Mở đoạn đầu và đoạn cuối cuốn tiểu thuyết những ngã tư và những cột đèn (Trần Dần, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2011), mà ở giữa là vô số đoạn văn như những “ô ruộng đầy chữ”, ấn tượng thị giác Trần Dần muốn tạo ra, ta thấy một sự dịch chuyển không gian vô cùng nhỏ bé: ở đầu chương I thì: “Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng” (tr. 13), còn ở cuối chương XVI: “Sáng nay, tôi ra phố lúc 6 giờ. Để ở lại hồi lâu trên hè, mà nhìn về cửa sổ. Bên này cửa số tôi xanh, có sáu cây bàng lá xanh, lá bàng che cửa sổ. Có nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, mui chạm tán bàng. Bên kia cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Có nhật kí, và bản sao nhật kí” (tr. 336). Nhân vật như thể vừa đi qua rất nhiều biến động, cả những lần súng nổ và rất nhiều tội ác, âm mưu, nhưng lại vừa cũng chỉ đi từ bên này sang bên kia một bức tường.
Một năm tròn (từ tháng Sáu 1965 đến tháng Sáu 1966) chứng kiến cả hai loại chuyển động ấy trong một không gian được cấu tạo phức tạp hơn không gian thông thường, với khung cảnh dường như không hề thay đổi, màu sắc cũng giữ nguyên. Sau không gian, thời gian của những ngã tư và những cột đèn cũng không thuần nhất: nhà văn nói tới “đường tuyến tính của thời gian”, “chạy về hai nhà ga vô định”, nhưng cũng liên tục nhắc tới cảm thức “bên ngoài thời gian”, hay “một ngày không thời gian”. Nhân vật tiểu thuyết của Trần Dần mắc kẹt trong thời gian, nhiều khi không thực sự còn có ý thức về thời gian, có những lúc với họ thời gian không trôi đi nữa, mà đứng yên, bất động.
Để củng cố cho hệ không-thời gian đầy tính chất bất định đó là vai trò của hai tính từ liên tục trở đi trở lại không ngừng: “láo nháo” và “bàng hoàng”; đặc biệt, mọi thứ trong mắt nhân vật chính tên Dưỡng, cựu ngụy binh thời Pháp, đều có thể “láo nháo”: “láo nháo cột đèn”, “láo nháo khói”, thậm chí đến “gió đông bắc” cũng láo nháo nốt. Đây là tâm trạng của một người thường trực bất an trong cảnh trốn chui trốn lủi, lại không biết tương lai sẽ như thế nào: “Tương lai có hủi không. Dĩ vãng thì hủi quá rồi” (tr. 24); đây đồng thời cũng có thể coi là cảm giác về một quãng thời gian khó khăn giữa hai cuộc chiến tranh, khi chiến tranh còn chưa xa, hòa bình chưa chắc chắn (“chiến tranh chuyển sang hòa bình” - tr. 49), một cuộc chiến tranh khác đã lại ló dạng ở phía trước: “Giữa hai cuộc chiến tranh, là nhật kí” (tr. 14).
Bên cạnh một mô tả không gian và thời gian đặc biệt và chênh vênh như vậy, bản thân cách viết của những ngã tư và những cột đèn cũng đa dạng: cuốn nhật ký của Dưỡng được đưa vào trong tiểu thuyết làm xuất hiện một “hình thức viết” bên trong bộ khung cuốn sách nói chung. Rồi lại thêm một bước ngoặt hiếm thấy trong hình thức tiểu thuyết Việt Nam: dạng tiểu thuyết trinh thám, gián điệp được nhấn mạnh không chỉ ở trong cốt truyện, mà còn ở sở thích của nhân vật Dưỡng, đặc biệt là chương V. Dưỡng đã “đọc vài ngàn cuốn sách (trinh thám)” (tr. 44), đều bằng tiếng Pháp. Dưỡng cho biết: “Tôi thuộc lòng hàng trăm cuốn trinh thám, có thể nối cuốn nọ vào cuốn kia, thành một bộ phim khổng lồ. Đêm nay một cuốn truyện mới bắt đầu […] Rủi ro nhất là đến cuốn truyện này, tôi chơi vai chính, nhưng không có kịch bản. Tôi biết rồi nó cũng sẽ là một cuốn trinh thám, có cảnh sát đi tìm thủ phạm, để coòng tay đem đi, vào một ngày sáng trời” (tr. 59). Cách suy nghĩ của Dưỡng cũng “rất trinh thám”: ở cuối truyện, Dưỡng phát hiện ngay một chi tiết không hợp lý trong bản báo cáo về vụ bắt tên nhọn cằm của công an.
