Điều này có thể xuất phát từ một trong hai điều: thứ nhất, đó đúng là một giai đoạn văn chương được đặc trưng hóa bằng "chủ nghĩa lãng mạn"; hoặc thứ hai, người ta hiểu nhầm rất lớn ngay từ chuyện chủ nghĩa lãng mạn là gì. Tôi nghĩ điều thứ hai giải thích được nhiều thứ hơn so với điều thứ nhất.
Nếu có một nền văn chương lãng mạn, thì đương nhiên phải có các nhà lãng mạn: có chủ nghĩa lãng mạn (romantisme) và các nhà lãng mạn (romantique). Thế nhưng, mọi khảo sát của tôi đưa đến một kết luận: văn chương Việt Nam (ít nhất là giai đoạn "tiền chiến") không có một nhà lãng mạn thứ hai, ngoài Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là nhà văn lãng mạn duy nhất của Việt Nam.
Và, rõ ràng, như vậy dẫn đến chuyện: có nhiều (rất nhiều, quá nhiều) cách hiểu lãng mạn. Cái mà người ta cứ gọi là "chủ nghĩa lãng mạn", rồi "văn học lãng mạn", có đúng là lãng mạn hay không? Có đúng là từng có ở Việt Nam một chủ nghĩa lãng mạn đúng như nó từng in vào lịch sử châu Âu từ đầu thế kỷ 19, ít nhất là ở các thuộc tính then chốt, hay không? Đương nhiên, ta hoàn toàn có thể dùng cùng một cái tên để gọi hai thực thể, dẫu điều này dễ gây nhiều nhầm lẫn; thế nhưng, mọi chuyện dường như nói lên rằng người ta gọi "lãng mạn" chỉ vì tiện miệng mà gọi như vậy thôi, chưa nói đến "lãng mạn tiểu tư sản" etc.
Nhìn rộng hơn, tôi nhận ra, trong nghiên cứu lý thuyết, tại Việt Nam có nhiều chuyện thực sự rất hài hước. Có chịu khó đọc mấy tập sách (rất dày) được coi là nền tảng cho "nghiên cứu tự sự học" tại Việt Nam, tôi mới thấy, đó có thể là rất nhiều thứ, là bất kỳ thứ gì, nhưng chẳng có chút nào "tự sự học" hết. "Thi pháp" thật ra dùng để làm gì? Tại sao ai cũng nói, luận văn từ cấp thấp đến cấp cao đều nhan nhản "không gian" và "thời gian", nhưng không gian là gì và thời gian là gì? Ngôi trần thuật (bên trong, bên ngoài, số không etc.) thật ra có làm rõ một chút nào các văn bản văn chương hay không? Cần dứt khoát trả lời rằng: không. Cũng cần dứt khoát nhìn nhận: nghiên cứu văn học trên bình diện lý thuyết tại Việt Nam về cơ bản là những điều lảm nhảm không hơn, trong đó hai cái bẫy rất lớn là: tổng thuật và áp dụng. Cộng thêm chuyện các nhà "nghiên cứu lý thuyết văn học" tại Việt Nam thường xuyên không đọc gì khác ngoài sách "introduction". Các bài "nghiên cứu lý thuyết" trong ngành nghiên cứu văn học tại Việt Nam luôn luôn là một sự liệt kê tên tuổi (và "các trường phái") rất hài hước (và rất tốn giấy). Và không mang lại bất kỳ hiểu biết nào. Lý thuyết văn học hoàn toàn có thể thuộc về một phạm trù rất bất ngờ: lý thuyết văn học, bởi cách nhìn nhận nó, bởi cách dùng nó, hoàn toàn có thể là một trong các phương thức của obscurantism.
Và tại sao? Tôi tiên đoán, sau "thi pháp", "tự sự học" (gần đây, rất bất ngờ, "liên văn bản" lại trở thành mốt, thêm một điều khủng khiếp nữa), Michel Foucault sẽ trở thành một bãi rác tại Việt Nam. Trong giới nghiên cứu văn học, không phải ai cũng biết tôi, nhưng những người biết tôi chắc không ít hiểu rằng không bao giờ tôi đi làm cái gì thừa. Tôi biết, vào giờ phút này, rất ít người hiểu tôi nói gì khi bảo discours không phải là diễn ngôn (xem ở kia). Nhưng, rồi sẽ sớm thấy tôi lại đúng thôi. Tôi quan tâm đến Foucault, nhất là khi Gilles Deleuze đã bị tàn phá ở Việt Nam. Cuốn sách về Nietzsche của Deleuze bị tàn phá, bởi vì nó được làm ra từ những người không biết gì về Nietzsche, cũng không biết gì về Deleuze nốt. Cuốn sách về Kafka của Deleuze cũng bị tàn phá, bởi vì nó được làm ra từ những người không biết gì về Kafka, cũng không biết gì về Deleuze nốt.
Rồi ta sẽ xem câu chuyện Foucault. Chắc là sắp rồi.
Quay trở lại với "chủ nghĩa lãng mạn". Tôi chỉ muốn nhìn vào một điểm: tại sao giai đoạn văn chương Việt Nam 32-45 lại có thể được gọi là "văn học lãng mạn" (chưa nói sự phân kỳ ấy có đúng hay không; điều này đã nhiều lần tôi nói đến)? Tôi vẫn còn nhớ từng nghe người ta nói, đó là thời bừng nở của cái tôi cá nhân, rồi thì sự giao hòa với tự nhiên etc.
Nhưng như thế thì có gì chung với romantisme? Không có gì chung hết.
Và nguyên nhân là vì đâu? Tôi nghĩ, rất đơn giản, chỉ vì chưa từng một ai thực sự đọc các tác phẩm lý thuyết thực sự bàn về chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn Đức, chủ nghĩa lãng mạn Anh, chủ nghĩa lãng mạn Pháp, là như thế nào? Chẳng ai buồn quan tâm. Mà chỉ chăm chăm vào mấy cái công thức, nếu thực tại không lọt vừa vào mấy cái công thức thì chặt bớt thực tại đi, rồi sẽ vừa tất.
Một trong các tác phẩm kinh điển giúp ta hiểu chủ nghĩa lãng mạn là gì: L'Âme romantique et le rêve của Albert Béguin. Ta sẽ đọc cuốn sách này. Nó được in lần đầu năm 1937, hiện nay thông dụng ấn bản 1939. Thập niên 30 và thập niên 40, người ta có một số nghiên cứu rất lớn về chủ nghĩa lãng mạn (tương đối liên quan đến "quy tắc cách một" mà tôi đã nói ở kia). Có nhiều tác phẩm quan trọng, ngoài Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ của Béguin, ta sẽ sớm đến với một nhân vật lớn khác: Paul Bénichou.
Ngoài nhiều điều khác, cuốn sách của Béguin phản đối rất mạnh mẽ tâm phân học.
Dưới đây là bản dịch phần "introduction" cuốn sách của Béguin:
Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ
Cái thời điểm này, khi mọi thứ thoát đi khỏi tôi, khi những vết nứt khổng
lồ hiện ra trong cung điện thế giới, tôi sẵn sàng hiến cho nó toàn bộ cuộc đời
tôi, với giả dụ duy nhất là nó chịu kéo dài, với cái giá nực cười đó. Lúc ấy
tinh thần giãn một chút ra khỏi cơ học con người, khi ấy tôi không còn là chiếc
xe đạp phương tiện của ngũ quan, hòn đá mài cho sắc các kỷ niệm và những cuộc gặp.
