Nov 25, 2023

Chapter IV

Sau khi đã đi qua chapitre III, cái chương cửa ngõ để đi vào cái có thể gọi là tâm hồn của Stendhal: cái từ ấy - "tâm hồn" - đúng là hết sức nguy hiểm, nhưng ở địa hạt Stendhal thì đích xác nó lại rất quan trọng, ít nhất là make sense. (trong Rễ trời, Romain Gary miêu tả một nhân vật và nói rằng đấy là một người rất hiếm hoi không bị lố bịch khi nhắc đến lũ sư tử; cũng trong cuốn tiểu thuyết ấy, ông thấy tu dòng Tên, cứ hễ lúc nào nghe thấy từ "tâm hồn", là thót tim)


(tiếp tục "Owen")


Đời Henry Brulard

Chương 4


Hẳn tôi sẽ viết kín nhiều tập sách nếu bắt tay vào miêu tả tất tật những kỷ niệm diệu kỳ về các điều mà tôi đã thấy hoặc cùng mẹ tôi hoặc hồi bà còn sống.

Tức là: tôi tuyệt đối không biết các chi tiết, bà chết trong khi sinh, có vẻ như là do sự vụng về của một phẫu thuật gia tên là Hérault, kẻ ngẫn được chọn có vẻ như do bực tức với một chuyên gia đỡ đẻ khác, con người trí tuệ và tài năng, Mme Petit cũng chết gần như vậy vào năm 1814. Tôi không thể miêu tả nhiều những tình cảm của tôi, có khả năng chúng sẽ bị coi là quá lời hoặc không thể tin nổi với khán giả vốn đã quen với bản tính giả dối của tiểu thuyết (tôi không nói Fielding) hoặc với bản tính xanh xao của những tiểu thuyết được dựng nên từ các trái tim của Paris.

Tôi xin nói với độc giả rằng vùng Dauphiné có một cách thức cảm nhận riêng, rất mạnh, bướng bỉnh, lắm lý lẽ, mà tôi chưa từng gặp tại bất kỳ vùng nào. Đối với những con mắt biết nhìn, cứ ba độ vĩ tuyến âm nhạc, phong cảnh và các tiểu thuyết lại thay đổi. Chẳng hạn, tại Valence trên sông Rhône bản tính Provence kết thúc, bản tính Bourgogne bắt đầu ở Valence và nhường chỗ, giữa Dijon và Troyes, cho bản tính Paris, lịch sự, trí tuệ, không độ sâu, nói tóm lại, nghĩ nhiều tới những kẻ khác.

Bản tính Dauphiné có một sự dai dẳng, một chiều sâu, một trí tuệ, một sự tinh xảo mà hẳn người ta không thể nào tìm được nơi văn minh Provence hay văn minh Bourgogne, những hàng xóm của nó. Chỗ nào người Provence hả ra các chửi rủa tàn khốc, thì người Dauphiné suy tư và trò chuyện với trái tim mình.

Ai cũng biết rằng vùng Dauphiné từng là một Nhà nước tách biệt khỏi Pháp và có một nửa chất Ý thông qua chính trị của nó cho tới năm 1[349]. Sau đó Louis XI, thái tử [dauphin], cãi cọ với ông bố {tức là Charles VII}, cai quản vùng này trong vòng...... năm {Stendhal không chắc là bao nhiêu năm}, và tôi khá chắc về việc chính thiên tài sâu sắc và rụt rè một cách sâu sắc ấy, kẻ thù của các chuyển động nóng vội, là người đã in dấu ấn của mình lên tính cách dauphinois {của Dauphiné}. Tận vào thời của tôi, trong lòng tin của ông tôi và của dì Élisabeth tôi, típ đích thực của những tình cảm sôi nổi và hào phóng của gia đình, Paris không hề là một hình mẫu, đó là một thành phố xa xôi và kẻ thù từ đó cần phải e ngại ảnh hưởng.

Giờ đây, khi đã ve vãn độc giả ít nhạy cảm bằng trữ tình ngoại đề này, tôi sẽ kể rằng vào ngày mẹ tôi chết người ta đã đưa chúng tôi, Pauline {người em gái thân thiết của Stendhal} đi chơi ở phố Montorge; chúng tôi quay về dọc theo những ngôi nhà bên trái của phố đó (phía Bắc). Chúng tôi được đưa đến ở nhà ông tôi, trong ngôi nhà trên quảng trường Grenette. Tôi đang ngủ dưới sàn nhà, kê một tấm đệm giữa cửa sổ và lò sưởi, thì vào quãng hai giờ sáng cả nhà vừa đi vào vừa khóc nức nở.

"Nhưng làm sao mà các bác sĩ lại không tìm được cách chữa?" tôi hỏi Marion già (bà hầu của Molière đúng nghĩa, bạn của chủ nhưng nói năng nhẹ nhàng với họ, người từng gặp mẹ tôi còn rất trẻ, đã chứng kiến mẹ tôi lấy chồng mười năm trước đó, năm 1780, và hết sức yêu quý tôi).

