May 4, 2015

Amerika: Chương ba

Đầy đủ chương ba. Trong chương này, ta có thể thấy rõ Kafka không rành địa lý nước Mỹ: ông để cho nhân vật Green nói rằng San Francisco nằm ở bờ Đông thay vì bờ Tây như trong thực tế (những chi tiết kiểu thế này sẽ còn xuất hiện vài lần trong cuốn tiểu thuyết).


Chương ba: Một ngôi nhà nông thôn gần New York


“Chúng ta đến nơi rồi,” ông Pollunder nói đúng vào một trong những thời điểm Karl đang gà gật. Chiếc ô tô đỗ trước một ngôi nhà nông thôn, cũng giống như mọi ngôi nhà nông thôn của nhà giàu quanh New York, nó rộng hơn và cao hơn mức cần thiết đối với một ngôi nhà nông thôn cho một gia đình ở. Chỉ phần dưới đang sáng đèn, ta không thể biết ngôi nhà cao đến đâu. Những cây dẻ xào xạc phía trước, và giữa chúng - cổng đã mở - một lối đi ngắn dẫn tới các bậc thềm. Trong sự mệt mỏi mà Karl cảm thấy lúc bước xuống xe, anh nghĩ chuyến đi khá là dài. Từ bóng tối của lối đi dưới tán cây dẻ anh nghe thấy giọng nói một thiếu nữ vang lên gần anh: “Cuối cùng ông Jakob cũng đến đây rồi!”

“Tôi tên là Roßmann,” Karl đáp lại, nắm lấy bàn tay mà cô gái chìa ra cho anh, giờ đây anh đã nhìn thấy rõ hình dáng của cô.

“Đây chỉ là cháu của ông Jakob thôi,” ông Pollunder giải thích, “tên cậu ấy là Karl Roßmann.”

“Điều đó không làm thay đổi chút nào niềm vui của chúng ta được tiếp đón anh ấy ở đây,” cô gái trẻ nói, cô không để ý nhiều đến tên với họ.

Tuy nhiên Karl vẫn hỏi, trong lúc bước về phía ngôi nhà, đi giữa ông Pollunder và cô con gái: “Cô là cô Klara phải không?”

“Vâng,” cô nói, và một tia sáng từ các cửa sổ ngôi nhà đã rọi tới cho phép nhìn rõ khuôn mặt cô đang quay về phía anh, “nhưng tôi không muốn tự giới thiệu trong bóng tối như thế này đâu.”

“Vậy tại sao cô ấy lại đợi sẵn ở cổng nhỉ?” Karl nghĩ, đi bộ một lúc anh bắt đầu thấy tỉnh táo dần.

“Vả lại tối nay chúng tôi còn có một vị khách nữa,” Klara nói.

“Không thể nào,” ông Pollunder kêu lên, vẻ phật ý.

“Ông Green đấy,” Klara nói.

“Ông ấy đến khi nào?” Karl hỏi như thể bị khuấy động bởi một dự cảm.

“Mới một lúc thôi. Như vậy là anh đã không nghe thấy tiếng xe ông ấy đi ngay phía trước?”

Karl đưa mắt nhìn ông Pollunder xem ông ta phản ứng trước chuyện này như thế nào, nhưng ông Pollunder đã đút tay vào túi, ông chỉ làm độc một việc là nện chân xuống mạnh hơn mà thôi.

“Sống bên ngoài New York cũng chẳng ích gì, nếu mà quá gần; suốt ngày bị quấy rầy. Nhất định là chúng tôi sẽ phải chuyển đi xa hơn nữa, rồi để về nhà tôi sẽ phải mất nửa buổi tối đi trên đường.”

Họ dừng lại trước thềm nhà.

“Nhưng lâu lắm rồi ông Green chưa đến mà!” Klara nói, rõ ràng là cô đồng ý với bố, nhưng muốn trấn an ông.

“Tại sao ông ấy lại đến đúng hôm nay cơ chứ?” Pollunder nói, và những lời của ông giận dữ chạy qua làn môi dưới thật dày, chỗ thịt nặng và sệ này rất dễ rung động.

“Đúng thế!” Klara nói.

“Có lẽ ông ấy sẽ đi sớm thôi,” Karl nêu nhận xét, chính anh cũng thấy ngạc nhiên khi thấy mình đã kịp hòa hợp với những người này, mới hôm qua thôi với anh họ vẫn còn hoàn toàn xa lạ.

“Ôi không đâu,” Klara nói, “ông ấy có chuyện gì đó rất to tát tôi chẳng biết nữa muốn nói với bố tôi, và có khả năng sẽ kéo rất dài, bởi vì ông ấy đã nửa đùa nửa dọa là sẽ bắt tôi thức cả đêm nếu muốn nghe ông ấy nói đến cùng, để mà hoàn thành các nghĩa vụ chủ nhà.”

“Lại còn thế nữa! Ông ấy định qua đêm luôn chắc?” Pollunder kêu lên như thể đã chạm đến mức tột cùng của bất hạnh.

“Tôi thực sự rất muốn,” ông ta nói thêm (và ý tưởng mới mẻ này khiến giọng ông ta trở nên thân thiện hơn), “tôi thực sự muốn, thưa anh Roßmann, chở anh về nhà cậu của anh bây giờ luôn. Buổi tối của chúng ta thế là đã bị phá hỏng mất rồi, và ai biết được chừng nào cậu anh mới lại chịu trao anh cho chúng tôi nữa? Thế nhưng nếu tôi đưa anh về ngay tối nay, ông ấy sẽ không thể từ chối vào lần tới khi chúng tôi muốn mời anh.”

Ông ta nắm luôn lấy tay Karl để thực hiện dự định của mình. Nhưng Karl không nhúc nhích, và Klara đòi để anh lại, vì ít nhất cả cô lẫn Karl sẽ chẳng hề thấy phiền với sự có mặt của ông Green, và rồi rốt cuộc ông Pollunder cũng nhận ra rằng quyết định của ông chẳng hề vững chắc. Vả lại - và có lẽ đây là lập luận then chốt - đột nhiên họ nghe tiếng ông Green hét lên từ phía trên cầu thang: “Mọi người đâu cả rồi?”

“Đi thôi,” ông Pollunder nói và bước lên thềm. Karl và Klara đi theo ông. Giờ đây họ nhìn kỹ nhau trong ánh sáng.

“Cái cô Klara này có cặp môi đỏ quá!” Karl tự nhủ, nhớ đến cặp môi của ông Pollunder và ngưỡng mộ sự biến hóa của chúng nơi cô con gái.

“Ngay sau bữa tối,” cô nói, “chúng ta sẽ lên phòng tôi, nếu anh muốn, để ít ra cũng thoát được ông Green bởi vì bố tôi buộc phải chăm lo đến ông ấy. Và anh sẽ vui lòng chơi piano cho tôi nghe gì đó nhé, vì bố tôi đã nói anh chơi rất giỏi; còn tôi thì, hỡi ôi, tôi hoàn toàn thiếu khả năng và chẳng bao giờ động vào dẫu cho tôi rất mê âm nhạc.”

Karl nhất trí hoàn toàn với lời đề nghị của Klara tuy rằng anh những muốn lúc đó có cả ông Pollunder nữa. Nhưng nhìn thấy ông Green khổng lồ - Karl vừa mới quen được với vóc dáng của ông Pollunder - khi nhìn thấy cái khung người đang dần dà to lớn lên trước họ trong lúc họ đi lên các bậc cầu thang kia, mọi hy vọng có lúc nào giật được ông Pollunder khỏi người đàn ông này trong buổi tối rời bỏ Karl.

Ông Green tiếp đón họ thật vội vàng như thể ông ta đang có nhiều việc phải làm gấp, khoác lấy tay ông Pollunder và đẩy Karl cùng Klara đi trước ông ta vào phòng ăn, ở đó những bông hoa vươn lên từ lưng chừng đám lá tươi tạo ra một bầu không khí đặc biệt của tiệc tùng và càng làm tăng cảm giác hối tiếc vì sự hiện diện của ông khách không mời. Trong lúc Karl, đang đứng cạnh bàn đợi những người khác ngồi xuống, sung sướng vì cánh cửa gắn kính lớn dẫn ra vườn đang mở, từ đó thoảng đến một làn gió thơm hương, như thể đứng dưới một giàn hoa, thì bỗng ông Green, thở phì phò dữ dội, đóng ngay cánh cửa ấy lại, cúi tận xuống những cái chốt phía dưới, vươn hẳn lên những chốt phía trên, và theo một cách thức mau chóng kiểu trẻ con đến mức khi người hầu chạy bổ tới nơi thì chẳng còn gì để làm nữa. Những lời đầu tiên của ông Green tại bàn là để bày tỏ nỗi kinh ngạc vì Karl được ông cậu cho phép đến đây. Ông ta không ngừng đưa lên miệng những thìa xúp đầy, vừa làm thế vừa giải thích sang phải cho Klara, sang trái cho ông Pollunder, tại sao ông ta lại thấy kinh ngạc như vậy, và ông cậu chăm lo cho Karl đến mức nào, và tình yêu của ông cậu ấy dành cho Karl lớn tới mức thật khó mà gọi nó đơn giản là tình trìu mến của những ông cậu thông thường.

“Không vừa lòng với việc mò đến đây phá rối, ông ta lại còn lẻn vào giữa cậu mình và mình nữa,” Karl nghĩ, và anh chẳng còn có thể nuốt nổi dẫu chỉ một miếng thứ xúp màu vàng kia. Nhưng, vì không muốn để lộ là mình đang bực bội đến mức nào, anh bắt đầu nín lặng ăn xúp. Bữa ăn chầm chầm trôi đi như một khổ hình. Chỉ ông Green và một phần nào đó Klara còn tỏ ra có chút sinh khí và đôi khi tìm được cơ hội để cười rộn lên chốc lát. Ông Pollunder hiếm khi lắm mới nói xen vào, những lúc ông Green hướng sang chuyện làm ăn. Nhưng ông ta nhanh chóng ngừng nói, cứ chốc chốc ông Green lại phải bất chợt lôi ông ta trở lại với chủ đề. Vả lại ông ta nhấn mạnh (và chính vào lúc ấy Klara phải nhắc Karl - anh lắng nghe như thể một mối nguy đang đến gần - rằng món rô ti đã ở trong đĩa của anh và bản thân anh thì đang ngồi bên bàn) rằng lúc đầu ông ta không có ý thực hiện chuyến thăm bất ngờ này. Vì, mặc dù việc mà ông ta vẫn phải nói đây đặc biệt gấp gáp, về cơ bản vẫn có thể nói chuyện lúc ban ngày ở New York, còn phần râu ria có thể chuyển sang hôm sau hoặc sau nữa. Thậm chí ông ta đã đến chỗ ông Pollunder trước giờ đóng cửa rất lâu, nhưng không gặp được, thế nên ông ta buộc phải gọi điện về nhà báo tối nay mình không về rồi lên đường.

“Thế thì tôi phải xin ông thứ lỗi,” Karl nói khá to và trước khi ai đó kịp trả lời, tiếp tục, “vì là do lỗi của tôi nên hôm nay ông Pollunder phải rời chỗ làm sớm hơn thường lệ và tôi rất lấy làm tiếc vì điều đó.”

Ông Pollunder lấy khăn ăn che đi một phần lớn khuôn mặt mình, trong khi Klara mỉm cười với Karl, nhưng không phải vì lòng thông cảm, mà như để gây ảnh hưởng lên anh theo một cách nào đó.

“Không cần phải xin lỗi,” ông Green nói, ông ta đang dùng dao loay hoay xẻ thịt một con bồ câu, “ngược lại thì có, tôi rất vui vì có được buổi tối bên những người hay ho như thế này thay vì phải ăn một mình, ở nhà tôi được bà quản gia phục vụ, mà bà ấy thì già lắm rồi, đến nỗi chỉ đi từ cửa đến bàn thôi cũng đã khó nhọc, tôi tha hồ mà ngồi dựa ghế nếu muốn quan sát bà ấy đi tới. Gần đây tôi đã thu xếp để anh hầu mang các món đến cửa, nhưng từ cửa đến bàn thì, nếu tôi hiểu đúng, chỉ thuộc quyền bà người hầu già cả của tôi mà thôi.”

“Trời ơi,” Klara kêu lên, “sao lại trung thành đến thế!”

“Đúng, trên đời vẫn còn có lòng trung thành đấy,” ông Green nói, ông đưa một miếng lên miệng, tại đó cái lưỡi, như Karl tình cờ nhìn thấy, vụt thò ra đớp lấy thức ăn. Anh thấy gần như phát ốm và đứng dậy. Gần như ngay tắp lự, ông Pollunder và Klara giữ hai tay anh lại.

“Phải ngồi chứ,” Klara nói. Và, khi anh đã ngồi xuống, cô thì thầm: “Ta sắp trốn đi cùng nhau được rồi. Đợi chút đi.”

Ông Green, trong suốt lúc ấy, thong thả ăn như thể nghĩa vụ tự nhiên của ông Pollunder và Klara là trấn an Karl, còn ông ta thì làm anh thấy khó ở.

Điều khiến cho bữa ăn cứ thế kéo dài là sự tỉ mẩn của Green đối với mỗi món, mặc dù lúc nào ông ta cũng sẵn sàng nhận món tiếp theo không hề mệt mỏi; thực sự ông ta có vẻ muốn nghỉ ngơi xả hơi khỏi bà quản gia già. Thỉnh thoảng ông ta khen ngợi tài quán xuyến nội trợ của cô Klara, điều này rõ ràng khiến cô rất vui, trong khi Karl thì tìm cách phản đối ông ta như thể cô đang bị tấn công. Nhưng ông Green không chỉ quan tâm đến cô, chốc chốc ông ta lại phàn nàn, mà không rời mắt khỏi đĩa của mình, rằng Karl rành rành là ăn quá ít. Ông Pollunder bảo vệ việc ăn uống của Karl, tuy nhiên với tư cách chủ nhà ông vẫn phải thúc Karl ăn thêm. Thành thử suốt bữa ăn Karl cảm thấy bị ép buộc, anh bực mình đến nỗi dẫu không muốn vẫn coi những lời của ông Pollunder là thiếu thiện cảm. Chính trạng thái này khiến anh ăn nhồm nhoàm vào những lúc ít thích hợp hơn cả rồi sau đó mệt mỏi buông dao dĩa xuống, ngồi ì ra đến nỗi anh hầu phụ trách việc đưa món thường chẳng biết phải làm thế nào.

“Ngày mai tôi sẽ kể cho ông Nghị sĩ là anh đã xúc phạm cô Klara vì không chịu ăn bữa tối của cô ấy,” ông Green nói, chỉ có thể căn cứ vào cách ông ta rung rung dao dĩa để thấy là ông ta đang nói đùa.

“Anh có thấy cô gái này buồn đến thế nào không,” ông ta nói tiếp, đưa tay nâng cằm Klara lên. Cô để mặc ông ta làm vậy và nhắm mắt lại.

“Ôi cô bé!” ông ta kêu lên, đổ vật người ra sau trên ghế, cười đến nỗi mặt tím lại, với sức mạnh của một người đã no nê. Cách nào Karl cũng không sao hiểu nổi thái độ của ông Pollunder. Ông ta ngồi trước cái đĩa của mình, nhìn chăm chăm vào đó, như thể những gì chính yếu nằm cả ở đáy đĩa. Ông ta không kéo ghế Karl lại gần và, những lúc ông ta lên tiếng, thì là để nói với mọi người, chứ không có gì để nói riêng với Karl. Thế nhưng ông ta để mặc cho Green, lão già New York tinh quái sống độc thân ấy, tha hồ sàm sỡ Klara, sỉ nhục Karl, khách mời của ông ta, hay ít nhất là đối xử với anh như một đứa trẻ ranh, và ai biết được ông ta sẽ còn táo tợn đến thế nào nữa khi đã dồi dào sức lực.

Khi bữa ăn kết thúc - Green nhận ra bầu không khí chung, ông ta chính là người đầu tiên đứng dậy và bằng cách nào đó kéo theo những người khác - Karl đứng tách riêng một mình trước một trong những cửa sổ lớn nhìn ra hàng hiên, phân chia bằng những vạch trắng nhỏ, thực chất chúng là những cánh cửa, anh nhận ra khi tiến lại gần. Còn lại gì từ nỗi bực bội ban đầu của ông Pollunder và con gái đối với Green mà Karl từng không hiểu nổi? Giờ đây họ vây quanh Green và gật đầu nhất trí với ông ta. Khói từ điếu xì gà của ông Green, một món quà của ông Pollunder - với một độ dày mà ông bố của Karl đôi khi khẳng định là có tồn tại nhưng chắc chưa bao giờ được chứng kiến tận mắt - tỏa đi khắp phòng, mang ảnh hưởng của Green đi tới tận các góc và ngõ ngách mà bản thân ông ta chẳng hề đặt chân tới. Dẫu ở cách xa ông ta đến thế, Karl vẫn cảm thấy trong mũi mình nhồn nhột thứ khói kia, và thái độ của ông Green, mà anh vừa liếc nhìn, có vẻ thực sự đê tiện. Anh thấy không còn khó hiểu lắm tại sao cậu anh lại chần chừ mãi không cho phép anh đi, đó là vì ông biết sự yếu đuối của ông Pollunder, bởi vậy ông thấy trước khả năng Karl sẽ bị sỉ nhục, không phải một cách chi tiết thì cũng theo lối chung chung. Anh không thích cô gái Mỹ lắm, mặc dù trước đó anh cũng không trông chờ cô đẹp hơn thế. Kể từ khi ông Green quan tâm đến cô, anh ngạc nhiên vì khuôn mặt cô có thể đẹp như vậy, nhất là vẻ nồng nhiệt điên rồ trong ánh mắt cô. Anh còn chưa bao giờ trông thấy cái váy nào dính sát vào người như vậy; những li xếp nhỏ cho thấy độ căng của thứ vải vàng mịn và chắc này. Và thế nhưng Karl chẳng mấy để ý đến Klara, sẵn sàng từ chối lên phòng cô nếu thay vì vậy anh có thể mở được cánh cửa, giờ đây hai tay anh đã đặt lên nắm đấm của nó, rồi lên ô tô hoặc, nếu người tài xế đã ngủ, một mình đi bộ về New York. Đêm thật sáng với vầng trăng tròn ân cần hào sảng với bất kỳ ai, và Karl thấy thật vô nghĩa lý khi phải e ngại một đêm như thế. Anh tưởng tượng - và lần đầu tiên cảm thấy thoải mái trong căn phòng này - mình sẽ làm ông cậu ngạc nhiên đến thế nào vào sáng mai - nếu cuốc bộ anh sẽ không thể về sớm hơn. Vì còn chưa bao giờ đến phòng ngủ của ông cậu, anh hoàn toàn không biết nó nằm ở đâu; nhưng chắc anh sẽ hỏi được mau chóng thôi. Anh sẽ gõ cửa, rồi khi nghe thấy câu nói nghiêm nghị “Vào đi!” thì sẽ bước nhanh vào, và khi ấy anh sẽ bắt chợt ông cậu yêu quý, mà cho đến giờ anh toàn chỉ gặp những lúc nai nịt đến tận chân răng và cài cúc kín đến tận cằm, ngồi trên giường, cặp mắt kinh ngạc hướng ra cửa, trong bộ đồ ngủ. Nhìn chung, tự bản thân nó đây chẳng phải là một dự định to lớn gì, nhưng phải nghĩ đến mọi hệ quả mà nó có cơ gây ra. Có lẽ anh sẽ ăn sáng với ông cậu lần đầu tiên, ông cậu ngồi trên giường, còn anh trên một cái ghế, bữa sáng thì đặt trên một cái bàn nhỏ ở giữa họ, rồi có lẽ họ sẽ đều đặn ăn sáng với nhau, có lẽ, vì những bữa sáng ấy - thậm chí điều này là không thể tránh khỏi - họ sẽ gặp nhau nhiều hơn một lần mỗi ngày và sẽ nói chuyện với nhau cởi mở hơn so với trước đây. Thực sự chỉ vì thiếu những cuộc trò chuyện thân tình như vậy mà hôm nay anh đã tỏ ra có chút thiếu vâng lời đối với ông cậu, hay đúng hơn là đã bướng bỉnh. Và, ngay cả khi anh buộc phải qua đêm ở đây - thật chán vì có vẻ sẽ như vậy, mặc dù người ta để mặc anh đứng ở cửa sổ tùy ý mà tiêu khiển - có lẽ chuyến đi bất hạnh này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong mối quan hệ của anh với ông cậu, và có lẽ tối nay, trên giường, ông cậu cũng có cùng những ý nghĩ như thế.

Thấy đã được an ủi một chút, anh quay người lại. Klara đang đứng trước mặt anh, nói: “Anh thực sự không thích ở đây với chúng tôi phải không? Anh không thể cảm thấy thoải mái hơn một chút à? Đi theo tôi, tôi sẽ thử cách cuối cùng.”

Cô đưa anh đi qua căn phòng, ra tới cửa. Hai ông kia đang ngồi ở một cái bàn kê dẹp sang bên, trên đó có những cái cốc cao đựng thứ đồ uống hơi sủi bọt, thứ mà Karl không biết và những muốn nếm thử. Ông Green chống một khuỷu tay lên bàn và gí mặt sát hết mức vào ông Pollunder; nếu không biết ông Pollunder thì có thể dễ dàng nghĩ ở đây người ta đang bàn luận về một tội ác nào đó chứ không phải chuyện làm ăn. Ông Pollunder đưa ánh mắt thân ái tiễn Karl ra đến cửa, nhưng ông Green, mặc dù thường thì người ta sẽ vô ý thức hướng cái nhìn theo ánh mắt người ngồi đối diện, chẳng buồn liếc nhìn Karl, đối với Karl thái độ này muốn thể hiện sự cả quyết của ông Green, rằng cả Karl và ông ta đều sẽ phải xử lý mọi chuyện theo khả năng riêng của mỗi người, mối liên hệ xã hội nhất thiết phải có giữa họ sẽ được thiết lập vào thời điểm chiến thắng hoặc suy sụp của người này hoặc người kia.

“Nếu ông ta nghĩ thế,” Karl tự nhủ, “thì ông ta đúng là bị điên. Mình chẳng hề đòi hỏi điều gì ở ông ta, và mình chỉ muốn ông ta để mình yên.”

Vừa ra đến hành lang thì anh chợt nảy ra ý nghĩ hẳn mình đã bất lịch sự bởi vì, cứ chăm chăm nhìn Green, anh đã gần như để cho Klara lôi ra khỏi phòng. Bởi vậy anh chỉ còn ngoan ngoãn bước đi bên cạnh cô. Trong các hành lang trước tiên anh tưởng như mình đang mơ vì cứ hai mươi bước anh lại thấy một anh hầu đứng nghiêm chào, ăn vận thật cầu kỳ và hai tay cầm một giá nến.

“Hệ thống điện mới mẻ chỉ mới có trong phòng ăn,” Klara giải thích. “Chúng tôi mới mua ngôi nhà này gần đây và chúng tôi đã cải tạo nó hoàn toàn, cải tạo hết mức mà người ta có thể thứ kiến trúc quái gở của một ngôi nhà cũ kỹ.”

“Tức là ngay cả bên Mỹ,” Karl nói, “cũng có các ngôi nhà cũ à?”

“Tất nhiên rồi,” Klara cười, đáp, rồi kéo anh đi tiếp. “Anh có những hình dung thật kỳ cục về nước Mỹ đấy.”

“Cô không được chế giễu tôi,” anh nói, giọng tức tối. Dẫu sao thì anh cũng biết cả châu Âu lẫn nước Mỹ, còn cô thì chỉ biết mỗi nước Mỹ.

Đi qua một cánh cửa, cô lấy tay đẩy nó mở ra và nói, vẫn không dừng lại: “Anh sẽ ngủ ở đây.”

