Feb 25, 2018

Nguyên tắc

Nguyên tắc thuộc vào những gì (có những thứ như thế) gần như không có cách giải thích nào tốt hơn (đúng hơn) so với tautology: nguyên tắc là nguyên tắc. (không hề có chuyện thuộc vào phạm trù của nên làm, mà thuộc phạm trù của những phải thế)


"Một Chúa không cảm thấy cũng không đau khổ không thỏa mãn con người với tư cách sinh thể có cảm thấy và có đau khổ, nhưng cũng không thỏa mãn nốt một sinh thể không làm gì khác ngoài cảm nhận, thiếu vắng niệm năng và ý chí. Chỉ một sinh thể chứa đựng trong mình con người hoàn toàn, thì mới cũng có thể thỏa mãn con người hoàn toàn. Ý thức mà con người có về anh ta trong toàn thể của anh ta là ý thức về tam vị. Tam vị đưa các xác định hay các lực về nhất thể, những thứ ấy cho tới lúc đó bị coi là tách rời nhau, qua đó đưa yếu tính chung của niệm năng, nghĩa là Chúa với tư cách Chúa, về một sinh thể đặc biệt, một năng lực đặc biệt.


Cái mà thần học chỉ định như là tái tạo, như là hình ảnh, như là sự giống của tam vị, chúng ta chỉ có thể diễn giải như là bản thân vật, yếu tính, mẫu, nguyên ủy, và bằng cách ấy đã giải được câu đố. Cái vẫn hay được gọi là hình ảnh, thông qua đó người ta từng hay tìm cách biến tam vị trở nên hữu hình, có thể hiểu được, chủ yếu là: tinh thần, niệm năng, ký ức, ý chí, tình yêu, mens, intellectus, memoria, voluntas, amor hay caritas.

Chúa nghĩ, Chúa yêu, nhưng Người tự nghĩ, tự yêu; cái được nghĩ, được biết, được ghi nhớ, được yêu là đích thân Chúa. Sự vật hóa ý thức về mình là điều đầu tiên mà chúng ta gặp nơi tam vị. Ý thức về mình được áp đặt một cách tất yếu, không theo ý chí, lên con người như một điều tuyệt đối. Đối với anh ta *là* là một với có ý thức về mình; đối với anh ta, *là* với một ý thức đồng nghĩa với *là* một cách tuyệt đối. Nếu tôi không biết tôi là, thì tôi là hay không là cũng như nhau. Đối với con người ý thức về mình quả thật tự thân có một biểu nghĩa tuyệt đối. Một Chúa không tự biết, một Chúa không ý thức không phải một Chúa. Cũng như con người không thể tự nghĩ nếu thiếu ý thức, cũng vậy, anh ta không thể như thế với Chúa. Ý thức về mình nơi Chúa không là gì khác ngoài ý thức về ý thức với tư cách sự cốt yếu tuyệt đối hay thuộc về Chúa.

Vả lại, qua đó tam vị hoàn toàn không bị cạn kiệt. Hơn thế nữa, hẳn sẽ hết sức võ đoán [“võ đoán”, đối với Feuerbach, là kết quả của tình cảm đẩy lên quá mức], nếu muốn rút gọn và giới hạn bí ẩn về tam vị vào đó. Ý thức, niệm năng, ý chí, tình yêu theo nghĩa yếu tính hoặc các xác định trừu tượng chỉ thuộc về triết học trừu tượng. Nhưng tôn giáo là ý thức mà con người có về chính anh ta trong toàn thể sống động của anh ta, nơi nhất thể của ý thức về mình chỉ tồn tại với tư cách nhất thể của Ich và Du [cf. Martin Buber, Ich und Du], nhất thể ấy được thực tại hóa và giàu có về quan hệ.

