Oct 3, 2023

Vie de

(đã có chuẩn bị)

(ở mức chung hơn)


Stendhal viết autob nhưng autob của Stendhal vừa rất autob lại vừa không thực sự là autob. Dẫu thế nào, người ta trông đợi đọc những gì thuộc autobiographie của Stendhal giải thích cho Julien Sorel, thì chính lại là ngược lại: Stendhal dùng Julien để giải thích cho mình. (Fabrice del Dongo thì thuộc quãng sau đoạn của autob)

Điều kỳ lạ của Stendhal: đấy là nhân vật đương nhiên được coi là dành cho những con người có tâm hồn phong phú (trong một tiểu thuyết của Modiano, nhân vật chính đọc một tập Stendhal, một dạng "textes choisis" mang tên Pour les âmes sensibles hay một cái gì đó tương tự), nhưng khi tự miêu tả, Stendhal hay nói mình rất cruel. Vả lại, Stendhal rất thành thực những lúc nói không thực sự tự biết về bản thân. Chính vì không tự biết nên mới viết autobiographie, nhưng lại không thực sự viết autobiographie, ít nhất thì không viết xong. Xét cho cùng, chẳng ai xong được cái việc tưởng là đương nhiên: tự biết mình, cũng như nói về chính mình.

Tốt nhất là không.

Nhưng dẫu sao thì cũng đã có: không chỉ một (toan tính), nhưng Vie de Henry Brulard có hình thức (cũng như dung lượng) đáng kể hơn cả. Kể cả ở đây, mọi thứ cũng rất không thông thường: tác giả Stendhal viết về cuộc đời "Henry Brulard", tức là có tận ba: Stendhal viết Henry Brulard chứ không phải Henri Beyle. Stendhal viết hồi ký chính là để đánh bật chính mình (Henri Beyle) đi một cách triệt để và sâu sắc nhất.

Tức là, không chỉ nhật ký, mà cả hồi ký.



Đời Henry Brulard

Stendhal


Chương 1

Sáng nay, ngày 16 tháng Mười [thêm một tháng Mười] năm 1832, tôi đã ở San Pietro in Montorio, trên đồi Janicule, tại Rome, trời nắng rất đẹp. Một làn gió sirocco nhẹ chỉ thoảng qua làm bồng bềnh vài cụm mây trắng nhỏ phía bên trên đồi Albano, một sự nóng tuyệt diệu ngự trị trong không khí, tôi sung sướng mà sống. Tôi thấy rất rõ Frascati và Castel Gandolfo nằm cách bốn dặm, villa Aldobrandini nơi có bức tranh tường tuyệt vời ấy của Judith du Dominiquin. Tôi vẫn đang nhìn thấy bức tường trắng đánh dấu các sửa chữa được thực hiện gần đây bởi prince F[rançois] Borghèse, chính cái người mà tôi từng gặp ở trận Wagram, đại tá chỉ huy một trung đoàn lính cuirassier, vào ngày M. de Noue, bạn tôi, bị mất chân. Xa hơn nhiều, tôi nom thấy tảng đá Palestrina cùng ngôi nhà màu trắng của Castel San Pietro, xưa kia từng là pháo đài của nó. Phía dưới bức tường tôi dựa vào là những cây cam to của khu vườn các thầy tu, rồi sông Tibre và tu viện Malte, sau đó một chút bên phải, mộ Cécilia Metella, Saint-Paul và kim tự tháp Cestius. Đối diện với tôi là Sainte-Marie-Majeure và các đường dài của Cung điện Monte Cavallo. Toàn bộ Rome cổ và hiện đại, từ via Appia xưa kia với đống phế tích những ngôi mộ của nó cùng các cầu cạn cho tới khu vườn tuyệt diệu Pincio do người Pháp dựng, trải rộng trước tầm mắt.

Nơi này là duy nhất trên đời, tôi vừa mơ mộng vừa tự nhủ, và dẫu tôi không hề muốn, Rome cổ xưa chiến thắng thành phố hiện đại, tất tật các kỷ niệm về Tite-Live lũ lượt quay trở lại với tôi. Trên đồi Albano bên trái tu viện tôi trông thấy đồng cỏ Annibal.

