Oct 6, 2016

Michel Foucault (ii)

Bốn khái niệm nằm ở trung tâm các suy nghĩ của Michel Foucault: discours tức định ngôn, énoncé, archive và archéologie. Tất nhiên, còn phải kể đến chẳng hạn phoọc-ma-xi-ông (formation), strate (vỉa, tầng), dispositif hay sujet, nhưng vào lúc này ta tạm chỉ khoanh vùng bốn thứ kể trên.

Về hai khái niệm sau, nhất là "archive", có thể xem lời giải thích rất sáng sủa của Paul Ricoeur trong La Mémoire, L'Histoire, l'Oubli, ở đoạn Ricoeur bàn tổng thể về cả Michel Foucault, Michel de Certeau lẫn Norbert Elias.

Còn lại énoncé: cũng như discours (của Foucault) không thể là diễn ngôn, mà là định ngôn, énoncé (của Foucault) không thể là phát ngôn, mà là chức ngôn.

Tôi có một đề nghị nhỏ: nếu thực sự muốn nhìn thấy Michel Foucault, ở đúng chỗ của Foucault (nghĩa là địa điểm cùng chân trời, tức là trong một phối cảnh đúng), hãy cố quên những gì đã đọc từ các nhân vật như Didier Eribon hay Judith Butler, khi họ bàn về Foucault. Những ai từng cố công tìm hiểu Foucault qua đủ mọi con đường, đều hiểu tôi định nói gì ở đây.

Michel Foucault luôn luôn muốn làm một việc: đi sâu hơn xuống, sâu xuống nữa, sâu hơn bất kỳ ai khác - từ đó mà từ strate đặc biệt quan trọng trong tự vị rất riêng của Foucault (đừng tin bất kỳ từ nào mà Foucault dùng còn giữ nguyên nghĩa, tức là hướng, như thông thường), cái từ mà Gilles Deleuze đã ngay lập tức nhắc đến khi bàn về Foucault. Đi sâu xuống để làm gì? Đó là vì, nếu đi sâu xuống, các khoảng chia ("scansion" - đây là từ mà Foucault dùng, nó liên quan chặt chẽ đến thơ, là sự định nhịp, ngắt nhịp trong thơ, và tất nhiên nó cũng liên quan chặt chẽ đến nhịp: Foucault đi tìm trước hết nhịp đúng) cứ mỗi lúc một rộng ra, rộng đến không ngờ. Đây là điều then chốt khiến Foucault thấy rằng những phân chia thành bộ môn như y học, ngôn ngữ học, pháp lý, sinh vật học v.v... không còn ý nghĩa nữa, ít nhất là ở một tầng nào đó. Và dường như, với Foucault, chính trong lúc mọi thứ được chia một cách yên ổn vào các phân môn, thì thế giới lại trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết: rất có thể, chính vì sự phân chia này, sự phân chia lờ đi những "khoảng chia" rộng lớn hơn nhiều ở chỗ khác, tính chất vô trật tự của thế giới càng bị nhấn mạnh thêm.

Cần nhìn nhận điều này một cách thật cẩn thận, và rộng hơn.

Là, đang là, tồn tại và yếu tính

Tôi có thêm một đề nghị nhỏ: ta hãy vứt bỏ hết những hữu thể, tồn thể, bản thể and Co., chỉ còn gọi độc nhất cái đó bằng một từ rất đơn giản: . Chỉ như vậy, nhan đề cuốn sách của Martin Heidegger, Là và thời gian, mới bắt đầu có nghĩa, tức là bắt đầu chỉ hướng.

Tại sao cuốn sách của Heidegger là tuyệt đối quan trọng? Là vì nó đặt được hai thứ, chỉ hai thứ có thể đặt cạnh nhau, trong một sự soi chiếu duy nhất có nghĩa ở mức độ ấy. L'être et le néant của Sartre làm méo mọi sự đi; Sartre trước hết là một người diễn giải Heidegger, và sự diễn giải Heidegger của Sartre là thứ méo mó nhất mà người ta có thể tạo ra.

