Apr 22, 2009

Cụ Trứ, once for all

* Thỉnh thoảng cũng phải khủng bố các bạn một chút chứ nhỉ. Đợt vừa rồi có vẻ như là tôi hơi bị hiền, và hiền thì lại hay bị bắt nạt.

* Bài dưới đây là một dạng ý tưởng, còn rất nhiều điểm có thể/cần phải triển khai và đào sâu (post lên đây bị mất những chỗ in nghiêng, thật là mất đi bao nhiêu phần thi vị hehe).

Nguyễn Công Trứ là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, ở hơn một phương diện. Điều này đã được Trần Đình Hượu khẳng định ngay từ đầu bài viết của mình về Nguyễn Công Trứ: “Trong các danh nhân Việt Nam, không có ai giống Nguyễn Công Trứ. Ông là một nhân vật đặc biệt[1]”. Vấn đề của các nhà nghiên cứu (ở trường hợp Nguyễn Công Trứ là ở nhiều chuyên ngành, trong đó quan trọng hơn cả là sử học và văn học) là chỉ ra và lý giải những đặc biệt ấy. Đây là một vấn đề rất không dễ dàng, bởi cũng chính Trần Đình Hượu viết ngay sau nhận định nói trên rằng: “Đặc biệt vì ông đã lập nên một sự nghiệp lừng lẫy nhiều mặt, mặt nào cũng độc đáo. Và có lẽ đặc biệt hơn là con người, cách làm người của ông được nhiều người ngưỡng mộ nhưng ít khi được hiểu thật đúng[2]”. Những chỗ “ít khi được hiểu thật đúng” ở Nguyễn Công Trứ khiến cho tám mươi năm nghiên cứu Nguyễn Công Trứ ở Việt Nam[3] vẫn chưa đi sâu được vào nhiều khía cạnh của ông, nhất là những gì liên quan đến đặc sắc văn chương và những khác biệt về thái độ ở nhà nho Nguyễn Công Trứ so với trước đó cũng như so với đương thời.

Có thể nhanh chóng lược qua những điều đặc biệt hết sức nổi bật ở Nguyễn Công Trứ, nhân vật mà cuốn sách đầu tiên về ông, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ của Lê Thước, đã trân trọng gọi là “một bậc tiền bối đáng hâm mộ, đáng tôn sùng”[4].

Thứ nhất, Nguyễn Công Trứ được chép đặc biệt nhiều lần trong Đại Nam thực lục, với số lượng chính xác mà các nhà nghiên cứu đưa ra khá là khác nhau: từ vài chục vị trí như một số người đưa ra cho đến con số 261 vị trí theo Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử[5], và gần đây nhất là 329 vị trí theo Trần Ngọc Vương[6].

Thứ hai, ông cũng là nhân vật có đặc biệt nhiều giai thoại. Về vấn đề này, phần đông các nhà nghiên cứu thống nhất kết luận ông là người nhận được sự yêu quý, hâm mộ, thậm chí là đồng cảm từ đương thời và từ tâm thức dân gian[7]. Theo Nguyễn Đức Mậu, “Thái độ được bộc lộ từ nội dung các giai thoại đã được lưu truyền hoàn toàn là một thái độ đồng cảm và tôn vinh Nguyễn Công Trứ, hay nói đúng hơn, là đồng cảm và tôn vinh các hành vi mang sắc độ cá tính cao của ông”[8]. Trương Chính thì cho rằng “phải là những người có đặc điểm nổi bật, và được mọi người ưa thích, mới có giai thoại mà truyền”[9].

Thứ ba, Nguyễn Công Trứ xuất thân là quan văn nhưng sự nghiệp lại chủ yếu thiên về võ công, cùng với sự nghiệp của một vị doanh điền sứ nhiều công trạng. Sử chép rằng sau khi dẹp loạn Nông Văn Vân (sự kiện năm 1835), Nguyễn Công Trứ được triệu về kinh để ăn mừng, và vua dụ rằng: “Nay nghĩ Trứ xuất thân từ quan văn, thế mà ngày ngày làm được việc quân, đến nay đã ba năm, không quản ngại khó nhọc, kể cũng đáng khen. Vậy chuẩn cho một người con được tập ấm làm Hiệu úy vệ Cẩm y[10]”.

Thứ tư, Nguyễn Công Trứ tuy đỗ giải nguyên nghĩa là có một học vấn về Nho học rất đúng quy củ và vốn tiếng Hán vững vàng, nhưng cả đời ông chỉ làm thơ bằng chữ Nôm; chỉ có thể kể ra duy nhất một bài thơ ông làm bằng chữ Hán là bài “Tự thọ”, mà cũng làm trong một dịp thù tạc – bài thơ được nhiều người họa lại (đáng chú ý là trong số đó có một bài của Cao Bá Quát). Điều này thường xuyên được các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, chẳng hạn Trương Chính: “Ông đỗ giải nguyên nhưng không hề khoe chữ, làm thơ toàn dùng tiếng nói của nhân dân[11]”, hoặc Nguyễn Đức Mậu: “… ở cả chiều dài lịch sử văn học hàng nghìn năm, không một ai đỗ đạt cao bằng các thể loại văn cử tử lại sáng tác văn thơ nôm với một tỷ lệ rất cao so với văn thơ chữ Hán như thế[12]”.

Thứ năm, ông là người hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, trong lịch sử văn học Việt Nam đưa một thể loại văn học thuần Việt là hát nói lên đến đỉnh cao và hoàn thiện nó. Hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề khẳng định hát nói “cùng với lục bát và song thất lục bát là những văn thể riêng của nước ta, đối lập với thơ, từ, phú là những thể văn mượn của Tàu[13]”. Trương Chính trong Thơ văn Nguyễn Công Trứ so sánh vai trò của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử hát nói với Tô Thức trong lịch sử từ của Trung Quốc. Nguyễn Đức Mậu đánh giá: “Trước và sau Nguyễn Công Trứ (1778-1858) chưa từng có một tác gia văn học nào vừa là người có công tích đột xuất cho việc hoàn thiện một thể loại văn học, trước bạ nó vào bộ văn học sử, vừa là người kiến tạo đỉnh cao thể loại đó như Nguyễn Công Trứ[14]”.

Trên đây là những điểm chung nhất có thể dễ dàng rút ra từ các công trình nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ trong lịch sử, và đó cũng là những điểm về đại thể giới nghiên cứu khá thống nhất với nhau. Dĩ nhiên, để chi tiết hơn vẫn còn có thể đưa ra thêm các điểm đặc biệt khác nữa, như phần sau của bài viết sẽ chỉ ra. Chỉ có điều, từng ấy điều thống nhất ở các nhà nghiên cứu không làm giảm bớt ấn tượng về sự khác biệt, thậm chí là xung đột về ý tưởng trong cách diễn giải, và nhất là lý giải nguyên do của những khác biệt ấy. Chẳng hạn, chỉ riêng câu hỏi Nguyễn Công Trứ mâu thuẫn hay không mâu thuẫn đã làm tốn rất nhiều giấy mực. Lê Thước nhìn nhận thấy mâu thuẫn ở đoạn đánh giá rất nổi tiếng sau đây:

“Xưa nay những kẻ anh hùng hào kiệt đã có cái tài “xuất chúng” thì thường hay có cái khí “siêu nhân”. Công đâu ăn lẫn với gà, rồng đâu ở vùng nước cạn, đã là người hào kiệt thì quả không chịu lẩn quất trong cái khuôn sáo người thường. Có lẽ cũng vì thế nên trong sự hành vi của cụ Nguyễn Công Trứ, nhiều khi hình như lạ mắt trái tai, mà trong văn chương của cụ cũng lắm khi trái với cái tục kiến của người đời. Tức như ở chùa mà có ả đầu đi theo, thân làm việc đời mà miệng lại thích ngâm vịnh cái cảnh nhàn, khiến người đời sau, xem sử cụ, đọc văn cụ, không sao khám phá được cái tâm sự của cụ[15]”.

