Tôi nghĩ rằng ba câu chuyện dưới đây nên được đặt cạnh nhau, mặc dù chúng có niên đại tương đối xa nhau: "Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu" nằm trong tập 1852-1855, tức là tập từng được những người dịch tiếng Việt trước đây khai thác rất triệt để, "Đứa trẻ tật nguyền" nằm trong tập rất muộn, 1872 (những truyện trong tập này rất ít được biết đến ở đây), và "Thiên thần" ở trong tập 1844-1848 (tập này từng được khai thác ở Việt Nam còn triệt để hơn cả tập 1852-1855).
Một "triết lý" rất nổi tiếng của Andersen mà chúng ta đã quá quen thuộc, "Người này vật nào chỗ nấy" (xem thêm ở kia); ta sẽ thấy thêm một triết lý nữa xuyên suốt qua các câu chuyện của Andersen, có thể nói ngắn gọn là "Chuyện gì đến sẽ đến", hoặc "Hãy bắt tôi đi, nếu có thể" (đúng, đây chính là Catch Me If You Can).
Những hạt đậu nhỏ của Andersen sẽ nói rất nhiều điều về bản chất của thế giới, về có ích hay không có ích, về niềm vui, cái chết, về ý nghĩa và sứ mệnh. "Đứa trẻ tật nguyền" thì soi sáng vào thế giới của những quyển sách. "Thiên thần" sẽ cho biết một điều bí mật còn lớn lao và kỳ diệu hơn nữa.
Bài thơ trong truyện "Đứa trẻ tật nguyền" là của H. A. Brorson.
Trong truyện "Thiên thần" có chi tiết "ngày chuyển nhà": đây là một nét nổi bật trong "phong hóa" xã hội Đan Mạch hồi ấy, rất nhiều lần Andersen nhắc đến; thật ra, đó là ngày trong năm theo quy ước kỳ thuê nhà cũ hết hạn, cho nên người ta hay chuyển nhà.
Năm hạt đậu nhỏ chui ra từ vỏ đậu
Có năm hạt đậu nhỏ trong một vỏ đậu, chúng có màu lục và vỏ
đậu cũng màu lục nốt, thế cho nên chúng tưởng đâu cả thế giới có màu lục, và
cũng đúng là như vậy! Vỏ đậu lớn lên và những hạt đậu lớn lên. Chúng bố trí chỗ
ở dựa theo địa hình địa vật: chúng nằm nối đuôi nhau thành một hàng dài. Mặt trời
chiếu sáng ở bên ngoài và sưởi ấm cho vỏ đậu, mưa khiến nó trở nên sạch sẽ và
trong suốt. Thật ấm, thật sáng trong ngày và tối vào ban đêm, đúng như là phải vậy,
lũ đậu nhỏ cứ thế lớn lên và càng lúc chúng càng suy nghĩ chín chắn hơn, bởi vì
chúng sẽ phải làm một điều gì đó.
- Không lẽ chúng ta cứ ở đây mãi! chúng nói, miễn sao mình đừng
bị cứng đanh lại vì phải ở đây quá lâu. Dường như ở ngoài kia có điều gì đó!
Mình có cảm giác như vậy!
Và nhiều tuần trôi qua. Những hạt đậu nhỏ chuyển sang màu
vàng và vỏ đậu chuyển sang màu vàng: “Cả thế giới đã chuyển sang màu vàng!”
chúng nói, và chúng có quyền nói thế.
Bỗng chúng cảm thấy cái vỏ bị chấn động. Ai đó hái nó, nó
rơi vào tay con người và bị nhét vào một cái túi áo cùng nhiều vỏ đậu chứa đầy
hạt đậu bên trong khác. “Sắp mở ra rồi đây!” chúng nói và đó là điều mà chúng
chờ đợi.
- Tôi rất muốn biết ai trong số chúng ta sẽ đi xa nhất! hạt
đậu nhỏ nhất cất tiếng. Chúng ta sẽ sớm thấy điều đó thôi!
- Chuyện gì đến sẽ đến! hạt đậu to nhất đáp.
Cờ-rắc! vỏ đậu nứt ra và năm hạt đậu nhỏ lăn ra ngoài ánh nắng.
Chúng ở trên tay một thằng bé, nó nắm lấy chúng và nói rằng nó đang cần đúng những
hạt đậu nhỏ giống như thế này để chơi thổi ống phốc, và ngay tắp lự một hạt đậu
nhỏ bị nhét vào ống, trở thành viên đạn.
- Được rồi, tôi đang bay vào thế giới rộng lớn! hãy bắt tôi
đi, nếu có thể! rồi nó biến mất.
- Còn tôi, một hạt đậu khác nói, tôi sẽ lao thẳng tới mặt trời,
đó là một vỏ đậu đích thực, nó rất thích hợp với tôi!
Và nó đi khỏi.
- Tôi có thể ngủ ở bất kỳ nơi đâu, hai hạt đậu khác nói,
nhưng dẫu vậy, hẳn chúng ta sẽ tiếp tục lăn! và trước tiên chúng lăn trên sàn
nhà, rồi chui vào trong ống phốc, cuối cùng thì cũng vào đó hết cả. Chúng tôi sẽ
đi xa nhất!
- Chuyện gì đến sẽ đến! hạt đậu cuối cùng nói, và nó
bị phóng đi qua cái ống, lao về phía thanh gỗ cũ kê bên dưới cửa sổ của gác
xép, và chui thẳng vào trong một cái khe đầy rêu cùng đất mùn. Và rêu phủ lên
nó, nó trốn vào đó, nhưng không bị Chúa Trời lãng quên.
- Chuyện gì đến sẽ đến! nó nói.
