Nếu thiếu một số tác phẩm, lịch sử tiểu thuyết sẽ không còn là nó nữa. Lịch sử tiểu thuyết Pháp sẽ là một lịch sử khác nếu thiếu Stendhal - thế nhưng bản thân Stendhal cũng tự biết hậu thế nửa thế kỷ sau khi ông qua đời mới bắt đầu hiểu tiểu thuyết của ông giá trị như thế nào.
Đỏ và Đen: hồi nhỏ tôi đọc, nhớ nhất là một nhân vật rất buồn cười tên là "baron Baton".
Giờ giở ra, như bị đập một cú vào mặt khi đọc đoạn đầu lời giới thiệu của Trọng Đức Đỗ Đức Dục: "Ông là người mở đầu cho trào lưu chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học nước Pháp." Bố khỉ :p
Bản dịch của Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ trong ảnh là ấn bản lần hai, 1986. Julien Sorel của Đỏ và Đen cũng đáng nhớ ngang bằng Frédéric Moreau của L'Éducation sentimentale (Flaubert), còn Madame de Rênal và Mathilde de la Mole dĩ nhiên hấp dẫn hơn Madame Bovary nhiều.
Năm 1973 tạp chí Văn ra số đặc biệt này. Ở Việt Nam cũng có bản dịch La Chartreuse de Parme, rồi nhiều truyện thuộc Chroniques italiennes, nhưng về cơ bản Stendhal không được hiểu mấy ở Việt Nam, theo tôi một phần nguyên nhân là vì các nhà nghiên cứu đã đặt địa vị của Victor Hugo lên quá cao.
Bốn tác phẩm của Stendhal: ba cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh, Armance, Le Rouge et le Noir và La Chartreuse de Parme, cùng Lamiel cuốn tiểu thuyết chưa viết xong. Sau khi đã tạo ra Julien Sorel rồi, Stendhal vẫn còn đủ sức tạo ra thêm Fabrice del Dongo ở triều đình Parme, một cuốn tiểu thuyết vô song. Đỏ và Đen được viết từ một câu chuyện có thật, một vụ án thời đó: Julien Sorel là sự chuyển hóa của Antoine Berthet. Nhưng Fabrice del Dongo thì khó tìm "nguồn gốc" hơn nhiều.
Có hai nhà văn viết hay nhất về những chiến trận của Napoléon, cả hai đều từ những góc nhìn cực kỳ quái gở: ấy là Tolstoi của Chiến tranh và hòa bình và Stendhal của La Chartreuse de Parme, đoạn Fabrice chạy quắn đít ở Waterloo mà không biết có thật mình đang tham chiến hay không.
Nước Ý tình yêu của Stendhal, và tập tiểu luận De l'amour, viết sau một cuộc tình hình như nhiều cay đắng.
"Tự truyện" Stendhal viết trong thập niên 30 của thế kỷ XIX, sau một "khải thị" ở Rome, và cuốn tiểu thuyết Lucien Leuwen, thêm một tiểu thuyết không hoàn chỉnh của Stendhal. Lucien, sinh viên trường Bách khoa bước vào cuộc phiêu lưu cộng hòa của mình một cách nhẹ nhõm nhưng chẳng biết phải làm gì với cuộc đời mình.
Một tiểu sử Stendhal rất là dày, vô cùng chi tiết. Nhưng có bao giờ người ta thực sự hiểu được Stendhal không? Cuộc đời ấy có quá nhiều bí mật.
Trong cuốn sách của mình, Léon Blum xác nhận lời tiên tri của Stendhal: thế hệ của Blum chính là thế hệ đầu tiên phát hiện ra tầm vóc của Stendhal. Blum là yếu nhân của cái mà chúng ta vẫn được các giáo sư lải nhải giảng cho: Mặt trận bình dân hồi 1936. Blum chính trị gia nước Pháp bị đày đi trại Buchenwald nhưng may mà không chết, còn là một nhà phê bình văn học kiệt xuất. Jean-Pierre Richard lại là một nhà phê bình đỉnh cao khác, và việc đặt Stendhal và Flaubert cạnh nhau một cách hết sức bất ngờ đã cho thấy Richard tinh tế như thế nào: không ai khác nhau hơn Stendhal khăng khăng với lăng kính chính bản thân mình với Flaubert lúc nào cũng muốn tách khỏi người khác, nhưng cũng chẳng có cặp nhà văn nào gần gũi sâu xa hơn thế.
Chú có biết ai là người đầu tiên đã “chỉ định” Xtăng-đan là nhà văn hiện thực, Huy-gô là nhà lãng mạn tiến bộ không?
ReplyDeletecó: đấy là Ý Luận (ideology), thông qua phái sinh đồng thời cũng là phát ngôn viên của nó, lý luận (văn học); anw, chắc cái đó diễn ra vào thập niên 70 của thế kỷ 20
ReplyDeletecháu cảm ơn Chú trả lời ạ. Ý Luận cháu biết rất ít, nhưng câu trả lời làm cháu nghĩ, cả cái blog này là một công việc xây dựng Ý Luận của Chú, có đúng không ạ?
ReplyDeletekhông
ReplyDeleteVâng ạ, cháu sẽ đọc về ideology thêm.
Delete