Cảnh sao mà đẹp! tức là chính ở đây bức Hiển dung của Raphaël đã được ngưỡng mộ trong vòng hai thế kỷ rưỡi. Khác biết bao so với gallery buồn bã đá hoa cương xám nơi ngày nay nó bị chôn vùi dưới đáy Vatican! Như vậy trong vòng hai trăm năm mươi năm kiệt tác ấy đã ở đây, hai trăm năm mươi năm!... A! ba tháng nữa tôi sẽ năm mươi tuổi, sao mà có thể thế được! 1783, 93, 1803, tôi đếm bằng các ngón tay... và 1833 là năm mươi. Có thể thế được không! năm mươi! Tôi sắp năm mươi tuổi và tôi hát điệu của Grétry:

Quand on a la cinquantaine

Khám phá không được dự liệu này chẳng hề khiến tôi bực bội, tôi vừa nghĩ đến Annibal và những người La Mã. Bao nhiêu người lớn lao hơn tôi đã chết!... Xét cho cùng, tôi tự nhủ, mình đã không chiếm lấy cuộc đời mình theo lối tệ hại, chiếm! A, tức là sự ngẫu nhĩ đã không mang lại cho tôi quá nhiều bất hạnh, bởi sự thật là tôi đã lèo lái cuộc đời tôi ít nhất trên đời?

Đi mà yêu Mlle de Griesheim! Tôi có thể hy vọng gì đây từ một cô nương quý tộc, con gái của một ông tướng được sủng ái hai tháng trước đó, trước trận Iéna! [...]

Tôi sắp năm mươi tuổi, hẳn đã tới lúc tôi tự biết tôi. Tôi đã là gì, tôi là gì, sự thật là tôi thấy hết sức bối rối không nói được điều này.

Tôi được coi là một người rất tr[í tuệ] và hết sức vô tình, thậm chí đểu, và tôi thấy mình thường trực bị chiếm cứ bởi các mối tình bất hạnh. Tôi từng yêu đắm đuối Madame Kubly, Mlle de Griesheim, Mme de Dipholtz, Métilde, và tôi đã chẳng hề có được họ, và nhiều trong những mối tình ấy kéo dài ba hay bốn năm. Métilde đã chiếm lấy cuộc đời tôi một cách tuyệt đối từ 1818 đến 1824. Và tôi hẵng còn chưa được chữa khỏi, tôi đã thêm vào, sau khi mơ về một mình nàng trong vòng có lẽ tận mười lăm phút. Nàng có yêu tôi không?

Tôi mềm lòng chứ không hề thấy phấn hứng. Và Menti, còn nỗi sầu muộn nào mà nàng đã chẳng ném tôi vào khi nàng bỏ tôi? Tôi vừa rùng mình mà nghĩ tới cái ngày 15 tháng Chín năm 1826 tại Saint-Omer, lúc tôi từ Anh quay về. Tôi đã qua một năm mới gớm ghê làm sao, từ 15 tháng Ch[ín] 1826 đến 15 tháng Ch[ín] 1827! [...]

Vậy thì tôi đã là gì? Chắc là tôi không biết được. Tôi có thể hỏi điều đó nơi người bạn nào, dẫu người ấy được soi sáng tới ngần nào? Chính M. di Fior[i] hẳn cũng không thể nói cho tôi. Với người bạn nào từng có bao giờ tôi nhắc một lời đến các sầu muộn tình yêu của tôi?

Và điều thật dị thường, cũng thật bất hạnh, tôi đã tự nhủ vào sáng nay, ấy là những chiến thắng của tôi (như tôi gọi chúng hồi đó, bởi trong đầu đầy chật các điều thuộc nhà binh) đã không tạo cho tôi một khoái lạc chỉ ở mức một nửa của bất hạnh sâu sắc mà những thất bại gây ở tôi.

Chiến thắng đáng kinh ngạc trước Menti đã không tạo cho tôi một khoái lạc sánh nổi đến một phần trăm của nỗi đau khổ nàng gây ở tôi khi nàng bỏ tôi mà yêu M. de Rospiec.

Vậy thì tôi có một tính cách buồn chăng?

... Và thế là, vì không biết phải nói gì, tôi đã lại, dẫu không hề nghĩ tới chuyện ấy, khởi sự ngắm nhìn dáng dấp trác tuyệt những phế tích của Rome cùng sự lớn lao hiện đại của nó: Colisée đối diện với tôi và dưới chân tôi cung điện Farnèse với gallery Charles Maderne thật đẹp của nó [...]

Tôi có từng là một người trí tuệ? Tôi từng có tài năng cho một cái gì đó? M. Daru hay nói tôi ngu như bò, đúng thế nhưng chính Besan[çon] là người nhắc lại cho tôi điều đó và sự vui tươi trong tính cách tôi làm cho sự ủ dột của ông cựu tổng thư ký de Besan[çon] ấy cảm thấy ghen tị lắm. Nhưng có phải tôi từng có tính cách vui?

