Apr 7, 2016

văn chương, thần chú

mới được gửi tặng, cám ơn các bạn bên Tao Đàn :p


hôm trước (xem ở kia), tôi mới nói đến chuyện văn chương có thể là thần chú hay không

hôm nay, ta sẽ lấy một ví dụ văn chương trong tương quan thần chú của nó, ở Nguyễn Bình Phương

dưới đây là một bài thơ của Nguyễn Bình Phương:


Trò thiêng

Tôi nhổ một sợi tóc trải ngang trên mặt giấy sau đó lấy cây bút mình đang viết đặt theo chiều dọc.

Lập tức vầng trăng xòe lửa vỡ hai, đâu đó những quả đồi héo rũ, đâu đó tiếng cốc nghiêng, tiếng nước rơi, mây vẩn đầy trời. Bầy nghê đá cười xô vào dĩ vãng.

Từ sa mạc giấy trắng vọng ra:

- Đã đến!


làm thế nào để viết? nhà thơ đặt một sợi tóc làm trục hoành, để cây bút tượng trưng cho trục tung: lúc này không gian đã hình thành

tên bài thơ, "trò thiêng", ngay lập tức khiến ta hiểu tác giả đang muốn nói đến một chiều khác, đây là chiều của sự vô hình, thế giới ấy cần có các lễ nghi: mọi nghi lễ (đúng) đều là khởi sinh của vũ trụ, nghi lễ là cách để kích hoạt vũ trụ (điều này là một trong các trọng tâm của Mircea Eliade khi bàn về con người tôn giáo, ta sẽ đi sâu vào ở bài về Tạ Chí Đại Trường)

sau khi nghi lễ thành công, một vũ trụ liền chuyển động, và nhà thơ làm được điều mình muốn làm: triệu tập từ trang giấy những gì cần phải đến


miêu tả rất nhỏ trên đây như một cách hình dung về viết văn, ta sẽ thấy không ít dấu hiệu triệu chứng của điều này trong cuốn tiểu thuyết Vào cõi

Vào cõi cùng Bả giời là hai tiểu thuyết rất sớm của Nguyễn Bình Phương, đầu thập niên 90: ấn bản đầu của Vào cõi xem ở kia

khi này, Nguyễn Bình Phương còn chưa biết cách giấu đi nhiều thứ, ta dễ dàng nhận ra ở trọng tâm của Vào cõi là một nỗi sợ sống; tại sao lại sợ sống? vì sống là đoạn kẹp vào giữa, một đoạn đầy náo động, hụt hẫng, so với đoạn trước và đoạn sau, những đoạn ngoài sống, thật đáng sợ

sự sinh ra (vào cõi) rất đáng sợ, và cô độc nữa: Kierkegaard nói, báp têm thì có thể làm hàng loạt, cho nhiều người cùng một lúc, nhưng sinh ra thì ai cũng phải sinh ra một mình, trong cô độc

trong khi đó, cõi trướccõi sau của sống khác hẳn: cõi của đá (như Phật), của nhìn trăng, "bông hoa bị ép khô nằm cô tịch trong vòm trời hóa thạch", của đất: "Đất sẽ che chở bền vững cho con bằng cái ấm cúng mịt mùng"; ở cõi khác ngoài cõi sống ấy, ta có những mối liên hệ kiểu khác, những mối liên hệ ấy làm cho sống, sự ở trong cõi, thật đáng sợ, mà ta rất muốn tránh, nếu có thể


Vào cõi hay Bả giời vẫn chưa phải tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Bình Phương, mà tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bình Phương lại là thơ, tập dưới đây:


(Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái xuất bản, 1988)

(yên tâm, quyển này mình sẽ giấu đi haha)


hôm trước tôi đã nói về năm 2016 của văn chương Việt Nam, khi ấy tôi còn chưa tính đến Vào cõi xuất hiện trở lại như thế này, nó thuộc vào những gì tôi không biết trước

nhưng như thế này có lẽ là đẹp nhất: văn chương Việt Nam 2016 không ngờ lại sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Nguyễn Bình Phương, mở một con đường mới, con đường này dĩ nhiên khác hoàn toàn so với mấy chục năm vừa rồi

15 comments:

  1. Chả hiểu lại có cái chữ lãng mạn nào xấu đến thế

    ReplyDelete
  2. năm 88 thế là quá đẹp rồi

    ReplyDelete
    Replies
    1. huhu thật quá khó để gọi cái xấu là đẹp

      Delete
  3. Thế mà em cứ tưởng anh cộng tác với Tao Đàn chứ

    ReplyDelete
  4. ô

    tôi tưởng ai cũng nhận ra nguyên tắc của tôi: ủng hộ mọi cơ sở xuất bản mới xuất hiện, tuỳ theo khả năng riêng của tôi

    vài ví dụ: Sách Trẻ ("Người cô độc" của Isherwood), Sao Bắc (Georges Bataille), Hoa Sen (nhiều)

    sự ủng hộ này là vô điều kiện, trong vòng ít nhất ba năm, quãng thời gian theo tôi là tối thiểu để một cơ sở xuất bản khẳng định mình có tồn tại được không, và sẽ đi theo hướng nào

    có nơi tôi ủng hộ không tồn tại được đến ba năm thật

    nguyên tắc này cũng áp dụng cho cả các cá nhân, với tư cách tác giả mới, không có phân biệt

    ReplyDelete
    Replies
    1. anh giới thiệu nên hôm nay em vừa đặt 3 quyển Lan Hữu, Ngọc Lê Hồn và Đôi bạn bên Sách Tao Đàn đó :d em đã đặt bên Tiki rồi nhưng quyết định huỷ để đặt bên này ủng hộ, vì em thấy tủ sách của họ chắt lọc và rất thú vị.

