Một nhân vật như Michelet đã đủ sức làm sụp đổ toàn bộ cái huyền thoại tồn tại dai dẳng từ xưa đến nay, rằng trí thức Việt Nam hiểu biết rất sâu sắc văn hóa Pháp. Không, tôi đã thấy là chẳng có gì như vậy hết; Michelet hoàn toàn thiếu vắng ở Việt Nam. (huyền thoại, ở một phương diện không nhỏ, là sự đóng cặn)
Tôi cũng cần Michelet cho một điều nữa: lấy Balzac làm trục, tôi đã ngay tức khắc có bộ ba (hiển nhiên): Balzac, Hugo, Dumas. Khi đưa thêm Heinrich Heine vào, tôi có thêm, thêm gì nhỉ: thêm một mở rộng. Nhưng Balzac còn ở trong một bộ ba khác nữa: Balzac là một, Auguste Comte và Jules Michelet là hai "vế" còn lại. Comte và Michelet cùng sinh năm 1798, tức là hơn Balzac một tuổi. Auguste Comte, mà Alain không ngừng nhắc đến, hồi còn rất trẻ (tức là còn chưa đầy hai mươi tuổi) làm thư ký cho một nhân vật lớn: Saint-Simon (hơi giống về sau Rilke làm thư ký cho Rodin); Comte có hai học trò khủng khiếp: Émile Littré và John Stuart Mill. Chúng ta sẽ đến với Comte sau.
Michelet là một đại dương (theo tôi chính điều này đã hấp dẫn Roland Barthes). Làm thế nào để, ngày hôm nay, đọc được Michelet? "Michelet, ngày hôm nay" là tên một tiểu luận khác của Barthes: về Michelet, Barthes không chỉ viết cuốn sách về Michelet trong thập niên 50, cũng như bài mà tôi đã dịch (về lịch sử và chết); về sau, còn nhiều lần Barthes viết về Michelet, ít nhất là ba lần: ngoài "Michelet, ngày hôm nay" còn có một bài nữa, và thêm một bài nữa: bài tựa cho một cuốn sách của Michelet, La Sorcière. Tôi sẽ còn quay trở lại với những bài ấy.
Và, đúng, chính La Sorcière là con đường cho chúng ta, ngày hôm nay, để đi vào Michelet. Tôi nhớ đến một buổi học (cours magistral) tại hội trường lớn ở Sorbonne, không rõ là năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba hay năm thứ tư tôi học ở đó nữa. Hôm ấy có một người được mời đến để giảng bài, không phải giáo sư quen thuộc; người đó phát cho chúng tôi mấy tờ giấy chép các trích đoạn Nữ Phù Thủy của Michelet. Mười lăm năm sau, tôi quay trở lại với chính La Sorcière.
Tôi sẽ sử dụng ấn bản dưới đây:
nhân tiện: đã tiếp tục những gì Alain viết về (các) quyền lực
Nữ Phù Thủy
Nhập đề
Sprenger nói (trước 1500): “Cần phải nói tà đạo của các nữ phù thủy, chứ không phải
của các nam phù thủy; những kẻ đó chẳng đáng gì.” - Và một người khác dưới thời
Louis XIII: “Một nam phù thủy thì có đến mười nghìn nữ phù thủy.”
“Tự nhiên đã làm ra bọn họ là nữ phù thủy.” - Đó là bản thân
thiên tài nơi Phụ Nữ và tính khí cô ta. Cô ta sinh ra là Tiên. Thông qua sự
quay trở lại đều đặn của hứng khởi, cô ta là cô đồng Sibylle. Thông qua tình
yêu, cô ta là Nữ Thuật Sĩ. Thông qua sự khéo léo, sự tinh ranh của mình (thường
nhiều huyễn tưởng và đầy tốt lành), cô ta là Nữ Phù Thủy, và có số phận, ít nhất
là ru ngủ, đánh lừa các căn bệnh.
Mọi tộc người nguyên thủy đều có cùng một khởi đầu; chúng ta
thấy điều đó qua những Chuyến Đi. Đàn ông đi săn và đánh nhau. Phụ nữ trổ tài
khéo, tưởng tượng; cô ta đẻ ra các giấc mộng và những vị thần. Cô ta là người thấu thị một số ngày; cô ta có cái
cánh vô tận của ham muốn và giấc mơ. Để xem xét thời tiết rõ hơn, cô ta quan
sát bầu trời. Nhưng mặt đất sở hữu trái tim cô ta không kém. Mắt cúi xuống những
bông hoa của tình yêu, bản thân cô ta cũng trẻ trung và cũng là hoa, cô ta làm
quen thân thiết với chúng. Là phụ nữ, cô ta đề nghị chúng chữa bệnh cho những
người mà cô ta yêu quý.
Khởi đầu của các tôn giáo và khoa học mới đơn giản và gây cảm
động làm sao! Về sau, mọi thứ sẽ phân chia; ta sẽ thấy bắt đầu có con người đặc
biệt, người tung hứng, nhà chiêm tinh hoặc nhà tiên tri, người gọi hồn, thầy
tu, bác sĩ. Nhưng thoạt đầu, Phụ Nữ là mọi thứ.
