Oct 23, 2013

Haruki Murakami: Samsa yêu


(đăng trên The New Yorker số ngày 28 tháng Mười 2013)

(chuẩn bị 1Q84 tập 3 nhé :p)


Khi thức dậy, anh nhận ra mình đã biến hình, trở thành Gregor Samsa.

Anh nằm trên giường ngắm trần nhà. Mất một lúc mắt anh mới quen với ánh sáng lờ mờ. Trần nhà trông thật bình thường, kiểu trần nhà mà ta có thể thấy ở bất cứ đâu. Trước kia, nó từng được sơn trắng, hoặc có thể là màu kem nhạt. Nhưng bụi bẩn nhiều năm đã khiến nó ngả sang màu sữa thiu. Nó trần trụi không chút điểm trang, không một nét cá tính. Không lý lẽ, chẳng thông điệp. Nó hoàn thành vai trò kết cấu của mình, ngoài đó ra chẳng gợi lên điều gì nữa.

Bức tường bên trái anh có một cửa sổ cao, nhưng rèm đã bị bỏ đi và những thanh gỗ dày được đóng vào khung cửa. Giữa những tấm gỗ nằm ngang có khe hở vài xăng ti mét, chẳng rõ có theo chủ ý gì hay không; những tia nắng sớm chiếu qua đó rọi xuống nền nhà tạo thành những đường thẳng song song. Tại sao cửa sổ lại bị bít lại một cách thô thiển như vậy? Sắp có một cơn bão lốc gì đó chăng? Hay làm thế là để ngăn người ngoài leo vào? Hay để chặn người bên trong (có thể là anh) trèo ra?

Vẫn nằm yên đó, anh chầm chậm quay đầu nhìn quanh phòng. Không có đồ đạc gì ngoài cái giường anh đang nằm đây. Không tủ quần áo, không bàn, không ghế. Tường thì không treo tranh, đồng hồ hay gương. Không đèn không đóm. Sàn nhà cũng chẳng hề trải thảm. Gỗ trần vậy thôi. Tường thì dán giấy có họa tiết phức tạp, nhưng cũ kỹ và bợt bạt đến nỗi trong tình trạng thiếu ánh sáng này không thể nào nhìn thấy rõ các họa tiết.

Chắc căn phòng từng được dùng làm phòng ngủ thông thường. Có điều giờ thì mọi dấu tích cuộc sống con người đều đã tan biến. Thứ duy nhất còn lại là cái giường đơn độc của anh đặt ngay giữa phòng. Giường lại trống trơn nữa chứ. Không chăn, không ga, không gối. Độc một tấm nệm cũ xì.

Samsa không hề biết mình đang ở đâu, mình phải làm gì. Điều duy nhất anh biết là giờ đây anh là một con người mang tên Gregor Samsa. Làm sao anh biết điều đó? Có ai đó thì thầm cho anh biết trước khi anh ngủ thiếp đi chăng? Nhưng anh là ai trước khi trở thành Gregor Samsa mới được chứ? Anh từng là cái gì?

Thế nhưng vào đúng lúc anh khởi sự chú tâm vào câu hỏi ấy, một cái gì giống như đàn muỗi đen kịt bỗng bay loạn xạ trong đầu anh. Đến vùng não mềm hơn của anh, đàn muỗi trở nên đông hơn, dày đặc hơn, trên đường dịch chuyển chúng vo ve không ngớt. Samsa bèn quyết định thôi suy nghĩ. Trong tình trạng này mà cứ cố nghĩ điều gì đó thì thật là nặng nề.

Dù có thế nào, anh cũng phải học cách điều khiển cơ thể. Anh chẳng thể nào cứ nằm mãi đấy mà nhìn trần nhà. Tư thế này khiến anh trở nên yếu xìu. Anh chẳng có cơ may nào sống sót nếu xảy ra một cuộc tấn công - của lũ chim ăn thịt chẳng hạn. Trước hết, anh thử cử động các ngón tay. Có mười ngón, những ngón dài dài gắn vào hai bàn tay anh. Mỗi ngón có vài đốt, thành ra việc điều khiển tổng thể các cử động trở nên rất phức tạp. Tệ hại hơn nữa là người anh cứ ì ra, như thể đang sũng vào một thứ chất lỏng dính nhớp, sao mà khó truyền sức đến những bộ phận nằm xa nhất.

Tuy nhiên, sau rất nhiều lần cố sức không thành công, bằng cách nhắm mắt dồn tụ hết trí lực, anh cũng đã ít nhiều kiểm soát được các ngón tay. Dần dà, anh học cách phối hợp chúng với nhau. Dùng được các ngón tay rồi, sự ì trệ trùm lên người anh cũng giảm bớt. Thế chỗ nó là một cơn đau khủng khiếp, không khác gì lúc thủy triều rút, nằm trơ lại là tảng đá ngầm đen tối, u ám.

Mất một lúc Samsa mới nhận ra cơn đau chính là cơn đói. Với anh nỗi thèm ăn cồn cào thật mới mẻ, ít nhất anh cũng không nhớ mình từng trải nghiệm điều gì giống thế. Cứ như thể anh đã không ăn một chút gì suốt tuần qua. Như thể giờ đây trung tâm cơ thể anh đã trở thành khoảng trống hang hốc. Xương cốt rệu rã, cơ bắp cứng đơ, nội tạng thì xoắn quặn.

Không thể chịu nổi cơn đau thêm nữa, Samsa chống hai cùi chỏ lên nệm và, từng chút một, tự nâng mình lên. Xương sống anh phát ra những tiếng răng rắc trầm trầm phát ớn trong suốt lúc đó. Chúa ơi, Samsa nghĩ, mình nằm đây bao lâu rồi? Cơ thể anh chống lại từng cử động. Nhưng anh cố chống chọi, điều chỉnh sức lực của mình cho tới lúc cuối cùng anh cũng ngồi lên được.

Samsa kinh tởm nhìn xuống cơ thể trần truồng của mình. Anh mới ốm yếu làm sao! Còn tệ hơn ốm yếu. Nó chẳng còn sở hữu một phương tiện nào để tự vệ nữa. Làn da trắng mềm (chỉ điểm duy nhất một nhúm lông lơ thơ) với những mạch máu xanh mong manh hằn rõ; một cái bụng mềm oặt, tơ hơ; dương vật lố lăng, hình thù chẳng ra sao; chân tay thì nghều ngoào (hai chân và hay tay!); một cái cổ gầy nhom, chừng như gãy đến nơi; cái đầu thì to tướng, méo mó với chút tóc cứng đơ trên đỉnh; cặp tai phi lý thò ra như hai vỏ sò. Cái thứ này có thực là anh không? Một cơ thể ngớ ngẩn, dễ tàn phá đến vậy (không có cái vỏ bảo vệ nào, không thứ vũ khí nào để tấn công) mà sống sót được trên cõi đời ư? Tại sao anh không biến luôn thành một con cá cho rồi? Hay một bông hoa hướng dương? Một con cá hay một bông hoa hướng dương thì còn có nghĩa. Dẫu sao thì cũng có nhiều ý nghĩa hơn cái thằng người Gregor Samsa này.

Gồng người lên, anh thả dần hai chân xuống khỏi thành giường cho đến khi lòng bàn chân chạm sàn nhà. Sàn gỗ lạnh bất ngờ khiến anh rên lên. Sau nhiều lần cố mà không nổi, cứ ngã chúi xuống sàn, cuối cùng anh cũng đã đứng được thăng bằng trên hai chân. Anh đứng đó, người bầm giập đau đớn, một tay vịn vào thành giường cho khỏi ngã. Đầu anh nặng một cách bất thường, khó khăn lắm mới dựng lên được. Mồ hôi ướt đẫm hai bên nách còn dương vật thì rụt lại vì sợ. Anh phải hít hơi thật sâu mấy lần, các cơ bắp căng cứng mới bắt đầu lỏng ra.