Tôn giáo, ít nhất là Ki-tô giáo, là một sự trừu tượng thế giới; tính bên trong thuộc về yếu tính của nó. Con người tôn giáo sống một cuộc đời rút khỏi thế giới, giấu vào Chúa, yên bình và vắng bặt những niềm vui thế tục [“thế tục” hiểu trong nghĩa tôn giáo, không phải trong nghĩa “thượng lưu”]. Nhưng anh ta chỉ biệt lập khỏi thế giới bởi vì Chúa là một *là* [Wesen] biệt lập khỏi thế giới, ở bên ngoài và ở bên trên thế giới, bởi vì, được diễn đạt một cách chặt chẽ và trong một ngôn ngữ triết học trừu tượng - anh ta là cái không-*là* của thế giới. Nhưng Chúa ở tư cách bên ngoài thế giới chỉ là yếu tính của con người tách rời khỏi thế giới để vào trong chính anh ta, được giải thoát khỏi mọi mối liên hệ và ràng buộc với nó, và ở phía trên thế giới, được thực tại hóa, được trực giác hóa ở tư cách yếu tính khách quan. Hoặc nữa, Chúa chỉ là ý thức về sức mạnh cho phép có thể thoát khỏi mọi thứ gì không phải là chính mình, chỉ *là* cho mình với bản thân mình, cũng như sức mạnh đó được sự vật hóa đối với con người ở bên trong tôn giáo, tức là ở tư cách sinh thể đặc biệt, khác với con người. Chúa với tư cách Chúa, với tư cách *là* đơn giản, là *là* tuyệt đối một mình, kẻ cô độc - sự cô độc và sự tự trị tuyệt đối, bởi vì chỉ có thể cô độc những gì tự trị. Có thể cô độc là một dấu hiệu của tính cách và sức mạnh suy nghĩ; sự cô độc là nhu cầu của người suy nghĩ, còn cộng đồng là nhu cầu của trái tim. Người ta có thể suy nghĩ một mình, người ta chỉ có thể yêu khi có hai. Chúng ta phụ thuộc trong tình yêu, vì có nhu cầu một sinh thể khác; chúng ta chỉ tự trị trong hành động cô độc của nghĩ. Sự cô độc là tự cung tự cấp, là tự đầy đủ.

Nhưng với một Chúa cô độc thì bị loại bỏ nhu cầu cốt yếu về tính chất đôi, về tình yêu, về cộng đồng, về ý thức về mình được thành tựu, về một Ich khác. Bởi vậy tôn giáo sẽ thỏa mãn nhu cầu ấy bằng cách đặt vào sự cô độc bình lặng của sinh thể Chúa một sinh thể khác, thứ hai, khác với Chúa do nhân cách, nhưng trong yếu tínhmột với Chúa: Chúa con trong khác biệt với Chúa cha. Chúa cha là Ich, Chúa con là Du. Ich, đó là niệm năng, còn Du, là tình yêu; tình yêu đi kèm với niệm năng, và niệm năng đi kèm với tình yêu trước hết là tinh thần [Geist], con người toàn thể [der ganze Mensch].

Chỉ cuộc sống trong cộng đồng mới là cuộc sống đích thực của Chúa, tự thỏa mãn với chính nó - suy nghĩ đơn giản này, sự thật tự nhiên này là bẩm sinh ở con người và là bí mật của bí ẩn siêu nhiên của tam vị. Nhưng cũng như mọi sự thật khác, sự thật này tìm thấy trong tôn giáo một biểu đạt chỉ gián tiếp, tức là đảo ngược, trong chừng mực cả ở đây nó cũng biến một sự thật phổ quát trở thành một sự thật đặc biệt, biến chủ ngữ đích thực trở thành một vị ngữ đơn giản, khi khẳng định: Chúa là một cuộc sống cộng đồng, một cuộc sống và một yếu tính của tình yêu và tình bạn. Nhân vật thứ ba chỉ diễn đạt tình yêu qua lại của hai nhân vật; nhân vật này là nhất thể của người cha và người con trai, khái niệm cộng đồng, đến lượt nó được đặt ra với một sự phi lý đầy đủ, ở tư cách một yếu tính [Wesen] đặc biệt, cá nhân.

