Jun 14, 2015

Amerika: Chương bốn

Tiếp tục nhé, nghỉ giải lao đã hơi lâu rồi :p

Nhưng thật ra, chương thứ tư này có một cái gì đó rất lạ trong Amerika, một biến chuyển trong câu chuyện, một thay đổi nào đó rất khó cắt nghĩa; mà khi đi theo một cuốn tiểu thuyết, tốt nhất là ta nên tuân theo đúng nhịp điệu của nó.

Từ chương thứ năm trở đi, Kafka sẽ bắt đầu để lộ rõ hơn mình muốn đi đến đâu với Amerika, cùng Karl Roßmann.

 
Chương bốn: Đường tới Ramses


Đi một lúc thì Karl tới một quán trọ nhỏ, thật ra nó chỉ là trạm dừng tí xíu cuối cùng cho xe cộ trên đường đến New York, vì thế hiếm khi người ta ngủ qua đêm ở đó, anh hỏi cái giường rẻ nhất, vì anh nghĩ ngay từ bây giờ mình phải bắt đầu tiết kiệm. Chủ quán, chiểu theo lời đề nghị của anh, lấy ngón tay, như thể anh là người làm công cho ông ta, chỉ cầu thang, lên trên đó anh được tiếp đón bởi một mụ già ăn mặc luộm thuộm, điên tiết vì bị quấy rầy khi đang ngủ và, chẳng buồn nghe anh nói, vừa không ngừng nhắc nhở anh phải trật tự vừa đưa anh vào một căn phòng rồi đóng cửa lại sau khi đã thổi vào mũi anh một tiếng “suỵt!” cuối cùng.

Thoạt tiên Karl tự hỏi, vì căn phòng tối quá, có phải rèm cửa sổ đang kéo vào hay là chẳng có cửa sổ nữa; nhưng rốt cuộc anh phát hiện một ô cửa nhỏ đằng sau một tấm bạt mà anh gạt sang bên, và qua đó một ít ánh sáng lọt vào. Căn phòng có hai giường, cả hai đều đã có người nằm. Karl nhìn thấy hai thanh niên nằm trên đó trong giấc ngủ say và trông chẳng đáng tin chút nào bởi vì họ ngủ với đầy đủ quần áo tuy không có lý do rõ ràng nào; một trong hai người vẫn đi giày.

Vào lúc Karl kéo rèm, một trong hai người đang ngủ nâng tay và chân lên, tạo ra một cảnh tượng lố bịch khiến cho mặc dù đang ngổn ngang những lo lắng, Karl cũng không thể ngăn mình ngấm ngầm phì cười.

Anh nhanh chóng nhận ra, ngoài việc không có sofa, trường kỷ hay chỗ nằm khác, anh sẽ chẳng bao giờ ngủ được trong căn phòng này, vì anh không muốn phơi cái hòm anh vừa tìm thấy lại, cùng tiền của anh, trước nguy hiểm. Nhưng anh cũng không muốn bỏ đi, vì anh nghĩ sẽ không thể yên ổn đi qua trước mặt mụ già và ông chủ quán trọ để ra khỏi đây. Trong căn phòng này anh cũng chẳng có cơ gặp nhiều nguy hiểm như ngoài đường cái. Tuy nhiên cũng có một điều nổi bật: không cách nào tìm được trong phòng, trong chừng mực ánh sáng lờ mờ cho phép, dủ chỉ một thứ hành lý. Nhưng có lẽ, và rất có khả năng, hai thanh niên kia là những anh hầu thường phải dậy để phục vụ khách nên họ mặc nguyên quần áo đi ngủ. Trong trường hợp ấy, tuy chẳng phải vinh hạnh lớn lao gì khi ngủ cùng phòng với họ, nhưng ít nhất anh sẽ được an toàn. Nhưng chừng nào điều này còn chưa tuyệt đối chắc chắn, anh nhất định không được ngủ.

Dưới chân giường có một ngọn nến và những que diêm, Karl rón rén đi đến để lấy. Anh không ngại thắp sáng vì ông chủ quán trọ đã cho anh vào phòng này, cũng như hai người kia, vả lại họ đã được hưởng nửa đêm nằm ngủ và có lợi thế lớn so với anh do chiếm được hai cái giường. Dĩ nhiên, anh bước đi vô cùng cẩn trọng và tính toán từng cử động nhỏ, cố gắng để không đánh thức họ dậy.

Trước tiên anh muốn xem xét cái rương để có một ý niệm chung về những thứ đồ đạc giờ đây anh không còn nhớ rõ lắm, mà những gì quý giá nhất có thể đã mất rồi. Bởi vì, ngay khi Schubal đặt tay lên bất kỳ một vật gì, có rất ít hy vọng ta tìm lại được nó nguyên vẹn. Nói cho đúng, chắc hẳn Schubal đã trông chờ từ ông cậu một món tiền thưởng lớn, và mặt khác, ông ta có thể biện minh cho việc một số thứ biến mất bằng cách đổ tội cho anh Butterbaum, người giữ cái hòm trước đó.

Mới thoạt nhìn qua cái hòm mở nắp, Karl thấy hoảng hốt ngay. Trong suốt chuyến đi anh đã bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hồ để sắp xếp nó cho thật cẩn thận! Thế mà giờ đây tất cả tạo thành một mớ hỗn độn khủng khiếp khiến cho cái nắp tự bật ra ngay khi mở khóa.

Nhưng Karl vui sướng nhận ra ngay rằng sự lộn xộn chỉ là do người ta nhét vào sau đó bộ com lê mà anh mặc trong chuyến đi và bộ com lê ấy thì không có sẵn trong số đồ ban đầu. Không thiếu một mảy may gì. Trong cái túi bí mật của áo vest vẫn còn không chỉ tấm hộ chiếu mà cả số tiền mà Karl mang theo từ nhà, thành thử cùng những gì anh đang có, vào lúc này anh tương đối rủng rỉnh. Những quần áo anh mặc khi tới đây cũng ở đó, sạch sẽ và được là cẩn thận. Ngay lập tức anh cho đồng hồ đeo tay và tiền vào cái túi bí mật trung thành. Điều duy nhất phải phàn nàn là cái xúc xích Verona, cũng vẫn còn nguyên, đã làm ám mùi lên mọi thứ đồ trong hòm. Nếu không tìm được cách để xử lý, Karl mắc phải nguy cơ sẽ bị ngập ngụa trong cái mùi này suốt nhiều tháng.

Trong khi anh kiểm tra vài thứ nằm dưới đáy, một quyển Kinh Thánh bỏ túi, giấy viết thư và bức ảnh chụp bố mẹ, cái mũ cát két của anh tuột khỏi đầu rơi vào hòm. Khi nó nằm đây trong khung cảnh cũ anh liền nhận ra, đó chính là mũ cát két của anh, cái mũ cát két mà mẹ anh đã tặng cho anh khi anh lên đường. Anh đã không đội nó lúc còn ở trên tàu, vì biết bên Mỹ ai cũng đội kiểu mũ ấy, và không muốn dùng mũ của mình trước khi đến nơi. Giờ đây ông Green đã dùng nó để giải trí, trêu tức anh! Ai mà biết ông cậu có chủ trương như thế không? Trong một cử động điên giận không chủ ý anh hất cái nắp hòm, nó bèn ầm ĩ sập xuống.

Chẳng còn làm gì được nữa: hai người đang ngủ đã thức dậy. Một trong hai bắt đầu vươn người và ngáp, người kia liền bắt chước theo. Và gần như mọi thứ chứa trong hòm đã bày cả ra trên bàn; nếu những người kia là quân trộm cắp, bọn họ chỉ cần tiến lại gần và lựa chọn. Để ngăn ngừa điều này, và cũng để làm sáng tỏ tình hình ngay tắp lự, Karl, tay cầm nến, tiến về phía hai cái giường và giải thích tại sao anh ở đây. Dường như họ không để ý đến lời giải thích đó và, vẫn còn quá ngái ngủ nên không nói chuyện được, họ chỉ nhìn anh mà không tỏ ra chút ngạc nhiên nào. Đó là hai chàng thanh niên còn rất trẻ, nhưng công việc hoặc sự nghèo khổ đã làm hiện ra trên mặt họ từ rất sớm những góc cạnh xương xẩu, những chòm râu tua tủa mọc lên trên cằm họ, tóc họ chỉ là một mớ rối tung và, trong cơn buồn ngủ, họ lấy những ngón tay dụi lên những cặp mắt trũng sâu.

Để tận dụng sự yếu đuối tức thời của họ, Karl nói luôn: “Tôi tên là Karl Roßmann và tôi là người Đức. Xin hãy vui lòng nói cho tôi tên của các anh, quốc tịch của các anh, vì chúng ta đang ở chung phòng. Tôi xin nói ngay với các anh là tôi không đòi nằm giường, vì tôi đến quá muộn và thêm nữa tôi không định ngủ. Đừng khó chịu vì bộ quần áo đẹp của tôi, tôi hoàn toàn nghèo khổ và không có tương lai gì.”