Đứng thẳng được rồi, anh phải tập bước đi. Bước đi trên hai chân sao giống như bị tra tấn, mỗi chuyển động là một tập luyện đau đớn. Anh có nhìn nhận ra sao đi nữa thì việc lần lượt bước chân phải rồi đến chân trái cũng là một sự kỳ quặc lăng nhục mọi quy luật của tự nhiên, cùng lúc đó khoảng cách khiếp hãi giữa hai mắt anh và sàn nhà khiến anh rúm lại vì sợ. Anh phải học cách phối hợp hông với hai bên đầu gối. Mỗi lần bước một bước đầu gối anh lại run lên, anh phải dùng cả hai tay chống vào tường cho vững.

Nhưng anh biết mình không thể ở mãi trong căn phòng này. Nếu không nhanh chóng tìm được đồ ăn, cái bụng trống huếch của anh sẽ xơi mất da thịt anh, và thế là anh sẽ ngừng tồn tại.


Anh khập khễnh tiến về phía cửa, vừa đi vừa lóng ngóng vịn vào tường. Dường như phải mất nhiều tiếng đồng hồ, tuy rằng anh không có cách nào để đo đếm thời gian, ngoài việc căn cứ theo sự đau đớn. Các cử động của anh ngượng nghịu, bước chân thì giống như sên bò. Anh không thể tiến lên nếu không bám vào cái gì đó cho khỏi ngã. Nếu ra được ngoài đường, hy vọng tốt đẹp nhất mà anh có thể có là được người ta coi là một kẻ tàn tật.

Anh nắm lấy nắm đấm cửa rồi kéo. Không nhúc nhích. Đẩy ra cũng thế. Anh bèn vừa xoay nắm đấm sang phải vừa kéo. Cánh cửa mở hé ra một chút. Anh thò đầu ra nhìn bên ngoài. Hành lang không một bóng người. Yên tĩnh như dưới đáy biển. Anh đưa chân trái ra khỏi cửa, nhấc theo nửa người trên, rồi đến chân phải. Anh chầm chậm men theo hành lang, tay chống lên tường.

Trên hành lang có tổng cộng bốn cánh cửa, tính cả cánh cửa anh vừa đi qua. Chúng giống hệt nhau, đều được làm bằng cùng thứ gỗ sẫm màu. Đằng sau chúng có cái gì, hay có ai? Anh chỉ muốn mở chúng ra để xem. Có lẽ làm vậy xong rồi anh có thể hiểu ra tình huống bí hiểm mình đang rơi vào. Hay ít nhất là tìm thấy một manh mối nào đó. Tuy nhiên, anh lần lượt đi qua những cánh cửa, cố sức càng ít gây tiếng động càng tốt. Nhu cầu nhét cho đầy bụng mạnh hơn nỗi hiếu kỳ. Anh phải tìm ra cái gì đó để ăn cái đã.

Và giờ đây anh đã biết phải tìm cái đó ở đâu.

Chỉ cần lần theo mùi, anh vừa nghĩ vừa hít ngửi. Đó là mùi đồ ăn đã nấu chín, những phân tử mùi bay qua không khí đến với anh. Những thông tin mà cơ quan cảm nhận khứu giác trong mũi anh được truyền lên não, tạo ra một nỗi thúc giục vô cùng mạnh mẽ, cơn cồn cào vô cùng bạo liệt, đến mức anh có thể cảm nhận được ruột gan đang chầm chậm quặn thắt, như thể dưới bàn tay một kẻ tra tấn chuyên nghiệp. Nước bọt tứa ra đầy trong miệng anh.

Tuy nhiên, để đến được nơi phát ra mùi ấy, anh sẽ phải đi xuống những bậc cầu thang dốc, mười bảy bậc cả thảy. Đi trên mặt bằng đã là mệt mỏi lắm rồi, dò dẫm xuống những bậc thang này sẽ là cả một cơn ác mộng. Anh dùng cả hai tay túm chặt lấy lan can và bắt đầu đi xuống. Hai mắt cá chân trơ xương của anh như thể sắp gãy gục dưới trọng lượng cơ thể, và anh gần như đổ nhào theo các bậc cầu thang.

Trong lúc bước xuống, trong đầu Samsa nghĩ gì? Cá và những bông hoa hướng dương, chủ yếu là vậy. Giá kể mình biến thành một con cá hay một bông hoa hướng dương, anh nghĩ, thì chắc mình đã có thể bình yên mà sống cuộc đời mình, chẳng phải vật lộn hết sức với những bậc cầu thang như thế này.

Khi xuống đến hết mười bảy bậc cầu thang, Samsa vận hết sức lực còn lại cố đứng thẳng lên và cà nhắc lết về phía đang bốc ra cái mùi hấp dẫn. Anh đi ngang sảnh ngoài trần cao và bước qua cánh cửa phòng ăn đang mở. Đồ ăn để trên một cái bàn ô van lớn. Có năm cái ghế, nhưng không có ai. Những làn hơi màu trắng bay lên từ những cái đĩa bày ở đó. Một cái lọ thủy tinh đặt giữa bàn, cắm chừng một chục bông huệ. Bốn chỗ ngồi có để sẵn khăn ăn và dao dĩa, vẻ như còn chưa ai đụng vào. Cứ như thể những người kia mới cách đây vài phút đang ngồi ăn sáng ở đây thì xảy ra một điều gì đó đột ngột, bất ngờ, khiến họ phải bỏ chạy. Chuyện gì đã xảy ra? Họ đi đâu mất rồi? Hoặc giả họ đã bị mang đi đâu? Họ có quay lại để ăn bữa sáng của mình không?

Nhưng Samsa không có thời gian nghiền ngẫm những câu hỏi đó. Gieo mình xuống cái ghế gần nhất, anh vơ lấy mọi thứ đồ ăn mà anh với tới, dùng hai tay nhét chúng vào miệng, chẳng thèm để ý dao, thìa, dĩa, khăn ăn. Anh bẻ bánh mì thành những mẩu nhỏ và nuốt chửng, không trét mứt hay bơ, ngấu nghiến nguyên những cái xúc xích luộc to tướng, ngồm ngoàm đống trứng luộc, nhanh đến mức gần như không cả bóc vỏ, bốc từng nắm khoai tây nghiền vẫn còn âm ấm, và lấy ngón tay quẹt nước xốt. Anh nhai tất, chiêu bằng nước lấy từ một cái bình cho chúng trôi xuống. Chẳng kịp cảm nhận mùi vị gì hết. Thơm tho hay ngon lành, cay hay chua - với anh đều như nhau cả. Điều duy nhất có ý nghĩa là lấp cho đầy cái hang trống rỗng trong anh. Anh tập trung tuyệt đối vào việc ăn, như thể đang chạy đua với thời gian. Anh chăm chú ăn đến mức có lúc liếm ngón tay, anh còn cắn luôn chúng vì tưởng là đồ ăn. Những mẩu đồ ăn vung vãi khắp nơi, và khi có một cái đĩa rơi xuống sàn vỡ tan, anh cũng chẳng buồn để tâm chút nào.


