Feb 28, 2016

Marina Tsvetaieva

Gần đây, bên ngoài nước Nga, tên của nhà thơ Nga vĩ đại nhất thế kỷ XX gần như đã được đồng loạt thống nhất cách gọi: "Tsvetaeva" thay vì "Tsvetaieva" như trước đây.

Linda Lê đóng góp một cách đọc thơ (và cuộc đời) Tsvetaieva trong cuốn sách này:


Mở đầu là Brodsky, "Ai chỉ định mi là thi sĩ":


(cuốn sách được in trong một tủ sách của nhà Jean-Michel Place; việc Jean-Michel Place phải đóng cửa chấp nhận phá sản là một tổn thất rất lớn của xuất bản sách văn học tại Pháp)

Cuộc bi thảm của các nhà thơ Nga vĩ đại có thể coi là khởi đầu bằng một cái chết năm 1921 rồi kết thúc (đều theo lối biểu tượng) vào năm 1941, cũng là một cái chết.

Blok ốm rồi chết, trước đó là một sự bặt tiếng khủng khiếp, không còn thơ ca nào nữa. Đây là năm 1921.

Năm 1925, Ê-xê-nhin tự sát. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên biết đến bài thơ tuyệt mệnh mà Ê-xê-nhin để lại: thật kỳ quái, đó là khi tôi còn nhỏ, một lần đi xem kịch ở Hà Nội, diễn viên (nữ) bỗng đọc mấy câu thơ ấy (không hề liên quan đến bối cảnh câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu), bốn câu thơ ngay lập tức in chặt vào óc tôi:

Thôi chào nhé bạn ơi chào nhé
Bạn thân yêu xin bạn đừng buồn
Sống trên đời vốn là điều chẳng mới
Nhưng chết, nói thực tình, cũng chẳng mới gì hơn

Maiakovski tự sát năm 1930.

Năm 1938, Mandelstam, trên đường đi đày Siberia, bỏ mạng tại một trại trung chuyển.

Và đến 1941, Marina Tsvetaieva tự sát, sau quãng thời gian lưu lạc nước ngoài, trong đó, năm 1925, lần đầu tiên Tsvetaieva đọc thơ trước công chúng Paris. Có ba nhạc công cùng tham gia buổi diễn. Một trong số ấy, một phụ nữ, đến Thế chiến thứ hai thì lưu lạc sang Belgrade. Vì bà là bạn của mẹ Charles Simic nên chính quãng thời gian này, còn rất nhỏ, Simic được người phụ nữ ấy dạy cho những bài hát trẻ con bằng tiếng Nga và tiếng Pháp (câu chuyện được Simic kể lại trong The Monster Loves His Labyrinth).

Ngay sau đó, Mour, con trai Tsvetaieva, đi lính, và chết gần như ngay lập tức, trong một trận đánh.

Sau hai mươi năm ấy, chỉ còn sống Boris Pasternak, người bạn thân thiết của Tsvetaieva (quãng cuối đời Rilke, có một loạt thư "tay ba" Pasternak-Tsvetaieva-Rilke, kết thúc vào tháng Chạp năm 1926 khi Rilke qua đời) và Anna Akhmatova.

Những thần thánh của thi ca ấy truyền tới một sự im lặng mênh mông nhiều hơn là ngôn từ.

Rất nhiều năm, tôi rất tránh đọc Tsvetaieva, vì thơ Tsvetaieva có chút dính dáng đến một cuộc tình xa xưa của tôi. Chúng tôi đọc thơ của bà trên những tờ tạp chí. Phải đến gần đây, nhờ cuốn sách của Linda Lê, nhờ một điều mà tôi gọi là "sức mạnh của sự an ủi", tôi mới lại có thể đọc được.

Ở lần đọc này, tôi chú ý nhất tới mối quan hệ giữa các nhà thơ Nga và Rilke, nhưng tôi cũng muốn hướng sự chú ý vào một điều rất quan trọng nữa: những nhà thơ Nga ấy, thật ra, có hình ảnh rất khác ở những nơi khác, so với ở đây.