LOUIS ARAGON
I
Mọi giai đoạn của suy tư con người đều có thể được định
nghĩa, theo cách thức đủ sâu sắc, bởi các mối quan hệ mà nó thiết lập giữa giấc
mơ và cuộc sống trong lúc tỉnh. Chắc hẳn chúng ta lúc nào cũng sẽ kinh ngạc vì
mình sống hai cuộc tồn tại song song, trộn lẫn vào với nhau, nhưng không sao mà
tạo ra giữa chúng một sự tương hợp hoàn hảo. Đến lượt mình, không sớm thì muộn,
với ít nhiều sáng sủa, kèm với đó là ít nhiều tính chất liên tục và nhất là trạng
thái khẩn thiết, mọi tạo vật đều sẽ đứng trước câu hỏi dai dẳng này: tôi có phải
là người đang mơ không? Câu hỏi chứa đựng vô tận khía cạnh, nó chạm vào các lẽ
sống của chúng ta, vào lựa chọn mà chúng ta buộc phải có giữa các khả năng bên
trong, vào vấn đề hiểu biết cũng như vấn đề thơ ca. Nó thuộc vào số dăm lời tra
vấn mà người ta không dễ dàng trả lời theo một cách thức hòng thỏa mãn chỉ suy
tư trừu tượng, vòng tránh sự tồn tại và nỗi hoang mang sơ đẳng: bởi vì chúng
không do chúng ta đặt ra, trong trường suy nghĩ tự trị, mà như thể bị ném vào mặt
chúng ta bởi một thực tại không thể định nghĩa, rộng hơn chúng ta, mà chúng ta
tùy thuộc, thành thử không thể từ chối cuộc đối thoại, bởi nếu vậy chúng ta sẽ
buộc lòng chỉ có một cuộc đời bị giảm bớt.
Có phải tôi mơ ban đêm không? Hay là tôi trở thành sân khấu
nơi một ai đó, một cái gì đó, dùng để diễn các vở kịch khi nực cười, lúc lại
tràn đầy một sự thông thái không thể giải thích? Vào thời điểm tôi đánh mất quyền
điều khiển các hình ảnh của cuộc đời tôi, chúng dệt nên phần lõi bí mật nhất, khó lòng
thông giao nhất, thì sự tập hợp không thể đoán trước của chúng có mối
liên hệ quan trọng nào với số phận của tôi, hoặc với các sự kiện khác vượt quá
tôi, hay không? Hay phải nghĩ rằng chỉ đơn giản là tôi đang xem một điệu vũ lộn
xộn, đáng xấu hổ, nhăn nhó thảm hại, của các nguyên tử suy nghĩ của tôi, lùng
nhùng trong sự thất thường phi lý của chúng?
Khi sự quan sát nội quan hoặc môn tâm lý học đã dạy cho tôi
cách theo đuổi sự vận hành cụ thể gắn liền các hình ảnh của giấc mơ với các
hình ảnh của kinh nghiệm hữu thức của tôi, thì tôi vẫn không có lý do gì để thấy
yên tâm. Tôi sẽ biết con đường mà những hình ảnh đi theo trong phút cuối cùng của
hành trình vô tận, nhưng tôi vẫn chẳng hay biết nguyên ủy của chúng; thế nhưng
chúng đã nói với tôi bằng một thứ ngôn ngữ khiến tôi cảm thấy chộn rộn bởi phẩm
tính của nó và bởi một sự ám chỉ chừng như hướng tới một thứ gì đó vô cùng quan
trọng, mà tôi cảm thấy có liên kết sâu thẳm với bản thân tôi. Nhưng sẽ không lời
giải thích nào làm rõ được cho tôi về bản tính của ngôn ngữ này cũng như về sự
thật những ám chỉ kia.
Những giấc mơ ban đêm, rồi lại những giấc mơ còn bí hiểm hơn
nữa kè kè bên tôi trong suốt ngày, gần bề mặt đến nỗi chỉ cần một va chạm nhỏ
nhất là chúng liền hiện ra, ở đó có một sự tồn tại mà thêm những dấu hiệu khác
nữa thể hiện sự hiện diện thường trực và giàu tiềm năng. Những gì tôi chểnh mảng
và rơi tõm lại vào sự quên rồi một ngày nào đó, đầy ngẫu hứng, sẽ lại chui ra,
nhưng đã được chuyển hóa, được phú cho cả một dạng chất nào đó mà tôi sẽ không
biết, giống như hạt mầm vùi trong đất vươn lên, hoa hoặc cây. Chỉ cần có một cảm
giác, chẳng hạn một màu nào đó, đập khẽ, ở bên trong tôi, vào một ô cửa sổ tròn
bí mật, là tức thì ô kính mở ra, tạo lối thông cho một sự tăng vọt đột ngột của
cảm xúc hoặc của sự chắc chắn. Đôi khi, tôi nhận ra ở những đợt bừng nở đột
nhiên đó một kỷ niệm xa xăm, và tôi cứ tưởng đâu chỉ ký ức thôi cũng đủ để thực
thi màn ảo thuật; nhưng, thường thì tôi không sao phát hiện được trong cái điều
xâm chiếm suy tư của tôi như vậy một vẻ giống nào với xưa kia. Tôi có cảm giác
cái đó xuất phát từ xa hơn bản thân tôi, từ một hồi tưởng tiền kiếp hoặc từ một
vùng không phải vùng của khoảng cá nhân tôi. Chỉ cần một hình ảnh, được lưu giữ
trong ngôn từ của một nhà thơ hoặc được gợi lên từ họa tiết hoa lá của một bức
phù điêu, khơi dậy, không thể khác, trong tôi một âm hưởng tình cảm, là tôi có
thể lần theo sợi dây xích gồm các hình thức huynh đệ với nhau nối hình ảnh ấy với
các mô típ thuộc một huyền thoại nào đó rất xa xưa: tôi chưa từng biết huyền
thoại ấy, nhưng tôi nhận ra nó. Giữa các câu chuyện thuộc nhiều hệ thần thoại
khác nhau, các truyện cổ tích, các sáng tạo của một số nhà thơ và giấc mơ vẫn
tiếp diễn ở bên trong tôi, tôi nhận ra một sự gần gũi ngầm sâu. Trí tưởng tượng
cộng đồng, trong các sáng tạo bộc phát của nó, và trí tưởng tượng mà, ở cá
nhân, các khoảnh khắc ngoại lệ giải phóng, như thể cùng dẫn chiếu về cùng một
vũ trụ. Hình ảnh của chúng có đúng cái năng lực gây cảm động giấc mơ bên trong
của tôi, gọi nó ngoi lên bề mặt và phóng chiếu nó lên những thứ bao quanh tôi;
hoặc giả, nếu muốn, đó là những thứ không còn ở bên ngoài bản thân tôi, cũng là
những thứ, rốt cuộc được gọi bằng đúng cái tên ma thuật của chúng, trở nên sống
động để cùng tôi bước vào một mối quan hệ mới.