Lúc Samsa đã chén đẫy và ngồi oải ra để thở, gần như không còn lại thứ gì, bàn ăn trông thật khủng khiếp. Như thể vừa có một đàn quạ nhốn nháo thốc vào qua cửa sổ mở, tọng lấy tọng để rồi lại bay mất. Thứ duy nhất không bị đụng đến là lọ hoa huệ; nếu có ít đồ ăn hơn, có lẽ anh cũng đã chén nốt chúng rồi.

Anh mụ mị ngồi đó trên ghế một lúc lâu. Tay đặt trên bàn, anh nhìn những bông huệ qua khe mắt nhắm hờ, thở thật chậm và sâu, trong lúc đó những đồ ăn anh đã chén trôi xuống qua hệ tiêu hóa, từ thực quản xuống đến ruột. Cảm giác no trùm lên anh như một đợt sóng. Anh với lấy cái bình kim loại, đổ cà phê từ đó ra một cốc sứ. Cái mùi găn gắt gợi anh nhớ đến điều gì đó. Nhưng nó không ồ ạt đến ngay mà theo từng bước. Đó là một cảm giác kỳ quặc, như thể anh đang nhớ lại hiện tại từ tương lai vậy. Như thể cách nào đó thời gian đã bị chia làm hai, thành thử ký ức và kinh nghiệm cùng dự vào một chu trình khép kín, đuổi bắt lẫn nhau. Anh rót vào cà phê thật nhiều kem, dùng ngón tay nguấy rồi uống. Cà phê đã nguội nhưng vẫn giữ được chút hơi ấm. Anh nâng cốc để trước miệng mình một lúc lâu rồi mới quyết định cho cà phê chảy vào cổ họng. Anh nhận thấy làm như thế anh bình tâm được một chút.

Đột nhiên, anh thấy lạnh. Cơn đói khủng khiếp lúc trước đã đánh bạt đi mọi cảm giác khác. Giờ khi đã no nê, cái lạnh buổi sáng châm vào da thịt khiến anh run lên. Sự ấm áp đã mất hẳn. Có vẻ các máy sưởi đều không bật. Hơn hết, anh lại đang trần trùi trụi - cả hai bàn chân anh cũng để trần.

Anh biết mình phải kiếm đồ để mặc vào người. Như thế này anh thấy quá lạnh. Thêm nữa, không mặc quần áo thế này sẽ là vấn đề nếu có ai đó xuất hiện. Có thể ai đó sẽ gõ cửa. Hoặc giả những người từng ngồi đây ăn sáng lúc trước sẽ quay lại. Ai biết họ sẽ phản ứng thế nào nếu bắt gặp anh trong tình trạng này?

Anh hiểu tất tật những chuyện đó. Anh không phỏng đoán hay tri nhận theo đường trí óc; anh chỉ biết thôi, thuần túy và giản đơn. Samsa không hề biết tại sao mình lại biết như vậy. Có lẽ chuyện ấy liên quan đến những ký ức quay vòng tròn mà anh đang có.

Anh đứng dậy khỏi ghế, đi ra sảnh trước. Bước chân của anh vẫn ngượng nghịu, nhưng giờ thì ít nhất anh cũng đứng được, đi được bằng hai chân mà không phải vịn vào đâu. Trong sảnh có một cái giỏ sắt, bên trong cắm những cây gậy chống. Anh rút một cây bằng gỗ sồi màu đen để giúp mình bước đi; chỉ riêng việc cầm lấy tay nắm vững chắc của nó đã khiến anh cảm thấy thoải mái và được khích lệ. Và giờ thì anh cũng đã có một món vũ khí để chiến đấu nếu bị lũ chim ăn thịt tấn công. Anh đi ra cửa sổ, nhìn ra ngoài qua kẽ hở của tấm rèm đăng ten.

Ngôi nhà nhìn thẳng xuống phố. Một phố không lớn lắm. Cũng không có nhiều người qua lại. Tuy nhiên, anh nhận thấy bất kỳ ai đi qua cũng ăn mặc cẩn thận. Trang phục nhiều màu, nhiều kiểu dạng. Đàn ông và đàn bà mặc khác nhau. Chân họ thì đi giày da. Vài người đi bốt đánh bóng. Anh có thể nghe tiếng bước chân họ vang lên trên vỉa hè lát đá. Nhiều đàn ông và đàn bà đội mũ. Có vẻ họ không nghĩ đến điều gì khác ngoài bước đi bằng hai chân và che kín bộ phận sinh dục của mình. Samsa so sánh bộ dạng của mình hiện ra trong tấm gương lớn treo ở sảnh với những con người đang bước đi ngoài kia. Gã đàn ông mà anh nhìn thấy trong gương là một kẻ tiều tụy, dáng vẻ thật yếu ớt. Bụng anh lốm đốm vệt đồ ăn bẩn, và vụn bánh mì dính vào mớ lông kín của anh trông như những mẩu bông. Anh dùng tay phủi chúng đi.

Đúng vậy, anh lại nghĩ, mình phải tìm ra thứ gì để phủ lên người.

Anh nhìn ra phố thêm một lần nữa, xem có chim không. Nhưng không thấy con nào.

Tầng dưới ngôi nhà gồm có sảnh, phòng ăn, bếp, và phòng khách. Tuy nhiên anh thấy là không căn phòng nào có cái gì từa tựa quần áo. Điều đó có nghĩa việc mặc quần áo và cởi quần áo phải được thực hiện ở một chỗ khác. Có thể là trong một căn phòng tầng trên.

Samsa quay trở lại cầu thang và bắt đầu leo lên. Anh ngạc nhiên phát hiện mình đi lên dễ hơn nhiều so với lúc xuống. Vịn tay vào lan can, anh có thể đi lên mười bảy bậc cầu thang mau chóng hơn nhiều, lại không thấy đau và sợ kinh người nữa, chốc chốc phải dừng lại trên đường để thở (mà chặng đường đâu có dài).

Có thể nói rằng anh rất may mắn, vì không cánh cửa nào trên tầng bị khóa. Anh chỉ việc xoay nắm đấm rồi đẩy, cửa nào cũng mở ra hết. Có tổng cộng bốn phòng và, ngoài căn phòng lạnh giá sàn để gỗ trần, nơi anh đã tỉnh dậy, tất cả đều đầy đủ tiện nghi. Phòng nào cũng có một cái giường trải sạch sẽ, tủ, bàn viết, đèn mắc trên trần hay gắn ở tường, và thảm có họa tiết rối rắm. Sách được xếp ngay ngớm trên giá, những bức tranh phong cảnh sơn dầu lồng khung trang trí cho các bức tường. Phòng nào cũng có lọ thủy tinh cắm những bông hoa sáng màu. Không phòng nào có cửa sổ đóng các thanh gỗ chẹt ngang. Cửa sổ các phòng có rèm đăng ten, ánh sáng tràn qua đó như ân sủng từ cõi trên. Các giường đều có dấu vết có người đã ngủ ở trên. Anh có thể thấy những cái gối hằn dấu đầu người nằm.

Samsa tìm được một cái áo choàng mặc trong nhà cỡ người anh trong tủ căn phòng rộng nhất. Chắc là anh có thể dùng nó được. Anh không hay biết mình có thể làm gì với những thứ quần áo khác - khoác lên người thế nào, mặc thế nào. Chúng quá mức phức tạp: quá nhiều khuy là một, rồi thì anh không chắc chiều nào là phải chiều nào là trái, rồi mặc từ dưới lên hay mặc từ trên xuống. Cái gì mặc ngoài, cái gì mặc ở trong? Còn cái áo choàng thì đơn giản, tiện dụng, lại không diêm dúa. Chất vải nhẹ, mềm của nó cọ vào da thịt anh dễ chịu, nó có màu xanh thẫm. Thậm chí anh còn tìm được một đôi dép hợp với nó.