Một tôn giáo mạnh và khỏe khoắn, như đạo đa thần Hy Lạp từng
như vậy, bắt đầu với cô đồng, kết thúc với nữ phù thủy. Người thứ nhất, nàng
trinh nữ xinh đẹp, rực sáng, đưa nôi ru nó, trao cho nó vẻ duyên dáng và vòng
hào quang. Về sau, đã bị đọa, bệnh tật, trong bóng tối của trung cổ, nơi các
truông và những cánh rừng, nó được che giấu bởi nữ phù thủy; tình thương quả cảm
của cô ta nuôi nấng nó, giúp nó sống tiếp. Như vậy, đối với các tôn giáo, Phụ Nữ
là mẹ, người canh gác dịu dàng và bảo mẫu trung thành. Các vị thần thì cũng giống
những người đàn ông; họ sinh ra và chết đi trên ngực cô ta.
Lòng trung thành khiến cô ta phải trả giá thật gớm ghê!… Những
bà hoàng, nữ pháp sư Ba Tư, Circé rạng rỡ! Sibylle trác tuyệt, hỡi ôi! các người
đã trở thành gì? và một sự chuyển hóa mới man rợ làm sao!… Người phụ nữ từng, từ
ngai vàng Đông Phương, dạy dỗ về các phẩm tính cây cối và sự du hành của các
ngôi sao, người phụ nữ, nơi cái bệ ba chân ở Delphes, rạng ngời từ vị thần ánh
sáng, từng truyền những lời sấm của ông cho cả thế giới quỳ gối - chính cô ta,
một nghìn năm sau, bị người ta truy đuổi như một con thú hoang, mà người ta
quây dồn đến các ngã tư, nhục nhã, bị giằng kéo, bị ném đá lên người, ngồi trên
than hồng!…
Giới tăng lữ không có đủ giàn thiêu, dân chúng không đủ lời chửi
rủa, đứa trẻ không đủ đá để ném người phụ nữ bất hạnh. Nhà thơ (cũng là trẻ
con) ném vào cô ta một hòn đá khác, còn tàn nhẫn hơn đối với một phụ nữ. Anh ta
cho, đầy võ đoán, cô ta lúc nào cũng xấu xí và già nua. Nghe thấy từ Nữ Phù Thủy,
người ta nhìn thấy những mụ già gớm ghiếc của Macbeth. Nhưng những phiên tòa
tàn nhẫn của họ cho biết điều ngược lại. Rất nhiều phải chết chính vì họ trẻ và
đẹp.
Nàng Sibylle đoán trước số phận. Và Nữ Phù Thủy thực thi nó.
Đó là khác biệt lớn, khác biệt đích thực. Cô ta gợi lên, cô ta khẩn cầu, thực
hiện phần số. Đó không phải nàng Cassandre cổ xưa nhìn rõ tương lai đến thế,
than van cho nó, đợi nó. Người phụ nữ này tạo ra tương lai ấy. Còn hơn Circé,
còn hơn Médée, cô ta cầm trên tay cây đũa của phép mầu tự nhiên, có Tự Nhiên là
trợ tá và người chị em. Cô ta đã có những đường nét của Prométhée hiện đại. Nơi
cô ta khởi đầu công nghiệp, nhất là công nghiệp tối cao, nó chữa bệnh, tái tạo
con người. Trái ngược với Sibylle, người như thể nhìn bình minh, cô ta nhìn tà
dương; nhưng cũng chính tà dương sẫm tối đó mang lại, rất lâu trước bình minh
(như điều có thể thấy nơi các đỉnh cao của dãy Alpes), một rạng đông sớm của
ngày.
Thầy tu nhìn thấy rõ rằng mối nguy, kẻ thù, đối thủ đáng gờm
nằm trong người phụ nữ mà ông ta vờ như khinh bỉ, nữ tu sĩ của Tự Nhiên. Từ những
vị thần cổ xưa, cô ta đã sinh ra các vị thần. Ở ngay cạnh Satan của quá khứ,
người ta thấy nơi cô ta lấp ló một Satan của tương lai.
Thích cái độ không của anh. Và ngày càng thấy rõ hơn đọc tức là xếp.
ReplyDelete"độ không" là khái niệm của Barthes: ba cuốn sách đầu tiên của RB (Roberto Baggio) là "Độ không của viết" (1953), "Michelet" (1954) và "Huyền thoại" (1957)
ReplyDeleteEm search thì thấy cuốn Độ không.. có bản dịch của Nguyên Ngọc, lại đi lùng xem sao :d
ReplyDeleteOài ơi, tiếp đê. Đang háo hức để so với anh Diệp.
ReplyDeleteMaure và Do Thái, "Phương Đông" khá gần.
ReplyDeletenhững cái lều đẻ ra lâu đài, như bùn đẻ ra "văn hóa" và Nữ Phù Thủy đẻ ra tôn giáo.
nhại Cioran: lịch sử là lịch sử của sự vô ơn.
đẻ ra y học: y học thời hiện đại là biếm hoạ hoạt động của Nữ Phù Thuỷ, và nó lừa dối, khi trở thành một dạng ý thức tập thể giống toà án, trường học hay nhà tù
ReplyDeleteít nhất thì phù thuỷ cũng làm giảm đau đớn
Em cứ tưởng Nữ Phù Thuỷ còn đẻ ra cả Thi học cơ?
ReplyDeleteđập tan tin đồn La Sorcière chính là Le Diable :v anw đúng là RB (Roberto Baggio) liên quan rất là với Nữ Phù Thuỷ :v
ReplyDeletey học hiện đại mới đúng là diable, với đống máy móc của nó, MRI, citi cắt lớp gì đó etc. - và không chữa khỏi cái gì nhưng lừa người ta vào ma trận của những trò "khám bệnh định kỳ" với cả chẩn đoán sớm cái này cái kia (để trông cho có vẻ văn minh)
ReplyDeletevới cả đám Devil Doctor bất tài thờ thần tài
ReplyDelete