May 31, 2015

Giấc mộng quá dài

Lần này đọc lại If We Dream Too Long tức Khi ta mơ quá lâu (tôi thích tên nó là Giấc mộng quá dài hơn) của Goh Poh Seng (Nguyễn Dương Quỳnh dịch, Nhã Nam & NXB Lao động, 206tr.), tôi thấy còn có thể làm hơn nữa: lúc trước tôi đã thấy rất ấn tượng cái cách Goh Poh Seng “phản ánh” câu chuyện Singapore thông qua nhân vật Kwang Meng, nhưng giờ tôi thấy còn có thể hình dung Kwang Meng (Quang Minh) chính là Singapore, Singapore ở thời điểm “mọi thứ đã xong xuôi”.

Câu mở đầu đã nói lên tất cả, mặc dù nó không hề cố ý làm thế: “Ở miền nhiệt đới này, ánh nắng ban chiều vụt tắt nhanh như cắt” (tr.9). Quang Minh, ánh sáng, và Singapore, nhiệt đới. Có điều gì đó đã bị bỏ đi mất trong quá trình hỗn loạn mà ta hay gọi tên là lịch sử, nhưng đó thật ra là một mớ nháo nhào quá khứ gần như không thể định hình rõ ràng. Từ mớ hỗn độn đó có một số cách diễn giải thiên tài làm bật ra những đường nét chính: Pierre Gourou hồi trẻ đã làm được như vậy với vùng đồng bằng Bắc Kỳ, với bộ môn “địa lý nhân văn” ngả sang dân tộc học của mình, trong cao điểm của niềm tin phương Tây đặt vào sứ mệnh giải thích khoa học. Từ mớ hỗn độn của riêng nó, Singapura đã bỏ đi yếu tố ban đầu trong cái tên cổ xưa Temasek, nghĩa là “thành phố biển”. Kể từ đó, Singapore như thể chỉ còn lại yếu tố ánh nắng nhiệt đới; từ Thomas Raffles đầu thế kỷ XIX, khi phụng sự Công ty Đông Ấn để tạo ra một “trạm” (comptoir) ở nơi này, rồi mãi cho đến khi Nhật Bản chiếm cứ Singapore đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, Singapore là ánh nắng, là ánh sáng: với người Nhật, chốn này mang tên Syonan-To (Ánh sáng phương Nam).

Kwang Meng tức Quang Minh, như vậy, là hiện thân đầy đủ cho một hình dung rất nổi trội về Singapore. Singapore, trước hết là một vị trí địa lý. Độ nhỏ bé của nó bỗng có một tác dụng đặc biệt: thuyết quyết định luận địa lý (và cả quyết định luận ngôn ngữ) vốn rất vớ vẩn khi áp dụng ở các phạm vi lớn hơn (kể cả như Bắc Kỳ, dẫu cho cách giải thích của Pierre Gourou vẫn còn hết sức giá trị) hoàn toàn hiệu quả ở đây. Ở phạm vi cực tiểu, những thứ sai ở nơi khác sẽ không còn là sai nữa.


Bầu cử tại Singapore năm 1959 

Kwang Meng là “ánh sáng”, tức là mặt trời, nhưng anh chàng thanh niên mười tám tuổi này chỉ mê biển, mê một thứ hiện hữu sờ sờ ở đấy nhưng như thể bị ẩn giấu đi, chỉ còn thực sự ý nghĩa với không nhiều người, những người tránh được niềm mê hoặc của nỗi bức bối nhiệt đới, hoặc là sự đờ đẫn kéo dài vô tận dưới mặt trời, theo một cách thức thần kỳ nào đó. Nếu không có biển, không có cái phần chìm đi ấy, Kwang Meng hẳn sẽ không thể tồn tại được. Bị thu hút về biển chứ không phải mặt trời, Kwang Meng còn đặc biệt chỉ thấy dễ chịu khi trời bắt đầu tối, còn ban ngày thì cùng lắm cũng chỉ có thể chịu đựng được. Ở Kwang Meng không chỉ là một sự lu mờ (khi còn đi học, đóng kịch ở trường, Kwang Meng vào vai Balthazar: trong vở kịch Người lái buôn thành Venice của Shakespeare, nhân vật này chỉ có độc một câu thoại), mà còn là nỗi nhức nhối ì trệ về những gì lẽ ra phải có nhưng đã biến đi đâu mất, không bao giờ còn có thể phục hồi được nữa.

Kwang Meng mười tám tuổi, sống ở một khu chung cư cao tầng cùng gia đình, trong đó ông bố từng làm thư lại suốt cuộc đời, dưới thời thực dân Anh, và anh bắt đầu đi làm, cũng làm thư ký. Kwang Meng không có vấn đề gì cả (đủ mức học vấn, không bị thất nghiệp, có biển để bơi và có bạn bè để cùng ra quán bar uống bia): đó là một Singapore không vấn đề gì cả, kể từ giữa thập niên 60, Lý Quang Diệu và PAP, một vị trí địa lý thuận lợi kinh người, và một sự khéo léo vượt bậc: trở thành đao phủ gián tiếp trong cuộc chiến tranh Việt Nam để mượn đà mà phát triển, nhưng cũng không đến nỗi tệ hại lắm; thời ấy, bất kỳ nước châu Á khôn ngoan nào cũng làm thế, vấn đề dằn vặt lương tâm gần như không cần phải đặt ra, vì chiến tranh vừa là một trò ngu xuẩn lại vừa là một thiên tai, rơi vào đâu chỗ nấy phải chịu, đâu có liên quan gì đến mình.