Chỉ mười lăm năm sau đó, Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa đã bác bỏ nhận định này trong tác phẩm Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ: “Ông Lê Thước đã thú nhận sự bất lực của mình, khi muốn giải thích tính cách “mâu thuẫn” của tâm lý và cuộc đời Nguyễn Công Trứ[16]”. Trương Tửu lý giải sự “bất lực” này theo ba nguyên nhân: Không nhìn nhận “mâu thuẫn” là bản tính của sự vật; 2) Quan niệm trừu tượng về “cá nhân”; 3) Quan niệm phong kiến về tài năng; ông đi đến kết luận: “Ông [Lê Thước] không hiểu rằng bất kỳ một người nào có tính chất như tính chất Nguyễn Công Trứ, dòng dõi như dòng dõi Nguyễn Công Trứ, sinh trưởng vào thời đại như thời đại của Nguyễn Công Trứ tất nhiên phải có những tâm lý, tin tưởng và hành vi mâu thuẫn nhau như Nguyễn Công Trứ không thể nào tránh được.” Trương Tửu sẽ áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng nhằm lý giải thái độ sống cũng như nhân cách của Nguyễn Công Trứ.

Đến Trương Chính, vấn đề này lại được nhắc lại, trong một đoạn văn cũng thường xuyên được trích dẫn: “Có nhiều người nghiên cứu thơ Nguyễn Công Trứ thấy nội dung khá phức tạp, vừa lạc quan tin tưởng, lại vừa bi quan thất vọng, vừa ca tụng con người hoạt động, lại vừa cầu nhàn, vừa đề cao nho giáo lại vừa ca tụng đạo giáo, vừa chê những người theo đạo Phật là “không quân thần phụ tử”, lại vừa ca tụng đạo Phật là trên trời dưới đất không gì bằng, vừa tự khẳng định mình lại vừa tự phủ định mình v.v… thì cho Nguyễn Công Trứ là một “khối mâu thuẫn lớn”. Như vậy là tách từng bài ra mà xét, tách thơ và con người làm thơ. Chứ nhìn bao quát, sẽ thấy ngay đó là sự diễn biến từ cực nọ sang cực kia, một sự diễn biến có nguyên nhân rõ ràng, và sự diễn biến ấy là một bằng chứng đanh thép về sự suy sụp của chế độ phong kiến dưới triều Nguyễn bắt đầu từ nửa thế kỷ XIX, đến nửa cuối thế kỷ XIX thì không còn cơ khôi phục lại được nữa. Còn như bản thân Nguyễn Công Trứ thì càng về sau càng đi vào con đường bế tắc[17]”.

Cũng là bàn về mâu thuẫn ở Nguyễn Công Trứ, nhưng các nhà nghiên cứu có những cái nhìn hoàn toàn khác nhau, mà nguyên nhân rất có thể nằm ở lý thuyết mà họ muốn áp dụng để nghiên cứu, cũng như cách suy nghĩ đặc trưng từng thời kỳ cũng khác nhau dẫn đến sự giải thích không giống nhau. Cùng chỉ trích chế độ phong kiến, nhưng Trương Tửu và Trương Chính gần như không có điểm chung nào trong cách nhìn nhận.

Xung quanh Nguyễn Công Trứ, những vấn đề gây tranh cãi còn rất nhiều. Văn bản Nguyễn Công Trứ tuy không gây quá nhiều tranh luận nhưng vẫn còn tồn nghi, vẫn chưa có một văn bản xác quyết nào cho tác phẩm mà ông để lại[18], vẫn có nhiều khác biệt lớn về sắp xếp trình tự sáng tác. Thái độ sống của Nguyễn Công Trứ cũng gây băn khoăn: có nhà nghiên cứu nhấn mạnh tính chất vượt khuôn khổ, “ngông nghênh, ngất ngưởng khác đời[19]”, lại có người khẳng định “ông cúc cung tận tụy với triều đình[20]”, có người cho rằng ông chịu ảnh hưởng học thuyết của Dương Chu, có người đề xuất ông theo Trang Tử, trong khi Trần Đình Hượu xếp ông vào vị thế ở giữa: “Nguyễn Công Trứ là nhà nho nhưng ông không hoàn toàn Nho[21]” và “khát khao tự do làm ông gần Trang Tử cũng không thành la bàn cho ông đi trong cuộc đời[22]”. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều chỉ ra tính chất con người cá nhân nổi bật ở Nguyễn Công Trứ, chẳng hạn như Nguyễn Đình Chú: “Nguyễn Công Trứ là sự lên ngôi của cái Tôi-cá thể hiếm và trội mà khoa học nhân văn, khoa học về con người cần khám phá[23]”.

Rất nhiều tranh luận và đóng góp từng được gia cố thêm cho sự nghiên cứu Nguyễn Công Trứ đã kéo dài gần một thế kỷ. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là các khu vực được quan tâm nhất không bao gồm chính bản thân các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ. Quả thực, có rất ít nghiên cứu lấy trọng tâm là phân tích cặn kẽ các đặc điểm ngôn từ, phong cách, nói chung là cái viết của ông, mà phần lớn hướng sự chú ý của mình vào sự nghiệp võ tướng, công trạng đắp đất lấn biển, những ý tưởng kinh bang tế thế và sự nổi bật của Nguyễn Công Trứ trong các đặc điểm nhận dạng đầy khác lạ. Rất có thể ấn tượng về một cuộc đời quá kỳ lạ, thậm chí quá nhiều điều dị thường đã chi phối cách nhìn của các nhà nghiên cứu, thành ra kết quả là các thành tựu về mặt sử học lớn hơn hẳn so với các thành tựu về văn học trong trường hợp nghiên cứu Nguyễn Công Trứ. Theo tổng kết của Trần Nho Thìn, “có hai cách cắt nghĩa Nguyễn Công Trứ: một cách dựa vào các yếu tố Nho-Phật-Đạo và một cách dựa vào hiện thực lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội[24]”. Từ đây mà có những điều bài viết muốn đóng góp cho công trình nghiên cứu chung về Nguyễn Công Trứ, ở dạng sơ khởi nhất: cách thể hiện của con người cá nhân, tính chất hiện đại của thái độ sống Nguyễn Công Trứ, theo một cái nhìn chủ yếu từ văn bản với một số yếu tố so sánh, đặt con người Nguyễn Công Trứ dưới lăng kính chính tác phẩm của ông, như một cứ liệu vừa phong phú nhất vừa đáng tin cậy nhất. Cách làm này có một ích lợi là tránh được lối diễn giải theo tiểu sử-giai thoại, không rơi vào các lối mòn (cliché) của nghiên cứu, chẳng hạn như lấy cái “ngông” hoặc sự “hành lạc” làm trung tâm để vận hành các lập luận đi theo đó, đồng thời có thể mở rộng được tầm nhìn sang một số hướng khác.


