Apr 10, 2014

[tiện bút] Ở quán cà phê

(ngó nghiêng khắp nơi, thấy từ "tiện bút" hình như chưa có ai dùng bao giờ, thế cho nên tùy tiện coi như một thể loại mới đã được khai sinh :p à mà thật ra "tiện phím" thì miêu tả chính xác hơn, nhưng âm "ím" nghe có vẻ không được nhã cho lắm hehe)

(NB. Võ Phiến chính là người đặt dấu ấn cho nhiều thể loại kiểu như thế này: "tạp bút", "tiểu luận", "tạp luận" v.v…)



Ở chốn nhân gian không thể hiểu

Ở quán cà phê không thể hiểu :p

Năm tôi 22 tuổi, ngồi quán cà phê ở quảng trường Maubert đến bốn giờ sáng là một thể hiện tột cùng của tự do.

Hơn chục năm sau, tôi nghĩ, quán cà phê không phải trú sở của tự do, mà là nơi ta can thiệp vào cuộc đời mình qua ngả đời những người xa lạ, trong đó có cả những người ngồi xoay lưng lại ta không bao giờ nhìn thấy mặt.

Ở quán cà phê, cảnh tượng tôi nhớ nhất gần đây là một buổi, ngồi cà phê một mình, bàn bên cạnh có năm chị gái tuổi sồn sồn nói cực to, nhưng đến một lúc tất cả đều ngừng nói miệng há hốc mắt hết chớp vì thủ lĩnh của họ đang kể chuyện. Thủ lĩnh ấy là một người đàn bà đẹp đến điêu đứng, đẹp chấp hết cả hai Diễm Hương và hai Diễm My cộng lại. Nhan sắc Bắc Kỳ luôn luôn đậu trớ trêu, đểu giả bọc lấy những tâm hồn ghê gớm nhất, thế nên các bác hiểu anh em Bắc Kỳ rắn mặt thế nào rồi đấy :p

Giai nhân của những nốt nhạc lời cao vút kể, trong những "ăn cặc mà tao tin" với cả "lồn mẹ nó chứ", nàng đi đánh ghen như thế nào (lôi tình địch vào khách sạn để múc cho sướng tay, anh chồng trốn biệt mấy hôm mới dám mò về, mua chuộc tay chân thân cận của chồng, vân vân và vân vân), câu chuyện hấp dẫn tột bậc hơn mọi văn chương diễm tình kỳ hiệp mỹ lệ, những câu chửi điểm xuyết giống như cảnh tượng Tây Thi nhăn mặt, yêu kiều không thể tả.

Vốn là dân Bắc Kỳ rất xịn, tôi biết phải cư xử như thế nào trong tình huống này; tôi ngừng mọi việc đang làm ngắm nàng trực diện bằng sự ngưỡng mộ thành thực nhất, mơ hồ mỉm cười theo những trầm bổng câu chuyện của nàng (Anh khách lạ x lên x xuống/May mà có em đời còn dễ thương). Nàng kể một lúc lâu đến hồi tàn câu chuyện thì e ấp chớp chớp làn mi yêu kiều tú lệ, nhìn xuống thỏ thẻ bảo bốn cô bạn, thôi tao không kể nữa đâu, anh í đang cười tao kìa. Và lúc sau thì đi về trước, mấy người kia còn ngồi lại, đi ngang qua tôi nàng nhoẻn cười rất tươi, nụ cười muốn nói tuy em từng đánh ghen tàn khốc nhưng ngoài những khi tay chân loạn đả thì em dễ thương lắm; và tôi rất là tin, tôi còn tranh thủ đưa số điện thoại cho nàng nhưng chưa thấy nàng gọi, tôi biết nàng sẽ không bao giờ gọi mặc dù trân trọng hành động của tôi; đàn bà oanh liệt xứ Bắc thật ra cực kỳ chung tình (xin đừng nói lái từ "chung tình") :p

Đó là kịch tính mà ta có thể gặp ở quán cà phê Hà Nội, những quán cà phê giờ đã mất đi bản sắc của thời cách đây hai mươi năm; bản sắc ấy từng là hoặc phải đi xuống rất sâu, những con đường vốn dĩ trước là đê, hoặc phải đi lên rất cao qua nhiều đoạn thang gác. Ai ở đây còn nhớ quán Flagon trên phố Lò Sũ, nơi chúng ta từng uống cà phê chơi vơi khoảng không phố cổ giữa rất nhiều chuột chạy quanh?

Tôi từng nói, ở quán cà phê phổ biến nhất là người ta đòi nợ nhau; nhưng điều đó chưa đủ.

Quán cà phê vẫn duy trì, giống như agora thời Hy Lạp hay forum thời La Mã, trách nhiệm không gian của những tuyên xưng và rao giảng; trước đây hồi còn trẻ chúng ta ngồi quán cà phê năm sáu tiếng đồng hồ để triết lý cuộc đời, bi thảm nhạt nhẽo gắng sức chứng tỏ mình là người độc đáo. Còn bây giờ, rất nhiều giáo chủ chọn quán cà phê làm nơi giảng đạo, họ là những giáo chủ thuyết trình cực kỳ trơn tru và không mang chút mặc cảm nào về âm l âm n, âm e bẹt gí, họ giáo cho người khác về bán hàng như thế nào, giảng những bài tâm lý học sơ đẳng về ham muốn của con người và sứ mệnh cao cả của những vị Chúa giáng thế dưới dạng nhân viên sale.