Thánh linh có tồn tại riêng chỉ tùy thuộc vào độc một cái tên; vào chỉ một từ. Ngay các cha cổ xưa nhất của Nhà Thờ, như chúng ta biết, cũng từng đồng nhất tinh thần này với người con trai. Vậy nên nó không được chắc chắn lắm, so với nhân cách giáo lý về sau của nó. Đó là tình yêu mà Chúa có để tự yêu mình và yêu con người, và mặt khác là tình yêu mà con người có để yêu Chúa và những con người. Như vậy đó chính là nhất thể của Chúa và người, đúng như nhất thể đó là đối tượng cho con người bên trong tôn giáo, tức là với tư cách sinh thể đặc biệt. Nhưng đối với chúng tôi nhất thể ấy đã có nơi người cha và còn nhiều hơn nữa nơi người con trai. Do đó chúng tôi không cần dựng thánh linh thành đối tượng đặc biệt cho phân tích của chúng tôi. Chỉ duy nhất một nhận xét: với tư cách đại diện cho khía cạnh chủ quan [“chủ quan” cần được hiểu hết sức thận trọng ở Feuerbach; vả lại Feuerbach cũng từng nhiều lần giải thích rất rõ về từ này], thánh linh thực sự là sự trình hiện mà tinh thần [và cả tình cảm: Gemüt] tôn giáo tự mang tới cho chính nó, sự trình hiện của tình cảm tôn giáo, của niềm hào hứng tôn giáo, hoặc của sự nhân cách hóa, sự vật hóa của tôn giáo bên trong tôn giáo. Vậy, thánh linh là tạo vật thở than, là nỗi hoài nhớ của tạo vật hướng về Chúa.

Việc xét cho cùng không có nhiều hơn hai nhân vật, bởi vì, như đã nói, nhân vật thứ ba chỉ đại diện cho tình yêu, điều này được hiểu trong sự thể chỉ hai là đủ cho khái niệm chặt về tình yêu. Hai là nguyên tắc và do đó tương đương của nhiều. Nếu nhiều nhân vật được đặt ra, sức mạnh của tình yêu hẳn sẽ vì thế mà giảm đi; nó sẽ bị phân tán. Nhưng tình yêu và trái tim chỉ là một; trái tim không phải một năng lực đặc biệt - trái tim là con người với tư cách anh ta yêu. Như vậy, nhân vật thứ hai là sự tự khẳng định của trái tim con người ở tư cách nguyên tắc của đôi, nguyên tắc của cuộc sống cộng đồng - nhân vật này là sự ấm nóng; người cha là ánh sáng; mặc dù ánh sáng chủ yếu là một vị ngữ của người con trai, vì chính nơi người con trai mà lần đầu tiên tính chất Chúa đã trở nên sáng, tỏ, có thể tri nhận. Và thế nhưng chúng ta vẫn có thể quy cho người cha, ở tư cách đại diện cho tính chất Chúa như bản thân nó, yếu tính lạnh lùng của trí năng, ánh sáng với tư cách đó là một sinh thể phía bên trên trái đất, trong lúc quy cho người con trai sự ấm nóng với tư cách sinh thể trái đất. Chúa ở tư cách người con trai khởi đầu bằng việc làm cho con người ấm; nơi đây, Chúa, đối tượng của mắt, đối tượng hờ hững của thị giác như từng vậy, trở thành một đối tượng của tình cảm, của cảm xúc, của niềm hào hứng, của phấn khởi, nhưng chỉ là bởi người con trai không là gì khác ngoài nhiệt hứng của tình yêu, của niềm hào hứng. Ở tư cách người con trai, Chúa là hiện thân nguyên ủy, sự chối bỏ mình nguyên ủy của Chúa, sự cự tuyệt của Chúa trong Chúa; bởi nếu ở tư cách người con trai, đó là một sinh thể hữu hạn, bởi vì ab alio, tức là có một nền tảng, thì ngược lại người cha là không nền tảng vì người cha là tự bởi, a se. Như thế, nơi nhân vật thứ hai bị loại bỏ đi sự xác định cốt yếu của tính chất Chúa: sự xác định của *là*-tự-bởi [Von-sich-selbst-Sein]. Nhưng chính Chúa sinh ra người con trai; vậy nên Chúa bỏ sự độc chiếm nghiêm ngặt tính chất Chúa nơi mình; Chúa tự khiêm và hạ mình bằng cách đặt vào chính mình sinh thể của hữu hạn, sinh thể được tạo lập [tức là có nền tảng, chứ không “grundlos”: Von-einem-Grunde-Sein]; trong người con trai, Chúa trở thành người, trước hết không phải từ quan điểm của hình thức, mà từ quan điểm của yếu tính. Nhưng cũng chính qua đó ở tư cách người con trai, Chúa trước hết cũng trở thành đối tượng của con người, đối tượng của tình cảm, của trái tim.