*
* *


Tuy bài viết sẽ cố gắng phân tích một số điểm đặc biệt trong ngôn từ Nguyễn Công Trứ, nhưng trước đó cần nói về một tác phẩm nghiên cứu gây tranh cãi, thường xuyên bị bỏ qua, và nhiều lúc bị đánh giá nặng nề: cuốn sách của Trương Tửu, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ. Theo Trần Nho Thìn, cách giải thích Nguyễn Công Trứ dựa vào đẳng cấp là “có phần đơn giản và suy diễn”[25]. Phạm Vĩnh Cư cũng phê bình Trương Tửu trong dòng chung các nhà nghiên cứu kể từ đó: “… các nhà nghiên cứu ở ta, bắt đầu từ Nguyễn Bách Khoa trở đi, áp dụng hơi cứng nhắc phương pháp xã hội học duy vật lịch sử, đã nhấn mạnh quá mức tâm trạng bi quan, yếm thế ở Nguyễn Công Trứ từ khi ông gặp bế tắc trên đường hoạn lộ, phải cáo về hưu[26]”. Điều này không hoàn toàn công bằng, bởi trong tác phẩm của mình Trương Tửu chủ yếu nhấn mạnh vào sự lạc quan hồi Nguyễn Công Trứ còn trẻ: “Triển vọng chính là cội rễ của tính lạc quan chan chứa trong tâm hồn Nguyễn Công Trứ buổi thiếu thời[27]”, rồi đến thái độ chống phú hộ từ tư cách của một người thuộc vào đẳng cấp “quý tộc” và “sĩ phiệt”: “Ông “đánh” phú hộ bằng quan niệm hành lạc của đẳng cấp ông[28]”. Cái đặc trưng của Nguyễn Công Trứ theo Trương Tửu chính là chữ “dâm”: “Toàn những là chơi, hành lạc, phong lưu, tài tình, trận cười… Tất cả khí chất của con người Nguyễn Công Trứ là ở những danh từ ấy. Mà các danh từ này, xét cho kỹ, cũng chỉ tóm tắt có một chữ dâm. Nhưng, ở ông, cái dâm ấy tế nhị lắm, đẹp lắm, được che đậy có nghệ thuật lắm, nên nó không thô bỉ, ít người nhận thấy ngay được ở ông cái “dâm” cũng có tính cách quý tộc[29]”. Cái bi quan của Nguyễn Công Trứ theo Trương Tửu là bắt nguồn từ “quan niệm nhân sinh ảo mộng”[30], và chỉ là một nét không nổi bật ở ông.

Cách giải thích Nguyễn Công Trứ theo cái nhìn đẳng cấp (tức giai cấp) của Trương Tửu mang hạt nhân của duy lý, một lối tư duy lý thuyết rất không quen thuộc với phê bình văn học ở Việt Nam nói chung, đến mức tuy Trương Tửu ca ngợi chủ nghĩa duy vật biện chứng từ rất sớm, khẳng định sự đúng đắn của Karl Marx từ trước rất nhiều người, nhưng thái độ thân thiện với lý thuyết của ông lại gây nên sự dị ứng, xung đột ở chính các nhà nghiên cứu sau này, những người không ít thì nhiều, hoặc ít nhất là về danh nghĩa, cũng ủng hộ chủ nghĩa duy vật biện chứng. Đó là một chi tiết trong khối nghịch lý Trương Tửu cho đến nay vẫn chưa được nhìn nhận thấu đáo và nhất là chưa được lý giải đến nơi đến chốn, mối tương quan Hoài Thanh-Trương Tửu vẫn cho thấy rất rõ chiều hướng nghiêng sang phê bình ấn tượng mà không coi trọng phê bình theo lý thuyết. Trong khi đó, Trương Tửu chứng tỏ được rất rõ nét khả năng sử dụng lý thuyết, sự bao quát vấn đề vừa tổng hợp vừa chi tiết, và cả những phát hiện rất tinh tế. Chẳng hạn như khi ông viết rằng đẳng cấp sĩ phiệt của thời Nguyễn Công Trứ “chỉ còn biết cậy ở sự “hành lạc” của nó và chỉ còn biết đem nghệ thuật hành lạc (cầm kỳ thi tửu) ra để chống lại cái giàu và cái tước của bọn phú hộ hãnh tiến”[31], thì ý tưởng đã rất gần với lý thuyết của Thorsten Veblen (mà Trương Tửu chắc hẳn không biết đến) trong tác phẩm kinh điển của xã hội học, The Theory of the Leisure Class (Lý thuyết tầng lớp nhàn rỗi, 1899), theo đó Veblen chỉ ra “hiệu ứng phô trương”: những người có vai vế và địa vị trong xã hội cần có những biểu hiện chứng tỏ mình, chẳng hạn như người kỵ sĩ thời Trung cổ hoặc nhà quý tộc đi săn ăn vận rất cầu kỳ (thật ra là không hề có chút công dụng nào) chính là để khẳng định bản thân mình. Hoặc ở chương “Hát ả đào”, Trương Tửu chứng tỏ năng lực tổng hợp rất cao của mình với những nhận xét như: “Ai đã nghiên cứu những xã hội sau thời loạn đều nhận thấy rằng những người vừa ở cuộc khủng hoảng ra không sao đủ năng lực dứt với những ảnh hưởng tai hại của cuộc khủng hoảng ấy để thích ứng ngay với trật tự mới được[32]”, hay “lúc loạn lạc, bản năng tình dục của cá nhân vụt phát ra như cơn lốc, không sức nào cản được[33]”, và việc ba nhà thơ Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương “ca tụng tình dục” là vì đặc trưng của giai đoạn ấy là “trạng huống phóng đãng”, đồng thời dân gian cũng đã “công nhận bản năng tình dục là chính thức rồi”. Đọc Trương Tửu cũng cần nhớ rằng sở dĩ ông có những nhận xét nhiều cực đoan là vì vào giai đoạn ấy nhu cầu kháng cự lại cách tổ chức xã hội theo phong kiến là rất lớn, cũng như nhu cầu thay đổi đời sống và văn hóa hướng tới cái mới khiến cho cách nói nhiều khi nặng nề, thậm chí là nghiệt ngã.

Một số nhà nghiên cứu từng so sánh Nguyễn Công Trứ với các nhân vật văn học nước ngoài: Trương Tửu lấy nhà thơ Pháp Alfred Musset là người cùng thời với Nguyễn Công Trứ (ở phương diện “sầu tình”) để so sánh, và nhất là Phạm Vĩnh Cư mở rộng hơn nữa khi so sánh Nguyễn Công Trứ với nhiều nhà thơ “hưởng lạc” thế giới, như Hafiz của Ba Tư, Anacréon của Hy Lạp, Ronsard của Pháp, Goethe của Đức và nhất là Derzhavin của Nga[34]. Ở đây có thể dẫn nhận định nhiều ý nghĩa của một nhà phê bình nổi tiếng người Pháp, Albérès, về giai đoạn khá tương đương với giai đoạn sống của Nguyễn Công Trứ:

“Lòng tin tưởng tôn giáo đã mất, lòng tin tưởng khoa học cứu thế đã đem lại ảo tưởng cho con người suốt một thế kỷ nay cũng không còn; tư tưởng mới chưa cấu thành, đó mới là một ước vọng mờ mịt và vì thế nó lại là một nguyên nhân làm con người hoang mang và rối loạn trước thực tại phũ phàng của đời sống. Đây là một thời kỳ vô trị vô nhậm, những chủ thuyết màu sắc vô trị mọc ra như nấm, gây ra những cuộc tàn phá bạo ngược điên rồ làm thế giới kinh hoàng. Đây là thời kỳ ngự trị bởi những quan niệm văn học suy đồi và một khuynh hướng khoái cảm bệnh hoạn… Chúng ta hãy nhớ lại văn chương và nghệ thuật của thời ấy. Verlaine, tác giả những bài thơ ngắn tối tăm, những bài tôn vinh Đức Bà Maria, đã thở hơi cuối cùng trong nhà tù hay nhà thương Aubrey Beardsley, Félicien Rops, bá tước de Toulouse-Lautrec, kéo mảnh đời phòng đãng trụy lạc. Ibsen muốn phá đổ cả gia đình lẫn xã hội. Tolstoi muốn dẹp bỏ đời sống dân sự[35]”.