Lẽ dĩ nhiên Karl muốn xem phòng mình ngay lập tức, nhưng Klara sốt ruột, gần như to tiếng, giải thích với anh rằng việc ấy để sau, còn bây giờ phải đi theo cô đã. Họ co kéo nhau một lúc trong hành lang, lúc thì tiến lên, lúc thì lùi lại, rồi Karl tự nhủ dẫu sao cũng chẳng có gì buộc anh cứ phải nghe lời Klara; anh bèn vùng khỏi cô rồi bước vào phòng. Bóng tối đáng ngạc nhiên ở bên ngoài cửa sổ căn phòng bắt nguồn từ một ngọn cây đang đu đưa. Có tiếng chim hót. Trong bản thân căn phòng, nơi ánh trăng còn chưa rọi vào, không thể nhìn thấy gì. Karl thấy tiếc vì đã không mang theo cái đèn pin mà ông cậu đã cho anh. Đèn pin sẽ thật hữu ích trong ngôi nhà này; nếu có chúng, người ta có thể cho đám người hầu đi ngủ. Anh ngồi lên bệ cửa sổ để nhìn ngắm và lắng nghe những gì diễn ra bên ngoài. Một con chim hoảng hốt như thể đang bay quáng quàng trong tán lá của cái cây cổ thụ. Tiếng còi một đoàn tàu ngoại ô New York vang lên đâu đó. Ngoài ra không có tiếng động nào khác.

Nhưng chỉ như vậy được không lâu, vì Klara đã đi vào. Rõ ràng là tức tối, cô kêu lên: “Thế nào thế này?” hai tay đập lên váy. Thoạt tiên Karl không đáp, định đợi đến khi nào cô lịch sự hơn. Nhưng cô đã bước nhanh về phía anh và hét lên: “Nào, anh có muốn đi theo tôi không hả?” Rồi, hoặc cố tình hoặc bị tác động bởi nỗi phấn khích, cô tống vào ngực anh một cú rõ mạnh khiến anh suýt ngã nhào từ cửa sổ nếu vào phút cuối cùng hai chân anh không kịp trì xuống sàn nhà, lùi xa khỏi bệ cửa sổ.

“Thiếu điều thì tôi ngã lộn cổ rồi đấy!” anh nói, giọng trách móc.

“Thật tiếc vì đã không như thế. Tại sao anh lại tỏ ra khó chịu đến vậy? Tôi sẽ đẩy anh ngã ra ngoài cửa sổ.”

Quả thật cô đã ôm choàng lấy anh và, trong cơn hoảng hốt, anh quên gồng mình lên, cô vác anh ra gần đến cửa sổ; cô tập thể thao nên tay rất khỏe. Nhưng khi ấy anh đã hoàn hồn, anh lắc hông thoát ra và đến lượt mình nắm lấy cổ tay cô.

“Á! anh làm tôi đau đấy!” cô hét lên.

Nhưng lúc này Karl nghĩ mình không nên thả cô ra. Anh để cho cô bước đi thoải mái, nhưng đi theo cô, không rời khỏi cô nữa. Vả lại rất dễ tóm lấy cô với cái váy bó sát thân người này.

“Để tôi yên,” cô thì thầm, khuôn mặt đỏ lựng của cô ghé lại sát mặt anh, “để tôi yên, tôi sẽ cho anh một thứ rất đẹp.” “Tại sao cô ta lại thở như thế?” Karl nghĩ, mình không thể làm cô ấy đau được, mình đâu có ấn mạnh,” và anh tiếp tục giữ lấy cô. Nhưng đột nhiên, sau một lúc đứng im lặng không chú ý, anh cảm thấy sức mạnh của cô quay trở lại và cô vùng thoát ra, cô giữ lấy phần phía trên của người anh bằng một động tác thành thục, khóa hai chân anh lại với một miếng võ hoàn toàn xa lạ với Karl và, lấy lại hơi, đẩy anh áp vào tường với một sự điêu luyện tuyệt vời. Ở đó có một cái trường kỷ, cô đẩy Karl nằm xuống đó, rồi nói với anh, mà không cúi người xuống thấp quá: “Giờ thì cứ thử nhúc nhích xem nào.”

“Đồ ác miêu, cô là đồ ác miêu,” anh hét lên trong sự hỗn độn của các cảm giác - điên giận và tủi hổ - mà anh đang cảm thấy. “Cô là đồ ác miêu, cô điên rồi.”

“Nói năng cho cẩn thận nhé,” cô đáp, đặt một tay lên cổ anh. Cô bắt đầu siết mạnh đến nỗi anh chỉ còn có thể tìm cách hớp lấy chút không khí trong khi cô đưa tay kia vuốt lên má anh, rút nó ra và nâng nó lên mỗi lúc một cao hơn, đe dọa bất cứ lúc nào cũng có thể hạ xuống thành một cái tát.

“Anh sẽ nói gì,” cô hỏi, “nếu để trừng phạt anh vì cư xử thô lỗ với phụ nữ tôi tống cổ anh về nhà cùng một cú tát thật đích đáng? Có lẽ như vậy sẽ có ích cho anh trong toàn bộ sự nghiệp tương lai mặc dù nó sẽ chẳng phải là một kỷ niệm đẹp đâu. Tôi thấy tiếc cho anh; anh khá là điển trai và, nếu anh từng học môn jiu-jitsu, có khả năng anh đã đánh đòn được tôi. Thế nhưng, thế nhưng, tôi lại đang có một ham muốn hoàn toàn điên rồ là được tát anh, giờ đây khi anh đang nằm như thế này. Chắc hẳn rồi tôi sẽ phải hối tiếc; nhưng nếu tôi làm thế, hãy biết ngay từ bây giờ rằng điều đó hoàn toàn không phải do tôi mong muốn. Bởi vì tất nhiên tôi sẽ không vừa lòng với chỉ một cái tát; tôi sẽ vả vào hai má anh cho đến khi chúng sưng lên. Có lẽ anh là một người ga lăng - tôi rất muốn tin vậy - anh sẽ không muốn sống nữa với những cái tát ấy và anh sẽ tự làm mình biến mất. Nhưng tại sao anh lại cư xử tồi tệ như vậy với tôi? Anh không thích tôi à? Được vào phòng tôi thì không đáng mong muốn à? Này! Vừa rồi tôi đã suýt tặng cho anh một cái tát chỉ vì không để ý đấy. Nếu hôm nay anh thoát thân được, về sau hãy cố mà cư xử bớt thô lỗ nhé. Tôi không phải cậu anh để mà anh có thể thách thức tôi tùy thích. Vả lại tôi xin lưu ý anh rằng, nếu tôi thả anh ra mà không tát anh, anh không được nghĩ rằng hoàn cảnh của anh vẫn giữ nguyên xét từ quan điểm danh dự so với nếu thực sự anh phải nhận một cái tát. Tuy nhiên, nếu anh tin được, tôi thực sự thích vuốt ve anh cơ. Mack sẽ nói gì đây khi tôi kể cho anh ấy toàn bộ câu chuyện này?”

Nhắc đến cái tên Mack xong, cô thả Karl ra, trong mớ sương mù bùng nhùng của đầu óc, anh thấy Mack như một vị cứu tinh. Anh vẫn cảm thấy bàn tay của Klara trên cổ, nên vặn vẹo người thêm một lúc, rồi nằm im.

Cô ra lệnh cho anh đứng dậy, anh không đáp lại cũng không nhúc nhích. Cô thắp một ngọn nến ở đâu đó, căn phòng sáng lên, những đường dích dắc xanh lơ hiện ra trên trần, nhưng Karl, vẫn nằm gối đầu lên cái gối dựa sofa đúng y như khi Klara đẩy anh xuống, không cựa quậy đến một li. Klara đi đi lại lại trong phòng, cái váy sột soạt quanh hai chân, cô dừng lại một lúc lâu, chắc là gần cửa sổ.

“Hết dỗi chưa?” anh nghe tiếng cô hỏi.

Anh thấy hết sức nặng nề vì không được yên ổn trong căn phòng mà ông Pollunder đã dành cho anh. Cô gái kia cứ nán lại để đi tới đi lui, dừng lại, nói, và anh thấy chán ngán một cách khủng khiếp. Ngủ thật nhanh rồi chuồn khỏi đây, đó là tất tật những gì anh muốn. Thậm chí anh còn chẳng cần đến giường nữa, anh cứ nằm lại đó trên cái trường kỷ này. Anh chỉ rình đợi lúc cô đi khỏi để nhảy ra chỗ cánh cửa, khóa chặt nó lại và rồi lại nhảy lên trường kỷ. Anh có một ham muốn lớn lao là duỗi người ra và ngáp, nhưng anh không muốn làm vậy trước mặt Klara. Thế nên anh cứ nằm đó, chăm chăm nhìn lên trần nhà, cảm thấy mặt mình càng lúc càng thêm đông cứng lại, và có một con ruồi cứ bay luẩn quẩn quanh trước mắt anh, mà không biết chính xác đó là gì.

Klara lại tiến lại gần, cúi xuống sao cho có thể bắt gặp ánh mắt anh và, nếu không quay đi, anh buộc phải nhìn cô.

“Giờ thì tôi đi đây,” cô nói. “Có thể một lúc nữa anh sẽ muốn đến chỗ tôi. Cửa phòng tôi là cửa thứ tư tính từ đây, cùng bên hành lang. Anh đi qua ba cánh cửa, cửa tiếp theo đó là đến. Tôi sẽ không xuống phòng khách nữa đâu, kể từ lúc này tôi ở lại trong phòng. Nhưng anh đã làm tôi mệt khủng khiếp. Tôi sẽ không thực sự đợi anh, nhưng nếu anh muốn đến thì cứ đến. Hãy nhớ rằng anh đã hứa chơi đàn piano cho tôi nghe. Nhưng có thể tôi đã hạ gục anh rồi và anh không thể cựa quậy được nữa, nếu thế thì cứ ở lại đây mà ngủ đi. Tôi sẽ không nói lời nào với bố tôi về cuộc cãi cọ giữa chúng ta lúc nãy; tôi nói điều này phòng khi anh thấy lo lắng. Nói đoạn, mặc dù vừa nói là rất mệt, cô ra khỏi phòng bằng hai bước nhảy.

Ngay lập tức Karl ngồi bật dậy, tư thế nằm đã trở nên không thể chịu nổi. Để vận động một chút, anh đi ra cửa và nhìn hành lang. Nhưng sao mà tối thế! Anh sung sướng khóa cửa và quay lại gần cái bàn trong ánh sáng ngọn nến. Anh đã quyết định sẽ không nán lại nơi này, đi xuống gặp ông Pollunder, thẳng thắn kể cho ông ta biết Klara đã làm gì với anh - anh không hề thấy nặng nề gì chuyện phải thú nhận thất bại của mình - và đề nghị, lý do trên đã là quá đủ, được phép về nhà, bằng ô tô hoặc đi bộ. Nếu ông Pollunder có phản đối gì về việc anh đòi về ngay lập tức, Karl sẽ xin ông sai một người hầu lái xe đưa anh đến khách sạn gần đây nhất. Đây không phải cách thức người ta sử dụng đối với một chủ nhà đáng mến, nhưng người ta còn hiếm khi đối xử với khách mời giống Klara vừa xong hơn. Cô cứ tưởng đâu mình tỏ ra lịch thiệp với lời hứa tạm thời không nói gì với ông Pollunder và thế thôi đã là quá quắt lắm rồi. Vậy có phải Karl đã bị lôi vào một cuộc đấu vật, để rồi anh có phải nhục nhã vì bị đốn xuống đất bởi tay một cô gái chắc hẳn đã dành phần lớn cuộc đời mình để học các tư thế võ? Có lẽ cô đã học từ Mack. Cô có thể kể cho Mack tất tật những gì mà cô muốn, chắc chắn Mack sẽ nhìn nhận sáng suốt, Karl biết thế, mặc dù chắc chẳng bao giờ anh biết rõ được. Nhưng anh cũng biết rằng nếu Mack dạy cho anh, anh cũng có thể tiến bộ như Klara; vậy thì một ngày nào đó anh sẽ quay lại đây, rất có khả năng là không được mời, thoạt tiên dĩ nhiên sẽ bắt đầu bằng việc xem xét nơi này, hiểu biết chính xác địa hình chính là một trong những lợi thế lớn của Klara, túm lấy cái cô Klara kia và nện lưng cô ta xuống cái trường kỷ nơi cô ta đã ném anh xuống hôm nay.