Marie Thomasset, người Vinay, típ đúng nghĩa của tính cách Dauphiné, hay được gọi là Marion, cả đêm ngồi cạnh tấm đệm của tôi, khóc mãi không thôi và được giao nhiệm vụ trông giữ tôi. Tôi thấy ngạc nhiên hơn tuyệt vọng nhiều, tôi không hiểu cái chết, tôi chẳng mấy tin vào nó.

- Gì cơ? tôi hỏi Marion, cháu sẽ không bao giờ gặp lại mẹ nữa à?

- Thế cháu muốn gặp mẹ thế nào, nếu người ta mang mẹ cháu ra nghĩa trang?

- Nghĩa trang ở đâu?

- Rue des Mûriers {Phố Cây Dâu}, đấy là nghĩa trang của giáo khu Đức-Bà.

Toàn bộ cuộc đối thoại đêm hôm ấy vẫn còn rõ mồn một trong tôi, tôi chỉ cần viết nó ra. Thực sự, đó là khởi đầu cuộc đời thuộc luân lý của tôi, chắc tôi sáu tuổi rưỡi. Thêm nữa các ngày tháng này dễ kiểm tra theo các giấy tờ hành chính.

Tôi ngủ thiếp đi, hôm sau lúc tôi thức dậy Marion bảo tôi:

- Phải đến hôn bố cháu.

- Gì cơ, mẹ cháu chết rồi! nhưng làm thế nào mà cháu sẽ không bao giờ còn gặp mẹ nữa?

- Cháu đừng nói có được không, bố cháu đang đợi đấy, ông ấy đang nằm ở giường bà trẻ.

Đầy kinh sợ tôi đi vào khoảng hẹp giữa cái giường ấy và tường, thật tối tăm vì tất tật ri đô đều đã kéo lại. Tôi cảm thấy xa cách với bố tôi và kinh tởm phải ôm hôn ông.

Một lúc sau thì xuất hiện trưởng tu Rey, một người rất cao lớn, rất lạnh lùng, mặt rỗ thủng lỗ chỗ, dáng vẻ không trí tuệ và tốt bụng, nói giọng mũi, sau đó không lâu sẽ trở thành trợ tá giám mục chính. Đó là một người bạn của gia đình.

Người ta có tin được chăng? Do chỗ ông ta là linh mục, tôi rất ác cảm với ông ta. {Stendhal nổi tiếng ghét giới tăng lữ: mối ác cảm đã bắt đầu từ tuổi nhỏ}

Trưởng tu Rey đứng ở gần cửa sổ, bố tôi dậy, khoác cái áo choàng mặc trong nhà vào, ra khỏi khoảng hõm có cái giường chăng ri đô vải xéc màu lục. Có hai ri đô rất đẹp vải sa hồng điểm các sợi trắng, ban ngày chúng che đi những ri đô khác.

Trưởng tu Rey im lặng ôm hôn bố tôi, tôi thấy bố tôi thật xấu xí, hai mắt ông phồng to lên và cứ chốc chốc các giọt nước mắt lại trào ra. Tôi ngồi lại trong hõm giường và nhìn thấy rất rõ.

- Bạn của tôi, đây là ý Chúa, rốt cuộc trưởng tu nói; và câu đó, thốt ra từ một người mà tôi căm ghét với một người khác mà tôi chẳng mấy yêu quý, đã khiến tôi suy tư một cách sâu sắc.

Người ta sẽ tưởng tôi vô cảm, tôi chỉ vẫn còn ngạc nhiên vì cái chết của mẹ tôi thôi. Tôi không hiểu từ ấy. Tôi sẽ có dám viết những gì mà Marion vẫn thường nhắc đi nhắc lại với tôi kể từ đó để trách tôi không? Tôi khởi sự nói xấu God.

Thêm nữa, hãy đặt giả định rằng tôi nói dối về những mũi nhọn của tinh thần chọc thủng mặt đất chui lên đó, thì chắc chắn là tôi không nói dối về toàn bộ những gì còn lại. Nếu tôi bị cám dỗ nói dối, thì sẽ là về sau, chừng có các lỗi rất lớn, mãi về sau này. Tôi chẳng hề có chút lòng tin nào vào tinh thần của những đứa trẻ dự báo một con người vượt trội. Trong một dạng ít lệ thuộc vào các ảo tưởng hơn, bởi rốt cuộc thì những công trình còn lại, tất tật các họa sĩ tệ mà tôi từng quen đều từng làm được những điều đáng kinh ngạc vào quãng từ tám tới mười tuổi và dự báo thiên tài.

Hỡi ôi! không có gì báo thiên tài đâu, có lẽ sự bướng bỉnh là một dấu hiệu.

Hôm sau, đến chuyện đám tang, bố tôi, mà khuôn mặt đã thực sự thay đổi hẳn, mặc cho tôi một cái áo choàng màu đen bằng len đen, ông buộc dây ở cổ tôi. Cảnh ấy diễn ra trong ca bi nê của bố tôi, ở phố Vieux-Jésuites; bố tôi u ám và cả phòng ca bi nê phủ đầy sách khổ in-folio tang tóc, trông thật gớm ghê. Chỉ Bách khoa thư của d'Alembert và Diderot, đóng bìa màu xanh, tạo ra ngoại lệ trong sự xấu xí chung.