Người thấp hơn - là người vẫn đi giày - cho thấy qua hai cánh tay, cặp chân và toàn thể cung cách, rằng chẳng gì trong những điều ấy làm hắn quan tâm và nhất là đây không phải lúc nói chuyện; hắn lại nằm xuống và ngủ ngay; người kia, một gã da nâu, cũng nằm xuống, nhưng trước khi ngủ còn nói, hờ hững chìa tay ra: “Anh ta tên là Robinson: đó là một người Ái Nhĩ Lan; còn tôi, tôi tên là Delamarche, tôi là người Pháp, giờ thì tôi đề nghị anh để yên cho chúng tôi ngủ.” Nói đoạn, hắn thổi tắt ngọn nến của Karl và gieo đầu xuống gối.

“Thế là một mối nguy đã được khép lại vào lúc này,” Karl tự nhủ, quay lại chỗ cái bàn. Nếu cơn thèm ngủ của họ không bị khuấy động thì mọi chuyện sẽ ổn. Điều phiền nhiễu duy nhất là cái tay Ái Nhĩ Lan kia. Karl cũng chẳng nhớ rõ cuốn sách nào anh từng đọc ở nhà nói rằng bên Mỹ cần phải nghi ngờ những người Ái Nhĩ Lan. Hồi còn ở nhà ông cậu, lẽ dĩ nhiên anh có rất nhiều cơ hội để làm sáng tỏ vấn đề sự độc hại Ái Nhĩ Lan này, nhưng, vì cứ tưởng mình sẽ được yên ổn cả đời, anh đã lơi đi mối lo ấy. Anh đi đến nhìn tay Ái Nhĩ Lan từ khoảng cách gần hơn với ngọn nến mà anh vừa thắp lại, và cuộc kiểm tra cho thấy tay Ái Nhĩ Lan lại ngon ăn hơn tay người Pháp. Thậm chí hai má hắn còn vương nét bầu bầu và hắn mỉm cười rất dễ thương trong lúc ngủ, đó là tất cả những gì Karl, đứng nhón chân từ xa, có thể nhìn thấy.

Tuy nhiên, đã nhất định là sẽ không ngủ, anh ngồi xuống cái ghế duy nhất trong phòng, chưa đóng cái hòm lại vội - anh còn cả đêm - và giở quyển Kinh Thánh ra một lúc nhưng không đọc. Sau đó anh cầm bức ảnh chụp bố mẹ lên: người đàn ông bé nhỏ, bố anh, đứng thẳng còn mẹ anh ngồi trong một cái ghế phô tơi kê trước mặt ông. Ông đặt một tay lên lưng ghế, tay kia đặt lên một quyển sách tranh đang mở, trên một cái bàn nhỏ mong manh trang trí cầu kỳ bên cạnh. Karl còn một bức ảnh khác nữa, trong đó có anh cùng bố mẹ, họ nhìn anh, trong khi người chụp ảnh yêu cầu anh nhìn vào máy ảnh, nhưng bức ảnh đó anh không được phép mang theo.

Bởi vậy anh càng chăm chú nhìn bức ảnh trước mặt hơn, và xoay nó đủ các góc để tìm cách bắt lấy ánh mắt bố anh,. Nhưng anh có xoay thế nào, chỉnh vị trí của ngọn nến ra sao thì bố anh vẫn từ chối trở nên sống động hơn, hàng ria rậm nằm ngang của ông chẳng thực chút nào, đây không phải là một bức ảnh thành công. Ngược lại, bà mẹ có hình ảnh chuẩn hơn, miệng bà trễ xuống trông như thể một người phụ nữ bị phật ý bị buộc phải cười. Karl thấy chi tiết này chắc hẳn phải nổi bật trong mắt những người nhìn bức ảnh đến nỗi một lúc sau anh lại nghĩ nó quá mức lồ lộ và có gì đó bất thường. Làm sao một bức ảnh lại có thể mang tới một cảm giác mạnh mẽ đến vậy, rằng bên dưới chủ thể kia có biết bao tình cảm bị che giấu? Anh rời mắt khỏi nó một lúc. Khi nhìn lại anh sửng sốt vì hình dạng bàn tay của mẹ anh, để thõng trên tay cầm ghế phô tơi, ngay phía trước, gần đến nỗi như thể ta có thể hôn nó. Anh tự hỏi có nên viết thư cho bố mẹ như họ đã yêu cầu anh không (nhất là bố anh, ở Hamburg, vào lúc cuối cùng, một cách hết sức nghiêm khắc). Chắc rồi, trước đó, vào buổi tối khủng khiếp khi mẹ anh, ở cửa sổ, bảo nhất quyết anh sẽ phải đi sang Mỹ, anh đã tự thề với mình là sẽ không bao giờ viết thư, nhưng giờ đây, lúc này, trong tình hình mới này, lời hứa của một cậu trẻ con thì còn đáng giá gì nữa! Anh cũng hoàn toàn có thể thề là mình sẽ trở thành tướng của quân đội liên bang sau hai tháng, trong khi hiện tại anh đang ở cạnh hai kẻ du thủ du thực trên tầng áp mái một quán trọ New York, thêm nữa anh phải tự thú nhận rằng đây mới thật là chỗ của anh. Anh mỉm cười xem kỹ mặt bố mẹ như thể đọc thấy ở đó xem họ có còn muốn nhận tin tức của đứa con trai hay không.

Cứ nhìn mãi như thế, anh nhanh chóng thấy rằng mình rất mệt và sẽ rất khó mà thức cho đến sáng. Bức ảnh rơi khỏi những ngón tay anh, anh áp má lên nó, cảm giác mát lạnh làm anh thấy thoải mái và anh dễ chịu ngủ thiếp đi.

Anh choàng tỉnh vì bị cù vào nách lúc sáng sớm. Chính tay người Pháp tự cho phép mình làm cái hành động suồng sã ấy. Nhưng tay Ái Nhĩ Lan cũng đã đứng bên cái bàn của Karl và hai tay ấy nhìn anh, không kém phần tò mò như Karl đã cảm thấy đối với bọn họ trong đêm. Anh không ngạc nhiên vì bọn họ khi ngủ dậy đã không làm anh tỉnh giấc; sự yên ắng của bọn họ không nhất thiết có ý đồ xấu, vì anh đã ngủ quá say, và rõ ràng bọn họ đã chẳng mấy mất công để mặc quần áo hoặc, trước đó, rửa ráy.

Giờ đây họ chào hỏi nhau một cách kỹ càng, hơi có chút trịnh trọng, và Karl biết được rằng đó là hai thợ máy lâu nay đã không thể tìm được việc làm ở New York, điều này khiến họ u ám một cách sâu sắc. Robinson phanh áo vest ra để chứng minh, và quả thật có thể thấy rằng hắn không có áo sơ mi, vả lại cũng dễ nhận ra điều đó thông qua sự lỏng lẻo của cái cổ áo giả, đính thẳng lên phía sau áo vest. Họ đã nảy ra ý định đi bộ đến thành phố nhỏ Butterford cách New York hai ngày đường; có vẻ như sẽ xin được việc ở đó. Họ không phản đối Karl đi cùng luôn và hứa thỉnh thoảng sẽ mang giúp anh cái hòm, rồi, nếu tìm được việc, sẽ tìm cách đưa anh vào đó làm thợ học việc, điều này chắc dễ thôi miễn là người ta chịu tuyển. Karl vừa nói đồng ý thì bọn họ đã khuyên anh nên cởi bỏ bộ com lê đẹp ra, nó sẽ không có ích gì khi đi tìm một chỗ làm. Mà trong chính ngôi nhà này, có ngay cơ hội tuyệt vời để tống khứ bộ quần áo đi luôn, vì mụ hầu phòng buôn quần áo. Họ giúp Karl còn đang ngần ngừ trút bỏ những gì anh đang mặc trên người rồi biến đi. Còn lại một mình, và vẫn còn hơi buồn ngủ, Karl tự trách mình, trong lúc mặc lại những thứ đồ cũ, vì đã bán đi một bộ quần áo chắc hẳn có thể gây ra cho anh những phiền nhiễu nếu muốn tìm một chỗ làm thợ học việc nhưng biết đâu lại có ích nếu anh muốn tìm một chỗ khá hơn, và anh mở cửa để gọi hai tay kia lại, thì bọn họ đã quay trở lại, đặt nửa đô la lên bàn, nhưng vẻ mặt bọn họ trông vui sướng đến nỗi không thể tin được rằng bọn họ đã không tìm được phần lợi nhuận riêng, và thật tức là phần này không hề nhỏ.

Vả lại đây không phải là lúc tranh cãi, bởi vì mụ hầu phòng đã đến, vẫn ngái ngủ y như hồi đêm, đuổi cả ba ra hành lang, giải thích rằng phải chuẩn bị phòng để đón những vị khách mới. Lẽ dĩ nhiên chẳng có gì như vậy cả, mụ chỉ làm vậy vì độc ác mà thôi. Karl, đã chuẩn bị dọn lại cái hòm, phải chứng kiến cảnh mụ đàn bà túm lấy đồ đạc của anh bằng cả hai tay và nhét chúng vào hòm với cùng sức mạnh mà mụ hẳn cũng dùng để bắt lũ thú bướng bỉnh phải nằm xuống ngủ. Hai người thợ máy quấy rối mụ, giật váy mụ, đập vào lưng mụ, nhưng nếu bọn họ có ý định giúp đỡ Karl thì kết quả thu được hoàn toàn ngược lại. Khi đã đóng xong cái hòm lại, mụ đàn bà dúi quai hòm vào tay Karl, xua hai tay thợ máy đi và đuổi tất cả họ khỏi phòng, dọa sẽ không dọn cà phê nếu họ không chịu nghe lời. Rõ ràng là mụ đã quên rằng Karl không thuộc nhóm này ngay từ đầu, vì mụ đối xử với bọn họ như thể bọn họ thuộc cùng một băng. Có điều hai tay thợ máy đã bán quần áo của Karl và bằng cách ấy đã chứng tỏ có chút tình đồng đảng với anh.