Lúc này, vấn đề chỉ là tìm đường xuống phòng khách và tìm lại cái mũ chắc anh đã để đâu mất. Anh sẽ cầm ngọn nến theo, nhưng, ngay cả khi có ánh sáng, cũng không dễ tìm ra đường. Chẳng hạn, anh không biết phòng mình có ở cùng tầng với phòng khách không. Klara đã kéo anh suốt dọc đường tợn đến mức anh không thể nhìn xem mình đi qua những đâu. Ông Green và những người hầu cầm giá nến cũng đã khiến anh sao lãng; nói tóm lại giờ đây thậm chí anh còn chẳng biết họ đã lên một tầng, hai tầng, hay không lên tầng nào. Cứ nhìn quanh mà xét thì căn phòng chắc phải khá cao và đó là điều khiến anh nghĩ họ đã đi lên cầu thang; nhưng anh cũng đã phải đi lên cầu thang để tới chỗ cửa ngôi nhà; tại sao phần này của tòa nhà lại không nhô lên cao giống như phần đầu tiên cơ chứ? Giá kể mà nhìn thấy dẫu là bất kỳ đâu ít nhất một ánh sáng lọt vào, nghe thấy dù chỉ một giọng nói, dẫu xa xôi, nhỏ đến đâu cũng được!

Cái đồng hồ bỏ túi của anh, món quà tặng của ông cậu, chỉ mười một giờ, anh cầm ngọn nến lên và đi ra hành lang. Anh để cửa mở với mục đích trở lại căn phòng trong trường hợp không tìm được đường và, nếu khẩn cấp quá, từ căn phòng này mà tìm ra cánh cửa phòng Klara. Để chắc chắn hơn, anh kê một cái ghế chặn ngang ngăn nó đóng lại. Trong hành lang một luồng gió quỷ quái bắt đầu thổi tới - lẽ dĩ nhiên Karl rẽ sang trái, tức là ngược hướng với cánh cửa phòng Klara - nó rất nhẹ nhưng dẫu sao cũng có thể làm tắt nến, thế nên anh phải dùng tay che chắn và thậm chí còn phải thường xuyên dừng lại để ánh lửa dựng thẳng dậy. Đó là một cuốc đi khó nhọc và con đường như thể dài gấp đôi. Karl đi được một thôi dài mà chẳng thấy có cánh cửa nào; chẳng thể hiểu nổi đằng sau những bức tường vô tận này có gì nữa. Và rồi, đột nhiên, toàn thấy cửa là cửa và anh tìm cách mở vài cái trong số chúng nhưng tất cả đều đóng và thuộc những căn phòng dĩ nhiên không có người. Đây là một sự lãng phí không gian ghê gớm; Karl không thể ngăn mình nghĩ đến các khu phố phía Đông New York mà ông cậu đã hứa sẽ chỉ cho anh, ở đó, ông nói, kể cả căn phòng nhỏ nhất cũng là nơi trú ngụ của nhiều gia đình, tổ ấm chỉ là một góc nơi lũ trẻ con quây quần quanh bố mẹ chúng. Trong khi ở đây có đến ngần ấy phòng trống chỉ tồn tại để vang vọng trống rỗng khi ta gõ cửa. Với Karl, ông Pollunder bị đám bạn bè giả dối đánh lừa, yêu con gái đến phát điên và do vậy đã hỏng hẳn. Chắc chắn cậu anh đã đánh giá đúng tình hình và chỉ vì nguyên tắc không bao giờ gây ảnh hưởng đến cách đánh giá của Karl nên mới có chuyến đi này và có việc anh phải lang thang trong các hành lang. Karl muốn nói thẳng điều đó với ông cậu vào ngày mai, bởi vì theo cùng nguyên tắc, chắc cậu anh cũng sẽ, bình thản và vui sướng, lắng nghe đánh giá của đứa cháu về ông. Và rồi có lẽ nguyên tắc này là điều duy nhất mà Karl thấy không thích ở cậu mình; tuy nhiên điều đó không phải là tuyệt đối.

Đột nhiên bức tường chạy dọc một bên của hành lang không còn nữa, thay vào đó là một hàng hiên đá hoa cương lạnh giá. Karl đặt ngọn nến xuống bên cạnh và thận trọng thò đầu qua lan can. Một sự trống rỗng tối đen ập vào mặt anh. Nếu đây là sảnh vào của ngôi nhà - ánh nến làm hiện ra một mảnh vòm trần - thì tại sao lúc trước họ không vào bằng lối này? Cái không gian thật rộng và sâu hoắm này dùng để làm gì? Cứ như thể đang đứng ở hành lang trên của một nhà thờ. Karl gần như thấy tiếc vì đã không thể ở lại ngôi nhà này cho đến ngày mai, anh những muốn được ông Pollunder dẫn đi thăm thú khắp nơi trong ánh sáng ban ngày và được ông giới thiệu cho mọi chốn.

Vả lại hàng lan can không dài; ngay sau đó lại nối tiếp hành lang im ỉm. Ở một chỗ ngoặt anh lao sầm vào bức tường và chỉ nhờ cầm ngọn nến rất cẩn thận anh mới không làm nó rơi và bị tắt. Vì hành lang mãi mà không chịu kết thúc, chẳng cửa sổ nào cho phép nhìn ra bên ngoài và không có gì chuyển động phía trên cũng như phía dưới, Karl nghĩ mình đang đi vòng vòng và anh đã hy vọng lại nhìn thấy cửa phòng mình, nhưng cả nó lẫn hàng lan can đều không trở lại. Cho tới lúc ấy anh vẫn tự ngăn mình hét to lên, vì anh không muốn gây tiếng ồn ở nhà người lạ vào một cái giờ muộn màng như thế này, nhưng rốt cuộc anh cũng nhận ra việc đó chẳng có gì là xấu trong một ngôi nhà không ánh sáng và anh đã định hét lên “Xin chào” về cả hai phía của hành lang, thì đúng lúc ấy anh nhìn thấy từ hướng anh vừa đi qua có một đốm sáng nhỏ đang tiến lại gần. Mãi lúc này anh mới có thể ước lượng được chiều dài của dãy hành lang chạy thẳng kia; đây là pháo đài chứ không thể là một ngôi nhà được. Niềm vui của Karl khi nhìn thấy ánh sáng cứu mạng này lớn đến nỗi anh quên biến mọi sự thận trọng và chạy bổ về phía nó, được vài bước thì ngọn nến tắt phụt. Anh cũng chẳng để ý vì không cần đến nó nữa; một người hầu tiến lại gần, với một cái đèn, hẳn ông ta sẽ chỉ đường cho anh.

“Anh là ai?” người hầu hỏi, đưa cái đèn lên trước mặt Karl, làm như vậy ông ta cũng soi sáng luôn khuôn mặt mình. Các đường nét của ông ta có vẻ cứng nhắc vì một bộ râu trắng dài mãi đến đoạn ngực mới bắt đầu cuộn lại thành búi. “Chắc đây phải là một người hầu rất trung thành thì người ta mới cho phép để râu dài đến thế!” Karl nghĩ, anh chằm chằm nhìn cả chiều rộng và chiều dài của bộ râu, không hề cảm thấy bối rối vì bản thân mình cũng đang bị dò xét. Vả lại anh đáp ngay rằng anh là một người khách của ông Pollunder từ phòng mình đi ra để xuống phòng ăn nhưng không tìm được đường.

“À! đúng,” người hầu nói, “chúng tôi còn chưa có điện.”

“Tôi biết,” Karl nói.

“Anh có muốn châm nến vào cái đèn của tôi không?” người hầu hỏi.

“Cám ơn, rất sẵn lòng,” Karl nói, và anh làm vậy.

“Trong hành lang này gió lùa kinh lắm,” người hầu nói, “rất dễ làm tắt nến, vì thế nên tôi mới cầm đèn theo.”

“Đúng rồi, đèn thì tiện hơn,” Karl nói.

“Vảy nến dây đầy ra người anh rồi kia,” người hầu nói, giơ đèn lên soi vào bộ com lê của Karl.

“Tôi không thấy đấy,” Karl kêu lên, hết sức phiền lòng, bởi vì đây là bộ com lê đen mà ông cậu từng nói là hợp với anh hơn cả. Anh nhớ lại cuộc cãi cọ vừa rồi, hẳn nó không thể góp phần cải thiện tình hình quần áo của anh. Người hầu chu đáo sửa chữa các tổn hại trong chừng mực sự vội vã cho phép ông ta; Karl liên tục quay người trước ông ta, chỉ cho ông ta chỗ này chỗ kia còn một vảy nến, ông ta ngoan ngoãn cạy nó đi.

“Tại sao gió lùa thế?” Karl hỏi khi họ đã bước đi trở lại.

“Là vì còn phải xây dựng nhiều lắm,” người hầu đáp, “người ta đã bắt đầu từ lâu rồi, nhưng tiến hành quá chậm. Bây giờ công nhân xây dựng lại còn đình công nữa, có lẽ anh đã nghe phong thanh. Xây dựng thế này gặp nhiều phiền nhiễu lắm. Người ta lại còn vừa mở vài chỗ thông lớn mà chưa xây bít lại, chúng làm gió lùa khắp nhà. Nếu không lấy bông nhét vào tai thì tôi sẽ chẳng thể nào mà chịu nổi.”

“Tức là tôi phải nói to hơn à?” Karl hỏi.

“Không, giọng của anh rất rõ,” người hầu đáp. “Nhưng, để nói thêm về công việc xây dựng, nhất là ở đây, gần cái nhà thờ kia, sau này chắc sẽ phải ngăn cách nó khỏi phần còn lại của ngôi nhà, gió lùa thật là không chịu nổi.”

“Hàng lan can mà ta đi qua trên hành lang nhìn xuống một nhà thờ à?”

“Đúng.”

“Tôi đã nghĩ thế ngay mà,” Karl nói.

“Nó lạ lắm đấy,” người hầu nói; “không có nó thì chắc hẳn anh Mack đã chẳng bao giờ mua ngôi nhà.”

“Mack?” Karl hỏi, “tôi cứ nghĩ ngôi nhà này thuộc về ông Pollunder chứ!”

“Chắc rồi,” người hầu đáp, “nhưng anh Mack mới là người chính yếu đằng sau vụ mua bán. Anh không biết anh Mack à?”

“Ồ! có chứ,” Karl đáp. “Nhưng thế thì anh ta là như thế nào với ông Pollunder?”

“Là chồng chưa cưới của tiểu thư,” người hầu đáp.

“Cái đó thì không, tôi không hề biết!” Karl nói, dừng bước.

“Anh ngạc nhiên đến mức đấy cơ à?” người hầu hỏi.

“Tôi chỉ tìm cách làm quen với ý nghĩ ấy. Nếu không biết các chi tiết như vậy ta dễ phạm phải những sai lầm tệ hại lắm,” Karl đáp.

“Tôi thấy ngạc nhiên vì người ta chưa nói gì với anh,” người hầu nói.

“Đúng, đúng vậy,” Karl nói, cảm thấy phật ý.

“Chắc họ nghĩ là anh biết rồi,” người hầu nói, “chuyện không mới đâu. Vả lại, chúng ta tới nơi rồi.” Và ông ta mở một cánh cửa, đằng sau đó là một cầu thang dẫn thẳng xuống cánh cửa ở cuối phòng khách, vẫn được chiếu sáng một cách rực rỡ.

