Aug 15, 2017

George Steiner: Râu Xanh

Mở ra mục "đọc lý thuyết" là một đột xuất, tôi không hề dự định trước. Lý thuyết lôi kéo tôi, chứ không phải tôi lôi kéo nó. Albert Béguin thuần túy là do tôi tuân theo một xung động bất chợt, không có chút can dự nào của lý trí. Sau đó, Michel Foucault đã bắt đầu bớt tính chất bộc phát (tuy vẫn rất nhiều, thậm chí có thể nói là chủ yếu: chỉ tình cờ mà quyển sách có bài tiểu luận của Foucault, xếp vào góc đã bao nhiêu năm, bỗng từ đâu rơi ra trước mặt tôi). Béguin và Foucault rồi, tiếp tục bắt đầu không thể bụp bụp bụp nữa. Đến Merleau-Ponty thì bắt đầu phải suy nghĩ thực sự: ta bước vào địa hạt của cấu trúc; cũng hơi giống mạng nhện, nó không để ta thoát ra ngoài một cách dễ dàng đâu.

Nếu tôi muốn tạo ra một cấu trúc nền tảng, thì ba yếu tố cũng có thể được. Nhưng cùng lúc, tôi phải lựa chọn (lựa chọn thì thúc đẩy suy nghĩ): "mô hình 3" hay "mô hình 4"? Bởi vì có 3 rồi, cho nên lựa chọn đương nhiên nhất là lựa chọn giữa 3 và 4. Nếu tôi không bắt đầu như vậy, mọi chuyện sẽ đảo đi, ta sẽ bước vào, vẫn thế giới của cấu trúc, từ một cửa khác. Tôi phải lựa chọn, nói ngắn gọn, giữa "mô hình 3" tức là mô hình của Kant và "mô hình 4" tức là mô hình của Schopenhauer. Nếu ai hiểu ngay điều tôi vừa nói xong, coi như người ấy có thể tự tin là mình đã qua lớp vỡ lòng. Sẽ không bị đúp. Yên tâm, tôi không bao giờ trù hay bắt nạt ai bao giờ.

Cụ thể hơn: tôi bắt đầu phải ước lượng. Đã rõ ràng rằng mọi thứ muốn tôi thiết lập một cái gì đó. Một cái gì đó, mọi cái gì, đều cần có nền tảng. Nền tảng thì phải có cấu trúc. Phải tính toán. Cấu trúc nền tảng cho "đọc lý thuyết" của tôi sẽ gồm bốn nhân vật, ngoài Béguin, Foucault và Merleau-Ponty là George Steiner.

Ở trên nói đến mô hình 3 và mô hình 4, nhưng đấy là nói ngắn gọn. Nói đúng ra, tôi có vô vàn lựa chọn, giữa đống mô hình cấu trúc. Để giản dị, ta chẳng hạn: mô hình vòng tròn (Georges Poulet), mô hình một (Khổng Tử), mô hình không (Trang Chu), mô hình hoặc... hoặc... (Kierkegaard), mô hình vừa... vừa... (những gì mà Kierkegaard đả phá), mô hình có kết cục nhưng cũng lại có tuyệt đối (Hegel), mô hình hai nửa (Wittgenstein), mô hình vượt qua (Heidegger), mô hình ta vọt lên nào (Nietzsche), mô hình vô số kim châm (Đông Phương Bất Bại), mô hình không không không là (Deleuze), mô hình tiên sư tư sản (Marx), mô hình đừng mong hiểu nổi, nhá (Lăng Ba Vi Bộ), mô hình xoáy tít (Pessoa), mô hình bất động (Thích Ca), mô hình catch me if you can (phim Catch Me If You Can), mô hình chúa ơi (Kinh Thánh Thiên chúa giáo), mô hình hoa nở ở vùng rìa (Baudelaire), mô hình sao ngu thế (Flaubert), mô hình các yếu tố ngoài đó ra không có gì (Bachelard), mô hình cái hang (Kafka), mô hình chiến tranh hối thúc lịch sử (Tạ Chí Đại Trường), mô hình tại sao tôi lại sinh ra (Cioran), mô hình trong một giọt sương là cả một vũ trụ (Amiel, luôn cả Emerson), mô hình tôi bơi trên dòng sông nhưng chỉ hơi giống cá (Thoreau), mô hình sau khi chết tôi sẽ về báo mộng và các bạn sẽ kiểm tra được là có linh hồn hay không (William James), mô hình cánh đại bàng (Rilke), mô hình tôi được phép ngu suốt cả ngày (Paul Valéry), mô hình đừng nghĩ là tôi đang nhìn anh, nhầm rồi (Sartre), mô hình ơ có phải thế đâu (Debord), mô hình tôi không biết sáng tạo (Paul Celan), mô hình tôi không viết nữa vì ông chú Celerino chết rồi chẳng còn ai kể chuyện để tôi chép lại nữa (Juan Rulfo), thậm chí mô hình nhiều lớp, cứ thế xếp chồng lên nhau (mà ta thấy ở bánh nếp hay bánh giò, và cũng thấy ở phụ nữ nạ dòng mặc áo dài chụp ảnh Hà Nội mùa thu trên vỉa hè phố Phan Đình Phùng).