Cái ổ luật này từng thuộc về M. de Brenier, chồng của Mme de Valserre và là c[ố vấn] Nghị viện. Mme de Valserre, thành bà góa, đã nhận thừa kế từ ông và đổi họ, vì Valserre thì quý tộc hơn và đẹp hơn de Brenier. Kể từ đó, bà đã trở nên nữ tu cấp cao.

Tất tật họ hàng cùng bạn hè tập hợp lại trong ca bi nê của bố tôi.

Mặc cái áo choàng màu đen, tôi thu lu giữa hai đầu gối của bố tôi. M. Pison ông bố, cousin của chúng tôi, con người nghiêm túc nhưng là dạng nghiêm túc của một triều thần, và hết sức được kính trọng trong gia đình ở tư cách trí tuệ trong hành xử (ông gầy, năm mươi lăm tuổi và phong thái vô cùng cao quý), bước vào.

Thay vì khóc và tỏ ra buồn bã, ông khởi sự trò chuyện như thường lệ và nhắc đến Triều đình. (Có lẽ đó là Cour du Parlement, rất có thể là thế.) Tôi cứ nghĩ ông nói tới các Triều đình nước ngoài và thấy rất choáng váng trước sự vô cảm của ông.

Một lúc sau thì cậu tôi, em trai mẹ tôi, bước vào {cậu hay bác nhỉ? chắc đúng là cậu}, đàn ông trẻ tuổi, kiểu người khó mà đẹp đẽ và khó mà dễ chịu hơn và ăn vận hết sức thanh lịch. Đó là một nhân vật rất đào hoa trong thành phố, cả ông cũng khởi sự trò chuyện như thường lệ với M. Pison. Tôi phẫn nộ dữ dội và nhớ ra rằng bố tôi hay gọi ông là một người bông phèng. Tuy nhiên tôi để ý thấy hai mắt ông đỏ quạch, và ông có khuôn mặt đẹp nhất hạng, điều này khiến tôi bình tĩnh lại đôi chút.

Ông có mái tóc để kiểu vô cùng thanh lịch và rắc một thứ bột khiến ông rất thơm; kiểu tóc ấy là dùng một cái túi vuông vải sa cùng hai tai chó to (đấy là tên của nó sáu năm sau), như ngày nay M. le Prince de Talleyrand vẫn để.

Có tiếng ồn lớn vang lên, đấy là người ta đang nhấc quan tài của mẹ tôi trong phòng khách lên để chuẩn bị đưa đi.

"A! ra vậy, tôi không biết trật tự của các lễ", M. Pison vừa nói với vẻ hờ hững vừa đứng dậy, điều này làm tôi bị choáng nặng, đấy là cảm tri xã hội cuối cùng của tôi. Bước vào phòng khách và trông thấy quan tài mẹ tôi phủ vải đen nơi có mẹ tôi tôi rơi vào niềm tuyệt vọng dữ dội nhất, rốt cuộc tôi đã hiểu chết nghĩa là thế nào.

Dì Séraphie đã buộc tôi tôi là kẻ vô cảm.

Tôi sẽ miễn cho độc giả câu chuyện về tất tật các pha trong niềm tuyệt vọng của tôi ở nhà thờ giáo xứ Saint-Hugues. Tôi bị ngạt thở, người ta buộc phải, tôi nghĩ vậy, mang tôi đi vì sự đau đớn của tôi gây ồn ào quá mức. Tôi đã không bao giờ có thể lạnh lùng mà nhìn nhà thờ Saint-Hugues đó cùng Đại Giáo đường nằm ngay bên cạnh. Chỉ riêng tiếng những cái chuông của Đại giáo đường thôi, ngay cả vào năm 1828 lúc tôi về thăm Grenoble, cũng đã đưa lại cho tôi một nỗi buồn ủ dột, khô khốc, chẳng chút mềm dịu nào, cái nỗi buồn kề cận với sự giận dữ ấy.

Tới nghĩa trang nằm trong một pháo đài gần phố Cây Dâu (ngày nay, hay ít nhất vào năm 1828, là địa điểm án ngữ một tòa nhà lớn, kho của công binh), tôi làm những trò điên rồ mà kể từ đó Marion vẫn hay kể lại cho tôi nghe. Dường như tôi không muốn người ta ném đất lên quan tài của mẹ tôi, bảo rằng thế thì sẽ làm mẹ tôi bị đau. Nhưng

Trên những màu đen của một bức tranh thật buồn/Cần phải lau chùi đi hoặc kéo ri đô lại.

Do trò chơi phức tạp nơi các tính cách trong gia đình tôi, quả là với mẹ tôi đã kết thúc toàn bộ niềm vui của tuổi thơ tôi.


2 comments: