Tôi gọi Oscar Wilde đẹp trai là nhân tố thuộc bộ tứ điển hình nhất cho "tinh thần Anh" (được rồi, được rồi, ta tạm bỏ qua nguồn gốc xuất thân cụ thể nhé, tôi cũng chẳng nhớ chính xác ai là Ái Nhĩ Lan, ai Anh Quốc, rồi xứ Galles rồi Xi cốt nhen các thứ đâu), bên cạnh ông béo Chesterton.
Mặc dù rốt cuộc vĩ đại nhất trong tất cả lại là Samuel Beckett (James Joyce thì còn chẳng đáng tính đến ở đẳng cấp này: trong câu chuyện Beckett-Joyce, Beckett là thiên tài trong bộ môn "chạy núp gió"), bộ tứ kia vẫn khôn nguôi gây cho tôi những hoảng hốt, về chuyện người ta có thể vĩ đại đến đâu.
Wilde và Chesterton, cùng Thomas Carlyle và Thomas de Quincey: bộ tứ huyền ảo, mà dấu vết (Conan Doyle có một gợi ý thiên tài: Dấu vết bộ tứ) rải rác lung tung hết cả, ngoài ngôi mộ cầu kỳ diêm dúa đến phát hãi của Wilde tại Père-Lachaise bên Paris, còn có chẳng hạn Chesterton với tư cách một trong những thần tượng (rất hiếm hoi) của Borges.
Họ xuất hiện được nhờ sự tồn tại trước đó của hai con quái vật: Thomas Hobbes của con vật khổng lồ huyền thoại Leviathan và David Hume người duy nhất trong lịch sử từng tương đối ngang cỡ được với Voltaire. Và nhờ hai người nữa (ta có bộ tứ thứ hai): John Ruskin thần tượng của Marcel Proust và Walter Pater, mà trước đây một số trí thức Việt Nam thuộc hàng sáng suốt nhất từng nhắc đến (hehe): trí thức Việt Nam trước 1945 có những thiên tài đích thực.
(à mà sao lắm Thomas thế nhỉ? - câu hỏi tu từ, câu hỏi tu từ - đấy là tôi còn quyết định thôi tạm bỏ ra bên ngoài vòng tròn này Thomas Cromwell, cho tiện sổ sách)
Gần đây, tôi được gửi cho đọc mấy dòng của một nhân vật thuộc loại "tiểu thần tượng" của giới trẻ Việt Nam ham mê tìm hiểu thế giới hiện nay (tôi là Oblomov rất lười nên toàn đợi có ai gửi gì đến cho thì xem thôi), trong đó thấy bàn đến "tinh thần Anh", nhưng là sau khi đọc một cuốn tiểu thuyết của Julian Barnes. Nhưng Barnes thì lại là tinh thần Pháp. Tôi cũng không hiểu lắm, cái thế hệ sau này, sinh ra bé tí đã có sách tốt để đọc, không vấp váp ngay từ đầu, thế mà suy nghĩ vẫn ẽo ợt thế à. Thời chúng tôi, bé mà ham đọc thì đi mà Đêm màu tím, Quy luật của muôn đời với cả Ngã ba đường; sau này phải mất một quãng thời gian dằng dặc đầy nghiệt ngã thì mới có thể tống được khỏi đầu óc những thứ nhảm nhí ấy, chứ có mấy thứ gì hay (nhất là đúng) mà đọc đâu. Hay là sẽ chẳng bao giờ khá được nhỉ?
Quay trở lại với "tinh thần Anh" của hai bộ tứ trên đây. Đó là cái tinh thần mà những nhân vật văn chương kiệt xuất nhất đều hướng tới để thu nhiếp cảm hứng thần kỳ. Chỉ nước Anh mới tạo ra được cho Borges đến mấy thần tượng liền, Chesterton, nhưng cả Carlyle nữa.
Giờ cũng đã đến lúc cần rẽ ngang sang Borges. Borges từng có ý tưởng thiên tài nhất trong lịch sử bình luận Kafka, chỉ vài dòng thôi. Nói tóm tắt, Kafka tự tạo ra precursor cho mình. Borges thì sao?
Borges không làm được điều ấy. Tôi đã thấy là quá rõ, Borges không tự tạo ra được Chesterton hay Carlyle. Lúc này, tôi đã thấy, từ cõi Borges mênh mông ấy, còn lại không nhiều thứ đâu. Có Sách Cát và Arredondo, có Funes. Nhưng ngoài đó ra thì khó nói lắm. Tôi thấy ý nghĩa nhất chính là trường hợp thư viện Babel, công trình tưởng chừng sẽ lưu danh Borges vào thiên cổ. Về nó, thậm chí tôi đã đọc cả một bình luận rất dài của một nhà toán học, chứng minh tháp Babel theo hình dung của Borges có thể coi là đúng, xét về khía cạnh toán học.
