Feb 19, 2018

Alain [II] Propos về quyền lực (1)

Cuốn sách này


không hoàn toàn là một tập sách do Alain tự in ra khi còn sống; nó được Francis Kaplan tạo thành bằng cách tập hợp nhiều "propos".

Thật ra, như tôi đã nói, khi có liên quan đến một dự án dịch Alain (tôi đã từ chối cuốn sách là kết quả của công việc đó, xem ở kia), tôi đã nghĩ ra cách dịch "propos" (propos là một "thể loại" do Alain tạo ra, và gắn liền với Alain: đại khái, có thể nghĩ Flaubert viết nhiều thư thế nào thì Alain viết nhiều "propos" tương tự, cụ thể hơn, số đơn vị phải lên đến ít nhất trên 4000): đó chính là "đoản luận". Nó không được dùng cho cuốn sách, tôi dùng nó luôn, như một thứ của riêng (xem ở kia). Ai có thể viết ngắn hơn Alain? Thì chính là tôi còn gì.

Cuốn sách về quyền lực ("pouvoir" ở số nhiều) cho thấy một Alain rất cứng rắn, nhưng vẫn ở trong một vẻ mềm mại nào đó rất khó diễn tả. Đặc biệt, "propos" được đặt làm Tựa cho thấy rất nhiều về con người bên trong của Alain.

Con người có phải là anh em của nhau không? Câu trả lời của Alain là: không.


nhân tiện: đã tiếp tục Roland Barthes bàn về Flaubert và Proust, tiếp tục Maldoror của Lautréamont và tiếp tục Thú nhận của Heinrich Heine (đã bắt đầu có thể thấy - ít nhất tôi hy vọng như vậy - tại sao tôi lại đàng hoàng xếp cái đó vào mục "đọc lý thuyết")






Propos về quyền lực
Các yếu tố của luân lý chính trị




Tựa


Tôi sinh ra là lính trơn. Các ông cha xứ dạy cho tôi những gì họ biết, mà tôi mau chóng biết ngang mức với họ, đã chẳng bao giờ bị đánh lừa về điều đó; và họ xem những bài version [“version” là dịch xuôi, “thème” là dịch ngược] đáng kinh ngạc của tôi hơi giống cách chúng ta vẫn hay nhìn các tổ chim hay tác động thủy văn của hải ly; những cái đó gây kinh ngạc ở tư cách các con thú khiêm nhường. Không ít bạn học của tôi sinh ra là các sĩ quan, và tôi nhận ra điều đó ngay lập tức; bởi vì họ đối xử với tôi buông tuồng và ném mũ của tôi lên cây. Tôi đã tìm ra một phương cách cho chuyện này, đó là thỉnh thoảng giáng một cú đấm thật mạnh. Về sau, tôi tự vệ theo cách thức nhã nhặn hơn, nhờ một dạng chế nhạo đáng gờm. Vậy nên, những gì tôi viết ở đây hoàn toàn không nhằm than thở cho số phận của tôi, mà để ghi lại các ý kiến của tôi cho những ai thấy kinh ngạc về chúng và thậm chí bị buồn bã vì chúng; điều này xuất phát từ chuyện họ sinh ra là các sĩ quan. Hoàn toàn không xuẩn; không có nhiều người xuẩn lắm đâu; mà đúng hơn, họ tin rằng có những người sinh ra để chỉ huy, và họ là những người đó. Và ấy là điều tôi nhận ra từ rất xa, căn cứ vào một dáng điệu tự mãn và an toàn nhất định, như thể dẫn đường cho họ là một thứ cảnh sát vô hình xua lũ du thử du thực đi sẵn. Tôi thấy cái đó ở mọi nghề nghiệp, một số là sĩ quan theo đúng nghĩa đen, những người khác, chủ tiệm thực phẩm, những người khác nữa, cha xứ, rồi lại có những người là giáo sư, nhà báo, gác cửa hay người trông giữ nhà thờ. Họ có một điểm chung, ấy là họ đinh ninh rằng một lời cằn nhằn từ phía họ hoặc chỉ một cảnh báo thôi cũng sẽ ngay tắp lự làm tôi rời bỏ những ý kiến lính trơn của tôi; niềm hy vọng luôn luôn bị đánh lừa.

Về sau, vào lúc mà, do tình cờ hết mức, tôi dính dáng với các học giả nặng đô, tôi đã nhận ra một trong những người anh em của tôi nơi một cậu sinh viên nhận học bổng không tránh né chuyện cướp lấy các vị trí hàng đầu từ tay đám sĩ quan bẩm sinh; người ta đã không trách cứ anh ta về điều đó, mà giữ lấy, với những lợi thế ấy, một cách đánh giá hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với chúng. “Thế nào cơ? Anh, một sinh viên nhận học bổng”; điều đó được nói ra hơn một lần, với một sắc thái của buồn bã, bởi một thứ chính trị của Thời Đại, thứ vốn dĩ sinh ra đã là đại tá. Cậu học bổng ấy là ngoại hạng trong môn Hy Lạp và La tinh, nhưng thiếu mưu mẹo. Thiếu tham vọng là một tội ác; và thật sai lầm khi để cho lũ ăn cắp mũ thấy điều đó, như tôi đã hiểu vào quãng bảy tuổi.

Tôi thích những người theo thuyết xã hội hay góp tiền chung, và vì tình cảm tôi luôn luôn sẵn lòng ở chỗ họ, “cho điều tốt đẹp nhất và cho điều tồi tệ nhất” như thành ngữ nói. Nhưng nơi các thủ lĩnh và những kẻ rao giảng học thuyết của họ, gần như lúc nào tôi cũng nhận ra viên sĩ quan bẩm sinh; từ đó mà có một sự rút lui chóng vánh lúc nào cũng về đầm lầy của lũ ếch cấp tiến thảm hại, lúc nào cũng bị giẫm nát nhừ người bởi học thuyết kiêu ngạo. Tôi coi [Jean] Jaurès là ngoại lệ, ở ông tôi đã nhận ra từ xa hết mức người lính trơn có thiên hướng đúng nghĩa, đặc biệt là căn cứ vào dấu hiệu sau đây, ông chưa từng bao giờ tìm cách thuyết phục tôi, và thậm chí ông còn chẳng hề nghĩ tới điều đó. Như vậy tôi luôn luôn vẫn là tay sinh viên nhận học bổng, và luôn luôn mal pensant [tức là không phải “bien-pensant”]; luôn luôn quay trở lại nói những gì mọi con ếch đều nghĩ, để mà bị giẫm nát nhừ như vậy; luôn luôn nói những gì chúng không biết nói ra hoặc những gì chúng không dám nói; bằng cách ấy mà, đúng là một sự bội bạc sầu thảm, dùng đúng món tu từ học chống lại những người từng dạy nó cho tôi, và dùng lưỡi dao sắc lẹm đâm César. Một con người rất tốt, và lúc nào cũng là người bạn lớn của tôi, dẫu cho anh có phong thái của một viên thượng sĩ, từng dùng một lời này để đánh giá tôi, khi tôi từ chiến tranh trở về. “Tên lính bất mãn”, anh đã nói vậy. Hãy cố hiểu bằng cách nào chính trị của chúng ta hẳn đã có thể đơn giản và sáng sủa, nếu những ai không ít nhất là đại úy đều bị cấm nói hoặc viết.

10 tháng Sáu 1922






Nhập đề

Nguồn gốc nhà nước




1


Chủ nghĩa cộng sản là một chế độ tự nhiên nhi nhiên mà chúng ta đều từng biết tới, bởi đó là chế độ gia đình. Không ai sở hữu riêng một cái gì, và ai cũng được hưởng theo nhu cầu. Cách nào đó, ở nơi đây đến cả quyền lực cũng không bị chia nhỏ. Đứa con trai nhận biết sức mạnh của chính nó ở trong quyền huynh thế phụ. Người cha có quyền tuyệt đối ở những chức phận chuyên biệt của mình, đó là công việc bên ngoài và các trao đổi có liên quan. Người mẹ thì có quyền tuyệt đối ở những chức phận chuyên biệt của mình, đó là tề gia nội trợ và mọi việc gì mà các hoạt động ấy đòi hỏi. Các quyền hạn được phân chia, mà chẳng hề có thứ luật thành văn hay một hiến pháp được thề nguyền nào. Người bố nói với con trai: “Con đã nghe mẹ nói gì chưa?” Người mẹ, ở các trường hợp khác: “Đừng quên những gì bố con đã ra lệnh.” Sự can thiệp của người mẹ là một điều to lớn đã, rất đúng chỗ, được đưa vào huyền thoại dân gian. Nói tóm lại mọi chuyện ổn, mà chẳng có hiến chương nào hết. Chế độ bạo chúa, sự soán ngôi, nổi loạn là các ngoại lệ, và đi ngược tự nhiên. Nhưng tại sao? Đấy là vì ở đó các tình cảm được cộng đồng sinh học nâng đỡ. Ở đây không có quyền, và thậm chí sự đòi quyền là lời thóa mạ. Chẳng hạn, giữa các anh em, khi gia đình không còn, những phân chia theo quyền thì gây bực bội: ấy là vì người ta tiếc nuối quãng thời gian sung sướng nơi tình cảm đặt quy tắc cho mọi thứ. Aristote nói rằng tình cảm là bạn của trao đi và kẻ thù của trao đổi.

Từ đó mà có cái ý tưởng vĩnh cửu là chuyển vào xã hội chính trị những dây liên hệ đẹp đẽ nơi thứ quyền lực sáng ngời của sự tuân lời đầy trìu mến và những coi trọng lẫn nhau. Nhưng những ẩn dụ chẳng hề làm biến đổi chút nào các vật. Người ta nói rằng tất cả con người là huynh đệ, nhưng hoàn toàn không phải thế. Cái cộng đồng theo dòng máu đó, cuộc sống ban đầu được bảo vệ bởi một quyền lực nhân đôi được công nhận và được yêu quý đó, ấy lại chính là thứ chẳng bao giờ có giữa hai con người không cùng bố cùng mẹ. Người ta có thể bắt chước tình cảm anh em, và nỗ lực này đẹp, hoặc trong tình bạn, hoặc trong môi trường láng giềng, hoặc trong việc thực thi lòng từ bi phổ quát, nhưng ở đó thiếu mất vật chất đầu tiên, mà chỉ tự nhiên mới có thể cung cấp, mà chẳng gì có thể thay thế. Mà đã là quá hiếm chuyện hai người anh em, thực sự anh em, yêu nhau đủ để thực hiện kiểu phân chia đẹp đẽ này, vốn dĩ là một sự cho đi toàn thể và hai chiều.