Giấc mơ, thơ ca, huyền thoại dường như muốn cảnh báo và bảo
với tôi là đừng thấy thỏa mãn cả với cái ý thức về tôi kia, nó đủ dùng cho hành
xử đạo đức và xã hội của tôi, lẫn sự phân biệt giữa tôi và các vật, nó khiến
tôi tưởng các cơ phận dùng cho tri giác “bình thường” ghi nhận được bản sao
chính xác một “thực tại”.
*
* *
II
Các tác phẩm thơ ca không đúng nếu chiểu theo cái sự thật ấy, mà chúng
ta trông đợi từ lịch sử…; hẳn chúng sẽ không phải những gì mà chúng ta tìm kiếm,
những gì tìm kiếm chúng ta, nếu có thể hoàn toàn thuộc về trái đất.
ARNIM
Rất lâu trước khi nghĩ đến cuốn sách này, tôi đã có dự cảm rằng những câu hỏi ấy hẳn đã khiến chủ nghĩa lãng mạn Đức dành cho một phần lớn những toan tính của nó. Tôi đã bắt tay vào nghiên cứu nó bởi một loạt những điều ngẫu nhiên, trong đó ngày hôm nay tôi nghĩ mình nhận ra các bước của một trong những sự trưởng thành bên trong mà những cuộc gặp bề ngoài hết sức ngẫu nhĩ thúc đẩy và khích lệ. Hẳn sẽ không phải là vô ích, ngõ hầu biện minh cho nội dung và bố cục của tác phẩm này, nếu chỉ ra các tình cờ và mối bận tâm từ đó nó được sinh ra.
Những sự đọc xa xôi hồi trẻ con, quên mất rất nhiều, đã để lại cho tôi kỷ niệm về một bầu không khí thần tiên rất đặc biệt: truyện cổ tích Đức, về sau thêm vài bài thơ của Heine, của Eichendorff, hoặc những người theo chân họ, rồi sớm đến Hoffmann, tạo ra một khí hậu của truyền thuyết, nó bị chôn vùi đi, cùng truyền thuyết về chính tuổi thơ của tôi, xuống những khoảnh đất đen nơi nhào luyện các loài thực vật của giấc mơ. Đôi khi, tôi thấy lại vài mảnh nhỏ của chúng trong các giấc mộng, tôi chỉ lướt qua. Nhưng chẳng bao giờ chúng ta biết bằng ngả đường vòng vèo nào những kho báu bị ruồng rẫy lâu dài thuộc các kỷ niệm đầu tiên sẽ lấy lại được âm vang đẹp đẽ như kim loại mạ vàng của chúng. Sự phát hiện thơ ca nảy đến, vào quãng tuổi thông thường cho sự kiện này, dưới hình thức chủ nghĩa siêu thực đang sinh thành và việc khám phá Rimbaud. Các nhà thơ Pháp, ở giai đoạn ngay sau chiến tranh [tức là ngay sau Thế chiến thứ nhất 1914-1918], dấn thân phiêu lưu vào những con đường gần gũi đến lạ thường với các con đường mà một Novalis hoặc một Arnim từng khai phá. Thêm lần nữa, một thế hệ trỗi dậy, đối với họ hành động thơ ca, các trạng thái phi-ý thức, ngây ngất [từ “extase” nên hiểu theo nghĩa từ nguyên của nó: ở bên ngoài bản thân] tự nhiên hoặc nhân tạo, những ngôn từ [Béguin dùng đúng từ “discours”, tất nhiên đây là một “discours tiền-Foucault”] lạ lùng do hữu thể bí mật truyền cho, cũng ngang hàng với những khải ngộ về cái thực và các mảnh của hiểu biết chân thực duy nhất. Thêm lần nữa, con người muốn chấp nhận các sản phẩm sinh ra từ trí tưởng tượng của họ như là các biểu hiện có giá trị về bản thân anh ta. Thêm lần nữa, các đường ranh giới giữa tôi và không-tôi dịch chuyển hoặc bị xóa bỏ; người ta tìm cách triệu tập, để lấy làm tiêu chí, những sự dính kết khác chứ không chỉ những gì thuộc về riêng lý trí; và một nỗi tuyệt vọng tương tự, một niềm hoài nhớ tương tự về cái phi lý trí hướng lối cho tinh thần họ trong cuộc tìm kiếm các lẽ sống mới. Người ta có thể tin, cũng giống tại nước Đức của giai đoạn 1800, mình đang ở kỳ bình minh một thời đại rất lớn. Đột nhiên, trong lúc đọc Rimbaud cùng các môn đệ, theo chân Nerval trên các nẻo đường cái đất nước không thuộc về một ai, Alain-Fournier thì bày ra trước tôi giấc mơ của mình, thêm lần nữa tôi nghe thấy cái bài hát bí mật của khu rừng bị ám bởi các tiên nữ Đức. Vài chỉ dẫn cụ thể, cũng thuần túy là ngẫu nhĩ, đặt tôi vào con đường để đi tới - chẳng hạn sự tồn tại mơ hồ, trong một góc hẻo lánh ký ức tôi, cái tên kép kỳ cục Jean-Paul ấy, đọc thấy trong Đỏ và Đen hoặc cũng có thể ở Balzac [tôi chưa kiểm tra kỹ, nhưng có vẻ như chi tiết này lấy từ thế giới của Balzac], nhưng đối với tôi trong một thời gian dài, cùng tên của Khổng Tử và Lão Tử, vẫn cứ là tên một pháp sư nào đó, phương Đông hoặc Scandinavia; không dám truy lùng thêm nữa, tôi từng mơ hồ hy vọng từ cái hữu thể không tên đó thu nhận được các thông tin mà tôi cho rằng được dành cho các giai đoạn tối hậu của sự khai trí dẫn vào cái biết của con người. Được khích lệ bởi ngần ấy sự tình cờ, tuân theo một lời thỉnh từ ngần ấy tiên báo và hồi tưởng trẻ thơ, tôi khởi sự tìm hiểu về chủ nghĩa lãng mạn Đức.
Tức là chính kinh nghiệm của “chúng ta” - nếu quả đúng rằng kinh nghiệm của các nhà thơ mà chúng ta say mê đồng hóa với yếu tính cá nhân của chúng ta để giúp nó trong sự đương đầu với nỗi hoang mang sâu thẳm - chính kinh nghiệm của chúng ta là thứ mà tôi nghĩ mình tìm lại được trong nghiên cứu mà tôi đã tiến hành. Và tôi đã không cự tuyệt cả trước niềm hy vọng đó lẫn sự hướng lối cho cuộc tìm kiếm của tôi ấy.
