính thường hát bên cửa sổ, vào buổi tối, lúc họ nghiêng người trên bệ cửa sổ doanh trại nhìn ra quảng trường tối om; nhưng sau đó khi anh quan sát ngoài phố, chẳng có thay đổi gì cả, vẫn là cùng cái mẩu nhỏ ấy của một chuyển động vòng tròn lớn lao mà ta không thể ngăn lại nếu không biết được hết mọi thứ lực được dùng để tạo ra nó. Ông cậu dung dưỡng cho món piano này mà không phản đối chút nào, nhất là Karl chỉ hiếm khi mới tự cho phép mình hưởng thụ nó; phải, thậm chí ông còn mang tới cho Karl những tổng phổ hành khúc Mỹ, cả bài quốc ca nữa, dĩ nhiên, nhưng chỉ khoái lạc âm nhạc không thôi thì chẳng thể giải thích được tại sao một hôm ông lại rất nghiêm túc hỏi Karl xem anh có muốn học violon và kèn cor không.

Lẽ dĩ nhiên việc học tiếng Anh mới là nghĩa vụ đầu tiên và lớn nhất của Karl. Một thầy giáo trẻ thuộc một trường đại học thương mại đến nhà vào lúc bảy giờ sáng; anh ta thấy học trò của mình đã ngồi trước bàn, hoặc ngồi giữa đống vở, hoặc đi đi lại lại để ôn bài. Karl hiểu rất rõ rằng có khẩn trương học tiếng Anh bao nhiêu cũng là chưa đủ và ngoài ra việc này giúp anh có được cơ hội tốt nhất để tạo cho ông cậu niềm vui lớn nhất, nếu anh tiến bộ nhanh chóng. Hồi đầu những khi nói chuyện với ông cậu anh chỉ có thể sử dụng tiếng Anh để chào và tạm biệt, giờ đây anh đã có thể ngày càng mở rộng hàm lượng tiếng Anh trong các cuộc trò chuyện, điều này cho phép tạo ra trong các cuộc gặp những chủ đề thân tình hơn. Bài thơ Mỹ đầu tiên, miêu tả một đám cháy, mà một tối Karl đọc cho ông cậu nghe, đã khiến người đàn ông nghiêm trang này vui sướng tột độ. Họ đứng cạnh nhau trước cửa sổ phòng Karl; ông cậu nhìn ra buổi tối nơi toàn bộ ánh sáng bầu trời đã sậm đi, và ông chậm rãi nhịp nhàng vỗ tay, bị cuốn hút theo nhịp điệu, trong khi Karl đứng thật thẳng bên cạnh ông và, cái nhìn vô hồn, vật lộn với bài thơ khó.

Tiếng Anh của Karl càng khá lên, ông cậu càng tỏ ra thích dẫn anh đi gặp những người quen của ông; ông chỉ lo sao, với mục đích trù liệu trước mọi thứ trong những cuộc gặp này, lúc nào người thầy giáo tiếng Anh cũng ở bên Karl. Người đầu tiên mà Karl được giới thiệu là một người đàn ông mảnh khảnh, trẻ tuổi và có một sự mềm dẻo khó tin, được ông cậu đưa vào phòng anh với những lời khen ngợi nồng nhiệt; rõ ràng đây là con trai của một trong những triệu phú mà ta có thể gặp khắp nơi: bố mẹ họ coi họ là đồ bỏ, cuộc đời họ diễn ra theo cách thức mà một người bình thường không thể làm theo được dẫu chỉ một ngày mà không bị kiệt sức. Có nhận ra điều đó hay muốn sửa chữa hay không thì trên môi và trong mắt anh ta lúc nào cũng nở nụ cười cho vận đỏ của anh ta, hướng tới những người anh ta gặp và hướng tới cả thế giới.

