Jan 15, 2016

châm ngôn viết ở rìa một khu rừng (1b)

ký hiệu lưu trữ: B. 52379, tác giả: chưa rõ

tờ 1B


+ Thương Tín đã làm được điều mà không một nhà văn nào làm được: để lại một kiệt tác; những sách vở do tuyệt đại đa số nhà văn hiện nay viết ra sau này sẽ trở thành rác tự phân hủy, đúng hơn là giấy vệ sinh tự hoại, nhưng cuốn sách của Thương Tín sẽ còn lại; thêm một kiệt tác không ai biết mặc dù tất cả đều nhìn thấy, tất nhiên; khi nào in lại, chỉ cần bỏ đi cái ý nửa bánh mì với nửa sự thật là hoàn hảo


+ viết kém nhất trong lĩnh vực ấy là: Michio Kaku; thêm một lần nữa, tổng cộng của những yếu tố sáng sủa và rất đúng là một thứ sai hoàn toàn; trong khi đó, nhiều thứ là cộng lại của nhiều yếu tố lệch lạc lại đúng; ở đây vẫn chưa có một cuốn sách lớn về thiên văn học


+ cela est beau comme une merde pourrait l’être


+ nhưng đừng có nhầm: thơ có thuộc vào trong văn chương đâu


+ văn chương là chiêu thức và nội công, châm ngôn (cũng, giống thơ, không thuộc về văn chương) là điểm huyệt; quyền cước, võ công là đánh nhau, Lăng Ba Vi Bộ là sóng, là không đánh nhau, đuổi nhau nhưng có chạm vào nhau đâu mà đánh nhau được


+ Freud không có giá trị gì; chỉ cần nghĩ mặc cảm Oedipe và mặc cảm bị thiến không tồn tại ở hơn một nửa khối tròn tròn hay được gọi (sai) là Trái đất, là đã thấy Freud vớ vẩn đến thế nào, mặc dù Freud thật đáng mến trong bức ảnh chụp chung với con chó (đáng mến không khác khi Adolf Hitler chụp ảnh chung cũng với một con chó - con chó của Hitler đẹp hơn con chó của Freud: đây là kết luận duy nhất có thể rút ra); ngay từ đầu cái được gọi (sai) là lịch sử, người Trung Quốc, và, do đó, những người nằm trong vùng ảnh hưởng của thiên triều, đã có cuốn sách thiêng, cuốn sách ấy trở nên thiêng sau khi tắm máu hiến tế tác giả của nó: từ một hành động thiến dương vật mà lịch sử (một cách gọi sai) chui ra, nên ngay lập tức đã có vật thiêng, và loại trừ từ trước các loại mặc cảm mà Sigmund sau này nghĩ ra; căn hộ của Freud ở Wien mang đầy đủ mọi đặc điểm của một đời sống trưởng giả êm đềm, chẳng có vết máu khô nào


