Giữa mùa hè, tôi có một chuyến mua sách hết sức loạng quạng. Thế nào mà không hề hy vọng từ trước, cuối cùng tôi đã vớ được, mà lại ngay ở Việt Nam, mà lại bản in đầu, cuốn sách mà tôi tìm kiếm nhất viết về Stendhal, cuốn sách của nhà văn phát xít Maurice Bardèche:
Stendhal tiểu thuyết gia được Bardèche cho xuất bản năm 1947 tại nhà xuất bản La Table Ronde. Đây là thời điểm không lâu sau khi Robert Brasillach bị xử bắn (các bác có nhớ Brasillach và bài viết cực hay về Đi tìm thời gian đã mất không? xem ở đây; bản thân Bardèche sau này cũng viết một cuốn sách về Proust, còn nhà văn đầu tiên mà Bardèche dành cho hẳn một chuyên khảo là Balzac).
Trong cuốn sách về Stendhal này, Bardèche có một giọng văn vô cùng khoái hoạt, "thay vì trở thành sinh viên trường Bách khoa ông đã trở thành một Pa-ri-diêng". Tác phẩm phê bình này tổng kết toàn bộ những thành tựu mà phê bình Pháp thu gặt được ở đề tài Stendhal trong vòng mấy chục năm trước Thế chiến thứ hai, giai đoạn Stendhal thực sự trở thành thần tượng của cả một lớp thanh niên, sau rất nhiều quên lãng, bỏ bê.
Ta quay trở lại với Maurice Bardèche một chút: Bardèche thuộc thế hệ bằng tuổi với Nhất Linh, Hoàng Đạo bên Việt Nam, một thế hệ khủng khiếp với những chia rẽ, đối đầu về ý thức hệ, chủ nghĩa quốc gia và vô vàn bạo động, cùng các cuộc chiến tranh. Bardèche hay Brasillach là những nhân vật văn chương kiệt xuất, thành danh trên văn đàn cũng sớm như Hoàng Đạo, Nhất Linh. Brasillach cũng sẽ bỏ mạng giống Hoàng Đạo, trong thập niên 40. Thế hệ ấy phải mang trên vai những gánh nặng rất lớn.
Maurice Bardèche là anh hoặc em rể của Brasillach. Họ cùng thuộc nhóm những cậu bé học dự bị ở trường Louis-le-Grand và thi đỗ vào trường Normale Sup khóa 1928. Cần phải nhìn nhận khóa 28 này của trường Sư phạm phố Ulm một cách thật cẩn thận: có các nhà văn cực hữu vô cùng nổi tiếng, là Robert Brasillach và Thierry Maulnier (bút danh của Jacques Talagrand). Nhưng cùng khóa lại có Roger Vailland, một người kháng chiến cũng lừng danh, sau này viết kịch bản phim cho Roger Vadim, và có thêm một nhân vật kiệt xuất nữa: Simone Weil, nữ triết gia đứng về phía những người bị áp bức; chính Maurice Bardèche là người đặt biệt danh "Vierge rouge" (Trinh nữ đỏ) cho Weil. Và cũng khóa này còn có Georges Pompidou, tổng thống tương lai của nền cộng hòa. Đặc biệt, có thêm Phạm Duy Khiêm, một cậu bé xuất thân thuộc địa, xem thêm ở đây (Léopold Senghor thì không học khóa này; trước đây tôi cũng tưởng Phạm Duy Khiêm và Senghor học cùng khóa ở Normale Sup nhưng hóa ra không phải, có vẻ như họ chỉ có quen biết nhau). Khi phát xít Đức thua trận, Brasillach thì bị xử bắn, còn Bardèche và Thierry Maulnier không mấy bị ảnh hưởng (Simone Weil thì đã chết thảm trước đó), nhưng Bardèche cũng khốn đốn vì mất công ăn việc làm, mãi cho tới khi Georges Pompidou lên làm tổng thống thì Bardèche mới dễ thở hơn (tổng thống trước đó là de Gaulle đã không chịu ân xá cho Robert Brasillach).
Một thế hệ rất đặc biệt, một khóa học sinh vừa hào hùng vừa tan nát. Sau này, để biết về cuộc sống của họ, người ta cần đọc hồi ký của Bardèche hoặc hồi ký của một nhà văn khác nữa: Henri Queffélec (cũng học Normale Sup, có thể là cùng khóa hoặc sau một chút so với cả loạt nhân vật nói trên). Henri Queffélec là bố của Yann Queffélec, nhà văn rất nổi tiếng ở Việt Nam với cuốn tiểu thuyết được giải Goncourt với nhan đề tiếng Việt Những cuộc hôn thú man dại (một cái nhan đề bị dịch sai).
Cùng trong chuyến mua sách loạng quạng này, tôi còn hớt được:
Jean Genet, nhà văn tội phạm, và:
Đây chính là Người lính khinh kỵ trên mái nhà. Genet và Giono, hai nhà văn Pháp vô cùng đặc biệt ấy, cơ sở xuất bản nào ở Việt Nam mà làm được, bất kỳ quyển nào, tôi cũng sẽ quảng cáo không công một cách nhiệt tình cho :p
Stendhal viết tiểu thuyết
Trở về cổ điển: Stendhal
Why not Nhã Nam?
ReplyDelete"bất kỳ" còn gì, các bạn chạy đua đi hehe
ReplyDeletehãy quảng cáo cho nơi loạng quạng ấy :))
ReplyDeleteChỗ ngõ Văn Chương á ?
ReplyDeleteừ, không phải ngõ Văn Chương
ReplyDelete