Ở giai đoạn cuối một “chế độ cũ” chuẩn bị bước sang thời hiện đại ấy, rất nhiều hiện tượng xã hội đã diễn ra. Đặc biệt trong đó cần kể đến sự ăn chơi hưởng lạc đạt đến một mức độ cao hơn tất cả các giai đoạn trước đó. Trương Tửu nói đến “sự sống bằng giác quan” biểu lộ rõ nét ở hát ả đào. Người nghệ sĩ sống vào những thời điểm chuẩn bị có thay đổi, đứt gãy lớn hay tìm đến với những điều lạ thường, những hình thức mới mẻ hoàn toàn, và đặc biệt chú trọng tới hình thức. Trường phái Parnasse (Thi Sơn) của Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX là một minh chứng, và những nhà thơ như Rimbaud, Verlaine xuất hiện giống như những người mang tiền triệu báo trước một phân đoạn mới hẳn của lịch sử, cả lịch sử hiểu theo nghĩa thông thường lẫn lịch sử nghệ thuật. Nguyễn Công Trứ giống như một cá nhân mang hết trong mình các dị biệt của thời kỳ ấy, có những điểm chưa bao giờ thấy trước đây. Không hẳn là những điều chưa bao giờ tồn tại, nhưng đến lúc này chúng không còn bị che giấu đi nữa. Charles Baudelaire làm thơ ca ngợi thuốc phiện và những thú ăn chơi đầy nhục dục, đồng thời lại hết sức chú trọng hình thức bên ngoài của mình, trở thành một “dandy” (từ dùng để chỉ một trào lưu xuất phát từ nước Anh, gồm những người quan tâm thái quá đến hình thức, vô cùng tỉ mỉ chăm chút cho trang phục và dáng vẻ bên ngoài), thì Nguyễn Công Trứ cũng công khai cho biết là mình hành lạc, hưởng lạc thú, và có một thái độ, một lối sống thực sự “ngoài vòng cương tỏa”.

Quay trở lại với Trương Tửu. Cần hết sức lưu ý đến cách lựa chọn tác giả để bình luận của ông. Trương Tửu có hai mảng phê bình chính: mảng phê bình các nhà văn đương thời với ông, như Lan Khai, Nguyễn Vỹ, Vũ Trọng Phụng, và mảng phê bình các tác giả cổ điển, trong đó hai nhân vật chủ chốt nhất trong sự nghiệp của ông là Nguyễn Du, với ba cuốn sách khảo cứu rất độc đáo, nổi tiếng và cũng tạo ra sự phản đối dữ dội, và Nguyễn Công Trứ. Điều này là rất có ý nghĩa: chắc hẳn Trương Tửu, một người sống ở thời đại nơi cá nhân bắt đầu được đề cao, cảm thấy gần gũi với hai con người biểu hiện rõ rệt nhất cái tôi cá nhân trong lịch sử. Cá nhân tính của Nguyễn Công Trứ, như đã nói ở trên, được rất nhiều nhà nghiên cứu nêu lên và coi là đặc điểm nổi bật ở ông. Trần Nho Thìn nói đến “chất cá nhân đậm nét”[36]; Nguyễn Đức Mậu nhìn nhận đó là nền tảng tạo nên con người Nguyễn Công Trứ: “Bấy nhiêu cái khác lạ, độc đáo đó cũng có thể giải thích nguồn cội của nó ở con người ông, ở cách làm người, quan niệm về con người, đó là con người cá nhân, tự do[37]”; Trần Đình Hượu đưa đặc điểm ấy ra như một cách để đối sánh ông với nhà nho thông thường: “Một trường hợp hầu như rất ít thấy ở các nhà nho: Nguyễn Công Trứ có ý thức rất sâu sắc về bản thân và nói về mình một cách không che giấu. Ở ông, cá nhân nổi bật át hẳn con người ép mình sống theo khuôn khổ[38]”; Trương Tửu đưa con người cá nhân Nguyễn Công Trứ vào trong đẳng cấp cụ thể…

Cái cá nhân ấy được thể hiện như thế nào? Một điều đáng nói là khi bàn đến vấn đề này, hầu hết các nhà nghiên cứu đều chỉ tập trung vào các chủ đề thể hiện trong thơ (“tài”, “tình”, “chí nam nhi”, “hành lạc”…) mà không mấy khi xem nó bộc lộ như thế nào từ chính những câu thơ của Nguyễn Công Trứ, cho dù tính chất “trực tiếp” của tính cách, nhân cách và phong cách của ông nhiều lần được đề cập: Nguyễn Đức Mậu cho rằng “tự xưng là tài tử, bậc tài tình, kẻ tài bộ… một cách công nhiên, hãnh diện, trực tiếp, nhiều và gây ấn tượng mạnh mẽ thì phải đến Nguyễn Công Trứ qua hát nói”[39].

Như đã nói ở phần trên của bài viết, còn có thể kể thêm ra những điều đặc biệt của Nguyễn Công Trứ, ở đây là trong việc sử dụng ngôn từ. Thứ nhất, ngoài việc có học vấn công phu và truyền thống nhưng chỉ viết thơ bằng chữ Nôm, trong hát nói Nguyễn Công Trứ khi dụng đến chữ Hán[40] thì đa phần đều rất dễ hiểu, không cầu kỳ và không quá khó; ấn tượng này là rất rõ ràng đối với những người Việt Nam không có hiểu biết tốt về chữ Hán và không mấy am hiểu về thơ ca trung đại[41]. Rất nhiều câu sau này sẽ được các tác giả khác dùng lại, và chúng không quá nặng về điển cố, cũng như nhiều câu thơ Nôm của ông sau này trở thành cách nói thông dụng, như các thành ngữ. Điều này là rất đáng kể đối với một truyền thống văn học sử dụng rất nhiều điển cố. Yếu tố “trực tiếp” của thơ Nguyễn Công Trứ lại càng thêm được nhấn mạnh, và ở đây cần đẩy suy luận đi xa thêm nữa: Nguyễn Công Trứ luôn tạo ra cảm giác về một sự vượt thoát, không chỉ là vượt ra “ngoài vòng cương tỏa” như người ta vẫn thường nói, mà còn là vượt thoát khỏi chính thời đại của ông, tách rời khỏi truyền thống mà toàn bộ lịch sử đất nước cũng như lịch sử cá nhân của ông đã quy định sẵn. Một nhà nho bỏ chữ Hán để viết thơ bằng chữ Nôm trong khi đó còn chưa là một thông lệ, khi dùng chữ Hán lại không sa đà vào khoe chữ, và phần nào “buông” nhẹ điển cố (một biểu hiện về mặt hình thức biểu hiện của quá khứ và truyền thống), đó là một nhà nho hướng tới tương lai nhiều hơn là dõi về quá khứ, và đó là một hiện tượng vô cùng hiếm trong lịch sử. Sự hiện đại và gần gũi của Nguyễn Công Trứ cũng đã được Nguyễn Đình Chú nói đến: “coi ông là người có tư tưởng hiện đại không phải là không có lí[42]”. Một số nhà nghiên cứu khác cũng khẳng định mối tương quan giữa hát nói, Nguyễn Công Trứ và thơ mới sau này: Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề viết: “Sau này lối thơ tám chữ của phong trào Thơ mới thoát thai ở hát nói mà ra[43]”, và Trương Chính: “Có thể xem [ca trù] là một thể thơ tự do. Chính vì thế mà các nhà thơ mới sau này có chịu ảnh hưởng ít nhiều thể ca trù[44]”. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau.

Trong các công trình nghiên cứu đã có về Nguyễn Công Trứ, có thể kể ra một số để ý đến cách dùng từ ngữ của ông. Ngay ở tác phẩm đầu tiên của Lê Thước đã có một nhận xét đáng chú ý: “Như cụ Nguyễn Công Trứ thì mới thật là hoàn toàn. Sự nghiệp đã lẫy lừng mà văn chương lại tuyệt vời, nhất là văn nôm của cụ thì lại càng đặc sắc lắm. Cụ chỉ dùng những tiếng người ta thường đọc, thường nghe, nói ra tức là thành văn, không nắn nót chạm gọt như các nhà văn sĩ khác. Lời văn của cụ vừa nhẹ nhàng, vừa chất phác, trông vào không thấy gì là cao kì, mà đọc lên nghe rất thú vị, trông vào không có gì thâm thúy, mà đọc lên ý thật dồi dào, lời không chải chuốt mà hay, văn không trau dồi mà lịch, thiệt là cơ trữ nhất gia[45]”. Ở đây tính chất giản dị, thậm chí là dân dã, đã được miêu tả một cách ngắn gọn.