Với chàng trai trẻ này, anh Mack - ông cậu hoàn toàn nhất trí - họ nói đến việc cùng cưỡi ngựa vào lúc năm giờ rưỡi sáng, hoặc ở trường cưỡi ngựa hoặc để đi dạo. Karl do dự vì anh chưa bao giờ cưỡi ngựa và trước tiên muốn học một chút đã, nhưng trước sự khăng khăng của ông cậu và của Mack, họ nói với anh về cưỡi ngựa giống như một trò vui và một cách rèn luyện sức khỏe chứ không phải một môn nghệ thuật, cuối cùng anh đồng ý. Lẽ dĩ nhiên, anh phải dậy từ bốn rưỡi sáng và điều này thường làm anh thấy nặng nề, bởi vì ở đất nước này, chắc hẳn do lúc nào cũng phải thật chú tâm, anh thấy mình đang phải chịu đựng một trạng thái đờ đẫn đích thực, nhưng những hối tiếc của anh nhanh chóng biến đi trong khi rửa ráy. Tia nước vòi chĩa xuống khắp bồn tắm, cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang - bên nhà, chẳng người bạn học nào dẫu giàu có đến đâu được hưởng điều gì tương tự thế này, lại còn cho riêng mình nữa - Karl nằm dài ra dưới đáy bồn - ở đó anh có thể dang rộng hai tay! - và để tràn lên người mình những đợt nước ấm, sau đó là nóng bỏng, rồi lại ấm, rồi lạnh ngắt, tùy hứng mà lựa chọn, trên những khoảng nhỏ hoặc trên toàn bộ cơ thể. Anh nằm đó, nhấm nháp như thể đây là một sự nối dài nho nhỏ của khoái cảm giấc ngủ, và đặc biệt thích nhắm mắt nhận lấy những giọt nước cuối cùng đơn lẻ rơi xuống mí mắt, rồi anh mở mắt ra, để nước chảy đi trên mặt.

Ở trường cưỡi ngựa nơi chiếc ô tô khổng lồ của ông cậu chở anh đến, anh luôn luôn gặp thầy giáo tiếng Anh của mình ngay lúc bước xuống xe, còn Mack bao giờ cũng tới sau. Vả lại anh ta có thể tự cho phép mình đến muộn như vậy, vì chỉ khi anh ta đã tới thì trò cưỡi ngựa náo nhiệt mới thực sự bắt đầu. Chẳng phải lũ ngựa đợi anh ta để rũ mình xua tan cơn buồn ngủ ư, chẳng phải tiếng voi rụt vang lên to hẳn trong trường cưỡi ngựa, trong khi ở hành lang chạy vòng quanh bỗng đông nghẹt người xem, người hầu, học viên cưỡi ngựa và đủ loại người khác ư? Karl tận dụng thời gian trước khi Mack đến để tập luyện một chút, mặc dù anh mới chỉ thực hiện những bài tập mào đầu đơn giản nhất. Ở đó có một người thân hình dài đến nỗi gần như chẳng cần giơ tay cũng chạm tới lưng những con ngựa cao nhất; chính ông ta là người dạy cho Karl những bài học cưỡi ngựa chỉ kéo dài mười lăm phút. Karl không mấy thành công ở môn này; đó chính là cái cớ để anh học những lời rên rỉ bằng tiếng Anh, anh không ngừng phàn nàn bằng giọng nói nghẹt lại của mình với thầy giáo tiếng Anh đứng đó dựa vào cánh cửa, buồn ngủ rũ ra. Nhưng gần như mọi buồn nản của môn cưỡi ngựa đều biến mất khi Mack tới. Họ đuổi người coi ngựa cao ngòng đi và nhanh chóng chỉ còn nghe thấy, trong bóng tối nhờ nhợ của bình minh ở trường cưỡi ngựa, tiếng đi nước kiệu của lũ ngựa, và gần như chẳng còn nhìn thấy gì khác ngoài cánh tay giơ lên của Mack ra một mệnh lệnh cho Karl. Sau nửa tiếng của thứ khoái lạc lịm tắt dần như một giấc ngủ này họ dừng lại; Mack rất mau mắn chào tạm biệt Karl, vỗ tay lên má anh những lúc anh ta thấy hài lòng hơn thường lệ, rồi vội vã biến mất mà không đi theo Karl ra đến cửa. Karl cùng thầy giáo lên xe ô tô để đến với bài học tiếng Anh, gần như lúc nào cũng phải đi vòng vèo, để không mất quá nhiều thời gian trên đường lớn đã trở nên quá đông đúc, mặc dù con đường này dẫn thẳng từ trường cưỡi ngựa về ngôi nhà của ông Nghị sĩ. Vả lại, thầy giáo tiếng Anh nhanh chóng ngừng đi cùng Karl, bởi vì Karl, tự trách mình đi quấy rầy một cách vô ích con người mỏi mệt ấy, mà ở chỗ Mack thì chỉ cần nói năng rất đơn giản, xin ông cậu đỡ cho thầy giáo cái trách nhiệm này. Sau một lúc suy nghĩ ông cậu đồng ý.

