Jul 31, 2012

Nhất Linh dang dở

cuối tháng Nhất Linh


Tiểu thuyết Việt Nam có bao nhiêu phần thoát thai từ ánh mắt bên dưới cặp lông mày nét mác của Nhất Linh? Tôi nghĩ là không ít, khi nhìn bức chân dung Nguyễn Gia Trí vẽ Nguyễn Tường Tam năm 1952 ở Sài Gòn. Trong bức tranh ấy, cả hàng ria nổi tiếng kia dường như cũng cố ý tự tạo thành nét mác kiên quyết, cái kiên quyết của những “khẩu hiệu đanh thép” từng in dấu sâu đậm đến thế vào thời “tiên khởi” của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại: “lạnh lùng”, “đoạn tuyệt” và “tự lực”. Với Dostoeysky, văn học Nga chui ra từ chiếc áo khoác của Gogol; văn xuôi Việt Nam như chúng ta biết hiện nay từng cần một cú hích lạnh lùng nhưng mạnh mẽ hồi đầu những năm ba mươi ấy.

Mà đâu chỉ là văn xuôi. Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn, đó còn là địa điểm quan trọng nhất của Thơ Mới, đặc biệt vào lúc phôi thai chớm ra đời cần hơn hết một sự cảm thông và nhất là một sự kiên định, và tờ báo Phong Hóa (ra số đầu cách nay đúng tám mươi năm) làm ngoặt dòng tiếng cười, tách hẳn ra khỏi truyền thống truyện tiếu lâm dân gian và cả những truyện “hài đàm”, “tiếu lâm An Nam” của trước đó không lâu, dưới ngòi bút của những Nguyễn Đỗ Mục hay Phạm Duy Tốn. Sau sự cách tân dùng dằng (“thổ nạp Âu Á”) của Nam Phong và Phạm Quỳnh lỗi lạc, đến Nhất Linh lịch sử ngôn ngữ và văn chương Việt Nam mới dứt khoát mà lên đường, giống như câu văn này của Nhất Linh: “Họ đi… đi xa chốn hư không tịch mịch, không đoái nhìn lại, đăm đăm như theo một tiếng gọi khác réo rắt hơn ở tận phía trước xa xa đưa đến” (truyện ngắn “Thế rồi một buổi chiều”).

Mỗi công trình văn hóa của Nhất Linh, điều này chắc ai cũng nhận thấy rõ, dường như đều rất sắc nét, thấu đáo, ảnh hưởng ghê gớm và có sức thu hút không thể cưỡng nổi. Tưởng chừng cái gì ông động tay vào là gọn gàng, chỉn chu, thành hình một chỉnh thể mang giá trị tự thân lồ lộ (giải thưởng văn chương Tự Lực Văn Đoàn, dự án “nhà Ánh Sáng”, những bông hoa phong lan), giống những bức tranh ông vẽ, đẹp lạnh lùng và hoàn thiện không thể thêm bớt, đơn giản nhưng đầy sức nặng, đã xong là xong và chắc chắn ngay từ đầu là sẽ mang sức sống lâu dài.

Thế nhưng, thật lạ lùng, vẫn có cái gì như dang dở ở Nhất Linh. Ở Nhất Linh luôn luôn tồn tại một khía cạnh rất khó nắm bắt, khiến cho nhà văn Võ Phiến, người coi Nhất Linh là “bậc tiền bối lỗi lạc từng sống một đời đầy dông bão và kết thúc đau thương”, khi viết về ông thoạt đầu cho rằng con người Nhất Linh rất nhiều niềm vui, ông vui sướng hơn bất kỳ nhà văn Việt Nam nào khác, nhưng sau đó lại khẳng định nỗi khổ ở Nhất Linh vô cùng to lớn, hiếm có ai khổ hơn ông. Và, còn điều này nữa, Nhất Linh hay hiện ra trong mắt người khác như một con người thuộc đoàn thể, một nhóm nào đó, một quần tụ tinh túy văn chương và cả chính trị, nhưng ông lại cô độc hết mức, và cặp mắt của Nhất Linh từng được Hoàng Xuân Hãn miêu tả là rất chán chường, khi hai nhân vật này gặp nhau ở Đà Lạt năm 1946 trong một sự kiện rất quan trọng của lịch sử Việt Nam.