Và điều đặc biệt hơn cả ở đây là trong những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã “huy động” tối đa các lĩnh vực của mình: có Trần Dần nhà văn xuôi (tất nhiên), Trần Dần nhà thơ (thể hiện ở cách tạo lập hình ảnh, nhiều lặp lại, không ít màu sắc), và cả một vai trò ít được biết đến hơn: Trần Dần nhà dịch thuật. Cũng ở đây ta thấy xuất hiện dấu ấn của Dostoevsky, một cách xuất hiện rất lạ thường.
Nhân vật Dưỡng đọc Tội ác và hình phạt mà cứ ngỡ mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám bình thường nào đó: “mấy buổi chiều, tôi vùi đầu trong một cuốn sách cũ, có lẽ là trinh thám Nga, đã đọc mấy năm trước” (tr. 104). Cuốn sách lôi cuốn Dưỡng đến mức anh ta “đọc lại cuốn sách từ trang một, 3 buổi chiều thì tới phần kết”. Tội ác và hình phạt (mà trong những ngã tư và những cột đèn, nhân vật nhà văn không có tên gọi là Tội ác và trừng phạt) cứu rỗi cho tâm hồn dằn vặt của Dưỡng: cuốn sách “làm tôi quên cả cuộc chạy trốn của thằng nhọn cằm, cùng chiếc mùi soa của Lily” (tr. 105).
Đặc biệt, đến trang 110, nhân vật nhà văn trích dẫn một đoạn trong Tội ác và hình phạt, mở thêm một kết nối ở tầng sâu giữa cuốn tiểu thuyết này và nhà văn Nga. Trước đó, Dưỡng “mở lại cuốn truyện, vì muốn biết anh sinh viên mà nói tiếng Việt, thì sẽ hay thế nào” (tr. 106). Câu văn tưởng chừng thoáng qua này, trên thực tế lại không phải là một điều tình cờ. Chúng ta đã biết Trần Dần ở vai trò dịch giả đã dịch các tác phẩm của Jules Vallès, rồi những tiểu thuyết như Những người chân đất, Chàng Mê-mét mảnh khảnh hay Cái chết là nghề của tôi, nhưng lẽ ra danh mục dịch phẩm của Trần Dần phải dài hơn, vì trong di cảo ông để lại có bản dịch tương đối hoàn chỉnh chính tác phẩm Tội ác và hình phạt.
Bản thảo viết tay của bản dịch gồm ba quyển vở dày, khổ lớn, trong đó ở đầu quyển thứ ba Trần Dần đã tự tay vẽ minh họa bằng bút mực một bìa sách mà ông tưởng tượng ra. Theo quy cách xuất bản hồi đó, nếu bản thảo vẫn còn thì có nghĩa là sách chưa được xuất bản, vì thường các bản thảo chỉ tồn tại ở dạng độc bản (cũng nhờ Sở Công an trả lại bản thảo cho Trần Dần mà ngày nay chúng ta mới có những ngã tư và những cột đèn). Rất tiếc là tập bản thảo này đã bị hư hại, nhiều trang bị mất góc, công việc “phục chế” (nếu có) hẳn sẽ mất rất nhiều công sức. Nhưng sự hiện diện của bản thảo này trong di cảo Trần Dần đã chỉ ra một mối liên hệ quan trọng, một điểm quy chiếu mà ta có thể nghĩ tới khi đọc và nghiên cứu văn xuôi Trần Dần.
Trong những ngã tư và những cột đèn, qua phát ngôn của Dưỡng, Trần Dần bàn về tác phẩm của Dostoevsky, coi nó là “một thương xót kì quặc, một từ bi trần tục, hết sức trần tục mà khắp gầm cầu, không đâu có. Một cứu vớt sâu thẳm” (tr. 104). Có thể nói rằng Trần Dần đã mở rộng một chút cho quan niệm tội ác và sự trừng phạt ở Dostoevsky: còn có một khía cạnh tâm lý nữa ở kẻ phạm tội: Dưỡng cho rằng: “tôi có uất, có đau thật, nhưng không chỉ có thế. Tôi lại thấy mình oai oai, cũng có khi thấy khoái”, rồi “tôi cười toe toét, trong cuộc họp. I như đứa trẻ bị bố đánh đòn: nó cười toe toét, vì nó coi như xong” (tr. 109). Sự nghiêm túc của tội ác như thể được cộng thêm một kích thước xộc xệch, nực cười của những người lửng lơ trong cuộc đời như Dưỡng và các bạn của anh ta.
+ Còn đây là bài của Madame Nhã Thuyên :)
+ Bối cảnh chung: Giời mưa, mưa trên đất Bắc, kiếp giang hồ không bến đợi hehe.
Khéo hôm nào p đọc lại Những ngã tư và những cột đèn quá :(
ReplyDeletetrần dần là đại thi hào dân tộc
ReplyDelete