Apr 1, 2016

Đỗ Trí Vương một ngôi sao mới

rời bỏ viết điểm sách đã một thời gian không ngắn, tôi chỉ còn rất ít quan tâm đến các bài điểm sách, viết về sách nói chung đăng báo ở Việt Nam thời gian gần đây, lắm lúc cũng ngao ngán, ví dụ đọc một bài gọi James Joyce là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20; Joyce vĩ đại nhất thì cũng ok đi, thật ra cũng quan trọng quái gì, nhưng đọc cái bài rất kêu ấy thì biết ngay, tác giả của nó thậm chí còn chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách nào của Joyce, chưa nói gì đến một loạt nhà văn khác mà nếu đem ra so, Joyce chẳng là gì hết

đằng nào thì xuất bản sách ở Việt Nam cũng cần một quãng chùng hẳn xuống - căng mãi thì kiểu gì cũng đứt dây đàn thôi, chẳng nên quan tâm mấy

nhưng gần đây, đọc mấy bài điểm sách của Đỗ Trí Vương, tôi bỗng nhận ra, mình không phải bi quan đến thế

một quyển trinh thám tầm thường của Jo Nesbø mà viết được hẳn một bài dài như thế, thật là quá oách

nhất là khi viết về cái cuốn gồm những bức thư của Alphonse Daudet thì Đỗ Trí Vương thật huy hoàng

về cái nhân vật mắc bệnh giang mai từ lúc còn rất trẻ, đến độ một thời gian phải chống nạng thì mới đi được, khi chết có cả Clemenceau xin xỏ cho tổ chức quốc tang (tuy nhiên đã bị từ chối, thành ra chẳng có quốc tang nào cho Alphonse Daudet), chỉ cần viết thêm một số điều nho nhỏ, ví dụ Daudet cần được nhìn nhận là nhân vật kiệt xuất đưa một gia đình Pháp xuất thân tầm thường không có vai trò gì dưới Đệ nhị Đế chế trở thành một thế lực, một cột trụ của xã hội (ta nhớ đến Ibsen ở cụm từ này) trong vòng suốt gần trăm năm, lại còn kết giao với một số gia đình danh tiếng khác, ví dụ Léon Daudet con trai của Alphonse Daudet từng là chồng trong vòng một thời gian ngắn của người cháu gái gọi Victor Hugo là ông, bản thân Léon Daudet thì là yếu nhân của cả một phong trào bảo hoàng mà ta hay gọi là bảo thủ chuyên chế - Léon Daudet mới là nhân vật lớn nhất của dòng họ này, người đồng chí thân thiết sát cánh bên một con người mà ta cần phải tìm hiểu cặn kẽ thì may ra mới hiểu được một số điều về sự thê thảm của nước Pháp đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, phong trào bài Do Thái trong đó người nhà Daudet đóng góp những tiếng nói rất trọng lượng, con người ấy là Charles Maurras, và rồi nhà Daudet oách đến mức, ngay ông anh trai của Alphonse Daudet là Ernest Daudet cũng không hề tầm thường, một nhà văn, nhất là một sử gia đầy uy thế, người đã cất lên tiếng ca bi thương cho các nhà quý tộc Pháp bị điêu đứng vì Cách mạng 1789, và được Anatole France tin cẩn nhờ đọc bản thảo tác phẩm; chỉ cần Đỗ Trí Vương đặt đúng được Alphonse Daudet vào một bối cảnh, là đã có một bài điểm sách để đời rồi, mặc dù tất nhiên chưa cần như thế thì cũng đã quá là oách

điều này thật không dễ: cách đây chừng chục năm, khi Đỗ Trí Vương vụt trở thành ngôi sao, thần đồng thơ ca Việt Nam, tôi đã thấy hết sức kinh hãi; những câu chuyện như thế chẳng bao giờ là tốt hết, nó có thể tàn phá cuộc đời của một ai đó: người lớn tại sao lại tự cho mình cái quyền đi tung hô một đứa bé còn chưa có nhận thức đầy đủ, dồn đẩy một đứa trẻ con vào con đường hẹp; và thơ ca của Đỗ Trí Vương hồi ấy, thấy rõ là của người lớn nhét vào mồm, và kể cả có bàn tay người lớn, thì thơ ca ấy cũng đâu có ra gì

thế mà Đỗ Trí Vương vượt qua được điều đó - không phải ai cũng vượt qua được đâu (ta đã có quá nhiều ví dụ tương tự, nên thôi khỏi cần nói thêm nữa); không những thế, sau này Đỗ Trí Vương lại còn vượt qua tiếp một điều cũng không hề dễ dàng: mắc vào một tờ tạp chí có đặc điểm là xưng tụng các doanh nhân thành đạt, nhưng những doanh nhân ấy, có thể có nhiều thứ, nhất định không có gì là thành đạt (tờ tạp chí này tôi cũng có biết tí chút, do được nhờ viết bài, đâu như đăng số 2 hoặc số 3 gì đó, tức là ngay từ khi nó mới bắt đầu tồn tại)

thế mà giờ đây Đỗ Trí Vương viết điểm sách rất oách

nếu mà biết được điều này, cách đây vài năm, khi bỏ một mục điểm sách kéo dài nhiều năm, phải nghĩ xem nên giao lại nó cho ai, thì hẳn tôi đã đề nghị Đỗ Trí Vương làm công việc này; lựa chọn của tôi hồi ấy, chỉ sau vài tháng, tôi đã biết là hoàn toàn sai lầm

5 comments:

  1. mình chỉ thích ai viết về daudet mà viết được về đi tìm thời gian đã mất với koenigsmark.

    ReplyDelete
  2. chị gái Aurore của anh giai Benoît í hả

    ReplyDelete
  3. nói giời nói đất gì thì với tôi Nhã Nam (và ĐTV) cũng sứt mất một tí credibility khi dịch và xb cuốn Crippled America của DJT.

    ReplyDelete
  4. ô thế à, xin chia buồn

    tôi chẳng hề biết cả hai điều: có một cuốn sách như thế, và ai dịch cuốn sách như thế, giờ mới biết đấy

    ReplyDelete