Một ông vua tốt là cha của các thần dân. Cũng lại là một ẩn dụ đẹp; nhưng không có. Ông vua hẳn phải cai trị với tư cách người cha; nhưng ông ta không phải người cha. Liên hệ tự nhiên bị thiếu đi. Lòng kiêu ngạo và cơn giận dữ hoàn toàn không được giảm độ đủ mức thông qua tình yêu, và nhất là tình yêu vợ chồng, hết sức mạnh mẽ ở khởi đầu để có thể giáo dục cho tình yêu cha con. Bà hoàng hậu rất có thể được gọi là mẹ của dân chúng; nhưng bà thực sự hoàn toàn không phải vậy. Thứ tình yêu đậm đặc màu sắc thần bí này, kết quả của một cuộc sống thoạt tiên tuyệt đối có tính cách chung, khi đứa bé chỉ là một phần trong cơ thể người mẹ, hiển nhiên không thể được bắt chước thông qua lý trí; tinh thần không thể làm thế. Vậy nên sự can thiệp của hoàng hậu sẽ hoàn toàn không được thực thi giống như sự can thiệp của bà mẹ. Các thần dân sẽ muốn một hiến chương và những đảm bảo; họ sẽ không nhầm. Và, từ một phía khác, ông vua không thể trông chờ thần dân của ông yêu ông như một người cha; các tình cảm tự nhiên hoàn toàn không được truyền đi. Những dây liên hệ da thịt và máu thì là thú vật, đúng rồi; nhưng chúng vẫn cứ là da thịt và máu. [Auguste] Comte nêu nhận xét, các tình cảm thuần khiết nhất cũng là những gì kém năng lượng nhất. Vậy nên, với một tình huynh đệ không gốc rễ, hoặc một tình cha con không gốc rễ, chúng ta vô vọng trong việc tìm cách tạo dựng một gia đình theo ẩn dụ, sẽ gồm những người mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp hoặc còn chưa sinh ra. Ngược lại sự khôn ngoan nằm ở chỗ khi ấy tôn trọng mọi đề phòng của quyền, thứ nâng đỡ cho một tình cảm xuất chúng, nhưng là bạc nhược đúng nghĩa. Công lý hoàn toàn không phải tình yêu, nó là thứ nâng đỡ tình yêu những lúc tình yêu yếu, thứ thay thế tình yêu khi tình yêu thiếu.

12 tháng Tư 1930




2


Nhà xã hội học nói với tôi: “Người ta thấy bị cám dỗ rất mạnh đi giải thích toàn bộ tổ chức xã hội bằng nhu cầu ăn và mặc, khi đó Kinh Tế thống trị và giải thích mọi thứ khác; chỉ có điều, nhiều khả năng nhu cầu tổ chức thì có trước nhu cầu ăn. Người ta biết có các tộc người sung sướng hoàn toàn không cần tới quần áo và kiếm đồ ăn bằng cách chìa tay ra; thế nhưng họ có các ông vua, thầy pháp, các thiết chế, luật, một cảnh sát; từ đó tôi đi đến kết luận rằng con người ở bản tính là công dân, và anh ta yêu sự cai trị vì bản thân nó.

- Còn tôi thì kết luận, tôi đáp, một điều khác, đấy là Kinh Tế không phải nhu cầu thứ nhất. Ngủ thì có nhiều tính cách bạo chúa hơn ăn. Ta hình dung được một trạng thái trong đó con người ăn uống không chút nhọc nhằn; nhưng chẳng gì có thể làm anh ta không ngủ, dẫu anh ta có mạnh mẽ và táo bạo tới đâu, anh ta sẽ mất hết tri giác, và do đó không thể tự vệ, trong vòng khoảng một phần ba cuộc đời anh ta. Như vậy có khả năng những mối lo đầu tiên của anh ta xuất phát từ nhu cầu ấy; anh ta tổ chức sự ngủ và sự thức: một số người canh gác trong lúc những người khác ngủ; đó là bức phác họa đầu tiên cho thành phố. Thành phố có tính cách quân sự trước khi có tính cách kinh tế. Những con người man dã mà anh nhắc đến kia phải tự vệ trước những người hàng xóm, trước thú dữ, trước lũ rắn. Tôi nghĩ rằng Xã Hội là con gái của nỗi sợ, chứ không phải của cái đói. Còn hơn thế nhiều, tôi sẵn sàng nói hiệu ứng đầu tiên của cái đói chắc hẳn là làm phân tán con người thay vì tập hợp họ lại với nhau, tất tật đi kiếm thức ăn tại những vùng ít bị khai thác hơn cả. Chỉ có điều, trong khi ham muốn phân tán họ, nỗi sợ lại tập hợp họ lại. Sáng ra, họ cảm thấy đói và trở nên vô chính phủ. Nhưng tối đến, họ cảm thấy nỗi mệt và nỗi sợ, và họ yêu các thứ luật. Vậy nên, vì anh thích gỡ tấm vải xã hội với mục đích tìm hiểu xem nó đã được làm ra như thế nào, đừng quên rằng mối quan hệ “quân sự” là thứ nâng đỡ cho mọi quan hệ khác, cũng giống như tấm vải thô nâng đỡ cho tấm thảm.

- Được rồi, anh ta nói. Như vậy chúng ta sẽ xếp các nhu cầu theo trật tự sau đây: nhu cầu được canh gác hay được ngủ yên bình, rồi đến nhu cầu ăn, và sau chót là nhu cầu sở hữu, vốn dĩ chỉ là nhu cầu ăn trong tưởng tượng trước khi cảm thấy đói?

- Tôi chẳng biết, tôi đáp, anh có rút được từ nỗi sợ mọi phẩm hạnh xã hội mà nó bao hàm hay không. Giấc ngủ là người cha của những người gác đêm và các đội quân; nó là cha của các giấc mộng nữa; từ đó mà các tôn giáo đã thoát thai. Người lính xua lũ thú dữ, và ông thầy tu xua các hồn ma. Một trại lính là một ngôi đền, đó chính là các hạt nhân của thành phố nguyên khai. Mãi về sau này máy móc và nhà máy mới hoàn thành tác phẩm.

- Thế còn nhu cầu sinh con đẻ cái, chúng ta sẽ để vào đâu?

- Tôi sẽ xếp nó, tôi nói với anh, bên cạnh Kinh Tế, giữa các nhu cầu phản xã hội. Bởi vì cả hai đều trang bị vũ khí cho con người chống lại con người. Nhưng giấc ngủ là một ông vua còn hùng mạnh hơn. Người ta ca ngợi mặt trời, nhưng người ta sợ đêm. Đó chính là lý do phải có tù và của mục đồng và lục lạc các đàn thú, chúng nói thật mạnh mẽ với trái tim chúng ta, khi nào thì ngày đi mất. Ôi đêm, bà hoàng của các thành phố.

22 tháng Bảy 1908






I

Các quyền lực chống lại công dân


Vị thủ lĩnh bị băng hoại bởi quyền lực


3


Hiện nay chỉ những người Mác xít có ý tưởng. Tôi muốn nói ý tưởng về ý tưởng, vì ý tưởng tức thì [“tức thì”: khái niệm xuyên suốt của triết học; Bergson nói đến “các dữ kiện tức thì” của ý thức, và với Fichte, “ý thức tức thì” không là gì khác ngoài tri giác; “tức thì” là cấp độ khác, không có phóng chiếu] bất kỳ ai cũng tạo lập được trong nháy mắt. Còn ý tưởng về ý tưởng, là mỗi người nghĩ tùy theo những gì anh ta làm [nói ngắn gọn: tri hành hợp nhất; cf. Vương Dương Minh; nếu nhìn nhận theo mô hình này, suy nghĩ tương tự với phóng chiếu]. Ý tưởng mà một viên cảnh sát tạo ra liên quan đến nghệ thuật thuyết phục đến với anh ta từ cái vật chất lạ thường kia, mà anh ta biết cách làm cho cất tiếng. Một chủ ngân hàng nghĩ khác; một thầy tu lại khác nữa. Tôi biết rằng ông bộ trưởng suy nghĩ quyền lực của ông ta, và kẻ hà tiện cũng thế, nhưng theo cách khác nhau, về các đối tượng khác nhau. Hôm qua tôi quan sát một đội đặt đường ray; cái đối tượng to lớn và nặng ấy áp đặt những suy nghĩ chuẩn xác; sự nhất trí của các cử động quan trọng với mỗi người ngang mức với không khí mà anh ta hít thở. Người thủ lĩnh [đội trưởng], mà tiếng hét ra lệnh đầy gay gắt vang vọng tận tới dưới những cây sồi của cánh rừng cổ xưa, tạo ra một bài hát khác với tiếng hét ra lệnh của người nông dân. Sự vâng lời cũng khác. Cho rằng các ý tưởng của người nông dân và người công nhân trước hết hoàn toàn không tuân theo cái âm nhạc có nhịp điệu và ngân nga tùy theo công việc, ấy là nghĩ theo sách. Và cũng đúng rằng người nào nghĩ theo sách là một dạng nhà ngoại giao có cách thức riêng để chê trách và để hòa giải, giữa những người đồng hành câm lặng của anh ta.

Hãy tưởng tượng một người thợ dệt chuyên làm lanh, hiện nay vẫn, bởi sự mảnh mai của các sợi chỉ, sử dụng máy dệt kiểu cũ, trong căn hầm vòm cao của anh ta. Cả gia đình quây quần, chung tay làm việc quanh cái máy, và tùy theo các phương tiện riêng của mình, trong đó tính cả những bàn tay nhỏ bé nối lại sợi chỉ đứt. Sự rèn luyện cũ kỹ sống lại, cả lòng tôn trọng cũ kỹ nữa, và sự thờ phụng cũ. Hãy tạo ra một cái máy nào đó tinh vi hơn cho phép dùng hơi nước để dệt những mảnh lanh mịn hơn; thế là gia đình bị phân tán, các ngôi nhà nép sát vào nhau quanh nhà máy, những chỗ ở bí không khí, chẳng có vườn. Và xuất hiện một kỷ luật khác, những suy nghĩ khác. Gia đình nông dân sẽ lưu giữ các vị thần cũ, đó là và sẽ luôn luôn là tổ tiên; một tôn giáo khác, thế là có một chính trị khác. Một cánh đồng lúa mì thì không để cho nó được làm giống một mảnh vải; một cánh đồng lúa mì dạy một dạng kiên trì khác, một kinh tế học khác. Và mỗi người đánh giá sự vụ công cộng như thể đó chính là ngôi nhà của anh ta.

Ý tưởng vô sản, nếu tin vào các lời lẽ của nó, thì tôi sẽ hụt mất nó; nhưng nếu áp thật sát vào cái máy, tôi sẽ tìm ra nó. Nó không bị giấu đi. Đó là một ý tưởng mà người nông dân sẽ không bao giờ có, tức là, cái gì không ổn đúng như nó phải vậy, thì phải tác động vào đó, và tới giờ làm thay đổi nó đi. Nhưng ta đâu có thể thay đổi lúa mì khi tới giờ, cũng như thay đổi mây và gió. Những người vác thanh ray và cùng nhau đặt nó kia, số phận của họ tùy thuộc vào họ; họ có một ý tưởng nhất định về vị thủ lĩnh; hoàn toàn không phải về vị thủ lĩnh yếu, thiếu cả quyết, ba phải, lắm điều. Chế độ độc tài vô sản được định nghĩa khá chuẩn xác bởi những ra lệnh ngắn ngủi ấy. Uy quyền mà con người gây lên con ngựa thì có bản tính hoàn toàn khác; ta thấy ở đó một phần sự đe dọa và tàn nhẫn, hội chung với một tình bạn thuộc loại kỳ quặc; cũng vậy, bản thân viên sĩ quan kỵ binh cũng là một sản phẩm của tự nhiên và các công việc; tôi đoán được những lời anh ta tự nhủ với chính mình trong lúc đọc báo; tôi biết là tờ báo nào. Xe ô tô và máy bay sẽ hạ lệnh phải có một chính trị khác. Và bản thân nhà máy sản xuất máy bay sẽ nuôi nấng, đó chính là từ chuẩn, bên trong người công nhân một ý tưởng khác về tiến bộ và các nhu cầu khác so với bên trong một người công nhân làm ra những con dao hoặc những cái nồi.

