Jan 22, 2014

Trăm năm

Ai rồi cũng sẽ trăm tuổi. Chỉ là còn sống hay đã chết.

Năm nay, Romain Gary đạt đến cái mốc ấy. Tôi từng nói đến chứng mythomania ở văn chương. Nó là yếu tố tất nhiên phải có của những nhà văn giỏi nhất. Bệnh cuồng viết và chứng nói dối bệnh lý làm nên hư cấu. Romain Gary là một đỉnh cao của những điều đó. Hứng thú với các fiasco, những trò mạo danh, cách thể hiện niềm phẫn nộ với thế giới, một ngón tay giữa giơ lên, hỗn xược cộng với đau lòng.

Romain Gary và Émile Ajar, một vụ án văn chương rất đặc trưng của trò chơi mạo danh này. Không lâu sau khi tạo ra Émile Ajar, Romain Gary tự sát.

Dưới đây là Cuộc đời và cái chết của Émile Ajar, Romain Gary tự mình kể lại câu chuyện của nhà văn duy nhất từng hai lần đoạt giải Goncourt.


Cuộc đời và cái chết của Émile Ajar

Tôi viết những dòng này vào thời điểm thế giới, theo cách nó xoay chuyển trong một phần tư thế kỷ vừa rồi, đặt ra cho nhà văn, chuyện ấy mỗi ngày một thêm rõ ràng, một vấn đề chết người đối với mọi hình thức biểu đạt nghệ thuật: vấn đề tính phù phiếm. Về những gì văn chương tin mình là và muốn mình là trong thời gian rất dài - một đóng góp cho sự bừng nở toàn vẹn của con người và cho sự tiến bộ của con người - thậm chí không còn đến cả một ảo tưởng nên thơ nữa. Do vậy tôi có ý thức đầy đủ rằng những trang này hẳn sẽ nực cười khi chúng được in ra, bởi, dù cho có muốn hay không, vì ở đây tôi đang tự giải thích cho tôi trước hậu thế, đương nhiên tôi cho rằng hậu thế ấy vẫn coi các tác phẩm của tôi có một tầm quan trọng nào đó và, trong số những tác phẩm ấy, có bốn cuốn tiểu thuyết mà tôi viết dưới bút danh Émile Ajar.

Tuy vậy, tôi vẫn nhất quyết phải nói, dù cho chỉ là xuất phát từ lòng biết ơn đối với độc giả, và cũng là bởi cuộc phiêu lưu mà tôi đã trải qua - cuộc phiêu lưu của McPherson tạo ra thi sĩ Ossian vào đầu thế kỷ XIX, Ossian thần thoại mà bản thân McPherson viết hết các tác phẩm, được ca ngợi khắp châu Âu - theo chỗ tôi biết, gần như là chưa có tiền lệ nếu xét về tầm mức trong lịch sử văn chương.

Tôi sẽ thuật lại ở đây, ngay lập tức, một trường đoạn, để cho thấy - đây cũng là một trong những nguyên do việc làm của tôi, cũng là nguyên do thành công của nó - một nhà văn có thể bị cầm tù đến mức như thế nào trong “cái bản mặt bị người ta gán cho”, như Gombrowicz đã nói rất chuẩn xác. Một “bản mặt” không có chút liên hệ nào với tác phẩm của anh ta, cũng như với bản thân anh ta.

Khi tôi đang viết cuốn đầu tiên ký tên Ajar, Gros-Câlin, tôi còn chưa biết là mình sẽ xuất bản cuốn sách này dưới một bút danh. Vậy nên tôi không hề thận trọng chút nào mà để bản thảo vung vãi khắp nơi, như thường lệ. Một bà bạn, Madame Lynda Noël, đến nhà tôi ở Majorque, đã nhìn thấy trên bàn làm việc của tôi cuốn sổ màu đen, với dòng nhan đề viết rất rõ ngoài bìa. Sau này, khi cái tên Émile Ajar, cái kẻ lạ kỳ bí ấy, đã gây rùm beng ở mức độ mà người ta có thể thấy rõ nếu đọc lại những tờ báo thời đó, thì thật là vô ích việc Madame Noël đi khắp nơi mà nhắc đi nhắc lại rằng Romain Gary là tác giả của tác phẩm, rằng bà đã nhìn thấy, đã tận mắt nhìn thấy. Người ta không muốn biết gì hết: thế mà người đàn bà đáng mến ấy đã hết sức nỗ lực nhằm mang trả lại cho tôi phần của tôi! Chỉ có điều, đây: Romain Gary không thể có khả năng viết cuốn tiểu thuyết đó. Câu trên đây, đúng từng từ một, là điều mà một cây bút tiểu luận gia xuất sắc của NRF tuyên bố với Robert Gallimard. Và một người khác, cũng nói với người bạn rất thân thiết với tôi ấy: “Gary là nhà văn hết thời rồi. Chuyện ấy thì không sao mà nghĩ đến được.” Tôi là một tác giả đã bị xếp xó, bị vào sổ, xong xuôi, việc này giúp cho những con người chuyên nghiệp đỡ phải thực sự cúi xuống tác phẩm của tôi để mà hiểu được nó. Bạn cũng biết rồi đấy, để làm được điều ấy, thì cần phải đọc lại! Còn gì nữa đây?