Họ phải đi đi lại lại ngoài hành lang mất một lúc lâu, nhất là tay người Pháp, hắn cứ dính chặt lấy Karl, không ngớt chửi rủa, dọa sẽ tống cho ông chủ quán trọ một đòn đo ván hễ ông ta dại dột mà thò mặt ra, hình như để chuẩn bị, hắn cọ thật mạnh hai nắm đấm vào nhau. Nhưng rốt cuộc chỉ xuất hiện một cậu chàng vô hại vẫn còn phải nhón chân lên mới có thể đưa được bình cà phê cho tay người Pháp. Thật tệ là chỉ có mỗi bình cà phê này và họ không sao làm cho cậu chàng kia hiểu được là họ muốn có cốc nữa. Thành thử mỗi người phải lần lượt uống, những người còn lại vừa nhìn vừa chờ đợi. Karl chẳng hề muốn uống, nhưng vì không muốn làm tổn thương mấy người kia, khi đến lượt mình anh nâng bình cà phê lên miệng rồi để yên như thế nhưng không uống chút nào.

Xong xuôi, tay Ái Nhĩ Lan ném cái bình xuống sàn nhà bằng đá. Họ rời quán trọ mà chẳng bị ai để ý, và đi vào làn sương mù dày vàng nhợt của buổi sáng. Họ đi, người này cạnh người kia, không nói một lời, bên lề đường, Karl phải một mình mang cái hòm, chắc những người kia sẽ chỉ giúp nếu anh yêu cầu; thỉnh thoảng một chiếc ô tô đột ngột hiện ra từ sương mù và họ quay đầu về phía những chiếc xe ấy, phần nhiều rất to, thật lạ lùng trong hình dáng và phóng vụt qua nhanh đến nỗi ta chẳng có đủ thời gian để xem chúng có chở ai đó hay không. Một lúc sau, họ bắt đầu thấy những dòng xe cộ chở đồ thực phẩm tới New York. Chúng đi thành từng hàng năm chiếc một, chiếm hết chiều rộng con đường và tạo thành hàng dọc khít đến nỗi chẳng ai có thể nghĩ đến chuyện đi lọt qua giữa chúng. Thỉnh thoảng, đại lộ mở rộng ra để tạo thành một quảng trường ở giữa có một cảnh sát đi đi lại lại trên cái bục để điều khiển xe cộ và dùng một cây gậy nhỏ chỉ huy sự đi lại trên trục đường đông đúc và những phố cắt qua đó, sự đi lại sau đó chẳng hề được trông coi cho tới quảng trường và người cảnh sát tiếp sau, nhưng những người đánh xe ngựa và tài xế ô tô, câm lặng và chăm chú, giữ cho sự đi lại ấy được trật tự, một cách tự nguyện. Chính sự bình lặng chung này khiến Karl thấy ngạc nhiên hơn cả. Nếu không có tiếng kêu của những con thú vô ưu tư đang được chở đến lò sát sinh, tưởng đâu như ta chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng gõ móng guốc và tiếng bánh xe nghiến lạo xạo. Dĩ nhiên tốc độ không phải lúc nào cũng được giữ đều. Những khi, tại một số điểm giao, do sức ép quá lớn từ các đường ngang, phải có những điều chỉnh, tất cả các hàng dừng lại rồi sau đó lại tiến lên một cách từ từ, nhưng cũng có những lúc mọi xe cộ phóng vùn vụt cho tới khi nhịp chuyển động này dịu xuống như thể dưới tác động của một phanh hãm chung. Tuy nhiên, từ con đường không hề bay lên chút bụi nào, mọi thứ tiến lên trong làn không khí trong lành nhất. Không có lấy một người bộ hành; ta không nhìn thấy những phụ nữ đi chợ phiên như tại đất nước của Karl, mà chỉ thấy những chiếc xe tải không phủ bạt thỉnh thoảng hiện ra, mỗi xe chở chừng hai chục phụ nữ mang sọt, như vậy là các lái buôn, họ thò cổ ra để xem xe cộ đi lại và hy vọng đi được nhanh hơn.

Cũng có những chiếc xe tải khác cùng kiểu, trên đó ta thấy những người đàn ông đút tay vào túi đi lại. Trên một chiếc xe ấy có viết chữ, Karl đột nhiên đọc được, và nhảy dựng lên: “Hãng vận tải Jakob cần thuê nhân viên bốc vác bến tàu”. Chiếc xe đang đi ngang qua rất chậm và một người đàn ông nhỏ bé nhanh nhẹn lưng gù mời ba người đang đi dưới đường lên. Karl trốn vào sau lưng hai người thợ máy như thể ông cậu của anh có thể đang ở trên xe và nhìn thấy anh, anh sung sướng khi thấy mấy người bạn đồng hành lờ tít lời mời đi, nhưng hơi tổn thương vì vẻ mặt cao ngạo của họ khi làm thế. Họ không được phép tự thấy mình quá giỏi nên chẳng thèm phục vụ cho ông cậu. Ngay lập tức anh làm cho họ hiểu điều đó, nhưng bằng những lời lẽ mập mờ. Thấy vậy Delamarche bèn bảo anh đừng dây vào những chuyện mà anh không hiểu, giải thích với anh rằng cách thuê người như thế kia là một trò lừa đảo đáng ghê tởm và hãng Jakob có tiếng tăm rất xấu trên toàn nước Mỹ. Karl không trả lời nhưng kể từ đó anh ngả về phía tay Ái Nhĩ Lan. Anh nhờ hắn mang giúp cái hòm một lúc, hắn để anh phải nhắc lại điều đó nhiều lần nhưng cuối cùng cũng nhận lời. Hắn không ngừng than vãn cho đến lúc cũng hiểu được rằng hắn chỉ chăm chăm muốn giảm bớt gánh nặng cho cái hòm khỏi miếng xúc xích Verona, chắc hẳn nó đã đánh động tâm trí hắn một cách dễ chịu ngay từ lúc còn ở quán trọ. Karl phải rút miếng xúc xích ra, tay người Pháp cầm lấy nó và dùng một con dao trông như dao găm cắt nhỏ nó ra và một mình hắn chén gần như hết luôn. Robinson thỉnh thoảng được một lát nhỏ, còn Karl, buộc phải xách cái rương trở lại, hoàn toàn không được gì; bọn họ đối xử với anh như thể anh đã có phần của mình từ trước vậy. Anh thấy sẽ thật hèn kém nếu xin một miếng, nhưng nỗi tức tối của anh trở nên sôi sục.

Sương mù đã tan, một dải núi cao lấp lánh xa xa, đỉnh núi uốn lượn lẩn vào đường chân trời trong những làn hơi mà mặt trời làm bay lên. Bên lề đường, những cánh đồng cày cấy nham nhở bao quanh những nhà máy lớn mọc lên giữa trời, bám muội đen kịt. Những ngôi nhà cho người ở thật cao, những trại lính đích thực nằm rải rác lung tung, với rất nhiều cửa sổ rung lên vì mọi thứ chuyển động và mọi loại ánh sáng, và trên những ban công hẹp của chúng nhộn nhịp phụ nữ và trẻ con, bao quanh là, phủ lên họ và che giấu họ, đống giẻ lau, khăn tắm phơi trên những sợi dây, chúng phồng lên dữ dội trong làn gió buổi sáng. Nếu ánh mắt rời khỏi những ngôi nhà, ta sẽ phát hiện những con chim chiền chiện bay tít trên trời cao và lũ nhạn bay là là gần như sát trên đầu người qua đường.

Rất nhiều thứ ở đây khiến Karl nhớ nhà và anh tự hỏi có nên rời New York đi sâu vào lục địa hay không. Ở New York có biển, lúc nào cũng có khả năng quay về tổ quốc. Anh bèn dừng lại, tuyên bố mình cảm thấy muốn ở lại New York. Delamarche muốn kéo anh đi; anh từ chối để mình bị kéo, nói rằng mình có quyền tự quyết định số phận. Tay Ái Nhĩ Lan phải can thiệp, nói rằng Butterford tốt đẹp hơn New York nhiều, nhưng vẫn phải cầu xin Karl thì anh mới chịu quyết định đi tiếp. Lẽ ra anh đã không làm thế nếu không tự nhủ rằng có lẽ sẽ tốt hơn nếu đi tới một thành phố từ đó khó về nhà hơn. Hẳn anh sẽ có thể làm việc và thành công nhiều hơn nếu không bị luẩn quẩn với những suy nghĩ vô tích sự làm anh sao lãng.