Nhưng phải mất tương đối nhiều thời gian ông cậu mới cho Karl ngó vào công việc của ông, mặc dù Karl không ngừng khẩn khoản. Đó là một dạng kinh doanh bao gồm trung gian và vận chuyển, mà theo hiểu biết của Karl thì không có gì tương tự bên châu Âu. Một công việc trung gian, nhưng không phải giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng hay lái buôn: nó phụ trách việc vận chuyển mọi loại hàng hóa và mọi loại nguyên liệu đến các cartel công nghiệp lớn cũng như giữa những cartel với nhau. Công việc này bao gồm cả việc mua, trữ hàng, vận chuyển và bán với khối lượng lớn, và nó phải giao dịch với các khách hàng thông qua điện tín và điện thoại trực tiếp. Phòng điện tín còn lớn hơn văn phòng điện tín của thành phố quê hương Karl (một hôm anh đã đi ngang qua đó cùng một người bạn học rất rành nơi này). Trong phòng điện thoại ở chỗ ông cậu, mọi nơi nào mà ta để mắt đến đều là những cửa ca bin đang mở ra khép lại; tiếng chuông điện thoại làm ta ong cả đầu. Một hôm ông cậu mở ra trước mắt Karl ca bin đầu tiên trong số đó và ta nhìn thấy trong ánh đèn điện chói mắt một nhân viên thờ ơ với những tiếng ồn do các cánh cửa gây ra, trên đầu chụp một cái vòng thép dán ống nói ở ngang hai tai. Anh ta đặt cánh tay phải lên một cái bàn nhỏ như thể nó nặng đặc biệt, và chỉ những ngón tay cầm một cái bút rung lên, nhưng là rung với một tốc độ có gì đó phi nhân tính. Trong những gì nói vào cái máy anh ta tỏ ra vô cùng gãy gọn và thậm chí ta thường thấy hẳn anh ta muốn nói một lời phản đối nào đó, muốn đòi thêm một chi tiết nào đó, nhưng một số từ mà anh ta nghe thấy buộc anh ta, trước khi kịp thực hiện ý định của mình, phải cụp mắt xuống mà viết. Vả lại anh ta không được nói (ông cậu hạ giọng giải thích), bởi vì cùng những thông tin anh ta nhận được qua điện thoại cũng được ghi lại bởi hai nhân viên khác để so sánh sau đó, điều này loại trừ mọi nhầm lẫn. Đúng vào lúc ông cậu và Karl rời khỏi cánh cửa một nhân viên học việc đi vào ca bin rồi rời khỏi đó với một tờ giấy viết đầy chữ. Người ta đi lại không ngớt ở giữa phòng, theo đủ mọi hướng, và rất nhanh. Chẳng ai chào ai, thủ tục này đã bị xóa bỏ hoàn toàn, người ta chỉ làm mỗi một việc là đi theo chân người trước và nhìn xuống đất, trên đó anh ta muốn tiến càng nhanh càng tốt, trừ phi anh ta không chợt thấy vài chữ hay con số ghi trên tờ giấy đang rung rung mà anh ta cầm trên tay.

