Jul 12, 2015

Nguyễn Tuân đọc sách

Một câu hỏi mà tôi rất hay tự đặt ra: nhà văn Việt Nam đọc gì?

Truyền thống của chúng ta, mặc dù có một quá khứ báo chí vô cùng dồi dào, không quy định các nhà văn nói công khai quá nhiều về những gì họ đọc. Ta không thường biết được nhà văn này thì say mê đọc ai, có thể bình luận về một nhà văn nào đó như thế nào, có cách hiểu riêng độc đáo nào không, và việc đọc ấy tác động đến họ ra sao. Tất nhiên, ta biết được Khái Hưng biết rất kỹ văn chương thế giới, từng viết tưởng niệm khi Wells qua đời (bất ngờ đấy - tôi sẽ nói kỹ về trường hợp này), bình luận văn chương Pearl Buck, hoặc Thanh Tâm Tuyền, ít nhất một thời gian, rất mê André Malraux.

Nhưng phần lớn, ta cần suy luận, và chủ yếu, ta cần nhặt nhạnh một cách có ý thức. Không phải vì nhà văn Việt Nam ít bình luận văn chương người khác mà ta có thể kết luận họ ít đọc, vì ở nhiều trường hợp, họ không thấy có trách nhiệm phải nói ra, nhiều người lại không có thói quen ghi chép ý nghĩ của mình, hoặc giả ghi chép của họ đã biến mất. Ví dụ, ở trường hợp Đinh Hùng, mặc dù có dấu vết rõ ràng, nhưng cũng cần nhiều suy luận thì tôi mới có thể khẳng định (gần như chắc chắn) rằng nhà thơ nước ngoài mà Đinh Hùng "học tập" nhiều nhất là Baudelaire (xem thêm ở đây). Mối quan hệ Đinh Hùng-Baudelaire còn cần quay trở lại kỹ hơn ở một điểm then chốt: Đinh Hùng đã hiểu thơ Baudelaire, nhất là Ác hoa, như thế nào? Một đề tài cực kỳ thú vị.

Ta cần nhặt nhạnh: đọc hồi ký của Tô Hoài, ta biết hồi nhỏ Tô Hoài đọc và rất bị Sans famille ám (xem thêm ở đây).

Cũng vẫn liên quan đến Tô Hoài: trong Những gương mặt, Tô Hoài có bài viết về Trần Đăng. Tôi chú ý nhất đến chi tiết này: sau khi Trần Đăng hy sinh, lúc cái ba lô được giao lại, Tô Hoài kiểm kê trong đó, ngoài giấy tờ sổ ghi chép, vật dụng cá nhân, có sách. Thời gian cuối đời, Trần Đăng đọc Malaparte. Một điều bất ngờ quá lớn, tôi đã nói rất nhiều về Curzio Malaparte, nhà văn Ý thật ra gần đây mới thực sự được châu Âu coi trọng, thực sự đánh giá là một nhà văn lớn của Thế chiến thứ hai, thì thời Sài Gòn trước 1975 Thế Uyên cùng nhóm Thái Độ đã dịch, Bửu Ý dịch Mặt trời mù, Nguyễn Quốc Trụ dịch Thượng đế đã chết trong thành phố, và trước hẳn đó, thời kháng chiến chống Pháp, Trần Đăng có sách của Malaparte trong ba lô. Theo một cách thức nào đó, các nhà văn Việt Nam, trong hoàn cảnh chiến tranh giăng giăng không dứt của mình, đã nhìn ra một confrère cùng mối quan tâm, hiểu được tầm vóc của Malaparte, chứ còn rất gần đây mới có một cuốn tiểu sử chu đáo về Malaparte, một cuốn sách rất hay của Serra Maurizio.

Tôi sẽ kể vài điều mà tôi từng bắt gặp, làm tôi kinh ngạc, trong riêng địa hạt Nhà văn Việt Nam đọc gì này.

Tôi từng muốn nhớ ra nhà văn Pháp nào từng phân tích từ "locomotive" (đầu máy xe lửa) rất đặc biệt, để chứng minh ngôn ngữ không hề võ đoán, không phải là phần âm tách biệt hẳn với đối tượng, tức là phản đối lý thuyết ngôn ngữ học của Saussure và phần nào quay trở về với một lý thuyết ngôn ngữ tưởng chừng rất cổ lỗ, nhấn mạnh vào "motivation" của các từ, tức là Cratylism của Platon. Nhớ mãi không ra là ai, cho tới khi đọc Võ Phiến, Võ Phiến cũng đã đọc về điều này, và nói rõ người bình luận "locomotive" là Paul Claudel (xem thêm ở đây).