Anh khoác cái áo choàng lên thân thể trần truồng của mình và, sau nhiều thử nghiệm vụng về, cài được cái dây lưng. Anh nhìn mình trong gương, giờ đây đã khoác áo và đi dép. Thế này chắc chắn tốt hơn cởi truồng đi loăng quăng. Không ấm lắm, chắc chắn rồi, nhưng chừng nào còn ở trong nhà thì nó vẫn có thể giúp anh chống chọi cái lạnh. Hơn hết, anh không còn phải lo lớp da mềm của mình phơi bày ra trước lũ chim quái ác.


Khi chuông cửa reo, Samsa đang ngủ trong căn phòng lớn nhất (cũng là phòng có cái giường to nhất). Cuộn mình trong tấm chăn lông thế này thật ấm áp, dễ chịu, như thể anh đang nằm ngủ trong một quả trứng vậy. Anh tỉnh dậy khỏi một giấc mơ. Anh không nhớ rõ nó, nhưng biết là nó khoan khoái và tươi sáng. Tuy nhiên, tiếng chuông đã vang vọng khắp nhà, kéo tuột anh trở về với thực tế lạnh lẽo.

Anh bò ra khỏi giường, thắt lại dây lưng, đi vào chân đôi dép màu xanh đậm, với lấy cây gậy màu đen và, một tay vịn vào lan can, dò dẫm xuống cầu thang. Đã dễ dàng hơn rất nhiều so với lần trước. Thế nhưng nguy cơ bị ngã vẫn còn nguyên. Anh không dám bất cẩn chút nào. Mắt dán xuống hai bàn chân, anh đi xuống từng bậc một, chuông cửa vẫn reo liên hồi. Dù là ai đang nhấn chuông thì đó cũng phải là một người sốt ruột và bướng bỉnh.

Với cây gậy cầm bên tay trái, Samsa tiến lại cửa trước. Anh xoay nắm đấm sang phải và kéo, thế là cửa mở ra.

Bên ngoài có một người phụ nữ nhỏ bé. Một phụ nữ rất nhỏ bé. Thật khó hiểu tại sao cô ta lại với tới được chuông cửa. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn thì anh nhận ra vấn đề không nằm ở vóc dáng của cô ta. Mà là lưng cô ta, nó cong gập về phía trước. Điều đó khiến cô ta có vẻ rất nhỏ, cho dù vóc dáng cô ta thuộc loại bình thường. Tóc cô ta buộc dây chun để ngăn tóc xòa ra trước mặt. Tóc cô ta rất dày, màu hạt dẻ sẫm. Cô ta vận một chiếc jacket vải tuýt đã cũ và một cái váy rộng lùng thùng phủ xuống tận mắt cá. Một cái khăn vải bông kẻ sọc quấn quanh cổ. Cô ta không đội mũ. Giày của cô ta thuộc loại đế cao, buộc dây, và ta cô trạc đôi mươi. Ở cô ta vẫn còn vương vất chút gì của một đứa bé gái. Mắt cô ta to, mũi thì nhỏ, cặp môi hơi lệch về một bên trông như vầng trăng khuyết. Cặp lông mày sẫm màu của cô ta tạo thành hai đường thẳng vắt ngang trán, khiến cô ta trông có vẻ rất hoài nghi.

“Đây có phải là nhà của Samsa không?” cô gái hỏi, ngẩng đầu lên nhìn anh. Rồi cô ta vặn vẹo người rất dữ. Rất giống hình ảnh trái đất vặn vẹo trong một trận động đất dữ dội.

Thoạt tiên anh hoảng hốt, nhưng kịp trấn tĩnh lại. “Phải,” anh đáp. Bởi anh là Gregor Samsa, đây chắc phải là nhà của Samsa. Dù có thế nào, nói vậy cũng chẳng hại gì.

Nhưng có vẻ như là cô gái thấy câu trả lời của anh chưa thỏa đáng. Cô ta hơi cau mày lại. Có lẽ cô ta nhận thấy chút phân vân trong giọng nói của anh.

“Đây có thực là nhà của Samsa không?” cô ta hỏi, giọng sắc lẻm. Giống như một người trông cửa giàu kinh nghiệm tra hỏi một vị khách rách rưới.

“Tôi là Gregor Samsa,” Samsa nói, cố sức làm sao cho giọng nói của mình thật thoải mái. Ít nhất thì anh cũng chắc chắn được về điều ấy.

“Tôi hy vọng anh nói đúng,” cô ta nói, rồi cúi xuống xách cái túi vải để dưới chân lên. Nó có màu đen và trông rất nặng. Bị rách nhiều chỗ, chắc hẳn nó từng qua nhiều đời chủ. “Thế thì bắt đầu luôn nhé.”

Cô ta đi luôn vào nhà, không đợi câu trả lời. Samsa đóng cửa lại sau lưng. Cô ta đứng đó, nhìn anh từ trên xuống dưới. Chừng như cái áo choàng và đôi dép khiến cô ta cảm thấy nghi ngờ.

“Hình như tôi đánh thức anh thì phải,” cô ta nói, giọng lạnh lùng.

“Không sao hết đâu,” Samsa đáp. Căn cứ vào dáng điệu không hay ho gì của cô ta, anh có thể biết rằng trang phục của mình hoàn toàn không phù hợp. “Tôi phải xin lỗi vì đang ăn mặc thế này,” anh nói tiếp. “Có các lý do…”

Cô gái chẳng buồn nghe. “Rồi, sao?” cô ta hỏi, miệng chu lại.

“Rồi, sao?” Samsa lặp lại.

“Rồi, sao, cái khóa nào bị hỏng thế?” cô gái hỏi.

“Khóa à?”

“Cái ổ khóa bị hóc,” cô ta nói. “Anh gọi chúng tôi đến sửa mà.”

“À,” Samsa nói. “Cái ổ khóa bị hóc.”

Samsa lục lọi trong óc. Nhưng vừa mới định tập trung vào một điều gì đó, tức thì đàn muỗi lại xuất hiện.

“Tôi chưa từng nghe nói chuyện gì cụ thể về một cái ổ khóa,” anh đáp. “Tôi đoán chắc là một trong mấy cánh cửa trên tầng.”

Cô gái nhìn anh trừng trừng. “Anh đoán à?” cô ta nói, ngó vào mặt anh. Giọng cô ta còn trở nên băng giá hơn. Lông mày nhíu hẳn lại ra dấu không tin. “Một trong mấy cánh cửa à?” cô ta tiếp tục.

Samsa có thể cảm thấy mặt mình nóng bừng. Anh thấy hết sức bối rối vì không biết gì về cái ổ khóa. Anh dặng hắng định lên tiếng, nhưng không tìm được lời nào.

“Ông Samsa, có người nhà nào của ông đang ở nhà không? Tôi nghĩ tốt hơn hết là nói chuyện với họ.”

“Có vẻ như họ đã ra ngoài hết, đi đâu đó rồi,” Samsa đáp.

“Đi đâu đó à?” cô ta hỏi lại, vẻ giật mình. “Ngay giữa những biến loạn này ư?”

“Thực sự tôi chẳng biết gì. Sáng nay khi tôi tỉnh dậy, mọi người đều đi cả rồi,” Samsa nói.

“Hay ho đây,” cô gái nói. Cô ta buông một tiếng thở dài. “Chúng tôi đã nói hôm nay vào giờ này sẽ có người đến mà.”

“Tôi hết sức xin lỗi.”