Trái tim chỉ nắm bắt được những gì có gốc rễ trong trái tim. Từ bản tính của ấn tượng chủ quan người ta đi đến kết luận không thể sai về bản tính của đối tượng [Objeckt]. Niệm năng thuần túy, tự do thì chối bỏ người con trai, nhưng không phải niệm năng được quy định bởi tình cảm, phủ bóng của trái tim; nó tìm được nhiều chiều sâu của tính chất Chúa hơn rất nhiều nơi người con trai vì ở người con trai nó tìm được tình cảm, thứ ở chính nó và cho chính nó thì khó hiểu và do đó hiện ra với con người như một bí ẩn. Người con trai giành lấy trái tim, bởi vì người cha đích thực của con trai Chúa, đó là trái tim con người, bởi bản thân người con trai chỉ là trái tim Chúa, trái tim con người đối tượng của chính nó ở tư cách yếu tính Chúa.


Một Chúa không mang trong mình yếu tính của hữu hạn, nguyên tắc của thực tại thuộc cảm giác [khái niệm hết sức quan trọng trong triết học của Feuerbach], yếu tính của tình cảm phụ thuộc, một Chúa như thế không phải một Chúa đối với một sinh thể hữu hạn, có cảm giác. Cũng như con người tôn giáo chỉ có thể yêu rất ít một Chúa không mang trong mình yếu tính của tình yêu, con người, hay theo cách thức chung, một sinh thể hữu hạn, cũng rất ít có thể trở thành đối tượng của một Chúa không mang trong mình nền tảng của hữu hạn. Với một Chúa như vậy, thiếu đi mất giác quan, niệm năng, sự dự phần vào cái hữu hạn. Bằng cách nào Chúa có thể trở thành cha của con người, bằng cách nào Chúa có thể yêu các sinh thể khác chỉ là thuộc cấp, nếu không mang bên trong mình một sinh thể thuộc cấp, một người con trai, nếu Chúa không biết được, bằng kinh nghiệm của chính mình, trong tương quan với chính mình, yêu nghĩa là gì? Cũng như một con người biệt lập dự phần ít hơn vào những đau khổ của gia đình một người khác, so với người đích thân sống trong những mối liên hệ gia đình. Do đó Chúa cha chỉ yêu con người trong và cho con trai mình. Tình yêu mà Chúa dành cho con người phái sinh từ tình yêu của Chúa dành cho con trai.

Như vậy người cha và người con trai ở trong tam vị là cha và con không theo nghĩa bóng, mà theo nghĩa đen hết sức. Người cha thực sự là cha trong tương quan với người con trai cũng như người con trai là con trai thực sự trong tương quan với người cha hoặc với Chúa ở tư cách người cha. Khác biệt cá nhân cốt yếu giữa họ chỉ nằm ở điểm sau đây: một người là người sinh ra, người kia là người được sinh ra. Nếu phá bỏ sự xác định tự nhiên, mang tính chất cảm giác này, thì ta sẽ xóa bỏ tồn tạithực tại cá nhân của họ. Tín hữu Ki-tô, lẽ dĩ nhiên là các tín hữu Ki-tô xưa kia [Feuerbach phân biệt theo cách thức đặc biệt nghiêm ngặt tín hữu Ki-tô thời trước và thời hiện đại - tức là thời của Feuerbach; cái nhìn của Feurbach vào Ki-tô giáo là một cái nhìn phê phán mãnh liệt], những người hẳn sẽ rất khó lòng nhận ra, như là anh em của họ nơi Christ, các tín hữu Ki-tô thế tục hóa, phù phiếm, của thế giới hiện đại, từng đặt vào chỗ của tình yêu và sự nhất thể bẩm sinh một cách tự nhiên ở con người một tình yêu và một nhất thể chỉ có tính cách tôn giáo; họ vứt bỏ cuộc sống gia đình thực, những mối liên hệ thân thiết của tình yêu tự nhiên như là các điều không có tính chất Chúa, không thần thánh, tức là thật ra như các điều vô nghĩa. Nhưng để đổi lại họ có nơi Chúa một người cha và một người con trai ôm hôn nhau trong tình yêu thân thiết nhất, trong cái tình yêu mà chỉ những mối liên hệ tự nhiên của thân thích mới có thể tạo ra được. Vì lẽ đó bí nhiệm tam vị đối với các tín hữu Ki-tô xưa kia là đối tượng cho một niềm ngưỡng mộ, cho một niềm hào hứng và cho một nhiệt hứng trào dâng bởi vì ở đây, nơi Chúa, sự thỏa mãn các nhu cầu con người thiết thân nhất mà họ chối bỏ trong thực tại, trong cuộc đời, trở thành đối tượng cho trực giác của họ.