Marina Tsvetaieva ở Việt Nam: chủ yếu phải nhờ đến công lao của Phạm Vĩnh Cư (xem thêm ở đây). Tsvetaieva thuộc vào bộ ba thần tượng của Phạm Vĩnh Cư: Dostoievski-Bakhtin-Tsvetaieva. Nhiều người chắc còn nhớ, buổi thuyết trình đầu tiên của tôi tại Việt Nam cách đây chục năm, giữa Phạm Vĩnh Cư và tôi đã xảy ra một cuộc đụng độ không hề nhẹ nhàng, một cách hết sức công khai. Giờ thì tôi nghĩ mình hiểu được sự khoái trá của ông ấy vào hôm đó, bên trong các nhà nghiên cứu có một tính cách rất kỳ lạ. Về sau, Phạm Vĩnh Cư sẽ trở thành nhà nghiên cứu lớp trước tốt với tôi nhất.

Cuốn sách in song ngữ của Phạm Vĩnh Cư về thơ Tsvetaieva (nhan đề chung "Tâm" lấy gợi ý từ tên một tập thơ của Tsvetaieva, Psyche):


Sách khổ vuông, in năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tsvetaieva, 540 trang, gồm 140 bài thơ (chỉ có phần thơ trữ tình):


Bộ sưu tập Linda Lê của tôi (kể từ khi chụp bức ảnh này đến giờ đã thêm một ít thứ):


Bài thơ vĩ đại "Requiem" (Cầu hồn) của Anna Akhmatova từng được nhà thơ Thường Quán dịch ra tiếng Việt (qua bản tiếng Anh của D. M. Thomas); xin phép anh Thường Quán cho trích vài câu ở đây:

Ở những năm tháng ấy chỉ có người chết là mỉm cười,
Hài lòng được an nghỉ.
Thành phố Leningrad vặn trở như khúc ruột thừa vô dụng
Cuối những dãy nhà tù.
Những sân ga bây giờ thành nơi gối đầu của đám người mất trí.
Cộc ngắn, những bài ca giã từ của những đầu máy xe lửa.
Những ngôi sao của thần chết đứng im
Trên đầu chúng ta.
Và nước Nga ngây thơ vô tội

-----------

Về Osip Mandelstam, tôi từng viết một lần (xem ở đây).

Ê-xê-nhin là nhà thơ mà cho tới giờ, mấy chục năm sau cái thời đọc thơ, đọc bài nào là thuộc ngay bài nấy, tôi vẫn còn thuộc không ít, cái thời mà Byron viết bài thơ năm ba mươi tuổi tôi cũng thuộc, bài thơ Byron làm năm ba mươi sáu tuổi tôi cũng thuộc nốt, còn Ê-xê-nhin là bài thơ về con chó cái, những bài về nông thôn nước Nga, "Ôi nước Nga yêu dấu của tôi ơi/Nhà gỗ thông của người mang tượng chúa/Một màu xanh tít tắp tận chân trời/Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường?/Tôi sẽ nói: Thiên đường tôi chẳng lấy", "Bóng tối loăn xoăn đứng ở sau đồi", là "Ôi tôi tin tôi tin đời hạnh phúc/Và mặt trời còn chửa tắt hào quang", những bài thơ của tuổi mười bảy, cái tuổi mà sau này, mọi thứ gì dính dáng đến, con người trưởng thành chúng ta đều tìm cách giấu nhẹm đi, mà không hay biết, đó chính là một biểu hiện tột cùng của thiếu trưởng thành.

Blok tôi đọc thời đã chín chắn hơn. Còn Boris Pasternak: trong đời mỗi người đọc đều có một hoặc vài lần chịu sét đánh. Đối với tôi, một trong những cú sét là Bác sĩ Jivago. Nhưng không hẳn là vậy, về sau, khi những xúc cảm về tình duyên trên tuyết trắng và sự ngớ ngẩn của cuộc đời, của chiến tranh đã lắng xuống, tôi mới biết để lại sâu sắc nhất từ lần đọc ấy chính là những bài thơ. Cách đây hơn chục năm, trên con đường rất dài, quãng giữa buổi chiều trời đã bắt đầu sập tối, đèn vàng giăng mắc trên hàng trăm cây số đường đi, trên chuyến xe đi từ gần Cực Bắc xuống phía Nam, qua những Nyköping, Linköping, chợt tất tật những gì mà các bài thơ của Pasternak tôi đọc từ trước đó rất lâu, một cách rất hờ hững, lại hiện về. Nhất là cái hình ảnh ấy, màn trời mùa đông ảm đạm, ngôi nhà buồn bã đơn lẻ và ánh nến chập chờn trên cửa sổ. Suốt dọc con đường chạy xuyên miền Nam Thụy Điển, có rất nhiều nhà thắp nến sau cửa sổ.