Cô gái đứng đó một lúc. Rồi, chầm chậm, lông mày cô ta giãn ra, cô ta nhìn cây gậy màu đen Samsa đang cầm ở tay trái. “Ông có vấn đề ở chân à, Gregor Samsa?”

“Vâng, một chút,” anh mơ hồ đáp.

Thêm một lẫn nữa, đột nhiên cô gái vặn vẹo người. Samsa không hay biết động tác đó có nghĩa gì, nhằm đến mục đích nào. Thế nhưng bằng bản năng anh vẫn bị thu hút vào loạt cử động phức tạp.

“Thôi được rồi, sẽ thế này nhé,” cô gái nói, giọng nhẫn nhục. “Ta hãy đi kiểm tra mấy cánh cửa trên tầng. Tôi đã phải qua cầu, đi rõ xa qua thành phố, xuyên qua mớ hỗn độn khủng khiếp kia để tới đây. Thực sự là nguy đến tính mạng đấy. Thế nên sẽ thật ngớ ngẩn nếu nói, ‘A thế à, không có ai ở đây à? Tôi sẽ quay lại sau nhé,’ có phải không?”

Mớ hỗn độn khủng khiếp kia? Samsa không thể hiểu cô ta đang nói đến chuyện gì. Thay đổi kinh khủng nào đang diễn ra? Nhưng anh quyết định không hỏi thêm chi tiết. Tốt hơn hết là tránh bày ra sự vô tri của anh thêm nữa.

Cô gái cúi xuống nhấc cái túi đen nặng trĩu rồi đi lên cầu thang, trông chẳng khác nào một con côn trùng đang bò. Samsa chật vật đi sau cô ta, tay vịn lấy lan can. Dáng đi khòng khòng của cô ta khơi dậy sự thông cảm nơi anh - nó gợi cho anh nhớ đến một điều gì đó.

Lên hết cầu thang, cô gái đứng nhìn hành lang. “Tức là,” cô ta nói, “một trong bốn cánh cửa kia có khả năng có ổ khóa hỏng phải không?”

Mặt Samsa đỏ lựng. “Vâng,” anh đáp. “Một trong số đó. Có thể là cánh cửa cuối bên tay trái, chắc thế”, anh ngập ngừng nói. Đó là cửa căn phòng trống trơn nơi sáng nay anh tỉnh dậy.

Có thể,” giọng cô gái thiếu sức sống như pháo hoa đã phụt. “Chắc thế.” Cô quay lại nhìn thẳng vào mặt Samsa.

“Cách này hay cách khác,” Samsa nói.

Cô gái lại thở dài. “Gregor Samsa này,” cô nói, giọng khô khốc. “Nói chuyện với anh vui thật đấy. Vốn từ rất dồi dào, và lúc nào cũng đi vào trọng tâm.” Rồi cô ta đổi giọng. “Nhưng chả sao. Ta kiểm tra cánh cửa bên tay trái cuối hành lang trước nhé.”

Cô gái tiến lại cánh cửa. Cô ta xoay xoay nắm đấm rồi đẩy, nó mở ra vào bên trong. Căn phòng vẫn giống y lúc trước: chỉ có một cái giường với độc một cái đệm chẳng hề sạch sẽ. Sàn nhà cũng trống trơn. Những thanh gỗ chẹt ngang cửa sổ. Chắc cô gái nhận thấy tất tật những thứ đó, nhưng cô ta không hề tỏ ra ngạc nhiên. Vẻ thờ ơ ấy gợi ý rằng có thể tìm được những căn phòng tương tự ở khắp nơi trong thành phố.

Cô ta ngồi xuống, mở cái túi đen, rút ra một mảnh vải flanen màu trắng, trải nó xuống sàn. Rồi cô ta lấy ra các loại dụng cụ, xếp chúng ngay ngắn lên mảnh vải, giống như một kẻ tra tấn nhẫn tâm bày các thứ dụng cụ nghề nghiệp ghê gớm của mình trước mặt một tội nhân đáng thương.

Cô ta nhặt lấy một đoạn dây thép có độ dày vừa phải, nhét nó vào ổ khóa và, bằng bàn tay thành thạo, ngoáy nó từ mọi góc độ. Mắt cô ta nhíu hẳn lại vì tập trung, tai thì dỏng lên trông chừng bất kỳ tiếng động nào dù là nhỏ nhất. Sau đó, cô ta chọn một đoạn dây thép mảnh hơn rồi lặp lại quy trình. Mặt cô ta trở nên u tối, miệng xoắn lại ghê gớm, trông giống một thanh kiếm Tàu. Cô ta cầm lấy một cái đèn pin lớn và, cái nhìn thảm đạm, bắt đầu xem xét chi tiết cái ổ khóa.

“Anh có chìa khóa của cái ổ này không?” cô ta hỏi Samsa.

“Tôi hoàn toàn không hay biết chìa khóa đang ở đâu,” anh thành thực đáp.

“A, Gregor Samsa ạ, đôi lúc anh làm tôi thấy muốn chết đấy,” cô ta nói.

Sau đó, cô ta gần như không để ý đến anh nữa. Cô ta chọn lấy một cái tuốc nơ vít trong đống dụng cụ để trên mảnh vải và tìm cách tháo ổ khóa khỏi cửa. Các cử động của cô ta chậm rãi và cẩn trọng. Chốc chốc cô ta dừng lại để vặn vẹo người giống như lúc trước.

Đứng sau lưng nhìn cô ta làm việc, cơ thể Samsa cũng bắt đầu hồi đáp theo một cách thức kỳ quặc. Khắp người anh nóng bừng, hai lỗ mũi phập phồng. Miệng anh khô khốc đến nỗi mỗi khi nuốt nước bọt nó lại tạo ra một tiếng “ực” lớn. Hai bên dái tai thì ngứa ran. Và dương vật anh, cho đến lúc này vẫn thõng thượt nằm ườn ở đó bỗng bắt đầu cương lên, phình ra. Nó to dần ra và phía trước cái áo choàng của anh xuất hiện một đoạn phồng lên lớn dần. Tuy nhiên, anh hoàn toàn không hay biết chuyện này muốn nói lên điều gì.

Tháo xong ổ khóa, cô gái mang nó ra chỗ cửa sổ để xem xét, dưới luồng ánh sáng chiếu qua kẽ các thanh gỗ. Cô ta lấy một mảnh dây thép mảnh chọc vào rồi lắc mạnh xem nó phát ra tiếng động như thế nào, mặt cô ta nhăn nhó còn môi thì mím lại. Cuối cùng, cô ta lại thở dài và quay lại nhìn Samsa.

“Bên trong hóc rồi,” cô gái nói. “Bị kaput rồi. Đây chính là ổ khóa hỏng đấy, đúng như anh nói.”

“Thế thì tốt quá,” Samsa đáp.

“Không, không tốt đâu,” cô gái nói. “Tôi không thể sửa nó ngay tại đây. Đây là một loại khóa đặc biệt. Tôi sẽ phải mang nó đi, phải để bố hay các anh tôi xử lý mới được. Có thể họ sẽ sửa được nó. Tôi chỉ là dân học nghề thôi - tôi chỉ điều trị được những loại khóa thông thường.”

“Tôi hiểu rồi,” Samsa đáp. Nghĩa là cô gái này có một ông bố và nhiều anh trai. Cả một gia đình chuyên nghề thợ khóa.

