Jan 27, 2014

Thái Bá Tân, Hoàng Phong, Nguyễn Trung Đức etc

Tôi chưa bao giờ ưa Thái Bá Tân, tôi thấy truyện ngắn của ông cực dở, thơ thì như vè chẳng có mấy giá trị thì khỏi phải nói, lại thêm cái thói megalomania cứ in ra từng tập sách to tướng cứ như thể ông là một văn nhân hạng nhất (tôi cũng mua vài quyển trong số đó, tôi biết mình đang nói gì).

Tôi cũng biết chắc Epghênhi Ônhêghin hay Byron, rồi haiku, thơ Ba Tư cổ bản dịch của Thái Bá Tân rất dở. Nhưng tôi không coi Thái Bá Tân là một dịch giả dở.

Có những câu chuyện phải quay trở về quá khứ mới thực sự hiểu được.

Kho báu của vua Xôlômông là một cuốn truyện tôi đọc hồi nhỏ, nó thuộc dạng hơi lệch khỏi bầu khí hậu sách vở thời ấy, đến Người mất bóng hay là Câu chuyện kỳ lạ của Pête Slemin thì càng rõ: những người kiểu như Thái Bá Tân đã đóng góp rất nhiều trong việc phá bớt đi bầu không khí rùng rợn của nhan nhản I-va-nốp với cả Pô-lê-vôi các thứ, một giai đoạn dịch thuật dở hơi chưa từng có trong lịch sử. Tôi từng nhắc đến Schlemihl của Chamisso qua một bản dịch khác, nhưng phải nói rằng những năm ấy mà có văn chương Chamisso thì quả thật khác lạ.

Nhưng cú mạnh nhất mà Thái Bá Tân từng mang tới là Đói: bỗng nhiên ở tuổi mười lăm, mười sáu tôi có thể đọc một tay nhà văn gàn dở như Knut Hamsun, trông vậy thôi, giờ thấy nhỏ nhoi nhưng hồi đó là một điều kỳ diệu. Gàn dở lại còn phát xít, Knut Hamsun lẽ dĩ nhiên không thể dễ có mặt ở Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên tôi không lạ cái khía cạnh dịch thuật Việt Nam những năm ấy, gần như sách gì tình cờ rơi vào tay là dịch, nhiều khi chẳng thực sự biết tác giả là ai, dòng văn chương ấy là gì etc. Thế nhưng dẫu gì thì gì, có Hamsun là rất đặc biệt rồi.

Giờ thấy Thái Bá Tân bị chê bôi chuyện dịch dọt, thấy sao mà funny. Vấn đề đích thực của dịch thuật Việt Nam hiện nay là gì? Để tôi liệt kê vài chuyện: chẳng hạn như có bạn dịch được mấy cuốn sách vớ va vớ vẩn rồi được mời đi một cái hội nghị nhà văn trẻ gì đó, thế là làm thông cáo báo chí loạn cả lên cho cả nước biết, hoặc có bạn dịch được nhõn quyển sách xong rồi trả lời phỏng vấn báo chí khắp nơi, có cả chương trình truyền hình chân dung nhà trí thức các kiểu, rồi thì chẳng biết gì về văn chương với dịch thuật cũng nhảy lên nói ở khắp mọi nơi. Đấy mới là các vấn đề.

Quay trở lại với câu chuyện của riêng tôi. Hành trình đến tận cùng đêm tối được Hoàng Phong dịch và xuất bản vào năm 1997. Hồi đó tôi chết gí ở thư viện Alliance Française 42 Yết Kiêu Hà Nội. 17 tuổi và làm quen với Bardamu của Céline, một cú khủng, nói to tát thì đó chính là một hạnh ngộ trong đời.

Tôi cũng hoàn toàn không có ảo tưởng gì hết: tôi biết Hoàng Phong dịch cuốn sách của Céline (với tôi thì tên tiếng Việt của nó phải là Đi đến cùng đêm) sai rất nhiều. Sau này, Hoàng Phong còn dịch Julien Gracq, cuốn Bờ biển Syrtes, đây mới thực sự là trường hợp bi thảm, vì Céline không khó như Gracq, văn chương Gracq mới thực sự là một cái bẫy với toàn bộ sự tinh vi và phức tạp của nó.