Tất nhiên, tôi không bao giờ dở người đến nỗi đi đọc hết một cuốn sách toán. Phải ngu lắm thì mới đi làm thế. Và nhất là, khi có toán học chứng minh một điều gì đó thuộc văn chương là đúng, thì tôi biết chắc, nó đã sai.
Tháp Babel của Borges không đúng, nó mất tính authentique, và văn chương Borges cũng mất rất nhiều authentique. Ở điểm cực hạn, không được phép sai, sai là vứt đi hết. Nhất là không được phép gần đúng. Gần đúng còn tệ hơn sai hiển nhiên nhiều, vì như thế là giả vờ. Borges, ở tư cách của mình, nhất là lại còn được trời phú cho chứng mù, không được phép giả vờ.
Ta có Cioran cũng cực mê Chesterton, và đặc biệt là mê De Quincey. Ai cũng tìm được rất nhiều điều ở De Quincey. Marcel Proust thực chất đã tìm thấy gì ở John Ruskin? Đây là câu đố sẽ cần một ngày được giải. Thế hệ nhà văn cùng André Gide tìm được mạch nguồn cảm hứng vô biên ở tác phẩm của Walter Pater. Thật đáng tiếc cho độc giả Việt Nam, nhân vật vĩ đại là Thomas Hobbes thì không được đọc, toàn phải đọc cái thứ ngớ ngẩn John Locke.
Và, tại sao lại như thế? Tại sao cái hòn đảo ấy lại sản sinh được những nhân vật như thế? Đấy là còn chưa kể Thomas Cromwell hay Samuel Beckett.
Là bởi vì đó là một hòn đảo. Một hòn đảo, đó là tiêu bản của thế giới. Ai hiểu một hòn đảo thì hiểu thế giới. Nếu không như vậy, Robinson thiên tài phải ra đảo hoang để làm gì, và Stevenson phải mường tượng cả một Treasure Island để làm gì? Thiên tài chẳng bao giờ làm gì vô ích - ví dụ như toán học. Như vậy vẫn còn là hơi phí phạm về mặt không gian: nếu hiểu được một loại quả nào đó (trong danh sách này có cái quả táo của Newton, tất nhiên), thậm chí hiểu được một loại hạt nào đó, thì ta cũng hiểu được thế giới. Một mảnh giấy nhàu nát chỉ vài dòng chữ cũng có thể chứa cả thế giới, và cũng chẳng cần cầu kỳ đến thế, ở đây thì sẽ là một sự phí phạm khác ở phạm trù thời gian: những tiền thân của giấy viết cũng đã làm được như thế rồi.
Ô-xca-Oai-đơ:
Lẽ tất nhiên, trong bộ sưu tập của một nhà sưu tầm lười biếng (cỡ Oblomov) không thể thiếu những thứ châu báu như thế này được. Wilde xuất hiện trong bộ tứ trên đây thật ra theo một cách thức hơi khiên cưỡng, nhưng Wilde vẫn có chỗ, vì chỉ Wilde mới viết được về các ông hoàng, về chim họa mi. Trên đời mới chỉ có Andersen và Wilde viết được về chim họa mi mà thôi. Chim hoa cá gái, khó lắm đấy, đừng tưởng.
Dorian Gray thì thôi, mình chả dính vào mớ bầy nhầy í hí hí.
Quyển sách này:
trông nó tầm thường thế thôi, nhưng tôi nhất quyết giữ, là bởi ở trong đó có tên ba nhân vật của lịch sử Việt Nam, cùng chữ ký hai người trong số ấy. Độc giả lão luyện cần phải biết, sau Arthur Savile, muốn thực sự đi vào thế giới của Wilde, cần phải đọc sang De Profundis.
Cuốn tiểu thuyết trinh thám của Chesterton:
typo lung tung quá nhỉ, để tôi viết lại cái nhan đề: The Man Who Was Thursday. Một trong những gì Cioran từng thích nhất trên đời đấy.