Trước khi Karl bước vào căn phòng từ đó vẫn vẳng ra, như hai tiếng trước, giọng của ông Green và của ông Pollunder, người hầu nói: “Nếu anh muốn, tôi sẽ đợi anh ở đây để dẫn anh về phòng. Lúc nào cũng rất khó tìm đường vào buổi tối đầu tiên.”

“Tôi sẽ không quay lại đó,” Karl nói mà không biết tại sao câu này lại làm anh thấy buồn.

“Sẽ không khủng khiếp đến thế đâu!” người hầu nói, giọng có chút hạ cố, mỉm cười và vỗ vỗ lên cánh tay anh. Chắc ông ta nghĩ Karl muốn ở dưới phòng ăn cả đêm để nói chuyện và nhậu nhẹt với hai ông kia. Lúc này Karl không muốn tâm sự gì cả, thêm nữa anh nghĩ rằng người hầu này, người mà anh thích nhất trong cả ngôi nhà, sau đó có thể sẽ chỉ cho anh đường về New York, thế nên anh bảo ông ta: “Nếu ông muốn đợi tôi ở đây thì ông thật là tốt và tôi vui lòng chấp nhận. Dẫu sao thì một lúc nữa thôi tôi sẽ ra và lúc ấy tôi sẽ nói mình muốn làm gì. Tôi nghĩ sẽ cần ông giúp đỡ đấy.” “Vâng,” người hầu đáp. Ông ta đặt cái đèn xuống đất, bên cạnh mình, và ngồi xuống một bệ nhỏ bỏ không, chắc hẳn vì công việc cải tạo ngôi nhà. “Tôi sẽ đợi ở đây. Để ngọn nến của anh lại cho tôi,” ông ta nói thêm khi thấy Karl định bước vào phòng với cây nến vẫn cháy cầm trên tay.

“Tôi đãng trí quá!” Karl nói, đưa ngọn nến cho người hầu, ông ta chỉ cúi đầu xuống, chẳng biết ông ta làm thế vì vô ý hay đơn giản là vì ông ta đang vuốt râu.

Karl mở cửa, nó kêu lạo xạo rất to; đó không phải là lỗi của anh vì cánh cửa chỉ được làm bằng một tấm gương, nó gần như bị vỡ khi cửa mở ra và chỉ được ổ khóa giữ lấy. Karl, rất muốn bước vào thật kín đáo, hoảng hốt buông tay thả nắm đấm cửa. Không quay đầu lại anh vẫn nhận thấy người hầu, đã rời khỏi cái bệ của mình, cẩn thận đóng cửa lại mà không gây ra chút ồn ã nào.

“Xin thứ lỗi vì đã làm phiền các ông,” anh nói với hai ông kia, lúc này họ đang ngạc nhiên nhìn anh. Cùng lúc, anh đưa mắt nhìn khắp phòng để thử tìm nhanh cái mũ. Không thấy nó ở đâu, mặt bàn hoàn toàn trống trơn; có lẽ người ta đã mang mũ xuống bếp mất rồi, thế thì phiền thật.

“Anh đã để Klara lại đâu thế?” ông Pollunder hỏi. Sự xuất hiện đột ngột này dường như không hề làm ông ta thấy khó chịu, vì ông ta ngay lập tức đổi tư thế trong ghế phô tơi để quay hẳn mặt về phía Karl. Ông Green thì làm ra vẻ thờ ơ, rút từ trong túi ra một cái ví, cái ví này là một con quái vật nếu xét về kích cỡ và độ dày, và như thể tìm kiếm trong các ngăn một thứ gì đó, nhưng cũng đọc bất kỳ thứ gì lôi ra được. 

“Tôi có một lời cầu khẩn cần nói với ông, và tôi không muốn ông nghĩ xấu về điều đó,” Karl nói, vội vã tiến về phía ông Pollunder và đặt một tay lên tay dựa ghế nhằm được ở thật gần ông ta.

“Cầu khẩn thuộc dạng nào?” ông Pollunder hỏi, nhìn Karl với ánh mắt thể hiện một sự thẳng thắn không chút e dè. “Lẽ dĩ nhiên là tôi cho phép anh rồi.” Lấy tay ôm choàng lấy người Karl, ông ta kéo anh đứng vào giữa hai chân mình. Karl cứ để mặc ông ta làm thế mặc dù anh cảm thấy nhìn chung mình đã đủ lớn, không nên bị đối xử theo cách thức ấy. Nhưng lời cầu khẩn của anh lẽ dĩ nhiên trở nên khó nói ra hơn hẳn.

“Anh cảm thấy thế nào ở chỗ chúng tôi?” ông Pollunder hỏi. “Anh có nghĩ giống chúng tôi rằng ở nông thôn ta cảm thấy như thể được giải thoát khi từ thành phố đến không? Nhìn chung,” do người Karl đang đứng chắn, ông ta ném về phía ông Green một cái liếc xéo mà ta không thể hiểu sai ý nghĩa, “nhìn chung tối nào tôi cũng có cảm giác ấy.”

“Ông ta nói,” Karl nghĩ, “như thể chẳng biết gì về những hành lang bất tận kia, về cái nhà thờ, về những căn phòng trống và bóng tối bao phủ khắp mọi nơi.”

“Nào,” ông Pollunder nói, “lời yêu cầu!” Và ông ta thân thiện lắc người Karl, anh đứng đực đó không nói gì.

“Tôi xin ông,” Karl nói, không thể tránh - dẫu có nói nhỏ hết cỡ - để Green đang ngồi kia nghe thấy tất cả, anh rất muốn khi có mặt ông ta không nói gì về lời đề nghị này, nó có thể bị hiểu như một sự xúc phạm tới ông Pollunder, “tôi xin ông, hãy để tôi về nhà trong đêm nay.”

Sau đó, vì điều tồi tệ nhất đã xả được rồi, phần còn lại trở nên nhanh gọn và, không hề nói dối chút nào, anh nhắc tới những việc mà trong thâm tâm anh đã hoàn toàn không nghĩ đến từ trước. “Tôi muốn về nhà bằng mọi giá. Tôi sẽ vui lòng quay trở lại vào một dịp khác, thưa ông Pollunder, vì tôi thấy nơi ở của ông thật tuyệt. Nhưng hôm nay tôi không thể ở lại đây. Ông cũng biết là cậu tôi đã không sẵn lòng cho phép tôi đi. Chắc hẳn ông ấy có những lý do xác đáng, cũng như trong mọi việc mà ông ấy làm nhưng tôi đã cả gan chống lại hiểu biết vượt trội của ông ấy, buộc ông ấy phải cho phép tôi đi. Tôi đã chỉ đơn giản là lạm dụng tình yêu của ông ấy dành cho tôi. Tại sao chuyến đi này lại làm ông ấy phải suy nghĩ thì không liên quan đến ở đây, tôi chỉ biết chắc rằng trong sự do dự của ông ấy không có gì có thể làm tổn thương ông, thưa ông Pollunder, ông là bạn thân nhất của ông ấy, trong số mọi người bạn khác. Chẳng ai khác trong số các bạn của cậu tôi có thể sánh được với ông, còn xa mới sánh được. Đấy cũng là, mặc dù không hề đủ, lời biện hộ duy nhất cho sự không nghe lời của tôi. Có lẽ ông không hiểu chính xác mối quan hệ của tôi với cậu tôi, vậy nên tôi sẽ chỉ nêu lên những gì rõ ràng nhất. Chừng nào việc học tiếng Anh của tôi còn chưa xong xuôi và tôi còn chưa có kinh nghiệm thực tiễn đủ cho công việc kinh doanh, tôi sẽ vẫn phải chịu phụ thuộc vào lòng tốt của cậu tôi, cái đó thì thật ra tôi có quyền được hưởng với tư cách họ hàng. Ông không được nghĩ rằng tôi đã có thể kiếm miếng ăn một cách trung thực - và Chúa ngăn cản tôi làm thế theo một cách khác! Thật không may, những gì tôi đã học quá nặng về lý thuyết. Tôi đã bỏ bốn năm để học tại một trường trung học bên châu Âu, ở đó tôi chỉ là một học sinh trung bình: như thế thì còn ở chưa đạt đến mức chẳng có gì khi cần phải kiếm sống, bởi vì các trường trung học của chúng tôi rất lạc hậu trong chương trình học. Chắc tôi sẽ làm ông cười nếu kể cho ông nghe xem tôi đã học những gì. Khi người ta muốn học lên cao hơn, thì phải đợi cho hết trung học rồi sau đó theo các bài giảng ở đại học, tất tật hẳn sẽ được cân bằng và rốt cuộc người ta sẽ có được một sự đào tạo thích hợp cho phép thực hiện điều gì đó và khiến ta trở nên quyết tâm trong việc kiếm sống. Nhưng thật không may là tôi đã bị bứng đi khỏi sự học hành liên tục ấy từ sớm, đôi khi tôi nghĩ mình chẳng biết gì, mà dẫu sao những gì tôi có thể biết cũng sẽ chẳng đủ dùng ở Mỹ. Hiện nay tại đất nước tôi người ta đang xây dựng đây đó những trường trung học kiểu mới, ở đó người ta giảng dạy các thứ ngôn ngữ hiện đại và có lẽ cả môn khoa học thương mại nữa, nhưng khi tôi rời trường tiểu học thì chúng còn chưa tồn tại. Bố tôi từng muốn cho tôi học tiếng Anh, nhưng trước hết, tôi đã không thể dự đoán nỗi bất hạnh ụp xuống đầu tôi, cũng không biết mình sẽ cần biết tiếng Anh; sau đó tôi bị buộc phải học rất nhiều cho trường trung học, thành thử tôi gần như chẳng còn chút thời gian nào cho những thứ khác. Tôi nhắc lại tất tật những điều này để cho ông thấy tôi phụ thuộc vào cậu tôi tới mức nào và tôi chịu ơn ông ấy ra sao. Chắc ông sẽ vui lòng đồng ý với tôi rằng trong hoàn cảnh như thế tôi không thể tự cho phép mình làm bất kỳ điều nhỏ nhặt nào đi ngược lại ý muốn của ông ấy, mặc cho ông ấy chẳng mấy để lộ điều đó ra. Vì vậy, để sửa chữa - dẫu cho chẳng được bao nhiêu - lỗi lầm tôi đã gây ra cho ông ấy, tôi phải về nhà ngay bây giờ.

Trong suốt bài diễn văn dài của Karl, ông Pollunder lắng nghe hết sức chăm chú; thường xuyên, nhất là khi có nhắc tới ông cậu, ông ta ôm siết Karl vào mình, mặc dù chỉ nhè nhẹ, và nhìn chằm chằm Green, vẫn tiếp tục lo toan cho cái ví, như là đang chờ đợi điều gì đó. Nhưng Karl, trong lúc nói, càng ý thức rõ về hoàn cảnh của mình đối với ông cậu, anh càng trở nên sốt ruột, và một cách vô ý anh tìm cách thoát ra khỏi vòng tay ông Pollunder, mọi thứ ở đây đều áp bức anh; con đường dẫn về nhà ông cậu đi qua cánh cửa gắn kính, cầu thang, lối đi, những con đường, những khu ngoại ô và phố chính với anh như thể là một thực thể không thể chia cắt, nằm đó trống rỗng, mềm mại, chuẩn bị sẵn cho anh và lớn tiếng gọi giục anh. Lòng tốt của ông Pollunder và sự đen tối của ông Green biến mất đi vào một khoảng xa vời mơ hồ, và anh chỉ còn yêu cầu ở căn phòng ngập khói này sự cho phép đi khỏi. Chắc hẳn anh cảm thấy với ông Pollunder thế là xong rồi, và với ông Green anh đã sẵn sàng chiến đấu; thế nhưng ở anh tràn ngập cảm giác mọi thứ xung quanh đều là nỗi sợ hãi mơ hồ, những cú đẩy của nó làm mờ mắt anh.

Anh lùi lại một bước và khi ấy gần như đứng chính giữa ông Green và ông Pollunder. “Ông có muốn nói với cậu ấy điều gì không?” ông Pollunder hỏi ông Green, cầm lấy tay ông ta như thể để cầu xin.