Trong căn gác xép nhỏ ấy có một phụ nữ nghèo khổ ban ngày đi
lau chùi các lò sưởi, thậm chí còn chặt củi và làm những công việc nặng, bởi vì
bà khỏe mạnh và chăm chỉ, nhưng không vì thế mà bà bớt nghèo. Và ở nhà bà,
trong căn phòng nhỏ, có đứa con độc nhất của bà, một đứa bé gái đã khá lớn,
nhưng mảnh mai và còi cọc. Nó đã nằm liệt giường suốt một năm, và người ta có cảm
giác nó đang ở giữa sự sống và cái chết.
- Nó sẽ đến chỗ em gái nhỏ của nó! người phụ nữ nói. Tôi từng
có hai đứa con, phải khó nhọc lắm tôi mới nuôi được cả hai đứa, nhưng Đức Chúa
đã san sẻ với tôi và Người đã đưa một đứa đến chỗ của Người. Tôi rất mong được
giữ đứa kia lại, nhưng chắc hẳn Người không muốn để chúng bị chia cách, thế cho
nên nó sẽ đến chỗ em gái của nó ở trên kia!
Nhưng đứa trẻ ốm vẫn còn ở đây. Nó kiên nhẫn chờ đợi và
không gây ồn ào suốt cả ngày, trong khi mẹ nó đi làm để kiếm tiền.
Giờ, đã là mùa xuân, và một sáng ngày kia, còn rất sớm, đúng
vào lúc bà mẹ chuẩn bị đi khỏi, mặt trời êm dịu vui tươi chiếu qua cửa sổ nhỏ, tung
các tia nắng lên sàn nhà, và con bé ốm nhìn về phía ô cửa sổ thấp.
- Có cái cây gì màu xanh mọc lên sau ô cửa kính kìa? Nó lay
động trước gió!
Và mẹ nó đi ra mở cửa sổ.
- Ô! bà nói, có một hạt đậu nhỏ đã nảy mầm, mọc ra bốn cái
lá xanh thật đẹp rồi này. Làm thế nào mà nó chui vào được cái khe nhỉ? Như thế
này, con sẽ có một khu vườn nhỏ để ngắm!
Cái giường của con bé ốm yếu được kê ra gần cửa sổ, từ đó nó
có thể ngắm nhìn hạt đậu nhỏ lớn lên, còn bà mẹ thì đi làm.
- Mẹ ơi, con nghĩ là con sẽ sớm bình phục! tối hôm ấy, con
bé nói. Hôm nay, mặt trời đã tưới tắm cho con, ấm áp đã đời. Hạt đậu nhỏ sung
sướng lắm! con cũng thế, chắc chắn con sẽ khỏe lại, sẽ có thể đứng dậy, đi ra
ngoài trời!
- Giá mà được như vậy! bà mẹ đáp, nhưng bà không tin chuyện
lại có thể như thế. Tuy nhiên bà vẫn đặt một mẩu gỗ nhỏ ở bên cạnh mầm cây màu
lục, nó mang lại cho con gái bà một chút niềm vui sống, để cái cây khỏi bị gió
táp. Bà cũng chăng một sợi dây từ bệ lên gờ phía trên cửa sổ, để thân của cây đậu
nhỏ có chỗ mà leo, nó có thể quấn mình vào đấy khi lớn lên, và đó là điều đã xảy
ra. Có thể thấy cái cây lớn lên mỗi ngày.
- Nó nở hoa kìa! một sáng nọ người phụ nữ nói, và giờ đây bà
hy vọng, bà bắt đầu tin rằng đứa con gái bị ốm của bà sẽ bình phục. Đột nhiên
bà nhận ra đứa bé đã nói năng hoạt bát hơn trong thời gian vừa qua. Những buổi sáng
gần đây, nó đã tự ngồi dậy trên giường, ở đó và đưa cặp mắt rực sáng ngắm nhìn
khu vườn nhỏ chỉ gồm độc một cây đậu nhỏ duy nhất. Tuần tiếp theo, người bệnh lần
đầu tiên ngồi được suốt hơn một tiếng đồng hồ. Nó ngồi trong ánh nắng ấm áp,
lòng rộn ràng hạnh phúc. Cửa sổ mở và, bên ngoài, có một bông hoa đậu nhỏ màu hồng,
đã nở rộ. Đứa bé gái nghiêng đầu hôn thật nhẹ lên những cánh hoa mảnh. Hôm ấy
giống như một ngày lễ.
- Đức Chúa trên trời cao đã tự tay trồng cái cây và trông
coi cho nó lớn lên, con yêu ạ, để mang lại hy vọng và niềm vui cho chúng ta,
cho con, tất nhiên rồi, nhưng cũng cho cả mẹ nữa! bà mẹ vui sướng nói, bà mỉm
cười với bông hoa như với một thiên thần tốt lành được Chúa phái đến.
Nhưng còn các hạt đậu khác thì sao?… Ừ thì, cái hạt đã bắn
đi vào thế giới rộng lớn - “Hãy bắt tôi đi, nếu có thể!” - rơi trúng ống nước
trên mái nhà rồi chui vào diều một con bồ câu, và nó ở lại đó giống như Jonas
trong bụng cá voi. Hai hạt đậu lười cũng đến cùng cái đích ấy, chúng cũng bị lũ
bồ câu ăn mất, và vậy là trở nên hết sức hữu ích. Nhưng hạt đậu thứ tư, cái hạt
muốn bay lên chỗ mặt trời…, nó rơi xuống rãnh nước và nằm lại đó suốt nhiều tuần,
trong nước bẩn, tại đó nó phồng tướng người lên.
- Phồng to lên thế này thích quá! hạt đậu nhỏ nói. Rốt cuộc
tôi sẽ nổ tung, và tôi nghĩ người ta chưa từng bao giờ nhìn thấy, cũng sẽ chẳng
bao giờ nhìn thấy một hạt đậu nhỏ làm được điều gì lớn lao hơn. Tôi là hạt đậu
đáng kể nhất trong số năm hạt đậu nhỏ chui ra từ một vỏ đậu!