*
* *
Như vậy, cuốn sách này không định thu nhỏ các tham vọng và
các tác phẩm của một “trường phái” thơ ca về một hệ thống có thể phân tích một
cách sáng sủa. Tôi nghĩ một dự đồ như thế là không thể hình dung được. Dồn tụ nỗ
lực vào việc định nghĩa một thực tại lịch sử, không tự trao cho mình mục đích
nào khác, là một công việc lạ thường và có lẽ tuyệt vọng. Tính chất khách quan,
vốn dĩ có thể, và hẳn phải là lề luật của các môn khoa học miêu tả, dường như
không thể chủ trì với nhiều lợi ích các môn khoa học tinh thần. Mọi hoạt động
vô lợi ích theo hướng này đều đòi hỏi một sự phản bội không thể tha thứ đối với
bản thân mình và đối với “đối tượng” được nghiên cứu. Quả thật, tác phẩm nghệ
thuật và tư tưởng lôi cuốn phần bí ẩn nhất trong bản thân chúng ta, nơi, tách
ra khỏi tính chất cá nhân vẻ ngoài của chúng ta, nhưng lại hướng về phía con
người thực của chúng ta, chúng ta chỉ còn lại độc một nỗi âu lo: nỗi âu lo làm
sao mở chúng ta ra trước những cảnh báo, các dấu hiệu, và qua đó biết được nỗi
sững sờ mà thân phận con người gây ra, cái thân phận được chiêm ngưỡng chốc lát
trong toàn bộ sự lạ lùng của nó, với những nguy cơ của nó, toàn bộ ưu tư của
nó, vẻ đẹp của nó và những giới hạn đáng thất vọng của nó. Và nếu, khi ấy, chăm
chú đến thế vào điều cốt yếu và gia nhập một hoạt động tinh thần xét cho cùng
có thể biện minh, nhân tính sẽ quay đầu nhìn về quá khứ và tìm cách làm nó sống
dậy, không phải bởi lòng hiếu kỳ giản đơn hay bởi nhu cầu về một sự biết rộng lớn
hơn, mà như thể quay trở về một nguồn cội hoặc đuổi theo một giai điệu tuổi
thơ, trong kỷ niệm. Ở đó người ta chẳng hề thấy lời chứng cho một sự bập bẹ lời
lẽ thông báo các phẩm hạnh sẽ có khi trưởng thành, mà ngược lại, phế tích không
thể thay thế của một thời hoàng kim. Vậy nên, một con người sẽ cầu viện tới các
đồ vật, các mẩu giấy, các phong cảnh từng có lúc quen thuộc, với mục đích nhờ
vào những di vật nhiều ma thuật ấy mà khơi dậy tất cả những gì ở trong anh ta,
đâu đó, đang đợi thêm lần nữa được cảm động trước khúc ca diễm tuyệt nhất. Sự
kiếm tìm những khoảnh khắc đã quên, những khuôn mặt khác nhau mà người ta từng
có ấy, không hề có trong tầm ngắm một bài học nào đó mà người ta có thể rút ra
cho các khoảnh khắc tương tự, một khuôn mặt nào đó trưởng thành hơn, bớt đi hơn
các biểu hiện của mọi tàn dư trẻ nhỏ, mà người ta phải tạo ra. Ham muốn cúi
nhìn xuống quá khứ ấy, xa lạ hết mức với mọi khoái thú của cái tôi, tuân lời một
đòi hỏi uy nghi hơn của là [être]; bằng mọi giá, theo đường lối tuyệt vọng,
chúng ta phải cảm thấy vang lên - hay hơn nhiều so với sự tri nhận hiện tại một
cách lẻ tẻ vốn dĩ yếu ớt cho phép - cái nhịp đặc trưng cho chúng ta đó, nó cấu
thành nên chúng ta, mà người khác đoán định được trong dáng điệu của chúng ta,
trong các cử chỉ bộc phát của chúng ta, trong lời lẽ của chúng ta, nhờ vào tình
yêu mà người ấy dành cho chúng ta. Hiểu biết về tồn tại độc nhất hơn cả của
chúng ta, mà ngay lòng tự ái của chúng ta cũng che giấu thật sâu thẳm với chúng
ta, cũng khó đạt tới ngang với cái hình ảnh xa lạ về khuôn mặt của chúng ta hoặc
hai bờ vai chúng ta bên dưới những hình nộm chết mà tấm gương hay bức ảnh có thể
mang tới. Chẳng có cách nào khác, nếu muốn nắm bắt hòa âm hoặc cái luật đặc biệt
ấy, ngoài thoát ra khỏi thời gian thông qua chiêm ngưỡng thời gian, tri nhận, với
tai dỏng lên, cái giai điệu ấy giữa tất tật các giai điệu khác, đó chính là Số
phận của chúng ta.
*
* *
Vài suy nghĩ trên đây - cùng tất tật những gì phát triển từ
đó mà người ta có thể nghĩ tới - chi phối việc viết cuốn sách mà tôi cho xuất bản
ngày hôm nay. Tôi đã xuất phát từ văn chương Pháp thời của tôi, và tôi tìm kiếm
cho nó các tương ứng cùng đồng đẳng trong quá khứ của một văn chương nước ngoài
bày ra trước cuộc tìm hiểu của tôi do hội tụ của những điều tình cờ. Có lẽ sẽ
không vô ích khi nói rõ ở đây rằng trên bất kỳ mức độ nào vấn đề cũng không hề liên
quan đến chuyện ảnh hưởng. Không mấy quan trọng nếu việc đọc văn chương Đức nào
đó từng giúp Nerval hay André Breton xây dựng hệ huyền thoại cá nhân của mình.
Khi vấn đề không phải là văn chương, được coi như sự xuất chúng trong diễn đạt
một cách thuần túy và do vậy mở rộng ra trước mọi hình thức bắt chước; khi, ngược
lại, vấn đề là thơ, lãng mạn hoặc hiện đại, thứ thơ muốn tự đồng hóa với một hiểu
biết và trùng hợp với cuộc phiêu lưu tinh thần của nhà thơ, “ảnh hưởng” chỉ có
tầm quan trọng rất thứ yếu. Cùng lắm thì nó cũng chỉ khuyến khích một toan tính
hãy còn rụt rè, tạo thuận lợi cho sự bừng nở các mầm mống hoặc đẩy nhanh quá
trình đơm hoa kết trái; mà như vậy thì cũng cần có mầm mống tồn tại sẵn và có
thể mọc lên; và mầm mống, nếu nó chân thực, sẽ chẳng bao giờ mọc lên mà không
ngay tắp lự mang một hình thức chỉ thuộc về riêng nó.
Chủ nghĩa lãng mạn Đức mà ngần ấy lời gọi quyến rũ lôi kéo tôi ấy, nó từng như thế nào? Nếu muốn nắm bắt nghĩa các tiến trình tinh thần của nó, nói thật rõ nó liên quan tới chúng ta, con người của thời này, ở phương diện nào, thì tôi phải chuyển từ sự đọc nhuốm màu mê hoặc các tác phẩm sang nghiên cứu chúng, vạch ra những giới hạn, tìm các đường nét chung cho mọi khuôn mặt lãng mạn. Trong suốt một thời gian dài tôi đi từ điều thất vọng này sang điều thất vọng khác: tôi đã khởi đầu bằng việc đến với vô số khảo luận nơi phê bình Đức, từ vài năm nay, miệt mài tìm cách đưa ra một công thức cho chủ nghĩa lãng mạn. Rất nhiều phân tích và quan điểm, sâu sắc, sống động, sáng suốt, nằm trong các trang những cuốn sách ấy. Nhưng sự tổng hợp uy quyền, thứ hẳn sẽ định nghĩa không bỏ sót chút nào tinh thần lãng mạn, dường như vẫn vuột thoát khỏi mọi toan tính.