“Đúng ra thì đáng lẽ hôm nay một trong các anh trai tôi phải đến đây, nhưng vì ngoài kia đang loạn đả nên tôi được cử đi thế chỗ. Trong thành phố đang có nhiều trạm kiểm soát lắm.” Cô ta lại nhìn xuống cái ổ khóa đang cầm trên tay. “Nhưng làm sao mà nó lại bị hỏng như thế này được nhỉ? Kỳ quá. Chắc phải có ai đó dùng dụng cụ đặc biệt ngoáy vào bên trong nó. Không có cách giải thích nào khác đâu.”

Cô ta lại vặn vẹo người. Hai tay cô ta quay tròn trông như một người đang bơi thử một kiểu mới. Anh thấy cử động này thật thu hút và rất kích thích.

Samsa cố suy nghĩ. “Tôi hỏi cô một câu được không?” anh lên tiếng.

“Một câu hỏi à?” cô ta nói, hướng sang anh một cái nhìn nghi ngại. “Tôi không hình dung được là về chuyện gì, nhưng thôi anh cứ nói đi.”

“Tại sao cô hay vặn người như thế vậy?”

Cô ta nhìn Samsa, cặp môi hơi hé ra. “Vặn người?” Cô ta nghĩ một lúc. “Anh muốn nói như thế này à?” Cô ta diễn tả hành động cho anh xem.

“Đúng rồi.”

“Áo ngực của tôi không vừa,” cô ta nghiêm ngắn đáp. “Vậy thôi.”

“Áo ngực?” Samsa nhắc lại, giọng thẫn thờ. Anh không bới được từ này trong ký ức của mình.

“Áo ngực. Anh biết nó là gì chứ?” cô gái hỏi. “Hay anh thấy lạ khi phụ nữ gù lưng lại mang áo ngực? Anh nghĩ chúng tôi quá tự tin khi mặc nó à?”

“Gù lưng à?” Samsa hỏi. Lại thêm một từ nữa nhảy vào sự trống rỗng to lớn mà anh đang mang bên trong mình. Anh hoàn toàn không hiểu cô gái đang nói gì. Thế nhưng anh biết mình phải nói gì đó.

“Không, tôi hoàn toàn không nghĩ thế đâu,” anh lẩm bẩm.

“Nghe này. Phụ nữ gù lưng chúng tôi có hai vú, cũng như mọi phụ nữ khác, thế nên chúng tôi phải mang áo ngực để đỡ chúng. Chúng tôi không thể đi lại với hai bầu vú thõng thượt như lũ bò cái được.”

“Tất nhiên là không rồi.” Samsa rối trí hoàn toàn.

“Nhưng áo ngực lại không được thiết kế riêng cho chúng tôi - chúng quá rộng. Cơ thể chúng tôi khác với phụ nữ bình thường, phải không nào? Thế nên chúng tôi phải liên tục vặn vẹo người để chỉnh chúng về đúng chỗ. Người gù gặp nhiều vấn đề hơn là anh có thể hình dung đấy. Bởi vậy mà anh cứ nhìn tôi chằm chằm từ đằng sau đấy à? Làm thế thì anh thấy thích lắm hả?”

“Không, không hề. Tôi chỉ tò mò tại sao cô làm như vậy thôi.”

Vậy, anh tự nhủ, áo ngực là một thứ đồ được thiết kế để giữ hai vú ở đúng chỗ, còn người bị gù lưng là người có thân hình giống như cô gái này. Trên đời quả có lắm điều mà anh phải học.

“Anh có chắc là không chế giễu tôi đấy chứ?” cô gái hỏi.

“Tôi không chế giễu cô.”

Cô gái ngẩng đầu lên nhìn vào mặt Samsa. Cô ta có thể thấy anh đang nói sự thật - ở anh dường như không có chút vẻ ranh mãnh nào. Anh chỉ có chút yếu ớt về mặt trí óc, vậy thôi. Chắc anh hơn cô ta vài tuổi. Đã bị tàn tật, có vẻ anh còn có vấn đề về trí não. Nhưng anh ở trong một gia đình nền nếp, cách cư xử của anh không chê vào đâu được. Trông anh lại đẹp trai, dẫu cho mặt hơi quá hốc hác.

Đúng lúc ấy cô nhận ra cái khối lù lù ở quãng giữa áo choàng của anh.

“Cái quái gì thế kia?” cô ta hỏi, giọng đanh lại. “Cái đống gì ở kia đấy?”

Samsa nhìn xuống. Dương vật của anh đã thực sự căng cứng. Từ giọng nói của cô ta anh có thể suy ra như thế này rất là không được.

“Tôi hiểu rồi,” cô ta đay nghiến. “Anh đang tự hỏi làm tình với một người gù lưng thì như thế nào, có phải không?”

“Làm tình à?” anh hỏi lại. Lại thêm một từ mà anh không xác định được.

“Anh hình dung là, bởi vì một người gù lưng thì cúi gập người xuống, nên anh có thể thoải mái làm tình với cô ta từ đằng sau, có phải không?” cô gái hỏi. “Tin tôi đi, bọn biến thái như anh thì đông lắm, hình như các anh nghĩ chúng tôi sẽ để các anh làm gì cũng được vì chúng tôi bị gù. Nào, nghĩ lại đi, đồ hâm. Chúng tôi không dễ dãi như thế đâu!”

“Tôi rất lấy làm tiếc,” Samsa đáp. “Nếu tôi có làm cô bực bội gì thì cho tôi xin lỗi. Tôi xin cô thứ lỗi. Tha lỗi cho tôi. Tôi không định làm gì xấu. Tôi không được ổn cho lắm, có quá nhiều điều tôi không hiểu nổi.”

“Thôi được rồi, tôi nắm được tình hình rồi.” Cô ta thở dài. “Anh hơi chậm, đúng không? Nhưng chim anh trông ngon đấy. Tự nhiên nó vậy phải không, tôi đoán thế.”

“Tôi xin lỗi,” Samsa nhắc lại.

“Thôi quên chuyện đó đi.” Cô dịu lại. “Ở nhà tôi có đến bốn ông anh chẳng tốt đẹp gì, tôi thì lại là một đứa con gái bé nhỏ, nên họ cho tôi xem đủ mọi thứ ấy mà. Các anh tôi cứ xem đó như là một trò đùa hay hớm lắm. Một lũ lợn xấu xa, tất cả bọn họ ấy. Thế nên tôi không đùa đâu khi bảo tôi biết đánh giá.”

Cô ta ngồi xuống để cất đống dụng cụ trở lại vào túi, gói cái ổ khóa hỏng vào mảnh vải flanen và nhẹ nhàng đặt nó vào trong túi.

“Tôi sẽ mang ổ khóa về nhà tôi,” cô ta nói và đứng lên. “Nói lại với bố mẹ anh thế nhé. Chúng tôi sẽ sửa nó hoặc thay nó. Nhưng nếu phải thay mới thì sẽ phải mất chút thời gian đấy, tình hình thì lại đang như thế này. Đừng quên nói lại với họ nhé. OK? Anh có theo kịp lời tôi không đấy? Anh có nhớ được không?”

“Tôi sẽ nói lại với họ,” Samsa đáp.

Cô ta chậm rãi bước xuống cầu thang, Samsa chật vật đi đằng sau. Họ tạo nên một hình ảnh thật tương phản: trông cô như thể bò bốn chân, còn anh thì ngật ngưỡng ngả về phía sau theo một cách thức phi tự nhiên nhất. Thế nhưng nhịp bước của họ lại tương đồng. Samsa cố hết sức để dẹp “cái đống” của mình xuống, nhưng nó cứ nhất định không chịu quay trở về trạng thái lúc trước. Tim anh đập thình thịch khi nhìn những cử động của cô gái đang đi xuống cầu thang, từ đằng sau. Máu nóng chảy dồn dập trong các mạch máu của anh. Cái đống bướng bỉnh vẫn ở yên đó.