Trương Chính cũng viết: “Nguyễn Công Trứ đã đứng ngoài “vòng cương tỏa” ngay từ đầu, và hơn cả Cao Bá Quát. Ông đỗ giải nguyên nhưng không hề khoe chữ, làm thơ toàn dùng tiếng nói của nhân dân, theo chân các nhà thơ lớn trước ông, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, dùng rất nhiều tục ngữ, ca dao, tiếng địa phương, khi cần, cả những tiếng tục… cốt tìm một cách diễn đạt thông thường, giản dị, nhưng chính lại là sinh động, dễ đi sâu vào lòng người. Sau ông, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những nhà thơ như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, cũng theo con đường này mà sáng tác[46]”. Nguyễn Đình Chú thì khảo sát các tác phẩm trong Thơ văn Nguyễn Công Trứ của Trương Chính và chỉ ra: “Trong thơ văn Nguyễn Công Trứ có 34 đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất: ngô, ngã, mình, ta, tao. Có thể nói không đâu trong phạm vi văn thơ của các tác giả trung đại, có mật độ cao về đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất như thế. Điều đó, chứng tỏ ở Nguyễn Công Trứ, nội hàm của các từ đó đã khác trước. Khác ở chỗ nhận thức tự phát chuyển lên nhận thức tự giác, tự ý thức về cái Tôi-cá thể của chính mình giữa cõi nhân gian. Mà sự tồn tại của cái Tôi-cá thể ở đây là sự tồn tại ra tồn tại[47]”.

Tuy nhiên, những ví dụ như vậy khá ít ỏi. Chuyên luận về hát nói của Nguyễn Đức Mậu đã tiến hành một khảo sát kỹ lưỡng hơn nhiều đối với câu chữ của Nguyễn Công Trứ. Sau khi phân tích các đề tài lớn của hát nói Nguyễn Công Trứ: “tài”, “đa tình”, “hành lạc” và “nhàn”, Nguyễn Đức Mậu tập trung phân tích “Vần và nhịp” rồi “Câu và từ”, chỉ ra rằng trong hát nói có “yếu tố nói nhiều hơn yếu tố miêu tả”[48], và đặc biệt là “chất văn xuôi của câu”. Đây cũng chính là một đặc điểm hiện đại nữa ở thơ ca Nguyễn Công Trứ, vào cái thời văn xuôi còn chưa hề phát triển ở Việt Nam. Tiếp đến là những đặc điểm quan trọng: “Ở hát nói, do nhu cầu phát ngôn trực tiếp các quan điểm, các ý tưởng, nghĩ suy để bộc lộ mình, phô trương tài tình, hành lạc nên kiểu câu hát nói phần nhiều là câu khẩu khí, cấu trúc câu hát nói là cấu trúc suy lý, câu lập luận, câu diễn giải. Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam lại nhiều câu suy luận như ở hát nói[49]”. Nguyễn Công Trứ sử dụng trong thơ mình rất nhiều cấu trúc suy lý như “khi… đã nên”, “cái… là… ở đâu… cứ… sao không…”, “từ… đến… kết cục”, “đã… nên…”, “đã… phải…”, “đã… thì…”, “vì chưa… nên…”, và điều đó thể hiện rằng “yếu tố nói, yếu tố lập luận, diễn giải trực tiếp ở đây đã thực sự trở thành đặc điểm rõ nét. Con người cá nhân thông qua các yếu tố đó mà được biểu hiện thoải mái, dễ dàng hơn”[50].

Từ đây có thể chuyển sang điểm đặc biệt thứ hai trong ngôn từ của Nguyễn Công Trứ: tính chất trực tiếp thể hiện qua việc sử dụng rất nhiều từ “là”.

Trong nghiên cứu văn học, một số tác giả đã sử dụng thống kê từ ngữ để phân tích phong cách, trong đó có Xuân Diệu. Kết quả của thống kê khi được sử dụng khéo léo sẽ là một phương tiện hết sức hữu hiệu cho thấy một số đặc điểm nổi bật. Xuân Diệu đã viết bảy bài về Nguyễn Du trong đó đáng lưu ý ở đây là hai bài cuối cùng mang tên “Đọc lại Nguyễn Du” và “Chung quanh từ ngữ truyện Kiều”[51]. Ở bài “Chung quanh từ ngữ truyện Kiều”, Xuân Diệu quan tâm cả đến các từ thuộc loại “đưa đẩy” như “thì”, “là”, “mà”, “rằng”, còn trong “Đọc lại Nguyễn Du” có một phần thống kê từ “mình” (và “riêng”) xuất hiện trong Truyện Kiều[52]. Xuân Diệu nhận thấy rằng “trước Nguyễn Du, người gợi đến vấn đề số phận con người sớm hơn cả, là Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều”[53], rồi Phạm Thái trong Sơ kính tân trang, một ít ở Hoa tiên và Thanh Quan, không xuất hiện các phạm trù “riêng”, “mình” ở Hồ Xuân Hương, nhưng “chỉ có Nguyễn Du, trong Truyện Kiều, là mới đặt vấn đề chữ “mình” một cách tập trung hơn cả, một cách gay gắt, điển hình, một cách da diết, u uất, giận tức, như chuông treo chỉ mành, đặt vấn đề số phận của con người bị nghiến nát, vấn đề quyền sống của con người bị phủ nhận”[54]. Chỗ dựa cho nhận định này là phần thống kê những lần “mình” và “riêng” xuất hiện trong Truyện Kiều[55]. Xuân Diệu nhận ra rằng “mình” và “riêng” luôn xuất hiện ở những thời điểm then chốt và gay cấn trong số phận nàng Kiều, và ông đi đến kết luận: “Nguyễn Du lấy mỗi con người với cương vị là một bản người cá thể, cương vị là một cá nhân con người[56]”, như một nét đặc biệt của thơ Nguyễn Du.

Từ “là” xuất hiện với tần số rất cao trong hát nói của Nguyễn Công Trứ (ở đây thống kê dựa trên 72 bài hát nói in trong chuyên khảo của Nguyễn Đức Mậu):