Tôi đã quyết định chọn các cách phân loại không chắc chắn, và tôi nhất quyết vâng lời bản năng mà lựa chọn các nhà lãng mạn của tôi, tùy thuộc vào việc họ có hay không, trước giấc mơ, cái thái độ từng trước tiên thu hút tôi đến với một vài trong số họ. Tôi sẽ không ban bố trong vòng bốn dòng hay trong năm trang chủ nghĩa lãng mạn nghĩa là gì, mà tôi tiếp cận nó bằng cách đòi nó các câu trả lời cho những câu hỏi nảy sinh từ nỗi lo lắng của chúng ta, và tuân theo đúng các phương pháp tìm hiểu như thể do bản thân các nhà lãng mạn áp đặt bằng cách làm gương từ trước.
Tôi nghĩ mình thấy rõ, ở phần lớn trong số họ, một khuynh hướng ngả về phía những tổng hợp lớn, nhưng đi kèm với gu của các tính cách độc đáo và các cuộc phiêu lưu tinh thần độc nhất. Trong tác phẩm của mình, họ tỏ ra kinh tởm mọi bố cục chỉ thuần túy có tính chất kiến trúc hoặc tuyền ngôn từ, thay vào đó tìm kiếm một nhất thể cả trong ý hướng lẫn trong một mối quan hệ có tính chất âm nhạc theo cách nào đó giữa nhiều yếu tố khác nhau của một tác phẩm: nhất thể tạo nên từ các vọng âm, lời gọi, giao cắt giữa những chủ đề, thay vì từ các đường vạch rõ nét. Nhất thể này, tôi thấy vậy, luôn luôn được để ngỏ và hướng đến chỗ gợi ý về sự dang dở thiết thân trong mọi hành động hiểu biết của con người, khả năng về một thặng dư, một tiến bộ; tôi đã thấy các tác giả của tôi tin rằng sự mở ra cái chưa biết này chính là điều kiện cho hiểu biết, cửa sổ qua đó người ta thoáng thấy được sự vô tận, một tất yếu xuất hiện nơi mọi nhà văn hướng tới việc nắm bắt một mảnh nào đó của bí ẩn vây quanh chúng ta, thay vì chế tạo một vật thể dành cho cảm năng chiêm ngưỡng. Và tôi đã quan sát thấy họ lựa chọn các mô típ một tác phẩm hoàn toàn không theo các định dạng cho trước, mà tuân theo một tiêu chí thuần túy cảm xúc cá nhân, nó chi phối họ trong việc định hình chúng.
Chính bằng cách noi theo các nguyên tắc lãng mạn này mà tôi
định ra các bước tiến triển trong cuộc tìm hiểu của tôi, cùng các nhà thơ và
triết gia của tôi, tôi tin rằng người ta chỉ biết được những gì mang bên trong
mình, và người ta chỉ có thể nói đến chủ nghĩa lãng mạn theo đường lối lãng mạn.
Vả lại thất bại của quá nhiều nhà phê bình, vội vã đánh giá từ một quan điểm của
Goethe những người đương thời với Goethe, hẳn đã đủ để cảnh tỉnh cho tôi tránh
xa mọi phương pháp khác ngoài phương pháp sympathie [đây, cuối cùng thì từ then chốt nhất đã xuất hiện: "sympathie"; "trường phái" - nếu như có trường phái thật - mà Albert Béguin là người đặt nền móng, ngoài nhiều cách định danh (mà quen thuộc nhất là "trường phái Genève"), có một "hỗn danh" quan trọng: "trường phái sympathie", mà ngay trên đây Béguin đã gần như nói hết cốt tủy: "chỉ có thể nói đến chủ nghĩa lãng mạn theo đường lối lãng mạn"; tôi cố ý để yên "sympathie" không dịch ra tiếng Việt; quãng thời gian vừa rồi, không ít người thuộc giới nghiên cứu văn học tại Việt Nam lao vào tranh cãi về một vài khái niệm rất gần với "sympathie", tôi nghĩ những tranh cãi kiểu như vậy hết sức đặc trưng cho tinh thần nghiên cứu văn học và ngôn ngữ tại Việt Nam: chúng đặc biệt ngu xuẩn].
*
* *
Người ta sẽ nhận thấy các nhà tư tưởng được khảo sát trong
phần đầu tiên sống sau các nhà thơ và các nhà văn, những người ấy mãi đến quyển
thứ tư mới xuất hiện. Bởi chủ đích của tôi không hòng làm rõ những ảnh hưởng,
trật tự này dường như là hiển nhiên, thay vì một diễn tiến theo đúng lịch đại.
Tuy được truyền cảm hứng từ trực giác của các nhà thơ, các triết gia về Tự
nhiên dịch những điều đó thành ngôn từ và phát triển từ đó một số hệ quả hẳn
cho phép thấy rõ ràng hơn tầm vóc đích thực của chúng. Thêm nữa, phần đầu tiên
này có thể gắn bó mật thiết với sự định hướng chung các tư tưởng tạo nên nhất
thể của thời đại, và bỏ bẵng trong một chừng mực tương đối lớn các sắc thái cá
nhân tính, vốn dĩ ít quan trọng ở đây hơn so với ở những nhà thơ. Tuy nhiên, trong
mỗi phần ấy, một trật tự lịch đại nhất định, không quá mức nghiêm ngặt, vẫn được
sử dụng: với điều kiện không để bị rơi vào sai lầm tin rằng vạch rõ các “nguồn”
và theo sát sự tiến triển của những ảnh hưởng cũng đồng nghĩa với giải thích được
cuộc sống tinh thần, hiển nhiên sự tuần tự trong lịch sử không tuyệt đối là thứ
nằm bên ngoài phẩm tính sâu sắc của các tư tưởng và tác phẩm. Mối liên hệ hữu
cơ mà sự tuần tự này tạo ra tồn tại cả giữa các nhà thơ và nhà tư tưởng không hề
biết đến nhau; và một con người độc đáo, được phú cho những khải thị đột nhiên
như Rimbaud, từng có trực giác rất rõ rệt về giá trị cốt yếu này của diễn tiến
lịch sử: “Rồi sẽ xuất hiện những kẻ lao động khủng khiếp, họ sẽ bắt đầu từ đường
chân trời nơi người khác từng gục xuống.”
III
Không được phép xúc phạm sự thẹn thùng của các thần linh giấc mộng.
NERVAL
Nhiều con đường hiện ra đối với người tự đặt câu hỏi về những
mối liên hệ giữa bản thân chúng ta và các giấc mơ của chúng ta. Tùy theo cái
nghĩa mà ngay từ ban đầu anh ta cấp cho từ “giấc mơ”, và tùy theo chiều hướng của
lòng hiếu kỳ, anh ta sẽ tiến hành cuộc tìm hiểu của mình theo rất nhiều cách thức
đa dạng.
