Jan 24, 2014

Trăm năm là ngắn

trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê, trăm năm đi dễ khó về, trăm năm là những cỏ vê mệt người


La nuit sera calme (Đêm nay sẽ tĩnh lặng đây) là cuốn sách thuộc dạng trò chuyện, trong đó Romain Gary trả lời các câu hỏi của người bạn lâu năm François Bondy.

Ông vua của các fiasco văn chương không bỏ lỡ cơ hội này để tiếp tục làm thêm một fiasco nữa: có tên François Bondy, nhưng thật ra ở trong cuốn sách này, không có Bondy, mà là Romain Gary hỏi và Romain Gary trả lời :p

Nhân dịp trăm năm ngày sinh Romain Gary (nghe gớm nhỉ), sẽ có một số trích đoạn từ cuốn sách tự hỏi tự trả lời này. Chú ý, nó có thể còn hay hơn nhiều tiểu thuyết của Romain Gary.


[…]

F.B.: Cậu có cảm thấy mình có bổn phận gì với độc giả không?

R.G.: Không. Tôi đâu có liên quan gì đến lợi ích công chúng, nhưng tôi trung thành trong tình bạn… như cậu cũng biết đấy. Nhưng tôi báo trước với cậu là tôi sẽ không nói hết, bởi vì tôi sẽ câm như hến nếu bị buộc phải tố cáo. Ta không thể thực sự “giãi bày” nếu không phơi bày những người khác, những người mang các bí mật có quan hệ đến cuộc đời ta. Tôi hoàn toàn chấp nhận sự “bê bối” cho riêng mình, nhưng tôi không có quyền nói lộ ra về những người khác, vì với tôi “bê bối” hoàn toàn không có cùng một nghĩa so với họ. Vẫn còn rất nhiều người thấy thiên nhiên là một sự bê bối. Hay chẳng hạn tình dục. Và rồi lại còn có những lời tâm sự nữa. Có nhiều người tôi không quen biết mấy nhưng lại tâm sự với tôi rất nhiều, một cách dễ dàng đến nỗi làm tôi phải thấy kinh ngạc. Tôi chẳng biết tại sao họ lại làm thế, tôi nghĩ là bởi họ biết tôi không phải cảnh sát.

F.B. ?!

R.G. Đúng thế đấy, họ cảm thấy rằng tôi không tuân theo các nội quy cảnh sát, những khi chuyện có liên quan đến đạo đức, rằng tôi không đánh giá mọi sự theo các tiêu chí của sự giả vờ. Tôi ghê tởm những lời nói dối với dụng ý tốt, trong địa hạt đạo đức, tôi không đứng về phe đánh lừa. Tôi không tin nếu đóng cửa các nhà thổ thì người ta có thể chứng tỏ bản thân mình không phải đĩ. Khi từ đỉnh cao “đạo đức” của mình ta kết án sự phá thai, như Hội Bác sĩ từng làm chẳng hạn, mà vẫn biết hằng năm một triệu phụ nữ vô tội tiếp tục đi phá thai lậu để rồi bị tra tấn hành hạ, thế đấy! thì tôi cho sự “nâng cao đạo đức” đó là đê tiện. Thuộc một thứ đạo đức giả hiệu, một thứ Ki-tô giáo không chút khoan thứ, không thương xót và không biết gì đến điều kiện sống ngặt nghèo. “Tính chất thiêng liêng của cuộc sống” trước hết muốn nói: cuộc đời nào, cơ may nào? Có những điều kiện sống ở đó “tính chất thiêng liêng của cuộc sống” đồng nghĩa với giết chóc… Nhưng đạo đức của nội quy cảnh sát thì mù quáng, nó thây kệ, nó không chọn phe, nó là đủ thứ tiểu… tiểu tư sản hoặc tiểu mác xít. Thế nên tôi sẽ hoàn toàn tự do thoải mái khi nói về bản thân tôi, nhưng sẽ không như vậy về người khác. Đó là các lý do của tôi, đó là tại sao tôi đã nhận lời, và cậu có thể tiến hành “cuộc thẩm vấn” của cậu tùy theo ý cậu muốn. Tôi sẽ trả lời. Và rồi, có lẽ sẽ có những điều bản thân tôi không biết, nhưng bằng cách đặt câu hỏi cho tôi, cậu sẽ dạy cho tôi biết. Và có lẽ làm vậy cũng có tác dụng chữa lành nữa. Tôi cũng ngờ lắm. Thôi, bắt đầu đi.

F.B. Ở cậu có một nhà văn và một “ngôi sao” hàng quốc tế, một con người và một nhân vật: hai Romain Gary này có hòa thuận với nhau không?

R.G. Không, hai bên xấu chơi với nhau lắm. Hai bên ghét nhau, chơi nhau nhiều trò rất lợn, nói ngược nhau, nói dối nhau, lừa nhau và chỉ có đúng một lần nhất trí được với nhau, chính là cho cuộc trò chuyện này đấy, với hy vọng hòa giải được với nhau… Đúng, không được quên động cơ này. Cậu đã đúng vì đã thân ái nhắc tôi nhớ đến điều đó.

F.B. Mọi độc giả của Lời hứa lúc bình minh đều biết cậu đã được nuôi dạy bởi một bà mẹ rất ngoại lệ…

R.G. Bà ấy trở thành “ngoại lệ” là bởi vì Lời hứa lúc bình minh đã kéo bà ấy khỏi sự quên lãng mà mọi bà mẹ đều rơi vào và đã đưa bà ấy “đến cho mọi người đều biết”. Có vô cùng nhiều bà mẹ “ngoại lệ” không để lại tăm hơi chỉ bởi vì những đứa con trai của họ đã không thể viết Lời hứa lúc bình minh, vậy thôi. Đêm tối quá khứ có đầy những bà mẹ đáng ngưỡng mộ, không được biết đến, bị lờ đi, hoàn toàn không ý thức được về tầm vóc kỳ vĩ của mình, cũng như mẹ tôi ấy. Những bà mẹ nuôi con trong điều kiện vật chất tệ hơn nhiều so với điều kiện chiến đấu của mẹ tôi. Những bà mẹ mà ta chết thèm, bạn ạ, và họ cũng đã chết. Tôi đã làm được một việc là kéo được một trong những bà mẹ đó ra khỏi lãng quên, vậy thôi. Đúng là bà ấy ngoại lệ ở sự náo nhiệt của bà ấy, sự màu mè của bà ấy, sự hùng hổ của bà ấy - nhưng không phải ở tình yêu, bạn ạ, không phải ở tình yêu, chỉ có điều bà ấy đi ở hàng đầu mà thôi. Cậu cũng biết là các bà mẹ chẳng bao giờ nhận về được nhiều thứ. Ít nhất thì mẹ tôi cũng có được một cuốn sách viết về mình.


Về Lời hứa lúc bình minh
Về Cuộc sống ở trước mặt
Trăm năm

No comments:

Post a Comment