Và tại sao lại bảy người: Blok, Ê-xê-nhin, Akhmatova, Pasternak, Mandelstam, Maiakovski và Tsvetaieva? (tất nhiên, như Linda Lê có nói trong tiểu luận dẫn nhập vào thơ ca Tsvetaieva của mình, những nhà thơ rất lớn này rất dễ làm người ta quên mất là thời ấy nước Nga còn có nhiều nhà thơ xuất chúng khác). Thì bởi vì phải là bảy thôi, là thất tinh.

Khi biết tin Rilke đã qua đời, vào đúng ngày 31 tháng Chạp năm 1926, Tsvetaieva còn viết thêm một bức thư vô cùng đau xót, bức thư tất nhiên không gửi cho Rilke giờ đã chết, nhưng lại để chính Rilke đọc, ở một hình thức khác: "giờ đây anh có thể đọc tôi mà chẳng cần đến bưu điện, lúc này đây anh đang đọc những gì tôi viết" [...] "Giờ đây, anh cũng đã biết tiếng Nga rồi" [...] "tôi muốn được đến cùng anh, không ở lại đây nữa. Rainer, tôi biết anh sẽ ngay lập tức ở bên phía tay phải tôi, tôi đã gần như cảm thấy rồi" [...] và ngay sau đó, Tsvetaieva cũng nhắc đến con số bảy ấy: "Ngày mai là năm mới, Rainer ạ - 1927. 7. Con số mà anh thích nhất. Anh sinh năm 1875? Như vậy là 51 tuổi? Trẻ quá. Cháu gái gọi anh là ông ngoại [Rilke có một người con gái tên là Ruth] thật tội nghiệp, chưa hề được gặp anh."

-----------

Trở lại với cuốn sách của Linda Lê về Marina Tsvetaieva.

Sách in nhiều phụ bản, cuối cùng là thủ bút Linda Lê, bản thảo cho cuốn sách:


Bìa một tập thơ của Tsvetaieva in tại Praha năm 1924:


Giấy mời đến dự một buổi đọc thơ Tsvetaieva tại Paris, năm 1927 (đừng quên câu chuyện mà Charles Simic đã kể, tôi nói ở trên):


Bài thơ cho Anna Akhmatova:


(bao nhiêu bạn đường, bè bạn, nhưng lại chẳng là vọng âm của một ai, cay đắng và kiêu hãnh, dẫn lối cho cả một tuổi trẻ hiền lành)

Thơ cho Blok:


(không phải xương sườn gãy, mà là bị giập cánh)

Một tác phẩm rất lớn, thoát thai từ một cuộc tình, bài thơ dài về núi:


Thơ cho Pasternak:


(chỉ một người ngang hàng được với tôi, chính là anh); lời ngạo nghễ của Marina Tsvetaieva

Tsvetaieva viết tiểu luận, "Nhà thơ và phê bình":


Tiểu luận về thơ Pasternak, "Mưa rào ánh sáng":


Một bức thư gửi Rilke:


Linda Lê đặc biệt bị ám ảnh bởi một hình ảnh của Marina Tsvetaieva. Một lần, Tsvetaieva viết thư cho Pasternak, nói rằng cuộc đời này chỉ là một nhà ga, và sau đó bà còn chưa biết mình sẽ đi đâu.

Để kết lại về cuốn sách của Linda Lê, một trong những gì đẹp nhất từng được viết về Marina Tsvetaieva: nhan đề cuốn sách này, Comment ça va la vie? được cắt từ một câu thơ mà Tsvetaieva viết cho một người tình; người tình ấy sống với vợ, và Tsvetaieva viết, "Cuộc sống ra sao, với một người phụ nữ khác?" Ta có thể đọc được trong đó sự ghen tuông, nhưng tất nhiên, không hẳn là ghen tuông.

