Oct 17, 2015

Nhất Linh và tôi

Đây là câu chuyện về một món nợ văn tự, một món nợ bút mực.

Năm ấy, cách đây chừng một thập kỷ tròn, khi nhận ra mình cần một cái tên cho một số mục đích sử dụng, tôi đã đi đến "Nhị Linh" một cách quá mức nhẹ dạ. Tất nhiên lúc ấy tôi có nghĩ đến Nhất Linh, nhưng cũng tất nhiên, tôi không hề mường tượng ra cả một sự ràng buộc. Một món nợ, một gánh nặng mỗi ngày một thêm ghê gớm hơn.

Người ta chọn một cái tên hiệu, hoặc một cái bút danh, thực chất là để bắt đầu đi vào một con đường. Con đường này, khác với tên khai sinh, không còn mang tính chất vô ý nữa. Cái tên hiệu (hoặc bút danh) cùng một lúc thể hiện nhiều thứ: sự chấp nhận có một lựa chọn bản thể, không còn nương nhờ vào tính chất tình cờ và bất định của cuộc sinh ra không hề mong muốn, ngẫu nhĩ và thật ra tàn khốc; một sự bắt đầu: dẫu có là thế nào, đã bắt đầu thì sẽ phải đi tiếp, tốt đẹp hay xấu xa thì cũng cứ phải tiếp tục. Và cái tên tự chọn bằng đầy đủ ý thức, vì kiểu gì cũng sẽ liên quan đến những gì từng tồn tại từ trước, không chỉ bắt đầu mà còn phải nối tiếp một điều gì đó.

Tôi đã dùng cái tên Nhị Linh cho không ít thứ; xét về giá trị sử dụng, nó rất hữu hiệu. Chỉ có điều, dần dần tôi nhận ra, lựa chọn đầy nhẹ nhõm ban đầu ngày càng mang một sắc thái kỳ dị, lạ lùng. Có những lúc viết xong một cái gì đó, ký tên Nhị Linh ở bên dưới xong rồi, bỗng tôi thấy có điều gì không thật đúng, cảm giác như là đang đi mượn. Đó là lúc phần "cho không" đã dùng hết, tôi không thể tránh được việc nhìn nhận thật trung thực, là mình đang mắc một món nợ.

Tôi đã nhiều lần viết về Nhất Linh, ví dụ như ở đây hoặc ở đây, nhưng kể cả những lúc ấy tôi cũng chỉ mơ hồ nhận ra một điều gì đó bí ẩn. Cho đến lúc tôi thực sự thấy thôi thúc phải thực sự tìm hiểu về Nhất Linh. Đến khi đó rồi tôi mới kinh hoàng nhận ra: tác phẩm văn chương của Nhất Linh, một nhân vật lớn đến mức như vậy, chưa từng được bất kỳ một ai đủ tầm vóc nhìn nhận, đánh giá, thậm chí chưa từng một ai nhìn xuyên suốt xem nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã làm gì; tất nhiên ở mức cơ bản đã vậy rồi, nói gì đến chuyện nhìn xem Nhất Linh ở vị trí nào, từng có vai trò đến đâu trong lịch sử văn chương Việt Nam. Người ta mơ hồ biết Nhất Linh đã có vai trò rất quan trọng, nhưng vậy thôi đâu có đủ. Nhất Linh cần một người ở hậu thế. Lựa chọn ấy đã rơi vào tôi.


(tôi đi xuống đường một lát; trời lạnh làm suy nghĩ của tôi sáng sủa hơn; tôi quyết định đã đến lúc có thể nói một số điều rõ ràng hơn)

Tôi đã đi lại con đường của Nhất Linh, "vòng tròn Nhất Linh" ở không ít điểm. Vòng tròn của tôi và vòng tròn Nhất Linh giao cắt nhau ở nhiều nơi. Lúc thực sự chú ý xem kỹ tiểu sử Nhất Linh, tôi mới rùng mình nhận ra, cả tôi cũng đã làm những việc mà Nhất Linh từng làm. Nhất Linh khởi sự mọi chuyện ở tuổi hăm lăm, hăm sáu, tôi cũng thế. Nhất Linh có quãng tám năm với Phong hóa, Ngày nay và Đời nay (tính cho tới thời điểm tờ Ngày nay bị đóng cửa); tôi cũng đã đi đến đoạn cuối của quãng gần chục năm đem thân làm cuộc đi đày trong thế giới sách vở. Giờ đây, đã đến cuối của sự giao cắt, một số điều mới cần được nói ra. Món nợ bút mực ghê gớm kinh người, tôi chỉ bắt đầu thấy mọi sự giảm nhẹ gánh nặng khi đã thực sự chiêu tuyết được cho Nhất Linh (ở đây). Để gỡ dần mối ràng buộc, tôi phải thực sự làm được điều gì đó cho di sản văn chương của Nhất Linh.