Và bản thân người Mác-xít, tôi giải thích anh ta bằng chính ý tưởng-anh ta. Bởi vì, chừng nào là khán giả, anh ta suy nghĩ theo lời lẽ của anh ta, và theo dạng sức mạnh mà anh ta thực thi thông qua lời lẽ. Nhưng ngay khi là người cai trị, anh ta liền suy nghĩ quyền lực, cảnh sát, quân đội. Anh ta cũng có thanh ray phải vác; anh ta suy nghĩ theo tiếng hét ngắn ngủi, đúng; nhưng vì thanh ray cũng cho thấy các ý kiến, tiếng hét thay đổi và ý tưởng thay đổi, và nhanh hơn nhiều so với ta dám nghĩ. Ý tưởng làm nên cách mạng. Nhưng còn lại một chương phải viết, làm thế nào mà cách mạng với tư cách máy dệt đến lượt nó làm thay đổi ý tưởng; bởi vì có một cách thức để nắm lấy và điều khiển con người, cũng như nắm lấy và điều khiển một thanh ray, nhưng hoàn toàn khác.

21 tháng Chạp năm 1929




4


“Tại sao anh không tham gia một đảng cách mạng?” Người ta từng đặt cho tôi câu hỏi ấy hơn một lần. Và tôi sẽ luôn luôn trả lời cùng một điều: đấy là vì tôi cách mạng hơn tất cả các anh. Tôi không chỉ nói rằng tôi chẳng có chút lòng tin nào vào bất cứ dạng thủ lĩnh nào; như vậy hẳn sẽ là nói quá ít. Trong thâm tâm tôi chắc chắn mọi thủ lĩnh sẽ trở thành một tên bạo chúa đáng ghét nếu người ta cứ để mặc ông ta. Tại sao tôi lại chắc như vậy? Bởi vì tôi biết rất rõ những gì hẳn tôi sẽ làm nếu là tướng hay nhà độc tài. Các dục vọng có tương quan với dạng nghề này bao giờ cũng chỉ thiếp ngủ. Hạnh phúc xiết bao nếu có một đội vệ binh trung thành! Thật dễ chịu nếu không bao giờ phải thay đổi một mệnh lệnh; nếu không bao giờ phải nghĩ đến nó; nếu nghiền nát mọi thứ gì kháng cự, giống như một cỗ máy lớn đi qua! Cũng xiết bao hạnh phúc khi được chơi trò chơi lớn, thách thức, mạo hiểm, bất chấp! Napoléon mới hùng biện làm sao! Và, trời ạ, đó cũng chính là sự hùng biện của một thủ lĩnh cướp biển: “Điều mà ta sẽ quyết định, các anh sẽ làm; và các anh có thể chắc chắn vào điều đó.” Sự chắc chắn vào bản thân này, ta có được mau chóng lắm. Những con người bị lôi theo bước chân lớn. Và rất sung sướng. Cả về điều này tôi cũng biết chút ít; vì tôi có khả năng tiến theo bước một con người can đảm và cả quyết. Lòng trung thành, tự nó, thật tuyệt diệu.

Còn về phần các ý tưởng, anh sẽ hỏi, chúng sẽ trở thành gì đây? Ta làm gì với chúng? Đơn giản vô cùng; ta chẳng bao giờ nghĩ tới nữa. Chẳng gì dễ hơn so với không nghĩ. Chỉ cần thật bận rộn với các hành động. Chỉ cần có những chuyện rối mù cần tìm hiểu, một quyền lực cần phải giữ, một mệnh lệnh cần thực thi. Nếu anh muốn trở thành bạo chúa, đừng để những người khác có chút ngơi nghỉ nào, cả anh nữa. Họ sẽ sung sướng. Anh sẽ sung sướng. Sức mạnh thì giống một thứ rượu. Hạnh phúc được coi trọng người khác mang tới sức mạnh khinh bỉ. Hẳn người ta sẵn sàng cho đi mạng sống của mình vì bạn bè. Ở mức độ này của lòng quyết tâm, mạng sống của một tên kẻ thù chẳng còn đáng tính đến mấy. Vậy đâu là nhà hùng biện nói năng với tư cách người ngang hàng, với những người ngang hàng? Đúng là ông ta khởi đầu như vậy; nhưng cơn cuồng ngưỡng mộ, vốn dĩ nó gây nhiều ngây ngất lắm, đã chóng vánh lôi tuột ông ta ra khỏi sự khiêm nhường; bởi tiếng ồn ào những hoan hô rất mạnh mẽ; tai không bị đánh lừa đâu. Ta cảm thấy mình là ông chủ và Jupiter của một cơn giông tố con người, của một cơn giông sung sướng, nó thề làm người khác loạn trí. Ta tự nhủ: “Hãy tiến bước mãi, bởi vì ít nhất mình biết mình sẽ đi đâu.” Nhưng điều này không còn đúng nữa. Sai lầm đầu tiên của vị thủ lĩnh, sai lầm dễ dàng nhất, dễ chịu nhất, ít được ông ta biết đến nhất, là tự tín. Về điều này tôi sẽ không thu thập các ví dụ; ta chẳng thấy gì khác ngoài đó. Alexandre, Napoléon, Lê nin, Trotski, đó là những con người thần thánh; đó là những con người thần thánh ở điểm khởi phát. Hãy nói thật ngắn gọn, sự tán thành chết đi bởi sự hoan nghênh. Stendhal, từng nếm trải tất tật những chuyển động ấy, đã chỉ một phát chọc thủng lớp thiết giáp, như ông vẫn làm luôn luôn: “Quốc gia say sưa vì vinh quang; vĩnh biệt tự do.”

Tại sao lại thế? Chỉ cần nhìn con người đứng và đi là đã đủ hiểu bằng cách nào chuyện lại như vậy. Cái đầu thì nhỏ và lạnh. Lưng rộng và hào phóng. Suy nghĩ là một thứ to lớn và nhỏ nhoi, cho tới giờ vẫn chưa bao giờ thành công. Luôn luôn lồng ngực, địa điểm của lòng can đảm và cơn giận dữ, ra mọi mệnh lệnh. Chỉ cần nói to là công lý đã nổi điên rồi; nó không còn là công lý nữa; và tình huynh đệ ngất ngây chẳng hề còn là tình huynh đệ một chút nào. Hãy xem các nghiệp đoàn phân rẽ chống lại nhau, và bị cai trị bởi các hoàng đế, các bộ trưởng, những viên thượng sĩ. Và thế nhưng nếu trên đời có một tổ chức có tính cách dân chủ, thì chính là nó. Ở đó lẽ ra mọi sự phải được tiến hành thông qua các cuộc họp giữa những người bình đẳng, nơi vị thủ lĩnh chỉ là thư ký. Trên thực tế mọi sự được thực hiện thông qua các nghị định, các chuyển động của hùng biện, và sự tụ hội thiêng liêng. Nếu trật tự mới này được khẳng định, thì đó sẽ là bởi tay một Alexandre, một César, một Napoléon, những kẻ sẽ từ chối vinh quang và sức mạnh, những kẻ đang là và sẽ vẫn là dân chúng trong từng đường gân thớ thịt; những kẻ sẽ cứu lấy trong cơ thể lớn những suy nghĩ đa dạng, ngang bằng, đối lập, bạn bè; những kẻ sẽ yêu công lý và từ chối ham muốn chỉ chực cắn người khác, vốn dĩ gắn chặt theo đường lối khủng khiếp tới vậy vào mọi tình yêu của chúng ta. Và Descartes con người cô độc từng nói rằng tình yêu cổ xưa nhất của chúng ta là ăn ngon; từ đó mà có chuyện mọi tình yêu đều ngốn ngấu những gì mà nó yêu. Về điều này anh nói rằng sự thông thái lạnh lùng làm anh thấy chán. Được thôi. Vậy thì hãy cứ chơi mãi cùng một trò chơi. Anh sẽ chỉ thay ông chủ mà thôi. Quân Đội Mới đang đợi những kẻ tình nguyện đấy. Hãy lao bổ tới đó. Thêm một lần nữa hãy bán tự do đi. Bán nó đi, một cách tự do.

Tháng Hai 1932




5


Dẫu hiến pháp có là như thế nào, ngay khi các công dân để cho mình bị cai trị, mọi chuyện đã xong xuôi. Auguste Comte từng coi là siêu hình học mọi tranh luận về nguồn gốc các quyền lực. Nỗ lực chẳng mấy được tiêu hóa. Con người hoàn toàn không được tạo ra để có thể được chia thành hai nhóm, trong đó một bên không xứng với chút tin tưởng nào, còn bên kia xứng đáng với mọi thứ. Cũng tương tự, đâu có thể phân biệt trong số con người những kẻ hiếu chiến và những người ưa hòa bình; vẫn cùng là con người thực hiện chiến tranh lại nguyền rủa nó; và thường anh ta ca ngợi cùng là nguyền rủa nó trong cùng một câu, và theo cách nào đó, với cùng động tác. Áp phe lớn, đối với tôi, công dân, chẳng hề nằm ở chỗ chọn lấy một người bạn nào đó của hòa bình để thương nghị, thỏa hiệp, nhân danh tôi xử lý theo quyền và theo lương tri, mà nằm ở chỗ ngăn cản vị thủ lĩnh, dẫu đó có là ai, chuẩn bị chiến tranh. Và kẻ ưa hòa bình nhất trong số con người sẽ chuẩn bị chiến tranh và quyết định chiến tranh nếu kẻ ấy không cảm thấy vào mọi thời điểm một sự kháng cự mãnh liệt. Ở đây có quá nhiều ví dụ và chúng tự bày ra cho tinh thần mỗi người. Bao nhiêu con người từng làm tôi thất vọng! Thậm chí, bao nhiêu người bạn! Hẳn ta có thể nói rằng tất tật những người bạn của hòa bình đều đã phản bội. Nhưng nói như thế là rất kém. Hãy nhìn cho kỹ; họ được hướng lối tùy theo quyền lực mà họ sở hữu; mọi sự chỉ huy đều là chiến tranh, thông qua thái độ, thông qua sự luyện tập, thông qua âm sắc giọng nói.

Nhưng ta hãy quay trở lại với các cá nhân. Nếu cởi quần áo một ông tướng, tôi sẽ tìm được một con người; và nếu như phẫu tích ông ta, chừng nào chúng ta nhiều hiểu biết hơn hiện nay gấp nghìn lần, tôi chắc chắn chúng ta sẽ chẳng hề tìm được trong cấu trúc của ông ta bất kỳ đường gân thớ thịt nào, cũng như bất kỳ khối u nào, bất kỳ hợp chất hóa học nào, đặc biệt có tính cách quân nhân. Nơi cái con vật nằm thượt ra và bị mở toang giống một quyển sách trên bàn phẫu tích kia, tôi nhận ra cơ chế của nỗi sợ, nó đồng nghĩa với chuyện mọi cơ, khi có báo động đầu tiên, căng ra, chống đối nhau, đưa máu vào bụng, bóp chết sự sống. Tôi cũng dễ dàng nhận ra một cơ chế sửa chữa cho cơ chế đầu tiên, đó là sự bực bội; hành động nào cũng đánh thức mọi thứ và tự trở nên phấn khích, thông qua trò chơi của các cơ, các dây thần kinh và của máu, vậy là đã có một con thú mà chẳng hiểm nguy nào còn có thể ngăn chặn được nữa, chừng nào đã khởi động. Nhưng vì, không thể tránh khỏi, nỗi mệt và sự cáu ghét đi theo ngay sau tất tật những náo loạn kia, và vì khoái lạc gây nhiều ngây ngất nhất chắc hẳn là khoái lạc cảm thấy được ngủ và loại trừ mọi thứ đi, tôi dự báo sự lười nhác sẽ là luật tối cao của cái cơ thể này, mạnh mẽ đúng như ta có thể giả định. Là như vậy đối với con thú. Giờ, căn cứ vào cái đầu to kia, cặp mắt kia, và đôi bàn tay kia, tôi dự đoán một sự đa dạng khổng lồ các tri giác và kỷ niệm, thứ, phối hợp với những chuyển động thú vật chính yếu, sẽ giải thích khá nhiều điều cho tất tật mọi dục vọng con người, tất tật mọi xuẩn ngốc, và tất tật mọi đức hạnh. Trong tất thảy những điều đó tôi không nghĩ nó nghèo nàn hơn so với anh, so với tôi, cũng chẳng phong phú hơn. Tôi từng có cơ may, trong đó cũng có lẫn tí chút khôn ngoan, không trở thành sĩ quan; nhưng tôi đã có mọi thứ gì cần thiết để có thể trở thành sĩ quan, cứ tin vậy đi; và anh cũng thế.