Rốt cuộc tôi chỉ đi xuống khỏi đồi Janicule khi làn sương nhẹ buổi chiều tối đã tới cảnh báo với tôi rằng rất sớm thôi tôi sẽ bị chụp lấy bởi cái lạnh đột ngột và vô cùng khó chịu và độc địa, thứ, tại vùng này, ngay tức thì đi sau mặt trời lặn. Tôi vội vã về Palazzo Conti (Piazza Minerva), mệt bã. Lúc ấy tôi mặc cái quần vải... của Anh màu trắng, tôi viết vào mặt trong của thắt lưng: 16 tháng Mười 1832, tôi sắp năm mươi tuổi, được viết tắt như sau để không ai hiểu được: T. sa ptro n 5.

Buổi tối, khi trở về, tương đối buồn chán, từ bữa tối của ông đại sứ, tôi đã tự nhủ: hẳn mình phải viết cuộc đời mình, có lẽ rốt cuộc mình sẽ biết, chừng nào xong xuôi trong vòng dăm ba năm nữa, mình từng là gì, vui hay buồn, người có trí tuệ hay ngẫn, người can đảm hay hèn yếu, và rốt cuộc tổng chi thì hạnh phúc hay bất hạnh, tôi sẽ có thể đưa di Fiori đọc bản thảo ấy.

Tôi thấy cái ý thật hay. Đúng, nhưng cái số lượng đáng kinh hãi của TôiMình kia! [...]

Mãi đến ngày 23 tháng Mười một năm 1835 tôi mới tiếp tục. [sau khi viết một mạch những gì ở trên đây, Stendhal bỏ bẵng kế hoạch, hơn ba năm sau đó mới quay trở lại viết tiếp] Cùng cái ý viết my life gần đây đã nảy ra với tôi trong chuyến đi Ravenne; nói cho đúng, tôi từng có ý đó nhiều lần kể từ 1832, nhưng lúc nào cũng bị nản chí bởi sự khó khăn đáng hoảng sợ kia của những TôiMình, nó tóm lấy tác giả thật tàn ác, tôi không cảm thấy mình có tài năng để xử lý. Nói cho đúng, tôi thấy còn kém cả mức chắc chắn, việc tôi có tài năng nào đó khiến người ta đọc tôi. Thỉnh thoảng tôi tìm được nhiều khoái lạc để viết, chỉ vậy thôi.

Nếu có một thế giới khác, tôi sẽ không khỏi đi gặp Montesquieu, nếu ông bảo tôi: "Anh bạn khốn khổ, anh đã hoàn toàn chẳng có tài năng gì", thì tôi sẽ bực lắm nhưng không chút ngạc nhiên nào. Tôi thường cảm thấy điều đó. [...]


Chương 2

Tôi rơi cùng Nap[oléon] vào tháng Tư năm 1814. Tôi sang Ý sống như ở phố Angivilliers [hồi trẻ Stendhal có đoạn sống "đơn độc và điên" tại rue d'Angivillies", đã được nhắc đến ở cuối chương 1]. Năm 1821 tôi rời Milan, lòng đầy tuyệt vọng do Métilde, và nghĩ rất nhiều đến chuyện tự bắn nát óc. Thoạt tiên mọi điều đều khiến tôi buồn chán tại Paris; về sau, tôi viết để giải trí; Métilde chết, thế thì quay lại Milan chỉ vô ích. Tôi đã trở nên hoàn toàn sung sướng, vậy thì là nói quá nhiều nhưng tóm lại cũng khá là sung sướng, vào năm 1830, khi viết Đỏ và Đen.

Tôi được rất vui nhờ những ngày tháng Bảy [Cách mạng 1830], tôi trông thấy các viên đạn dưới những cây cột của Théâtre-Français, rất ít nguy hiểm đối với tôi; tôi sẽ không bao giờ quên mặt trời thật đẹp ấy, và lần đầu tiên nhìn thấy lá cờ tam tài, ngày 29 hoặc 30, quãng tám giờ, sau khi ngủ ở nhà commandeur Pinto với cô cháu gái sợ hãi. Ngày 25 tháng Chín, tôi được phong làm L[ãnh sự] tại Trieste bởi M. Molé mà tôi chưa từng bao giờ gặp. Từ Trieste tôi đến Civita-Vecchia và Rome năm 1831, nơi lúc này tôi vẫn đang ở và nơi tôi đâm buồn chán vì không thể trò chuyện với ai. [Stendhal được phong làm Lãnh sự tại Trieste nhưng bị ngáng đường, cản trở] Thảng hoặc tôi cần trò chuyện vào buổi tối với những người trí tuệ, bằng không tôi cảm thấy như thể mình bị ngạt thở.