Điều đáng ngạc nhiên là kể cả khi đã viết về bộ Giòng sông Thanh Thủy (ở đây), đã dễ dàng nhận ra khía cạnh thích đùa của Nhất Linh: Nhất Linh le révolutionnaire không che khuất được Nhất Linh le farceur, thì tôi vẫn chưa thực sự nhìn nhận được toàn bộ kích thước tiếng cười của Nhất Linh.

Nhất Linh còn là cuốn sách này (đăng Phong hóa năm 1935 dưới bút danh "Lãng Du"), đến năm 1960 in thành sách ở Sài Gòn, nhà xuất bản Phượng giang:



Phải là một người như thế, cách mạng nhưng thích đùa, thì mới có thể coi cuộc đời vớ vẩn tới mức tự sát. Nhất Linh hẳn là nhà văn lớn duy nhất của Việt Nam từng tự sát. Cũng có người đã nêu giả thuyết Nguyễn Du tự sát.

Còn đây là Bướm trắng, kiệt tác đích thực của Nhất Linh, câu chuyện của Trương tưởng mình sắp chết, trong mối tình với Thu, ở đó nhiều lần Trương tưởng tượng mình sẽ giết Thu: một câu chuyện rất đậm nét Dostoievski (ấn bản của Đời nay Sài Gòn):


Tôi muốn dùng chính cuốn tiểu thuyết Bướm trắng này để nói đến điều quái quỷ hơn cả trong mối quan hệ của tôi với Nhất Linh. Phải sau khi tôi đã "vinh danh đầy đủ" cho ông ấy, Nhất Linh mới chịu nhích người ra để tôi nhìn thấy phía sau: Nhất Linh đứng đó vừa để bắt tôi phải nhìn thấy vừa để che mắt tôi. Phải khi đã hài lòng rồi, Nhất Linh mới chịu nhích sang một bên. Đằng sau đó là một nhân vật còn lớn hơn nữa, và bí ẩn hơn nhiều: Khái Hưng.

Nhất Linh cũng từng dùng bút danh Nhị Linh (ví dụ như khi mở mục xem bói trên Ngày nay: Nhị Linh cốc tử), nhưng như ta đã biết, Nhị Linh chủ yếu là bút danh của Khái Hưng.

Ngay trước khi Bướm trắng được đăng dài kỳ trên Ngày nay (đây là tiểu thuyết cuối cùng đăng dài kỳ ở đây, và chưa kịp đăng hết thì báo đã bị đóng cửa), cuốn tiểu thuyết trước đó cũng đăng dài kỳ là Đẹp của Khái Hưng: Đẹp vừa được đăng xong thì đến lượt Bướm trắng; đây là giai đoạn 1939-1940. Đẹp của Khái Hưng và Bướm trắng của Nhất Linh hết sức tương đương với nhau: đó cũng chính là lúc Khái Hưng trải qua "giai đoạn Dostoevski" của mình.

Sau đó, mọi chuyện rất khác.

Tôi sẽ nói thêm, tất nhiên, về Khái Hưng của giai đoạn sau Đẹp.

Nhưng câu chuyện này, về đại thể, với riêng tôi, lặp lại suốt nhiều lần. Trong rất nhiều năm, với tôi Vũ Hoàng Chương là nhà thơ số một, nhà thơ tuyệt đối. Cứ mãi như vậy cho đến lúc hóa ra Vũ Hoàng Chương chỉ ở đó để che khuất một sự thật: Đinh Hùng mới là nhà thơ lớn nhất. Và nhà văn Việt Nam đầu tiên mà tôi thực sự tìm hiểu cặn kẽ, vào hồi 2007-2008 là Nguyễn Công Trứ, thì như vậy chỉ là để tôi đi được đến với Nguyễn Du.

Có những cặp đôi tồn tại huyền ảo đến mức khó mà tưởng tượng nổi.


Và đây là Cioran trong La Pléiade:




Cioran và tôi
Báo chí Việt Nam và tôi

9 comments:

  1. em rất dát, lại đọc entry của anh đêm khuya nên chùm chăn kín mít, làm vã cả bồ hôi lạnh lại còn đoạn nghỉ xuống (dòng) đường, trời lạnh này nọ... nữa chớ hic đừng dọa nhau thế dù đời có vớ vẩn tới đâu nhé anh :( p/s:chú giải luôn cái ảnh avatar được khg ạ, nàng ấy là ai tên gì thế ạ? tks anh!