Sự cảnh giác không bao giờ được buông lơi, đó là điều mà tôi chắc chắn hơn cả. Việc một quân hàm hay một chức vị ngay tắp lự làm thay đổi con người, và chỉ cho anh ta thấy một vũ trụ khác, tôi từng chứng kiến các bằng chứng đáng kinh ngạc nhiều rồi. Thêm vào đó tôi không thấy cũng chẳng hề nghi ngờ, ở những đổi thay ấy, bất kỳ một dạng mưu mẹo nào; con người luôn luôn thành thực và vô tội; ngây thơ như một người anh hùng của Homère; tôi xin nhắc lại điều đó, tôi tự chứng minh với bản thân và tôi tự giải thích điều đó hằng ngày, nhưng vẫn còn chưa đủ chắc chắn về nó. Cũng giống bọn trẻ con, và bản thân tôi cũng ngây thơ trong chuyện này, tôi những muốn nhốt vào tù tất tật lũ độc ác, và đưa những người tốt đẹp lên ngai vàng. Nhưng chỉ vừa đội bộ tóc giả và choàng cái áo măng tô hoàng gia xong, người ấy sẽ trở thành Louis XIV ngay, tức là tự cao tự đại và ngu xuẩn vô độ; chính vì vậy tôi muốn chống lại người ấy; tôi cần phải chống lại người ấy không ngừng nếu không muốn căm ghét anh ta. Phải đấy, anh bạn nhiều tham vọng của tôi ạ, anh sẽ trở thành vua và anh sẽ chẳng hề ngu xuẩn, miễn sao chúng ta thật cảnh giác. Và anh sẽ mỉm cười trước cái dân chúng khó tính kia.

13 tháng Bảy 1921






Vị thủ lĩnh độc ác từ trong bản tính


6


Lúc nào cũng phải chịu thua một chút trước những kẻ độc ác. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ con độc ác, cũng như đến quyền lực mà chúng nắm được; suốt đời chúng sẽ giữ cùng các lợi thế, miễn sao sự ranh ma của chúng không mệt mỏi, miễn sao chúng vẫn đủ khả năng dỗi hờn hoặc đả kích cả đến chuyện người ta làm chúng hài lòng. Có lẽ hoàn toàn không có tâm trạng tốt hay sự thông thái nào phòng chống được các dấu hiệu của thịnh nộ hoặc căm ghét. Bắt chước con quái vật, hoặc làm nó dịu đi, hoàn toàn chẳng có lựa chọn nào khác nữa. Nhưng chắc là cần một sự căm ghét hết chín lại tái thì mới có thể đủ sức hỗ trợ cơn giận dữ bằng các lập luận. Tôi không nghĩ nghệ thuật có bao giờ vượt được và chiến thắng cái tự nhiên trong chức năng áp chế này. Sự cáu giận [nói đúng hơn, “mật”, “bile”] cai quản khắp mọi nơi. Con người thích đánh giá hẳn sẽ quan sát tốt hơn những giận dữ đó như hẳn anh ta sẽ làm đối với một hiện tượng của tự nhiên, và rốt cuộc giương những cái buồm nhỏ lên cho thuyền đi theo chiều gió thổi; và thậm chí anh ta sẽ tìm được khoái cảm trong việc ấy. Chắc hẳn cái nghề làm triều thần thì xấu xa, nhưng mới thoạt tiên nó rất hấp dẫn. Thực hiện các ma nớp, trong trật tự vật, nghĩa là chiến thắng, nhưng trong trật tự con người, đó là tuân lời. Như vậy lũ người độc ác đã không, rốt cuộc, cai trị.

Khi nhắc đến đám người độc ác, tôi không định, như người ta thấy đây, nói tới các loại quỷ đầy mưu mẹo làm ra vẻ đạo đức giả; mà tôi muốn nói những kẻ nhiều bạo lực, tất tật những ai tự buông mình theo các dục vọng, tất tật những ai ngây thơ phán xét căn cứ vào các ham muốn nơi họ, và cũng là những người cứ không ngừng ép buộc kẻ khác, mà chẳng hề ngờ đến điều đó, và thậm chí trong lúc thành thực hét lên rằng chẳng ai buồn coi trọng họ. Sức mạnh của lũ người độc ác nằm ở chỗ bọn họ nghĩ mình tốt đẹp, và là nạn nhân cho những thất thường của kẻ khác. Vậy nên lúc nào bọn họ cũng nhắc đến các quyền của mình, và không ngừng gợi tới sự công chính; luôn luôn nhằm đến cái thiện, nếu cứ nghe họ nói; lúc nào cũng nghĩ tới người khác, như họ nói; luôn luôn trưng bày các đức hạnh riêng, luôn luôn dạy dỗ, và hết sức thành thực. Những âm điệu ấy, những lời lẽ chất chứa dục vọng ấy, những lời biện hộ đầy sức sống và lửa đốt ấy đè ngạt các bản tính ưa hòa bình và đúng đắn. Những người trung hậu chẳng bao giờ có một ý thức chắc cú đến thế; họ hoàn toàn không sở hữu thứ lửa bên trong rọi sáng các bằng chứng xấu xa; họ biết nghi ngờ và kiểm tra; và, những lúc quyết định điều gì có lợi cho chính mình, họ luôn luôn thấy có chút lo lắng. Rất xa với chuyện lên cơn thịnh nộ để đòi hỏi, họ thấy khá là sung sướng nếu người ta để lại cho họ những gì thuộc về họ; hẳn họ sẵn lòng nhất trí với mọi điều để được yên thân, thế nhưng họ hoàn toàn chẳng được yên. Người ta giật đức hạnh của họ như thể đó là một sợi dây. Người độc ác nói với họ: “Anh, một người tốt, đúng đắn và rộng lượng.” Những người trung hậu những muốn mình là tất tật những thứ đó; họ thấy rằng mình chẳng mấy đạt tới chúng. Lời ngợi ca thì họ cũng thích giống những người khác; nhưng sự chê trách có tác động mãnh liệt lên họ, vì họ quá mức có xu hướng tự chê trách bản thân, xu hướng làm phình to các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình. Như vậy ta có hai cách hành xử.

Chúng ta cũng nên thêm vào đó rằng họ đức độ, rằng họ hiểu những người nhiều bạo lực, rằng họ thương cho những người kia, rằng họ tha thứ cho những người kia; và rằng rốt cuộc họ mang trong mình một nguyên tắc về sự yếu và sự nô lệ; họ sung sướng. Họ tự an ủi, họ cam tâm. Khi còn là trẻ con, họ chơi trong góc với một cái nắp chai được đưa cho. Thành người lớn, họ vẫn biết tự vui thú với các thứ tài sản mà người khác chẳng hề muốn, điều này làm họ quên đi mau chóng quá mức điều xấu mà người ta đã gây cho họ. Tâm trạng tồi tệ không phải là một nguồn cơn nhỏ nhoi; và chắc hẳn vì thế mà những người hay cáu giận thích hợp với chính trị; bọn họ bị e sợ và, điều thật lạ, bọn họ được yêu quý ngay khi nào không làm tất tật điều xấu mà bọn họ có thể làm; một nụ cười phát ra từ bọn họ, một lời khen ngợi, một động tác thiện lương được đón nhận như những ân sủng. Ta chẳng hề thấy tự hào khi làm cho một con người trung hậu thích mình, thế nhưng ta lao công khổ tứ hòng khiến một đứa trẻ ủ ê mỉm cười. Điều buồn cười nằm ở chỗ kẻ độc ác sẽ đọc những dòng này sẽ tự nhủ rằng anh ta tốt, trong khi người tốt sẽ tự hỏi hay thật ra anh ta độc ác. Vậy nên những dòng này, vốn dĩ nhằm đám người độc ác, toàn chỉ trúng vào những người tốt mà thôi.

15 tháng Mười 1911




7


Tại Hội Nghị Những Kẻ Độc Ác, giáo sư Mật [“bile” - đồng thời cũng là ẩn dụ cho tình trạng cáu giận] trình bày một nghiên cứu về tham vọng, trong đó những vấn đề chính yếu của chính trị được nhìn nhận dưới một khía cạnh mới. Bởi vì, ông nói khi bắt đầu, đã rõ rằng quyền lực chẳng bao giờ thuộc về những người đòi nó, và bằng cách ấy tự chỉ định như là những người xứng đáng thực thi nó. Ta chưa từng thấy có chuyện dân chúng đi tìm nhà thông thái hay người công bằng bao giờ, hòng được đưa lên vị trí cao nhất. Nhưng nếu xảy ra điều đó, chắc hẳn nhà thông thái sẽ luôn luôn có số phận của kẻ nhiều tham vọng nhưng không độc ác, mà đó chỉ thuần túy là sự phù phiếm, và do vậy chỉ là một quyền lực vô vọng. Và, ngược lại, những kinh nghiệm chói lọi cho thấy rằng những kẻ độc ác cai trị ở khắp mọi nơi. Có gì mà phải kinh ngạc trong điều này? Chẳng phải ta thấy rằng, trong các gia đình, đứa trẻ độc ác thuần phục các cô bảo mẫu, bố mẹ và ông bà của nó, đấy ư? Hẳn người ta sẽ chế nhạo một đứa bé nhiều tham vọng; hẳn nó sẽ mau chóng bị làm nhục. Nhưng nếu nó độc ác không chút yếu đuối, thì người ta sẽ chịu thua thôi. Và thậm chí tôi đã để ý thấy, giáo sư nói, một bạo chúa trong gia đình và bản thân độc ác từ hồi còn nhỏ thì lại rất coi trọng đứa bé nào giống ông ta; vậy nên quyền lực được truyền từ người này sang người kia, dưới ánh mắt nản chí của giới tiện dân công bằng và biết theo lẽ phải.

