Cuối cùng thì, trong vòng khoảng một tháng, tôi đã đi qua được thế giới của Andersen, với những truông, những đụn cát, biển, cánh đồng và thành phố :p Quyển sách tranh không có tranh, mà tôi quyết định chọn làm điểm cuối, rốt cuộc cũng đã có thể coi là gần xong (tổng cộng câu chuyện có 33 buổi tối, những lời kể của mặt trăng trong vòng 33 buổi tối ấy); Hòn đá triết học cũng chỉ còn chút ít nữa là xong, ở đó tôi cũng sẽ viết nốt những suy nghĩ đã đến với tôi trong thời quan dịch các truyện của Andersen: những câu chuyện này, trông vậy thôi, nếu tổng cộng vào (có 11 truyện cả thảy) rồi in theo phong cách nhà xuất bản Kim Đồng thì cũng được cả một quyển sách dày cỡ 700, 800 trang :p
Giờ thì: Heidegger.
Tất nhiên, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến Martin Heidegger. Chuyện trùng tên nhau đúng là quá hay :p Balzac chẳng hạn: Balzac đâu có họ "Balzac". Đến ông bố của Balzac thì cái họ Balssa, họ của gia đình Balzac, mới được biến thành "Balzac"; người ta cũng hay nói đến Balzac và sự phù phiếm của Balzac, thêm "particule" de vào tên cho nó có vẻ quý tộc, nhưng không phải vậy: người thêm "de" là ông bố của Balzac, chứ không phải Balzac (nhân tiện, ông bố ấy cũng là một tác giả). Nói cho đúng, Balzac là một thầy tu thì nhiều hơn là một con người phù phiếm. Balzac là một thầy tu từ ngoài vào trong, sống trong một sự khắc kỷ to lớn. Lịch sinh hoạt hằng ngày của Balzac gần giống như các miêu tả cuộc sống của nhân vật Albert Savarus ấy, ai tò mò nên tìm đọc.
Thế nhưng, Balzac cũng vẫn là một ca trùng tên kinh điển. Có một nhân vật rất nổi tiếng của thế kỷ 17 tên là Guez de Balzac, một trong những thành viên sáng lập Hàn lâm viện nước Pháp. Cứ như là tình cờ, từ Balssa biến thành Balzac, và cậu bé Honoré Balssa biến thành Honoré de Balzac.
Trong một cuốn tiểu thuyết của Balzac, bỗng có một thời điểm, rất thoáng qua, xuất hiện một nhân vật mang họ Proust. Giờ tôi cũng không còn nhớ chính xác là trong cuốn nào, chỉ chắc chắn là một trong khoảng chín mươi tiểu thuyết của Vở kịch con người có nhân vật "Proust".
Viết đến đây tôi bỗng nhớ ra, quyển Cổ kim trùng danh trùng tính khảo của tôi không biết bị ai mượn mất, bao nhiêu năm không thấy trả, giờ vẫn chưa thấy đâu.
Quay trở lại với Heidegger:
Chủ nghĩa lãng mạn và "lãng mạn" có một số phận rất không tầm thường, thậm chí là một số phận vô cùng phức tạp và giàu có, đến mức độ gây hoa mắt khi nhìn vào, chỉ cần kỹ lưỡng một chút.
Nếu tìm kiếm riêng từ "romantic" (và các biến thể của nó trong một số ngôn ngữ châu Âu) - việc này đã có nhiều người làm, kết quả hết sức khổng lồ, và kết quả lớn nhất là cho thấy dường như không bao giờ chúng ta có thể thực sự nắm tường tận lịch sử của riêng một từ - ta có thể thấy nó xuất hiện sớm đến đáng ngạc nhiên tại Anh, và không lâu sau đó, tại các nước sử dụng tiếng Đức.
Năm 1698, Heidegger, một nhà thần học ở Zurich, xuất bản cuốn sách mang tên Mythoscopia romantica oder Discours von der so benannten Romans.
Bản thân từ "romantica" trong nhan đề sách, cũng như niên đại rất sớm, hoàn toàn có thể không nói lên nhiều điều. Nhưng, nếu nhìn thật rộng ra, lãng mạn sở dĩ có số phận đặc biệt như vậy rất có thể vì nó cùng một lúc có rất nhiều nghĩa. Lãng mạn tức là cách mạng, là phá bỏ, đoạn tuyệt, lãng mạn tự thiết lập nó trong đối lập với cổ điển (chỉ khi có lãng mạn thì cổ điển mới thực sự hình thành, mới thực sự có nghĩa), nhưng đồng thời, như ngay trong hình của từ diễn đạt, nó còn là biểu hiện của tiểu thuyết (roman), nhưng vẫn chưa hết, nó còn là dư âm (không hề xa) của Trung cổ: romance thời Trung cổ, nếu muốn cụ thể hơn. Một sự đoạn tuyệt nhưng lại như thể mang bên trong nó, và sở dĩ như vậy cho nên mới tồn tại được, những gì tưởng chừng "cổ lỗ nhất", thơ ca troubadour etc.