    ReplyDelete
  2. Trích từ bài viết Hải Cảng Yêu Dấu của Nguyễn Tường Thuyết

    (...Thực đơn của quán này có món thịt cừu nướng mà tôi định bụng sẽ gọi. Món này nhắc tôi kỷ niệm về một lần đi ăn cơm Tây với cha tôi tại quán La Cigale đường Đinh Tiên Hoàng ( albert 1er cũ ) thuộc khu Đa kao-Saigon.
    Đó là vào khoảng năm 1953-54 gì đó tôi không nhớ rõ và tôi mới 13,14 tuổi.
    Cha tôi gọi món thịt cừu và nói với tôi "không quen ăn thì thấy thịt cừu có vị hôi, nhưng thịt cừu ngon chính là vì cái vị hôi đó"
    ...Món ăn được dọn lên...Trí tôi thoáng hiện lời dạy của cha tôi từ một thời xa xăm " Con cầm nĩa tay trái, cầm dao tay phải. Dùng nĩa cắm vào góc miếng thịt, đặt dao sát vào nĩa rồi cắt xuống thẳng góc. Cắt xong đưa nĩa lên miệng bằng tay trái. Chớ có chuyển sang tay phải để ăn...Ăn đến đâu cắt đến đấy. Đừng cắt hết miếng thịt thành những miếng nhỏ rồi ăn một lượt. Ăn như vậy không đúng cách.
    Ăn xong thì để ngữa thìa, nĩa, dao trên đĩa. Đây là cách báo cho bồi biết là mình đã ăn xong, bồi có thể dọn, cho dù trên đĩa còn thức ăn.)
    Wow! Quả là người sành điệu. Chữ sành điệu có vẻ không thích hợp lắm. Nhưng tôi không biết dùng chữ nào khác.
    Tôi chưa từng ăn thịt trừu. Có một lần cách đây khá lâu, một người trong nhà có mua trong chợ Mỹ, những miếng sườn trông rất ngon, làm món sườn nướng xả. Nhưng không ai ăn, vì mùi hôi. Mới biết là mua nhầm thịt trừu.
    Đọc qua bài viết về Nhất Linh, định bụng hôm nào, có dịp, sẽ ăn thịt trừu. Không phải để thưởng thức cái hôi mà ngon của nó. Nhưng để nhớ về một người, một nhà văn mà bất cứ một học sinh trung học nào cũng đều biết tên.
    Tôi chỉ là một người dân thường, thường dân, nếu không muốn nói là phó thường dân. Tôi không được chỉ dẫn cách cầm dao, cầm nĩa sao cho đúng cách. Tôi lại là người thuận tay trái, cho nên lúc ăn bò bít tếch, hay sườn nướng thì tự nhiên sử dụng dao nĩa sao cho thoải mái thì thôi
    Người Mỹ lại có tánh thực dụng, lúc gần đây khi đi ăn cơm tấm sườn nướng ở mấy nhà hàng Việt Nam, nhà bếp cắt sẵn từng miếng vừa ăn, mặc dù họ có dọn cho mình dao và nĩa.
    Nhưng có một người không phải thuộc nhóm thường dân, mà trái lại, có thể nói thuộc nhóm tầm cở quốc tế. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bài viết Nhật Ký Tập Cận Bình, ông Nguyễn Văn Tuấn đã săm soi cách cầm ly rượu vang của Tổng Bí Thư nhà ta.
    Có thể Bác Trọng và các cố vấn của bác, coi việc này không quan trọng. Hoặc đó cũng chỉ là tàn tích của giới quý tộc Châu Ầu thời xa xưa.
    Mình thì không ý kiến.

    ReplyDelete
  3. Dạ cho hỏi cuốn bướm trắng NXB Đời Nay mua ở đâu ạ em đang cần sách ấy.

    ReplyDelete
  4. Không ạ! Thật ra không cần lắm! Tại thấy... ai sưu tầm sách cũng đọc nên em muốn có và ...

    ReplyDelete
  5. Đọc sách Phong Hóa thời hiện đại- TLVĐ trong tình thế thuộc địa ở VN đầu TK 20. Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ, chương trình nghiên cứu độc lập của một nhóm tác giả, vân vân xong thì chỉ muốn đọc lại những bài viết mang "tinh thần Nhị Linh" hard blog về Tự Lực văn đoàn.

    ReplyDelete