Jun 27, 2016

nước Anh

nhưng trước hết, xem ở kia

nước Anh có phải là "châu Âu" không? dường như là không bao giờ

Thomas Piketty, nhà kinh tế học xuất thân trường ENS, trong cuốn sách nhanh chóng trở thành kinh điển về "tư bản thế kỷ 21", bắt đầu câu chuyện của mình từ thời điểm đầu thế kỷ 19, khi Malthus đọc du ký đi Pháp của Arthur Young và viết ra những dự đoán u ám về nạn nhân mãn của loài người (đầy châm biếm, Piketty nhận xét Young rất mất thiện cảm với Pháp vì tại các quán trọ dừng chân dọc đường, ông được phục vụ ăn kém quá, và cũng đầy châm biếm, Piketty cho biết người Anh quá hoảng sợ vì Cách mạng Pháp nên rất không lạc quan về tương lai)

(trong số các cộng sự được Piketty cảm ơn, đặc biệt nổi bật Camille Landais, nhà kinh tế học sinh năm 1981, đây là bạn đá bóng của tôi, cùng đội tuyển trường trong giải đấu hằng năm dành cho các "grande école" vùng Île-de-France cũng như trong một giải đấu châu Âu, chúng tôi đi tàu hỏa sang Rome, câu chuyện này tôi có nói qua ở kia, với Thomas C. người Anh; Camille là tiền vệ rất quan trọng, rất khéo và nhất là rất gấu, nhiều tiểu xảo, tức là rất khác các cầu thủ bóng đá sinh viên người Pháp)

người Anh đặc biệt quan tâm đến nước Pháp, tuy rằng ngôn ngữ (và khung xương, khổ người) khiến họ gần gũi về phương diện khí chất hơn với những người nói tiếng Đức

khi Cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789 (xem thêm ở kia), trí thức Pháp rơi vào sự tê liệt tất nhiên, trừ marquis de Sade vẫn rất năng nổ, và đâu là tác phẩm đáng kể đầu tiên về cuộc náo loạn này? ta phải quay sang Anh

đó là Reflections on the Revolution in France của Edmund Burke; cũng người Anh sẽ còn sản xuất một bộ sách kinh dị nữa: năm 1837, Thomas Carlyle cho in The French Revolution: A History, mở đầu bằng cái chết của Louis XV

tác phẩm của Burke xuất hiện ngay vào năm 1790: người Anh không bao giờ buông lơi mối quan tâm của họ đối với nước Pháp, có lẽ là đại diện tinh túy nhất của "lục địa", và mối quan tâm này xuất phát từ chỗ họ rất khác lục địa

về cuốn sách này của Burke, ta sẽ quay lại một cách cụ thể và chi tiết, nó cực kỳ quan trọng nếu muốn hiểu con đường đi của một số thứ

phải năm, sáu năm sau Burke, cuốn sách quan trọng đầu tiên của người Pháp mới xuất hiện: giới quý tộc Pháp đã kịp hoàn hồn, những người còn miệng (vì không bị rơi đầu) bắt đầu cất tiếng; đóng vai trò quan trọng nhất là Joseph de Maistre: Considérations sur la France in năm 1796 (tất nhiên không phải là ở Pháp); đây là thời điểm de Maistre đã công kích tư tưởng của Rousseau một cách mãnh liệt; ta cũng sẽ quay trở lại tác phẩm này của de Maistre một cách chi tiết; nó cũng vô cùng quan trọng

nhưng thời điểm Cách mạng Pháp còn là muộn trong mối quan hệ Anh-Pháp, cũng có thể coi là mối quan hệ đảo-lục địa

đầu thế kỷ 16 (xem thêm ở kia), François đệ nhất nước Pháp ở trong cuộc giao tranh khốc liệt với Charles Quint Hoàng đế: ở thời điểm này, phe nào cũng cần liên minh của Henry VIII nhà Tudor (Henry VII đã chấm dứt nhà Lancaster, hoa hồng đỏ đã lên ngôi - Shakespeare sống dưới thời Tudor nhưng chỉ viết về các vị vua thời trước: rõ ràng là không thể đùa với các quân vương nhà Tudor, khi mà Henry VIII giết sạch sẽ Thomas More lẫn Thomas Cromwell, trước đó thì gián tiếp gây ra cái chết của hồng y Wolsey); Henry VIII phiền hà với các bà vợ, và thế là khí chất Anh nổi lên hùng tráng, nước Anh đoạn tuyệt luôn với Giáo hội La Mã, thực hiện Cải cách Tôn giáo theo cách thức riêng của mình (Tyndale người dịch Kinh Thánh đương nhiên phải trốn ra nước ngoài), nước Anh luôn luôn làm những điều quan trọng khi quay lưng với châu Âu, mà chỉ cuộc Thế chiến thứ hai mới khiến hai bên tạm thời hàn gắn được (nhưng ngay cả ở đây, chuyện cũng xuất phát từ sự khác biệt: nước Anh khác với lục địa, không chịu khuất phục trước Hitler)

(mấy thập niên đầu của thế kỷ 16 hết sức quan trọng; hình ảnh một Thomas Cromwell đầy nhân tính, tốt đẹp như ta vẫn thấy hiện nay, ở trong folklore bình dân ví dụ tiểu thuyết Wolf Hall của Hilary Mantel, không có gì là quá độc đáo: kể từ thập niên 50 của thế kỷ 20, các nghiên cứu, chủ yếu của Bolt, đã vẽ lại một chân dung Thomas Cromwell khác hẳn so với trước kia, và đồng thời Thomas More từ chỗ được Erasmus ca ngợi hiền hòa như tinh túy trời đất đã trở thành một kẻ giết người máu lạnh; về More, xem cuốn tiểu sử của Peter Ackroyd)

nhà Tudor cũng làm mất sự ảnh hưởng (dẫu chỉ còn là danh nghĩa) của nước Anh lên nước Pháp: Elizabeth đệ nhất, quân vương cuối cùng của nhà Tudor (đây là con gái của Henry VIII và Anne Boleyn) thua trận Calais, và về sau, lịch sử ghép đôi của hai nơi này rất nhiều tính chất châm biếm, lên đến cao trào ở hai lần: Napoléon-Wellington và Winston Churchill-Charles de Gaulle

những dấu tích mà nước Anh để lại trên đất Pháp tại Normandie, tại Bretagne, mãi về sau, đầu thế kỷ 20, vẫn còn được Marcel Proust tìm hiểu một cách tỉ mỉ, trong À la recherche du temps perdu


tôi rất thích người Anh; năm ấy, tại Anh, trong khi kể chuyện cho mấy người quen, khi muốn nói đến cái máy ảnh, tôi gọi nó là "photo-machine" (appareil-photo), thế mà họ đều hiểu tôi muốn nói đến cái "camera", tài thật

2 comments:

  1. Thomas Carlyle thì gắn bó với văn học Đức nữa, tác giả cuốn tiểu sử đầu tiên về Schiller

    ReplyDelete
  2. và Nietzsche thì lại rất khinh bỉ Carlyle

    ReplyDelete