Sau đây là những khoảng chia lớn trong câu chuyện của tôi: sinh năm 1783, trở thành lính dragon năm 1800, sinh viên từ 1803 tới 1806. Năm 1806 làm phó cho các u[ỷ viên] Chiến tranh, phụ trách quân lương tại Brunswick. Năm 1809 phụ trách thương binh ở Essling, hay ở Wagram, thực hiện các nhiệm vụ dọc theo sông Danube trên hai bờ phủ tuyết của nó, tại Linz và Passau, yêu madame nữ bá tước Petit,


[

Vie de Henry Brulard là một tác phẩm posthume, không thuộc vào những gì Stendhal cho in khi còn sống - như vậy là, cả nhật ký lẫn hồi ký của Stendhal đều là chuyện của sau này. Hệ quả của điều đó: cần phải xử lý bản thảo mà Stendhal để lại.

Thế nhưng, Stendhal có mấy thói quen, khi viết, nhất là những lúc nào viết chỉ cho riêng mình: rất hay viết tắt (thế cho nên nhiều chỗ trong sách in có [], đấy là vì Stendhal viết tắt, người biên tập phải điền thêm vào: P[einture] chẳng hạn: Stendhal chỉ viết P), và hay dùng các từ tiếng Anh (ở trên đã có ví dụ: "my life") - tất nhiên Stendhal không thể ngờ rồi một ngày tiếng Anh lại trở nên hết sức phổ biến, thành thử những khi muốn người nào đọc được cái mình viết không hiểu, thì ai cũng hiểu.

Thêm vào đó, Stendhal hay vẽ, tức là kể chuyện bằng tranh (vì lười viết, và cũng để kích hoạt ký ức hiệu quả hơn: ta có thể hiểu đây là một người có trí năng rất thiên về visual). Trong ảnh dưới đây là hình vẽ đầu tiên trong Đời Henry Brulard:



Stendhal liệt kê (những phụ nữ trong đời):


Trang ngay tiếp theo, cho những tâm hồn nào không bị cận thị:


Liệt kê và viết tắt:


Đến đây, thêm một bảng liệt kê (một chronologie):


Dựng lại cuộc đời mình, bằng từ ngữ, nhưng cũng bằng hình ảnh và bảng biểu - tới đây đã có thể có một hình dung không lệch lạc về Vie de Henry Brulard, ít nhất ở đại cương:


Và đến đây cũng hết Chương 2.

Stendhal - ngay khi bắt đầu câu chuyện chính, vì cuối cùng cũng vào được câu chuyện chính - đã làm ngay một việc: kể kỷ niệm, nhưng không phải là bất kỳ kỷ niệm nào. Nói đúng hơn, kể lại những gì hi hữu mà mình còn nhớ được; điều này giống hệt với một nhân vật khác khi viết hồi ký (lần này, Histoire
chứ không phải Vie): Casanova.
]




[câu cuối cùng của Chapitre 2 là một câu very Stendhal: "Sau ngần ấy nhìn nhận chung, tôi sẽ ra đời." Ngay dưới đây là Chapitre 3.]



Chương 3

Kỷ niệm đầu tiên của tôi là chuyện cắn vào má hoặc vào trán Madame Pison du Galland, cousine của tôi, vợ của con người trí tuệ dân biểu tại Quốc hội lập hiến. Giờ tôi vẫn còn nhìn thấy bà, một phụ nữ hăm lăm tuổi người đẫy đà và son rất đỏ. Có vẻ như là chính màu son ấy đã thôi thúc tôi. Ngồi giữa đồng cỏ hồi ấy người ta gọi là dốc thoải ở cửa ô porte de Bonne, má của bà nằm chính xác ở tầm với của tôi.

"Hôn tôi đi nào, Henri", bà bảo tôi. Tôi không muốn. Bà nổi cáu. Tôi bèn cắn thật mạnh. Tôi vẫn nhìn thấy xen ấy, nhưng chắc hẳn là vì ngay tức khắc người ta coi đó là một tội ác của tôi và cứ không ngừng nhắc đến nó.

Dốc thoải ở cửa ô porte de Bonne đó mọc đầy hoa marguerite. Đấy là một loài hoa nhỏ xinh đẹp mà tôi hái thành một bó. Đồng cỏ hồi 1786 ấy ngày nay chắc hẳn nằm giữa thành phố, về phía Nam nhà thờ của collège.

Dì Séraphie tuyên bố tôi là một con quái vật và tôi có một tính cách khốc liệt. Bà dì Séraphie đó có toàn bộ sự giấm chua của một phụ nữ mộ đạo đã không thể lấy chồng. Chuyện gì đã xảy tới với bà? Tôi chưa bao giờ biết, chúng ta chẳng bao giờ biết sự ký bê bối của cha mẹ họ hàng, và tôi đã rời thành phố vĩnh viễn năm mười sáu tuổi [thành phố ở đây là Grenoble, quê hương Stendhal, mà Stendhal vô cùng căm ghét], sau ba năm say mê rừng rực, điều đó đã đẩy tôi vào một nỗi cô độc hoàn toàn.