“Cậu đã thực sự làm được một việc khổng lồ,” một lần Karl nói với ông cậu trong một chuyến thăm thú công việc, mà muốn khám phá nó thì cần nhiều ngày, ngay cả khi chỉ xem qua loa từng bộ phận.

“Và cậu đã tự tay dựng ra nó cách đây ba mươi năm, hãy biết điều đó. Khi ấy cậu có một cửa hàng nhỏ xíu tại khu bến cảng: chỉ cần chuyển vào đó năm cái thùng một ngày đã là quá nhiều, cậu đi về nhà mà thấy tự hào khủng khiếp. Hiện nay ngoài cảng cậu sở hữu nhà kho lớn thứ ba, và cửa hàng cũ của cậu đã trở thành phòng ăn và nơi chứa dụng cụ cho nhóm phu bốc vác thứ sáu mươi lăm của cậu.”

“Kỳ diệu thật,” Karl nói.

“Ở đây mọi thứ phát triển nhanh thế đấy,” ông cậu nói, cắt ngang cuộc trò chuyện.

Một hôm ông cậu tới vào đúng giờ ăn, bữa ăn mà Karl nghĩ sẽ dùng một mình như thường lệ, và bảo anh mau chóng mặc đồ đen vào rồi xuống ăn cùng ông, sẽ có thêm hai người khách. Trong khi anh thay đồ ở phòng bên, ông cậu ngồi xuống bàn làm việc và liếc qua bài tập tiếng Anh mà Karl vừa làm xong, rồi ông đập tay xuống bàn, lớn giọng kêu lên: “Thật là tuyệt vời!”

Chắc chắn là Karl mặc quần áo dễ dàng hơn hẳn sau lời khen ngợi ấy, nhưng nói đúng ra hiện giờ anh đã khá tự tin với tiếng Anh của mình.

Trong phòng ăn của ông cậu, mà anh còn lưu trong trí nhớ từ buổi tối đầu tiên tới đây, hai ông cao lớn to béo đứng lên chào họ, người đầu tiên tên là Green, người thứ hai là Pollunder, theo những gì anh biết được từ cuộc trò chuyện bên bàn. Ông cậu chẳng mấy khi chịu phí lời về bất kỳ điều gì, luôn luôn để Karl phải tự đi mà tìm hiểu những gì là cần thiết hay thú vị ở một người nào đó. Khi bữa tối đã gần xong, trong đó chỉ toàn bàn những vấn đề kinh doanh kín đáo - với Karl đây là dịp tuyệt vời để ôn vốn từ vựng thương mại - và trong đó anh bị bỏ mặc im lặng ngồi ăn giống như một đứa trẻ trước hết phải ăn sao cho no đã, ông Green quay sang anh và - với chủ ý rõ ràng là nói tiếng Anh gọn gàng hết mức - hỏi chung chung những cảm giác đầu tiên của anh về nước Mỹ. Karl đáp lại hồi lâu, giữa sự im lặng bao trùm, thỉnh thoảng liếc trộm ông cậu và, để làm vừa lòng những người đang lắng nghe, sử dụng vài cách nói mang màu sắc New York. Một câu nói của anh làm ba ông cười phá lên và Karl e ngại mình đã phạm một lỗi lớn; nhưng không phải, ông Pollunder trấn an anh, thậm chí ông còn nói một điều gì đó rất tốt đẹp. Vả lại, dường như cái ông Pollunder này hết sức thích thú với Karl, và trong khi ông cậu cùng ông Green quay trở lại với những sự vụ kinh doanh, ông ta bảo Karl dịch ghế lại gần và đặt cho anh hàng loạt câu hỏi về tên anh, nguồn gốc lai lịch của anh và chuyến đi của anh; rồi, để anh nghỉ, đến lượt mình ông ta bắt đầu, cười to và ho, và rất liến thoắng, nói về mình, về con gái ông và về điền trang nhỏ nơi họ sống, bên ngoài New York; thật ra thì ông ta chỉ có thể ở đó vào buổi tối, vì ông ta là chủ ngân hàng và do nghề nghiệp nên ông ta phải ở thành phố suốt cả ngày. Karl được nồng nhiệt mời đến ngôi nhà nông thôn đó; một người Mỹ mới mẻ như anh chắc hẳn cảm thấy có nhu cầu được thỉnh thoảng ngơi khỏi New York. Karl liền hỏi ông cậu xem anh có được phép nhận lời mời không, và ông cậu đồng ý, có vẻ rất vui, nhưng không nêu vấn đề hay hỏi về ngày giờ chính xác, như Karl và ông Pollunder chờ đợi.