Sự méo mó này nằm ở chính trung tâm: khi phát biểu tồn tại có trước yếu tính, Sartre đã hiểu nhầm một điều gì đó rất khủng khiếp. Trước hết, yếu tính (essence) là gì? Nó là một tầng thuộc công việc (tôi tránh dùng từ "đối tượng") của bộ môn hiện tượng luận. Ở điểm muốn vượt qua hiện tượng luận, Sartre thật ra lại rất gần với các nhân vật cùng thời, mà trước hết là Claude Lévi-Strauss, người ngay từ khi còn rất trẻ đã thấy hiện tượng luận là không thể chấp nhận được (nếu muốn xem điều này một cách vắn tắt: đọc đoạn đầu Tristes tropiques), và cũng rất gần Foucault (một trong các mục đích nằm ở trung tâm suy tư của Foucault chính là đưa lịch sử ra khỏi tầm với của hiện tượng luận). Tuy nhiên, điều này không giải quyết được hai chuyện: thứ nhất, vẫn đi theo con đường hiện tượng luận, một nhân vật cũng cùng thời với những người trên đây, Maurice Merleau-Ponty, lại vươn tới được những tầm sâu khủng khiếp - điều này chúng ta sẽ trở lại sau (Edmund Husserl dĩ nhiên có một sự vĩ đại rất lớn, nhưng tôi ngờ La Phénoménologie de la perception, tức Hiện tượng luận tri giác, mới là tác phẩm xuất chúng nhất của nhánh hiện tượng luận).

Lévi-Strauss mở một con đường khác, đúng ra phải coi Lévi-Strauss là người đào được một đường hầm đưa triết học thoát khỏi nhà tù của chính nó. Michel Foucault, về phần mình, cũng làm điều tương tự. Hai đường hầm này có trùng với nhau không? Vấn đề quá phức tạp, tạm để lại sau.

Trong khi đó, ta đến một điểm thứ hai, liên quan đến Sartre. Và ở đây, vai trò của Gabriel Marcel đặc biệt quan trọng. Trong một cuốn sách đặc biệt ngớ ngẩn, Sartre chính là người phân chia chủ nghĩa hiện sinh thành hai nhánh, hữu thần và vô thần, mà nhánh thứ nhất có hai đại biểu ưu tú nhất là Marcel và Karl Jaspers. Sự phân chia kịch tính này bóp méo mọi chuyện. Bản thân Marcel, sau một quãng thời gian do dự, thậm chí cũng có lúc thấy là chấp nhận được sự phân chia của Sartre, đã phản đối điều này. Tất nhiên, không thể phân chia như vậy được. Và, điều trớ trêu nhất trong câu chuyện này nằm ở chỗ: Gabriel Marcel mới đúng, trong những gì liên quan đến tồn tại.

Tồn tại chỉ là một dạng của , tồn tại không bao giờ là tất cả.

Chính vì thế, cần phải nói rằng con đường hiện sinh, ở phương diện quan trọng nhất của nó, không chỉ vô cùng lệch lạc, không chỉ rất nhiều sai lầm, mà còn thảm hại. Tại sao nó có thanh thế lớn như vậy? Tôi nghĩ, chuyện rất đơn giản, con người chỉ thấy bị hấp dẫn bởi những thứ kiểu như thế. Và thêm nốt một điều nữa, trước khi bỏ lại chủ nghĩa hiện sinh cho số phận của nó: tôi cảm thấy chủ nghĩa hiện sinh, mặc dù điều này là nghịch lý hết sức, sẽ có sức sống mạnh nhất ở các xã hội đang tư sản hóa. Sartre chính là một bourgeois vĩ đại.

Gabriel Marcel, mặc dù tự nhận mình xa lạ với Heidegger và thấy là Heidegger quá khó (Marcel cũng cố gắng sao cho người ta đừng thấy mình gần với Jaspers, nhưng có vẻ nỗ lực này không mấy ăn thua, mãi về sau Paul Ricoeur vẫn tiếp tục nhìn nhận như vậy), có một diễn giải đặc biệt hữu hiệu về SeinDasein của Heidegger: theo Marcel,  là cái chiếu sáng, là ánh sáng, còn đang là là cái được chiếu sáng. Nói như vậy là vừa đủ, chuẩn xác rợn người.