Đối với tôi, chúng ta có trong lịch sử: Vendredi của câu chuyện Robinson Crusoe, chúng ta có Mardi nhân vật của Herman Melville (đừng bao giờ tin ai nói Moby Dick là kiệt tác của Melville, vì Melville còn có hai tác phẩm cao hơn nhiều, thứ nhất là Bartleby "I would prefer not to" và thứ hai là Mardi, and a Voyage Thither), rồi chúng ta có Thursday của Chesterton. Và nữa: ngày Chủ nhật của Thomas Bernhard trong Auslöschung. Người Áo như Bernhard, tiếp nối Wittgenstein, cũng phải sang Anh thọ giáo thì mới thành người được. Sebald thì ở béng luôn bên Anh, chết trong một tai nạn giao thông ở đó, nhưng người ta cảm thấy ông ấy đã chết trước khi xe đụng. Ngay sau đó, nhân vật quan trọng nhất của Viện Hàn lâm Thụy Điển bày tỏ niềm tiếc nuối vô biên, vì Sebald đã chết trước khi họ kịp trao giải Nobel Văn chương cho ông. Thì chính bởi tránh cái giải thưởng ấy mà Sebald chọn cái chết mà, có thế mà cũng không hiểu.
Chesterton còn viết ra một thứ vô cùng vĩ đại, thứ mà tôi đang sử dụng cho việc mà tôi đang làm hiện nay. Nó vô cùng quan trọng, điều mà Chesterton từng tạo ra ấy.
Tuy rằng không ai là một hòn đảo, nhưng ai cũng cần đến hòn đảo để hứng lấy tinh chất của nó (nếu may mắn và, nhất là, nếu xứng đáng). Chính bởi vậy mà Naipaul lớn đến thế. Bản thân tôi cũng từng phải lang thang một thời gian dài ở hòn đảo ấy.
Quên mất: có một điều tuyệt đối quan trọng cần nói ngay. Thật ra ở Việt Nam từng có bóng hình của Chesterton đấy, không phải là không đâu. Nó thể hiện ở Bernard Shaw, thần tượng của không biết bao nhiêu nhà văn Việt Nam. Shaw chính là địch thủ theo kiểu bằng hữu của Chesterton. Và, cũng giống hệt trường hợp Thomas Hobbes và người nối tiếp John Locke, vừa nối tiếp vừa là địch thủ, trường hợp Chesterton-Shaw bộc lộ một điểm quan yếu này: trí thức Việt Nam (hiện thân ở các dịch giả) luôn luôn chọn hạng hai mà tránh đi hạng nhất. Họ chọn Locke chứ không phải Hobbes, họ chọn Shaw chứ không phải Chesterton. Tôi nhìn lại đặc điểm này, nổi bật đến nỗi thật đáng ngạc nhiên vì chưa từng có ai nhận ra (ngoài tôi, và tôi đã nói rất lâu rồi, chả ai để ý đâu, tôi biết), với một sự giễu cợt đầy thân ái.
Tại sao điều đó lại quan trọng? Thật ra nó là điều cốt yếu đấy, nếu muốn hiểu Việt Nam. Trí thức Việt Nam luôn luôn chọn hạng hai chứ không bao giờ xớ rớ vào các đỉnh cao, là vì số phận của nó. Số phận của Việt Nam là hưởng lấy những gì thấp đi, có như thế thì mới tồn tại được. Việt Nam sắp thay đổi rồi, nó sẽ thay đổi ở chính sự tàn phá đặc điểm mà tôi vừa nêu lên một cách không thể hiển ngôn hơn ấy.
Thomas de Quincey và Confessions of an English Opium-Eater: tôi biết đến de Quincey lần đầu tiên trong Moon Palace. Thật ra, hai quyển sách mang tên "bộc bạch" (xem ở đây) từng xuất hiện ở Việt Nam, với "confessions" của chúng, không phải "bộc bạch", mà là "tự thú" theo kiểu Thiên chúa giáo. Nó cũng là tên tác phẩm của một ông thánh nào đó từng có địa vị rất lớn trong lịch sử Giáo hội Công giáo, ông gì mà tên Tin Tin í.
Đột nhiên tôi nghĩ đến Vũ Bằng (xem ở đây). Tôi từng nói Cai là kiệt tác duy nhất trong toàn bộ văn nghiệp khủng khiếp dài của Vũ Bằng ("toàn tập" 4 tập dày hự to đùng nhưng đó là một "toàn tập" đểu, còn thiếu rất nhiều). Sẽ ra sao nếu Vũ Bằng lấy từ Thomas de Quincey để viết Cai nhỉ? Vũ Bằng từng bị liên tiếp tố cáo ăn cắp văn, nhưng rất có thể hồi ấy chẳng ai đọc Thomas de Quincey nên không biết? Thật ra, tôi thấy chuyện Vũ Bằng "ăn cắp" văn chương người khác chẳng có gì đáng nói, nếu từ đó Vũ Bằng viết được tác phẩm lớn thì có làm sao, mọi thứ đi lấy chỗ khác sẽ tự động được biến thành của riêng ông ấy thôi - điều đó không liên quan gì đến việc cả đời Vũ Bằng chỉ có một kiệt tác duy nhất là Cai. Nhưng nếu tìm ra được dấu vết de Quincey ở tác phẩm của Vũ Bằng thì thật là đáng nói.