Vậy sự độc ác là gì? giáo sư tự hỏi. Về điều này, ông khởi sự miêu tả một dạng giận dữ, một biểu hiện của khuôn mặt, một sự chú tâm của diễn viên sao cho chẳng bao giờ để lại chút hy vọng nào cho bất kỳ ai. Điều nhất thiết không được phép lẫn lộn, ông nói thêm, là kiểu giận dữ hào hiệp, thứ vốn dĩ vô cùng gần với lòng can đảm. Và loại giận dữ ấy thì tồi tệ đối với người nhiều tham vọng; bởi vì nó xóa bỏ đi nỗi sợ và sự cẩn trọng; như thế kẻ nhiều tham vọng sẽ phải trả giá bằng chính anh ta; và nếu thực sự dẫn đầu đội quân lao lên tấn công, anh ta sẽ không đi được xa. Kẻ độc ác ở rất xa dạng hào hứng này. Ta sẽ thấy hắn hung tợn theo cách lạnh lùng, hung tợn do suy nghĩ, và như thế, đi ngược lại mọi trông chờ, lúc nào cũng sẵn sàng thỏa thuận ngay cùng khi đang xem xét mọi đàng nhằm gây sợ hãi. Kẻ độc ác thậm chí còn lịch sự và vui tươi trước một lực mạnh hơn; lúc ấy hắn dùng mưu; và đừng hy vọng là có thể lôi được hắn ra khỏi ba tầng cửa của hắn. Điều này có thể hiểu. Ta không thể thỏa sức gây hại nếu không điều tiết sức mạnh của mình. Và đó là một trong những nguyên do khiến người ta dễ dàng cam chịu luật của kẻ độc ác đến như vậy; ấy là vì người ta hoàn toàn không thấy hy vọng nào trong việc có lúc nào lôi được hắn ra ngoài, ngực phanh trần.

Chính vì thế, thưa các ngài, ông nói tiếp, những ai vận dụng bạo lực đều đã dừng lại ở giữa đường. Bạo lực chỉ là một hiệu ứng bên ngoài, nó hoàn toàn cũng có thể là một hệ quả của sự hào hiệp, hoặc của lòng tốt. Khi đó bạo lực chẳng thể nào là liên tục được; nó không kéo dài; nó tha thứ. Chính vì thế những kẻ nhiều tham vọng mà lại không độc ác, dẫu bọn họ có tỏ ra cương nghị tới mức nào, đôi khi, sớm trở nên lố bịch. Người ta chẳng hề rộn lên trước những đe dọa của bọn họ, bởi cả đến lũ trẻ con, thông qua một dạng bản năng, biết rất rõ cách đoán định xem cái ông chủ đang hét rất to kia có độc ác hay không. Và hãy nói rằng kẻ nào dùng đến sự bạo lực một cách miễn cưỡng, không hề thích thú gì, chắc chắn sẽ thua cuộc. Như vậy, khi công nhận rằng các thủ lĩnh đích thực thì tự lựa chọn bản thân mình, và khiến người khác biết tới nhờ sự thực thi sức mạnh, cần phải nói tính cách nhờ đó ta nhận ra bọn họ là một kiểu độc ác thuần túy. Nếu ta không đủ khả năng tận hưởng đau khổ của kẻ khác, nếu ta không bỏ tất tật thời gian để suy tính và chuẩn bị đau khổ của kẻ khác, nếu ta không sở hữu phương tiện ưa thích nhất là chọc thủng mắt và mổ bụng, rồi thì đâm vào các bộ ngực, tốt hơn hết là biến đi, là bỏ cuộc. Bởi vì, hãy nhận cho rõ, kẻ nhiều tham vọng mà lại không độc ác mau chóng trở thành kẻ có nhiều tính cách nô lệ hơn cả trong số con người; bao giờ hắn cũng chỉ sở hữu các ký hiệu của quyền lực mà thôi; hắn không ngừng nghe lời; hắn đạt đến được dáng vẻ ra lệnh bằng cách cứ nghe lời không thôi. Đó chính là lý do khiến những quyền lực khác nhau, ít nhiều có tính cách dân chủ, từng cho thấy và vẫn đang cho thấy đến là nhiều sự yếu ớt trước các công trình của một kẻ độc ác đích thực. Kẻ đó ngự trị nhờ bạo lực thì ít hơn nhiều so với bằng ý chí và lời thông báo bạo lực.

“Giờ, giáo sư Mật nói, cần phải kết luận. Ta có thể tự biến mình trở nên độc ác thông qua ý chí hay không? Chắc chắn là không, nếu ở ta thiếu mất yếu tố thuộc sinh lý tương ứng. Có rất nhiều người sẽ luôn luôn không có khả năng độc ác, dẫu có cố gắng tới mức nào suốt nhiều năm trời. Chính vì thế Trường Cao đẳng Độc ác của chúng tôi chẳng bao giờ do dự thẳng tay đuổi đi rất nhiều học sinh, những kẻ mà các phương pháp kiểm tra bí mật của chúng tôi nhận ra được lòng thương hại, hoặc danh dự, hoặc nữa, công bằng. Những bài kiểm tra của chúng tôi, như các ngài cũng biết, đủ sức phát hiện dấu vết nhỏ nhất của các yếu đuối ấy, mà ở đây tôi chỉ muốn kể tên vài thứ chính yếu. Nhờ những phương cách đó chúng tôi sẽ có thể chọn được các thủ lĩnh đích thực, cũng đồng nghĩa với việc giúp cho các dân chúng đỡ phải có những dò dẫm và một sự náo loạn chẳng dẫn đến đâu. Ngay khi nào quyền lực không còn dính dấp các yếu ớt nữa, ngay khi nào người ta biết nó sẽ hy sinh các gia đình và bạn bè, ngay khi nào người ta biết rằng nó sẽ không ngừng suy tư và tổ chức mọi điều xấu xa khả dĩ, nhất là nội chiến và chiến tranh với ngoại quốc, thì cấu trúc cổ xưa của các dân chúng sẽ được tìm thấy lại. Các nhà thông thái sẽ lựa chọn sự thờ ơ, và sẽ hét lên những gì cần phải hét. Nói cho đúng, họ sẽ chỉ thấy giận dữ trước những kẻ thiếu thận trọng đi tìm các hình phạt chắc chắn bằng cách cứ muốn đối đầu với một luật của tự nhiên. Bởi xét cho cùng nét hiển hiện nhất nơi một con người công chính là hoàn toàn không hề muốn cai trị người khác, và chỉ tự cai trị chính mình. Điều này quyết định mọi thứ. Nói vậy cũng có nghĩa những kẻ tồi tệ hơn cả sẽ thống trị. Và chúng ta nhận thấy gì đây, lúc này, trong các náo loạn ngoài phố, nếu chẳng phải sự đầu hàng liên tục của những người bạn của công lý, cả những người nồng nhiệt lẫn các kẻ nhạt nhẽo, trước những công trình của vài kẻ độc ác? Ta kinh ngạc trước điều đó; thế nhưng chính cái muốn là điều mà Socrate tố cáo, và bị kết án phải uống ciguë.” Đoạn cuối này được hưởng ứng rất ghê. Ra khỏi đó, những kẻ độc ác học việc khoác lên mình vẻ ngoài và dáng điệu của những gì bọn họ muốn trở thành. Và lũ trẻ con thấy rất sợ.

10 tháng Chạp 1935




8


Ông Già dừng bước bên dưới những cây cột Hy Lạp, nhìn đoàn diễu hành, cỗ xe tang màu trắng, và đám đông đang mủi lòng. Ông dựa vào cánh tay đứa cháu, một thiếu niên hăng hái và đầy nhiệt huyết. Trong lễ tang người ta đã thấy rung rinh bộ râu nổi tiếng kia, nó gây khiếp hãi cho đám tinh anh xã hội suốt nhiều năm ròng. Rốt cuộc Ông Già cất tiếng.

“Cháu có thấy không, hở cháu, cần phải chơi toàn bộ cái trò chơi của tham vọng, hoặc là sống trong cô độc. Ta khinh bỉ những thứ quyền lực lảo đảo kia, giống các quyền lực chính trị; bởi vì người ta có thể chế nhạo chúng; thằng nhóc nào cũng có thể huýt sáo la ó chúng mà chẳng phải sợ gì nhiều lắm. Về phần các nghệ sĩ và nhà văn, họ bị giao phó cho phê bình; họ sẽ chỉ hùng mạnh, nếu có bao giờ hùng mạnh, sau khi đã chết rồi. Thế nhưng ta, chỉ nhờ độc nhất quy tắc không sợ đau khổ cũng như sợ gây đau khổ, ta đã sống gần như một vị pacha châu Á; trong số những người từng vây quanh ta không có lấy một kẻ thích nhạo báng nào mà không mau chóng phải trả giá bằng tính mạng của hắn. Và có hơn một trăm kẻ thời ấy đã thề giết ta, giờ bọn họ vẫn còn sống cả đấy. Nhưng phản ứng đầu tiên của bọn họ hẳn sẽ là chào ta. Cái đó gọi là được yêu. Đó là trò mà cháu đã chọn. Cố sao chơi cho thật khá nhé.”

Đoàn người bắt đầu đi, và người ta nhìn thấy đám thanh niên nhiều tham vọng xếp thành hàng lối, gậy cầm trên tay. “Chỉ cần, Ông Già nói, trừng phạt, và không bao giờ sợ hãi. Nhưng vậy thì cũng giống như đi đu quay và còn tệ hơn thế; thỉnh thoảng một chú học việc lại cần bị vỡ đầu. Nhiều người khởi hành bằng bước chân cả quyết; chẳng thể nào có chuyện tất tật đều đến được nơi. Trong chiến tranh, không một kẻ tham vọng nào do dự trong việc trả giá bằng mạng sống. Nhưng chiến tranh chỉ là một biến cố tại cái cuộc đời hung dữ ấy của kẻ lắm tham vọng. Thứ quyền lực hoàng gia kia, cần phải chăm bẵm và cứu thoát nó vào mọi lúc. Nếu kẻ khác cười cợt chúng ta mà không bị trừng phạt, hòa bình liền được thiết lập, và chỉ còn toàn những quyền lực được kiểm soát mà thôi. Ta hy vọng rằng tên thanh niên nào trong đám kia cũng biết tại sao hắn lại đi khiêu khích và đánh đấm; nhưng điều đó thì ta chẳng thể nào chắc được. Không được tìm các nguyên do lớn lao; chỉ riêng ý tưởng về nghĩa vụ thôi cũng đã làm suy yếu quyền lực rồi. Đừng bao giờ quên, vốn dĩ cháu sinh ra từ một dòng dõi tốt đẹp, rằng chính cháu, cháu ấy, là người mà bọn chúng phải kính trọng. Kẻ nào vâng lời vì tổ quốc đã là hỗn xược rồi. Làm thế nào đây? Đôi khi ta thấy thích mình trở nên lố bịch, nhằm trừng trị những kẻ cười cợt. Còn các cháu, đừng đi tìm những lý do đẹp đẽ; mà chỉ đơn giản là hãy bày tỏ, hãy đòi được tôn trọng, hãy đánh đi. Cuộc chiến tranh kia chẳng thể kéo dài mãi được, nhưng cuộc chiến tranh này, chống lại đàn nô lệ, không bao giờ được để nó ngừng lại. Giờ thì hãy lắng nghe những bí mật cuối cùng.

