Tiểu thuyết của Salman Rushdie, đặc biệt Những đứa con của nửa đêm (những ai kịp đọc xong rồi hẳn sẽ thấy ngay), thuộc dạng "loquacious", vô cùng lắm lời, ngôn từ tuôn ra, trào ra, phọt ra, như những màn pháo hoa liên tu bất tận.
Nhưng tiểu luận của Salman Rushdie, như ví dụ ở đây (bài dài quá, tôi è ra dịch mãi chưa xong :p) sẽ cho thấy một Salman Rushdie khác. Kiệm lời hơn, và như thể chín chắn hơn nhiều.
Joseph Anton, tự truyện của Salman Rushdie, mặc dù vô cùng dày (nghĩa là cũng có thể coi là "loquacious"), cũng có tính chất kiệm lời này. Trong sách, Salman Rushdie dùng ngôi thứ ba chứ không "tôi", và đây là cuốn sách có sự chân thực hiếm có. Người vợ đầu Clarissa từng phản bội Salman Rushdie một lần (nhưng vụ đó chưa dẫn đến ly hôn), và Salman Rushdie đã tương tên của tình địch vào trong sách: Aylmer Gribble. Người vợ thứ hai, khi bắt đầu quan hệ với Salman Rushdie, thì nhắn cho một người bạn thân của Rushdie: tôi đổi số điện thoại rồi nhé, cái số mới này chắc anh cũng nhận ra; như thể muốn nói: "Thấy chưa, tôi đã tóm được anh ta rồi". Tức là kể hết.
Giọng văn hồi cố của Salman Rushdie nhuộm màu buồn bã, u hoài, nhiều chỗ mỉa mai. Bỏ qua những câu chuyện tình duyên (vô số), Joseph Anton thuật lại theo cái nhìn của Salman Rushdie rất nhiều sự kiện văn chương hơn ba mươi năm qua.
Khi mới bắt đầu thành công, Salman Rushdie rõ ràng rất hăng say với những cuộc tụ tập đông người, dự Đại hội Văn bút PEN ở Mỹ và tham gia rất nhiều hoạt động sôi nổi khác. Năm 1986, Congress of International PEN (New York) lần thứ 48 là một sự kiện rất lớn. "The congress was quite a show". Năm ấy, Norman Mailer đang là chủ tịch PEN American Center, Salman Rushdie thuộc nhóm đại biểu trẻ nhất. Chỉ cần vài trang vô cùng hài hước, Rushdie đã miêu tả xong xuôi một kỳ tụ hội văn chương, kiểu ngày nay ta rất khó hình dung nổi là có thể tồn tại.
Câu chuyện này cũng rất nhiều ý nghĩa để biết về cặp nhà văn Anh gốc nước ngoài vô cùng danh tiếng, đặc biệt nổi bật trong dòng văn chương vẫn hay được gọi là "hậu thuộc địa", Rushdie và Naipaul: khi Những đứa con của nửa đêm chuẩn bị xuất bản bên Mỹ, Rushdie sang New York để gặp Robert Gottlieb, biên tập viên rất nổi tiếng của nhà xuất bản Knopf (Gottlieb sau này rời Knopf sang The New Yorker và cũng nhờ vậy cánh cửa của tờ tạp chí này mới mở ra với Rushdie). Gottlieb rất nhã nhặn và lịch sự, sau rồi nói chuyện thoải mái mới thú nhận mình mới đọc một cuốn sách rất vĩ đại, đọc xong thì Gottlieb nghĩ mình sẽ không tài nào thích nổi một nhà văn có background đạo Hồi. Rushdie hỏi đó là cuốn sách nào, Gottlieb đáp, Among the Believers, và đó là lần đầu tiên Rushdie nghe đến tên Naipaul.
Giai thoại này thì vui: sau The Satanic Verses, Rushdie được mời đến ăn trưa cùng Graham Greene (còn có vài nhà văn nhập cư khác). Greene, khi ấy đã rất già, lao về phía Rushdie và hét lên: "Rushdie! Come and sit here and tell me how you managed to make so much trouble! I never made nearly as much trouble as that!" :p
Những đứa trẻ của nửa đêm, ở bìa 2 viết là Hoàng hậu Elizabeth II trao tặng tước hiệp sĩ.
ReplyDeleteNhân vật mới à? là Nữ hoàng chứ?
vâng, bác nói đúng, đây là một lỗi, đã được phát hiện và sẽ được sửa, cám ơn bác
ReplyDelete