Kể từ nay, chính anh là người kéo theo hai tay kia, và bọn họ rất sung sướng vì niềm hưng phấn đột ngột ở anh, thậm chí thay nhau mang hộ anh cái hòm, chẳng cần anh phải nhờ, đến nỗi Karl phải tự hỏi làm sao mà mình lại có thể tạo cho bọn họ niềm vui lớn như thế. Đường đi bắt đầu dốc lên và khi thỉnh thoảng ngoái đầu lại họ có thể nhìn thấy toàn cảnh New York cùng các bến cảng trải rộng mãi không ngừng. Cây cầu nối New York với Boston treo cao gầy guộc phía trên sông Hudson và run lên mỗi khi ta hơi nhíu mắt lại. Trông nó như thể không có người qua lại, làn nước bất động trải ra phía dưới nó trông giống một dải ruy băng mịn. Hai thành phố khổng lồ như thể mọc lên ở đó, hoang vắng và vô tích sự. Gần như không có khác biệt nào giữa những ngôi nhà lớn và những ngôi nhà nhỏ. Nơi đáy sâu khôn dò của các phố cuộc sống có lẽ vẫn tiếp diễn như thường, nhưng bên trên ta chỉ có thể nhìn thấy một làn hơi nhẹ không nhúc nhích, nhưng có vẻ rất dễ tan biến. Ngay ở cảng, cảng lớn nhất thế giới, sự yên tĩnh cũng tràn xuống; chỉ thỉnh thoảng, hẳn là dưới ảnh hưởng của một kỷ niệm nào đó rút ra từ sự ngắm nhìn từ khoảng cách gần hơn, ta tưởng như nhìn thấy một con tàu đi qua trong chốc lát. Nhưng ta không thể nhìn theo nó thật lâu, nó mau chóng thoát khỏi tầm nhìn và rồi ta không còn thấy nó nữa.

Nhưng rõ ràng Delamarche và Robinson nhìn thấy nhiều thứ hơn: bọn họ chỉ trỏ cái này cái kia bên phải, bên trái, chìa tay về phía những quảng trường, khu vườn, liệt kê tên của chúng. Bọn họ không thể hiểu nổi tại sao Karl đã ở New York từ hơn hai tháng rồi mà trong cả thành phố mới chỉ nhìn thấy độc một phố. Bọn họ hứa sẽ dẫn anh tới đó chừng nào kiếm đủ tiền ở Butterford và chỉ cho anh mọi nơi, đặc biệt là một số chỗ họ có thể tha hồ vui thú cực điểm. Rồi Robinson cất giọng rống lên một bài hát được Delamarche phụ họa bằng cách vỗ tay và Karl nhận ra đó là một bản operette có xuất xứ từ đất nước của anh, nhưng với lời tiếng Anh ở đây, nó gây cho anh ấn tượng lớn hơn nhiều. Như vậy là giữa thanh thiên bạch nhật họ tổ chức một buổi biểu diễn nhỏ mà tất cả mọi người cùng tham gia; chỉ có mỗi thành phố dưới chân họ, chính là đối tượng của bài hát, thì lại như thể chẳng hề hay biết.

Có một lần Karl hỏi hãng vận chuyển Jakob ở đâu và anh thấy ngay ngón tay trỏ của Delamarche và Robinson chìa ra chỉ về phía những điểm có lẽ giống nhau, nhưng cũng có thể cách nhau hàng dặm. Khi họ tiếp tục đi Karl lại hỏi chừng nào họ sẽ kiếm được khá tiền để có thể quay về New York. Delamarche tuyên bố một tháng có thể là đủ, vì ở Butterford thiếu công nhân lắm và tiền lương ở đó lại cao. Lẽ dĩ nhiên, tất tật tiền thu được sẽ phải để vào một quỹ chung nhằm san sẻ những khác biệt về thu nhập giữa những người đồng hội. Đối với Karl cái quỹ chung này chẳng có gì tốt đẹp mặc dù, với tư cách thợ học việc, chắc hẳn anh sẽ kiếm được ít hơn những người có chuyên môn. Thêm nữa Robinson nhắc rằng nếu ở Butterford không có việc thì dĩ nhiên sẽ phải đi xa hơn, vào làm trong một trang trại hay sang bên California để đãi vàng, dựa theo những lời giải thích chi li của hắn thì có thể nói rằng hắn ưa nhất kế hoạch sang California.

“Thế tại sao anh lại trở thành thợ máy, nếu bây giờ anh muốn sang California tìm vàng?” Karl hỏi, anh không thích nghe sẽ phải đi những chuyến xa và thiếu chắc chắn như vậy.

“Tại sao tôi lại trở thành thợ máy à?” Robinson hỏi. “Chắc chắn không phải để thằng con trai của mẹ tôi phải chết đói rồi. Ở các bãi vàng thì kiếm được nhiều tiền lắm.”

“Từng kiếm được,” Delamarche chữa lại.

“Vẫn kiếm được,” Robinson nói, và hắn kể ra những người quen biết từng làm giàu với công việc này, họ vẫn ở đó, tất nhiên chẳng cần phải động chân động tay nữa nhưng, rõ là vậy rồi, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè kiếm bộn tiền. “Chúng ta sẽ tìm được việc làm ở Butterford thôi,” Delamarche nói, đúng là điều mà Karl muốn nghe, nhưng cách nói của hắn chẳng mang lại mấy niềm tin tưởng. Trong suốt cả ngày họ chỉ dừng lại một lần, tại một quán trọ, họ ăn ngoài trời ở trước quán, bên một cái bàn mà Karl nghĩ là làm bằng sắt, món thịt gần như còn sống nguyên, dao dĩa không thể thái rời nổi mà chỉ giằng giật được ra. Bánh mì có hình ống trụ, mỗi ổ lại có một con dao sắc cắm vào. Các món được chiêu bằng một thứ chất lỏng màu đen làm cháy cổ họng. Tuy nhiên hẳn Delamarche và Robinson rất thích thứ đó, vì bọn họ liên tục giơ cốc lên để chúc tụng đủ kiểu, chạm cốc vào nhau và giữ chúng chạm vào nhau như vậy một lúc trong không khí. Những công nhân ngồi ở các bàn bên cạnh mặc những chiếc áo bờ lu dây đầy vết vôi và uống cùng thứ nước màu đen ấy. Xe ô tô chạy qua làm tung lên bàn những đám mây bụi. Người ta chuyền tay nhau những tờ báo khổ rất lớn, hào hứng bàn tán về cuộc đình công của công nhân xây dựng, tên của Mack nhiều lần xuất hiện, Karl tìm hiểu về chủ đề này và biết được rằng Mack là bố của người mà anh quen biết và là chủ thầu xây dựng lớn nhất của New York. Cuộc đình công làm ông ta thiệt hại hàng triệu và có lẽ còn đe dọa làm ông ta phá sản. Karl chẳng tin lấy một lời trong những lời lẽ ba hoa của những con người xấu tính và ít thông tin kia.

Vả lại trong tâm trí Karl bữa ăn càng đáng chán vì vấn đề là phải biết xem ai sẽ trả tiền. Chắc hẳn sẽ là bình thường và công bằng nhất khi ai trả phần người nấy, nhưng Delamarche cũng như Robinson đều vừa bảo rằng đêm vừa rồi ở quán trọ đã làm bọn họ tiêu tốn đến những đồng cuối cùng. Trên người bọn họ không thấy có đồng hồ, nhẫn, chẳng có gì đem bán được. Thế nhưng Karl không thể chỉ ra rằng bọn họ đã kiếm chác được khi bán quần áo của anh. Làm vậy có lẽ sẽ xúc phạm bọn họ và dẫn đến tuyệt giao với bọn họ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cả Robinson lẫn Delamarche đều không có chút gì lo lắng đến việc trả tiền; thậm chí bọn họ còn rất cao hứng, tìm cách nói chuyện càng nhiều càng tốt với cô hầu, cô ta đi đi lại lại với bước chân kiêu hãnh và nặng nề giữa những cái bàn. Tóc cô ta hơi trễ nải trên trán và hai bên mai, và chốc chốc cô ta lại lấy tay vuốt tóc về phía sau. Rốt cuộc, vào lúc họ trông chờ một lời nói thân thiện, cô ta tiến về phía cái bàn, hai nắm tay chống xuống mặt bàn và hỏi: “Ai trả tiền đây?” Chưa từng bao giờ có những bàn tay nào chuyển động nhanh như tay của Robinson và tay người Pháp để chỉ vào Karl. Karl không nhảy dựng lên vì thế, vì anh đã tiên liệu điều này và không thấy có gì xấu khi các bạn của mình, từ họ anh cũng chờ đợi những món lợi, bắt anh phải trả vài thứ nhỏ nhặt, mặc dù anh thấy sẽ là tốt hơn nếu giải quyết rõ ràng vấn đề trước khi tới thời điểm không thể tránh né. Điều phiền nhiễu duy nhất là anh buộc phải lấy tiền từ cái túi bí mật. Thoạt đầu anh đã có ý giữ riêng một phần phòng trường hợp tối cần thiết và nhờ thế mà tạm thời ngang bằng được với các bạn của mình. Lợi thế anh có được đối với họ nhờ số tiền này và nhất là nhờ việc anh không nói gì về sự tồn tại của nó cũng chẳng có gì là quá để bù trừ cho những năm dài họ sống ở Mỹ, kinh nghiệm của họ, việc họ chẳng hề hay biết đến một hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Kế hoạch ban đầu của Karl về món tiền chắc hẳn không nhất thiết bị tiêu tùng bởi việc thanh toán tiền ăn, bởi vì anh có thể bỏ ra hai mươi lăm xu; nếu thế anh chỉ cần đặt món tiền lên bàn rồi tuyên bố anh chỉ có ngần ấy thôi và anh sẵn sàng hy sinh nó cho lợi ích chung, chuyến đi Butterford. Nếu họ đi bộ, số tiền này là quá đủ. Nhưng anh không biết mình có đủ tiền lẻ hay không và, thêm nữa, món tiền lẻ này nằm cùng với cục tiền giấy ở một góc nào đó tận sâu trong cái túi bí mật, chẳng thể nào tìm một cái gì đó nếu không đặt tất cả lên mặt bàn. Ngoài ra, không gì vô ích hơn là để các bạn anh biết được bất kỳ điều gì về cái túi bí mật này. Thật may là các bạn anh tỏ ra quan tâm đến cô hầu nhiều hơn là quan tâm đến cách thức Karl rút tiền ra. Delamarche, vừa bảo cô ta tính tiền vừa kéo cô ta vào giữa mình và Robinson, và cô ta chỉ có thể chống trả cuộc tấn công của bọn họ bằng cách đặt tay lên mặt bọn họ nhằm đẩy bọn họ ra xa. Trong lúc đó, Karl, mặt đỏ tía lên vì vội vã, đặt vào một bàn tay để dưới gầm bàn số tiền mà anh dùng bàn tay còn lại khua khoắng trong cái túi bí mật, rút ra từng xu một. Khi rốt cuộc anh nghĩ - mặc dù không mấy quen thuộc với tiền xu Mỹ - dựa theo số xu đã lấy được, là đã đủ, anh đặt món tiền này lên mặt bàn. Tiếng lạch cạch của tiền cắt đứt ngay lập tức mấy trò đùa nhảm. Trước nỗi ngao ngán của Karl và niềm ngạc nhiên của tất cả, ở đó có đến gần một đô la. Thật ra thì chẳng ai hỏi lý do khiến Karl còn chưa nói gì đến món tiền này, nó đủ để mua vé tàu hỏa cho tất cả đi đến Butterford, nhưng Karl thấy hết sức bối rối. Trả tiền xong cho bữa ăn, anh chậm rãi thu tiền về, Karl nhặt lấy từ tay anh một đồng xu để thêm vào món tiền boa cho cô hầu rồi hắn hôn cô ta, siết chặt cô ta vào ngực trước khi đưa tiền cho cô ta, đồng tiền mà hắn giơ ra bằng bàn tay còn rỗi.