Nét tính cách thứ hai cũng đen tối lắm, theo cách khác.

Tôi đã vơ được rất nhiều jonc, vẫn trên con dốc của cửa ô porte de Bonne (Bonne de Lesdiguières). Cần phải hỏi tên thực vật của jonc [bấc], một loại cỏ có thân hình trụ giống lông gà và dài một bộ.

Tôi được đưa về nhà, mà một cửa sổ trên tầng hai nhìn xuống Phố Lớn nơi góc quảng trường Grenette. Tôi đang tạo ra một khu vườn bằng cách cắt đống jonc kia thành các mẩu dài hai tấc mà tôi đặt ở khoảng giữa ban công và tia nước của cửa sổ. Con dao bếp tôi cầm ở tay bị tuột ra và rơi xuống phố, tức là từ độ cao khoảng một chục bộ, ngay gần một Madame Chenevaz hoặc trúng vào bà. Đấy là người đàn bà độc ác nhất thành phố (mẹ của Candide Chenevaz, người, hồi còn trẻ, rất mê Clarisse Harlowe của Richardson, kể từ đó là một trong ba trăm người của M. de Villèle và được nhận phần thưởng là chức trưởng tòa nhất tại tòa hoàng gia của Grenoble, chết ở Lyon).

Dì Séraphie bảo tôi đã muốn giết Madame Chenevaz; tôi bị tuyên bố là có một tính cách tàn khốc, bị mắng mỏ bởi người ông tuyệt vời của tôi, M. Gagnon [đây là ông ngoại], vốn ông sợ con gái ông, Séraphie, phụ nữ mộ đạo được tin cậy nhất thành phố, thậm chí bị mắng mỏ bởi tính cách cao vời và nhiều tính cách Tây Ban Nha ấy, bà trẻ tuyệt vời của tôi, Mlle Élisabeth Gagnon.

Tôi nổi loạn, chắc lúc đó tôi mới bốn tuổi. Từ thời kỳ ấy khởi sự ở tôi nỗi kinh hãi tôn giáo, nỗi kinh hãi mà phải khó nhọc lắm thì lý trí tôi mới đưa được về các kích thước đúng được, và cũng chỉ mới gần đây, còn chưa đầy sáu năm. Gần như cùng lúc được sinh ra lần đầu tiên tình yêu đầy thắm thiết theo bản năng của tôi, vào quãng thời gian ấy hẵng còn lập bập, dành cho cộng hòa.

Tôi còn chưa quá năm tuổi.

Bà dì Séraphie kia là vị thần xấu xa của tôi trong suốt tuổi thơ; bà bị người ta kinh tởm lắm nhưng lại có nhiều tiếng nói, trong nhà. Tôi cho rằng về sau bố tôi yêu dì; ít nhất thì cũng có những cuộc dạo chơi dài tại Granges, nơi một đầm lầy bên dưới các bức tường thành phố, ở đó tôi là kẻ thứ ba gây phiền phức duy nhất, và ở đó tôi buồn chán kinh người. Tôi trốn vào thời điểm lên đường tới những dạo chơi ấy. Chính đó là chỗ chìm nghỉm đi tình bạn nhỏ bé của tôi với bố tôi.

Thực tình, tôi đã được nuôi dạy lối chuyên nhất bởi người ông tuyệt vời của tôi, M. Henri Gagnon. Con người hiếm có ấy từng làm một chuyến hành hương tới Ferney để gặp Voltaire và được đón tiếp rất nồng hậu. Ông có một bức tượng bán thân Voltaire nhỏ, chỉ to bằng nắm tay, đặt trên một cái đế gỗ mun cao sáu tấc. (Đó là một gu dị thường nhưng mỹ thuật không phải là sở trường cả của Voltaire lẫn của người ông tuyệt vời kia.)

Bức tượng bán thân đó được đặt trước bàn làm việc nơi ông ngồi viết, phòng ca bi nê của ông nằm cuối một căn hộ rất rộng nhìn xuống một hàng hiên thanh lịch điểm xuyết nhiều loài hoa. Đối với tôi, là cả một ân huệ hiếm hoi, việc được vào đó, ân huệ còn hiếm hơn nữa là được sờ vào tượng Voltaire.

