Sep 1, 2016

vài kinh nghiệm

+ đừng bao giờ tin những thứ thuộc dạng 100 kiệt tác mọi thời đại, 35 cuốn sách không thể bỏ qua trước tuổi 35, 10 cuốn sách cho tương lai xán lạn, 7 cuốn sách nếu chưa đọc người ta chỉ có thể là bò; đừng bao giờ ngó vào, lừa đảo hết đấy


+ ngừng quan tâm ngay lập tức đến bất kỳ ai dẫu rằng trước đó người ấy rất là hấp dẫn, kể từ thời điểm nhân vật ấy trở thành diễn giả chuyên nghiệp, đấy là bán hàng đa cấp đấy, mặt hàng buôn bán ở đây là lòng tin; nói chung, mọi thứ phát biểu, nói năng trước một đám đông lổn nhổn cũng là sự lổn nhổn không hơn không kém, à nói cho đúng thì lổn nhổn hơn


+ hãy biết nghi ngờ những người viết một từ hoặc một cụm từ gì đấy rồi mở ngoặc đơn "chữ dùng của abc" rồi đóng ngoặc đơn


+ hãy biết nghi ngờ những kẻ hay chua chát kết luận: "đúng là thời mạt"; nhưng thời nào cũng là thời mạt mà, không phải thế à?


+ hãy biết nghi ngờ những ai lúc nào cũng nói đúng


+ hãy biết nghi ngờ những ai lúc nào cũng nói


+ hãy biết nghi ngờ


+ nhưng ngược lại, cũng cần phải hiểu, đa nghi không phải một phẩm chất, thậm chí đa nghi còn là một khiếm khuyết khủng khiếp, cả tin thì tốt hơn


+ những kẻ lúc nào cũng cố tỏ ra mình rất độc đáo rất đáng tởm, và bọn luôn luôn bắt chước cũng đáng tởm nốt


+ tất nhiên, bọn cứ thỉnh thoảng lại viết hoa đương nhiên rất đê tiện, và luôn luôn cố chứng tỏ điều ngược lại


+ một số lượng không nhỏ chiến đấu vì công lý là để cố quên đi rằng mình luôn luôn sẵn sàng chà đạp công lý (nhất là những lúc nghĩ rằng sẽ không ai biết)


+ nhìn chung, không có công bằng


+ một nỗi sợ hãi của tôi là đọc phải một ai đó liệt kê liên tục những cái tên riêng, hai dòng liền toàn những tên riêng xếp cạnh nhau, cá biệt tôi từng gặp những trường hợp hai mươi dòng liền toàn tên là tên; đối với tôi, chỉ hai (cùng lắm là ba) cái tên có thể đặt cạnh nhau thôi là đã phải nghĩ nát óc bao nhiêu năm trời - mặc dù vậy, tôi không nghi ngờ những người liệt kê tên riêng dày đặc không nghĩ nát óc, thậm chí còn rất nát

[và nỗi sợ hãi của tôi trở thành một cơn khủng hoảng đích thực khi trong bảng liệt kê tên ấy bỗng có tên tôi]


+ ở quán cà phê, hãi hùng nhất là những người nào mới tới, vừa đặt đít xuống ghế là hét lên "em ơi" để gọi phục vụ; hài hước nhất là cảnh người ta tranh nhau trả tiền, cảnh tượng náo loạn, tưởng chừng sắp đánh nhau đến nơi, người này gạt phăng tay của người kia, nhảy phóc một cái chắn đường để những người còn lại không có khả năng tiếp cận người phục vụ, những người còn lại mặt đỏ tía tai như sắp ngất đến nơi vì nỗi nhục không được trả tiền cà phê, có những người như sắp quỳ xuống van xin người phục vụ hãy nhận tiền của mình chứ đừng nhận tiền của người khác, và trong suốt thời gian diễn ra hoạt cảnh, tất cả cùng hét; thế mà người ta cứ bảo chiến tranh kết thúc đã lâu rồi

19 comments:

  1. Kaka, vui nhỉ

    ReplyDelete
  2. đừng cười "kaka" có được không?

    ReplyDelete
  3. Anh nghĩ rằng chúng ta nên thư thái tha thứ cho con người. Quan sát các vật chất sinh động là một niềm vui không hề nhỏ.Chịu đựng là một trạng thái cần hóa giải.

    ReplyDelete
  4. George Orwell cũng nói rất vui và hài và chuẩn như thế này (may quá, chỉ có một tên riêng (phải mở ngoặc để biện hộ cho cái mở ngoặc đầu tiên)) trong Catalonia-tình yêu của tôi. Không nói rõ được, chỉ biết hài mà sâu sắc. Top 100 bài viết không thể bỏ qua trong đời nếu ghé vào đây.

    ReplyDelete
  5. G.Orwell chả có cái vị gì gần đây thành trào lưu như thằng gì ở trên.

    ReplyDelete
  6. khéo đùa, lúc nào mà chã ở giữa (tức là chả ở đâu) đa nghi và cả tin: lạy cha, con không thể là muối của đất, khi nơi nao cũng tuyền phố đi bộ kakaka (ngắt 3 âm và bắt đầu bằng phụ âm)

    ReplyDelete
  7. kaka thần chưởng có lẽ cũng là một món công phu nên luyện

    ReplyDelete
  8. Có công bằng chứ nhỉ, với những kẻ cả tin?

    ReplyDelete
  9. Lỡ ngó vào mấy cái list sách đó giờ thoát ra làm sao đây nhỉ ?

    ReplyDelete
  10. mệt nhỉ, kakaka

    ReplyDelete
  11. Hôm nay tôi đã thể nghiệm được câu ông nói về bọn chuyên viết hoa. Cực đúng. Vô cùng kinh tởm.

    ReplyDelete
  12. kinh nghiệm ≠ trải nghiệm

    ReplyDelete
    Replies
    1. "trải nghiệm" là một từ vớ vẩn được tạo ra chẳng để làm gì, chỉ có "kinh nghiệm" và "trải". muốn phân biệt thì phân biệt "kinh nghiệm" với từ "thể nghiệm" mà nữ sĩ Quách Hiền dùng ở trên kìa

      Delete
    2. phân biệt thế nào?

      Delete
    3. khó đấy, những lúc thế này nhớ lời NL: "Muốn nhìn vào nó, không gì bằng nhìn qua (tức là xuyên qua) tác phẩm triết học về nó", và quả thật là có một philosophe từng phân biệt 2 thứ này: Mori Arimasa. kinh nghiệm là aventure, còn thể nghiệm, assimilation. nôm na là thế, không dám đi sâu vì sẽ gặp bộ ba Descartes-Pascal-Bergson.

      "thể nghiệm" rất được giới nghệ thuật ưa dùng (nhạc thể nghiệm, phim thể nghiệm), nhưng đúng ra ở đây phải là "thực nghiệm". và "nghiệm" là examiner, không phải considérer (từ vớ vẩn "trải nghiệm" hay được giải thích rất tởm: trải qua rồi nghiệm lại)



      Delete
  13. trải đời nên có nhiều thể nghiệm để đúc kết kinh nghiệm

    ReplyDelete