Karl cảm thấy biết ơn vì bọn họ đã không đả động đến chuyện món tiền khi đã đi tiếp và thậm chí trong một lúc anh còn nghĩ đến việc thú nhận với bọn họ toàn bộ tài sản của anh, nhưng vì không có cơ hội nào nên anh từ bỏ ý định. Đến tối thì họ tới một vùng đất có nhiều hoạt động nông nghiệp hơn và màu mỡ hơn. Quanh đó họ nhìn thấy những cánh đồng, tất cả đều được chăm sóc và phủ màu xanh lục mới mẻ lên những uốn lượn mềm mại của mặt đất; những biệt thự giàu có nằm hai bên đường và suốt nhiều tiếng đồng hồ họ đi dọc theo những hàng rào sắt mạ vàng và những khu vườn; họ đi qua nhiều lần một con sông chầm chậm chảy và thường nghe thấy tiếng những đoàn tàu hỏa phía trên họ, băng qua những cây cầu cạn rất cao.

Đúng lúc mặt trời lặn dần đằng sau đường vạch thẳng tạo ra bởi những khu rừng xa xa thì họ gieo mình lên cỏ, trên một khoảng đất nhô lên, giữa một đám cây, để nghỉ ngơi cho đỡ mệt. Delamarche và Robinson nằm đó, duỗi người thoải mái hết cỡ, còn Karl thì ngồi nhìn con đường phía dưới nơi những chiếc ô tô, như trong suốt cả ngày, tiếp tục diễu qua theo một nhịp điệu nhè nhẹ, như thể một chân trời đã thả chúng ra theo một số lượng chính xác rồi chân trời đối diện đợi chúng để đón nhận theo đúng số lượng ấy. Suốt cả ngày, từ khi trời sáng, Karl chưa hề nhìn thấy dù chỉ một chiếc xe ô tô dừng lại hay thả xuống dù chỉ một hành khách.

Robinson đề nghị qua đêm ở đây, nói rằng tất cả họ đều đã thấm mệt, sáng sớm mai hãy lên đường, và rằng họ sẽ chẳng thể nào tìm được một khách sạn rẻ hơn mà lại ở vị trí đẹp hơn trước khi trời tối. Delamarche có cùng ý kiến, chỉ Karl nghĩ mình có nghĩa vụ phải nêu lên nhận xét rằng anh có đủ tiền để thuê khách sạn cho mọi người. Delamarche tuyên bố số tiền này sẽ hữu ích cho họ sau này và việc cần làm là giữ nó cho thật cẩn thận. Hắn chẳng hề che giấu rằng bọn họ đã trông chờ vào món tiền ấy. Vì lời đề nghị đầu tiên của hắn đã được chấp nhận, Robinson giải thích thêm rằng tất cả phải ăn uống no nê trước khi ngủ, để lấy sức, và một người trong số họ phải đi kiếm đồ ăn ở “Khách sạn phương Tây”, mà họ nhìn thấy bảng hiệu lấp lánh gần con đường. Vì Karl trẻ nhất và không ai khác tự nhận việc này, anh không ngần ngại đề nghị để mình làm rồi đi đến khách sạn sau khi đã nhận lời yêu cầu: thịt mỡ, bánh mì và bia.

Chắc gần đây phải có một thành phố lớn, vì căn phòng đầu tiên mà Karl bước vào tại khách sạn đông đặc một đám người ồn ào, và ở chỗ quầy tự phục vụ, chạy suốt chiều dài căn phòng, cộng thêm hai cạnh bên, cả đống bồi bàn đeo tạp dề trắng chạy đi chạy lại không ngớt, thế mà vẫn chẳng đáp ứng nổi sự sốt ruột của các thực khách cứ không ngừng chửi rủa khắp nơi, lại kèm thêm những nắm đấm nện lên mặt bàn nữa. Không ai buồn để ý đến Karl; trong bản thân căn phòng không có bồi bàn, thế nên các thực khách, ngồi quanh những chiếc bàn hẹp mà chỉ cần ba người là đã đủ che khuất, phải tự đi lấy đồ ở chỗ quầy. Trên mỗi cái bàn nhỏ có một chai lớn đựng dầu, giấm hoặc một thứ gì tương tự, được người ta dùng để nêm vào món ăn. Để đến được chỗ quầy nơi khởi đầu những khó khăn đích thực, nhất là khi đang đông khách như thế này, Karl buộc phải luồn lách qua những cái bàn, việc này, dù cho anh có cẩn trọng đến đâu, không sao mà làm nổi nếu không xô đẩy một cách thô thiển các thực khách, nhưng những người này để anh đi qua mà không phản đối, ngay cả khi Karl - bản thân anh bị một người khác đẩy - suýt làm lật nhào một cái bàn. Anh xin lỗi, nhưng người ta không hiểu anh và anh cũng chẳng hiểu lấy một lời trong những gì người ta hét lên với anh.

Ở quầy, rốt cuộc anh cũng khó nhọc tìm được một chỗ nhỏ còn trống, ở đó cái nhìn của anh bị che khuất rất lâu bởi cùi chỏ của những người bên cạnh. Vả lại, dường như ở đây tập quán là đặt cùi chỏ lên mặt bàn và dùng hai nắm đấm ôm lấy đầu; Karl không thể ngăn mình nghĩ đến ông thầy dạy tiếng Latinh, tiến sĩ Krumpal, ông ta rất ghét tư thế này và luôn luôn ngấm ngầm lén chui vào các hàng ghế để lôi ra khuỷu tay của những ai lỡ quên mất, rồi tặng cho một cú vụt thước kẻ kinh hồn.

Karl ép chặt người vào quầy, vì người ta vừa kê một cái bàn đằng sau anh và vành chiếc mũ lớn của một trong những thực khách ngồi ở đó khẽ chạm vào lưng anh, ông ta cứ ngật đầu ra sau trong lúc nói. Và thế nhưng có thật ít hy vọng được phục vụ, ngay cả khi hai cái ông bặm trợn bên cạnh đã đi khỏi. Nhiều lần anh đã nhoài người qua quầy để túm lấy tạp dề của một người bồi bàn, nhưng anh ta luôn luôn vùng thoát ra được với vẻ tức tối. Chẳng thể nào túm được ai, vì tất cả bọn họ cứ chạy tán loạn hết cả lên. Giá như ở gần Karl chỉ cần có thứ gì đó thích hợp để ăn và uống thì hẳn anh đã cướp luôn lấy, hỏi giá, đặt tiền xuống mặt quầy rồi vui vẻ đi khỏi. Nhưng trước mặt anh lại chỉ có các loại cá trích vảy đen ở viền có màu vàng. Chắc chúng phải đắt lắm và sẽ chẳng thỏa mãn nổi cơn đói của bất kỳ ai. Cũng có thể vớ lấy những chai rhum nhỏ, nhưng anh không muốn mang chúng về cho các bạn của mình; dẫu sao thì dường như bọn họ chỉ thích những loại rượu mạnh nhất và anh không muốn khuyến khích sở thích này.