Và rãnh nước nhất trí với điều đó.
Nhưng đứa bé gái, bên cửa sổ căn phòng gác xép, đã có cặp mắt
sáng long lanh, hai má rộn những màu tươi sáng, và nó nắm hai bàn tay thanh mảnh
lại phía trên bông hoa đậu để cảm tạ Đức Chúa.
Đứa trẻ tật nguyền
Ngày xưa có một ngôi nhà lớn cũ kỹ, chủ của nó là những con người trẻ trung và giàu có. Họ sống trong cảnh thịnh vượng, sung túc, thích giải trí và làm điều tốt. Họ muốn làm cho tất cả mọi người cũng được sung sướng giống như mình.
Đêm Giáng sinh, có một cây thông được trang hoàng rất đẹp trong sảnh cũ, nơi lửa cháy trong lò sưởi và các cành thông treo quanh những bức tranh cũ. Tại đây, những người chủ nhà cùng khách khứa hát và khiêu vũ.
Trước đó, cũng trong buổi tối, niềm vui Giáng sinh đã tới trong căn phòng lớn dành cho người hầu kẻ hạ. Cả ở đây, cũng có một cây thông lớn với những ngọn nến đỏ và trắng, những lá cờ Đan Mạch nhỏ xíu, lũ thiên nga và lưới đánh cá cắt bằng giấy nhiều màu bên trong nhét kẹo. Lũ trẻ con nhà nghèo trong giáo phận được mời đến, có mẹ chúng đi cùng. Các bà mẹ không nhìn cái cây nhiều cho lắm, mà chủ yếu nhìn về phía mấy cái bàn, trên đó bày những bộ quần áo bằng len và dạ, vải để may váy và vải để may quần dài. Các bà mẹ đều nhìn về hướng đó, cũng như lũ trẻ lớn, chỉ bọn trẻ nhỏ xíu mới giơ tay về phía các ngọn nến, những hình trang trí mạ vàng và các lá cờ.
Tất tật những người ấy đến đây từ sớm trong buổi chiều, họ
được phục vụ món xúp Giáng sinh và ngỗng rô ti ăn kèm cải đỏ. Sau khi cây thông
Noel đã được ngắm và quà đã phát xong xuôi, mọi người được ăn bánh táo chiêu một
cốc rượu punch.
Họ trở về những ngôi nhà lợp mái rạ nghèo khổ, và nhắc đến
“cuộc sống giàu sang”; nghĩa là đồ ăn thức uống, và bắt đầu xem kỹ các món quà.
Trong số họ có Kirsten, bà trông vườn, và Ole, ông trông vườn.
Họ là vợ chồng và kiếm đủ tiền để chi trả cho ngôi nhà cùng miếng bánh ăn hằng
ngày bằng cách nhổ cỏ và cuốc đất trong khu vườn của ngôi nhà lớn. Mỗi dịp
Giáng sinh, họ được nhận nhiều quà. Họ có năm đứa con, tất cả chúng đều được
ông bà chủ lo cho quần áo mặc.
- Chủ của chúng ta thật biết thương người! họ nói. Nhưng
cũng cần nói rằng họ có phương tiện để làm thế, và việc đó khiến họ vui thích!
- Họ đã tặng chúng ta những thứ quần áo tươm tất, cho bốn đứa!
Ole ông trông vườn nói. Nhưng tại sao chẳng có gì cho cái đứa bị tật? Thường
thì họ vẫn nghĩ đến nó cơ mà, mặc dù nó không đến dự tiệc!
Họ gọi đứa con trai cả là “đứa trẻ tật nguyền”, chứ thật ra
nó tên là Hans.
Hồi còn bé, nó là đứa trẻ lanh lợi nhất, hoạt bát nhất, nhưng
đột nhiên nó mắc chứng “chân mềm nhũn”, như người ta vẫn hay nói, nó không đứng
dậy được nữa, cũng không thể đi, nó phải nằm im trên giường từ năm năm nay.
- Có, em đã nhận được một thứ cho nó! bà mẹ đáp. Nhưng chẳng
có gì đặc biệt đâu, chỉ là một quyển sách thôi.
- Nó sẽ chẳng nhờ quyển sách mà béo lên! ông bố nói.
Nhưng Hans lại thấy rất thích. Đó là một thằng bé sáng dạ,
nó thích đọc sách, nhưng nó cũng chăm làm lụng, những gì mà nó có thể làm để trở
nên hữu ích, dẫu phải nằm trên giường suốt ngày. Nó khéo tay, biết đan bít tất
len, thậm chí còn đan được chăn phủ lên giường. Bà chủ rất khen ngợi và từng
mua chăn nó làm ra.
Quyển sách nó vừa được tặng có nhiều câu chuyện. Có rất nhiều
thứ để đọc ở trong đó, rất nhiều điều để nghĩ ngợi.
- Thứ đó chẳng mang lại chút lợi ích nào trong cái nhà này!
bố mẹ nó nói. Nhưng nó cứ việc đọc thôi, như thế thời gian trôi nhanh hơn, đâu
phải lúc nào nó cũng có thể đan bít tất!
Mùa xuân đến, hoa và cây cối bắt đầu nảy từ đất lên, cũng
như cỏ dại, thứ mà chắc hẳn người ta có thể gọi là cây tầm ma, nhưng lại được
miêu tả rất đẹp đẽ trong thánh thi:
Bao nhiêu vua chúa trên đời
Cứ xếp hàng lại, xin mời thử xem
Cố mấy cũng chẳng thể đem
Lá đến mà gắn lên tầm ma đâu
Trong khu vườn của ngôi nhà lớn, rất nhiều việc phải làm,
không chỉ đối với người làm vườn chính và các thợ học việc, mà cả đối với
Kirsten, bà trông vườn, và Ole, ông trông vườn. “Bực mình ghê! họ nói. Cứ khi
nào chúng ta quét xong đường đi lối lại cho sạch sẽ tinh tươm, thì ngay lập tức
họ giẫm lên làm bẩn hết cả. Sao mà nhiều khách khứa thế cơ chứ. Tốn kém lắm đấy!