“Tôi không thấy mình có thể nói gì với anh ta,” ông Green tuyên bố, rốt cuộc ông ta đã rút ra từ trong túi một bức thư và đặt nó lên bàn.

“Anh ta thật đáng khen khi muốn quay về nhà ông cậu và, như tất tật những gì mà ta có thể hình dung, cuộc trở về này hẳn sẽ gây cho cậu anh ta một niềm vui to lớn. Trừ phi sự thiếu ngoan ngoãn của anh ta còn chưa làm cho ông ấy tức giận, cả điều này cũng là có thể. Lẽ dĩ nhiên, trong trường hợp đó, tốt hơn hết là nên ở lại đây. Thật khó mà nói một điều gì cụ thể; cả hai chúng ta đều là bạn của ông cậu anh ta, khó mà tìm ra mức độ khác biệt giữa tình cảm của tôi với ông ấy và tình bạn của ông Pollunder đây, nhưng chúng ta không thể nhìn tận vào sâu trong tâm hồn ông ấy, nhất là với khoảng cách vời vợi đang ngăn cách chúng ta với New York.”

“Thưa ông Green,” Karl nói, vận hết nỗ lực để tiến lại gần ông Green, “tôi đọc thấy trong những lời của ông rằng ông cũng nghĩ tốt hơn hết là nên trở về ngay lập tức.”

“Tôi hoàn toàn không nói điều đó,” ông Green tuyên bố và lại đắm mình vào suy tưởng với bức thư mà ông ta đang dùng hai ngón tay vuốt dọc các mép. Có vẻ bằng cách ấy ông ta muốn chỉ ra rằng ông Pollunder đã hỏi ông ta và ông ta đã trả lời, nhưng với Karl thì ông ta chẳng có việc gì để làm hết.

Tuy nhiên ông Pollunder đã tiến về phía Karl và nhẹ nhàng kéo anh ra xa khỏi ông Green, đến bên khung một cửa sổ lớn. “Anh Roßmann thân mến,” ông ta vừa nói vừa ghé sát vào tai Karl - và ông ta đưa chiếc mùi soa lên chùi mặt, dừng lại ở mũi để xì - “đừng nghĩ là tôi muốn giữ anh lại đây chống lại ý muốn của anh. Không có chuyện ấy đâu. Lẽ dĩ nhiên tôi không thể đưa xe ô tô cho anh dùng: nó ở xa đây, trong một ga ra công cộng, bởi vì tôi vẫn chưa có thời gian xây một cái ga ra tại nhà, ở đây mọi thứ đều đang xây dựng. Người tài xế cũng không ngủ ở nhà, mà cạnh ga ra, tôi cũng chẳng biết rõ là ở đâu nữa. Và cuối cùng hợp đồng thuê anh ta không đòi hỏi anh ta phải ở đây vào lúc này, anh ta chỉ cần lái chiếc xe đến đây đúng giờ vào sáng mai thôi. Nhưng chẳng gì trong tất tật những chuyện ấy có thể ngăn cản anh quay trở về ngay lập tức, bởi vì nếu anh cứ khăng khăng như vậy, tôi sẽ đưa ngay anh ra đến bến tàu điện ngầm gần nhất; thật không may nó lại ở quá xa đây đến nỗi anh sẽ chẳng thể về đến nhà sớm hơn nhiều so với nếu sáng mai anh dùng xe của tôi, bởi vì chúng tôi sẽ khởi hành từ đây vào lúc bảy giờ.

“Dẫu thế thì tôi cũng vẫn muốn, thưa ông Pollunder,” Karl đáp, “đi bằng chuyến tàu điện ngầm sắp tới. Tôi chưa hề nghĩ đến nó đấy. Ông vừa nói là tôi sẽ về sớm hơn so với đi ô tô.”

“Phải, nhưng khác biệt sẽ rất nhỏ thôi.”

“Có thế đi nữa, có thế đi nữa, thưa ông Pollunder,” Karl nói, “thì tôi vẫn luôn luôn muốn được quay trở lại nơi đây với kỷ niệm về lòng hiếu khách của ông, lẽ dĩ nhiên là giả dụ ông còn muốn mời tôi sau thái độ của tôi hôm nay. Có lẽ tốt hơn hết là tôi nên nói ngay tại sao tôi lại coi việc về sớm phút nào hay phút nấy để gặp cậu tôi lại quan trọng đến thế.” Và, như thể đã nhận được sự cho phép đi khỏi đây, anh nói thêm: “Dẫu sao thì cũng đừng đi cùng tôi. Không cần đâu. Ngoài cửa có một người hầu, ông ta sẽ vui lòng dẫn tôi ra bến tàu điện ngầm. Nhưng tôi còn phải tìm cái mũ nữa.” Và, nói đoạn, anh đi ngang căn phòng để vội vã xem thử lần cuối cùng xem có thấy mũ của mình ở đâu không.

“Một cái mũ cát két thì có được không?” ông Green nói và rút từ trong túi ra một cái. “Biết đâu cái này anh lại đội vừa đấy.”

Karl, sửng sốt, đứng khựng lại và nói: “Dẫu sao thì tôi cũng sẽ không lấy mũ cát két của ông! Tôi hoàn toàn có thể đầu trần mà đi. Tôi chẳng cần gì hết.”

“Không phải mũ cát két của tôi đâu, cầm lấy đi.”

“Vậy thì cám ơn ông,” Karl nói để kết thúc chuyện cho nhanh, và cầm lấy cái mũ cát két. Anh đội nó lên đầu, rồi cười, bởi vì nó vừa khít đầu anh; anh lại cầm nó trên tay và ngắm nghía, nhưng không thể tìm thấy có gì đặc biệt; đó là một cái mũ cát két hoàn toàn mới. “Nó vừa lắm,” anh nói.

“Thế đấy, nó vừa lắm!” Green nói, đập tay xuống bàn.

Karl đang đi ra cửa để đến chỗ người hầu thì ông Green đứng dậy, duỗi người như một người vừa ăn quá nhiều và đã nghỉ ngơi thật lâu, đấm mạnh lên ngực và nói bằng cái giọng vừa có tính chất mệnh lệnh vừa như là lời khuyên: “Trước khi đi thì anh cũng phải chào từ biệt cô Klara chứ.”

“Phải thế đấy,” ông Pollunder nói, ông ta cũng đứng dậy. Căn cứ vào giọng nói thì có thể thấy những lời này không xuất phát từ đáy lòng, ông ta để hai bàn tay mềm oặt rơi xuống dọc đường chỉ chiếc quần của mình và không ngừng cài rồi lại cởi cúc cái áo vest, nó rất ngắn, theo mốt hồi này; nó chỉ dài xuống đến hông, khiến cho những ông nào bụng to như ông Pollunder mặc rất không hợp. Vả lại, khi thấy ông ta đứng cạnh ông Green, người ta có cảm giác rõ rệt là sự phương phi này không hề lành mạnh, xét toàn thể cái lưng hơi gù, bụng thì có vẻ mềm và sệ, một gánh nặng đích thực, khuôn mặt thì phờ phạc và nhăn nhúm. Ông Green, đang đứng, có lẽ còn béo hơn cả ông bạn mình, nhưng sự đồ sộ này đồng nghĩa với một sự béo bụng thích hợp với các bộ phận trợ đỡ lẫn nhau; hai chân đứng nghiêm, đầu thật thẳng, hơi lúc lắc một chút, trông ông ta thật giống một người chăm tập thể dục, một nhà lãnh đạo đích thực.

“Nào đi đi,” ông Green nói, “đến chỗ cô Klara đi. Chắc chắn việc này sẽ làm anh vui đấy, và nó cũng thích hợp với thời gian biểu của tôi. Tôi phải nói với anh, điều này là thật đấy, trước khi anh đi, một điều rất thú vị chắc có thể là then chốt đối với cuộc trở về của anh. Thật không may, theo lệnh trên, tôi bị buộc không được nói gì với anh trước nửa đêm. Anh có thể hình dung bản thân tôi cũng thấy bực vì điều đó lắm; nó ảnh hưởng đến giấc ngủ của tôi, nhưng tôi phải thực hiện mệnh lệnh. Bây giờ đang là mười một giờ mười lăm phút; thế nên tôi vẫn còn thời gian để nói xong công chuyện với ông Pollunder, trong lúc đó sự có mặt của anh chỉ có thể làm phiền chúng tôi, còn anh, anh có thể có một lúc vui thú với cô Klara. Đúng mười hai giờ, anh hãy tới đây, anh sẽ được biết điều cần thiết.”

Karl có thể nào cự tuyệt lời yêu cầu này không, nó chỉ đòi hỏi ở anh chút ít lịch thiệp, chút ít hành động biết ơn về phía ông Pollunder, và thêm nữa lời yêu cầu ấy được trao cho anh bởi một kẻ thô lậu, chẳng mấy liên quan, trong khi ông Pollunder, người liên quan mật thiết tới chuyện này, lại tránh hẳn ra, trong cả lời nói và ánh mắt? Và cái điều thú vị mà Karl sẽ chỉ được quyền biết vào lúc mười hai giờ đêm có thể là gì đây? Trừ phi nó giúp anh về sớm bốn mươi lăm phút thay vì làm anh bị muộn chừng ấy thời gian lúc này, thì anh chẳng mấy quan tâm. Nhưng mối lo lớn nhất của anh là có nên đến gặp Klara không, cô là kẻ thù của anh. Giá kể ít ra anh có cầm theo cây gậy nhỏ mà cậu anh đã cho anh làm cái chặn giấy! Phòng ngủ của Klara rất có nguy cơ là một hang ổ nguy hiểm. Thật không may anh không thể nói gì chống lại Klara: ông Pollunder là bố cô, còn Mack, như Karl vừa biết, là vị hôn phu của cô. Chỉ cần cô thay đổi chút ít thái độ của mình là Karl sẽ công khai tỏ lòng ngưỡng mộ cô vì những mối quan hệ xã hội của cô. Anh còn đang cân nhắc tất tật những điều này thì nhận ra mình đâu có được cân nhắc, bởi vì Green đã mở rộng cánh cửa và nói với người hầu, ông ta nhảy bật dậy từ cái bệ của mình: “Dẫn chàng trai này đến chỗ cô Klara.”

“Đấy là cách người ta thực hiện một mệnh lệnh đấy!” Karl nghĩ khi nhìn thấy người hầu già, thở hổn hển vì yếu sức, vắt chân lên cổ để đưa anh đến phòng cô Klara, theo một con đường nào đó đặc biệt ngắn. Khi đi qua trước phòng mình, với cánh cửa vẫn còn để mở, Karl muốn vào đó một chốc, có lẽ là để trấn tĩnh lại. Người hầu nhất định không cho.

“Không,” ông ta nói, “anh phải đến chỗ cô Klara. Chính anh cũng nghe thấy thế rồi còn gì.”

“Tôi sẽ chỉ ở đây một lúc thôi,” Karl nói, anh nghĩ mình sẽ gieo mình xuống trường kỷ một lúc, sao cho thời gian từ giờ đến mười hai giờ trôi qua nhanh hơn.

“Anh đừng làm cho mệnh lệnh mà tôi đang phải thực hiện trở nên nặng nề hơn chứ,” người hầu nói.

“Ông ta có vẻ coi cuộc thăm viếng bắt buộc này như một sự trừng phạt,” Karl nghĩ, trước tiên anh đi thêm vài bước, rồi bướng bỉnh dừng lại.

“Đến đây đi, chàng trai,” người hầu nói, “anh đã tới tận đây rồi. Tôi biết anh muốn đi đêm nay, nhưng không phải mọi việc đều diễn ra như ta muốn đâu; tôi đã nói ngay với anh rằng việc ấy chắc sẽ không ổn đâu mà.”

“Phải, tôi muốn đi và tôi sẽ đi,” Karl nói, “tôi chỉ muốn trước tiên chào tạm biệt cô Klara thôi.”

“Thế à,” người hầu nói, và Karl thấy rõ ông ta này không tin lấy một lời anh nói. “Thế tại sao anh lại do dự cái chuyện tạm biệt ấy? Đến đây đi!”