Thế nhưng, ngay hôm sau, Karl được triệu tập đến phòng làm việc của ông cậu (một mình ông có mười phòng làm việc trong ngôi nhà); ở đó anh gặp ông Nghị sĩ cùng ông Pullunder đang yên ắng ngả người trong ghế bành.

“Ông Pollunder,” ông cậu nói, lúc này ánh hoàng hôn trong căn phòng làm ta khó mà nhận ra ông ta, “ông Pollunder đến để mời cháu đến biệt thự của ông ấy, như chúng ta đã nói chuyện hôm qua.”

“Cháu không biết trước là chính hôm nay đấy,” Karl đáp, “nếu không chắc cháu đã chuẩn bị sẵn sàng rồi.”

“Nếu cháu chưa sẵn sàng,” ông cậu nêu ý kiến, “thì có lẽ tốt hơn hết là chuyển chuyến thăm này sang một hôm khác vậy.” “Sẵn sàng gì cơ!” ông Pullunder kêu lên. “Một chàng thanh niên lúc nào cũng sẵn sàng hết!”

“Không phải là để phản đối đâu,” ông cậu nói, quay sang nhìn người khách, “nhưng dẫu sao thì nó cũng sẽ phải quay lên phòng và như thế thì ông sẽ bị muộn mất.”

“Chúng ta có đủ thời gian mà,” ông Pollunder nói, “tôi đã dự trù trước là sẽ muộn, thế nên tôi đã đóng cửa văn phòng sớm hơn.”

“Cháu đã thấy chưa, ngần ấy phiền phức mà chuyến thăm của cháu đã kịp gây ra.”

“Cháu rất lấy làm tiếc,” Karl đáp, “nhưng cháu quay lại ngay đây,” và anh đã chợm lao ngay ra ngoài.

“Anh không cần phải vội đâu,” ông Pollunder nói, “anh không gây cho tôi chút phiền phức nào hết; ngược lại chuyến thăm của anh còn làm tôi rất vui nữa.”

“Mai cháu sẽ mất bài học cưỡi ngựa, cháu đã báo tin xin hoãn chưa?”

“Chưa,” Karl nói (chuyến thăm này, mà anh từng thấy rất hào hứng bắt đầu đè nặng lên anh), “làm sao mà cháu biết trước…”

“Thế mà cháu vẫn muốn đi à?” ông cậu nói tiếp.

Ông Pullunder, con người khả ái, vội nói đỡ cho anh: “Trên đường đi chúng tôi sẽ ghé trường cưỡi ngựa để dàn xếp việc này.”

“Nghe hay đấy,” ông cậu nói. “Nhưng Mack sẽ vẫn đợi cháu cho mà xem.”

“Không, anh ấy sẽ không đợi cháu đâu,” Karl nói, “nhưng dĩ nhiên anh ấy sẽ tới.”

“Vậy sao nào?” ông cậu nói, như thể câu trả lời của Karl chẳng biện minh được cho điều gì hết.

Ông Pullunder can thiệp thêm một lần nữa: “Klara” - đó là tên con gái ông ta - “cũng đang đợi cậu ấy tối nay và chắc nó phải được ưu tiên hơn Mack chứ?”

“Chắc chắn rồi,” ông cậu nói. “Thôi, chạy lên phòng đi.” Rồi ông gõ xuống tay cầm ghế phô tơi nhiều tiếng, như thể một cách máy móc. Karl đã ra đến cửa thì ông cậu ngăn anh lại bằng câu hỏi này: “Mà sáng mai cháu có về kịp giờ cho bài học tiếng Anh không?”

“Gì cơ?” ông Pullunder kêu lên, ông ngạc nhiên quay lại trong ghế phô tơi, quay hết mức mà độ to béo của ông cho phép, “cậu ấy không được ở lại đó ít nhất là ngày mai à? Sáng ngày kia tôi sẽ đưa cậu ấy về nhé?”

“Tuyệt đối không được,” ông cậu đáp. “Tôi không thể gây ra một sự xáo trộn ở mức ấy cho việc học của nó. Sau này, chừng nào nó đã có công ăn việc làm ổn định, tôi sẽ sẵn lòng cho phép nó nhận một lời mời lịch thiệp đến thế và gây cho nó nhiều vinh hạnh đến thế với nhiều thời gian hơn.”

“Lắm mâu thuẫn quá!” Karl nghĩ.

Ông Pullunder trở nên buồn bã.

“Nhưng chỉ một tối và một đêm thôi chỉ chẳng bõ!”

“Đó cũng chính là điều tôi nghĩ đấy,” ông cậu nói.

“Phải nhận lấy những gì ta được quyền hưởng thôi,” ông Pollunder nêu nhận xét và lại phá lên cười.

“Tôi đợi cậu ở đây”, ông ta kêu lên với Karl, anh lợi dụng lúc ông cậu đang im lặng để vội vã lao đi.

Một lúc sau khi anh quay lại, trong trang phục để khởi hành, ở phòng làm việc chỉ còn lại mỗi ông Pollunder, ông cậu đã đi khỏi. Ông Pollunder, hết sức mừng rỡ, lắc lắc hai tay Karl, như thể để tự xác nhận một cách cụ thể rằng Karl sẽ đi theo ông ta. Karl, người vẫn còn nóng rực vì vừa phải chạy, cũng lắc lắc hai tay ông Pollunder; anh rất vui vì chuyến đi này.

“Cậu tôi sẽ không bực mình vì tôi đi thế này chứ?”

“Không hề! Ông ấy không nói nghiêm túc như cậu tưởng đâu. Chỉ có điều vào lúc này ông ấy rất coi trọng việc giáo dục cậu.”

“Có phải chính cậu tôi đã nói với ông, rằng cậu ấy không nói nghiêm túc đến thế chứ?”

“Tất nhiên,” ông Pollunder đáp, giọng ông ta nhấn mạnh để chứng minh mình không biết nói dối.

“Thật lạ là cậu tôi không mấy hào hứng với chuyện để tôi đến thăm ông, mà ông lại là bạn của cậu ấy!”

Ông Pollunder, mặc dù không thú nhận rõ, cũng không giải thích được, và trong khi chiếc ô tô chạy trong buổi tối ấm áp, họ còn suy nghĩ thêm về điều đó, mặc dù cuộc trò chuyện hướng sang những chủ đề khác hẳn.