Thế nên Karl không còn lựa chọn nào khác ngoài tìm một chỗ khác và bắt đầu lại từ đầu. Nhưng đã tốn mất rất nhiều thời gian rồi. Ở cuối phòng, cái đồng hồ treo tường mà ta vẫn có thể, nếu căng mắt ra, nhìn được kim giờ xuyên qua làn khói, chỉ hơn chín giờ, và ở những chỗ khác quanh quầy sức ép còn lớn hơn so với chỗ này, vốn dĩ nằm hơi cách biệt một chút. Thêm nữa, căn phòng mỗi lúc một thêm đông, theo đà tiến của giờ giấc. Những thực khách mới không ngừng bước vào với những tiếng ồn ào thật dữ dội ở cửa chính. Tại nhiều chỗ người ta dỡ luôn quầy ra rồi ngồi lên trên mà nâng cốc chúc mừng sức khỏe nhau; đó là những chỗ tốt nhất, từ đó có thể nhìn bao quát toàn bộ căn phòng.

Karl tiếp tục ép mình nhoài về phía trước, nhưng anh đã từ bỏ hy vọng kiếm được thứ gì đó. Anh tự trách mình đã xung phong làm việc này trong khi anh chẳng hề hay biết tập quán của nơi đây. Các bạn anh sẽ có lý do đúng đắn để mắng anh và sẽ nghĩ anh chẳng mang gì về là để khỏi tiêu phạm vào món tiền. Giờ đây anh đang ở một góc nơi tại mọi cái bàn người ta ăn những món thịt nóng với những miếng khoai tây vàng đẹp mắt; anh không tài nào hiểu nổi làm sao mà những người kia lại lấy được món.

Đúng lúc đó anh nhìn thấy, cách mình vài bước chân, một phụ nữ đứng tuổi, chắc hẳn là nhân viên ở đây, bà đang cười với một ông khách. Vừa nói chuyện bà vừa không ngừng hí húi chỉnh tóc bằng một cái cặp ghim. Ngay lập tức Karl quyết định gọi món với người đàn bà này, một phần vì đó là phụ nữ duy nhất trong phòng, với anh bà là ngoại lệ giữa sự chộn rộn và ồn ã chung, phần nữa vì một lý do đơn giản hơn nhiều, bà là nhân viên duy nhất của khách sạn mà anh có thể nói chuyện, lẽ dĩ nhiên là phải giả sử bà không biến mất ngay khi anh cất tiếng. Hóa ra chuyện hoàn toàn ngược lại. Karl còn chưa kịp nói gì với bà, mới chỉ đưa mắt dò xét bà một lúc thì bà đã chĩa ánh mắt vào anh, nhìn xéo anh như vẫn thường vậy giữa một cuộc nói chuyện dang dở và cắt ngang nó để thân thiện hỏi anh có đang cần gì không, bằng một thứ tiếng Anh rõ ràng như một câu ví dụ trong sách văn phạm.

“Tất nhiên rồi,” Karl đáp, “nhưng tôi chẳng được phục vụ gì cả.”

“Thế thì đến đây với tôi đi, cậu bé,” bà nói và từ biệt người đang nói chuyện với mình, ông ta nhấc mũ chào, ở nơi đây hành động này thể hiện một sự lịch thiệp khó tin. Bà cầm lấy tay Karl, đi đến chỗ quầy tự phục vụ, đẩy một thực khách ra, mở một cánh cửa quầy, đi qua khoảng không gian chạy dọc quầy - phải chú ý đến các bồi bàn vì họ không ngừng chạy đi chạy lại rồi rốt cuộc vén một tấm rèm rất dày: họ đang ở trong một văn phòng lớn mát mẻ. “Mình phải học cách thức này thôi,” Karl tự nhủ.

“Nào, giờ thì cậu muốn gì?” bà hỏi, vui vẻ nghiêng người về phía anh. Bà rất béo, ngực phập phồng, nhưng khuôn mặt - xét đến mọi tỉ lệ - có cái gì đó gần như duyên dáng. Nhìn mọi thứ đồ ăn được đặt cẩn thận trên các giá và bàn, Karl cảm thấy cám dỗ được gọi những món thật ngon lành, cám dỗ ấy lại càng mạnh hơn vì anh có thể trông chờ được giảm giá một chút từ người đàn bà quyền lực này; nhưng cuối cùng, vì không tìm được gì thích hợp, anh đành yêu cầu thịt mỡ, bánh mì và bia.

“Không thêm gì nữa à?” người đàn bà hỏi.

“Không, cám ơn,” Karl đáp, “nhưng là cho ba người nhé.”

Vì người đàn bà hỏi về hai người còn lại, Karl nói vài lời về các bạn của anh; anh cảm thấy vui sướng nhất định khi thấy mình được hỏi han một chút.

“Nhưng đây là thực đơn cho tù nhân mà!” Người đàn bà nói, rõ ràng đang chờ đợi được yêu cầu thêm. Karl bắt đầu ngờ là bà không muốn nhận tiền, thế nên anh im lặng. “Tôi cho người gói đồ luôn nhé,” người đàn bà nói. Bà tiến ngay về phía một cái bàn với vẻ nhanh nhẹn đáng kinh ngạc đối với một người to béo như thế, dùng một con dao dài và mảnh trông giống dao rọc giấy cắt lấy một mẩu thịt mỡ lớn trông rất ngon, nhấc lấy một ổ bánh mì từ một cái giá, nhặt từ dưới đất ba chai bia và đặt tất cả vào trong một cái giỏ nhẹ rồi chìa cho Karl. Trong lúc ấy bà cũng giải thích rằng bà đưa anh vào đây là bởi vì những thứ hàng trên quầy lúc nào cũng bị phơi ra trước khói và mọi thứ mùi trong phòng, mặc dù chúng được tiêu thụ mau chóng. Vả lại như thế đã là đủ ngon đối với những người ở đó rồi. Lúc này, Karl hoàn toàn im lặng, không biết tại sao mình lại được đối xử đặc biệt như vậy. Anh nghĩ các bạn mình hẳn chẳng thể nào đến được căn phòng này, dẫu cho họ có nhiều kinh nghiệm về nước Mỹ đến đâu, và chắc họ sẽ phải hài lòng với những thứ đồ ôi ngoài quầy. Trong phòng không nghe thấy tiếng ồn ào; chắc các bức tường phải dày lắm để giữ được sự mát mẻ này dưới những vòm trần kia. Mặc dù đã cầm cái giỏ được một lúc, Karl vẫn chưa nghĩ đến chuyện trả tiền và cứ đứng đần ra đó. Mãi đến lúc người đàn bà muốn đưa thêm một cái chai giống với đám chai trong phòng thì anh mới hoảng hốt nói cảm ơn.

“Cậu sẽ còn phải đi bộ lâu phải không?” bà hỏi.

“Đến Butterford,” Karl đáp.

“Thế thì còn xa đấy,” người đàn bà nói.

“Phải mất một hôm nữa,” Karl nói.

“Không hơn à?” người đàn bà hỏi.

“À, không,” Karl đáp.

Người đàn bà sắp xếp lại mấy thứ trên bàn; một bồi bàn bước vào và đưa mắt nhìn quanh; người đàn bà chỉ cho anh ta một cái khay lớn chất đầy cá xác đin tẩm rau thơm, anh ta cầm lấy nó, đặt lên cánh tay rồi mang sang bên phòng.

“Thế tại sao cậu lại muốn ngủ đêm ngoài trời?” người đàn bà hỏi. “Ở đây chúng tôi còn chỗ, đến khách sạn ngủ đi.”

Điều này càng hấp dẫn Karl hơn bởi vì đêm hôm trước anh đã ngủ rất tệ.

“Đồ đạc của tôi đang ở ngoài kia,” anh ngập ngừng nói, không phải là không kèm chút kiêu hãnh.

“Cậu chỉ việc mang chúng đến đây thôi,” người đàn bà nói, “đó đâu phải là một trở ngại.”

“Nhưng còn các bạn tôi nữa!” Karl nói, khi ấy mới nhận ra đây chính là trở ngại đích thực.

“Thì dẫn họ đến đây,” người đàn bà nói. “Đừng để tôi phải cầu xin như thế chứ.”

“Bạn tôi là những người trung hậu,” Karl nói. “Chỉ có điều họ không sạch sẽ lắm.”

“Thế cậu chưa thấy bên phòng ăn bẩn thế nào à?” người đàn bà nhăn mặt hỏi. “Nói thật, chúng tôi nhận đủ hạng người vào đây. Tôi sẽ cho chuẩn bị ba cái giường ngay đây. Sẽ chỉ là ở trên tầng áp mái thôi nhé, vì khách sạn hết chỗ rồi, đến tôi cũng phải lên tầng áp mái đấy, nhưng vậy thì vẫn hơn ở bên ngoài.”

“Tôi không thể đưa các bạn tôi đến đây,” Karl nói. Anh hình dung sự náo loạn mà hai người bạn đường của mình sẽ gây ra trong các hành lang của cái khách sạn rất tử tế này; anh đã trông thấy Robinson vấy bẩn mọi thứ gì hắn chạm vào và Delamarche nhất định là sẽ quấn lấy người đàn bà này.

“Tôi không thấy tại sao lại không thể,” người đàn bà nói, “nhưng nếu không muốn thì cậu chỉ việc để các bạn lại đó rồi đến đây một mình.”

“Điều đó thì không thể được,” Karl nói, “đó là các bạn tôi, tôi phải ở với họ.”