Cũng rất bất ngờ khi tôi biết được rằng trước khi viết Nỗi buồn chiến tranh thì Bảo Ninh đã đọc Vassily Grossman. Xưa nay người ta gắn chặt Bảo Ninh với việc đọc Remarque, nhưng không phải điều ấy là quan trọng nhất: phải Grossman, chứ không phải Remarque, mới có thể là người gợi ý những điều đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết ấy.

Trong hồi ký của mình, rất đột nhiên, Nguyễn Khải dành hẳn một chương để bình luận Cung oán. Những bình luận ấy không hề tầm thường.

Nhưng tất lẽ dĩ ngẫu, nhà văn Việt Nam hấp dẫn nhất ở phương diện đọc sách phải là Nguyễn Tuân.

Như rất nhiều trường hợp khác, ngay cả với Nguyễn Tuân, tôi nghĩ là chúng ta còn chưa thể có được một "toàn tập" đúng nghĩa. Mới gần đây tôi đã công bố một truyện ngắn dường như đã hoàn toàn bị lãng quên của Nguyễn Tuân (xem thêm ở đây). Nguyễn Tuân còn nhiều thứ như vậy rải rác trên báo chí nữa.

Và chuyện đọc sách. Ta hãy xem quyển sách in trong thập niên 50 này:


Không chỉ Trần Dần đáng nhớ với cách đọc Dostoievski rất riêng của mình (xem ở đây), mà cả Nguyễn Tuân nữa.

Giới sưu tầm sách chúng tôi lâu lâu lại bắt gặp một quyển sách nào đó, chủ yếu là tiếng Pháp, từng nằm ở nhà Nguyễn Tuân, bằng cách nào đó đã lọt ra ngoài, có chữ ký của Nguyễn Tuân, thậm chí lắm khi còn có những lời ghi chú. Đó là những thú vị nho nhỏ.

Ta sẽ quay trở lại sau với những điều cụ thể mà Nguyễn Tuân từng viết về Dostoievski, giờ chỉ nói thêm một chi tiết: từ quyển sách trong ảnh, tôi đã lần tìm tiếp, vì tôi đặt giả định, Nguyễn Tuân phải viết rất nhiều về những cuốn sách đã đọc (riêng bài Nguyễn Tuân viết về Dostoievski thì sau này đã xuất hiện trở lại, nhiều người đã đọc). Và quả thật, điều đó đúng: Nguyễn Tuân từng có một cuốn sách bị cấm xuất bản, cuốn sách ấy tập hợp các bài đọc sách, và dường như nó mang nhan đề Tôi đọc. Nếu tìm lại được bản thảo, ta sẽ hiểu thêm một phương diện quan trọng của Nguyễn Tuân.

14 comments:

  1. "Các nhà văn đọc gì?" - là một câu hỏi thuộc về "privacy" phải không bạn Nhị Linh? Và đúng như NL nói, họ không có trách nhiệm phải nói với ai, thậm chí khi họ không hề đọc một cuốn nào cả, phỏng? Điều cần thiết hơn cả là họ phải suy tư và tưởng tượng.

    - Gió, chướng tiếp tục vì được khích lệ ;p

    ReplyDelete
  2. private một cách tương đối :p

    bác lưu lạc lênh đênh cũng oách lắm rồi đấy nhỉ

    ReplyDelete
  3. Trần Thanh XuânJul 12, 2015, 6:55:00 PM

    Hỏi bạn một chút. chắc bạn biết Thomas Ha rdy. Hồi xưa tôi có kiếm được một cuốn, miền Nam dịch là Trinh nữ, nguyên gốc là Tess dUrberville,tôi cho một người bạn mượn, anh ta không trả lại. Cách đây hơn chục năm tôi có thoáng thấy ở hiệu sách, bản dịch khác, lúc ấy không mang tiền, sau nhãng đi, rảnh rỗi tìm lại thì không thấy ở đâu. Bạn có biết mách dùm. Cám ơn nhiều

    ReplyDelete
    Replies
    1. bác xem ở đây:

      http://nhilinhblog.blogspot.com/2013/12/sach-thang-muoi-mot-2013.html?m=1

      Delete
  4. Trần Thanh XuânJul 12, 2015, 8:18:00 PM

    Cám ơn bạn

    ReplyDelete
  5. Trần Thanh XuânJul 13, 2015, 8:32:00 PM

    Ờ, nhưng mà làm phiền thêm bạn một tí. Có vẻ như bạn không biết đến một bản dịch Tess dUrberville được in vào quãng năm 2002, tôi đã cầm lên xem ở hàng của tổng công ty PHS phố Tràng Tiền. Có thể bây giờ mà đọc lại T. Hardy thì hơi oải, như bạn nói, nhưng thực tình tôi muốn đọc lại Trinh nữ hay một bản dịch khác. Liệu có cách nào không?