Họ ngồi sát kề nhau và ông Pollunder, trong khi nói, cầm lấy tay Karl. Karl muốn biết nhiều điều về cô Klara, như thể, sốt ruột vì chặng đường dài, anh nghĩ những câu chuyện này sẽ khiến họ sớm đến nơi. Tuy rằng anh còn chưa bao giờ đi qua các phố New York vào buổi tối, và dọc các vỉa hè cùng đường phố không ngừng đổi hướng như xoáy lốc, tiếng ồn không ngừng vang lên (tiếng ồn không có vẻ do con người gây ra, mà giống như một thứ nguyên tố xa lạ nào đó), nhưng Karl hết sức cố gắng nắm bắt những lời lẽ của ông Pollunder, chỉ quan tâm đến cái áo gi lê màu đen của ông Pollunder, trên đó bình thản chạy ngang một sợi dây xích vàng. Ra khỏi những phố nơi công chúng đông đảo đang hối hả tới rạp hát, rảo bước chân hoặc nhấn ga những chiếc ô tô, họ đi qua những khu trung gian rồi tới vùng ngoại ô nơi các cảnh sát cưỡi ngựa liên tục chỉ cho họ đi vào những phố nhỏ, bởi vì đại lộ chính đang bị chiếm bởi các công nhân ngành luyện kim đình công, chỉ một lượng xe cộ tối thiểu được phép đi qua các ngã tư. Khi chiếc xe đi ra khỏi một phố nhỏ tối om vang lên những tiếng vọng, cắt ngang qua đại lộ rộng bằng cả một quảng trường, họ thấy hiện ra, ở cả hai bên, theo những phối cảnh bất tận, một đám đông khổng lồ tiến lên theo từng bước ngắn và tiếng hát đồng ca nghe còn đều hơn là một giọng hát duy nhất. Nhưng trên các đường ray tàu điện phong quang, đây đó có một cảnh sát cưỡi ngựa đứng bất động, những người cầm cờ hoặc các dải băng rôn viết chữ giương lên khắp phố, hoặc một người lãnh đạo bao quanh là các đồng chí và thuộc hạ, hay một chiếc xe điện không kịp bỏ chạy nên ở lại đó, rỗng và tối, với người lái tàu và người soát vé ngồi ở bậc lên xuống. Những nhóm nhỏ người hiếu kỳ rải rác, cách xa những người biểu tình đích thực, mặc dù đúng ra họ chẳng thực sự nhìn những gì đang diễn ra. Nhưng Karl thì vui sướng dựa vào cánh tay ông Pollunder đang ôm choàng lấy anh; niềm tin rằng anh sắp trở thành người khách được chờ đón tại một ngôi nhà nông thôn sáng sủa, kín cổng cao tường và được lũ chó canh giữ, khiến anh cảm thấy vô cùng thoải mái và, tuy rằng trạng thái chớm ngủ gục ngăn cản anh hoàn toàn hiểu được, hoặc ít ra là theo kịp, những lời lẽ của ông Pollunder, thỉnh thoảng anh vẫn cố kháng cự và đưa tay dụi mắt một lúc, để xem chuyện anh ngủ gật có bị ông Pollunder phát hiện không, điều này thì anh muốn tránh bằng mọi giá.


5 comments:

  1. “Phải nhận lấy những gì ta được quyền hưởng thôi"
    Đọc chương này từ "và" với "," thú vị nhỉ.
    Nghỉ lễ Nhilinh post hết đi tranh thủ thời gian đọc, tuần này có 2 tháng còn gì ;)

    ReplyDelete
    Replies
    1. dài lắm, đến giờ mới được hơn 1/10 thôi

      Delete
    2. Đọc đang vào nên muốn đọc một lèo luôn mà phải chờ đợi thế này. Tối tối sẽ vào kiểm tra có chương mới không. Nhilinh thiệt là biết cách gây chờ đợi, mong nhớ :))

      Delete
  2. em đang dịch cuốn này thì thấy anh Dũng dịch rồi. Thôi đành hưởng vậy =))))

    ReplyDelete
    Replies
    1. thật á o.o

      đến đâu rồi? Ramses, khách sạn, nhà Brunelda hay Oklahama?

      Delete