-----------

Rilke ở Muzot, một phụ bản trong cuốn sách của Linda Lê (một số địa danh thấm đẫm hơi một số nhà văn, gắn liền máu thịt một cách toàn vẹn: về Hölderlin, đừng bao giờ quên con sông Neckar, về Rilke, đó là Muzot, và với Kafka thì sao? Praha ư? không hẳn, mà là Zürau):


Rilke, con phượng hoàng của văn chương Đức, trước hết, là Malte Laurids Brigge; khi đọc cuốn sách khủng khiếp ấy, tôi rùng mình ớn lạnh, và nhất là ý nghĩ này: sẽ ra sao, nếu tôi đọc phải nó khi còn rất trẻ? chắc chắn cuộc đời tôi đã hoàn toàn khác.

Pasternak là người tạo ra cuộc viết thư "tay ba" năm 1926 giữa ông, Rilke và Tsvetaieva, nhưng Pasternak chủ yếu im lặng; về sau này, trong hồi ký, ông sẽ giải thích thái độ của mình. Rilke, ngay lập tức, viết thư cho Tsvetaieva nói rằng họ chạm vào nhau như những cú chạm cánh, cánh của con chim phượng hoàng này chạm vào cánh của con chim phượng hoàng kia.

Cuốn sách của Linda Lê khiến tôi phải lục lại một tập thơ rất cũ:


Đây là những bài thơ mà Rilke viết bằng tiếng Pháp, ngay trước khi qua đời (tháng Chạp 1926). Cụ thể, nó gồm những phần như trong bức ảnh dưới đây: (sách của tôi có cả thủ bút và chữ ký, của... ờ... ờ... Rilke):


Đặt ở đầu sách là một bài bình luận cực kỳ ngắn gọn nhưng thiên tài, của Philippe Jaccottet:


Đây là phần cuối cùng, posthumous:


Ngay trước đó là phần này, "Mười cửa sổ":


Opus 4 đẹp khủng khiếp:


Cửa sổ, chính mi, ôi khoảng đợi
chẳng biết đã bao lần
nóng ruột, một cuộc đời tràn tới
rơi tiếp một cuộc đời

12 comments:

  1. sách của linda lê sao toàn sách thú vị vậy? chừng nào mới ra ở Việt Nam đây trời

    ReplyDelete
  2. "Đám người mất trí". Em lại nghĩ về mình :v

    ReplyDelete
  3. ủa bà ấy không dùng computer hả anh?

    ReplyDelete
  4. "Rilke, con phượng hoàng của văn chương Đức, trước hết, là Malte Laurids Brigge; khi đọc cuốn sách khủng khiếp ấy, tôi rùng mình ớn lạnh, và nhất là ý nghĩ này: sẽ ra sao, nếu tôi đọc phải nó khi còn rất trẻ? chắc chắn cuộc đời tôi đã hoàn toàn khác."

    ReplyDelete
  5. anh viết sai tên Maiakovski một lần, ngay dưới đoạn trích bốn câu thơ của Ê-xê-nhin anh nghe trong rạp hát

    ReplyDelete
  6. “I like that you're not sick of me,
    I like that I'm not sick of you,
    What never heavy globe
    Do not swim away under our feet.
    I like that you can be funny -
    Loose - and not play with words,
    And do not blush with a suffocating wave,
    Lightly touched sleeves.

    I also like what you have with me
    Gently hug the other,
    Do not read me in hellfire
    Burn for not kissing you.
    That my name is gentle, my gentle, not
    You mention day and night - in vain ...
    What is never in church silence
    Do not sing over us: hallelujah!

    Thank you and heart and hand
    For what you me - not knowing yourself! -
    So love: for my nightly rest,
    For the rarity of meetings sunset hours,
    For our non-walks under the moon,
    For the sun, not over our heads, -
    For the fact that you are sick - alas! - not by me
    For the fact that I am sick - alas! - not by you!”

    ReplyDelete
  7. có một bản dịch tiếng Việt bài này, giờ còn nhớ mang máng được câu đầu: "Cám ơn anh, không vì tôi anh khổ"

    ReplyDelete
  8. Mãi mới tìm ra «cái hình ảnh ấy, màn trời mùa đông ảm đạm, ngôi nhà buồn bã đơn lẻ và ánh nến chập chờn trên cửa sổ. Suốt dọc con đường chạy xuyên miền Nam Thụy Điển, có rất nhiều nhà thắp nến sau cửa sổ.»

    ReplyDelete