May 26, 2015

Trở về cổ điển: Cung oán

Cung oán rõ ràng có những câu thơ tuyệt đỉnh:


Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này


Có những câu thơ nhẹ nhàng đi vào thế giới thành ngữ một cách hiển nhiên không thể khác:

Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm

Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng Dương lồng bóng Đồ my trập trùng

Chống tay ngồi ngẫm sự đời
Muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê

Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương

Mùi phú quý nhử làng xa mã
Bả vinh hoa lừa gã công khanh
Giấc Nam Kha khéo bất tình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không

Tài năng của Nguyễn Gia Thiều, chỉ có thể miêu tả là như sấm dậy, như chớp giật, và đã từ lâu một người biết thưởng thức thơ đúng nghĩa là phải rành Cung oán, thấm được cái u sầu của nó, rùng mình với nỗi cô độc của người cung nữ, thấu hiểu dung nhan tàn tạ hờn dỗi ngày ngày tháng tháng nhưng lòng vẫn một mực mơ đến cửu trùng:

Buồn này mới gọi buồn sao
Một đêm nhớ cảnh biết bao nhiêu tình
Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi
Những hương sầu phấn tủi sao xong
Phòng khi động đến cửu trùng
Giữ sao cho được má hồng như xưa

Nhưng tại sao Cung oán không thể trở thành "tác phẩm của dân tộc"? Trả lời được câu hỏi này là hiểu được một phần quan yếu của lịch sử và tâm hồn cả một dân tộc.

Cung oán cũng như Chinh phụ đều lấy giọng của phụ nữ. Cứ như thể ở một giai đoạn, những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam đều thấy là cần phải lấy giọng nữ (trong văn chương trung đại, việc lấy giọng nữ không có gì là lạ, nhưng việc cả Cung oán lẫn Chinh phụ và một phần nào, cả Kiều, cho thấy "giọng nữ" giống như là một "mệnh lệnh văn chương" mà những con người nhạy cảm hết sức kia vô cùng thấu suốt; và thật ra ở các truyện thơ này, giọng nữ không còn là một thủ pháp như trước đây nữa, mà đã trở thành cốt yếu).

Cung oán có cách xa Kiều không? Người ta hay nói đến chất "bác học" của Cung oán, qua đó cũng muốn giải thích sở dĩ Cung oán không có được địa vị như Kiều là vì nó không thực sự dễ hiểu. Điều này dĩ nhiên đúng, nhưng Cung oán đâu có quá xa với Kiều. Nó có thể cách Kiều nhiều hơn so với chẳng hạn Mai Đình mộng ký so với Kiều, nhưng về cơ bản, các nhà thơ này đều chung nhau rất nhiều thứ: họ đều khuyên nhủ con người ta đừng quá lụy tình, phải tránh xa bả vinh hoa phú quý, đừng quá trọng tài, biết nhận thức được bọt bèo phù thế và hệ lụy của hồng nhan, của ưu thế bẩm sinh. Triết lý của Cung oán, những than thở liên tu bất tận của nó không hề cách xa "tinh thần thời đại", những tâm tình của nó vô cùng chân thực:

Kìa thế cục như in giấc mộng
Máy huyền vi mở đóng khôn lường

Thảo nào khi mới chôn nhau
Đã mang tiếng khóc ôm đầu mà ra

Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì

Hạt mưa đã lọt miền đài các
Những mừng thầm cá nước duyên may
Càng lâu càng lắm càng hay
Cho cam công kẻ nhúng tay thùng chàm

Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Gương loan bẻ nửa dải đồng xẻ đôi

Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền

Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Để gầy bông thắm để xơ nhụy vàng

Giết nhau chẳng cái Lưu cầu
Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa
Tay Nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
Đang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra

Hoàng hôn thôi lại hôn hoàng
Nguyệt hoa thôi lại thêm buồn nguyệt hoa
Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng
Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn
Tình buồn cảnh lại vô duyên
Tình trong cảnh ấy cảnh bên tình này

Nghĩ mình lại ngán cho mình
Cái hoa đã trót gieo cành biết sao

Trên chín bệ có hay chăng nhẻ
Khách quần thoa mà để lạnh lùng
Thù nhau chi hỡi đông phong
Góc vườn dãi nắng cầm bông hoa đào

Thế nhưng Cung oán vẫn cứ là một tác phẩm thơ ca đứng dạt hẳn về phía trác tuyệt, và như thế nghĩa là cách xa tâm hồn dân tộc.