Cần phải thú nhận điều này: tôi e rằng, vốn dĩ ngay từ bước khởi đầu đã tự lược đi mọi ý chí vạch giới hạn, thêm vào đó, nghiên cứu của tôi cũng phải gánh chịu, cái phần số dần dà bị xâm chiếm bởi tinh thần nhân bội của lãng mạn. Là công trình của sympathie [xem đoạn trên], nó sẵn sàng gánh chịu mọi lời gọi của các nàng tiên cá mà nó đã hết sức sẵn lòng lắng nghe. Tôi đã quyết định - và hãy ngay lập tức nói điều này, tôi đã không dám hy vọng kết quả khiến tôi thỏa mãn được hơn - chấp nhận, từ nhà thơ này sang nhà thơ khác, vô số biểu nghĩa mà giấc mơ thực thi bên trong mỗi tác phẩm, mỗi cuộc phiêu lưu thơ ca. Sự cầu viện giấc mơ là thường hằng ở tất cả các tác giả mà tôi bàn tới; nhưng nếu ở chỗ này vấn đề là giấc mộng ban đêm, mang một tầm vóc cảm năng hoặc siêu hình học đặc biệt, thì ở chỗ khác vấn đề lại là cái cuộc sống thường hằng của các hình ảnh, đẫm khía cạnh tình cảm hơn so với cuộc sống của tư tưởng, mà một tinh thần đi tìm một chốn trú ngụ yên lành hướng đến. Lại nơi khác nữa, giấc mơ hòa vào với kho báu sự hồi tưởng tiền kiếp, tại đó nhà thơ và trí tưởng tượng thần thoại cùng khai thác các tài sản. Đôi khi, giấc mộng là chốn đáng ngại mà những bóng ma ám lấy, đôi khi cũng là cánh cổng tráng lệ mở ra lối thiên đường. Lúc đích thân Chúa thông qua kênh thông giao này mà truyền cho chúng ta những cảnh báo trang trọng, lúc những rễ đất của chúng ta xuyên xuống thật sâu, tới tận trung tâm dồi dào của tự nhiên. Nhịp của cuộc sống mơ, từ đó những nhịp các nghệ thuật của chúng ta nhận cảm hứng, có thể hòa với bước tiến vĩnh cửu các tinh tú hoặc xung động nguyên ủy vốn dĩ là xung động của tâm hồn chúng ta trước khi sa đọa. Và khắp nơi thơ lấy được chất cho nó từ chất của giấc mơ.
Ngần ấy khẳng định và thực hành, theo logic là không thể kết hợp, thường kề cận với nhau nơi một nhà thơ. Bị giật ra khỏi môi trường của chúng, trở thành các mẩu nhỏ thiếu sinh khí, hồ như chúng trở thành các phăng te zi vô vọng của một trò giải trí khô kiệt. Hòng hiểu được sự thật đầy rung động của chúng và biết được rằng chúng chính là những lời thú nhận trang nghiêm nhất, chỉ có cách đặt lại chúng vào trong tác phẩm, trong sự cố kết phi lý trí của một sự tìm kiếm đầy say mê.
Quan niệm về giấc mơ và về toàn bộ cuộc sống tâm thần tạo nên nền tảng cho phương pháp ấy theo tôi đối nghịch với bản thân yếu tính của chủ nghĩa lãng mạn - hoặc giả là của thơ ca hôm qua và hôm nay gắn kết với chủ nghĩa lãng mạn. Trên đường đi chúng ta sẽ còn gặp lại những khác biệt đó: vậy nên ở đây chỉ cần nói vắn tắt vài điểm, không phải với chủ ý đưa ra một đánh giá đối với giá trị thực của tâm phân học. Đối với tôi học thuyết này dựa trên (ít nhất là với trường phái Freud chính thống) một siêu hình học gần với thế kỷ XVIII hơn so với chủ nghĩa lãng mạn: ý thức và tiềm thức trao đổi với nhau một số nội dung, nhưng chu trình mà hai nửa này của chúng ta tạo ra là một chu trình khép kín, thuần túy có tính chất cá nhân (dẫu cho người ta đính kết vào đây, giống như thuyết Freud của giai đoạn thứ hai, những gì sót lại của các hình ảnh tiền kiếp) [có thể thấy rõ là ở địa hạt đặc thù này, Béguin (cũng như toàn bộ “trường phái Genève”) gần Jung hơn Freud]. Ngược lại, tất cả các nhà lãng mạn đều chấp nhận rằng cuộc sống mờ tối không ngừng có thông giao với một thực tại khác, rộng lớn hơn, có trước và cao hơn cuộc sống cá nhân. - Cũng tương tự đối với mục đích mà tâm phân học tự đặt ra, nó hướng tới việc trả con người, vốn dĩ bị mắc chứng nhiễu tâm, về cho một hành xử xã hội lành mạnh. Chủ nghĩa lãng mạn, thờ ơ với dạng sức khỏe này, sẽ tìm kiếm nơi các hình ảnh, kể cả các hình ảnh đen tối, con đường dẫn đến những vùng không được biết tới của tâm hồn: không phải vì hiếu kỳ, không phải nhằm rửa chúng sạch sẽ và biến chúng trở nên dồi dào hơn để hướng về cuộc sống trần thế, mà hòng tìm ra ở đó bí mật của mọi thứ gì, trong thời gian và trong không gian, kéo dài chúng ta vượt qua chính bản thân chúng ta và làm cho tồn tại hiện thời của chúng ta thành một điểm giản dị trên đường thẳng của một số phận vô tận. Sự đối lập này, vốn dĩ phân tách tâm phân học khỏi thần bí cũng như khỏi chủ nghĩa lãng mạn, ngăn cấm nó có được bất kỳ hiểu biết thực nào về những gì đối với nó hẳn chỉ có thể là một trường hợp xác định của “psychose”.