Nhưng ông bà chủ của chúng ta rất giàu!”
- Mọi thứ được phân chia thật tồi tệ! Ole nói. Tất cả chúng
ta đều là con của Đức Chúa, cha xứ bảo thế. Vậy thì tại sao lại có khác biệt?
- Đó là do tội tổ tông! Kirsten đáp.
Và tối đến họ lại nói chuyện này, trong lúc Hans, đứa trẻ tật
nguyền, nằm trên giường với quyển sách chứa nhiều câu chuyện.
Điều kiện sống khó khăn, công việc nặng nhọc và sự đau khổ
đã làm chai sần bàn tay ông bố và bà mẹ, nhưng những cái đó cũng khiến họ trở
nên cứng rắn trong các đánh giá và ý kiến. Họ không sao hiểu nổi, họ không tìm
ra lời giải thích, việc nhắc đến càng làm họ thấy cay đắng và giận dữ hơn.
- Một số người được nhận sự sung túc và hạnh phúc, những người
khác thì chỉ có khốn khó! Tại sao chúng ta lại phải gánh chịu hậu quả sự không
vâng lời và thói tò mò của bố mẹ đầu tiên của chúng ta? Chúng ta có cư xử giống
họ đâu!
- Có đấy! đột nhiên Hans, đứa trẻ tật nguyền, lên tiếng. Tất
tật đều được viết trong quyển sách này!
- Trong quyển sách có gì cơ? bố mẹ nó hỏi.
Thế rồi thằng bé đọc cho họ nghe câu chuyện xa xưa về người
tiều phu và vợ của ông ta. Họ cũng oán thán sự tò mò của Adam và Eva, cội nguồn
nỗi bất hạnh giáng lên đầu họ. Rồi ông vua của đất nước đi ngang qua. “Xin mời
đến chỗ tôi! ông nói. Các bạn sẽ được hưởng mọi thứ giống như tôi: bảy món để
ăn, cùng một món để trang trí. Nó được cất trong một cái liễn kín mít, không được
sờ vào đó, nếu không các bạn sẽ đánh mất mọi thứ luôn!” “Trong cái liễn có thể
có gì nhỉ?” người vợ hỏi. “Liên quan gì đến chúng ta!” người chồng đáp. “Nhưng
em có tò mò đâu! người vợ nói. Em chỉ muốn biết tại sao chúng ta không được mở
nắp ra. Chắc chắn là có một cái gì đó rất ngon lành! - Miễn sao không phải là một
cỗ máy! người chồng đáp. Một phát súng vang lên, đánh thức tất cả mọi người ở
đây dậy! - Ôi trời”, người vợ đáp, và bà không động vào cái liễn. Nhưng ban
đêm, bà ta mơ thấy nắp vung tự mở ra, từ bên trong bốc lên mùi rượu punch ngon
lành nhất, giống như loại mà người ta vẫn hay phục vụ tại các đám cưới và đám
ma. Có một đồng schilling to bằng bạc bên trên viết: “Nếu uống chỗ rượu punch
này, ngươi sẽ trở thành người giàu nhất trên đời còn những kẻ khác sẽ biến
thành ăn mày!” Người vợ vội choàng tỉnh và kể lại giấc mơ cho người chồng nghe.
“Em nghĩ đến nó quá nhiều đấy!” ông ta nói. “Chúng ta có thể hé ra xem một chút
thôi mà!” người vợ đáp. “Hé ra!” người chồng nhắc lại. Thế là người vợ rón rén
nhấc nắp vung lên. Hai con chuột nhỏ xíu thoắt từ trong chạy ra, rồi ngay lập tức
trốn vào một lỗ chuột. “Xin chào! ông vua lên tiếng. Giờ thì các bạn có thể
quay về nhà, ngủ trên giường của các bạn. Đừng trách Adam và Eva nữa, bản thân
các bạn cũng tò mò và vô ơn giống hệt họ!”
- Câu chuyện này từ đâu chui vào quyển sách thế? Ole, ông trông
vườn, hỏi. Cứ như là nó được viết ra để chúng ta nghe ấy. Nó khiến chúng ta phải
suy nghĩ rất nhiều!
Buổi tối, ở nhà họ vẫn còn sáng sau khi họ đã ăn xong món cháo yến mạch trộn sữa.
- Đọc lại cho chúng ta nghe câu chuyện về người tiều phu đi! Ole, ông trông vườn, nói.
- Trong quyển sách này có biết bao nhiêu câu chuyện hay! Hans
đáp. Biết bao nhiêu câu chuyện mà bố mẹ chưa biết!
- Nhưng ta không quan tâm đến chúng! Ole, ông trông vườn,
nói. Ta muốn nghe câu chuyện mà ta đã biết!
Và họ nghe nó thêm một lần nữa, cả ông lẫn vợ ông.
Nhiều buổi tối, họ quay trở lại với câu chuyện này.
- Dẫu sao thì nó cũng không giải thích được tất cả mọi điều!
Ole, ông trông vườn, nói. Con người cũng bị biến đổi giống như sữa. Một số biến
thành pho mát loại ngon, một số khác thì trở nên loãng toẹt như nước lã! Một số
người gặp may mắn trong mọi chuyện, được ngồi ở vị trí danh dự suốt cuộc đời,
chẳng hề biết đến cả sầu muộn lẫn thiếu thốn!
Hans, đứa trẻ tật nguyền, lẳng lặng nghe. Nó không có đôi
chân vững vàng, nhưng đầu óc của nó thì sáng láng. Nó bèn đọc cho họ nghe từ
quyển sách câu chuyện về “người không sầu muộn cũng chẳng thiếu thốn”. Người ta
có thể tìm thấy anh ta ở đâu đây, nhất
định phải tìm ra anh ta: nhà vua đang bị ốm và sẽ chỉ có thể khỏi bệnh nếu được
mặc cái áo sơ mi từng ở trên người một ai đó thực sự nói rằng mình chưa từng
bao giờ biết đến sầu muộn hay thiếu thốn.
Sứ giả được cử đến tất cả các nước trên thế giới, đến mọi
lâu đài và ngôi nhà lớn, đến gặp mọi con người sung túc và hạnh phúc, nhưng khi
bị hỏi thật kỹ, bất kỳ ai trong số đó đều từng biết đến sầu muộn và thiếu thốn.
- Tôi thì không! anh chàng chăn lợn ngồi dưới cái rãnh cất
tiếng, anh ta đang vừa cười vừa hát. Tôi chính là người hạnh phúc nhất!
- Vậy thì hãy đưa cho chúng tôi áo sơ mi của anh, các sứ giả
nói. Chỉ cần như vậy, anh sẽ được nhận một nửa vương quốc.
Nhưng anh ta không có áo sơ mi, dẫu có thế anh ta vẫn cho
mình là người hạnh phúc nhất.
- Một anh chàng thật tuyệt! Ole, ông trông vườn, kêu lên,
ông và vợ cười như chưa từng bao giờ cười trong suốt nhiều năm.
Đúng lúc đó thầy giáo ở trường đi ngang qua.
- Các bạn sung sướng quá nhỉ! ông nói. Chắc mới có tin mừng.
Có phải các bạn vừa trúng xổ số không?
- Không, chẳng liên quan đến cái đó đâu! Ole, ông trông vườn,
đáp. Mà là vì Hans vừa đọc cho chúng tôi nghe từ quyển sách truyện, nó đã đọc câu
chuyện về “người không sầu muộn cũng chẳng thiếu thốn”, cái anh chàng đó còn chẳng
có áo sơ mi. Chúng tôi cười đến dàn dụa nước mắt khi nghe những điều như thế,
mà lại còn từ một quyển sách in nữa chứ. Chắc chắn ai cũng có gánh nặng phải
mang, đâu chỉ mình chúng tôi. Thật là an ủi biết bao!
- Quyển sách này từ đâu ra thế? thầy giáo hỏi.
- Thằng Hans nhà tôi nhận được hồi Giáng sinh cách đây hơn một
năm. Ông bà chủ tặng cho nó đấy. Họ biết nó rất thích đọc sách và nó bị tật
nguyền! Hồi đó, chúng tôi đã rất mong nó được nhận hai cái áo sơ mi vải lanh cơ.
Nhưng quyển sách này lạ lắm, cứ như là nó có thể giải đáp những câu hỏi cho người
ta ấy!
Thầy giáo cầm quyển sách lên, mở nó ra.
- Đọc lại cái truyện đó đi! Ole, ông trông vườn, nói. Ta vẫn
chưa thuộc hết đâu. Rồi sau đó cũng phải đọc luôn truyện kia nhé, câu chuyện về
người tiều phu ấy!
Hai câu chuyện này là đủ cho Ole trong suốt phần đời còn lại
của ông. Chúng giống như hai tia nắng rọi chiếu vào bên trong ngôi nhà mái rạ
nghèo khổ, xâm nhập cái suy nghĩ cằn cỗi từng khiến ông trở nên cau có và cay đắng.
Hans đã đọc hết cả cuốn sách, rất nhiều lần. Các câu chuyện
đưa nó đi khắp nơi trên thế giới, những chỗ nó không thể tới, bởi vì hai chân
nó đứng không vững.
Thầy giáo ngồi xuống bên giường nó. Họ nói chuyện với nhau,
cả hai đều cảm thấy rất sung sướng.
Kể từ hôm đó, thầy giáo hay đến thăm Hans, khi bố mẹ nó đi
làm. Mỗi lần ông tới, thằng bé thấy giống như nó được dự một bữa tiệc. Nó lắng
nghe ông già giảng giải về kích cỡ của trái đất và của nhiều đất nước, về mặt
trời, nó lớn gấp trái đất gần nửa triệu lần và xa đến nỗi một viên đạn đại bác
phóng hết tốc lực phải mất hai mươi lăm năm mới đi được từ mặt trời đến trái đất,
thế mà các tia nắng chỉ cần có tám phút!
Nói đúng ra, mọi đứa học sinh giỏi đều biết tất tật những điều
này, nhưng đối với Hans, chúng thật mới mẻ và còn tuyệt diệu hơn những gì nằm
trong quyển sách truyện.
Vài lần một năm, thầy giáo được mời đến dùng bữa ở chỗ ông
bà chủ, và trong một dịp như thế, ông đã nhắc đến tầm quan trọng của quyển sách
truyện tại ngôi nhà mái rạ nghèo khổ, trong đó hai câu chuyện mà nó chứa đựng
đã thức tỉnh và ban phước cho các tinh thần. Nhờ đọc chúng, thằng bé tàn tật
nhưng sáng dạ đã đưa được sự suy tư và niềm vui đến cho ngôi nhà.
Khi thầy giáo rời khỏi ngôi nhà lớn, bà chủ đặt vào tay ông
hai đồng rixdale bằng bạc sáng lấp lánh để gửi cho thằng bé Hans.
- Phải đưa tiền cho bố mẹ cháu! thằng bé nói, lúc thầy giáo
mang tiền đến cho nó.
Và cặp vợ chồng người trông vườn Ole và Kirsten nói: “Thằng
bé tật nguyền Hans dẫu sao cũng hữu ích và được hưởng ân huệ!” Vài hôm sau, hai
ông bà đang làm việc tại ngôi nhà lớn thì cỗ xe của chủ nhà dừng lại phía bên
ngoài. Bà chủ tốt bụng tiến lại gần, hết sức sung sướng khi biết món quà Giáng
sinh của bà đã mang lại ngần ấy niềm an ủi và vui sướng cho thằng bé cùng bố mẹ
nó.