Bởi vậy, hoàn toàn là đúng theo trật tự mà, để hoàn chỉnh gia đình Chúa và mối liên hệ tình yêu giữa người cha và người con trai, một nhân vật thứ ba, lần này là nữ, được đón nhận ở trên trời; vì nhân cách của thánh linh là một sự nhân cách hóa quá mức mơ hồ, quá mức tạm, quá mức thơ ca về tình yêu qua lại giữa cha và con, nên không thể trở thành sinh thể thêm vào thứ ba kia. Maria, đúng thế, đã không được đưa vào giữa người cha và người con trai như thể người cha đã sinh ra người con trai thông qua bà làm trung gian, vì sự giao nhau của đàn ông và phụ nữ đối với tín hữu Ki-tô có cái gì đó phàm tục, một tội lỗi; nhưng chỉ cần sinh thể mẹ được đưa vào bên cạnh người cha và người con trai là đủ.


Thật ra người ta không thể thấy tại sao người mẹ lại phải phàm tục, tức là không xứng với Chúa, chừng nào Chúa là cha và con. Ngay cả khi người cha không phải cha theo nghĩa sinh đẻ tự nhiên, vì sự sinh đẻ của Chúa phải rất khác so với sự sinh đẻ tự nhiên, con người, thì Chúa vẫn không kém phần là người cha thực theo đường lối thật [Wirklich: khái niệm đặc biệt quan trọng trong triết học tinh thần và triết học tự nhiên, Hegel và Schelling] chứ không phải người cha giả vờ hay theo nghĩa bóng trong tương quan với con trai mình. Do đó, sự tạo thành người mẹ của Chúa, đối với chúng ta hiện nay thật lạ thường, không lạ thường hay nghịch lý hơn so với sự tạo thành người con trai của Chúa; nó không nói ngược lại các xác định chung trừu tượng của tính chất Chúa nhiều hơn so với tình trạng người cha hay người con trai. Hơn thế nữa, Maria hoàn toàn phù hợp với các phạm trù thuộc những tương quan tam vị vì bà sinh ra một người con trai không cần đàn ông, mà người cha sinh ra không cần phụ nữ, thành thử Maria tạo ra, ở giữa tam vị, một đối lập cần thiết với người cha, một đối lập cần phải có từ bên trong. Cũng vậy, dẫu đó không phải là ở cá nhân và được phát triển, mà trong suy nghĩ và không được phát triển, chúng ta đã có, nơi người con trái, nguyên tắc nữ. Con trai của Chúa là sinh thể dịu dàng, êm ả, người tha thứ và hòa giải, tình cảm nữ của Chúa. Với tư cách người cha, Chúa chỉ là người sinh thành, nguyên tắc của tự trị nam tính; nhưng người con trai được sinh ra mà bản thân lại không sinh ra, đó là Deus genitus, sinh thể biết đau đớn, sinh thể nhận về: người con trai nhận từ cha tồn tại [Sein] của mình. Ở tư cách con trai, dĩ nhiên không phải tư cách Chúa, người con trai tùy thuộc vào người cha, tuân phục uy quyền của cha. Như vậy ở Chúa người con trai là tình cảm nữ của sự tùy thuộc; người con trai áp đặt lên chúng ta, theo đường lối vô chủ ý, nhu cầu về một sinh thể nữ có thực.