+ Lệ Quyên: một ca sĩ vĩ đại; hiếm khi nào tôi phấn khích đến như thế, chứng kiến lúc mà xung quanh Lệ Quyên diễn ra cả một loạt náo động rất vớ vẩn, còn ở một phía khác, mấy người tranh nhau địa vị diva, cái địa vị được hình dung là không hề vớ vẩn; tất cả tranh nhau một địa vị, và diva đích thực chẳng cần làm gì, vì sau khi đám bụi nghi binh của những náo động đi tè trên máy bay lắng xuống, chúng ta đã có một ca sĩ vĩ đại, ở mức độ mà "diva" cũng chỉ còn là một thứ vớ vẩn; kịch bản này xảy ra nhiều lần đến nỗi thật đáng ngạc nhiên vì chẳng ai nhận ra ngay từ đầu; Trương Phi và đòn nghi binh ở cầu Tràng Bản: Hỏa phụng liêu nguyên khủng khiếp đến thế vì đó là lần đầu tiên có người đọc đúng rằng Trương Phi và Lữ Bố mới thực tài: thì đúng thế mà, Khổng Minh là một thằng ngu, cỡ Trí Đa Tinh Ngô Dụng ấy (thật ra tên là “vô dụng” mới đúng); Lệ Quyên thì còn lại, và các đấu thủ tranh giành nhau thì sẽ tan biến; Lệ Quyên và bài hát “Mưa nửa đêm”: tất cả các âm mà Lệ Quyên hát trong bài ấy đều hụt đi một tí chút, và đó chính là “mưa nửa đêm”, vì mưa vào lúc nửa đêm có là gì khác đâu ngoài sự thiếu hụt chút đỉnh, thiếu hụt mà không hiểu là thiếu hụt gì, một sự lấn một chút vào hư vô, xô một cú nhè nhẹ ve vuốt vào khoảng không; Lệ Quyên là một trong rất ít phụ nữ mà tôi chưa từng gặp nhưng vẫn thấy toàn bộ sức quyến rũ; nhưng tôi không có nhu cầu gặp đâu, dẫu cho chính nhờ những lời này của tôi, sau này, rất lâu sau này, Lệ Quyên sẽ vẫn còn lại: không phải vì tôi tán dương Lệ Quyên, mà chỉ vì tôi đặt đúng ngay Lệ Quyên vào vị trí của mình; Marcel Proust cũng từng làm thế với Sarah Bernhardt; các thiên tài văn chương đều là thiên tài về lắng nghe, không thể làm gì khác đâu, vì loài người được tổ chức theo từ ngữ; thiên tài văn chương, những người điều hành từ ngữ, là các pháp sư, không có họ, mọi thứ chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng, không hiện thực hóa được; Cioran từng làm thế với Bach; nhờ Proust người ta mới biết ngay từ rất sớm rằng Gabriel Fauré cao hơn mọi loại âm nhạc cùng thời; Proust còn là một người xem tranh tuyệt hảo, không bao giờ nhầm; “Mưa nửa đêm” thuộc vào một số bài hát kỳ diệu sẽ còn sống rất lâu, vì mưa nửa đêm hết sức quan trọng: mưa là để nối liền các thế giới, nhất lại là mưa nửa đêm, xảy đến vào lúc có quãng hở mở ra; một số bài hát sẽ còn lại, nhưng tất tật đều kém một chút so với kiệt tác lớn nhất này: “người đi khu chiến thương người hậu phương, thương màu áo gởi ra sa trường… lòng trần còn tơ vương khanh tướng thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều…” (bài này thì cần phải nghe bản Thanh Tuyền); tại sao nó vĩ đại, bài hát ấy? đơn giản mà, vì đó là lần đầu tiên lời thì thầm của Chinh phụ ngâm được hồi đáp, và “màu áo gởi ra sa trường” là màu gì? chính là cái màu ẩn trong câu này: “giã nhà đeo bức chiến bào/thét roi cầu Vị ào ào gió thu”; nhưng đỉnh cao của bài hát ấy chính là hai từ cuối: “anh ơi”, rơi thật sâu xuống vực thẳm

14 comments:

  1. Lệ Quyên hát rụng rời nức nở thế nào ấy, nghe như có cái gì nhơm nhớp (không phải bẩn) bám vào người, câu hát nhiều khi đứt đoạn. Nói chung rất ghê, không cảm được cái hay của cô này

    ReplyDelete
  2. Viết ở rìa một khu rừng nên viết ghê gớm đến thế này ư :3
    đã rất xa.

    ReplyDelete
  3. Đồng ý. Lệ Quyên :)

    ReplyDelete
  4. "loài người được tổ chức theo từ ngữ" nghĩa là gì hả anh? Mà việc đó thì liên quan gì đến "lắng nghe" và âm nhạc?

    ReplyDelete
  5. Michio Kaku ..'thêm một lần nữa, tổng cộng của những yếu tố sáng sủa và rất đúng là một thứ sai hoàn toàn..' Bình luận y như bình văn chương!
    Do nói văn chương chung chung, không nói rõ là cuốn nào của Michio Kaku nên tôi nhận xét cũng chung chung: về Michio Kaku thì ngoài tầm với của Nhị Linh quá xa rồi - đừng bước vào lĩnh vực xa lạ với mình!

    ReplyDelete
  6. Làm sao để so sánh Thanh Tuyền với Hà Thanh bây giờ?, :(, e vẫn hay nghe CMBG bản Hà Thanh

    ReplyDelete
  7. đoạn sau có nói áo màu gì: Áo chàng đỏ tựa ráng pha

    ReplyDelete
    Replies
    1. chiến bào xưa đỏ, áo lính sau này xanh lục, 2 màu này nối với nhau kiểu gì?

      Delete
  8. không chỉ màu, còn có cả mùi đấy:

    http://nhilinhblog.blogspot.com/2013/05/ai-dem-phan-chat-mot-mui-huong.html

    (màu và mùi thật ra là cùng một thứ)

    ReplyDelete
  9. tình trường Nhị Linh cũng không kém cạnh Thương Tín nhỉ

    ReplyDelete
  10. ơ Cửa Sổ Gỗ (tức Phan Lặng Yên) đấy à? sao không để tên, để dấu vết mà phải giấu?

    ReplyDelete
  11. freud và tâm phân học là mẩu vụn bắn ra từ hiện tượng luận, chỉ cần đọc cái sau

    ReplyDelete