1. “Luận kẻ sĩ” (3): Từ Chu, Hán vốn sĩ nay là quý; Trước là sĩ, sau là khanh tướng
2. “Vịnh Trương Lưu Hầu” (1): Trương Lưu hầu là Hàn Công tử
3. “Nhân thế hãn phùng” (1): Thú nguyệt hoa là nợ sẵn với cầm thư
4. “Tài tử với giai nhân” (2): Tài tử với giai nhân là nợ sẵn/Giải cấu nan là chữ làm sao?
5. “Người ta ở trong phù thế” (2): Chữ “Vô cầu” là chữ thiên nhiên; Trần ai ai biết công hầu là ai?
6. “Hữu duyên thiên lý” (3): Cái nguyệt hoa là cái não nùng/Người hoa nguyệt là người phong nhã; Chẳng phong tình ngày tháng cũng là dư
7. “Ngày tháng thanh nhàn” (1): Chữ nhàn là chữ làm sao
8. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi” (3): Ngẫm cho kỹ bất nhân là tạo vật; Dầu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc; Cuộc hành lạc được bao nhiêu là lãi đấy
9. “Nợ phong lưu” (1): Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
10. “Tang bồng là nợ” (3): Tang bồng là nợ; Cái vinh nhục nhục vinh là đắp đổi; Cùng khi ấy hẳn là thông khi khác
11. “Quen thú vẫy vùng” (1): Túi giang sơn bốn bể cũng là nhà
12. “Trường An hoài cổ” (1): Đất Trường An là cổ đế kinh
13. “Chơi là lãi” (2): Ôi nhân sinh là thế ấy; Trời đất hễ có hình là có hoại
14. “Trên vì nước dưới vì nhà” (1): Cái công danh là cái nợ nần
15. “Có chí thì nên” (1): Đường công danh sau trước cũng là thường
16. “Thú rượu thơ” (1): Cái công danh là cái nợ đời
17. “Ngao du thỏa chí” (3): Chỉ giàu khó, sang hèn là phận cả; Chẳng biết ta, ta vẫn là ta; Sạch không trần lụy ấy là thần tiên
18. “Nợ tang bồng” (1): Đường trung hiếu chữ quân thân là gánh vác
19. “Thoát vòng danh lợi” (2): Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu; Nào ai ai biết chăng là
20. “Vô cầu” (3): Trong vũ trụ là thân nam tử/Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên; Trần ai ai biết công hầu là ai
21. “Chức phận kẻ trượng phu” (1): Người đời thế, giả nợ đời là thế
22. “Danh chẳng bằng nhàn” (1): Cái công danh là cái chi chi
23. “Chí anh hào” (1): Biết là mấy phân hươu bàn thác
24. “Đồng tiền” (1): Thần cũng thông huống nữa là ai
25. “Chơi cho phỉ chí” (3): Thú xuất trần tiên vẫn là ta; Người cõi thế trăm năm là mấy nhỉ; Chơi cho lịch mới là chơi
26. “Ngày xuân” (1): Dẫu là dân, dầu là quan
27. “Làm cho tỏ mặt nam nhi” (1): Trong vũ trụ đành là phận sự
28. “Kẻ về người ở” (1): Một ngày cũng là người tri kỷ
29. “Yêu hoa” (2): Một hoa là riêng một sắc hương; Ưa màu nào màu ấy là xinh
30. “Chữ tình” (2): Đa tình là nợ; Chữ tình là chữ chi chi
31. “Nợ phong lưu” (1): Chơi là lãi, dẫu chưa giàu nhưng chẳng kiết
32. “Một ngày là nghĩa” (1): Chẳng trăm năm cũng một ngày là nghĩa
33. “Chữ nhàn” (3): Thuở trung gian thiếu tráng có là bao; Trăm năm nhân cảnh là nhường ấy; Mượn cảnh trí thung thăng là sở thích
34. “Đánh thức người đời” (4): Gác thay thảy, là kỳ, là tửu, là thi; Mấy trăm năm là mấy trăm năm
35. “Tuổi già lấy vợ hầu” (2): Xưa nay mấy kẻ đa tình/Lão Trần là một, với mình là hai
36. “Trong trần mấy mặt làng chơi” (1): Thôi thôi chơi cũng là chơi vậy
37. “Cái già theo đuổi” (1): Cái khóa dàm là giống ở đâu

Như vậy, từ “là” xuất hiện ở 37 bài hát nói (trên 50%), với tổng số lượng là 63 lần. Trong tổng số đó, phần lớn là động từ, chỉ một số ít thuộc vào hệ thống từ đưa đẩy (rằng, thì, là, mà), như “Nào ai ai biết chăng là”, “Biết là mấy phân hươu bàn thác”, “Thần cũng thông huống nữa là ai”, “Người cõi thế trăm năm là mấy nhỉ”…

Động từ “là” dùng cho các quan hệ ngang bằng, và dùng để định nghĩa, “cái này là cái kia”, tức là ngôn ngữ của “từ điển” (cũng xin lưu ý như một gợi ý về hướng nghiên cứu: trong hát nói của Nguyễn Công Trứ còn sử dụng đặc biệt nhiều các so sánh, trong đó có cả so sánh bằng lẫn so sánh hơn và so sánh kém). Đó cũng là cách nói trực tiếp hơn cả. Điều này rất đáng chú ý, bởi cùng một lúc Nguyễn Công Trứ vượt thoát khỏi hai hiện tượng bao trùm: hiện tượng “nói vòng”, dùng cái này trỏ cái kia, vẫn được coi là đặc điểm của lối sử dụng ngôn từ phương Đông, và một mặt khác, xét từ quan điểm tu từ học của phương Tây, ông cũng vượt thoát khỏi hiện tượng trượt nghĩa (glissement de sens) vốn là cái rõ nét nhất trong các biện pháp tu từ: cả ẩn dụ (métaphore), hoán dụ (métonyme) lẫn đề dụ (synecdoque) đều thuộc hiện tượng trượt nghĩa: một cái biểu đạt (signifiant) không mang đúng cái được biểu đạt (signifié) thông thường nữa, mà được ý thức sáng tạo gán cho một cái được biểu đạt khác, hàm một nghĩa khác, và do đó không hề trực tiếp. Jorge Luis Borges từng nói một điều rất ý nghĩa: “Mở miệng nói là đã rơi vào trùng ngôn”, giống như một ẩn dụ cho việc ngôn từ mà chúng ta dùng, và đặc biệt là ngôn từ của văn chương, luôn nằm trong vòng kiềm tỏa của tu từ học. Tu từ học là truyền thống lớn nhất của khoa nghiên cứu văn học ở châu Âu lục địa, trong khi điển phạm (canon) là truyền thống lớn nhất của khoa nghiên cứu văn học của khối Anh-Mỹ.

Giá trị động từ “là” của Nguyễn Công Trứ có tính chất kép, nó hoặc là chỉ vào cá nhân cụ thể Nguyễn Công Trứ, hoặc là nó chỉ vào một cá nhân trừu tượng, nhưng dù ở trường hợp nào thì cũng là cái cá nhân được trỏ vào (chỉ có rất ít khi “là” được dùng ngoài phạm vi cá nhân, như ở ví dụ “Đất Trường An là cổ đế kinh”). Cá nhân cụ thể đi kèm với các đại từ nhân xưng hiển ngôn: “Chẳng biết ta, ta vẫn là ta”; “Thú xuất trần tiên vẫn là ta”; “Lão Trần là một, với mình là hai”, hoặc không có đại từ nhân xưng nhưng có thể hiểu ngay là trỏ vào chính con người Nguyễn Công Trứ, như “Trong vũ trụ đành là phận sự”; “Trong vũ trụ là thân nam tử”; “Sạch không trần lụy ấy là thần tiên”… Cá nhân trừu tượng xuất hiện khi ấn tượng về cái chung chung lớn hơn: “Ôi nhân sinh là thế ấy”; “Túi giang sơn bốn bể cũng là nhà”; “Cõi trần thế nhân sinh là khách cả”… Rất nhiều đặc điểm, trạng huống của con người cá nhân đã được nêu lên, được chỉ ra, được gán nghĩa cho theo cách trực tiếp như vậy.

Trong hát nói, tính chất văn xuôi, tính chất tự do không mấy bị ràng buộc về niêm luật hay số chữ trong câu và việc hay được đưa khẩu khí vào thơ khiến cho từ “là” xuất hiện nhiều hơn hẳn so với các thể loại khác. Khảo sát các tác phẩm được đưa vào Việt Nam ca trù biên khảo có thể thấy rõ điều đó. Nhưng từ “là” với nồng độ cá nhân đặc biệt cao như ở Nguyễn Công Trứ vẫn là một điều rất riêng. Cao Bá Quát được đưa vào 16 bài, trong đó có thể tìm được các từ “là” ở các câu sau: Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy; Lọ là thiên tú vạn chung (“Chén rượu tiêu sầu”); Thôi đã biết cùng thông là mệnh cả (“Hơn nhau một chữ thì”); Thôi biết truyện xa gần là thế thế (“Nghĩ tiếc cho ai”); Giải cấu nan là chữ làm sao (“Nhớ giai nhân”); Thú nguyệt hoa là nợ với cầm thư (“Mấy khi gặp gỡ); Nợ tang bồng phải giả mới là giai; Hội công danh nhớn nhỏ cũng là (“Thanh nhàn là lãi”); Một rủi một may là máy tạo (“May rủi”): cái cá nhân rất mờ nhạt, không rõ ràng, cũng giống như trường hợp Nguyễn Đức Nhu với 6 bài: Chơi bao nhiêu là lãi ở trên đời (“Trăm năm ai cũng như ai”); Đủ tứ thú mới là tài tử; Trên cõi thế mấy ai là tri kỷ; Mùi thế vị cú đua chen là lãi đấy/Đệ nhất phong lưu là thế ấy (“Thú phong lưu”); Trải giang hồ lang miếu là vui (“Có chí thì nên”).