“Sao mà cậu bướng bỉnh thế!” người đàn bà nói, quay mặt đi chỗ khác; người ta muốn điều tốt cho cậu, người ta tìm cách phục vụ cậu, thế mà cậu cứ dùng hết sức để cưỡng lại.” Karl nhận ra tất tật những thứ đó nhưng, vì không tìm được lối thoát, rốt cuộc anh đành nói: “Hết sức cám ơn bà vì đã tốt bụng như vậy.” Rồi anh nhớ ra mình còn chưa trả tiền và hỏi mình phải đưa bao nhiêu.

“Cậu sẽ trả tiền tôi khi nào mang trả cái giỏ,” người đàn bà nói. “Muộn nhất thì sáng mai tôi phải có nó.”

“Được rồi,” Karl đáp. Bà mở một cánh cửa dẫn thẳng ra đường và nói với anh, trong khi anh cúi người chào trước khi đi khỏi: “Chào nhé, nhưng cậu nhầm rồi.” Anh đi được vài bước thì bà gọi với theo: “Tạm biệt, sáng mai nhé.”

Vừa ra đến bên ngoài anh đã lại nghe thấy tiếng ồn ã của phòng ăn, lúc này đã có thêm một dàn kèn đồng. Anh sung sướng vì đã không phải đi ra qua ngả đó. Năm tầng khách sạn đều bật đèn, chiếu sáng ra cả phố. Ta vẫn thấy chạy qua, mặc dù theo một nhịp điệu kém đều đặn hơn, những chiếc xe ô tô từ chân trời đi tới, nhanh hơn so với vào ban ngày; chúng dùng những luồng sáng trắng và dài của đèn pha dò dẫm đường đi, những luồng sáng ấy mờ đi vào lúc chúng tiến vào khu vực sáng rực trước khách sạn, rồi bừng lên trở lại trong bóng tối sau đó.

Karl tìm thấy các bạn đang say sưa ngủ, anh đã ở lại đằng kia quá lâu. Anh chuẩn bị bày ra trên giấy, theo một cách thức ngon lành, những thứ đồ ăn đựng trong giỏ, tự nghĩ sẽ chỉ đánh thức các bạn chừng nào mọi thứ đã sẵn sàng, thì anh hoảng hốt nhận ra cái hòm anh đã để lại đây, đóng chặt và chìa khóa ở trong túi anh, đang mở toang trước mặt anh và một nửa những thứ trong đó vương vãi xung quanh, trên bãi cỏ.

“Dậy ngay,” anh hét lên. “Trong khi các anh ngủ đã có kẻ trộm.”

“Có thiếu mất thứ gì không?” Delamarche hỏi. Về phần Robinson, hắn chộp ngay lấy bia mặc dù vẫn còn ngái ngủ.

“Tôi không biết,” Karl kêu lên, “nhưng cái hòm bị mở. Các anh thật thiếu thận trọng vì đã nằm ngủ như thế, không chịu trông cái hòm.”

Delamarche và Robinson phá lên cười, rồi Delamarche nói với anh: “Thế thì đừng có ở lại đó lâu thế chứ. Khách sạn ở cách đây có mười bước chân, thế mà anh mất ba tiếng cả đi lẫn về. Chúng tôi đói, chúng tôi cứ nghĩ có thể trong hòm anh có gì đó để ăn và chúng tôi đã nghịch ổ khóa cho đến lúc nó bật ra. Vả lại, trong đó đâu có gì nên anh chỉ việc cho lại các thứ vào thôi.”

“Thế à,” Karl nói và tròn mắt nhìn cái giỏ đang nhanh chóng vơi đi, anh nghe tiếng òng ọc kỳ lạ mà Robinson gây ra trong lúc uống, bởi vì thứ chất lỏng này, sau khi trôi vào tận sâu trong cổ họng hắn, lại vọt trở ra với một tiếng rít để rồi sau đó ồn ào trôi xuống những vực thẳm cuối cùng.

“Các anh đã ăn xong rồi à?” anh hỏi vào lúc bọn họ ngừng lại để lấy hơi.

“Thế anh chưa ăn ở khách sạn à?” Delamarche hỏi, nghĩ rằng Karl đòi phần của mình.

“Nếu các anh còn muốn ăn nữa thì khẩn trương lên đi,” Karl nói, tiến lại chỗ cái hòm.

“Nghe như là anh ta đang cáu đấy…,” Delamarche nói với Robinson.

“Tôi không cáu,” Karl nói, “nhưng trong lúc tôi không ở đây, các anh đã làm bật tung nắp cái hòm của tôi, các anh ném mọi thứ vung vãi ra ngoài, thế mà các anh thấy là ổn thỏa à? Tôi biết rằng chỗ bạn bè với nhau ta phải chín bỏ làm mười nhiều chuyện, và tôi đã luôn sẵn sàng làm thế, nhưng quá lắm rồi. Tôi sẽ đến khách sạn ngủ đêm và tôi không đi Butterford nữa.”

“Thấy chưa hả, Robinson, người ta nói năng như vậy đấy,” Delamarche nói. “Những kẻ diêm dúa nói năng như vậy đấy. Đúng là một tay Đức. Anh đã bảo tôi phải đề phòng anh ta, nhưng tôi đúng là một thằng ngẫn, tôi lại còn dẫn anh ta theo nữa chứ. Chúng ta đã trao cho anh ta lòng tin, chúng ta đã đưa anh ta đi theo cùng suốt một ngày, vì thế mà chúng ta mất toi ít nhất nửa ngày, thế mà bây giờ, chẳng biết là vì kẻ nào, kẻ nào đã thu hút anh ta đến khách sạn, anh ta bỏ đi, anh ta bỏ rơi chúng ta một cách giản đơn, tạm biệt. Nhưng, vì là một tay người Đức gian manh, anh ta đã không làm chuyện ấy một cách công khai, mà anh ta còn đi viện cớ cái hòm và, vì là một tay người Đức xấu xa, anh ta chẳng chịu bỏ đi trước khi gây tổn thương cho danh dự của chúng ta, coi chúng ta là những thằng trộm chỉ vì một chuyện đùa nhỏ xíu.”

Karl, đang sắp xếp đồ đạc, trả lời mà không ngoái đầu lại: “Cứ tiếp tục nói thế đi, các anh đang làm tôi ra đi dễ hơn đấy. Tôi biết rất rõ trong tình bạn người ta phải làm gì, tôi có bạn bè bên châu Âu và chẳng ai trong số họ có thể trách tôi vì đã đê tiện hay thô thiển với họ. Giờ thì tất nhiên, chúng tôi không còn liên hệ với nhau nữa, nhưng nếu tôi quay về châu Âu, tất cả sẽ tiếp đón tôi đầy thân ái và sẽ công nhận tôi là bạn của họ. Theo các anh, Delamarche và Robinson ạ, tôi phản bội các anh trong khi các anh có lòng tốt - tôi sẽ không tìm cách phủ nhận - chăm lo cho tôi và khiến tôi hy vọng sẽ kiếm được một chân thợ học việc ở Butterford. Nhưng chuyện khác hẳn cơ. Các anh chẳng có gì hết, điều này thì hoàn toàn không làm giảm giá trị của các anh trong mắt tôi, nhưng các anh ghen tị với tôi vì số tài sản ít ỏi của tôi và các anh tìm cách làm nhục tôi: điều đó thì tôi không thể chịu nổi. Và giờ đây các anh làm bay nắp cái hòm của tôi, thay vì tìm một lời thanh minh, các anh lại tìm ra cách nguyền rủa tôi và chửi toàn bộ đất nước tôi: điều này hoàn toàn ngăn cản tôi ở lại với các anh. Thêm nữa, những gì tôi nói không nhằm đến anh, anh ấy, Robinson, tôi chẳng có gì để trách anh trừ việc anh là nô lệ của Delamarche.

“Rốt cuộc,” Delamarche nói, tiến về phía Karl và đẩy nhẹ anh một cái như thể muốn làm anh chú ý, “rốt cuộc thì anh đã bỏ rơi mặt nạ rồi. Cả ngày anh chạy theo tôi, nắm lấy vạt áo của tôi, làm theo từng hành động của tôi và không nói đến một lời; nhưng bây giờ khi cảm thấy đã có một chỗ trú trong khách sạn thì anh bắt đầu lên lớp. Anh là một thằng xỏ lá và tôi tự hỏi không biết chúng tôi có nên tiến hành mọi việc một cách nhã nhặn như thế này không hay phải đòi anh trả tiền cho tất cả những gì anh đã học được nhờ nhìn ngó chúng tôi suốt cả ngày. Anh thấy đấy, Robinson, anh ta tưởng chúng ta ghen tị với những gì mà anh ta có cơ đấy. Một ngày làm việc ở Butterford - ấy là chưa nói đến California - là chúng tôi có gấp mười lần những gì anh đã chìa cho chúng tôi xem cùng những gì anh còn đang giấu trong lần lót của áo vest. Bởi thế, nói năng cho cẩn thận đấy!”

Karl đã thả cái hòm ra để đứng dậy và nhìn Robinson bước đến, vẫn còn ngái ngủ nhưng đã được bia kích động lên một chút. “Nếu mình cứ nán lại đây,” anh tự nhủ, “có thể sẽ xảy đến những điều ngạc nhiên khác. Trông chúng có vẻ muốn nện mình đây.” 