Vấn đề của Singapore, ngoài đó ra, là không có vấn đề gì cả. Kwang Meng chẳng có vấn đề gì hết, ngoài nỗi thèm biển khủng khiếp, chỉ mê bóng tối và đôi lúc xót xa nhớ lại những giấc mơ xa xưa, có tuyết trắng và có những cuộc phiêu lưu.

Với một cuộc đời như thế, đi quầy bar đã là biến cố, ngủ với một cô gái quán bar (Lucy) cũng là một biến cố, nhưng là biến cố đặc trưng cho những đại lượng đặc biệt nhỏ và đặc biệt lu mờ: chỉ đôi khi Kwang Meng thoáng thấy chút bối rối, không dám ngủ lại cả đêm với Lucy vì không biết sẽ giải thích với bố mẹ như thế nào. Các thực thể càng nhỏ càng cảm thấy một mệnh lệnh tiên quyết, là phải thực sự đơn giản, phải vô cùng chức năng. Dẫu sao, Kwang Meng cũng có chút cảm giác anh hùng, khi ở văn phòng anh dám đi toa lét giữa giờ làm, lại có lúc cả gan xin giấy chứng nhận của bác sĩ, nghỉ làm để ra biển, bơi giữa trống vắng, ở cái bờ biển thật ra đã bị lãng quên bởi những con người không giống anh.

Ta có thể gọi đây là một căn bệnh, không hiểm nghèo nhưng có thể tạo ra một số biểu hiện kỳ lạ. Tài năng của Goh Poh Seng là thấu hiểu và miêu tả những biểu hiện triệu chứng ấy. Tác giả đặt tên cho quán bar mà Kwang Meng hay tới là Paradise: Paradise! một cái tên còn không buồn tìm cách tỏ ra mỉa mai. Singapore tự coi mình là một thiên đường từ lâu rồi.


Cũng có lúc biểu hiện của Kwang Meng khá đáng ngại: “Có lần, Kwang Meng đã làm bạn bè kinh ngạc khi khẳng định là London không tồn tại. Đó chỉ là trò bịp bợm của bọn làm phim và mấy tay viết sách” (tr.27). Ta hiểu London có thể mang những nét nghĩa nào trong đầu óc người dân thuộc địa châu Á (và Tây Ấn). Đáng ngại hơn là một số suy nghĩ của Quang Minh: “Sao họ dạy anh tất cả những thứ đó, Đảo giấu vàng, Walter Scott… mớm cho anh làm chi những cuộc phiêu lưu” (tr.43). Rồi: “nơi anh đang ở này đây chìm trong cái bình thường không mùa, chẳng thể gọi được hai lần nắng mưa mỗi năm là mùa […] ở nơi bất di bất dịch này, bầu trời quanh năm lúc nào cũng giống nhau như một căn bệnh mãn tính không thuốc chữa, như cơn sốt kéo dài lúc nào cũng bừng bừng trong không khí” (tr.48). Cảm nhận của Kwang Meng về đất nước: “Trên hòn đảo nhỏ Singapore này, không có lấy một ngọn đồi đích thực, không một dòng sông đích thực, không một ngọn núi… chỉ có biển mà thôi” (tr.48).

Biến cố lớn của cuộc đời Kwang Meng là khi bố cậu bé bị ốm nặng, ở cuối cuốn tiểu thuyết mỏng như chưa hề tồn tại này, nhưng kết luận đã lơ lửng từ rất sớm: “Mày phải nhớ tụi mình không tạo ra thế giới, mình chỉ có thể chấp nhận các điều khoản của nó, hoàn cảnh và quy ước của nó” (tr.49) - phát biểu của một người bạn của Kwang Meng, trong những cuộc trò chuyện giữa các chàng trai trẻ mới bước chân lậm sâu vào cuộc đời, tại một xứ nhiệt đới chẳng có gì thay đổi bao giờ.

Goh Poh Seng, con người sáng tạo lớn lao mà như thể không sáng tạo gì hết ấy, đã nhìn thấy mọi thứ ngay từ đầu: If We Dream Too Long được viết vào cuối thập niên 60 (Goh Poh Seng sinh năm 1936), đã có ngay một cái nhìn rất đáng dè chừng vào một thiên đường dưới mặt đất, tuy nhỏ xíu nhưng vẫn là thiên đường. Sau này, Goh Poh Seng, như một lẽ tất nhiên (quyết định luận phát tác rất mạnh ở các thực thể nhỏ), đã bỏ sang Canada sống.

2 comments:

  1. Singapore mà thèm biển thì vô cùng hợp lí, ong Goh Poh Seng có vision thật, giờ ở đây nếu không muốn phải vào cái vũng bùn Sentosa mà lặn ngụp ở biển tự nhiên thì phải mò ra tận East Coast, gần Changi ấy. Mỗi tội chỗ ấy khá nhiều người tìm đến để tự sát.

    ReplyDelete