“Tôi đã bảo anh rồi đấy, lẽ ra hôm nay một ông anh của tôi phải tới đây,” cô gái nói khi họ xuống đến tầng dưới. “Nhưng ngoài phố đang đông đặc lính tráng và xe tăng. Đang vây bắt người đấy. Thế nên đàn ông nhà tôi không ra ngoài được. Bị tóm rồi thì chẳng biết bao giờ mới được về đâu. Thành thử tôi được cử đi. Một mình đi xuyên qua Praha. ‘Sẽ chẳng ai để ý đến một đứa con gái gù lưng đâu,’ họ nói thế đấy.”

“Xe tăng?” Samsa thì thầm.

“Đúng, nhiều xe tăng lắm. Xe tăng có nòng pháo và súng máy. Nòng súng của anh ngon lành đấy,” cô ta nói, chỉ vào cái đống phía dưới áo choàng của anh, “nhưng những nòng súng kia to hơn và cứng hơn, lại gây chết chóc hơn nhiều. Hãy hy vọng rằng mọi người trong nhà anh sẽ trở về an toàn đi.”

Samsa quyết định dấn bước. “Ta có thể gặp lại nhau không?” anh hỏi.

Cô gái ngẩng đầu nhìn anh. “Anh nói là muốn gặp lại tôi à?”

“Vâng. Tôi muốn gặp lại cô thêm một lần nữa.”

“Với cái của quý của anh dựng đứng dựng ngược như thế kia à?”

Samsa lại nhìn xuống cái đống lù lù. “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng nó chẳng có liên quan gì với các cảm giác của tôi đâu. Chắc đó là một dạng vấn đề tim mạch.”

“Đùa hả,” cô ta nói, vẻ khâm phục. “Một vấn đề tim mạch, anh nói vậy à. Nhìn nhận như thế thì thật là thú vị đấy. Trước đây tôi chưa bao giờ nghe đâu.”

“Cô cũng thấy đấy, tôi không kiểm soát được nó.”

“Nó không có tí liên quan gì đến làm tình à?”

“Trong đầu tôi không nghĩ đến làm tình. Thật đấy.”

“Thế thì để tôi nói thẳng nhé. Khi của quý của anh to và cứng thế này thì nghĩa là không phải do tâm trí mà do tim mạch của anh gây ra?”

Samsa gật đầu đồng tình.

“Thề có Chúa chứ?” cô gái hỏi.

“Chúa,” Samsa nhắc lại. Một từ nữa mà anh không nhớ được là trước đây từng nghe hay chưa. Anh im lặng.

Cô gái mệt mỏi lắc đầu. Cô ta vặn vẹo và xoay người lần nữa để chỉnh áo ngực. “Thôi quên nó đi. Hình như cách đây mấy hôm Chúa đã rời khỏi Praha rồi. Quên ông ta đi.”

“Thế tôi có được gặp lại cô không?” Samsa hỏi.

Một vẻ mặt mới xuất hiện ở cô gái - ánh mắt cô như thể dán chặt vào một phong cảnh nào xa xôi, mờ sương. “Anh thực sự muốn gặp lại tôi à?”

Samsa gật đầu.

“Ta sẽ làm gì?”

“Ta có thể nói chuyện.”

“Về cái gì?” cô gái hỏi.

“Về rất nhiều thứ.”

“Chỉ nói chuyện thôi à?”

“Tôi muốn hỏi cô rất nhiều điều,” Samsa đáp.

“Về cái gì?”

“Về thế giới này. Về cô. Về tôi. Tôi cảm thấy có rất nhiều điều chúng ta cần nói với nhau. Chẳng hạn như xe tăng. Và Chúa. Và áo ngực. Và những cái ổ khóa.”

Lại thêm một khoảng im lặng.

“Tôi không biết đâu,” rốt cuộc cô gái lên tiếng. Cô ta chậm rãi lắc đầu, nhưng sắc thái châm chọc trong giọng nói của cô ta đã giảm hẳn. “Anh được nuôi dạy trong điều kiện tốt hơn tôi. Và tôi ngờ rằng bố mẹ anh sẽ chẳng thích thú gì khi chứng kiến ông con trai quý tử của mình lại giao du với một con bé gù xuất thân từ khu phố nghèo nàn. Ngay cả khi con họ bị tàn tật và hơi chậm. Hơn hết, thành phố của chúng ta đang tràn ngập xe tăng và quân lính nước ngoài. Ai biết được rồi sẽ xảy ra chuyện gì.”

Chắc chắn Samsa không hay biết rồi sẽ xảy ra chuyện gì. Anh mờ mịt về mọi thứ: tương lai, dĩ nhiên rồi, nhưng cả hiện tại và quá khứ nữa. Cái gì là đúng, cái gì là sai? Học cách mặc quần áo thôi đã khó ghê gớm rồi.

“Dù có thế nào thì vài hôm nữa tôi cũng sẽ quay lại đây,” cô gái gù lưng nói. “Nếu sửa được khóa, tôi sẽ mang lại, còn bằng như không sửa được thì dù sao tôi cũng phải mang nó trả anh thôi. Tất nhiên anh phải lo mà gọi điện yêu cầu nhé. Nếu anh ở đây, chúng ta có thể gặp nhau. Còn có nói chuyện lâu với nhau được hay không thì tôi chưa biết đâu nhé. Nhưng nếu tôi là anh, tôi sẽ giấu cái đống kia không để cho bố mẹ anh trông thấy. Trong thế giới thực, anh sẽ không được khen ngợi nếu bày cái thứ ấy ra đâu.”

Samsa gật đầu. Tuy nhiên, anh hoàn toàn không biết làm thế nào mà giấu được cái thứ ấy.

“Lạ thật đấy, nhỉ,” cô gái nói, giọng tư lự. “Mọi thứ quanh ta đang nháo nhào lên, nhưng vẫn có những người quan tâm đến một cái ổ khóa hóc, rồi lại có những người giàu tinh thần trách nhiệm đến sửa nữa chứ… Nhưng cũng có thể chuyện nên như thế. Có thể chăm chú vào những thứ nhỏ bé một cách trách nhiệm và trung thực hết sức chính là cách để chúng ta vẫn được lành mạnh trong lúc thế giới sụp đổ.”

Cô gái ngẩng lên nhìn Samsa. “Tôi không tọc mạch đâu, nhưng chuyện gì đã xảy ra trong căn phòng trên tầng đó? Tại sao bố mẹ anh cần đến một ổ khóa to như vậy cho một căn phòng chẳng có gì ngoài một cái giường, và tại sao họ lại bận tâm đến như thế khi ổ khóa bị hóc? Còn những thanh gỗ đóng vào cửa sổ là như thế nào? Có phải trong ấy có giấu thứ gì đó không?”

Samsa lắc đầu. Nếu ai đó hay cái gì đó bị nhốt trong đó thì hẳn đó chính là anh. Nhưng tại sao lại cần phải làm chuyện ấy? Anh hoàn toàn không hay biết.

“Tôi nghĩ hỏi anh cũng chẳng được gì đâu,” cô gái nói. “Tôi phải đi đây. Họ sẽ lo lắng nếu tôi lâu về. Hãy cầu nguyện tôi còn nguyên vẹn mà đi qua thành phố đi. Rằng tụi lính không đoái hoài tới một con bé gù lưng bé nhỏ nghèo khổ. Rằng trong số chúng không có tên nào bị biến thái. Nếu mà thế thì quá sức bất công cho chúng tôi.”