      Delete
  5. Dùng triệu hồi hay hơn nhỉ

    ReplyDelete
  6. cái bìa quyển Vào cõi rất đẹp, sao không thấy ai nói gì nhỉ

    thế mà tôi cứ nghĩ bình luận sách vở ở Việt Nam toàn là nhìn bìa phán, hoá ra tôi nghĩ nhầm à :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
      Tôi chết từ khi trăng khuyết đi"
      :-)

      Delete
  7. Bìa đẹp. Nhưng có một người thiết kế cho rằng (không phải người comment) rằng chữ Tao Đàn nho nhỏ nằm bên cạnh chữ Văn Học Việt Nam đương đại như thế là ngược.
    Dẫu sao, vẫn thích Tao Đàn đặt ngược lại như các cuốn cũ, đọc thấy thuận hơn, và thích hình cú đặt cạnh tên NXB, thế mới cân xứng.
    Nhưng, vẫn là một cái bìa rất đẹp.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Một nửa cuả O là C. ;-)

      Delete
  8. Nhẩm mới sợ chứ haha

    ReplyDelete
  9. Hs thiết kế bìa quá đẹp, đúng chất Vào cõi. Vậy là có dịp vào lại thung lũng hái đầy hoa lặc lô lên núi Rùng viếng mộ Đông điên:))

    ReplyDelete
  10. bài thơ dưới đây không phải của Nguyễn Bình Phương, dĩ nhiên! Mà của một cô bé(trước kia) có lẽ là một trong fans, yêu văn chương NBP đến nỗi bị hồn nhân vật và cả xác chữ Vào cõi "ám" thành...thơ ;p
    Giấc mơ lạc chiều, chiều đã muộn
    sao dòng sông cứ lầm lì miết về xuôi?
    trong tia sóng nhỏ thoát thai ra biển là chiều
    chiều dài hơn mọi chiều cộng lại
    trong con ốc là một người đàn ông hát tình ca thật buồn

    mối tình gầy,
    dài,
    và cong
    vầng trán phớt xanh màu rêu cũ
    chẳng đủ sức đi hết vầng trán ấy
    bất lực vứt con dao găm ra khỏi giấc mơ mình
    say thật thà nên triết lý mang âm điệu tình ca
    chiều vẫn dài hơn mọi chiều cộng lại

    nắng cạn tận đuôi mắt người con gái
    nắng gọi
    nắng khêu tim ngọn đèn ký ức
    lên khói
    lớp vỏ người thực đen hơn chiếc bóng
    trước uy lực của sự tương phản
    người ta tự giam mình trong lòng bàn tay
    bàn tay khi úp khum khum như nấm mộ

    viếng mộ
    viếng bàn tay khi úp
    viếng con thuyền bị lật úp, lật úp từ chối biển
    cỏ xanh phủ lên sự nằm thỏa mãn, sự nằm tuyệt vọng
    thèm tan vào chiều
    chiều cứ dài hơn mọi chiều cộng lại
    những buổi diễn tập cho một lần đêm vĩnh viễn

    thử sáng tạo ra cái chết chính mình trong mòn mỏi
    có công ty nào nhận dịch vụ này không nhỉ
    giả thiết được đặt ra ngồn ngộn
    thơm lắm
    rực rỡ lắm
    hương hoa hồng trắng là đoạn cuối thước phim về cái chết
    trung cảnh hay toàn cảnh nhỉ
    để thấy được người giữa rất chiều

    dế
    có nhiều con dế
    nhiều con dế ngỡ một đời độc thân than vãn
    giờ man dại thu càng lảo đảo lao vào nhau
    cỏ buồn hát tình ca cô độc

    trăng xa nghễu nghện cứng đờ
    lây cứng đờ cho một kẻ sẽ nằm sấp xuyên đêm
    chẳng thể khước từ mùa

    đom đóm yêu nhau chằng chịt bãi tha ma
    cỏ đau bầm dập
    não mệt nhoài liên tục hỏi: đêm chưa?

    nhân vật chính của bài thơ đã oằn oại như một sự thoát thai
    chưa kịp thoát thai
    đá trở về đá
    giấc mơ đầm đìa một ban mai
    chiều mãi dài hơn mọi chiều cộng lại
    với kẻ mộng du chiều đi tìm con ốc
    trong con ốc là một người hát tình ca thật buồn…

    ReplyDelete