So với các nhà thơ khác thì vấn đề này càng nổi bật hơn. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi xuất hiện rất ít từ “là”, và nhiều khi nó được dùng cho mục đích đăng đối nhiều hơn là cung cấp nghĩa, chẳng hạn như ở hai câu “Khi bão mới hay là cỏ cứng/Thuở nghèo thì biết có tôi lành”, “là” dùng để đối với “có”, và hoàn toàn có thể bỏ đi được mà câu vẫn giữ nguyên nghĩa, hoặc hai câu “Trẻ hòa sang ấy phúc/Già được lọn là tiên” cũng tương tự[57]. Ngay cả so với Nguyễn Khuyến là người tuy sống ở giai đoạn muộn hơn Nguyễn Công Trứ nhưng vẫn chủ yếu trong không gian và truyền thống Nho giáo, hiện tượng này cũng không hề nổi bật[58].

Thế nhưng, cách dùng động từ “là” của Nguyễn Công Trứ lại rất gần với các nhà thơ mới sau này: Xuân Diệu: “Tôi là con chim/Đến từ núi lạ/Ngứa cổ hót chơi”; “Đây là quán tha hồ muôn khách đến/Đây là bình thu hợp trí muôn hương/Đây là vườn chim nhả hạt mười phương/Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc”; “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”; Thế Lữ: “Tôi là kẻ bộ hành phiêu lãng/Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi”; “Tôi chỉ là một khách tình si/Ham vẻ đẹp có muôn hình, muôn thể/Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ/Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca”; Vũ Hoàng Chương: “Là thế, là thôi, là thế đó/Mười năm thôi thế mộng tan tành”; “Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp/Tình mười năm còn lại mấy tờ thư/Mộng bâng quâng hò hẹn cũng là hư/Rượu chẳng ấm, mưa hoài, chăn chiếu lạnh”; Nguyễn Bính: “Em là con gái trong khung cửi/Dệt lụa quanh năm với mẹ già/Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/Mẹ già chưa bán chợ làng xa”; “Thân em là liễu dạ em tơ/Mềm yếu bền chăng với đợi chờ/Chua xót lòng tôi mơ ước mãi/Áo bào nguyệt bạch ngựa kim ô”; “Thế nghĩa là cô là tất cả/Cô là tất cả của riêng tôi”; Chế Lan Viên: “Nàng hỡi nàng, trên tay ta là mộ trống/Trong lòng ta là huyệt bỏ, với trong hồn/Mà mồ không lạnh lùng sương giá đọng/Toàn khổ đau, sầu não với lo buồn”; Tế Hanh: “Anh là kẻ say mê nhưng nhút nhát/Không hiểu giùm em lại nỡ cho anh/Là không yêu, là kẻ vô tình”, và Tố Hữu: “Tôi đã là con của vạn nhà/Là em của vạn kiếp phôi pha/Là anh của vạn đầu em nhỏ/Không áo cơm cù bất cù bơ”.


*
* *

Như vậy là xét về nhiều mặt, Nguyễn Công Trứ là một con người sống hoàn toàn trong thời đại của mình, làm một ông quan phụng sự triều đình đương thời, đúng như Trương Tửu nói: “Nguyễn Công Trứ sau này làm quan. Cao Bá Quát sau này làm loạn: sự nghiệp quả đã nấp sau câu văn từ thuở thư sinh bạch diện[59]”, nhưng con người sống hoàn toàn với thời của mình và đầy đủ với phận sự cũng như con người mình ấy lại rất mực hiện đại. Giống như một dấu hiệu nhiều ý nghĩa, ông mất đúng vào năm 1858, năm mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới cho lịch sử Việt Nam: thời kỳ hiện đại.