“Tôi sẽ cầu nguyện,” Samsa đáp. Nhưng anh không hiểu “biến thái” nghĩa là gì. Anh cũng không biết từ “cầu nguyện”.

Cô gái nhấc cái túi đen của mình lên và, vẫn chúi người về phía trước, đi ra cửa.

“Tôi sẽ gặp lại cô chứ?” Samsa hỏi lần cuối.

“Nếu anh thực sự nghĩ đến ai đó thật nhiều, chắc chắn anh sẽ gặp lại họ,” cô nói và đi khỏi. Lần này thì quả thật giọng nói của cô ta đã trở nên ấm áp.

“Cẩn thận bọn chim nhé,” anh nói với theo cô ta. Cô ngoái lại và gật đầu. Rồi cô ta bước thẳng ra phố.


Samsa nhìn qua khe rèm hút theo dáng hình cúi gập của cô bước đi trên vỉa hè lát đá. Cô di chuyển theo kiểu chập chững nhưng lại nhanh khó tin. Anh thấy mọi cử động của cô đều duyên dáng. Cô gợi cho anh nghĩ đến một con nhện nước vừa rời bỏ mặt nước để lướt đi trên mặt đất khô cằn. Anh có thể nói rằng bước đi theo cách của cô còn hay hơn nhiều so với thẳng người trên hai chân mà chao đảo bước đi.

Cô ta đi khuất chưa được bao lâu thì anh nhận ra dương vật của mình đã quay trở về trạng thái mềm oặt, ẽo ợt. Cái đống tồn tại ngắn ngủi và dữ dội kia đã tan biến vào lúc nào đó. Giờ đây chim anh treo lủng lẳng giữa hai chân như một thứ quả vô tội, hiền lành và yếu ớt. Hai viên bi nằm yên ổn trong túi đựng chúng. Chỉnh lại dây lưng, anh ngồi xuống bên bàn ăn, uống nốt chỗ cà phê nguội ngắt còn lại.

Những người sống ở đây đã đi đâu mất. Anh không biết họ là ai, nhưng anh cho rằng họ là gia đình anh. Điều gì đó đã đột ngột xảy tới, và họ đã đi khỏi. Có lẽ họ sẽ không bao giờ quay về. “Thế giới sụp đổ” nghĩa là gì? Gregor Samsa không hay biết. Quân lính, trạm gác, xe tăng nước ngoài - mọi thứ đều phong kín trong lớp màng bí ẩn.

Điều duy nhất mà anh biết chắc là anh muốn gặp lại cô gái gù lưng kia. Để ngồi đối diện với cô, nói chuyện cho thỏa thích. Để cùng cô giải những câu đố về thế giới. Anh muốn được xem từ mọi góc độ cách cô vặn vẹo người những lúc cô phải chỉnh lại áo ngực. Nếu được, anh muốn đưa tay sờ lên người cô. Sờ làn da mềm của cô, nghe hơi ấm cô lan tỏa trên đầu ngón tay. Đi bên cạnh cô lên xuống những cầu thang của thế giới.

Chỉ nghĩ đến cô thôi anh đanh đã thấy ấm áp trong lòng. Anh không còn mong muốn mình trở thành một con cá hay một bông hoa hướng dương nữa - hoặc bất kỳ thứ gì khác. Anh hoan hỉ vì được làm người. Chắc chắn vẫn rất bất tiện vì phải đi bằng hai chân và mặc quần áo. Còn quá nhiều điều anh chưa biết. Thế nhưng nếu là cá hay hoa hướng dương chứ không phải một con người, anh sẽ không bao giờ có được cảm xúc này. Anh cảm thấy thế.

Samsa ngồi đó một lúc lâu, hai mắt nhắm lại. Rồi, sau khi suy nghĩ, anh đứng dậy, cầm lấy cây gậy màu đen, đi ra chỗ cầu thang. Anh sẽ quay lên trên tầng để học cách mặc quần áo. Ít nhất hiện giờ đó cũng là nhiệm vụ của anh.

Thế giới cứ đợi anh học đã.


(Ted Goossen dịch từ tiếng Nhật)



7 comments:

  1. Em thấy trên mạng có 2 bản dịch khác, nhưng đọc bản của anh là dễ chịu nhất. Đây là short story ạ? Tiếc quá.

    ReplyDelete
    Replies
    1. èo, cũng có người khác dịch à? nó là short story, tiếc vì nó chỉ là short story à?

      Delete
  2. Vì đọc xong cảm giác rất bứt rứt khó chịu. Sau đoạn đầu uể oải, trể nải, đến đoạn sau hé lộ thêm vô vàn điều khó hiểu thì lại kết thúc. Nhịp truyện cứ như sự miêu tả ỉu-lên-ỉu của cái thứ ở vị trí thắt lưng, bên trong áo choàng của Samsa, còn người đọc thì chả khác gì cô gái gù.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi cho rằng một trong những điều tuyệt diệu của văn chương, và cũng là điều khiến nó khác biệt, là tính tương đối: bạn có thể chọn cho riêng mình một cách hiểu, hoặc nói như Mr.Tinvan là một "viễn ảnh" (vision) để thâm nhập vào văn bản.

      Truyện ngắn này chắc chắn là có thể được đọc độc lập và riêng biệt. Cá nhân tôi chọn đọc song song với truyện ngắn The Metamorphosis của Franz Kafka, tức coi "Samsa yêu" của Haruki Murakami là một "derivative work" (tác phẩm phái sinh).

      Có một lần Kafka nói với Max Brod, thế giới chúng ta chỉ là một cơn khó ở của Thượng Đế. Brod hỏi lại, vậy thì có hy vọng ở bên ngoài cái thế giới mà chúng ta biết. Kafka mỉm cười bảo, có nhiều hy vọng, hằng hà sa số hy vọng - nhưng không cho chúng ta, dù chỉ một.

      Truyện này của Haruki Murakami thì ngược lại, có hi vọng cho chúng ta đó - nhưng chỉ khi ta gạt Thượng đế qua một bên. Samsa của Murakami thức dậy ở một nơi xa lạ, không phải trong vòng tay máu mủ của gia đình.

      "Samsa không hề biết mình đang ở đâu, mình phải làm gì. Điều duy nhất anh biết là giờ đây anh là một con người mang tên Gregor Samsa. Làm sao anh biết điều đó? Có ai đó thì thầm cho anh biết trước khi anh ngủ thiếp đi chăng? Nhưng anh là ai trước khi trở thành Gregor Samsa mới được chứ? Anh từng là cái gì?"

      "Cái thứ này có thực là anh không? Một cơ thể ngớ ngẩn, dễ tàn phá đến vậy (không có cái vỏ bảo vệ nào, không thứ vũ khí nào để tấn công) mà sống sót được trên cõi đời ư? Tại sao anh không biến luôn thành một con cá cho rồi? Hay một bông hoa hướng dương? Một con cá hay một bông hoa hướng dương thì còn có nghĩa. Dẫu sao thì cũng có nhiều ý nghĩa hơn cái thằng người Gregor Samsa này."

      "Anh hiểu tất tật những chuyện đó. Anh không phỏng đoán hay tri nhận theo đường trí óc; anh chỉ biết thôi, thuần túy và giản đơn. Samsa không hề biết tại sao mình lại biết như vậy. Có lẽ chuyện ấy liên quan đến những ký ức quay vòng tròn mà anh đang có."

      Delete
  3. Sao cái con c** của anh ta lại hóng theo một kẻ tra tấn được nhở?

    ReplyDelete