Tôi biết chuyện này rõ đến mức trong suốt chiều dài cuộc phiêu lưu Ajar - bốn cuốn sách - chưa một lúc nào tôi ngờ rằng sẽ có một phân tích văn bản đơn giản và dễ dàng được thực hiện để kéo tôi ra khỏi tình trạng nặc danh. Tôi đã không nhầm: không có nhà phê bình nào nhận ra giọng của tôi trong Gros-Câlin. Không một người nào, trong Cuộc sống ở trước mặt. Thế nhưng đó chính xác vẫn là cùng sự tinh tế trong Giáo dục châu ÂuPhòng thay đồ lớnLời hứa lúc bình minh, và thường xuyên vẫn là cũng những câu văn, cùng những cách đặt câu, cùng những kiểu con người. Chỉ cần đọc Điệu nhảy của Gengis Cohn là đủ để ngay lập tức xác định được nhân thân tác giả Cuộc sống ở trước mặt. Những người bạn trẻ tuổi của chàng nhân vật chính trẻ tuổi trong Nỗi hoang mang của vua Salomon tất tật đều thoát thai từ Vĩnh biệt Gary Cooper: nhân vật Lenny trong Vĩnh biệt Gary Cooper nói và nghĩ giống hệt như Jeannot trong Vua Salomon: đó là những gì Hugues Moret nói với con trai tôi, khi ấy Hugues Moret 17 tuổi, là học sinh lớp mười một trường Victor-Duruy. Toàn bộ Ajar đã có ở trong Tulipe. Nhưng ai đã đọc nó, trong số “những con người chuyên nghiệp?”

Người ta có thể tưởng tượng ra niềm vui sâu xa của tôi. Niềm vui êm ái nhất trong suốt cuộc đời viết văn của tôi. Tôi đã dự vào một điều trong văn chương thường chỉ xảy đến sau khi nhà văn đã chết, khi mà tác giả đã không còn ở đó nữa, không còn làm phiền đến ai nữa, khi ấy người ta có thể trả lại phần cho ông ta.

Phải một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Ajar, khi tôi nhờ người cháu Paul Pavlowitch của tôi bước ra sân khấu, khi mà mối liên hệ họ hàng của chúng tôi bị phát giác, thì các mối nghi ngờ mới bắt đầu đổ lên tôi. Tôi chịu đựng chúng một cách thoải mái hết sức: các quý ông quý bà ấy sẽ không chịu đi làm việc của mình, tức là nghiên cứu các văn bản.

Nhưng với việc xuất bản Pseudo, sự liều lĩnh của tôi đã thực sự được tưởng thưởng. Tôi tự nhét mình vào đó theo đúng hình ảnh người ta bịa ra về tôi, và vậy là mọi nhà phê bình đều nhận ra tôi ở nhân vật “Tonton Macoute”, rồi thì tất cả đều nảy ra ý nghĩ rằng thay vì Paul Pavlowitch bịa ra Romain Gary, chính Romain Gary mới bịa ra Paul Pavlowitch. Cái người ở tờ L’Express, sau khi cả gan nói huỵch toẹt mặc dù lẽ ra phải tuân theo quy tắc bí mật nghề nghiệp, rằng ở các tác phẩm trước đó, Ajar đã có các “cộng tác viên”, trong đó chắc hẳn có tôi, còn thêm rằng Pseudo rõ ràng đã được viết bởi chính Ajar, và chỉ một mình Ajar. Một cuốn sách “được ọe ra” một cách vội vã, ông ta tuyên bố, và ông ta giải thích rằng tay nhà văn trẻ tuổi ấy, trở nên nổi tiếng và thế là rất vĩ cuồng, đã sa thải các “cộng tác viên” của mình, không chịu nghe theo các lời khuyên của họ, tự tay mình viết, chỉ một mình và viết tứa lưa cả. Bởi vậy mà, nhà phê bình của chúng ta nói, cuốn sách rất thiếu “các thủ thuật”, thiếu “tay nghề”, những thứ mà theo ông người ta từng thấy trong hai tác phẩm trước, nhưng lại mang đặc trưng “được ọe ra”, cẩu thả. Trời hỡi! Nếu có một cuốn sách của dân chuyên nghiệp lâu năm, thì đó chính là Pseudo: thủ thuật chính là không để người ta cảm thấy có thủ thuật. Bởi vì cuốn tiểu thuyết về nỗi hoang mang, sợ hãi của một chàng trai trẻ đối mặt với cuộc đời ở trước mặt, tôi đã viết nó ở tuổi hai mươi, bỏ bẵng và rồi cứ không ngừng viết đi viết lại, mang những trang viết dở theo với mình qua những cuộc chiến tranh, bão bùng và các châu lục, từ khi còn rất trẻ cho đến khi đã trưởng thành, đâm ra trong Pseudo, bốn mươi năm sau, François Bondy và René Agid, các bạn tôi từ nhỏ, nhận ra hai đoạn tôi giữ lại từ cuốn Rượu cho người chết, đoạn về đám cảnh sát-sâu bọ lảng vảng ở nhà thổ và đoạn về Đức Ki-tô, đứa trẻ và que diêm, mà tôi đã đọc cho họ nghe trong phòng của tôi hồi còn sinh viên, trên phố Rollin, hồi năm 1936.