Ù hết cả tai, tóm lại sẽ nói thêm sau về George Steiner nhé. Dưới đây là một "text" của Steiner, niên đại 1971, In Bluebeard's Castle, Some Notes towards the Redefinition of Culture.


nhân tiện: đã thêm một ít Văn xuôi thế giới của Merleau-Ponty



Trong lâu đài của Râu Xanh
Vài ghi chú nhằm hướng tới việc định nghĩa lại văn hóa


Đề từ thứ nhất:


Rất có thể là chúng ta, trong liên quan với một lý thuyết về văn hóa, đang ở đúng vào cái điểm cụ thể ấy, giống như Judith của Bartok, khi Judith đòi mở cánh cửa cuối cùng dẫn vào bóng tối.
    
và tiếp đến là hình ảnh:


Đề từ thứ hai:

À chaque effondrement des preuves le poète répond par une salve d’avenir.

René Char

Muốn hiểu câu trên đây của Char nói gì, rất may mắn, đã có sẵn ở kia: xem mục "XLIX"


1

Nỗi buồn chán lớn
[Steiner dùng từ tiếng Pháp "ennui"]


“Vài ghi chú nhằm hướng tới việc định nghĩa lại văn hóa”: cái phụ đề này, tất nhiên, gợi nhớ Các ghi chú mà T. S. Eliot cho xuất bản năm 1948. Đó là một cuốn sách không hề hấp dẫn, u ám vì sự man rợ vừa xảy đến, sự man rợ mà ông tương đối không mấy làm rõ nguồn gốc và hình thức. Tuy nhiên Các ghi chú nhằm hướng tới một định nghĩa về văn hóa [nhan đề đầy đủ tiểu luận của Eliot: Notes towards the Definition of Culture] vẫn rất đáng quan tâm. Đó rõ ràng là sản phẩm của một tinh thần đặc biệt tinh nhạy. Ở đây tôi sẽ quay trở lại với các điểm mà Eliot từng nêu lên trong lời biện hộ cho trật tự của ông.