Và điều này dẫn chúng ta tới sự phản đối thứ hai, nó vượt quá chủ nghĩa lãng mạn: tâm phân học, áp dụng cho tác phẩm nghệ thuật, đối xử với nó như với một tài liệu, một tổng thể các triệu chứng, và chỉ dựa vào đó nhằm vươn đến một nghiên cứu về tác giả, cuộc đời anh ta, khía cạnh tâm thần của anh ta. Cách làm này, hết sức hợp thức nếu nó phục vụ cho việc mở rộng trường kinh nghiệm trong đó một phương thức trị liệu trở nên dần dần hoàn hảo hơn, hẳn chẳng thể nào giải thích được bất cứ điều gì ở tác phẩm nghệ thuật. Nó chỉ nắm bắt được ở đó các mối quan hệ với tâm lý của tác giả, những mối quan hệ mang lợi ích con người, nhưng tuyệt đối nằm lại bên ngoài phẩm tính cũng như tầm vóc của bài thơ. Nhà tâm phân học sẽ đi tới chỗ nói về “thất bại của Baudelaire”, điều mà bất kỳ bài thơ nào của Les Fleurs du mal cũng là bằng chứng ngược lại. Đối với người nào sử dụng “chìa khóa” này, các hình ảnh của nhà thơ là những ký hiệu có thể dịch ra, mà sự phân tích “thu gọn” lại về biểu nghĩa “thực” của chúng. Đối với nhà thơ và đối với độc giả của các nhà thơ, cùng những hình ảnh đó tồn tại đúng như chúng là: chúng ám chỉ đến một điều gì đó không thể nói ra bởi bất kỳ phương cách nào khác. Có thể các quá trình tâm lý làm nảy sinh những ám ảnh đen tối ấy cũng nằm trong sự sinh ra các viễn kiến thơ. Nhưng nhà tâm phân học, trong tham vọng chữa trị cho nhà thơ khỏi thơ ca của anh ta, giúp anh ta thoát khỏi thất bại, chỉ đơn giản đã quên mất rằng nhà thơ là người, bằng cách sử dụng những gì rất chung với chứng loạn tâm cho các mục đích khác, cắt đứt đi được sợi dây bên trong anh ta nối với hình ảnh: ngay lúc ấy, nó là một thứ khác. Trong mắt chúng ta cái kẻ vụng về cứ chăm chăm thu nhỏ mọi sự, đi nối lại sợi dây, chỉ cho thấy độc một điều, sự trơ ra của kẻ ấy trước mọi thơ ca. Và tôi không chắc rằng nhà tâm phân học không phạm một sai lầm tương tự khi anh ta dịch giấc mơ bằng cách dùng đến quyển từ điển chứa các biểu tượng thường hằng của anh ta [điều này rất đúng: trọng tâm tranh cãi giữa Freud và Jung nằm ở chỗ Jung không tin Freud có chút nào đúng đắn khi diễn giải các giấc mơ]. Trong toàn bộ cái môn khoa học hiện đại này có một sự thiếu hiểu biết về phẩm tính các cuộc phiêu lưu bên trong của chúng ta, một sự lãng quên những gì mà chúng ta thuộc về - hoặc, nếu muốn, sự vô tri về cái nơi chúng ta ở, với những gì mà chúng ta thực sự thuộc về - lớn đến mức người ta buộc lòng phải tự hỏi, vài thành công về mặt y khoa có đủ sức bù trừ cho ngần ấy ngớ ngẩn về mặt tinh thần hay không [vả lại, tâm phân học có thực sự chữa được các chứng bệnh tâm thần hay không? điều này vô cùng đáng ngờ: Freud thực sự làm được những gì với các căn bệnh? - thêm nữa, đó có phải là bệnh hay không?].
*
* *
Sau khi đã giải thích, một cách hết sức lộn xộn, công trình
của tôi như vậy, tôi chỉ còn lại một việc là mong muốn cuốn sách của tôi ít nhất
cũng sẽ có được phẩm chất là thỏa mãn cái tham vọng khiêm nhường ấy, tham vọng
duy nhất mà tôi còn phải trao cho nó, giờ đây khi nó đã kết thúc vai trò của
mình đối với bản thân tôi: tôi muốn rằng người ta nhận ra ở đây, qua sự đan cài
các chủ đề, giai điệu đặc biệt của chủ nghĩa lãng mạn - rằng người ta thấy có một
sự gắn kết nào đó với những khuôn mặt bị hành hạ đó, cư dân các vùng đất được
đi qua - và rằng những văn bản đáng ngưỡng mộ mà tôi đã nhất định muốn trích dẫn
thật nhiều đối với một số người, cũng như chúng từng như vậy đối với tôi, trở
thành các ký hiệu rất nghiêm trang của một thứ gì đó đôi khi được gọi là thơ và
là thứ mà thời chúng ta, theo cả trăm cách thức quỷ quái, cứ không ngừng thúc
giục chúng ta lãng quên đi.
Genève, tháng Chạp năm 1936
Dưới đây là mục lục cuốn sách của Albert Béguin (mà chúng ta sẽ đọc kỹ một số chương):
PHẦN MỘT: GIẤC MƠ VÀ TỰ NHIÊN
Quyển một: Từ ngày đến đêm (Chủ nghĩa lãng mạn và thế kỷ
XVIII)
Chương I: Ngọn nến cháy sáng (Georg-Christoph Lichtenberg)
Chương II: Mê cung trái đất (Karl-Philipp Moritz)
Quyển hai: Giấc mơ, tự nhiên và sự tái nhập
Chương III: Phục hưng tái sinh
Chương IV: Nhất thể vũ trụ
Chương V: Các khía cạnh ban đêm của cuộc sống
Quyển ba: Cuộc khám phá đêm
Chương VI: Siêu hình học giấc mơ (Ignaz-Paul-Vital Troxler)
Chương VII: Tượng trưng giấc mơ (G. H. von Schubert)
Chương VIII: Huyền thoại cái vô-thức (Carl-Gustav Carus)
PHẦN HAI: GIẤC MƠ VÀ THƠ
Quyển bốn: Bầu trời lãng mạn
Chương IX: Tinh vân và sao chổi
Chương X: Hespérus (Jean-Paul)
Chương XI: Ngôi sao Matutin (Novalis)
Chương XII: Séléné (Ludwig Tieck)
Chương XIII: Sao Bắc cực (Achim d’Arnim)
Chương XIV: Ave Maris Stella (Clemens Brentano)
Chương XV: Hoa huệ và rắn (E. T. A. Hoffmann)
Chương XVI: Ngân hà và thiên thạch
Quyển năm: Các tỉnh nước Pháp
Chương XVII: Cầu viện giấc mơ (Sénancour, Nodier, Maurice de
Guérin, Proust)
Chương XVIII: Sự sinh thành của thơ (Nerval, Hugo, Baudelaire,
Mallarmé, Rimbaud, chủ nghĩa tượng trưng và thơ thời hậu chiến)
nhân tiện: mới thêm một đoạn dài "Gặp lại" của Thomas Bernhard
"nếu thực tại không lọt vừa vào mấy cái công thức thì chặt bớt thực tại đi, rồi sẽ vừa tất."
ReplyDeleteChủ đề thi olympic văn quốc tế sắp tới nhé
Những gì bác viết thường làm mình giật mình. Đúng hay sai tính sau, nhưng cảm giác giật mình là rất thú vị, kể cả trò chơi ngôn ngữ. hehe.
ReplyDeleteBác giật mình vì Nhị Linh là người theo chủ nghĩa xét lại
Deletequả này chắc là bạn của HPT, HPT nói mấy người quen kiểu này đi chỗ khác chơi hộ tôi nhé, tôi thấy không có liên quan gì với mấy đứa ngu lải nhải triết học ròng rã ngày này sang ngày kia
DeleteBác có thể không thừa nhận nhưng tôi đã bắt bài được cách nghiên cứu của bác rồi
DeleteMình chẳng bảo được ai đâu :) Đời nó vốn thế mà. Nhưng chữ "chủ nghĩa xét lại" và chữ "bắt bài" nghe dở quá. Không phải bạn của mình đâu.