Cuốn sách danh tiếng của de Quincey, một trong những tác phẩm văn chương kỳ lạ nhất:
De Quincey không chỉ có như thế, tất nhiên, còn hơn thế rất nhiều. Một ví dụ "cặp đôi" đi cùng Opium-Eater (các trí thức Việt Nam trước đây hẳn không ai xa lạ với cụm từ mangeur d'opium): The Spanish Military Nun.
Những lời đặt ở đầu Confessions của de Quincey hết sức ý nghĩa: de Quincey nói ngay đây là "the record of a remarkable period in my life" và tiếp theo, hết sức cynical, một đặc trưng lớn của "tinh thần Anh", rằng những gì chứa đựng trong sách "prove not merely an interesting record, but in a considerable degree useful and instructive".
Tóm lại, một độc giả văn chương đích thực không thể không đọc Oscar Wilde, và rồi sau đó, chuyển sang Thomas de Quincey (lỡ đọc de Quincey trước thì cũng không sao :p)
Thomas Carlyle thì chẳng hạn như thế này:
Tôi sẽ không viết tiếp nữa đâu, chỉ vậy thôi. Chỉ vì lấy được một thứ rất nhỏ trong cái "tinh thần Anh" này, mà tôi đã viết một bài rõ dài. Nhưng mà xứng đáng, tôi nghĩ vậy.
Điều cuối cùng là, dường như, sự bí ẩn của cõi ấy, một cách hết sức bất ngờ, lại nằm chính ở đây:
Thấy có Wilde là nhảy vào luôn, hóa ra là "còn nữa, rất dài"
ReplyDeleteĐúng thật, muốn nhanh thì phải từ từ :p
tiếp tục
ReplyDeleteMuốn nhanh thì phải từ từ ;)
ReplyDeleteAnh từng chỉ cho em về Naipaul nhưng vẫn quanh quẩn, cả hai chưa tới, may mắn và xứng đáng :'(
tiếp tục
ReplyDeleteHiểm thế, tiếp tục ngắn mà hiểm thế ạ ;)
ReplyDeleteConfession của Augustine còn có cả bản dịch tiếng Việt rồi
ReplyDeleteôi may quá có người nhắc, suýt nhớ nhầm thành Tintin nhà ẻm Milou
ReplyDeleteEm Ngọc đây, bên First News ra bộ 10 cuốn Tintin sắp đủ rồi. Làm sao em gửi sách cho anh được ạ?
Deleteô cám ơn, mail vào đây nhé: nhilinhblog@gmail.com
Deletetiếp theo và hết
ReplyDeleteChào anh Nhị Linh, gần đây em mới dịch xong Toàn tập kịch Oscar Wilde, cả thảy gồm 10 vở (tính cả Earnest phiên bản 4 hồi), anh có thể giới thiệu cho em nhà nào chịu in sách này không ạ? Em có hỏi mấy nhà nhưng vì sách dày, thể loại khó bán nên họ không nhận.
ReplyDeleteơ anh tornad đúng không ạ?
Deleteơ sao tưởng bookhunter gì đó rồi cơ mà
ReplyDeleteTuấn Linh có phải chuyên gia Wilde duy nhất ở VN không?
Deletephim Suspiria mà Thom Yorke viết nhạc là làm lại từ một phim, phim ấy lấy ý từ cái về thuốc phiện của De Quincey
ReplyDeletegiá mà hồi ĐH hút cần nhiều hơn, nhưng nếu muốn hút thì đã hút từ hồi cấp 3, với mấy thằng đá bóng ở cái sân ven đê, trong nhóm có một tay công an trông chả giống công an tí nào, thằng mời tay ấy hút tí bị xích, lại còn shisha, thuốc lá điện tử vv
NL dịch Baudelaire chắc là chuẩn nhỉ, với Balzac, Dumas, nói bừa nếu sai NL đừng để ý
a comment đúng chỗ quá nhỉ
ReplyDeletecô tu sĩ hiếu chiến TBN mà Cioran nhắc chính là The Spanish nhỉ?
ReplyDeletenhiều người không thích cuốn Tuổi 20 của ông Thiệp, nhưng cuốn đó có heroine, có Britney Spears, lại còn có đến cả bãi rác Thành Công
đúng đấy mà hình như C còn viết thêm “hiếu chiến trong tuyệt vọng bảo vệ hòm bia giao ước, trong đó có một con cò ma, một con chuột và một chén nước thánh”
ReplyDelete