Ở Cần Thơ cách đây không lâu, một buổi sáng không có việc gì làm, tôi ngồi lì tại quán cà phê trung tâm nhất thành phố suốt một buổi sáng; ngoài món hủ tiếu xương ngon tuyệt thì bên trái tôi là một bác già già say sưa tuyên truyền cho chừng chục người nghe về sự trinh trắng tuyệt hảo và lợi ích vô bờ bến của bảo hiểm nhân thọ, còn bên phải tôi là một nhóm trẻ tuổi say sưa thuốc nhau về triết lý nhân sinh của bán hàng đa cấp.

Nhiều người hay nói rằng xã hội của chúng ta hiện nay khủng hoảng do thiếu niềm tin.

Điều này là sai lầm căn bản về nhận thức: chưa bao giờ niềm tin thừa mứa như bây giờ, thừa mứa đến mức buồn nôn, và ta thấy xuất hiện liên tiếp những diễn giả có vốn từ không vượt quá con số 300 cực kỳ thành công nhờ hét lên trước cử tọa (thật ra là các tín đồ) những khẩu hiệu khủng khiếp. Tôi từng xem một clip như thế, một diễn giả mặt như cái hến chiếu lên màn hình ảnh chân dung bốn người đại khái cực nổi tiếng, cứ mỗi cái ảnh hiện lên là anh ấy hét, Đây là ai, xong hết ảnh rồi anh lại hét, Tại sao Việt Nam không có những con người này.

Nếu niềm tin thiếu vắng ở mức độ trầm trọng, những hoạt động như trên không thể có môi trường nảy nở và phát triển.

Niềm tin, nhìn nhận một cách duy lý, là một thứ nguy hiểm bậc nhất của tâm lý con người, sự tràn ngập niềm tin đến mức độ nào đó hiển nhiên là mầm mống của những The Second Coming, Millennium các kiểu.

Những người có mục đích riêng rất thích thu hút niềm tin, tích tụ nó lại như tích lũy tư bản; xã hội tư bản, như Lukács từng nói, có một đặc trưng là quá trình vật hóa, đến mức có thể định lượng và đến mức ngay thời gian cũng biến thành không gian; niềm tin cũng có thể định lượng và phục vụ cho một mục đích nào đó.

Ví dụ như chủ nghĩa quốc gia, một tập hợp niềm tin quái gở nhìn từ khía cạnh duy lý; con người có chút trí tuệ không nên thúc đẩy sự tích tụ niềm tin này, kể cả là do vô ý, mà chính ra phải ngược lại, tán nhỏ bớt đi.

Rất nhiều quán cà phê Hà Nội bây giờ đã trở thành diễn đàn bình dân của công cuộc tu tập Phật giáo, nhất là Mật tông, nơi thể hiện của ngút ngàn tín ngưỡng, nơi xá lị và lá bồ đề rồi vòng tay từng được Lạt Ma sờ vào trao tay như những điếu bồ đà, nơi ngọn lửa thiện rừng rực cháy hiển danh và xiển dương đạo pháp ở một mức độ chóng mặt, làm ta tiêu tan biết bao nhiêu ham muốn trần tục, trong đó có ham muốn uống một cốc cà phê.

Uống một cốc cà phê, nhất là lại được ngắm một giai nhân chửi bậy ngay trước mặt.

Trừ giai nhân của tôi được quyền miễn tố, tôi đã rút ra một quy luật: ở quán cà phê mà để cho giọng nói của mình vươn ra khỏi phạm vi thính giác của cái bàn đang ngồi, tuyền là lũ đồi bại hết cả.

Nhưng tại sao giai nhân ấy vẫn chưa chịu gọi điện thoại cho tôi.

10 comments:

  1. Giai nhân ấy đang định gọi thì đọc được bài này nên đành thôi...

    ReplyDelete
  2. Trong một cuốn Tác phẩm đăng báo Phan Khôi nào đấy có nhắc đến từ “dạ tiện” không hiểu có phải do ông sáng chế ra không mà cũng không thấy ở đâu có. Cũng không rõ hai cái tiện này có can hệ với nhau không.

    ReplyDelete
  3. các bác nhớ làm chứng cho tôi nhé, trời ơi khai sinh cả một thể loại, sao mà hào hứng quá :p

    ReplyDelete
  4. Bài này đọc thú vị phết.

    Niềm tin (vào cái gì đó) thì không có nhưng niềm tin để bán và rao bán thì rất sẵn. He he.Hay!

    Chung quy là tin vào ...Tiền (dân An nam rất sợ thừa nhận mình yêu ...tiền).

    Nhưng, đề nghị bác không đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản. Nghe có hơi hướng của Ban Tuyên giáo.

    ReplyDelete
  5. Replies
    1. người đang chân trời góc bể rồi đúng không :p

      Delete
  6. Quán cà phê ngày nay cũng gần đúng như tên của nó là nơi là cà, chém gió của những người rỗi việc, hiếm hoi những ánh mắt quan sát thói đời, gác bỏ trần tục. Tác giả của Trần tục 1 cách tự nhiên vậy. :)

    ReplyDelete
  7. cai vu "tien but" nay vui a. I like it.

    ReplyDelete
  8. Tình hình quán cafe vs nhilinh giờ thế nào? Mong nhilinh đã lấy lại ham muốn :p Cứ tiếc mãi hồi còn ở fb chả pm xin nhilinh cái số phone hờhờ

    ReplyDelete
  9. Nói đến nhan sắc thì KD có một câu kinh điển:"Phụ nữ đẹp thì hay lừa người. Phụ nữ càng đẹp lừa người càng giỏi.". Đại để thế. Hơi giống TDK, kiểu phụ nữ đẹp hầu hết đều là yêu quái :))

    ReplyDelete