Deletetôi nghĩ cái gọi là trò chơi ngôn ngữ í mà, hoàn toàn có thể chỉ là bình phong cho sự không hiểu thôi
ReplyDeletecẩn thận với cái đó đi, đầm lầy đầy bùn đấy
hồi lớp 9, cô giáo văn chỉ giảng: lãng mạn nghĩa đen là sóng tràn bờ. Nhưng em nhớ, khi đi vào giảng định nghĩa cụ thể thì cô thua;) nên cô có chỉ cho học sinh một "cái mẹo": khi đọc (để phân tích) một tác phẩm văn chương các em phải đọc bằng cảm xúc, nếu cảm thấy bay bổng thì đó là lãng mạn cách mạng, còn ngược lại thì 90% đó là hiện thực cách mạng. Thế là, em cứ vậy mà phang "một mùa xuân nho nhỏ" là lãng mạn CM, còn "không có kính, rồi xe không có đèn" là hiện thực CM :p
ReplyDeleteHình như lãng là sóng, mạn là mạn thuyền chứ nhĩ, sóng vỗ mạn thuyền. Theo tôi biết thì chũ nghĩa lãng mạn nó là cái gì đó rất khác với từ lãng mạn được hiểu ở Vn
Deletecụ cho em hỏi hai điều
ReplyDelete1. cái thuật ngữ ngày xưa "lãng mạn tiểu tư sản" là sản phẩm của dòng nào, hệ nào, nhánh nào, hay là từ đâu mà ra? và liệu cái thuật ngữ ấy có lai lịch gì liên đới tới Flaubert không chẳng hạn?
2. nhân cụ nhắc chuyện cuốn Deleuze về Kafka bản tiếng Việt, thử mở lại mới để ý và tiếp tục thấy kỳ quặc là sao cụ Bùi Vân Nam Sơn cái gì cũng dính vào thế? là do ai cũng gá tên cụ ấy vào hay là có ẩn tình gì trong việc ra sách hay không? sao cụ ấy với dòng sách "lắm chữ" cứ như cụ Dương Trung Quốc trong làng gov-biz vậy?
câu nào lạc đề quá thì cụ thể tất cho nhé
bài này có liên quan gì đến cuốn sách sắp ra không bác, hehe
ReplyDeleteNhân tiện cho em hỏi Kafka đã từng đọc những gì? Vì dường như ông ấy là người nghĩ rất sâu (chứ không phải nghĩ rộng), giống như một người có quan tâm nhiều đến triết học, mà thực tế ông ấy học triết trước khi chuyển sang luật. Nhưng ông ấy không nhắc gì đến triết học (danh tác hay tác gia) trong nhật ký hay thư từ (mà em được đọc)? Ông ấy phải là người ham đọc không, đọc những gì, ở mức độ nào?
ReplyDeleteCảm ơn anh!
Thấy bác này rất hay hỏi về Kafka, sao bác không đi tìm sách đọc nhờ cái mà hỏi hỏi suốt ngày, hỏi nhiều đến thế thì chắc là thích Kafka kiểu salon rồi
DeleteCó cách khác để thích kafka ngoài kiểu salon à?
Deletenhật ký và thư từ Kafka nói rất nhiều đến những gì Kafka đọc, rất nhiều
ReplyDeletetóm lại, muốn nhanh thì trong thế giới đọc của Kafka quan trọng hai D, hai K và một F: Dostoevsky, Dickens, von Kleist, Kierkegaard, Flaubert
nhưng cũng đặc biệt quan trọng hai W: Robert Walser, Ernst Weiss, trong đó người thứ hai đóng vai trò rất "hiển nhiên" trong "phiên toà Felice Bauer"
Deletetiếp tục
ReplyDeletexin Kim Thánh Thán cho đôi nhời về bản dịch Heart of Darkness mới ra
ReplyDeletea, chủ đề này hay đây, đợi nhé, tôi cũng sắp viết một bài về bộ ba Joseph Conrad-Ford Madox Ford-Jean Rhys
ReplyDeleteđối với tôi, Heart of Darkness không phải tác phẩm lớn của Conrad, nó rất nổi tiếng, nhưng không phải là tác phẩm lớn
mong quá, tới luôn bác tài
ReplyDeletebác tài cho một số vị khách dừng ở trạm "mong quá" nhé.
Deletenói ngoài lề hơi nhiều (thật ra toàn là nói ngoài lề): đọc Béguin đi
ReplyDeletelên blog này bàn văn chương chứ đọc cái đó lười quá bác ơi
ReplyDeletecó cả miền facebook mênh mông để biểu diễn công phu bàn về mọi thứ trên đời, chui vào đây làm gì
ReplyDelete", chúng ta chỉ còn là địa điểm cho một sự hiện diện." và "chủ nghĩa lãng mạn" như ông ngẫm nghĩ về là một bản thể luận duy linh triệt để.
ReplyDeletechất thơ của văn này dẫn nhập tuyệt vời vào "đường lối lãng mạn" của nghiên cứu :P (may thay vừa được đọc Lichtenberg, một ít - so tnks - đọc cái này "đốn ngộ" chất thơ của nhiều châm ngôn kia, nhất là những câu kích cười.)
chống phân tâm học can thiệp vào văn chương theo kiểu lang băm! nhưng hình như đấy là một "thực tại" mk kéo dài ra mãi vì quá nhiều thám tử nghiệp dư nhòm lỗ khóa.
", vấn đề là thơ, lãng mạn hoặc hiện đại, thứ thơ muốn tự đồng hóa với một hiểu biết và trùng hợp với cuộc phiêu lưu tinh thần của nhà thơ," - và định nghĩa là đây rồi! chẳng biết đã từ bao nhiêu lâu không thấy nhà thơ/văn nào here nói đến "một hiểu biết" mà cứ thấy "phiêu lưu" khám và phá không à.
chìa khoá vạn năng hay dẫn vào các phòng của rác và bể phốt, chẳng hạn cái gì mà dồn nén với thăng hoa í :p
ReplyDeleteXin hỏi, vị trí của A.Strindberg trong sự đọc của Kafka là gì? Em mới đọc Dân xứ Hemso.
ReplyDeletelâu lắm mới thấy, dạo này sao rồi?
ReplyDelete"Dân xứ..." rất kỳ cục, không hiểu sao nó bỗng lạc lõng xuất hiện ở đây, có lẽ tương tự một tiểu thuyết của Leskov và vài quyển nữa
đối với thế hệ nhà văn sống ở Đông Âu thời ấy, Hamsun và Strindberg giống như thần thánh, điều này thấy được không chỉ ở những gì Kafka từng nói mà cả trong các hồi ký của Isaac B. Singer
nhưng có lẽ Elias Canetti nói đúng, từ sau "đêm Kafka" năm 1912, không thể còn thực sự thấy rõ ảnh hưởng của bất kỳ ai lên văn chương của Kafka nữa, trước đó, tập truyện đầu tay, về cơ bản thấy ngay được hình ảnh Robert Walser
để viết blog này Nhị Linh đã bán tâm hồn cho quỷ dữ
ReplyDeleteAi mua trăng tôi bán trăng cho :-)
Deletethật không ngờ là đến ngày tôi còn thu hút cả các nhà thần học
ReplyDeletenào, ta sẽ bàn về ai, Jean Guitton, Paul Tillich hay Martin Buber? hoặc cũng có thể là Gershom Scholem cho nó lạ kiểu?
Bán "linh hồn" not "tâm hồn".
ReplyDeleteđể tâm hồn cho phù hợp tiêu đề bài blog
Deletedã man thật, không phân biệt được tâm hồn và linh hồn í mà, thì cũng không khác mấy so với nếu không phân biệt được tinh thần và ý thức, đánh giá và phán đoán, lý trí và lý tính, biểu hiện và tưởng tượng, chẳng hạn thế
ReplyDelete