“Ai đang ở ngoài hành lang đấy?” đột nhiên giọng Klara vang lên. Cô gái thò đầu ra từ một cánh cửa gần đó. Cô cầm một cái đèn to bên trên có chụp màu đỏ. Người hầu vội lao tới trước cô chủ, và Karl chậm rãi đi theo.

“Anh đến muộn quá đấy,” Klara nói.

Tạm thời chưa đáp lại, Karl hạ giọng nói với người hầu, nhưng là giọng của một mệnh lệnh nghiêm khắc, vì anh đã biết tính cách của ông ta: “Đứng đợi tôi ngay cạnh cánh cửa này!”

“Tôi sắp đi ngủ rồi đây,” Klara nói, đặt cây đèn xuống bàn. Cũng như lúc ở dưới phòng ăn, người hầu nhẹ nhàng khép cánh cửa lại từ bên ngoài. “Hơn mười một giờ rưỡi rồi.”

“Hơn mười một giờ rưỡi rồi.” Karl lặp lại vẻ tư lự, như thể hoảng hốt trước con số này. “Thế thì tôi phải nói lời tạm biệt với cô ngay thôi,” anh nói thêm, “vì đúng mười hai giờ tôi sẽ phải quay lại phòng ăn.”

“Sao mà anh bận rộn thế!” Klara nói, lơ đãng chỉnh lại bộ đồ ngủ xộc xệch, mặt cô sáng bừng và cô mỉm cười không ngừng. Karl nghĩ mình sẽ không phải cãi nhau với cô nữa. “Thế anh không thể chơi piano một chút cho tôi nghe à, như bố tôi đã hứa với tôi hôm qua, còn anh hứa vào hôm nay!”

“Nhưng chẳng phải đã muộn quá rồi sao?” Karl hỏi. Anh những muốn làm cô vui lòng, vì giờ đây cô tỏ ra hoàn toàn khác với lúc trước, như thể đã ngoan ngoãn trong vòng cương tỏa của ông Pollunder và Mack.

“Phải, đã muộn rồi,” cô nói. Dường như ham muốn âm nhạc của cô đã không còn. “Và rồi một tiếng động nhỏ nhất ở đây cũng sẽ vang động khắp nhà; tôi chắc rằng, nếu anh chơi đàn, đám người hầu trên tầng áp mái sẽ bị đánh thức hết cả.”

“Thế thì bỏ mục âm nhạc nhé; thêm nữa tôi rất hy vọng sẽ sớm quay lại; vả lại, nếu điều này không làm cô thấy quá phiền, hôm nào đó cô hãy đến thăm cậu tôi và tận dụng dịp ấy để ngó qua nhà tôi. Tôi có một cây piano tuyệt lắm. Cậu tôi đã tặng nó cho tôi đấy. Tôi sẽ chơi cho cô nghe tất tật các bản nhạc nho nhỏ của tôi; tôi cũng không chơi được nhiều đâu, và chúng cũng không hợp với thứ nhạc cụ vĩ đại chỉ nên được chạm vào bởi những bậc thầy. Dẫu sao chắc cô cũng sẽ thích, nếu cô báo trước đúng lúc cho tôi về chuyến thăm của cô, vì cậu tôi sẽ sớm tìm cho tôi một ông thầy nổi tiếng - cô có thể hình dung tôi trông chờ thế nào - âm nhạc của ông ấy sẽ làm cô muốn đến thăm tôi trong lúc tôi tập. Nói thẳng nhé, tôi phải công nhận là tôi mừng vì đã quá muộn để có thể chơi cho cô nghe gì đó bởi vì tôi vẫn còn chưa biết gì hết cả; cô sẽ ngạc nhiên thấy tôi biết ít đến thế. Thôi giờ cho phép tôi tạm biệt cô nhé; dẫu sao cũng đã đến giờ đi ngủ rồi.” Và, vì Klara thân thiện nhìn anh, không nuôi chút hận thù nào về cuộc cãi cọ, anh mỉm cười nói thêm trong khi cô chìa tay cho anh: “Bên chỗ tôi, chúng tôi hay nói: Ngủ ngon và có những giấc mơ đẹp.”

“Đợi đã,” cô nói mà không rụt tay về, “có lẽ anh sẽ vẫn phải chơi cho tôi nghe một cái gì đó.” Và cô biến mất vào một cánh cửa nhỏ cạnh đó kê cây đàn piano.

“Gì thế này?” Karl nghĩ, “cô ấy có dễ mến đến thế nào thì mình cũng đâu có thể đợi lâu hơn được.” Có tiếng gõ vào cánh cửa ngoài hành lang, và người hầu, không dám mở hẳn cửa ra, thì thầm với anh qua khe cửa hé: “Xin thứ lỗi, tôi vừa bị gọi nên không đợi anh được nữa.”

“Thế thì đi đi,” Karl nói, giờ đây anh tin rằng mình sẽ tự tìm được đường xuống phòng ăn. “Chỉ cần để cái đèn lại ngoài cửa thôi. Mà mấy giờ rồi nhỉ?”

“Sắp mười hai giờ kém mười lăm rồi,” người hầu đáp.

“Sao mà thời gian trôi chậm thế!” Karl kêu lên. Người hầu sắp đóng cửa lại thì Karl chợt nhớ mình còn chưa đưa cho ông ta tiền boa, anh bèn lấy một đồng xu từ trong túi quần - anh đã nhiễm thói quen Mỹ để tiền xu ở túi quần và tiền giấy ở túi áo gi lê - và chìa người hầu, nói với ông ta: “Để thưởng cho công phục vụ của ông.”

Klara đã quay trở lại, bàn tay đặt trên mái tóc rối, Karl chợt nghĩ lẽ ra mình không được để người hầu đi; giờ thì ai sẽ đưa anh ra bến tàu điện ngầm đây? Dẫu sao, ông Pollunder sẽ tìm một người hầu khác; vả lại cũng có thể ông ta bị gọi xuống phòng ăn; thế thì lát nữa sẽ gặp lại ông ta ngay thôi.

“Chơi cho tôi nghe một chút nhạc đi. Ở đây chúng tôi hiếm khi được nghe nhạc lắm nên không thể để mất đi một cơ hội như thế này.”

“Thế thì đúng lúc rồi đây,” Karl nói. Và anh ngồi ngay xuống chỗ cây đàn.

“Anh có muốn tổng phổ không?” Klara hỏi.

“Cám ơn, thậm chí tôi còn chưa đọc trôi được các nốt cơ,” Karl nói, tay đã bắt đầu chơi. Đó là một bản nhạc nhỏ đòi hỏi, anh biết rất rõ điều này, phải chơi khá chậm để có thể hiểu được, nhất là với những người nước ngoài, nhưng anh chơi nó theo nhịp hành khúc, một cách máy móc. Khi anh chơi xong, sự tĩnh lặng vừa bị khuấy động của ngôi nhà ồ ạt quay trở về chỗ của nó. Họ ngồi ở đó, lúng túng, không dám động đậy đến một ngón tay.

“Hay lắm,” Klara nói. Nhưng chẳng câu nói đẹp đẽ nào có thể làm Karl cảm thấy vui sướng sau khúc nhạc này.

“Mấy giờ rồi?” anh hỏi.

“Mười hai giờ kém mười lăm.”

“Vậy thì tôi vẫn còn một ít thời gian,” anh nói và nghĩ riêng: “Phải lựa chọn thôi. Mình đâu có bị buộc phải chơi hết mười bản mà mình biết, nhưng mình có thể chơi một bài mà.” Và anh bắt đầu chơi bản nhạc lính mà anh rất thích. Anh chơi nó chậm đến nỗi sự trông chờ chộn rộn của người nghe cứ bị kéo dài ra mãi đến nốt tiếp theo, mà Karl giữ lâu đến hết mức có thể rồi mới chịu nhả ra. Cũng như mọi khi, anh phải đưa mắt tìm các nốt trên bàn phím, nhưng anh cũng cảm thấy nỗi buồn nảy sinh trong lòng anh cứ tìm kiếm ý nghĩa của nó sau khi kết thúc bản nhạc kia nhưng không sao tìm thấy. “Thực sự là chẳng hay đâu,” Karl nói sau khi chơi xong, nước mắt rưng rưng nhìn Klara.

Đúng lúc ấy từ căn phòng bên cạnh vang lên những tiếng vỗ tay rất lớn. “Còn có một người khác đang nghe!” Karl kêu lên và nhảy bật dậy.

“Mack đấy,” Klara hạ giọng nói. Và đã nghe thấy tiếng Mack gọi: “Karl Roßmann, Karl Roßmann.”

Karl nhảy bật dậy từ cái ghế ngồi chơi đàn và mở cửa ra. Anh nhìn thấy Mack đang nửa nằm nửa ngồi trên một cái giường lớn có lọng che; cái chăn vứt lộn xộn trên hai chân anh ta. Tấm màn chăng phía trên giường bằng lụa xanh lơ là chi tiết duy nhất mang chút nữ tính ở cái giường đơn giản, góc cạnh và nặng nề này. Trên cái bàn nhỏ đầu giường thắp một ngọn nến duy nhất, nhưng ga trải giường và áo sơ mi của Mack trắng đến nỗi ánh nến phản chiếu lại từ đó gần như thành chói lòa; các mép của cái lọng che cũng lấp lánh sáng, và thứ vải lụa của nó hơi chùng xuống. Nhưng, đằng sau Mack, cái giường và mọi thứ khác chìm vào bóng tối hoàn toàn. Klara dựa vào thành giường và chỉ còn dành ánh mắt cho Mack.

“Xin được phục vụ anh,” Mack nói, chìa tay ra với Karl. “Anh chơi thực sự rất hay đấy, cho đến giờ tôi mới chỉ được biết tài năng cưỡi ngựa của anh.”

“Tôi kém khoản âm nhạc cũng ngang với cưỡi ngựa,” Karl nói. “Nếu biết là anh lắng nghe thì chắc chắn tôi đã không chơi. Nhưng… quý cô… của anh…”

Rồi anh im tịt: anh do dự không dám nói “vợ chưa cưới của anh”, vì rõ ràng Mack và Klara đã ngủ với nhau.

“Tôi đã ngờ vậy mà,” Mack nói. “Vì vậy mà Klara phải thu hút anh từ New York tới đây; nếu không chắc sẽ chẳng bao giờ tôi được nghe anh chơi đàn. Anh đúng là người mới tập chơi, và ngay cả trong những bản mà chắc anh đã luyện rất nhiều, chúng ở mức đơn giản sơ đẳng, anh cũng phạm vài lỗi; nhưng tôi vẫn rất thích vì được nghe, mà điều đó không liên quan gì đến việc tôi chẳng bao giờ coi thường bất kỳ ai chơi đàn. Anh không muốn ngồi và ở lại đây một lát với chúng tôi à? Klara, lấy cho anh ấy một cái ghế đi.”

“Tôi xin cám ơn,” Karl ấp úng nói. “Tôi không thể ở lại, mặc dù tôi có muốn đến đâu. Tôi biết quá muộn rằng trong ngôi nhà này có những căn phòng tiện nghi như thế này.”

“Tôi đang cho cải tạo toàn bộ theo phong cách này đấy,” Mack nói.

Đúng lúc đó, mười hai tiếng chuông vang lên, nhanh đến nỗi tiếng này lại lẩn vào tiếng trước đó. Karl cảm thấy gió tạo ra từ những cái chuông lướt qua má. Ngôi làng nào mà lại có những cái chuông như thế nhỉ!

“Đến lúc rồi,” Karl nói. Anh chỉ chìa tay cho Mack và Klara mà không nắm lấy tay họ rồi chạy vội ra. Trong hành lang anh không tìm thấy cái đèn và tiếc vì đã đưa tiền boa quá sớm cho người hầu.

Anh dò dẫm theo bức tường hành lang để tìm về cánh cửa phòng mình, nhưng mới đi được nửa đường thì thấy Green đang đi về phía anh, ông ta đi vội vã, người lúc lắc và cầm một ngọn nến. Trên bàn tay cầm nến, ông Green cũng cầm một bức thư.

