Jun 10, 2016

Erasmus: Điên

không phải vì là một người từng hưởng học bổng Erasmus để theo học ở châu Âu mà tôi bỗng dưng nhớ đến nhân vật Erasmus; tôi không hề dính dáng đến chương trình học bổng ấy

cũng đã có lúc tôi xem qua học bổng Fulbright, nuôi vài dự định mơ hồ, và thấy hình như mình cũng đủ điều kiện, nhưng tôi cũng không dính nốt

thôi, qua phần giả vờ là có quan tâm đến thời sự chính trị văn hóa rồi nhé, giờ ta chuyển thẳng đến Érasme tức Erasmus, nhân vật của thời Phục hưng châu Âu, hay được gọi là "Erasmus xứ Rotterdam"; Érasme thân thiết với Thomas Morus (tức là Thomas More, tác giả Utopia), cuốn sách dưới đây, một tác phẩm mỏng nhưng rất lớn (không kém gì cuốn sách của Machiavelli, không kém gì Utopia của More; ta cũng cần nhớ một điều nho nhỏ: Il Principe của Machiavelli, Stultitiae Laus của Erasmus [Erasmus cho biết người Hà Lan rất điên và hết sức vinh dự vì mình điên] và Utopia của Thomas More, tức là Phục hưng Ý, Hà Lan và Anh, xuất hiện trước công chúng rộng rãi trong vòng có năm năm, hồi đầu thế kỷ XVI)

cuốn sách của Érasme trong tiếng Pháp:


trường tôi xưa kia có hai mặt phố chạy qua, thì phố nhỏ hơn tên là Érasme, cứ đi theo nó, thường rất vắng, sẽ đến chỗ cắt với phố Lhomond chạy chéo, đến chỗ giao nhau của mấy phố mở ra thành một dạng "square" (có thêm Tournefort là một phố rất dốc), cứ đi thẳng qua phố Jean Calvin ngắn ngủn (ngắn vì nó là một phần tách ra từ phố L'Épée de bois trước kia), chui qua dưới một ngôi nhà là đến thiên đường của cả một khu vực, phố Mouffetard, với một quảng trường nhỏ xíu ngay cạnh mang tên Teilhard de Chardin

thế kỷ XVI của châu Âu là thế kỷ phát hiện lại Platon, với một năng lượng Hy Lạp bỗng lại cuồn cuộn chảy

thế mà một trong những đại diện ưu tú nhất của Phục hưng châu Âu phát biểu ngay từ đầu bản "tụng ca sự điên" của mình là cần phải tránh xa các nhà thông thái

thế nhưng, với Érasme, thế giới này sẽ tuyệt đối không tồn tại gì hết nếu không có sự điên, và là như vậy không chỉ với thế giới người phàm, mà còn cả đối với thế giới của các vị thần (trong bức tranh do Érasme dựng ra, Apollon chán ngắt, Vulcain tức là Hephaistos thợ rèn thì xấu xí, lam lũ, đến cả Jupiter tức Zeus cũng trở thành biếm họa, và nếu Cupidon tức Eros và Vénus tức Aphrodite có được hình ảnh đẹp như vậy chính là bởi họ thuộc về phía sự điên nhiều hơn: lý trí, tưởng chừng là điều một nhà nhân văn chủ nghĩa phải thấm đẫm sau khi quay về ngọn nguồn Hy Lạp, thì lại không, lý trí là một thứ không đáng gì)

Điên ("tụng ca sự điên" của Érasme được phát ngôn bằng giọng của chính sự điên, và dưới hình dạng một phụ nữ) chính là yếu tố xúi giục Jupiter tạo ra đàn bà, tức là với mục đích lan tràn sự điên rộng khắp hơn, bởi vì phụ nữ chính là hiện thân của điên; vì Điên nên con người mới có thể lấy nhau (nếu thiếu sự điên thì sẽ chẳng một ai chịu nổi cuộc sống gia đình), và đến cả tình bạn, thứ tình cảm tưởng chừng tốt đẹp theo lối trung tính như thế, cũng cần có sự Điên can thiệp thì mới có thể xuất hiện và tồn tại được (người ta phải đủ điên đến mức có đầy ảo tưởng về người khác thì mới coi trọng họ được, từ đó mới có thể có tình bạn)

tức là Điên cực quan trọng, và để làm được những điều thật khó tin như vậy (phụ nữ lúc nào cũng có thể làm những thứ rất khó tin), bạn nữ tên Điên này có nhiều sự trợ giúp đắc lực: ta cần quan tâm đến phả hệ của Điên, được Érasme cung cấp trong các thiên VII, VIII và IX (ở địa hạt "thần hệ" này, Érasme phản đối cả Homère lẫn Hésiode)