Bà mang tới bánh mì trắng, hoa quả và một chai xi rô hoa quả,
nhưng, có một thứ còn hay hơn, bà mang tới cho nó, nhốt trong một cái lồng mạ
vàng, một con chim nhỏ màu đen biết hót rất hay. Cái lồng cùng con chim được đặt
lên tủ com mốt cũ, cách giường thằng bé không xa, nó có thể ngắm con chim và
nghe chim hót, và cả những người đi qua trên đường cái cũng có thể nghe được tiếng
chim.
Vợ chồng người trông vườn Ole và Kirsten về nhà thì bà chủ
đã đi khỏi. Họ thấy Hans hết sức sung sướng, nhưng dẫu vậy họ vẫn nghĩ món quà
mà nó vừa được nhận sẽ chỉ có thể mang lại phiền phức.
- Người giàu chẳng biết nhìn xa trông rộng! họ nói. Giờ thì
có phải là chúng ta sẽ phải chăm sóc con chim hay không? Thằng bé tật nguyền
Hans thì không làm được việc ấy rồi. Thế nào rồi mèo cũng vồ mất nó cho mà xem!
Tám ngày trôi qua, rồi thêm tám ngày nữa. Trong quãng thời
gian ấy, con mèo thường vào trong phòng, nhưng không làm gì khiến con chim hoảng
sợ và, tất nhiên, không làm gì gây hại cho nó. Rồi xảy đến một sự kiện lớn. Đó
là buổi chiều, ông bố bà mẹ và những đứa con khác đi làm, chỉ có mình Hans ở
nhà. Nó cầm quyển sách truyện trên tay và đọc câu chuyện về người vợ ngư dân, mọi
mong muốn của bà đều được thỏa mãn. Bà muốn thành vua, và thế là bà trở thành
vua. Bà muốn thành hoàng đế, và thế là bà trở thành hoàng đế, nhưng sau đó bà
muốn trở thành Đức Chúa, ngay lập tức bà phải quay trở lại cái hố đầy bùn ban đầu
của mình.
Câu chuyện này chẳng có chút liên quan nào đến con chim hay
con mèo, nhưng đó chính là câu chuyện mà thằng bé đang đọc khi sự kiện xảy tới.
Về sau nó sẽ còn nhớ mãi.
Cái lồng chim nằm trên tủ com mốt, con mèo thì ở dưới sàn
nhà, nhìn con chim chằm chằm, bằng cặp mắt màu lục chen vàng của nó. Có cái gì
đó trong biểu hiện của con mèo như thể muốn nói với con chim: “Sao mà mày xinh
xắn thế! Tao rất muốn ăn thịt mày!”
Hans hiểu ngay sự tình, nó đọc được điều đó trên vẻ mặt của
con mèo.
- Mèo kia, cút đi ngay! nó hét lên! Tao bảo mày ra khỏi
phòng ngay!
Nó thu mình lại, chuẩn bị nhảy vọt lên.
Hans không với đến chỗ con mèo, cũng không có gì để ném,
ngoài kho báu quý nhất của nó, quyển sách truyện. Nó bèn ném, nhưng gáy sách
long ra, bay sang một bên, còn bản thân quyển sách cùng tất tật các trang bay
tóe sang phía bên kia. Con mèo hơi lùi lại, bước chân chậm rãi, như thể muốn
nói:
- Đừng dây vào chuyện này, bé Hans! Tôi có thể bước đi, lại
có thể nhảy, còn bé thì chẳng thể làm cả hai điều ấy!
Hans theo dõi con mèo và trở nên bấn loạn. Con chim cũng bắt
đầu làm náo lên. Không thể gọi ai, có thể nói rằng con mèo biết như vậy, nó lại
chuẩn bị nhảy vọt lên. Hans huơ huơ cái chăn lên - nó có thể sử dụng hai tay - nhưng con mèo chẳng sợ cái chăn mấy; sau
khi Hans ném chăn về phía nó, chẳng ích gì, con mèo nhảy lên cái ghế rồi lên bệ
cửa sổ, giờ đây nó đã ở gần con chim hơn nhiều.
Máu trong người Hans sôi lên, nhưng nó không nghĩ đến điều
đó, mà chỉ nghĩ đến con mèo và con chim. Không thể có chuyện nó ra được khỏi
giường, nó đứng không vững, bước đi thì lại càng không thể hơn. Nó thấy như thể
tim nó lộn nhào, đúng lúc đó nó trông thấy con mèo từ bệ cửa sổ nhảy vọt lên
trên tủ com mốt và đập vào cái lồng. Bên trong, con chim bay tán loạn về mọi hướng.
Hans hét lên, một cái gì đó rung chuyển trong người nó, và
không hề nghĩ đến điều đó, nó nhảy ra khỏi giường, chạy đến chỗ tủ com mốt, hất
mạnh con mèo xuống, và giữ lấy cái lồng, trong đó con chim đang hoảng sợ. Nó
xách lồng chim trên tay và chạy ra khỏi cửa nhà, ra đường.
Nước mắt chảy ra dàn dụa trên mặt nó, nó vui sướng tột cùng
và hét toáng lên: “Tôi đi được rồi! Tôi đi được rồi!”
Nó đã tìm lại được sức mạnh. Những điều như vậy có thể xảy
ra và quả thật đã xảy ra với nó.
Thầy giáo sống ngay gần đó. Nó chạy thẳng đến nhà ông, chân
trần, trên người chỉ mặc độc một cái áo sơ mi và một cái áo khoác, cùng con
chim trong lồng.
- Tôi đi được rồi! nó hét lên! Chúa lòng lành! và nó khóc nức
nở vì vui quá.
Và niềm vui tràn ngập trong nhà của cặp vợ chồng người trông
vườn Ole và Kirsten. “Chắc chưa bao giờ có ngày nào vui như thế này!” họ nói.
Hans được mời đến ngôi nhà lớn. Đã nhiều năm nay nó chưa đi
con đường ấy. Cứ như thể đám cây và những bụi phỉ mà nó từng biết rất rõ gật đầu
chào nó và nói: “Xin chào, Hans! xin chào mừng cậu đến đây!” Mặt trời bừng sáng
trên mặt nó và rọi thẳng vào trái tim nó.
Ông bà chủ trẻ tuổi tiếp đón nó ở nhà và họ có vẻ hạnh phúc
như thể thằng bé là thành viên của gia đình họ.
Tuy nhiên bà chủ thấy hạnh phúc hơn, chính bà là người đã tặng
cho nó quyển sách truyện, chính bà đã tặng cho nó con chim nhỏ hay hót, giờ đây
con chim đã chết vì quá sợ, nhưng theo cách nào đó thông qua nó mà thằng bé khỏi
bệnh, và quyển sách thì giúp nó trở nên sáng dạ, lại còn soi sáng cả cho bố mẹ
nó nữa. Nó vẫn còn quyển sách, nó muốn giữ lấy để đọc, dẫu có lớn thêm bao
nhiêu tuổi. Giờ đây, nó cũng sẽ có thể trở nên hữu ích đối với mọi người ở nhà.
Nó sẽ học một nghề, tốt hơn hết là nghề đóng sách: “bởi vì, nó nói, như thế,
con sẽ được đọc tất cả những cuốn sách mới!”
Trong buổi chiều, bà chủ cho gọi bố mẹ thằng bé. Bà cùng chồng
nói về Hans. Đó là một thằng bé rất ngoan và sáng láng, nó thích đọc sách và học
hành rất dễ dàng. Đức Chúa luôn luôn ủng hộ những việc tốt.
Tối hôm đó, hai vợ chồng từ nhà ông bà chủ về, thực sự sung
sướng, nhất là Kirsten, nhưng một tuần sau thì bà bật khóc, bởi vì đó là ngày
thằng bé Hans lên đường. Nó ăn vận chỉn chu, đó là một thằng bé ngoan, nhưng giờ
đây, nó phải đi qua biển, nó phải đi học xa, và nhiều năm sẽ trôi qua trước khi
họ được gặp lại nó.
Nó không mang theo quyển sách truyện, bố mẹ nó muốn giữ quyển
sách làm kỷ niệm. Và ông bố rất hay đọc, nhưng chỉ hai câu chuyện, bởi vì ông
biết rõ chúng.
Và họ nhận được những bức thư của Hans, thư sau lại sung sướng
hơn thư trước. Nó ở nhà những con người tốt bụng, điều kiện sống rất tốt. Và điều
vui hơn cả, nó được đến trường. Có đến là nhiều thứ cần phải học, phải biết, nó
chỉ mong sao sống đến một trăm tuổi và rồi một ngày sẽ trở thành thầy giáo.
- Giá như chúng ta sống đủ lâu để chứng kiến cảnh ấy! bố mẹ
nó nói, họ cầm lấy tay nhau, như đang trong lễ ban thánh thể.
Thiên thần
Mỗi khi nào một đứa trẻ ngoan chết đi, một thiên thần của Chúa sẽ xuống trái đất, bế đứa bé đã chết lên, dang rộng cặp cánh lớn màu trắng, bay qua phía trên mọi chỗ nào mà đứa bé từng yêu quý, và hái một chùm hoa, rồi chúng mang về cho Chúa, trên thiên đường, những bông hoa còn trở nên đẹp hơn lúc còn ở dưới mặt đất. Chúa Hiền Từ ôm lấy tất cả những bông hoa đó vào lòng, Người sẽ hôn lên bông hoa nào mà người yêu nhất, thế là đột nhiên nó có tiếng nói, và nó hòa giọng ca vào dàn hợp xướng lớn hát lời ca tụng.
“Như vậy đấy”, tất cả những điều trên đây được một thiên thần
kể, trong lúc mang lên trời một đứa bé đã chết, và đứa bé lắng nghe như trong một
giấc mơ, chúng lướt qua phía trên các chỗ trong ngôi nhà nơi thằng bé từng chơi
đùa, rồi băng ngang khu vườn có những bông hoa tuyệt đẹp.
- Chúng ta sẽ mang những bông nào lên trồng trên thiên đường
đây? thiên thần hỏi.
Ở đó có một cây hoa hồng mảnh dẻ tuyệt đẹp, nhưng một bàn
tay độc ác đã bẻ gãy thân của nó, thành thử tất cả các cành trên phủ đầy nụ hoa
lớn đang hàm tiếu đã bị khô và rủ xuống.
- Cây hoa hồng tội nghiệp! thằng bé nói, mang nó đi, để nó
được nở ở trên kia, gần với Chúa!
Và thiên thần hái cây hoa, nhưng nó hôn đứa bé vì điều này,
và đứa bé hé mở đôi mắt. Chúng còn hái thêm những bông hoa lộng lẫy, rồi lại
thêm cả hoa souci chẳng mấy ai đoái hoài và hoa păng xê dại.
- Giờ thì chúng ta đã có hoa rồi! thằng bé nói, và thiên thần
gật đầu, nhưng chúng còn chưa bay ngay về chỗ Chúa. Đang là đêm, vạn vật im
lìm, chúng vẫn ở lại nơi thành phố lớn, chúng bay qua chỗ này, chỗ kia trên một
trong những phố hẹp nhất, tại đó có hàng đống rơm, tro và rất nhiều món đồ vặt
vãnh, ngày chuyển nhà vừa mới kết thúc! Có các mảnh đĩa vỡ, vụn vữa, giẻ vải và
mũ cũ, tất tật những thứ gì trông không được đẹp lắm.