Từ câu chuyện trên đây, ta chỉ lấy ra một điều duy nhất: cũng cái nhân vật của Sein và Dasein ấy, cái con người bé tí tẹo đến phi lý ấy, phát biểu rằng "ngôn ngữ là ngôi nhà của x" (gọi tạm cái đó là x, nhưng không có gì chung với "x huyền bí" lơ lửng suốt cả một câu chuyện dài của triết học phương Tây).

Chỉ có điều, ngôi nhà ấy cũng có thể là nhà tù. Và có những người muốn ra khỏi đó.

Đi ra khỏi ngôi nhà

Michel Foucault muốn ra khỏi nhà. Định ngônchức ngôn: ở trong cả hai từ này đều vẫn còn yếu tố "ngôn", đó là vì dẫu đã đi ra khỏi, ngôi nhà vẫn luôn luôn ở trong tầm mắt. Mối quan hệ mà Michel Foucault tạo lập với ngôn ngữ là một mối quan hệ có khoảng cách, khoảng cách ấy được hình thành chủ yếu từ sự nghi ngờ đối với ngôn ngữ (cũng cần nhớ hai sự do dự ở Foucault: thứ nhất, Foucault từ chối coi những gì mà mình làm là dựng lại lịch sử tư tưởng, và thứ hai, Foucault không xác quyết những gì mình làm là triết học hay lịch sử). Đây là một điểm hết sức mấu chốt, sẽ có ngày ta còn quay trở lại, lúc này chỉ cần nhắc đến cùng mối nghi ngờ về phía ngôn ngữ ấy, mà cụ thể hơn là chữ viết, xuất hiện ở Lévi-Strauss (trong một cơn khải ngộ được Tristes tropiques kể lại, Lévi-Strauss hiểu ra chữ viết về cơ bản là để con người ta áp bức lẫn nhau).

Một ngôi nhà có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đó là một, nhưng còn có thêm ít nhất một ý nghĩa, nếu ra khỏi nhà thì mới có thể thực sự nhìn thấy ngôi nhà, và nếu đi sâu xuống, cái nhìn thấy sẽ bao gồm cả nền móng của ngôi nhà - tức là, nói một cách ngắn gọn, cấu trúc tạo nên nó. Có một cấu trúc bên trên, nhưng cũng có một cấu trúc bên dưới.

Ra khỏi nhà, vẫn giữ ngôi nhà trong tầm mắt, nhưng giờ đây đã có thể thấy, từ rất gần, những thứ khác. Rừng, sông, núi, mây và cánh đồng. Trên cánh đồng là một đàn cừu, một đàn cừu rất đông, chúng ăn cỏ trên cánh đồng, tối đến thì được lùa vào trại. Chúng chuyển động hỗn độn, chúng tạo cảm giác về một cảm giác rối mù, không trật tự, không được kiểm soát. Nhưng cảm giác này liên quan đến sự thật ít hơn là liên quan đến điểm nhìn. Nếu nhìn từ rất xa, những con cừu sẽ chỉ còn là các đốm nhỏ, những cái chấm, hết sức vô nghĩa - và tuyệt đối hỗn loạn. Nhưng nếu có một khoảng cách hợp lý, chuyện sẽ khác. Lũ cừu không thực sự mất trật tự, chúng tuân theo một logic nào đó, chúng được dẫn dắt, được sắp xếp, và nghe mệnh lệnh. Lũ cừu nghe theo sự điều hành của những con chó chăn cừu. Khi đàn cừu di chuyển, như một đợt sóng, nếu nhìn từ rất xa, sẽ chỉ thấy những cái chấm, vì lúc đó lũ chó như thể cũng chỉ có một biểu hiện không khác gì lũ cừu, nhưng trên thực tế, lũ chó như hòa lẫn vào lũ cừu mà lại không hòa lẫn, chúng là các yếu tố điều khiển, tạo lập trật tự, chúng cũng có thể đe dọa, thậm chí trừng phạt, những con cừu nếu không chịu nghe lời chúng.

Những con cừu ấy là các định ngôn, còn lũ chó chăn cừu là các chức ngôn.

Và, Michel Foucault đồng thời cũng cho thấy, đúng, thế giới là hỗn loạn, là không có trật tự, nhưng ít nhất ở một tầng nào đó, tức là từ một khoảng cách nào đó, nó vẫn có trật tự.



Michel Foucault (i)

No comments:

Post a Comment