Không phải bản thân quá khứ chế ngự chúng ta, có lẽ chỉ trừ thông qua con đường sinh học. Mà đó là các hình ảnh của quá khứ. Thường chúng cũng được cấu trúc và cũng nghiêm ngặt một cách cao độ ngang với các huyền thoại. Những hình ảnh và cấu tạo có tính chất biểu tượng của quá khứ hằn sâu vào năng lực giác quan của chúng ta, gần như theo cách thức của các thông tin di truyền. Thời đại mới nào cũng tự nhìn mình trong hình ảnh và hệ huyền thoại vẫn còn hoạt động của quá khứ chính nó hoặc một quá khứ vay mượn từ các văn hóa khác. Chính tại đó nó khám nghiệm ý thức về căn cước, thụt lùi hay tiến bộ. Những vọng âm nhờ vào đó một xã hội tìm cách định ra tầm với, logic và thẩm quyền giọng nói của chính nó, luôn luôn từ đằng sau đi đến. Các cơ chế vận hành thì hiển nhiên phức tạp và thấm đẫm những nhu cầu rối mù, nhưng là sống còn, về sự tiếp nối. Xã hội nào cũng phải tính đến những gì đã có trước đó. Chỉ cần những cái ấy bị thiếu vắng, giữa lúc một cộng đồng đang sinh thành hoặc tái lập sau một quãng dài tản mát hoặc bị lệ thuộc, là tức khắc một thì quá khứ nhất thiết phải có đối với ngữ pháp của hữu thể [“ngữ pháp” là một trong những khái niệm nằm ở trung tâm tư duy của Steiner: ba mươi năm sau text này, Steiner sẽ cho xuất bản một cuốn sách rất lớn, mang nhan đề Grammars of Creation] liền được tạo ra, bởi trí tuệ hoặc cảm xúc. “Lịch sử” người da đen ở Mỹ hoặc lịch sử Israel cho thấy rõ điều này. Nhưng động cơ tối hậu có thể mang tính chất siêu hình học. Dường như phần lớn lịch sử cõng trên lưng phế tích của thiên đường. Vào một thời điểm nào đó thuở xa xôi mọi thứ từng tốt đẹp hơn, thậm chí từng vàng son. Giữa con người và sự bố trí của tự nhiên có một tương hợp sâu thẳm. Huyền thoại Sa Đọa phổ biến hơn so với bất kỳ tôn giáo riêng lẻ nào. Gần như không nền văn minh nào, có lẽ gần như không ý thức cá nhân nào không chứa đựng bên trong mình một lời hồi đáp lại những vang vọng từ một thảm họa xa xôi. Ở đâu đó đã có một cú rẽ tồi tệ trong “cánh rừng tối và thiêng”, sau đó rồi con người buộc phải nhọc nhằn mà chống lại mầm mống tự nhiên của hữu thể, theo đường lối xã hội và đường lối tâm lý.

Trong văn hóa, hoặc “hậu-văn hóa” phương Tây hiện nay, utopia bị suy sụp này là hết sức quan trọng. Nhưng nó đã được hiện đại hóa, đã thế tục hóa. Nỗi hoảng hốt ngày nay của chúng ta, cảm giác của chúng ta rằng mình lại thụt lùi vào bạo lực, vào sự băng hoại đạo đức; ý thức nhức nhối của chúng ta về một thất bại lớn lao của các giá trị trong nghệ thuật, trong tính chất toàn vẹn đẹp đẽ về phương diện cá nhân và xã hội; nỗi kinh hoàng của chúng ta khi chứng kiến trỗi dậy trở lại một “thời kỳ đen tối” nơi văn minh, đúng như chúng ta vẫn biết, biến mất hoặc bị phân nhỏ thành các tiểu khu vực biệt lập, cổ lỗ - tất tật những nỗi sợ của chúng ta, phập phồng và được truyền bá rộng rãi đến mức đã trở thành một trong các cliché uy quyền của thời chúng ta - chúng thu nhiếp sức mạnh và vẻ hiển nhiên bề ngoài của chúng từ phép so sánh. Đằng sau mối nghi ngờ và thói tự hạ thấp mà ngày nay chúng ta bày ra lấp ló sự hiện diện, quá mức tràn ngập nên khó mà xem xét cho thấu đáo, của một quá khứ rất đặc biệt, của một “thời hoàng kim” đặc thù. Kinh nghiệm về hiện tại của chúng ta, những đánh giá, rất hay tiêu cực, mà chúng ta có với vị trí của mình trong lịch sử, là kết quả của một cuộc tranh đấu thường hằng chống lại cái mà tôi sẵn lòng gọi là “huyền thoại thế kỷ mười chín” hoặc, còn nữa, “khu vườn tưởng tượng của văn hóa theo hướng thuyết tự do [liberal]”.

Theo bản năng, chúng ta định vị khu vườn này tại nước Anh và Tây Âu từ những năm 1820 đến 1915.



(còn nữa)



Maurice Merleau-Ponty: Văn xuôi thế giới
Michel Foucault: "Thư viện huyền hoặc" (về Flaubert)
Albert Béguin: Tâm hồn lãng mạn và giấc mơ

2 comments:

  1. Choáng đầu thật. Ơ mà sao Heidegger lại là mô hình vượt qua thế nhỉ. :)

    ReplyDelete
  2. Tớ nghĩ mô hình của Khổng Tử nên là: mô hình quán thông (một mà xuyên suốt hết thảy. Tính xuyên suốt quan trọng với Nho giáo). Mô hình của Tạ Chí Đại Trường thì có thể diễn đạt một cách khác: chiến trang là nấc thang lịch sử.

    ReplyDelete