Tôi xin nói thêm với những ai ưa sự biến thái rằng cái ông Galley này, để tiện bề hạ thấp Ajar hơn, bởi khi ấy Ajar đang chiếm ưu thế, nhắc lại rằng chính tôi, ông bác của anh ta, đã viết “cuốn sách đẹp đẽ” ấy, Lời hứa lúc bình minh. “Cuốn sách đẹp đẽ” ấy từng bị ông ta chê bai thậm tệ khi mới ra…

Mọi thứ, tất tật, trong Pseudo, đều là tiểu thuyết. Nhân vật Paul Pavlowitch, những cơn loạn tâm, thần kinh của anh ta, “các trạng thái tâm thần” và những hình ảnh liên quan đến thế giới bệnh viện, hoàn toàn được bịa ra - và không được sự đồng ý của anh ta. Tôi đã viết cuốn sách ấy trong vòng mười lăm ngày tại nơi ẩn trốn của tôi bên Genève và gọi điện cho anh ta.

“Bác đã bịa hoàn toàn ra một nhân vật Paul Pavlowitch trong cuốn tiểu thuyết. Một kẻ bị điên. Bác muốn diễn tả nỗi hoang mang và đã đổ cho cháu gánh nỗi hoang mang ấy. Như thế bác cũng tự thanh toán với mình - chính xác hơn là với cái huyền thoại mà người ta bắt bác gánh trên lưng. Bác cũng đã tự bịa ra chính bác nữa. Hai nhân vật tiểu thuyết. Cháu có đồng ý không? Không muốn thêm bớt gì chứ?”

“Không thêm bớt gì cả.”

Tôi ngưỡng mộ tinh thần mạnh mẽ kiểu Bretagne ấy - cái từ tiếng Anh fortitude hẳn thích hợp hơn nhiều - mà cháu tôi có được khi chấp nhận bị biến thành một “thằng điên”.

(Vie et mort d’Émile Ajar)

(còn nữa)

5 comments:

  1. "bừng nở toàn vẹn của con người" có thể tương đương với "bừng nở toàn thân" không nhỉ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. không, nhưng có thể đồng nghĩa với "nở bung ra như quả vả chín mọng" :p

      Delete
  2. cmt không liên quan đến nội dung entry: không hiểu tại sao dùng chrome xem blog NL, thì cái cột bên trái của blog từ chỗ search this blog trở xuống nó cứ nhảy lên nhảy xuống loạn xì ngầu rất nhức mắt. duyệt bằng firefox thì không làm sao, khổ cái dạo này mình dùng chrome nhiều hơn.

    ReplyDelete
  3. hihi Mythomania :"3

    "Literature was not born the day when a boy crying wolf, wolf came running out of the Neanderthal valley with a big gray wolf at his heels: literature was born on the day when a boy came crying wolf, wolf and there was no wolf behind him. That the poor little fellow because he lied too often was finally eaten up by the real beast was quite incidental. But here is what is important. Between the wolf in the tall grass and the wolf in the tall story there is a shimmering go-between. That go-between, that prism, is the art of literature. "
    - Vladimir Nabokov, Lectures on Literature

    ReplyDelete
  4. Chờ mười năm mới có “trăm năm”

    ReplyDelete