Lãng mạn không phải là một thời kỳ, hoặc ít nhất, có rất ít ý nghĩa thời kỳ: không phải sau "chủ nghĩa lãng mạn" thì có bước phát triển lên "chủ nghĩa hiện thực". Chẳng có cái quái gì như vậy hết. Mà là một cái gì đó nếu không rộng hơn thế rất nhiều thì cũng hơi phức tạp hơn một chút.
Nhân vật tuyệt đối cần thiết để nhìn vào sự hình thành của lãng mạn: Novalis (về Novalis, xem ở kia); dường như mọi điều đều chỉ về Novalis như cột mốc nếu không phải quan trọng nhất thì cũng nói lên nhiều ý nghĩa nhất về một cái gì đó như "lãng mạn".
Và, vì chúng ta mới đi qua một đoạn không ngắn Andersen: có một người bạn rất thân của Novalis yểu mệnh là một sinh viên du học người Đan Mạch sang Đức thời ấy, Henrik Steffens. Các du học sinh hết sức quan trọng trong mọi thời kỳ. Kierkegaard, một người Đan Mạch khác, cũng là một sinh viên du học ở Đức, cũng không lâu sau quãng thời gian của Novalis, Schleiermacher này, làm sinh viên của Schelling. Steffens không chỉ để lại những hồi ức rất quý về con người Novalis, mà còn, bên cạnh Novalis hay anh em Schlegel, chỉ ra các tính chất quan trọng của lãng mạn ở thời điểm mọi thứ bắt đầu nhúc nhích. Ta sẽ còn quay trở lại câu chuyện này.
Và, thời hiện nay, rất gần, ai là người đặc biệt chiêu tuyết cho Novalis? Đó chính là Thomas Bernhard. Ta cũng sẽ quay trở lại với câu chuyện này sớm.
NB. đã tiếp tục Adolphe của Benjamin Constant: câu chuyện đã bắt đầu tăng tốc; Constant có một cái nhìn đặc biệt sâu sắc, và văn chương của Constant dày đến đáng kinh ngạc; Adolphe cũng, rất sớm, chạm đến một điều mà mãi đến nửa sau của thế kỷ 19 vẫn còn là trung tâm trong đời sống tinh thần các nhà văn (nhất là Baudelaire), và của cuộc sống con người, ennui, tức là nỗi buồn chán (George Steiner khi bàn đến thời điểm chuyển từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 20 cũng ngay lập tức dành một chương cho "ennui", xem ở kia); một con người chủ yếu thuộc về thế kỷ 18 như Benjamin Constant gây ra những hồi quang mãi về sau, rất lâu về sau
cái chuyện trùng tên thật là quỷ quyệt! ko biết trong những tử ngữ như tiếng của các vua hùng có hiện tượng tương tự như thế ko.
ReplyDeletecòn thì nghe như người La Mã dạy rằng "lãng mạn" là lịch sử của văn học :P quả ko sai. câu chuyện đó, his story, nghe như một truyện của Andersen, chính xác thì như "ba mươi ba buổi tối", như từ vi mô đến vĩ mô (mà nằm ngoài mọi nhu cầu chơi chữ.) quá đẹp, nên ắt hẳn là thật!
triết ông này hay không bác?
ReplyDelete"pha" Benjamin Constant có vai trò rất đặc biệt trong con đường của lãng mạn, đọc Constant thấy rõ một cái gì đó rất khác so với không lâu trước đó, tức là Rousseau
ReplyDeletenhư thế thì "lãng mạn" là một triết học chưa hoàn thành nhỉ?
ReplyDeletemột triết học nhiều tính chất "thời độ", có lẽ thế
ReplyDeleteanw, cả ở điểm này Novalis cũng rất quan trọng, nhất là ở đặc tính "siêu vượt", có thể hiểu là sống và nhìn thực tại theo chiều thẳng đứng, về sau có mấy nhân vật nữa cũng rất rõ điều này, nhất là Poe và Emily Dickinson