[1] Trần Đình Hượu, “Nguyễn Công Trứ - con đường cheo leo của tự do, của cá nhân” trong Tuyển tập, 2t., NXB Giáo dục, 2007, t1., tr. 534.
[2] Nt.
[3] Mốc đầu tiên (sau một số bài viết đăng trên tạp chí Nam Phong) của nghiên cứu Nguyễn Công Trứ là cuốn sách Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ của Lê Thước, Lê Văn Tân xuất bản tại Hà Nội năm 1928. Đây cũng là một trong những cái mốc đầu tiên của lịch sử phê bình văn học Việt Nam, vì ngay trong lời tựa cuốn Phê bình và cảo luận in năm 1933 của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý (thường được coi là cuốn sách phê bình văn học đầu tiên) cũng vài lần nhắc đến nó như một tác phẩm đi trước và đánh giá là “một công trình khảo cứu và phê bình văn học có giá trị lắm” (Phê bình và cảo luận, Nam Ký, 1933, tr. 8).
[4] Trích lại từ Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (in lại phần một của sách, “Lịch sử Nguyễn Công Trứ”), 2008, tr. 464.
[5] Sđd.
[6] Trần Ngọc Vương, “Còn nhiều điều vỡ lẽ về ông đang chờ phía trước…” trong Kỷ yếu tham luận Hội thảo Khoa học “Danh nhân Nguyễn Công Trứ: Cuộc đời và sự nghiệp”, Hà Tĩnh tháng 12 năm 2008. Cũng theo bài viết, Nguyễn Công Trứ là nhân vật có tần số xuất hiện trong Đại Nam thực lục chỉ kém Trương Đăng Quế, còn thì cao hơn cả Lê Văn Duyệt, Tạ Quang Cự và Trương Minh Giảng.
[7] Về các giai thoại Nguyễn Công Trứ, đặc biệt quan trọng là cuốn sách Hy Văn tướng công di truyện (giai thoại về Nguyễn Công Trứ) của Lê Xuân Giáo, Sài Gòn, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, 1973.
[8] Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Công Trứ, chuyên luận và tinh tuyển, NXB Nghệ An, 2008, tr. 27.
[9] Trương Chính, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học, 1983, tr. 5.
[10] Trích theo Trần Nho Thìn, “Nhân cách Nguyễn Công Trứ nhìn từ quan điểm bản thể luận” trong Kỷ yếu tham luận Hội thảo Khoa học “Danh nhân Nguyễn Công Trứ: Cuộc đời và sự nghiệp”, tlđd. Cũng theo tài liệu này, vào năm 1838, Minh Mạng cho dựng “bia võ công” để ghi công những người có nhiều công lao trong quân lữ nhất, 20 người trong đó Nguyễn Công Trứ được ghi tên vào bia này, con của họ được tập ấm.
[11] Trương Chính, sđd., tr. 41.
[12] Nguyễn Đức Mậu, sđd., tr. 10.
[13] Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 229. Cũng trong sách, Nguyễn Công Trứ là tác giả đầu tiên được trích trong phần tác phẩm, và là người có số lượng bài hát nói được đưa vào nhiều nhất: 52 bài (Cao Bá Quát có 16 bài, Nguyễn Quý Tân có 5 bài và Nguyễn Đức Nhu có 6 bài).
[14] Nguyễn Đức Mậu, sđd., tr. 9.
[15] Lê Thước, sđd., tr. 493.
[16] Trương Tửu, Tuyển tập nghiên cứu phê bình, NXB Lao động, 2007, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn, tr. 574.
[17] Trương Chính, sđd., tr. 39.
[18] Chẳng hạn ở thể loại hát nói, Trần Đình Hượu đưa ra con số trên 50 bài (nhưng không liệt kê), Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề đưa 52 bài, còn Nguyễn Đức Mậu đưa 72 bài.
[19] Trần Đình Hượu, bđd., tr. 537.
[20] Trương Chính, sđd., tr. 18.
[21] Trần Đình Hượu, bđd., tr. 537.
[22] Nt., tr. 538.
[23] Nguyễn Đình Chú, “Nguyễn Công Trứ: sự lên ngôi của cái tôi-cá thể” trong Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, sđd., tr. 929.
[24] Trần Nho Thìn, bđd.
[25] Trần Nho Thìn, “Nguyễn Công Trứ và thời đại chúng ta” trong Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, sđd., tr. 32.
[26] Phạm Vĩnh Cư, “Thơ “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ với dòng thơ hưởng lạc thế giới” trong Sáng tạo và giao lưu, NXB Giáo dục, 2007, tr. 30.
[27] Trương Tửu, sđd., tr. 604.
[28] Nt., tr. 618.
[29] Nt., tr. 631.
[30] Nt., tr. 675.
[31] Nt., tr. 619.
[32] Nt., tr. 625.
[33] Nt.
[34] Xem Phạm Vĩnh Cư, bđd.
[35] R. M. Albérès, Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX, 1900-1959, Vũ Đình Lưu dịch, NXB Lao động và công ty Văn Lang, 2003. (Nhan đề nguyên bản: L’Aventure intellectuelle du XXe siècle 1900-1950, Albin Michel, 1959), tr. 13-14.
[36] Trần Nho Thìn, “Nhân cách Nguyễn Công Trứ nhìn từ quan điểm bản thể luận”, bđd.
[37] Nguyễn Đức Mậu, sđd., tr. 11.
[38] Trần Đình Hượu, bđd., tr. 534.
[39] Nguyễn Đức Mậu, sđd., tr. 31.
[40] Hai câu thơ chữ Hán có đối là một trong các đặc điểm hình thức nổi bật của hát nói, theo Nguyễn Đức Mậu, “Về mặt tâm lý, khi thơ nôm, nhất là thơ nôm gắn với hát xướng, chưa được quan niệm chính thống coi trọng thì sự xuất hiện hai câu thơ chữ Hán có đối như một nhu cầu điều hòa, điều hòa cái phi chính thống với cái chính thống, điều hòa giữa cái dân gian và cái bác học” (Nguyễn Đức Mậu, sđd., tr. 85). Bùi Kỷ gọi sự có mặt của hai câu thơ chữ Hán trong hát nói là “Hán Việt hợp dụng thể”, còn Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề gọi là pha trộn thơ Tàu thơ Việt.
[41] Ngay trong thơ Nôm, phần lớn các tác giả trung đại cũng không dễ hiểu đối với hiện nay. Một số ví dụ rút từ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi: Mựa để nghìn đời tiếng hổ hang; Ngồi coi tháng lọn liễn ngày qua/Luống phụ triều đình luống phụ nhà/Đầu kế lăng căng những hổ/Thân nhàn lục cục mấy già; Vuỗn sinh lẩn thẩn mấy già/Mọi sự đều nên “thuấn nhược đa”.
[42] Nguyễn Đình Chú, bđd., tr. 935.
[43] Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, sđd., tr. 229.
[44] Trương Chính, sđd., tr. 41.
[45] Lê Thước, sđd., tr. 490.
[46] Trương Chính, sđd., tr. 40.
[47] Nguyễn Đình Chú, bđd., tr. 929-930.
[48] Nguyễn Đức Mậu, sđd., tr. 77.
[49] Nt., tr. 78.
[50] Nt., tr. 81.
[51] Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, 2t., NXB Văn học, 1981, t1. Một điều đặc biệt là ở tập 2, Xuân Diệu viết về sáu nhà thơ: Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu và Đào Tấn, nhưng không có Nguyễn Công Trứ. Sự thiếu vắng này rất có thể có nguyên do từ ý thức hệ.
[52] Cũng sử dụng phương pháp này là Phong cách Nguyễn Du và Truyện Kiều của Phan Ngọc.
[53] Xuân Diệu, sđd., tr. 238.
[54] Nt., tr. 241.
[55] Một mình lưỡng lự canh chầy/Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh; Hoa trôi bèo giạt đã đành/Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi; Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi/Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn; Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn/Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn; Một mình nàng, ngọn đèn khuya; Một nhà để chị riêng oan một mình; Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?; Niềm riêng nhớ ít tưởng nhiều/Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang; Tấm riêng riêng những nặng vì nước non; Lòng riêng riêng những kính yêu/Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai; Một mình lặng ngắm bóng nga/Rộn đường gần với nỗi xa bời bời; Chênh chênh bóng nguyệt xế mành/Tựa ngồi bên triện một mình thiu thiu; Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình; Một mình khôn biết làm sao; Buồng riêng riêng những sụt sùi; Giật mình mình lại thương mình xót xa; Những mình nào biết có xuân là gì; Một mình âm ỷ đêm chầy/Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh; Một mình cay đắng trăm đường/Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi/Mảnh trăng đã gác non đoài/Một mình luống những đứng ngồi chưa xong; Lại mang lấy một chữ tình/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong; Oan kia theo mãi với tình/Một mình mình biết, một mình mình hay; Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi.
[56] Nt., tr. 242.
[57] Xem Nguyễn Trãi toàn tập, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, NXB Khoa học Xã hội, 1976 (in lần thứ hai), bản của Văn Tân và Đào Duy Anh. Thống kê các câu thơ có xuất hiện từ “là”: Nghìn đầu cam quít ấy là tôi; Dấu người đi là đá mòn; Cuốc cày là thú những chon chăn; No lòng tự tại quản chi là; Bá Di người rặng thanh là thú; Rập rìu là ấy chiêm bao; Trẻ hòa sang ấy phúc/Già được lọn là tiên; Cối cây là đá lấy làm nhà; Lòng chẳng mắc tham là của báu; Trượng phu non vắng là tri kỷ/Tiên khách nguồn om ấy cố nhân; Ngoài cửa mận đào là khách đỗ/Trong nhà cam quít ấy tôi mình; Ngõ ốc nhường khiêm là mỹ đức/Đôi co ai dễ kém chi ai; Có biết đâu là sự thế gian; Ở thế đấng nào là của trọng; Khó khăn là của thế gian yêm; Ai thấy rằng cười là thế thái; Khi bão mới hay là cỏ cứng/Thuở nghèo thì biết có tôi lành; Bần tiện ai là kẻ trọng yêu; Yêu trọng người dưng là của cải; Ơn tư là ấy yêu dường chúa/Lỗi thác vì nơi lụy bởi danh; Già vô sự ấy là tiên; Có xạ tự nhiên mùi ngát bay/Lọ là đứng gió khong tay; Ruộng nương là chủ, người là khách; Chẳng say chẳng đắm là quân tử; Trên đời chỉn ấy khách là tiên; Thu âu là nhẫn một hai phần; Một phát xuân là một động người.
[58] Xem Nguyễn Khuyến tác phẩm, NXB Khoa học Xã hội, Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, 1984 (bản của Nguyễn Văn Huyền). Thống kê các câu thơ Nôm có xuất hiện từ “là”: Nửa ngỡ là quen, nửa lại ngờ; Trước là ngẫm nghĩ nỗi gần xa; Khôn đến mẹ mày là có một; Quản chi công nợ có là bao; Cái bút, cái nghiên là của quí/Câu kinh, câu sử, ấy mùi ngon; Từ xưa mặt ngọc ai là chẳng…; Người đâu tên họ là gì; Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác; Há những là đây mới đoạn trường; Nghĩ lại như là chuyện thuở xưa; Ông bà tóc bạc nhà cao/Trời cho tuổi tác thế nào là vui; Chẳng tiên ấy cũng là tiên; Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là; Canh bạc biết đâu là lỗ lãi/Vòng duyên thôi cũng tại giông may; Cô đào Sen là người Thi Liệu/Cớ làm sao õng ẹo với làng nho.
[59] Trương Tửu, sđd., tr. 616.

3 comments:

  1. oạch, lâu lâu bác NL lại làm một quả bomb to đùng đoàng, hãi thật...

    ReplyDelete
  2. 1. Uhm, về từ "là " trong thơ Mới , Đặng Anh Đào có một nhận xét thú vị trong " Việt Nam và phương Tây - tiếp nhận và giao thoa trong văn học " ( trang 388 )
    2. Đọc Trương Tửu đến đâu, em thây thấm đến đó .

    ReplyDelete