Và giữa đống lộn xộn ấy, thiên thần chỉ tay vào các mảnh vỡ
của một chậu hoa, cùng một cục đất rơi từ trong đó ra nhưng vẫn được giữ lại nhờ
rễ của một cây hoa dại lớn tàn úa tuyệt đối không có chút giá trị nào, vậy nên
đã bị người ta ném ra ngoài đường.
- Cây hoa này, ta cũng mang theo luôn! thiên thần nói. Tôi sẽ
kể cho cậu một chuyện trong lúc chúng ta bay!
Rồi chúng bay lên, và thiên thần kể:
- Ở dưới đó, trên phố hẹp, dưới tầng hầm, trần nhà rất thấp,
có một thằng bé nghèo khổ và bệnh tật. Nó nằm liệt giường suốt từ khi còn bé
tí. Những khi nào sức khỏe ổn nhất, nó có thể chống nạng đi lại chút chút trong
căn phòng nhỏ, nhưng chỉ vậy mà thôi. Vài ngày, vào mùa hè, nắng rọi được xuống
dưới đó, trước tầng hầm, trong vòng nửa tiếng đồng hồ, và khi thằng bé ngồi ở
đó, để cho mặt trời ấm áp chiếu lên người, nó nhìn thấy dòng máu đỏ trên những
ngón tay gầy guộc xòe ra trước mặt, người nhà nó nói: “A, vậy là hôm nay nó đã
được ra ngoài!” Nó chỉ biết đến khu rừng với tán cây xanh xinh đẹp vào mùa hè
nhờ đứa con trai nhà hàng xóm mang đến cho nó cành sồi đầu tiên, và nó giơ cái
cành trên đầu, mơ là nó đang ngồi dưới tán sồi, được mặt trời chiếu sáng và
chim thì hót líu lo. Một ngày mùa xuân, thằng bé hàng xóm mang sang cho nó những
bông hoa dại hái ngoài cánh đồng, trong số đó một cây vẫn còn rễ, thế cho nên
người ta bèn trồng cái cây vào một chậu hoa và đặt lên bệ cửa sổ, gần chỗ giường.
Cây hoa được trồng bởi một bàn tay may mắn, nó lớn lên, nảy nụ mới, và năm nào
cũng ra hoa. Đó là khu vườn đẹp nhất đối với thằng bé ốm, kho báu nho nhỏ của
nó trên mặt đất này. Thằng bé tưới nước cho cây hoa, chăm sóc nó, và lo sao để
cái cây nhận được mọi tia nắng, cho đến tia cuối cùng lọt qua cửa sổ thấp, và
cây hoa đi vào những giấc mơ của nó, bởi vì nó nở hoa là vì thằng bé, tỏa hương
và trở nên vui mắt cũng vì thế, vào lúc chết thằng bé quay đầu nhìn về phía cây
hoa, khi Đức Chúa gọi nó. Nó đã ở bên Chúa từ một năm nay, trong năm ấy, cái
cây vẫn ở lại trên bệ cửa sổ, bị lãng quên, và nó héo đi, chính vì vậy người ta
đã ném nó ra cùng đống đồ vứt đi, ngoài phố, lúc chuyển nhà. Và chính cây hoa
này, cây hoa héo khốn khổ này, chúng ta cho nó vào chung với những bông hoa
khác trong bó hoa của chúng ta, bởi vì cây hoa này đã tạo ra nhiều niềm vui hơn
cả bông hoa đẹp nhất trong vườn của nữ hoàng!
- Nhưng làm sao cậu biết chuyện đó? thằng bé đang được thiên
thần đưa lên trời hỏi.
- Tôi biết! thiên thần đáp. Đó chính là tôi, thằng bé bị ốm
chống nạng để đi! Cây hoa của tôi, tôi biết nó rõ lắm!
Andersen: Cây đèn đường cũ
Andersen: Con gái chúa tể đầm lầy
Trở về cổ điển: Andersen
Cháu cảm ơn chú nhiều lắm. Nhân câu chuyện của chú nghệ sĩ Quốc Tuấn, cháu thấy là các chú lớp trước có nhiều người sống tử tế, có nhân cách, có lòng tự trọng,...hơn lớp tụi cháu bây giờ hay sao ấy. Cháu có thắc mắc là lý do sự đi xuống đó nằm ở đâu? Có nhiều bạn bảo đọc Đặng Hoàng Giang sẽ biết. Nhưng cháu đọc rồi mà cũng chưa tìm ra, chắc là cháu phải đọc lại rồi. Hay là cháu cứ đợi thì sẽ thấy, sẽ biết ạ
ReplyDeleteđừng đọc báo nhiều quá
ReplyDeletetiếp tục
Tôi không khuyên cháu nên hay không nên đọc gì nhưng nếu đọc sách Đặng Hoàng Giang cháu nhớ cẩn thận.
ReplyDeletemấy bài này sao không để quốc tế thiếu nhi hãy đăng bác
ReplyDeleteđi chỗ khác chơi đi, cu nhi đồng thối tai
ReplyDeletetiếp tục
cu nhi đồng thối tai ha ha khi nào ra thợ cạo vỉa hè hay salon lấy hết ráy tai, tai hết thối thì quay lại đọc (nhớ canh me dịp mừng quốc tế thiếu nhi, sẽ có quà;))
ReplyDeletei) Hay quá. Nhưng trong Bà chúa tuyết đâu như có kể về bà lão quê ở Phần Lan thì phải.
ReplyDeleteii) Nở rộ có lẽ chỉ dùng cho số nhiều.
iii) dàn dụa hay giàn giụa?
ràn rụa có lẽ đúng nhất
ReplyDelete<3
ReplyDeleteEMi
Merci pour cette année et Joyeux Noël 🎄
ReplyDeleteExcellent beat ! I would like to apprentice even as you
ReplyDeleteamend your web site, how can i subscribe for a weblog website?
The account aided me a applicable deal. I were a little bit familiar of this your broadcast provided brilliant clear idea