Và cùng toàn bộ những cái đó, từ xa xôi nhất mà tôi còn nhớ được, tôi tuyệt đối không thích những gì Voltaire viết, đối với chúng tôi chúng dường là một trò con nít. Tôi có thể nói rằng tôi chưa bao giờ thích điều gì ở vĩ nhân ấy. Thế nên tôi không thể thấy rằng ông là nhà lập pháp và tông đồ của nước Pháp, Martin Luther của nó.

M. Henri Gagnon đội một bộ tóc giả rắc bột, tròn, có ba hàng lọn, vì ông là đốc tờ y khoa, và là đốc tờ à la mode giữa các dame, thậm chí bị tố từng là tình nhân của nhiều người, ngoài những người khác có một Madame Teyssère, một trong những phụ nữ xinh đẹp nhất thành phố, mà tôi nhớ là đã chưa bao giờ gặp, vì hồi ấy hai bên đã cãi cọ không chơi với nhau, nhưng về sau bà đã làm tôi hiểu điều đó bằng một cách thức dị thường. Người ông tuyệt vời của tôi, do bộ tóc giả kia, tôi từng lúc nào cũng thấy dường đã tám mươi tuổi. Ông bị khí uất (giống tôi, kẻ thảm hại), tê thấp, đi lại khó khăn, nhưng về nguyên tắc không bao giờ leo lên xe và không bao giờ đội mũ: một cái mũ hình tam giác nhỏ kẹp nách, nó làm nên niềm vui cho tôi những khi nào móc được nó để đội lên đầu, điều này bị cả nhà coi là thiếu tôn kính, và rốt cuộc vì lòng tôn kính tôi thôi để ý đến cái mũ tam giác và cây can nhỏ của ông, có tay nắm hình rễ búi khảm viền.

Ông tôi rất mê thư từ giả mạo [tức là apocryphe] của Hippocrate, mà ông đọc bằng tiếng Latin (dẫu ông có biết một chút tiếng Hy Lạp), và Horace trong ấn bản của Johannès Bond, in bằng các ký tự nhỏ kinh hoàng. Ông truyền sang cho tôi hai niềm say mê đó và trên thực tế là gần như tất tật các sở thích của ông, nhưng không phải như ông hẳn muốn, như tôi sẽ giải thích sau.

Nếu có bao giờ quay trở lại Grenoble, tôi sẽ phải cho tìm kiếm giấy khai sinh và khai tử của con người tuyệt vời ấy, người yêu quý tôi rất mực và hoàn toàn không yêu con trai của ông, M. [Romain] Gagnon, bố của M. Oronce Gagnon, chef d'escadron [hình như tương đương tiểu đoàn trưởng] lính Dragon, người cách đây ba năm đã giết được đối thủ trong đấu tay đôi, điều này khiến tôi thiên về nghĩ, có khả năng đấy không phải là một kẻ ngẫn. Đã băm ba năm nay tôi không gặp ông, có lẽ là băm lăm.

Tôi đã mất ông tôi trong lúc tôi đang ở Đức, đó là năm 1807 hay năm 1813, tôi không nhớ được rõ. Tôi còn nhớ mình từng về Grenoble một lần để gặp lại ông; tôi thấy ông rất buồn khổ; con người hết sức dễ mến ấy, trung tâm của những veillée [tiệc tùng] mà ông dự, gần như không nói gì với tôi nữa. Ông bảo tôi: "Đây là một chuyến thăm vĩnh biệt" rồi nói sang các chuyện khác, ông kinh hãi sự mềm lòng rất ngẫn giữa người trong nhà với nhau.

Một kỷ niệm quay trở lại với tôi. Quãng 1807, tôi thuê họa sĩ vẽ mình nhằm làm cho Mme Alex[andrine] Petit cũng để cho mình được vẽ và, vì số lượng những buổi phải ngồi làm mẫu là lời phản đối, tôi dẫn nàng đến chỗ một họa sĩ ở đối diện Fontaine du Diorama, ông ta vẽ sơn dầu chỉ trong một buổi, giá 120 franc. Người ông tốt bụng của tôi nhìn thấy bức tranh chân dung đó, mà tôi đã gửi cho em gái tôi, tôi nghĩ vậy, để thoát được khỏi nó, khi ấy đầu óc ông đã xuống lắm rồi, nhìn thấy bức tranh ông bảo: "Đây mới thật là tranh chứ", rồi rơi trở lại vào sự suy sụp cùng buồn bã. Ông chết không lâu sau đó, tôi thấy dường là vậy, ở tuổi 82, chắc thế.