Ngay câu mở đầu Hành trình đến tận cùng đêm tối đã sai:

“Chuyện ấy đã bắt đầu như thế đấy. Tôi thì tôi chẳng bao giờ nói gì đâu. Chẳng nói gì cả. Nhưng Arthur Ganate lại gợi cho tôi nói. Arthur, một thằng bạn sinh viên, cùng khoa y với tôi. Hai đứa gặp nhau ở quảng trường Clichy. Lúc ấy đã sau bữa trưa. Cậu ta có chuyện gì đó muốn nói với tôi. Tôi nghe cậu ta. “Thôi, không ngồi ngoài này nữa, chúng mình về đi”, cậu ta bảo.”

Chỗ tôi in đậm, nguyên bản dùng động từ “rentrer”. Rentrer toàn được người Việt Nam hiểu là “đi về nhà” nhưng trong ngôn ngữ Pháp thông dụng, “rentrer” giống “entrer”, nghĩa là đi vào, tức là ở đoạn trên đây hai nhân vật bước vào trong quán, chứ không phải đi về nhà. Ngay sau đó là trường đoạn hai người ngồi trong quán nhìn ra đường, không thể rõ hơn được nữa.

Nhưng với tôi điều quan trọng là được gặp Céline vào cái hồi mười bảy, mười tám tuổi. Nếu gặp muộn nhiều chuyện có thể đã khác. Chẳng biết được, nhưng với tôi điều đó mới là quan trọng. Văn chương không phải chuyện đong đếm, văn chương là chuyện hạnh ngộ, và đọc văn chương không phải là đọc đếm chữ, mà là đọc lại, mỗi lần tôi đọc lại Voyage au bout de la nuit sau này đều có cộng một phần của lần đọc đầu tiên cách đây hơn mười lăm năm ấy.

Tôi còn rất nhiều ví dụ như thế. Tất nhiên tôi cũng còn rất nhiều ví dụ theo chiều ngược lại: những dịch giả rất tên tuổi nhưng thật ra chẳng có mấy phẩm chất văn chương, năng lực văn chương coi như bằng không. Nhưng nhớ đến cũng chẳng ích gì. Tôi chỉ muốn nói đến hai người nữa: Nguyễn Trung Đức và Dương Tường.

Tôi có thể khẳng định gần như không một đoạn văn nào trong bộ tuyển tập Borges của Nguyễn Trung Đức in hồi 2001 đúng hoàn toàn. Thế nhưng vào thời điểm ấy, có một dịch giả Việt Nam dịch tác phẩm của Borges, chẳng lẽ không phải điều đáng nói ư? Theo tôi là đáng nói hơn nhiều so với rất nhiều thứ vớ vỉn đang được trương lên dưới đủ thứ mỹ từ. Văn chương ấy mà, trong đúng có sai, trong sai có đúng. Điều này, tôi e rất nhiều người không hiểu.

Quyển Borges đó cũng mở ra một mối quan hệ lâu dài của tôi với một người, cho đến tận bây giờ. Mỗi cuốn sách, mỗi lần đọc có thể là một kỷ niệm máu thịt.

Ngay Trăm năm cô đơn, tôi nghĩ đã đến lúc cần có một bản dịch mới. Bản dịch cũ đã làm tròn phận sự của nó trong gần ba mươi năm qua. Với vô vàn chỗ sai của nó, nó đã mang lại một cảm hứng lớn lao cho mấy thế hệ nhà văn và độc giả văn chương Việt Nam.

Còn Dương Tường là người mang lại cho tôi Patrick Modiano: Phố những cửa hiệu u tối. Năm ấy tôi học cấp ba. Sau này, tôi từng mang nhiều đoạn trong bản dịch Dương Tường ra so với bản gốc (tính tôi thế, chẳng vì cái gì cả): đó là một bản dịch vô cùng chuẩn xác, với những lựa chọn ngôn từ tinh tế từng khiến tôi thấy rùng mình kinh sợ.

Nói tóm lại, tôi thấy rất funny. Nghiêng người kính chào các thể loại vớ vẩn.

1 comment:

  1. Thỉnh thoảng lại thấy tên Céline hiện ra mà giật mình. Cũng thấy vài rì viu kêu dịch không hay, liệu sắp tới có xuất bản không anh nhỉ?

    ReplyDelete