“Kẻ nào muốn thống trị sẽ đặt cược tính mạng hắn. Bị e sợ hoặc phải chết, đó là nan đề của cháu; và người ta phải biết điều đó. Các ngự lâm quân xưa kia đánh nhau chí chết vì một điều nhỏ nhặt; vậy nên bọn họ không làm rộn lên vì một người chết đâu. Khóc người chết, đó là một sự đi đường vòng của nỗi sợ; kinh ngạc trước một người chết, đó đã là sợ rồi. Kẻ nô lệ quan sát cháu, hãy nghĩ kỹ điều này. Kẻ nô lệ cân lên đong lại từng cử động nhỏ của cháu. Ngay khi cháu thể hiện là cháu sợ, hay chỉ là có cảm xúc, tức thì hắn liền hy vọng; ngay khi hy vọng, hắn trở nên mạnh. Cho nên cần phải, các bạn của ta, cấm ngặt khỏi khuôn mặt các bạn những dấu hiệu của nỗi lo lắng, của niềm kinh ngạc, của sự hối tiếc. Thậm chí ta còn chẳng hề thích sự trả thù, nếu đó chẳng phải gì khác ngoài một dịp để thử nghiệm quyền lực. Khi ta lên cơn giận, ta, người đang nói với cháu đây, thì đấy là bởi ta muốn nó, chứ đâu phải vì người khác muốn nó. Vậy nên, hãy cứng rắn sắt thép; đừng để lộ đòn; giấu những người chết của các bạn đi; hãy chối biến; người ta cần biết rõ rằng phương cách cuối cùng của bạo lực thì vẫn chẳng mang lại chút hiệu quả. Xét cho cùng hãy khởi đầu bằng việc chẳng hề thương hại chính mình một chút nào. Khi ấy các bạn sẽ có quyền lực; nếu theo cách khác, sẽ không có đâu. Và chẳng bao giờ, vào bất cứ thời nào, từng có quyền lực cho bất kỳ ai theo cách khác. Sau đó rồi thì ta được yêu; vì con người không cam tâm lúc nào cũng sợ đâu.”

Tháng Tư 1926






Nhà nước xâm chiếm theo chức năng



9


Đừng bao giờ tin những gì một Nguyên thủ Quốc gia nói. Đó là một người nói về cái nghề của ông ta, và đôi khi nói rất hay; nhưng ông ta không thuộc hạng mà người ta phải làm phiền mọi thứ nghề nhằm để cho, chẳng hạn người thợ đường ống, thoải mái làm công việc của mình. “Những người không phải là thợ đường ống, người thợ đường ống nói, không biết được đó là gì; họ rất miễn cưỡng trong việc tạo thuận lợi cho chúng tôi. Đó là những kẻ bội bạc. Bởi vì họ làm sao mà sống nổi nếu không có thợ đường ống?” Người nào đi các loại xe có bánh xem người bộ hành như một kẻ gây phiền hà và vô ý vô tứ. Nhưng người bộ hành không để cho mình bị thuyết phục, và rốt cuộc chuyện cứ như thế.

Người nào vội vã không để ý đến việc dùng phanh hãm thấy không thể hiểu nổi một đàn ngỗng tràn lên đường để làm gì; nhưng bọn ngỗng thì đang đi tới bãi chăn của chúng hay ra ngoài ao. Cũng hoàn toàn tương tự chuyện nhà cai trị đi theo con đường của ông ta, và kinh ngạc trước cảnh lũ ngỗng chẳng hề đi thành hàng lối nghiêm chỉnh, ngừng mọi việc đang làm để ngưỡng mộ cỗ xe của Nhà nước, sao mà nó chạy bon thế. “Cần phải có ngỗng, tôi công nhận, vị nguyên thủ nói; nhưng là ở nơi nào tôi muốn chúng ở, chứ không phải nơi chúng muốn ở.” Những lời này chưa bao giờ thuyết phục được ngỗng, bởi vì ngỗng là những con vật; thỉnh thoảng ông ta thuyết phục được những con người, bởi vì con người là các sinh thể đủ khả năng nhìn nhận để có thể biết, trong chốc lát, tự đặt mình vào vị trí của người khác.

Chiến tranh là một trạng thái đáng ngưỡng mộ, tôi xin công nhận điều đó, nơi mà những người cai trị khiến được tất tật sự vụ của những người khác phải tùy thuộc vào các dự đồ của họ. Cần phải chứng kiến các thủ lĩnh quân sự dọn chỗ và bày quân, dẹp gọn cư dân vào một góc thật hẹp, không những thế lại còn kinh ngạc nếu họ dám phàn nàn. “Thế nào cơ? Nhưng chẳng phải chúng ta đang ở đây để làm điều tốt cho họ, vì an ninh của họ đấy ư?” Lập luận không thể bác bỏ, nó cũng là lập luận của những người lát đường trên phố nhà tôi, họ đào tung đường lên từ hơn một tháng nay, rồi lại còn đặt một tấm ván kẽo kẹt lên để giúp người ta đi qua phía trên một vực đá sâu hoắm.

Các công dân thoải mái công nhận là phải có những thủ lĩnh và các cơ quan hành chính, cũng như cần có những người lát đường cùng thợ đường ống. Họ kém thoải mái hơn trong việc công nhận rằng người ở ngoài phố lúc nào cũng bị phiền nhiễu và vướng víu, còn các quyền lực thì lại được tự do. “Bởi vì, họ nói, tôi rất hiểu an ninh và sức mạnh công cộng là một điều gì đó; nhưng còn có các tài sản khác, như sống, sản xuất, trao đổi; những tài sản đó hẳn sẽ chẳng là gì nếu không có an ninh và thậm chí có lẽ nếu không có sức mạnh; nhưng ngược lại, an ninh và sức mạnh là các từ, nằm bên ngoài sự thịnh vượng chung khiêm nhường. Vậy nên hãy làm cái nghề cai trị của ông, và tôi rất muốn bị phiền hà để giúp ông làm cho nó trở nên dễ dàng hơn; nhưng các nhà cai trị cũng phải biết chịu khó cho tôi chứ. Bởi tôi biết rõ các phố của chúng tôi sẽ ra sao nếu người lát đường trở thành vị thẩm phán duy nhất. Và nhờ kinh nghiệm tôi cũng biết các công việc của chính quyền là gì, ngay khi người ta để mặc cho nó thích làm gì thì làm. Đó là các đội quân, đó là những cãi cọ gây nhiều tổn thất và những vụ đào tung đường phố ngổn ngang. Rồi thì lúc nào cũng nói rằng người ta không được làm khác. Và rất thành thực. Người lát đường sẽ chặn cả phố lại, và sẽ còn chất đống đá lát của anh ta vào sân nhà bạn, nếu cứ đi tin lời anh ta.”

3 tháng Mười một 1923




10


Con người nào thì cũng tạo ra và tổ chức, và sẽ sớm chỉ còn nghĩ đến một điều duy nhất. “Cần phải có cái cần phải có”, thiên tài nói, trong cái góc nhỏ bé của anh ta. Và anh ta rơi vào cái hướng theo đó chính bác sĩ là thẩm phán của y học, và thợ cơ khí, của cơ học, và chuyên gia thống kê, của thống kê. Ngay khi nào người trả tiền được truyền cảm hứng từ nguyên lý hiển nhiên này, anh ta chỉ còn một việc để làm là đóng gói hết mọi thứ lại để mang đến cho Nhà Người nghèo, nếu như mà chính Nhà Người nghèo đã không bị bán đi bởi tay thừa phát lại, bản thân nó cũng tuân phục các quy tắc của sự hoàn hảo, chúng gây chết người. Nhưng tôi muốn lần theo, trong các hệ quả phi lý của nó, một ví dụ không hoàn toàn là tưởng tượng ra.

Chúng ta hãy giả định một mạng lưới đường sắt được phép tiêu tiền, nhân danh điều tốt công cộng. Tôi cho chạy các đầu máy xe lửa gớm ghiếc, và các toa tàu trông giống như những ngôi nhà; và tôi muốn ê kíp trực đêm, được trả công xá gấp đôi, thay các bộ ghi rất mau chóng bị tung ra. Nhưng có một bác sĩ lớn, mệt mỏi với những cái bụng, và say mê sự tổ chức, đề xuất lập ra bộ phận y tế cho mạng lưới, và ý kiến của ông bác sĩ được nghe theo. Vậy là ông trở thành giám đốc, và lẽ dĩ nhiên được trả lương cao; con rể ông sẽ là phó giám đốc, các anh em họ của ông sẽ trở thành nhân viên giám sát băng bó và băng ca; điều này là hiển nhiên. Tôi giả định tất cả họ đều có năng lực tốt và hoạt bát, và đây mới là điều tệ hại nhất trong mọi điều. Bởi trước hết sẽ có các trạm cấp cứu được trang bị rất tốt, các y sĩ và phó y sĩ. Ai có thể từ chối điều này đây? Đầu tàu xe lửa gớm ghiếc có thể giật bung các thanh ray như mấy cọng rơm; điều đó người ta từng thấy rồi. Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Câu hỏi nhỏ này, cái từng làm nảy nở máy bay và súng đại bác, cũng có thể tạo ra một văn phòng phụ trách thảm họa đường sắt và, trong văn phòng ấy, một tiểu bộ phận thống kê, nơi người ta sẽ biết những cái xương nào hay bị gãy nhất, bao nhiêu cái đầu, bao nhiêu ngực và bụng mà người ta sẽ thấy, tính trung bình, trên lớp đá ba lát, rồi thì các hiểu biết khác thuộc vào khâu phòng ngừa. Vẫn cứ là lý lẽ và sự khôn ngoan.

Sẽ còn lý lẽ và sự khôn ngoan hơn nữa nếu người ta nghĩ đến sức khỏe thông thường của các nhân viên, thứ tốn kém rất nhiều nếu không nhìn xa trông rộng. Từ đó mà người ta nghĩ ra những cuộc khám bệnh bắt buộc, và một tờ phiếu cho mỗi người, trên đó người ta sẽ viết người đó tròn hay dài, mỡ hay gầy, béo bụng hay phồng ngực, cơ bắp hay thiên về thần kinh, giang mai hay viêm khớp, cận thị hay dễ mắc chứng móng thụt. Những tờ phiếu nhân ba, ít nhất là thế, một trong số đó được giao cho đương sự, phong bì niêm phong, như ta rất dễ nghĩ, và bác sĩ sẽ là người mở nó ra. Một cái phong bì thì có đáng gì? Và ở đây chúng ta cũng đừng quên bộ phận phụ trách thống kê, rất thích hợp cho các ông con rể bác sĩ, cho những anh em họ bác sĩ, hoặc thậm chí cho các văn nhân được bảo trợ. Ta hiểu rõ rằng nếu các thành viên của ê kíp hắt hơi nhiều hơn ở Versailles-Chantiers so với Epône-Mézières, thì người ta cần phải biết điều đó; rồi vào giờ nào ban ngày, ban đêm. Và nếu người ta còn nhận biết được mối quan hệ cụ thể giữa nhiệt độ và chứng cúm nữa, thì tại sao lại phải e dè trong chi tiêu? Văn phòng Lao động Quốc tế là mẫu cho các thiết chế đó, mục đích của chúng là nghiên cứu một cách có phương pháp và chẳng chút đoái hoài nào đến cái đúng. Bạn tự tạo được một ý tưởng về cái cơ quan phòng chống và tổng kết ấy, nó bảo trợ sức khỏe quý giá của người thợ đường sắt, phải, thưa các ngài, còn quý hơn vàng ấy chứ. Và hạt mầm của người thợ đường sắt thì còn quý hơn kim cương; từ đó mà có các nhà hộ sinh và nhà nuôi trẻ, những cái phiếu cho trẻ sơ sinh, các test, định hướng nghề nghiệp, và lại là các ông con rể bác sĩ, những anh em họ bác sĩ, đấy là còn chưa tính đến dăm ba văn nhân được bảo trợ, vì tổ chức để tâm tới các Nữ thần Nghệ thuật. Hãy hình dung các cơ sở đáng ngưỡng mộ kia, nơi, trong những ống tuýp hơi [hình thức hoạt động của bưu điện hồi ấy], chạy vòng vòng theo đủ mọi hướng các tấm phiếu trẻ con, ông bố, bà mẹ, nhóm lại rồi lại nhóm lại theo tính khí, thiên hướng, nghề nghiệp, như trong một bộ óc cơ khí. Và thế nhưng giá của vận chuyển củ cải tăng lên tương ứng. Ai sẽ quấy rối bữa tiệc đây? Nhân danh cái gì đây?