Người con trai - tôi muốn nói người con trai tự nhiên, con người - tự mình và cho mình là vế trung gian ở giữa sinh thể đàn ông của người cha và sinh thể phụ nữ của người mẹ; bằng cách ấy người con một nửa là đàn ông, một nửa là phụ nữ, bởi vì hoàn toàn còn chưa có ý thức đầy đủ và nghiêm ngặt về tự trị, thứ đặc trưng hóa cho người đàn ông và thấy bị thu hút nhiều hơn về phía mẹ, so với về phía cha. Tình yêu của người con trai đối với mẹ là tình yêu đầu tiên của sinh thể đàn ông đối với sinh thể phụ nữ. Tình yêu của đàn ông đối với phụ nữ, của chàng thanh niên đối với cô thiếu nữ nhận được sự thiêng hóa ở phương diện tôn giáo - sự thiêng hóa duy nhất có tính cách tôn giáo theo đúng nghĩa - trong tình yêu của người con trai đối với mẹ. Tình yêu của người con trai đối với mẹ là nỗi hoài nhớ [Sehnsucht] đầu tiên, sự khiêm cung đầu tiên của người đàn ông trước người phụ nữ.

Chính vì thế tất yếu mà suy nghĩ về mẹ của Chúa cũng được nối với suy nghĩ về con của Chúa - cùng trái tim cần tới một người con trai của Chúa cũng cần một người mẹ của Chúa. Nơi nào có người con trai thì không thể thiếu người mẹ; nếu người con trai là bẩm sinh nơi người cha, thì người mẹ là tương tự vậy nơi người con trai. Đối với người cha, con trai là sự thay thế cho nhu cầu người mẹ, nhưng không phải người cha đối với người con. Người mẹ là không thể thiếu đối với người con trai; trái tim của người con trai là trái tim của người mẹ. Vậy thì tại sao Chúa con chỉ là đàn ông trong người phụ nữ? Đấng toàn năng không thể hiện ra ở tư cách con người giữa những con người theo một cách khác, không qua trung gian, hay sao? Vậy thì tại sao người con trai lại được thực tại hóa trong lòng một phụ nữ? Tại sao, nếu chẳng phải vì người con trai là nỗi hoài nhớ người mẹ, bởi vì trái tim nữ của người con trai, đầy tràn tình yêu, chỉ có thể tìm được biểu đạt tương ứng trong một cơ thể nữ? Người con trai với tư cách con người tự nhiên chỉ qua chín tháng trong chốn trú ngụ lòng người phụ nữ, nhưng các ấn tượng mà người con nhận được ở đó là không thể phai mờ; người mẹ không bao giờ rời khỏi tinh thần và trái tim của người con trai. Do đó, nếu sự kính ngưỡng con trai của Chúa không phải sùng bái thần tượng, thì sự kính ngưỡng mẹ của Chúa cũng không phải thế. Nếu phải nhận ra tình yêu của Chúa ở chuyện Chúa đã trao đứa con trai duy nhất của mình để cứu rỗi chúng ta, tức là những gì thân thiết nhất và được yêu quý nhất của Chúa, thì chúng ta còn có thể biết rõ tình yêu ấy hơn nếu đối với chúng ta bên trong Chúa đập một trái tim người mẹ. Tình yêu sâu thẳm nhất và cao nhất là tình yêu của người mẹ. Người cha được an ủi khi mất đi đứa con trai: ở người cha có một nguyên tắc khắc kỷ. Ngược lại, người mẹ không thể nguôi ngoai - người mẹ thì đau khổ, nhưng sự kiện không thể nguôi ngoai chính là sự thật của tình yêu.


Nơi nào tụt đi mất lòng tin vào mẹ của Chúa, nơi đó cũng tụt đi mất lòng tin vào con trai của Chúa và vào Chúa cha. Người cha chỉ là một sự thật ở nơi nào người mẹ là một sự thật. Tình yêu tự nó và cho nó thuộc về giống và yếu tính nữ. Niềm tin vào tình yêu của Chúa là niềm tin vào yếu tính nữ ở tư cách mang tính chất Chúa. Tình yêu không kèm tự nhiên là một huyễn ảnh, một bóng ma. Chính trong tình yêu cần phải nhận ra sự tất yếu và chiều sâu thiêng liêng của tự nhiên!"