    ReplyDelete
  6. 2002 thì nhiều khả năng là bản dịch Trương Võ Anh Giang (có ảnh trong đường link)

    về nguyên tắc, cái gì chẳng có thể đọc lại được, chỉ cần đi mua :p

    ReplyDelete
  7. Trinh Nữ, trước 1975 dịch rồi, nhà xb Sống Mới, hoặc Vàng Son, không nhớ rỏ. NQT

    ReplyDelete
  8. Trinh nữ là bản dịch của Nguyễn Quỳnh in tại nhà Nhị Khê 1973

    ReplyDelete
  9. Trần Thanh XuânJul 14, 2015, 6:07:00 PM

    Có thể mua được ở đâu hả bạn?

    ReplyDelete
  10. bác vào facebook, tìm mấy người bán sách cũ (nhiều lắm) rồi hỏi họ, có khi chưa đến 10 phút là bác tìm ra í mà

    ReplyDelete
  11. Tìm lại và đã thấy, cả bài viết Trần Dần đọc Dostoievski

    ReplyDelete
  12. cũng như lúc đọc Lỗ Tấn hay Nguyễn Du, Nguyễn Tuân đọc Dostoyevsky đi tìm một ngôn ngữ sống được, mở ra được những chân trời khác - đi đến tận cùng thực tại để cách mạng, để tự do; so sánh những bài đọc phát sốt phát ngất ấy với bài đọc Thạch Lam trong cùng tập thì thật là funny

    người hoàng hôn, người khẩn cầu, người đi qua bóng tối: con mắt Nguyễn Tuân đâu khác con mắt Thanh Tâm Tuyền: chỉ là hai thí nghiệm khác nhau, nhưng càng khác thì lại càng là một

    Những mảng lớn tác phẩm của Đốt là những đoạn giao thoại rất có tính kịch, như là có thể cứ thế mà đưa lên sân khấu. Những người sành đọc tiểu thuyết của văn hào Tolstoi thường nói rằng trong tiểu thuyết chúng ta nghe thấy nhân vật động tiếng, có tiếng nói, vì chúng ta đã trông thấy nhân vật đó. Với Dostoievsky, chúng ta chỉ trông thấy được họ sau cái khi nghe thấy. Nhân vật Dostoievsky lúc im lặng, khi họ mà còn chưa cất tiếng lên chữ nào thì họ đều là những cái bóng cô hồn. Người đọc Đốt có cảm tưởng như mình bước vào một căn phòng mờ mờ tối, sự vật và con người đều lờ mờ hình nét, và trong đó người ta nghe thấy xì xào, không rõ những lời lẽ phào phào đó là của những ai. Rồi người ta quen dần dần với những con người đó, nhân vật của Đốt hiện dần lên và rực sáng lên như những thỏi sắt nung đỏ. Nhờ có thị dục mà nhân vật Dostoievsky hiện lên rừng rực.

    Dưới nhiều hình thù các tầng lớp xã hội, nhưng họ vẫn chỉ là những hóa thân của một thứ con người khát vọng tìm chân lý của sự sống. Không còn gì quái rợn bằng cái sự tương phản giữa cái tiều tụy bên ngoài như thế với cái say sưa có tính chất trí tuệ và sự phong phú trong tấm lòng của các nhân vật chính và phụ của Dostoievsky.

    Cái không khí tiểu thuyết Dostoievsky rất hiện thực. Nhưng nó lại tạo cho người đọc có một cảm tưởng bỡ ngỡ, cho như đó là những sự việc xảy ra ở một cuộc đời nào ở ngoài cái cuộc đời ta đang thực sự sống đây. Tác phẩm Dostoievsky vừa cuốn hút người đọc, vừa làm người đọc khó chịu muốn lánh nó. Cái khuyết điểm của cả cuộc đời Đốt và cả nghệ thuật Đốt nữa, là không có sự nghỉ hơi. Phong cảnh thiên nhiên, Đốt không bao giờ chú trọng đến. Tự nhiên và vũ trụ của Dostoievsky chỉ đóng khung vào con người, một thứ con người u ám, một thứ phong cảnh thê lương trong nội tình một con người "nhân dục vô nhai." Họ là những con người toàn tâm linh và toàn thần kinh. Không bao giờ ta thấy nhân vật Đốt ngồi ăn ra sao, uống ra sao, và hình như không thấy lúc nào họ ngủ. Họ toàn là thức giấc, lúc nào cũng như lên một cơn sốt rung cả một cuộc sống bên trong lên. Họ đều là những người ngoa ngoắt, và trong nhân sinh quan, đều mắc cái bệnh viễn thị. Họ sống với cái tâm lý của người định làm tiên tri.

    ReplyDelete