Dường như Platon nói, thoáng qua, rằng bên trên các vật đúng, và thậm chí các vật tốt, ngự trị một nữ thần trừu tượng, trong suốt, gần như không thể nhìn thấy, mà ông gọi là lề thói hay tỉ lệ. Nữ thần này hoàn toàn không thuộc về trời. Hẳn ngược lại nàng còn có thể muốn nói lên rằng lý trí, trừ phi bị điên, phải được áp dụng vào những gì cần thiết. Và rõ ràng con người, vì đâu chỉ có cái đầu, mà còn có ngực và bụng, thảng hoặc có thể quá mức khôn ngoan, và công lý đúng trước hết tính đến sự khẩn cấp của các nhu cầu. Và tính như vậy, nghĩa là cai trị. Từ đó mà tôi hiểu rằng công việc của một vị bộ trưởng hoàn toàn đâu phải biến trở nên hoàn hảo bộ phận mà ông ta đảm trách, mà hoàn toàn ngược lại, cưỡng lại các tham vọng tự thân chúng thật đúng lẽ theo một cái nhìn không ngưng nghỉ lên tổng số các nhu cầu và lên tổng số các phương tiện. Cái hữu dụng có thể gây hại.

25 tháng Hai 1933






Hành chính tầm gửi do lợi ích


11


Có một cuốn tiểu thuyết của Dickens, Little Dorrit [đây, Alain đã nhắc đến một trong những “avatar văn chương” lớn nhất của mình; hai avatar lớn nữa: Stendhal và Balzac], không thuộc vào những cuốn nổi tiếng nhất, mà tôi thích hơn mọi cuốn khác. Các tiểu thuyết Anh giống những dòng sông lười biếng: dòng chảy ở đó gần như không thể cảm nhận [nhận xét cực kỳ chuẩn xác], con thuyền rất hay quay vòng vòng thay vì tiến lên; tuy nhiên người ta đâm ra thích dạng du hành này, và chẳng phải không nuối tiếc khi phải lên bờ.

Trong cuốn tiểu thuyết ấy, sẽ thấy các Nhuyễn Thể đủ tuổi tác và đủ độ to béo; chính bằng cái tên đó mà Dickens gọi đám quan liêu, và tôi sẽ dùng nó. Tức là ông miêu tả tất tật bộ lạc Nhuyễn Thể và Bộ Nói Quanh, chốn trú ngụ ưa thích của chúng. Tức là có các Nhuyễn Thể béo và mạnh, như lord Decimus Tenace Nhuyễn Thể, đại diện cho đám Nhuyễn Thể thuộc House of Lords, và là người bảo vệ cho chúng những lúc cần và đúng như cần phải; có các Nhuyễn Thể bé tại hai Viện, có trách nhiệm, thông qua những Ồ! và những À! thể hiện ý kiến chung, luôn luôn ủng hộ các Nhuyễn Thể. Có các Nhuyễn Thể tách biệt, gần như khắp mọi nơi, và rốt cuộc một mớ Nhuyễn Thể lớn tụ tập tại Bộ Nói Quanh. Các Nhuyễn Thể được trả lương rất cao, và tất tật đều ra sức làm việc để được trả lương còn cao hơn, để giành lấy những vị trí mới nơi họ hàng và đồng minh của chúng ào đến chiếm chỗ; chúng cho con gái và chị em chúng lấy các chính trị gia lang thang, như vậy là gắn liền với mớ Nhuyễn Thể, và sinh ra những Nhuyễn Thể con; và lũ Nhuyễn Thể đực, đến lượt chúng, cưới các cô gái có hồi môn khẳm, điều này gắn ông bố vợ giàu có, những ông anh ông em vợ giàu có vào mớ Nhuyễn Thể, nhằm hướng tới sự vững chắc, quyền uy, vinh quang của các Nhuyễn Thể tương lai. Những công việc này chiếm trọn thời gian của chúng. Ta khỏi phải nhắc đến không biết bao nhiêu thứ giấy tờ mà chúng sai đám cò mi [thuổng từ này của Mặc Đỗ] soạn thảo, với mục đích gây nản chí, giảm giá trị, làm lụn bại tất tật những kẻ thiếu thận trọng dám nghĩ đến gì khác ngoài sự thịnh vượng của Nhuyễn Thể và các đồng minh.

Cùng trò chơi đó vẫn được chơi ở chỗ chúng ta, và gây hại cho chúng ta. Nhuyễn Thể ở Đường Sắt, ở Bưu Điện, ở Hàng Hải, ở Công Chính, ở Chiến Tranh; đồng minh của Nhuyễn Thể tại Nghị Viện, tại các Tờ Báo Lớn, tại các Áp Phe Lớn; những đám cưới của Nhuyễn Thể, những bữa trưa của Nhuyễn Thể, những vũ hội của Nhuyễn Thể. Kết đồng minh, thúc nhau đẩy nhau, bọc đít cho nhau; đối đầu với mọi điều tra, mọi kiểm soát; vu khống các điều tra viên và kiếm soát viên; khiến người ta tưởng các dân biểu không phải Nhuyễn Thể thì đều là lũ lừa đóng yên, còn thì cử tri rặt một đám ngu dốt, say xỉn, thô lậu. Nhất là trông coi gìn giữ tinh thần Nhuyễn Thể, đóng chặt mọi ngả đường trước mặt các thanh niên điên rồ chẳng hề tin rằng bộ lạc Nhuyễn Thể có cứu cánh ngay trong bản thân nó. Tin và nói, làm người khác tin và làm người khác nói rằng Quốc Gia tiêu vong ngay khi các đặc quyền của đám Nhuyễn Thể bị phạm tới dẫu chỉ mảy may, đó là chính sách của chúng. Chúng thực thi cái đó ngay trước mũi chúng ta, cho rằng sẽ hữu ích hơn nếu làm chúng ta nản chí, thay vì trốn đi, đôi khi tạo ra một vụ xì căng đan đẹp đẽ nhằm chứng tỏ với chúng ta rằng chúng ta đâu có thể làm được gì, rằng cử tri chẳng thể làm gì sất, nếu không kính ngưỡng Nhuyễn Thể. Chúng sẽ biến [Aristide] Briand thành một Vị Thần, và biến [Paul] Painlevé thành một mớ hỗn độn và một kẻ thiếu não; rốt cuộc chúng sẽ làm tiêu tùng Cộng Hòa nếu nó từ chối không chịu trở thành Cộng Hòa của chúng. Đó là điều mà một Nhuyễn Thể rất lớn nói gần đây, trong một bữa ăn trưa của đám Nhuyễn Thể: “Trong sự phân hủy phổ quát này, trong sự băng hoại này, trong sự vô đạo đức này, trong sự hoài nghi này, trong sự thiếu năng lực này, thảy đều luồn lọt vào khắp mọi nơi, tôi chỉ thấy nền hành chính là còn đứng vững, và chính nó sẽ cứu chúng ta” [để hôm nào ngó mấy ấn bản Alain to có nhiều chú thích xem Alain đang ám chỉ đến nhân vật nào].

2 tháng Giêng 1911






12


Tại hội đồng bí mật của đám Nhuyễn Thể, phần lớn Nhuyễn Thể To tỏ ra chẳng có chút can đảm nào. Bởi, chúng nói, với những tờ báo chăm chăm tìm kiếm xì căng đan kia, với lũ người hay chất vấn đầy hăng say kia, nền hành chính trở nên gần như bất khả. Tất tật những lợi ích công cộng kia, tất tật các cuộc điều tra kia, được tiến hành bởi những kẻ không phanh hãm và chẳng liên hệ, những phán định sơ sài kia, nơi người ta thấy rằng một kỹ sư bách nghệ bị đánh giá dựa trên các công trình của anh ta, mặc kệ hết thảy các Quyền đã có được, các Năng Lực và các Chuyên Môn, toàn bộ cái đó là dấu chỉ cho thấy một cuộc cách mạng đang khởi đầu, và nó, lần này, nhắm tới các nhà cai trị đích thực. Nói đúng ra, nền hành chính sẽ vì thế mà bị dẫn đến chỗ phải lắng nghe những lời phàn nàn và phải tìm cách thỏa thuận với những người bị cai trị.

Thế là rộn cả lên. Một Nhuyễn Thể già nua gần như chỉ còn độc vỏ cứng bên ngoài bày ra một sự hăng hái trai trẻ. “Gì cơ, lão nói, như vậy tức là các vị nghĩ rằng tất tật các lợi thế mà các vị được hưởng kia, rằng tất tật những mối liên minh kia, những đám cười xa hoa kia, cuộc sống vương giả không phải làm việc và chẳng mối lo âu kia, như vậy tức là các vị đã nghĩ rằng hẳn thảy đều sẽ được gìn giữ mà không gặp khó khăn ư? Chuyện công chúng kháng cự và than phiền, chuyện bọn họ tấn công theo đường lối khinh binh và biệt kích vào hàng ngũ pha lăng chặt chẽ của bọn ta, đối với các vị điều đó trông như là một dấu hiệu thời đại và một cuộc cách mạng, căn cứ vào cơn nồng nhiệt đầu tiên. Đúng là bọn trẻ con! Cái nỗ lực kia của công chúng chống lại nền hành chính cũng xa xưa y như chính nền hành chính. Ông cha chúng ta, hồi tôi còn trẻ, đã kể những câu chuyện giống y về chi quá tay và về công việc chậm trễ. Đúng thế đấy, Imprimerie Nationale [nhà in] mới chắc tốn cỡ ba triệu, cho nên nó sẽ làm tiêu tốn mười hai triệu. Phải, trung tâm điện thoại trên phố Archives chẳng dùng để làm gì bởi vì ống cống quá nhỏ không lắp đặt được đường dây. Phải, các quảng trường và phố ở Paris rồi sẽ bị lật vỉa hè lên lát lại [giống nhỉ] hai mươi lần, để phục vụ tàu tramway, tàu điện ngầm, khí đốt, nước, sự tự trị của các cơ quan muốn vậy đấy. Phải, người ta biết, người ta nói, người ta in ra rằng Quan Liêu chỉ biết lo cho thân nó, và thách thức cả Nghị Viện, các bộ lẫn dư luận. Thế rồi sao? Chẳng phải người ta vẫn luôn luôn biết, và nói, và in điều đó, hay sao? Tức là chúng ta sẽ bớt đi một ông giám đốc ư? Không hề, mà sẽ có thêm mười ông, và thêm một nghìn nhà kiểm soát. Tôi sẽ không chứng minh cho các vị, cho tất cả các vị, thảy đều là những Nhuyễn Thể một cách xuất chúng, rằng tất cả các vụ chi quá tay kia và tất cả những công việc chậm trễ kia đều tuyệt đối đúng luật, đúng các quy tắc và tập quán; rằng bất kể hành động nào của chúng ta cũng được biện minh bởi mười thứ giấy tờ ký tên đầy đủ, được kiểm soát đúng quy trình, được thông qua bởi tất tật những Cơ Quan hữu trách. Mấy cái bị gọi là xì căng đan đang làm các vị hoảng sợ kia chỉ là các dịp chứng tỏ rằng tất cả chúng ta đều được an toàn một cách hoàn hảo và không thể chê trách một cách hoàn hảo. Và đó cũng chính là cách người ta làm cho mình được kính trọng. Mưa thì có tranh luận hay không [ô]? Nó chỉ rơi. Công chúng cần phải cảm nhận các luật của chúng ta như thế, và sức mạnh của chúng ta nữa. Tôi còn nhớ một trương mục trong ngân khố, xưa kia được mở sau những biến động ở An Nam [a], với chừng hơn năm trăm nghìn franc, nếu cần; khi người ta thanh lý trương mục ấy, sau đó vài năm, trong đó có mười bảy triệu; và ông nghị viên-người lập báo cáo không gây chuyện ồn ào; tôi thề với các vị điều đó; ông ta chỉ nghĩ tới việc sao cho thoát khỏi đống giấy tờ không thể chê trách mà người ta đã đưa cho ông ta kẹp nách. Thưa các vị, chính các lừa dối nhỏ và những nhầm lẫn nhỏ làm mất danh dự một nền hành chính. Có một phương pháp hoàng gia đây. Nơi nào một kỵ sĩ bị chặn lại, thì một đại đội lại đi qua được. Kẻ nào nhìn thấy một sự lừa dối luôn luôn phía sau một người khác mau chóng nhận những cú đấm vào mắt. Tôi từng biết có lẽ phải đến cả trăm chuyên gia lập báo cáo, những người mà tôi đã mở cho xem lưu trữ của chúng ta. Nếu từ đó bọn họ đi ra mà vẫn còn chút lưu lại của các ý tưởng hay một le lói ánh sáng hy vọng, thì tôi xin trả các huy chương của tôi và từ bỏ luôn cả lương hưu.” Bài diễn văn ấy đã làm tăng rất nhiều lòng can đảm.