Nếu điều này là chính xác, hẳn ông 61 tuổi vào năm 1789 và sinh vào khoảng 1728. Thỉnh thoảng ông kể về trận Assiette, cuộc a la xô vô vọng ở Alpes của h[iệp sĩ] de Belle-Isle vào năm 1742, chắc vậy. Bố của ông, con người kiên định, đầy cương nghị và danh dự, đã gửi ông tới đó làm bác sĩ quân y nhằm rèn luyện tính cách cho ông. Ông tôi bắt đầu học y và chắc đang mười tám hay hai mươi tuổi, như vậy cũng có thể ông sinh năm 1724.

Ông có một ngôi nhà nằm ở vị trí đẹp nhất của thành phố, trên quảng trường Grenette, góc Phố Lớn, hướng Nam và có trước mặt quảng trường đẹp nhất thành phố, hai quán cà phê đối thủ của nhau cùng trung tâm của cuộc sống thượng lưu. Tại đó, trên tầng hai, rất thấp nhưng hết sức vui tươi, ông tôi sống cho tới năm 1789.

Chắc ông phải giàu, hồi ấy, bởi ông đã mua một ngôi nhà tuyệt vời nằm sau nhà ông, nhà của các dame de Marnais. Ông sống trên tầng ba ngôi nhà của mình trên quảng trường Grenette và toàn bộ tầng tương ứng ở ngôi nhà Marnais, và có được chỗ ở đẹp nhất thành phố. Có một cầu thang tuyệt diệu, hồi đó, và một phòng khách chắc phải rộng hăm tám bộ, dài băm lăm bộ.

Người ta tiến hành sửa chữa hai phòng ngủ của c[ăn hộ] ấy, chúng nhìn xuống quảng trường Grenette, và ngoài những việc khác, một gippe (vách tường xây bằng gạch và vữa) nhằm phân tách phòng ngủ của bà dì Séraphie khủng khiếp, con gái M. Gagnon, và phòng ngủ của bà trẻ Élisabeth tôi, em gái ông. Người ta gắn các happes [một loại móc] bằng sắt lên gippe ấy và trên lớp vữa phủ mỗi trong số happes tôi viết: Henri Beyle 1789. Giờ tôi vẫn thấy mấy dòng chữ đẹp ấy khiến ông tôi thích mê.

- Vì cháu viết thạo như vậy, ông bảo tôi, cháu xứng đáng được bắt đầu học tiếng Latin rồi đấy.

Lời đó gây cho tôi một dạng kinh hãi, và một ông mô phạm có hình hài gớm ghiếc, M. Joubert, cao, mặt tái, gầy, chống épineau [một loại gậy], đến chỉ cho tôi, dạy tôi mura. Chúng tôi tới chỗ M. Giroud, chủ hiệu sách, nằm cuối một cái sân nhìn ra quảng trường Cỏ, mua một quyển vỡ lòng. Khi ấy tôi còn chưa mấy ngờ rằng người ta đang mua cho tôi tại đó thứ dụng cụ hành hạ nào.

Ở đây khởi sự các bất hạnh.

Nhưng tôi đã đẩy lui lại, từ lâu, một câu chuyện cần thiết, có lẽ là một trong dăm ba chuyện rồi đây sẽ khiến tôi ném Hồi ký này vào lửa.

Mẹ tôi, madame Henriette Gagnon, là một phụ nữ rất đẹp và tôi yêu mẹ tôi.

Tôi vội vàng nói thêm rằng tôi đã mất bà năm lên bảy tuổi.

Khi yêu bà, có lẽ hồi sáu tuổi, 1789, tôi tuyệt đối có cùng tính cách với hồi năm 1828 khi yêu đến phát rồ Alberthe de Rubempré. Cách thức đi săn hạnh phúc của tôi xét về sâu xa đã chẳng hề thay đổi, chỉ có mỗi ngoại lệ sau đây: đối với những gì tạo dựng vật lý của tình yêu, tôi cũng giống hẳn César sẽ, nếu ông quay trở lại thế giới cho sự sử dụng đại bác cùng các thứ vũ khí nhỏ. Hẳn tôi sẽ mau chóng học được và điều này xét sâu xa không thay đổi gì trong chiến thuật của tôi.

Tôi muốn phủ những cái hôn lên mẹ tôi, và là không quần áo. Bà yêu tôi điên cuồng và hay hôn tôi, tôi đáp trả các nụ hôn của bà với nhiều nhiệt hứng tới nỗi thường bà buộc phải đi khỏi. Tôi thấy kinh tởm bố tôi những lúc ông đến ngắt ngang những cái hôn của chúng tôi. Lúc nào tôi cũng muốn hôn lên cổ bà. Người ta phải hạ cố mà nhớ rằng tôi đã mất bà trong một lần sinh nở, khi tôi mới lên bảy.