[Ludwig Feuerbach, Das Wesen des Christentums, 1841, I, 5]

5 comments:

  1. diễn giải về bí ẩn tam vị nhất thể một cách rất tinh tế, nhưng là bằng một logic "thế tục" dường như cố kéo Chúa lại gần hơn với người, về cảm giác, và như thế là một thái độ hiện đại - điều mà đến lượt nó sẽ phải bộc lộ cái mục đich biện minh được.
    thời đạo xưa, một trong những mô tả về Chúa gọi ngài là "Đấng toàn tha", không thể dùng lời mà nói và thậm chí là không thể nhận thức được. cái khoảng cách đó nâng người ta lên. thì hình như ở đây Feuerbach làm một chuyện ngược lại - "Một Chúa không mang trong mình yếu tính của hữu hạn, nguyên tắc của thực tại thuộc cảm giác [khái niệm hết sức quan trọng trong triết học của Feuerbach], yếu tính của tình cảm phụ thuộc, một Chúa như thế không phải một Chúa đối với một sinh thể hữu hạn, có cảm giác. Cũng như con người tôn giáo chỉ có thể yêu rất ít một Chúa không mang trong mình yếu tính của tình yêu, con người, hay theo cách thức chung, một sinh thể hữu hạn, cũng rất ít có thể trở thành đối tượng của một Chúa không mang trong mình nền tảng của hữu hạn."
    khác nữa, cái phương trình cân bằng này có vẻ nguy hiểm: nếu "hữu hạn" và vô hạn là hai nền tảng/yếu tính, hoặc nếu chúng chỉ là một, thì sẽ ra sao? dường như cách nào thì cũng gây 1 biến chuyển trong Chúa; mà Chúa thì không.
    vậy chắc Feuerbach lại phải vòng trở lại để nâng cấp các phiên bản kế tiếp.

    ReplyDelete
  2. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (cùng với mầu nhiệm Nhập Thể) trong Kitô giáo trước nay thường chỉ được hiểu bằng niềm tin ‘phúc cho ai không thấy mà tin’

    ReplyDelete
  3. ‘thánh linh thực sự là sự trình hiện mà tinh thần tôn giáo tự mang tới cho chính nó”- vậy có thể giải thích tại sao Ngôi Ba- Chúa Thánh Thần trong Kinh thánh xuất hiện dưới nhiều biểu tượng như bồ câu, lưỡi lửa, gió,...? ‘Đức Bà thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần’- quyền năng ở đây có thể hiểu là tình yêu?

    ReplyDelete
  4. đọc Martin Buber ấy, nhất là về lòng tin ở người Do Thái trong đối sánh với người Ki tô

    ReplyDelete
  5. Feuerbach: "God as God, that is, as a being not finite, not human, not materially conditioned, not phenomenal, is only an object of thought. He is the incorporeal, formless, incomprehensible – the abstract, negative being: he is known, i.e., becomes an object, only by abstraction and negation." [...] "Niệm năng thuần túy, tự do thì chối bỏ người con trai, nhưng không phải niệm năng được quy định bởi tình cảm, phủ bóng của trái tim; nó tìm được nhiều chiều sâu của tính chất Chúa hơn rất nhiều nơi người con trai"

    Michel Henry: "Abstraction, which Marx calls mysticism, is not the product of an operation performed by the subject, it is the subject itself. Abstraction is the subject because it is the act of withdrawing itself, of abstracting itself from the content. [...] In abstraction, the form and the content are posited in opposing terms, as extremes, but in such a way that each leads back directly to the other, finds its being in the being of the other, and is the other. In abstraction lies the power and essence of the dialectic."

    Berdyaev: Tolstoy quá bận rộn với thần học và là một nhà thần học rất tệ; Dostoevsky không hẳn giày vò về Chúa mà về con người và số phận của nó; nhưng chính bằng cách giữ mọi thứ ở mức độ nóng chảy mà Dostoyevsky là nhà cách mạng tinh thần đích thực (Lukacs cũng đúng khi nói cái Dostoyevsky viết không hẳn là tiểu thuyết mà là một thứ gì đang định hình và chắc chắn không có sự hoàn hảo nghệ thuật như Tolstoy; nhưng nếu sứ mệnh của nghệ thuật là tiên tri, là cách mạng thì nghệ thuật phải dám tự hủy để trở thành chính nó)

    ReplyDelete