Ta có thể lý giải sự “dang dở Nhất Linh” là do ông không được toại nguyện trong nhiều chí hướng, thất bại nhiều trên con đường chính trị (mặc dù Vũ Hoàng Chương từng viết hai câu thơ về ông: “Chí sĩ đền xong nợ nước/Văn hào đã thỏa ước mơ”). Cả trong văn hóa cũng vậy, sau này khi đã vào Sài Gòn, những ý định tiếp tục con đường trước kia từng mở ra có vẻ không mấy thuận lợi và thành công. Một thế hệ mới đã xuất hiện, cái thế hệ dẫu vẫn mang đậm dấu ấn của tiền chiến (Mai Thảo từng đặt tên tiểu thuyết của mình là Để tưởng nhớ mùi hương bắt nguồn từ Thạch Lam còn Viên Linh viết Hạ đỏ có chàng tới hỏi lấy câu thơ của Huyền Kiêu làm nhan đề); giống trước kia thế hệ của ông làm lu mờ thế hệ Thượng Chi Phạm Quỳnh; cũng như trong mọi chuyện, lý do khách quan chiếm một vị trí không nhỏ.

Nhưng chắc hẳn còn có nhiều điều hơn thế. Sự dang dở này, biết đâu, nằm trong bản thân con người Nhất Linh. Trước 1945, ông từng miêu tả sự dùng dằng rất hay: “Sinh bùi ngùi, cúi mặt ngắm dòng nước, ngắm mấy cái rác, tan tác mỗi cái trôi về một phía… khác nào hình ảnh cuộc đời của Sinh với cuộc đời của người con gái chở đò, mỗi bên đi về mỗi ngả, không bao giờ gặp nhau” (truyện ngắn “Nước chảy đôi dòng”). Sau 1945, đã quyết chí từ bỏ hoạt động chính trị quay trở lại với văn nghệ, nhưng rốt cuộc Nhất Linh chỉ hoàn thành được tiểu thuyết Giòng sông Thanh Thủy, còn Xóm Cầu Mới, mà hẳn ông hình dung như tác phẩm lớn nhất của đời mình, “opus” trong sự nghiệp tiểu thuyết gia của ông, chỉ mới đi đến được chừng 600, 700 trang, chưa tới một phần mười những gì ông dự định. Nghị lực và sức lực một con người dường như chỉ đủ cho một lần đoạn tuyệt: ở đoạn cuối của cuộc đời, khi ông quyết chí từ bỏ lối viết tiểu thuyết cũ (điều này được thể hiện rõ trong Viết và đọc tiểu thuyết, Đời Nay, 1961), để bước vào một cõi tiểu thuyết mới hẳn, không luận đề, không câu nệ mà tự nhiên như nước chảy mây trôi, thực sự đi vào nội tâm mỗi con người, thì lúc ấy, sự dở dang đã bày ra trước mắt ông.

Và để choàng vòng hoa của dang dở lên cuộc đời thật nhiều trọn vẹn của Nhất Linh, ở đúng chỗ kết cục là một sự kiện cực đoan nhất trong mọi sự kiện: vụ tự sát ngày 7/7/1963 của ông, ông đã “lạnh lùng tự lực mà đoạn tuyệt”, hay như cách nói của Vũ Hoàng Chương, “Nhất khả đoạn, nhị khả tuyệt, tam nhi bất hủ”. Lịch sử Việt Nam có quá ít nhà văn, nhà thơ tự sát (nhà văn Hungary Sándor Márai từng khôi hài về hiện tượng nhà văn tự sát, đại ý ông cho rằng lâu lâu không có nhà văn nào tự sát là một điềm gở cho văn chương). Nhất Linh thực sự là người đi ra ngoài khỏi truyền thống quá xa. Có thể đó là nguyên do khiến ở đâu ông cũng cô độc, khiến lúc nào ông cũng kiên quyết như vậy. Có thể nào chăng, ông ý thức được rằng cái chết của mình mở ra sự sống.

“Ðời tôi để lịch sử xử”: những lời tuyệt mệnh của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam bắt đầu như vậy. Không hiểu lịch sử nào sẽ xử ông, và có thể xử ông như thế nào, nhưng chắc chắn là ông để lại di sản gồm cả những gì hoàn chỉnh lẫn vô số dang dở. Những trọn vẹn để tạo lòng tin cho thế hệ sau, còn những dở dang là để lịch sử tiếp tục được.

Bức tranh Nguyễn Gia Trí vẽ Nhất Linh năm 1952 coi như đã hoàn tất, chỉ còn phải chỉnh sửa bàn tay cầm bao thuốc lá của nhà văn thì họa sĩ mắc một sự cố, bức tranh phải đình lại. Nhưng sau này, lúc đã có thể tiếp tục, Nhất Linh chính là người không cho Nguyễn Gia Trí vẽ nốt. Bức chân dung ấy vẫn còn là dang dở.


bức chân dung 


Thử ngồi nghĩ xem trong số nhà văn Việt Nam có những ai tự sát: Phạm Duy Khiêm, Tam Ích.

14 comments:

  1. Chi tiết "bức chân dung dang dở" giờ mới biết. Bài viết hay, mà bác không có cái [Like] để tôi ấn luôn, đỡ phải viết mấy lời vớ vẩn...

    ReplyDelete
  2. Thường tôi ghét những bài viết hay những công trình quá dông dài vô nghĩa về ông nhà văn này. Nay mới thấy bài này thật đáng đọc.