Vấn đề ở chỗ nào?

Vấn đề nằm ở mức độ: cả ba bài thơ đẹp tuyệt Kiều, Chinh phụCung oán đều lấy giọng nữ, như đã nói ở trên, nói chính xác hơn là đều gây dựng tâm tình phụ nữ, điều đó đồng nghĩa với việc cả Nguyễn Du, Đặng Trần Côn (+ Đoàn Thị Điểm) và Nguyễn Gia Thiều đều có chung một cảm thức: phải cúi xuống. Cúi xuống những gì vốn bị coi là thấp kém, bị giày xéo một cách đương nhiên, cúi xuống khỏi vị trí danh giá của mình, cúi xuống và thực chất là vươn tới một khoảng cân bằng.

Các nhà nho quý tộc Việt Nam trong suốt nhiều thế kỷ đã tót lên một nơi cao quá, ngoài tầm với của xứ sở này, cắt đứt đi những mối rễ lẽ ra phải bám sâu xuống đất. Không chỉ thời tao loạn mới khiến các nhà thơ lớn hiểu được cần phải có một hành động cốt tử, mà lịch sử của số phận chung đã quy định sẵn: hàng thế kỷ mảnh đất này đợi một hành động cúi xuống, một hành động hòa giải sâu xa, một sự hóa giải muôn trùng khó hiểu. Tạm bỏ qua chuyện câu chữ (mà xét cho cùng, Cung oán cũng làm được điều phi thường như Kiều là không có lấy một câu thơ dở, câu nào cũng khiến người biết thẩm thơ phải ngẩn ngơ; Chinh phụ thì hơi khác, nó giống một tiếng rì rầm của những điều tưởng tượng), đều đã hiểu ra hành động mình cần làm, điều còn lại chỉ là mức độ.

Vợ một người chinh phu, một nàng cung nữ: cả hai đều có danh phận rõ ràng, họ đau khổ nhưng không tủi nhục. Nhưng Kiều khác hẳn, Kiều là một người phụ nữ có cuộc đời bị hủy hoại, nhưng điều ghê gớm hơn là danh phận của Kiều bị hủy hoại đến tan tác, thảm hại. Đặng Trần Côn và Nguyễn Gia Thiều không cúi xuống được thấp như Nguyễn Du, cảm giác được nhưng cảm giác ấy không sâu thẳm như thế. Nguyễn Du còn cúi mình thấp đến tận cõi hoang vu sa mạc của những vong hồn, của những vô-thể quỳ rạp dưới mặt đất để liếm cháo lá đa. Một mức độ rất lớn tạo ra khoảng cách xa thăm thẳm.

Nguyễn Gia Thiều ngay từ đầu đã đẩy nàng cung nữ lên quá cao:

Áng Đào Kiển đâm bông não chúng
Khóe thu ba dợn sóng khuynh thành
Bóng gươm lấp loáng dưới mành
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa
Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình
Câu cẩm tú đàn anh họ Lý
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên rượu thánh ai đang
Lưu Linh Đế Thích là làng tri âm
Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã
Địch lầu thu đọ gã Tiêu Lang
Dẫu mà tay múa miệng xang
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê thường trong trăng
Tài sắc đã vang lừng trong nước
Bướm ong càng xao xác ngoài hiên
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng

Một phụ nữ có nhan sắc vượt cả Tây Thi, Hằng Nga, tài thơ coi khinh Lý Bạch, tài vẽ ngang đấng Vương Duy, tài nhạc chẳng chịu thua Tư Mã Tương Như, thổi tiêu thổi sáo thì cỡ Tiêu Lang, múa thì làm thiên tiên cũng phải hổ thẹn, nàng ấy còn vượt cả thần tiên, nên hành động cúi xuống bỗng trở ngay thành hành động vươn lên, vươn lên đến tận cõi Thiên Thai:

Gan chẳng đã khôn đường há chuyển
Mặt phàm kia dễ đến Thiên Thai
Hương trời sá động trần ai
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi

Người ta hiểu được Nguyễn Gia Thiều là một thiên tài, nhưng thiên tài ấy nằm ở cao chót vót, ngửa mặt trông lên một chốc là ù đầu chóng mặt.


Xem lịch sử để hiểu ngày nay. Hiện tại là sự ngược lại hoàn toàn với thời của những nhà thơ ấy. Họ thì phải cúi xuống thật thấp, còn nhà văn của hiện tại phải vươn lên thật cao, cao khủng khiếp, cao như có thể bay được, vượt lên, vứt bỏ đi những vụn vặt, bần tiện, ti tiểu, ghen tuông, đố kỵ, thời sự chính trị, hiện thực giẻ rách; chẳng phải là facebook còn có ích hơn văn chương trong những sự vụ tiểu tiết ư :p? Người nhiệt đới thường nhầm tưởng, vì có quá nhiều ánh nắng, rằng không khí quanh mình nhẹ bỗng. Nhưng muốn lên cao được thì mặt trời lại chính là kẻ thù: kẻ thù thiêu đốt tàn hại những chân trời xa thẳm, và mỗi lần bay lên là một lần bị kết án như Icarus, mỗi lần bay lên là một vụ án trong đó bị cáo nhanh chóng bị vùi dập khủng khiếp. Cho nên, hãy nhắm mắt lại.


Trở về cổ điển: Stendhal

6 comments:

  1. Khi đọc Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du, thì sẽ hiểu ông đã cúi xuống thấp đến mức nào đó NL!

    ReplyDelete
    Replies
    1. đoạn "liếm cháo lá đa" chính là ám chỉ đến Văn chiêu hồn của Nguyễn Du đấy chứ

      Delete
  2. Đọc lại bài này sởn cả gai ốc. Rùng mình vì những đoạn trích thơ, rùng mình cả vì cái kết luận cuối bài.

    ReplyDelete
  3. I'm amazed, I have to admit. Rarely do I come across a blog that's both educative and engaging, and without a doubt, you've hit the nail on the head.
    The issue is something not enough people are speaking intelligently about.
    I'm very happy that I stumbled across this in my search
    for something regarding this.

    ReplyDelete
  4. Xin phép góp vài lời. Nếu nói nàng cung nữ được đẩy lên quá cao thì sắc tài của Kiều cũng được mô tả tót vời không kém mà. Truyện Kiều có thể phổ biến như vậy, ngoài lòng thương xót của Nguyễn Du cũng nên tính đến nội dung "nguyên tác" nữa. Kiều dựa trên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với nhiều tình tiết như phim truyền hình TQ và VN. (Có "mỹ nhân vạn người mê", có tài tử, có anh hùng mà nhất định phải là anh hùng mang phong cách lục lâm thảo khấu, có âm mưu và tình yêu, án oan, đánh ghen, bắt cóc, cảnh ân ái và cảnh tắm, torture porn và báo thù, cuối cùng không thể thiếu nhân vật nhà sư để cho nhân vật chính nhận ra tấn kịch mà mình đang tham gia - công thức này vẫn áp dụng được ở nhiều bộ truyện ngôn tình cho đến tận ngày nay). So với nỗi đau hiện sinh của Cung oán thì nội dung Kiều sẽ hấp dẫn hơn nhiều chứ.

    ReplyDelete
  5. thế mà cũng nói được, "đàn anh họ Lý" thì tức là đến cỡ nào?

    ReplyDelete