“Roßmann, tại sao anh không xuống? Tại sao anh lại bắt tôi phải đợi? Anh đã làm gì ở chỗ cô Klara thế hả?”

“Gì mà hỏi nhiều thế!” Karl nghĩ “và giờ ông ta lại còn dồn mình vào tường nữa.” Quả thật, ông Green đang đứng sững trước Karl, anh phải dựa lưng vào tường. Trong dãy hành lang này Green trông to lớn đến lố bịch và Karl phải vừa cười vừa tự hỏi chẳng biết ông ta có tình cờ ăn thịt mất ông Pollunder tốt bụng hay không.

“Anh không phải người biết giữ lời. Anh hứa sẽ xuống vào lúc nửa đêm, thế mà thay vì làm thế, anh lại rón rén lảng vảng quanh cửa phòng cô Klara. Trong khi tôi đã hứa vào đúng nửa đêm sẽ nói cho anh một điều thú vị, tôi đã ở đây rồi, cùng sự ngạc nhiên của tôi đấy.” Nói đến đây ông ta đưa bức thư cho Karl.

Trên phong bì có thể đọc: “Đưa tận tay cho Karl Roßmann vào nửa đêm cho dù nó ở đâu.”

“Dẫu sao,” ông Green nói trong lúc Karl mở bức thư ra, “cũng phải nói là tôi đã cất công đi từ New York đến đây gặp anh, thế thì anh cũng có thể tránh cho tôi cái việc phải chạy theo anh trong các hành lang chứ.”

“Từ cậu tôi!” Karl nói ngay từ cái nhìn đầu tiên.

“Tôi đã nghĩ thế mà,” anh nói thêm, quay về phía ông Green.

“Anh có nghĩ thế hay không thì tôi cũng hoàn toàn chẳng quan tâm. Đọc đi,” ông Green nói, đưa ngọn nến lên một góc thích hợp.

Karl bèn đọc:

“Cháu thân mến,
“Như cháu hẳn đã thấy trong cuộc sống chung của chúng ta, thật không may là hết sức ngắn ngủi, ta là một người nguyên tắc, điều ấy hết sức đáng nản và đáng buồn không chỉ đối với những người xung quanh ta mà cả đối với chính ta nữa. Tuy nhiên chính nhờ các nguyên tắc ấy mà ta đã trở thành ta như ngày hôm nay, và không ai có quyền đòi ta phủ nhận cuộc sống của ta, không ai, kể cả cháu, cháu thân mến, mặc dù chính cháu sẽ là người đầu tiên nếu có bao giờ ta cho phép một cuộc tấn công toàn diện vào ta như thế. Lúc đó ta sẽ rất sung sướng dùng hai bàn tay đang cầm và viết lên tờ giấy này nhấc bổng cháu lên. Nhưng vì lúc này chẳng gì cho thấy việc ấy có thể xảy đến một ngày nào đó, ta buộc phải đuổi cháu đi sau những gì đã xảy ra hôm nay, và ta yêu cầu cháu không tìm cách gặp ta cũng như tìm cách liên lạc với ta, hoặc qua thư hoặc qua những người trung gian. Tối nay cháu đã quyết định rời khỏi ta trái với ý muốn của ta, thế thì cháu hãy giữ quyết định ấy cả đời cháu, có như vậy nó mới đáng là một quyết định của người đàn ông. Để mang tới cho cháu tin này, ta đã chọn người bạn thân nhất của ta, ông Green, chắc chắn ông ấy sẽ tìm được những lời nhân từ để nói với cháu, thực sự chúng không chịu đến với ta vào lúc này. Đó là một người nhiều ảnh hưởng và, dẫu chỉ xuất phát từ tình yêu với ta, ông ấy sẽ có những lời nói và hành động giúp cho những bước đi tự lập đầu tiên của cháu. Để mường tượng được sự chia cách mà ta thấy thật không thể hiểu nổi vào giây phút viết xong bức thư này, ta buộc phải tự nhắc đi nhắc lại rằng từ gia đình cháu chẳng bao giờ có gì tốt đẹp cho ta, Karl ạ. Nếu ông Green quên đưa trả cháu cái rương và cái ô, thì cháu nhắc ông ấy nhé.
“Những lời chúc tốt đẹp nhất của ta cho thành công trong cuộc sống sau này của cháu.

“Cậu Jakob tận tụy của cháu.”


“Anh đã đọc xong chưa?” ông Green hỏi.

“Rồi,” Karl đáp.

“Ông có mang cho tôi cái rương và cái ô không?” Karl hỏi.

“Đây này,” Green nói và đặt xuống đất gần chỗ Karl cái rương nhỏ mà ông ta vẫn xách cho tới lúc đó, bằng tay trái, giấu đằng sau lưng.

“Còn cái ô thì sao?” Karl hỏi tiếp.

“Tất cả ở đây,” ông Green nói, chỉ vào cái ô mà ông ta đã móc vào túi quần mình. “Có một người tên là Schubal, máy trưởng ở hãng tàu thủy Hamburg-Amerika đã mang những thứ này đến; ông ta bảo tìm thấy chúng trên tàu, khi nào có dịp nhớ cảm ơn ông ta nhé.”

“Ít nhất thì tôi cũng đã tìm lại được những đồ đạc cũ,” Karl nói, đặt cái ô lên trên cái rương.

“Nhưng tốt hơn hết là trong tương lai cần để ý đến chúng; chính ông Nghị sĩ chuyển lời này đến anh đấy,” ông Green nói, rồi hỏi thêm, rõ ràng là vì sự tò mò riêng: “Cái rương kỳ quặc này là gì vậy?”

“Đây là cái hòm mà những người mới nhập ngũ ở đất nước tôi mang theo khi họ đầu quân,” Karl đáp, “đây là cái hòm lính cũ của bố tôi.” Và anh mỉm cười nói thêm: “Nó tiện lắm, lẽ dĩ nhiên với điều kiện không để quên nó ở đâu đó.”

“Giờ thì anh nhận đủ các chỉ dẫn rồi,” ông Green nói, “nhiều khả năng là anh không có một ông cậu thứ hai ở Mỹ. Đây là một vé hạng ba đi San Francisco. Tôi đã đã chọn chỗ đó cho anh, trước hết bởi vì bên bờ Đông anh sẽ dễ tìm việc hơn, thứ nữa là vì ở đây, cậu anh có quan hệ với mọi nơi mà anh có thể tính vào xin việc, và tuyệt đối phải tránh một cuộc gặp mặt. Ở San Francisco anh sẽ thoải mái mà làm việc, hãy bắt đầu từ nấc thang thấp nhất rồi cố gắng đi dần lên, tùy theo sức của anh.”

Trong những lời này Karl không thấy có chút độc ác nào; cái tin tồi tệ mà Green mang theo suốt buổi tối đã được chuyển, vậy nên Green đã trở thành một nhân vật vô hại mà ta có thể nói chuyện thẳng thắn hơn so với mọi người khác. Con người tốt bụng nhất trên đời này, ngay khi được chọn mặc dù chẳng hề làm điều gì sai trái để chuyển đi một quyết định bí ẩn và tàn nhẫn đến thế, đã tỏ ra khả nghi một cách cần thiết khi còn mang nó bên mình.

“Tôi sẽ,” Karl nói, trông đợi từ ông Green sự nhất trí của một người nhiều kinh nghiệm, “rời khỏi ngôi nhà này ngay lập tức, bởi vì tôi đã chỉ được tiếp đón ở đây với tư cách cháu của cậu tôi: là người nước ngoài, tôi chẳng có gì để làm ở đây. Ông có thể tốt bụng chỉ cho tôi lối ra và đưa tôi tới đầu con đường dẫn đến quán trọ gần đây nhất không?”

“Thế thì nhanh lên nào!” Green nói. “Sao mà nhiều rắc rối thế!”

Trông thấy ông Green vội vã rảo bước, Karl vẫn đứng yên, vì sự vội vàng này thật khả nghi, anh túm lấy vạt áo vest của Green và nói, đột nhiên được soi sáng về bản chất thực của vấn đề: “Ông còn phải giải thích cho tôi một điều. Trên bì thư mà ông phải chuyển cho tôi chỉ ghi là phải đưa cho tôi vào lúc nửa đêm dù cho tôi ở đâu. Thế thì tại sao ông lại giữ tôi lại đây khi mà tôi đã muốn đi khỏi vào lúc mười một giờ mười lăm phút? Ông đã làm quá nghĩa vụ!”

Trước khi trả lời Green dùng tay phác một cử chỉ cho thấy một cách hùng hồn tính chất vô ích trong nhận xét của Karl, rồi ông ta tuyên bố: “Thế trên phong bì có viết là tôi phải chạy đôn đáo theo sau anh hay không? và nội dung của bức thư có cho thấy rằng những gì viết ngoài phong bì phải được giải thích như vậy hay không? Nếu không giữ anh lại, chắc tôi đã phải đưa thư cho anh ngoài đường cái lúc nửa đêm rồi.”

“Không,” Karl nói, hết sức chắc chắn vào bản thân, “hoàn toàn không phải như thế. Trên phong bì viết: “Đưa vào nửa đêm.” Nếu quá mệt, hẳn ông còn chẳng thể nào đuổi theo tôi cơ, hoặc giả, mặc dù ông Pollunder cứ phản đối, lẽ ra tôi đã ở nhà cậu tôi vào lúc nửa đêm, hoặc nữa lẽ ra nghĩa vụ của ông là phải lái xe đưa tôi về - dường như khả năng này bị cố tình lờ đi - bởi vì tôi đã vội vã quay về đến thế cơ mà. Cái câu ấy chẳng nói rõ rằng nửa đêm là giới hạn cuối cùng à? Chính ông phải chịu trách nhiệm vì sự chậm trễ của tôi.”

Nhìn Green bằng một dáng vẻ nghiêm khắc, anh thấy rõ ở bên trong ông ta nỗi nhục bị lột mặt nạ đang chiến đấu với niềm vui vì đã thực hiện được ý đồ của mình. Nhưng rốt cuộc Green bình tâm lại và nói: “Đừng nói gì thêm nữa” bằng đúng cái giọng như thể Karl, tuy nhiên anh im lặng từ lâu, ngắt lời ông ta giữa lúc ông ta đang nói, sau đó ông ta đẩy anh ra ngoài, cùng cái hòm và cái ô, qua một cửa nhỏ mà ông ta mở ra ở trước mặt.

Karl kinh ngạc thấy mình đang ở ngoài trời. Anh đứng trên đỉnh một cầu thang không lan can dẫn xuống dọc theo bức tường. Anh chỉ cần đi xuống, rồi rẽ sang phải, đi thêm một chút là đã ở trên lối đi dẫn ra ngoài đường. Anh nghe thấy trong khu vườn tiếng sủa của lũ chó đang tự do chạy giữa đám cây tối om. Ngoài ra thì mọi thứ đều im ắng, có thể nghe thấy rất rõ tiếng chúng nhảy lên thật mạnh rồi rơi xuống bãi cỏ.

Karl ra khỏi vườn mà chúng không hề để ý. Anh không thể quyết định một cách chắc chắn xem New York nằm ở hướng nào, lúc đến đây anh đã quá ít quan tâm đến các chi tiết lúc này có thể giúp cho anh. Rốt cuộc anh tự nhủ dẫu sao thì đâu có nhất thiết phải đi tới New York nơi chẳng ai đợi anh và ngược lại, là nơi ai đó chắc chắn đang không hề đợi anh. Anh bèn chọn bừa một hướng và bắt đầu bước đi.


4 comments:

  1. Chờ chương 4 lâu quá Nhilinh ơi.

    ReplyDelete
  2. Thank you for the auspicious writeup. It in fact was a amusement account it.
    Look advanced to more added agreeable from you! By the way,
    how can we communicate?

    ReplyDelete
  3. 2015, có lẽ là năm người ta "trong tình yêu" nhất.

    ReplyDelete