“Kiên nhẫn đến mấy thì cũng có giới hạn thôi,” Robinson nói.

“Tốt hơn hết là anh đừng nói gì đi, Robinson ạ,” Karl đáp, không rời mắt khỏi Delamarche. “Trong thâm tâm anh biết là tôi có lý, nhưng anh phải tỏ ra là mình ủng hộ Delamarche mà thôi.”

“Anh định chơi trò chiêu hồi đấy à?” Delamarche hỏi.

“Tôi thèm vào,” Karl tuyên bố. “Tôi quá sung sướng được ra đi và tôi chẳng muốn gây chuyện với cả hai bọn anh. Tôi chỉ còn một điều cần nói với các anh thôi: các anh trách tôi vì có tiền và giấu các anh. Cứ cho là đúng thế đi, thì chẳng phải tôi nên hành động như vậy với những người mà tôi mới chỉ quen biết được vài tiếng đồng hồ à, và chẳng phải cách hành xử của các anh vào lúc này cho thấy tôi đã hoàn toàn đúng hay sao?”

“Đứng yên,” Delamarche nói với Robinson, tuy rằng hắn chẳng hề có một cử động nào.

Rồi hắn hỏi Karl: “Bởi vì anh dám thành thực đến mức vô liêm sỉ như thế này, anh hãy đẩy cho đến tận cùng sự thành thực ấy đi, khi mà chúng ta vẫn còn ở với nhau thân ái, hãy thú nhận tại sao anh lại muốn đến khách sạn.” Karl buộc phải lùi lại một bước đằng sau cái hòm khi Delamarche tiến lại về phía anh. Nhưng Delamarche chưa chịu ngừng, hắn đẩy cái hòm sang một bên, tiến thêm một bước, giẫm chân lên vạt một cái áo sơ mi trắng nằm trên cỏ, và nhắc lại câu hỏi.

Như để trả lời, từ phía đường bước tới một người đàn ông tay cầm cây đèn pin rọi ánh sáng rất mạnh; anh ta bước về phía nhóm người. Đó là một người bồi của khách sạn. Vừa trông thấy Karl anh ta nói ngay: “Tôi đi tìm anh được nửa tiếng rồi đấy, tôi đã xem xét mọi ta luy hai bên đường. Bà bếp trưởng chuyển lời cho anh là bà cần lấy lại gấp cái giỏ mà bà đã cho anh mượn.”

“Nó đây này,” Karl nói, vì cảm xúc mạnh quá giọng anh trở nên run run. Delamarche và Robinson bước tránh ra, làm ra vẻ hèn mọn, như bọn họ vẫn luôn vậy trước những người lạ mặt đáng kể. Người bồi cầm lấy cái giỏ và nói: “Bà bếp trưởng muốn hỏi anh đã suy nghĩ kỹ chưa và anh có muốn qua đêm ở khách sạn hay không; hai ông kia cũng sẽ được chào mừng nếu anh muốn dẫn họ theo. Giường đã được chuẩn bị. Tôi biết là ban đêm thời tiết ổn, nhưng ngủ trên bãi đất thế này cũng không phải là không nguy hiểm đâu; ở đây hay có rắn.”

“Vì bà bếp trưởng đã tốt bụng đến thế, tôi nhận lời mời của bà ấy,” Karl nói và đợi xem các bạn mình nói gì. Nhưng Robinson cứ đứng ngây ra đó, còn Delamarche, hai tay đút túi, ngắm trời sao. Chắc hẳn bọn họ đều hy vọng Karl sẽ tự nhiên mà dẫn bọn họ theo.

“Trong trường hợp ấy,” người bồi nói, “tôi có trách nhiệm đưa anh đến khách sạn và mang hộ đồ đạc cho anh.”

“Thế thì xin đợi tôi một lát,” Karl nói và cúi người xuống để nhét lại vào trong hòm vài thứ đồ còn đang vung vãi.

Nhưng đột nhiên, anh đứng thẳng dậy, thiếu mất bức ảnh. Anh đã đặt nó lên trên và giờ không tìm thấy nó ở đâu. Mọi thứ đều đầy đủ trừ bức ảnh.

“Tôi không tìm thấy bức ảnh,” anh bèn nói với Delamarche, ẩn ngầm trong câu nói là lời cầu xin.

“Ảnh nào?” hắn hỏi.

“Ảnh bố mẹ tôi,” Karl đáp.

“Chúng tôi đã không thấy nó,” Delamarche nói.

“Trong hòm không có ảnh đâu, thưa ông Roßmann,” Robinson cũng xác nhận.

“Nhưng không thể thế được,” Karl nói, ánh mắt anh như thể tìm kiếm sự giúp đỡ, khiến người bồi bước lại gần. “Nó được để ở trên này, và giờ đây nó đã biến mất. Lẽ ra các anh đừng có đùa nghịch với cái hòm này chứ.”

“Chẳng thể nào có nhầm lẫn đâu,” Delamarche nói, “trong hòm không có bức ảnh nào.”

“Với tôi nó có nhiều giá trị hơn mọi thứ còn lại,” Karl nói với người bồi đang quay đi tìm trong đám cỏ. “Tôi sẽ chẳng bao giờ tìm lại được bức ảnh khác giống thế.” Và khi người bồi đã ngừng những tìm kiếm vô vọng, anh nói thêm: “Đó là bức ảnh duy nhất mà tôi giữ được từ bố mẹ tôi.”

Người bồi bèn cao giọng tuyên bố, chẳng hề lúng túng chút nào: “Có lẽ chúng ta nên lục túi mấy ngài đây chăng?”

“Phải đấy,” Karl nói ngay, “vì tôi phải tìm lại bức ảnh đó. Nhưng trước khi tiến hành việc này, tôi tuyên bố lại rằng tôi sẽ cho người nào trả ngay cho tôi bức ảnh cái hòm này cùng tất cả những gì có ở bên trong.” Rồi, sau một hồi im lặng chung, anh lại nói với người bồi: “Thế này tức là các bạn tôi muốn bị lục soát rồi, nhưng ngay cả lúc này tôi vẫn hứa đưa cả cái hòm cho ai mà trong túi có bức ảnh. Tôi không thể làm được gì hơn thế nữa đâu.”

Người bồi ngay lập tức khám xét Delamarche, trông hắn có vẻ khó xử lý hơn Robinson: anh ta giao Robinson cho Karl đồng thời nêu nhận xét rằng cần phải khám xét cả hai cùng một lúc để ngăn không ai trong số bọn họ có thể ngấm ngầm làm bức ảnh biến mất. Vừa đút tay vào túi Robinson, Karl phát hiện ngay một cái cà vạt của anh, nhưng anh không cầm lấy nó và kêu lên với người bồi: “Tất cả những gì anh tìm thấy trên người Delamarche, xin anh cứ để yên lại đó. Tôi chỉ muốn bức ảnh, chỉ bức ảnh mà thôi.”

Trong lúc lục các túi trên của chiếc áo vest, tay Karl chạm vào bầu ngực nóng và nhờn của Robinson, trong đầu anh nảy ra ý nghĩ có lẽ mình đang phạm một điều bất công lớn đối với các bạn. Thế nên anh làm nhanh hết mức. Vả lại cũng chẳng có kết quả gì: cả trên người Robinson lẫn Delamarche đều không tìm được bức ảnh.

“Chẳng được gì cả,” người bồi nói.

“Thế thì chắc họ đã xé bức ảnh rồi ném các mảnh vụn đi rồi,” Karl nói. “Tôi cứ tưởng họ là bạn, nhưng hóa ra họ chỉ tìm cách ngấm ngầm làm hại tôi. Không phải Robinson: anh ta thì chẳng thể nghĩ được bức ảnh ấy có giá trị lớn đến thế đối với tôi, nhưng Delamarche thì có đủ sự tinh ranh cho cả đôi.” Karl chỉ nhìn thấy trước mặt mình người bồi với cây đèn đang tạo ra một quầng sáng tròn trên bãi cỏ, để mặc tất cả những gì còn lại, kể cả Robinson và Delamarche, trong bóng tối sâu thẳm.

Lẽ dĩ nhiên không còn có chuyện có thể đưa bọn họ đi cùng đến khách sạn nữa. Người bồi nhấc cái hòm đặt lên vai. Karl cầm cái giỏ trên tay và họ cùng đi. Họ đã ra đến đường thì, cắt ngang luồng suy nghĩ, Karl dừng lại và kêu vào bóng tối: “Nghe này, nếu một trong hai anh vẫn còn bức ảnh và mang trả cho tôi ở khách sạn, thì người đó vẫn sẽ được nhận cái hòm làm phần thưởng, và tôi thề là sẽ không làm gì hại đến anh ta.” Chẳng có câu trả lời nào, chỉ nghe thấy một mẩu lời nói, một tiếng gọi, chắc hẳn, mà Robinson vừa định cất lên nhưng Delamarche đã chặn lại ngay bằng cách bịt miệng hắn lại. Karl đợi thêm một lúc để xem bọn họ có chịu đổi ý không. Anh kêu lên hai lần, cách nhau một lúc lâu: “Tôi vẫn đang ở đây.” Nhưng không ai trả lời; chỉ có một lần một viên đá lao tới đập vào dốc đường: có thể là vì tình cờ hoặc, cũng có thể, vì ném trượt.


No comments:

Post a Comment