10 tháng Giêng 1911






Giới tinh hoa [hay đây, rất hay đây] bị băng hoại bởi chọn lọc


13


Giới tinh hoa của chúng ta chẳng đáng gì [rất đúng]; nhưng chúng ta không nên kinh ngạc trước điều này [có gì đáng kinh ngạc đâu]; chẳng giới tinh hoa nào đáng gì hết; không phải bởi bản tính của nó; bởi tinh hoa, lẽ tự nhiên, là những gì tốt đẹp nhất; mà bởi các chức năng của nó. Tinh hoa, vì nó được dành để thực thi quyền lực, cũng được dành để bị băng hoại bởi sự thực thi quyền lực. Tôi nói nhìn chung; có các ngoại lệ [gần như không].

Chúng ta hãy dõi theo suy nghĩ của một đứa con trai nhà nông dân, tỏ ra có thiên tài về đường tính toán, và giành một học bổng ở trường li xê. Nếu, với khả năng về khoa học của mình, cậu ta lại có một bản tính kẻ thô lậu lắm dục vọng, ta sẽ thấy cậu ta, vào quãng mười sáu tuổi, nhảy qua tường, hoặc quay về muộn, rồi rốt cuộc lãng phí thời gian, chế nhạo các ông thầy, rơi tõm vào những cơn buồn bã không đáy, và uống rượu để giải khuây; mười năm sau đó sẽ thấy anh ta ở một chức vụ thấp kém nào đó nơi người ta vì từ bi mà để anh ta vào.

Nhưng tôi giả định rằng anh ta có một tuổi niên thiếu không bão tố, vì mọi dục vọng của anh ta đều biến thành tham vọng, hoặc giả đầu của anh ta chế ngự ngực và bụng của anh ta; đó là một chàng thanh niên rành rẽ nhiều điều, có khả năng học rất chóng bất kỳ cái gì, có các thói quen về trật tự và làm việc kỹ càng, và rốt cuộc, chỉ nhờ vào độc sức mạnh của đầu óc, có một luân lý vượt trội. Đó, khá thường, là những ai mà người ta chọn, bằng các kỳ thi công cua được hoạch định hết sức duy lý, để trong tương lai trở thành các phụ tá của quyền lực, dưới cái tên giám đốc, điều tra viên, giám sát viên, trên thực tế họ sẽ là những vị vua đúng nghĩa, vì các bộ trưởng thì đi qua; và các ông vua tương lai ấy được lựa chọn rất kỹ; thực sự chúng ta chỉ định được những người giỏi nhất; những người khá nhất sẽ điều hành các sự vụ công cộng, và chắc hẳn mọi sự phải xuôi chèo mát mái lắm.

Chỉ có điều phải hiểu rằng trong giới tinh hoa đó sẽ xảy ra một sự băng hoại không thể tránh khỏi và một cuộc chọn lọc những kẻ băng hoại nhất. Và sau đây là vài nguyên nhân. Trước tiên, một tính cách cao quý, kiêu hãnh, sống động, không hề che giấu, bị chặn đứng ngay lập tức; anh ta không có tinh thần phù hợp với hành chính. Sau đó những ai qua được cửa đầu tiên, hơi cúi thấp xuống một chút, không bao giờ thực sự thẳng người lên trở lại. Người ta khiến họ có được những đám cưới giàu sang, chúng ném họ vào một cuộc sống xa hoa và vào các cơn bối rối về tiền bạc; người ta cho họ dự phần vào các áp phe; và cùng lúc họ học những mánh khóe nhờ đó người ta cai trị nghị viện và các bộ; người nào muốn giữ một sự thẳng thắn nhất định hay một tình cảm dân chủ nhất định, hoặc cũng có thể là một lòng tin nào đó vào các tư tưởng, thấy có cả nghìn trở ngại không thể định nghĩa nổi đè bẹp anh ta và làm anh ta bị chậm lại; có một cánh cửa thứ hai, một cánh cửa thứ ba nơi người ta chỉ để đi qua những cáo già đã hiểu được ngoại giao nghĩa là thế nào, cũng như tinh thần hành chính; chỉ còn lại cho những kẻ ấy, từ phẩm hạnh xưa cũ, độc một sự trung thành không thể lay chuyển đặt vào các truyền thống, vào tinh thần đoàn thể, vào tình đoàn kết của giới quan liêu. Rốt cuộc tuổi tác xơi nốt những gì còn lại từ lòng độ lượng và năng lực sáng tạo. Chính lúc đó bọn họ trở thành vua [rất chuẩn xác]. Và chẳng phải là không có các phẩm hạnh nho nhỏ [còn chuẩn xác hơn nữa: không thể nói bọn họ không tử tế]; nhưng những phẩm hạnh lớn của bọn họ thì đã mòn hết. Dân chúng chẳng còn nhận ra nổi những đứa con trai của mình. Đó là lý do khiến nỗ lực dân chủ là tuyệt đối cần thiết.

10 tháng Hai 1911




14


Đây không phải lần đầu tiên, mà đã là lần thứ ba chính thể đầu sỏ được tái lập ở chỗ chúng ta và được tổ chức nên. Luôn luôn các quyền lực được tái tạo, thông qua bản thân chức năng của chúng. Một chủ ngân hàng giàu trong cuộc sống cộng đồng thì quan trọng hơn so với một người nghèo làm công việc tay chân; chẳng hiến pháp nào làm được gì trong chuyện này. Cũng vậy, bạn sẽ không ngăn cản việc vị trí cầm quân tối cao tự được giao phó, và loại trừ những người vẫn là tiện dân. Rốt cuộc tại các văn phòng chúng ta thấy cùng các lực đó hoạt tác. Hãy đi tìm giữa những giám đốc hùng mạnh, bạn sẽ chẳng thấy mấy người trong số ấy không phải họ hàng hoặc đồng minh của ngân hàng cao cấp, hay của tầng lớp quý tộc quân sự, và chắc hẳn bạn sẽ không tìm được ở đó lấy một người chưa từng đặt thế chấp vào chính thể đầu sỏ. Nói tóm lại, nếu muốn tham gia quyền lực, dẫu thế nào, cần phải kính ngưỡng các quyền lực, tức là phải phụng sự, phải bước vào trò chơi lớn, phải thế chấp.

Tôi biết một phó giám đốc đã khởi đầu rất tốt để có thể lúc nào cũng ở hạng hai. Là một người có hiểu biết sâu sắc và làm việc không ngừng; nhưng người ta đã đoán định rõ ở ông dạng mọi rợ vẫn hay được gọi là tự do đánh giá; điều đó phải trả giá. Và bằng cách ấy mà một Triều Đình được tạo thành, thậm chí chẳng cần đến vua. Khá là tự nhiên cái chuyện những kẻ từng hy sinh cho tham vọng, tình yêu tự do cho chính họ, chẳng mấy để tâm đến tự do của những người khác. Họ chẳng bao giờ nghĩ tới cái đó; họ chỉ nghĩ tới quyền lực mà thôi. Và quyền lực ấy, mà họ hy vọng có được một phần, họ không bao giờ thấy nó đủ mạnh. Một viên đổng lý sẽ chẳng bao giờ coi quyền lực của nhà vua là quá mức chuyên chế, vì ông ta coi nó là chuyên chế; như vậy ông ta không có gì để mất, và có mọi thứ để chiến thắng, nếu sự võ đoán lan rộng và nếu sự kiểm soát bị lơi lỏng.

Người ta hay nói các vị trí được giao tùy thuộc tài cán, và điều này không hoàn toàn sai.




(còn nữa)




Alain [1] Tình cảm, dục vọng, ký hiệu (1)
Honorer Honoré
André Maurois và Alain
Propos của Alain

13 comments:

  1. tiếp tục

    Alain bàn đến sự độc ác của con người: như thế nào là độc ác?

    ReplyDelete
  2. Alain vừa là Aristoteles vừa là Abraham. Tuyệt đỉnh!

    ReplyDelete
  3. môn từ nguyên về chữ "SỢ". làm cho hết sợ.

    ReplyDelete
  4. về nỗi sợ, ba nhân vật lớn nhất có lẽ là Kierkegaard, Maupassant và Alain

    ReplyDelete
  5. cười ko nhặt được mồm: Alain chỉ cho thấy tại sao con người nuôi mấy loại gia súc ở đâu cũng như nhau - ko phải vì thịt nó ngon, mà vì nó giống mình.

    ReplyDelete
  6. tiếp tục, đám nhuyễn thể có mặt ở khắp mọi nơi

    ReplyDelete
  7. bọn Nhuyễn Thể này là archetype của bọn Sa giông hay sao?

    phía sau bọn Nhuyễn Thể có lấp ló những cái mũ đỏ rất thánh hay sao, hả cụ Alain?

    và những cái đinh cuối cùng đóng lên nắp coffin khắc chữ "Tiến bộ" hộ hộ ...

    ReplyDelete
  8. tinh hoa thì băng hoại, ko phải từ bản tính của phần "tinh hoa", mà vì việc thực thi chức năng thuộc "quyền lực" - mô thức này, lưỡng phân hay nhị nguyên, có lẽ cũng thế cả, đem lại một diễn giải bật cười cho câu đố hại não bao đời rằng vì sao đã có Chúa lại còn có Satan: đã là "quyền năng" thì tức đã mang phẩm hạnh satanic; nói khác đi, đấy là "Tên của đóa hồng".

    ReplyDelete
  9. Chào anh, chẳng hay pouvoir và puissance được Alain phân biệt như thế nào? Liệu pouvoir có nên hiểu là "quyền năng" (verbe là peut) và puissance là "quyền lực"? Cảm ơn anh.

    ReplyDelete
    Replies
    1. tiền thân của chúng: potestas và potentia

      Delete
  10. không hẳn, và thường là ngược lại: pouvoir sẽ đi về phía cái đã hình thành, nhìn thấy được, puissance thì hay hàm ý cả sự "đang hình thành", "chưa xong hẳn", "còn tiềm năng"

    ReplyDelete
  11. Cảm ơn chú đã dịch

    ReplyDelete