    ReplyDelete
  3. Hềhề chào NL, khỏe chứ hở. Viết hay lắm.

    Sándor Márai là người thông minh và đa cảm. Cái vụ “điềm gở” của ông này tôi nhớ cũng viết đùa ở đâu đó, không ngờ NL lại nhắc tới ở đây. Rồi ám quẻ đấy. Có phải vì chờ lâu quá không ai tự sát, ông ta bèn tự bắn mình? Được 89 tuổi, thọ rồi.

    Về phần VN, xin báo cáo một ca tự tử nữa (tất nhiên không phải tôi), là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng với cô em Bắc Kỳ nho nhỏ và nhiều bài khác được phổ nhạc. Chết năm 92 (ngày 03/8, vừa qua vài hôm), được 40 tuổi, chẳng rõ uống thuốc độc hay treo cổ. Cái lạ là năm 72, mới 20 tuổi, ông ấy đã viết mấy câu vầy mới nghiệt:

    “Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ
    Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
    Phải đau theo từng hớp rượu tàn
    Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định”

    Thật chịu các bố đã viết và đã chết!

    S.

    ReplyDelete
    Replies
    1. hơi yếu bác :)

      tôi lại chưa bao giờ biết Nguyễn Tất Nhiên tự sát

      mấy cái điềm gở này quái thai lắm, ta chỉ nên bàn sơ sơ thôi :p

      hay chỉnh lại câu cuối nhỉ: "Thật chịu các bố đã viết, đã trẻ và đã chết".

      Delete
    2. Nguyễn Tất Nhiên dược phát hiện chết trong xe hơi, không rõ nguyên nhân. "Gở" là do NL nói ra trước, trúng ai nấy chịu, khàkhà. Nhưng tôi nghiệm ra đám mần thơ văn hễ tự sát thì y như rằng đọc được, nhiều người đình đám nữa là đằng khác. Thôi thì ta tìm đọc đám ấy, "học tập" người ta nhưng không "làm theo" là được chứ gì.
      Lập trường thế, OK! S.

      Delete
  4. Tiếng Việt có hai từ, tự tử, và tự sát. Nguyễn Tất Nhiên, chắc là tự tử, đúng hơn. Thi sĩ lái xe vô chùa, rồi đóng cửa xe, cho máy nổ, hít thán khí, rồi đi.
    Tự sát phài là trường hợp tự mổ bụng, hoặc tự đâm vô tim mình...
    How?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ý bác là "tự sát" thì có hành động mạnh hơn là "tự tử"? Theo tôi không phải vậy, về cơ bản "tự tử" và "tự sát" trùng nghĩa với nhau, quan trọng là phải phân biệt với một số phương thức tự sát đặc thù, có từ riêng, nhất là với "tự vẫn", ngoài ra còn một số từ nữa ít gặp hơn.

      Delete
  5. lần đầu nghía vào Blog của bác, thấy tên Nhị Linh, tưởng rằng đã gặp người viết tiếp Nhất Linh.
    Nhưng hình như trong tâm sự thật của bác cũng chẳng ưa lắm con người dang dở này?!?!?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm nhận của bác lạ nhỉ.

      Delete

    2. Thêm một cảm nhận nữa:
      Bản thân bác cũng lưng chừng sao đó. Tưởng như đã lên đến đỉnh, nhưng rồi lại ngoảnh lại thở dài mà đi xuống.

      Delete
    3. Tốc độ cảm nhận của bác rất cao siêu :)

      Delete
  6. Một mảng viết tài hoa, thế mới xứng khi viết về Nhất Linh. Cụ là người tài hoa từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân. Tôi chưa thấy ai - dù đàn ông hay phụ nữ - đã quen biết NL, viết về ông mà không tỏ lòng yêu mến (HXH là ngoại lệ, nhưng trong hồi ký Hội Nghị Đà Lạt, HXH không nói về con người - văn chương hay đời thực - mà về một lãnh tụ quốc gia).

    Nhưng ông cũng rất thực, buồn vui chán nản thất vọng ông đều tỏ lộ ra bên ngoài cho mọi người thấy, không đóng kịch ta đây "impeccable"... Đôi khi tôi so sánh ông với nhà văn Václav Havel, tổng thống đầu tiên của Tiệp sau cuộc đổi đời. Hai người có nhiều điểm giống nhau, nhất là về lý tưởng, nhưng trái ngược ở đoạn kết cuộc đời. Tuy nhiên cái khác đó là "ngoại thân", vì chẳng qua là "vận mệnh" của hai dân tộc khác nhau, hai ông đâu làm gì thay đổi được!

    ReplyDelete
  7. Con trai ông trong"Nhất Linh cha tôi" còn kể lại ông chơi clarinet cũng rất hay!

    ReplyDelete