Nov 18, 2010

Về sự phù phiếm

Có sự phù phiếm được ca ngợi và ngưỡng vọng như ở trong hiện thân của Audrey Hepburn được nhiếp ảnh gia Bob Willoughby bất tử hóa bằng một bấm nút (“Moon River”, “Breakfast at Tiffany’s”, Truman Capote và kim cương), và có sự phù phiếm kiểu khác, dường như tập trung trên khuôn mặt Christian Bale thủ vai Patrick Bateman trong phim “American Psycho”. Sự phù phiếm thứ nhất, người ta thầm mơ ước, gọi là thanh lịch, còn sự phù phiếm thứ hai, nó đầy vẻ “bệnh bệnh”, vẻ hào nhoáng nhưng gây ngần ngại, thậm chí là khiến tuyệt vọng trong một cuộc trượt vào không thể phanh hãm. Bret Easton Ellis, ở câu đầu tiên tiểu thuyết “American Psycho”, đã cảnh báo ngay, bằng cách dùng lại điều ghi trên cửa địa ngục ở “Thần khúc”, đại ý đã bước qua cánh cửa này thì mọi hy vọng hãy để lại bên ngoài.

Ở phương diện luân lý truyền thống, phù phiếm hiển nhiên không phải là một phẩm chất, nhưng “xử lý” nó là cả một công cuộc nhức óc: luân lý gia Montaigne (1533-1592) bỗng từ bỏ dạng tiểu luận ngắn thường thấy, một kho báu về sự thông thái, ngay khi cần đề cập tới phù phiếm. Tác phẩm “Bàn về sự phù phiếm” (“De la vanité”) của Montaigne dài như một khảo luận hoàn chỉnh, với vô số ví dụ từ lịch sử La Mã (nhà văn ẩn dật kỳ lạ không ưa Hy Lạp mà chỉ thích quẩn quanh với những Alba, Cicéron, Horace, Virgile). Nhà ngôn ngữ học Quintilien dạy: “Simpliciora militares decent” (Nói năng đơn giản hơn thì thích hợp với binh lính). Những bữa tối xa hoa của Trimalcion, như Pétrone miêu tả trong “Satyricon”, thường là đối tượng cho sự châm biếm mỉa mai.

Nhưng cũng hiển nhiên là sự phù phiếm tồn tại, và tồn tại một cách tốt đẹp, phởn phơ (thật ra là cũng không phởn phơ cho lắm). Thử không nhìn bằng con mắt luân lý (cũng như nhân văn chủ nghĩa, cái thường coi mọi miêu tả văn chương về sự nổi loạn đều là trên con đường dẫn tới một nhận thức về “Bắt trẻ đồng xanh”), những nhà văn như Bret Easton Ellis đã làm một điều: ngôn từ hóa và cặn kẽ hóa cuộc phù phiếm, trường danh lợi (Vanity Fair) với cái nhìn từ bên trong nhưng đầy nỗ lực khách quan.

Có “người tiền nhiệm” là Scott Fitzgerald, có các “đồng đảng” như Jay McInerney (cùng là thành viên của nhóm văn chương Brat Pack lừng lẫy cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI) bên Mỹ hay Frédéric Beigbeder bên Pháp (trong tiểu thuyết “Một tiểu thuyết Pháp” xuất bản năm 2009, Beigbeder dành hẳn một đầu chương tả McInerney say rượu ngã trên hè phố), có lời khen nồng nhiệt của Michiko Kakutani, năm 1985 Bret Easton Ellis khai mạc cho đời văn của mình bằng “Less Than Zero”, tức “Như không hề có” (Minh Thi dịch, Nhã Nam & NXB Văn học), cuốn tiểu thuyết đầy tuổi trẻ, ma túy, tình dục, chuyển động quanh những cái tên sặc mùi phù phiếm nhất của cuộc sống chốn Nam California: The Roxy, Malibu, Sunset Boulevard, Universal Studio… Và đó là một cuốn tiểu thuyết thật buồn, buồn như “Gatsby vĩ đại”.

Nhà văn hiện thực không dừng lại ở nơi nhà văn viết truyện cổ tích dừng lại: Balzac không thỏa mãn chùn chân ở chỗ chàng và nàng vượt qua đủ loại chông gai để lấy được nhau (“Cửa hiệu mèo chơi bóng”), còn những nhà văn như Bret Easton Ellis khởi hành từ ngay phía sau của giấc mộng Mỹ được hoàn tất. Cái gì xảy ra sau đó, sau thành công tột bậc, sau cánh gà, sau phù phiếm tuyệt đối, mới là điều đáng quan tâm hơn cả. Người ta có thể buồn chán ở Beverly Hills hay không? Câu trả lời, thật tệ, là có, mặc cho bao nhiêu gam heroin hít vào người và bao nhiêu xe Porsche để cưỡi. Vấn đề dường như trượt khỏi khởi điểm của nó: không phải phù phiếm là thuộc tính tất định của con người nữa, mà buồn chán có thể nằm ở bất kỳ đâu, cả trong phù phiếm.

Clay, Blair, Julian, Trent… và rất nhiều nhân vật trẻ tuổi con nhà giàu khác nữa của “Như không hề có”, một cách anh hùng, cứ ngày ngày gánh vác sự phù phiếm của họ. Xét cho cùng, như “sư phụ” Scott Fitzgerald của Bret Easton Ellis đã viết ở đâu đó: “Những người rất giàu, họ rất khác chúng ta”. Cái thế giới ấy là một điều kiện sống, không hơn, giống như câu của Virgile mà ông già thông thái Montaigne từng mượn khi viết về phù phiếm: “Quippe ubi fas versum atque nefas” (Nơi trộn lẫn cái đúng và cái sai).

Nhị Linh

6 comments:

  1. Bác NL vẫn hứng thú với "Fitzgerald và bọn nhà giàu" à? :D Nhưng phải nói rằng lựa chọn của ổng hay, bởi đúng là bọn nhà giàu, chúng "rất khác chúng ta" và thứ nữa là chúng "quí hiếm" hơn hẳn bọn cùng khổ lúc nhúc bò trên đất.

    Tender is the night có bản dịch của Mặc Đỗ, Sài Gòn cũ.

    ReplyDelete
  2. chả hứng thú, bọn giàu cũng chán phèo, như bọn nghèo thôi hic, chúng lại còn không chống đỡ nổi cái phèo của chúng nữa í

    tình hình sao rồi? anh cũng đang đọc Nhật Ký của Kafka :(((

    bản dịch đó tên gì?

    ReplyDelete
  3. Anh ơi, bài này đã đăng ở tạp chí nào chưa ạ?

    ReplyDelete
  4. Sài Gòn cũa có tờ báo Sài Gòn Mới, của bà Bút Trà. Báo chuyên đăng tiểu thuyết "xã hội" của bà Tùng Long, rất là "phù phiếm".

    ReplyDelete
  5. Những người nghèo, họ cũng rất khác chúng ta.

    ReplyDelete