Điên là con gái của thần Plutus, vị thần phức tạp hơn cả trong mấy vị thần quan trọng nhất, vì không thể coi Plutus-Pluto-Hades thuần túy là người cai quản thế giới âm phủ được; mẹ của Điên là Tuổi Trẻ, tức là nữ thần nymphe hấp dẫn nhất (chính vì thế, Điên lúc nào cũng tràn đầy sức sống); khi mới đẻ, Điên bú sữa hai nữ thần nymphe: Say (con gái của Bacchus) và Vô Tri (con gái của Pan), và có đoàn tùy tùng gồm bảy nữ và hai nam như sau:

1) Philautie (tức Tự Ái)
2) Colacie (tức Phỉnh Nịnh)
3) Léthé (tức Quên)
4) Misoponie (tức Lười)
5) Hédonè (tức Lạc Thú)
6) Anoia (tức Ngốc Nghếch)
7) Tryphè (tức Mềm)

hai nam thần là Ăn Ngon và Giấc Ngủ Sâu

thật ra, đây là cách để Érasme định nghĩa về sự điên, bản chất cũng như các thuộc tính của nó

quan niệm về điên này hết sức quan trọng, nó cho thấy người ta có thể có hình dung như thế nào về một thứ phức tạp như "điên"; khi viết cuốn sách lớn của mình về sự điên, Michel Foucault nhanh chóng nhắc ngay đến Érasme và bản "tụng ca sự điên" này, như một điều tất nhiên

(tôi cố ý tránh gọi "folie" là "bệnh điên")

ta sẽ sớm đến với Foucault và sự điên (Histoire de la folie à l'âge classique - Lịch sử sự điên ở thời cổ điển; "thời cổ điển" là thời nào? lại thêm một khái niệm lằng nhằng, lúc này, tạm thời cứ coi đó là thế kỷ XVII, tức là thế kỷ của các nhân vật sau đây: Pascal, Corneille, Racine, Molière)

7 comments:

  1. Đa số em thấy người ta hay nói "Sau này bạn sẽ nuối tiếc những thứ bạn đã không làm" nhưng em lại thường nghĩ về những thứ mình không làm hồi trẻ là "May ghê mình đã không làm/ không dính đến những thứ đó"...Hehe

    ReplyDelete
  2. Ah, Petrarca ở tuổi 20 có viết " Letters to classical authors", nhân vật được gửi gắm tâm sự đầu tiên là Homere

    ReplyDelete
  3. đâu, phải là Cicéron hay Tite-Live gì đó chứ

    Pétrarque với Dante Alighieri thì trước Érasme, Thomas More và Machiavel nhiều

    ReplyDelete
  4. à ko liên quan nhưng gt thêm chương 5 phénoménologie de l'esprit. ý thức đánh giá sự bất cân xứng giữa efftivité và abcxyz

    ReplyDelete
  5. ô, í hay đấy, hay ta quay ra nã đạn vào Hegel nhờ hehe, mở đầu bằng lời tựa ấn bản lần hai của Die Welt als Wille und Vorstellung, Schopenhauer xơi tái nguyên băng Jena, không chỉ Hegel mà luôn Fichte và Schelling (à nói riêng, mình rất thích Schelling)

    ReplyDelete
  6. A reply chu đáo quá,chính xác thì Ciceron đầu tiên xong đến Seneca, Homere tận cuối cùng.

    ReplyDelete
  7. Điên sâu sắc, duyên dáng, quyến rũ đến nỗi Érasme dù hiểu rõ bản chất nàng vẫn mê đắm nàng, phủ phục dưới chân nàng và chấp nhận lời đề nghị mình cưới nhau nhé anh của nàng. Thế rồi, sau khi được Érasme làm chồng, nàng Điên lại dan díu, qua lại, làm tình với hai nam thần Ăn Ngon và Giấc Ngủ Sâu...^^

    ReplyDelete