Người bà đẫy, với sự tươi mát hoàn hảo, bà rất xinh và tôi cho rằng chỉ có điều bà không cao lắm. Bà có sự cao quý và thanh thản hoàn hảo nơi các đường nét; rất hoạt bát; thích hơn việc chạy đi tự làm lấy thay vì ra lệnh cho ba cô hầu của mình và rốt cuộc hay đọc trong nguyên bản Kịch Thần của Dante, mà mãi về sau tôi tìm được năm hay sáu b[ản] ở những édition khác nhau trong phòng bà, bị đóng chặt kể từ khi bà mất.

Bà qua đời khi hẵng còn xuân sắc tuổi trẻ và nhan dung, vào năm 1790, chắc khi ấy bà hăm tám hay ba mươi tuổi.

Đấy là điểm khởi đầu cho cuộc đời thuộc luân lý của tôi.

Dì Séraphie cả gan trách tôi không khóc đủ nhiều. Người ta cứ việc đánh giá nỗi đau đớn của tôi và những gì mà tôi cảm thấy! Nhưng tôi thấy dường mình sẽ gặp lại bà vào hôm sau, tôi đâu hiểu cái chết.

Như vậy cách đây bốn mươi lăm năm tôi đã mất đi những gì mình yêu quý nhất trên cõi đời.


Bà không thể bị xúc phạm vì sự tự do mà tôi thể hiện với bà, khi hé lộ rằng tôi yêu bà; nếu có bao giờ tôi tìm lại được bà, thì tôi sẽ vẫn nói điều đó với bà. Vả lại bà chẳng hề dự phần chút nào vào tình yêu ấy. Bà không vì thế mà hành động theo lối Venise, giống Madame Benzoni với tác giả của Nella. Về phần mình, tôi phạm tội ác nhiều hết mức có thể phạm, tôi yêu những sự đẹp nơi bà phát cuồng.

Một tối nọ, như thể vì một ngẫu nhĩ nào đó người ta cho tôi ngủ trong phòng bà, dưới đất, trên một tấm đệm, người phụ nữ sống động và nhẹ bẫng như một con nai cái ấy đã nhảy qua đệm của tôi để về giường mình chóng hơn.

Phòng của bà bị khóa kín lại suốt mười năm sau khi bà mất. Khó khăn lắm bố tôi mới cho phép tôi đặt vào đó một tấm bảng bằng vải bạt đánh xi và học toán ở trong đó, hồi năm 1798. Nhưng không người hầu nào vào đó, kẻ ấy hẳn sẽ bị mắng mỏ thậm tệ, chỉ mình tôi có chìa khóa phòng. Tình cảm đó của bố tôi làm nảy sinh nhiều vinh hạnh cho ông, trong mắt tôi, giờ đây, lúc tôi suy nghĩ về chuyện này.

Như vậy bà đã chết trong phòng ngủ của mình, phố Vieux-Jésuites, ngôi nhà thứ năm hay thứ sáu bên trái, nếu đi từ Phố Lớn, đối diện với nhà của M. Teisseire. Tại đó tôi đã chào đời, ngôi nhà ấy thuộc về bố tôi, ông bán nó đi khi ông khởi sự làm phố mới của ông và làm những điều điên rồ. Phố đó, thứ khiến ông lụn bại, tên là phố Dauphin (bố tôi là người ultra cực điểm, ba ti dăng của các l[inh mục] và đám quý tộc) và ngày nay được gọi là rue Lafayette, tôi nghĩ vậy.

Tôi sống chủ yếu ở nhà ông ngoại tôi, nhà ông ở cách nhà chúng tôi có một trăm bước chân.





Đến đây là hết chapitre 3; nhưng trong Vie de Henry Brulard, một chương sách chỉ đầy đủ khi có những bức vẽ. Chúng đây:





20 comments:

  1. ôi nhiều lúc vào đây đọc mà ko hiểu đang đọc cái gì, hiểu biết vô hạn. chắc não xoắn tiếp đọc mới hiểu đc.

    ReplyDelete
  2. đừng xoắn:

    không khó lắm đâu: Stendhal là tác giả của Đỏ và Đen (nhân vật chính: Julien Sorel) và Tu viện thành Parme (nhân vật chính: Fabrice del Dongo), đấy là hai tiểu thuyết

    nhưng Stendhal không chỉ viết tiểu thuyết, mà còn viết hồi ký, tự truyện (autob), trong đó quan trọng nhất là "Vie de Henry Brulard" (Đời Henry Brulard): điều buồn cười là tên thật của Stendhal không phải Henry Brulard, mà là Henri Beyle

    ReplyDelete
    Replies
    1. thế này thì bài đăng nào em cũng vào hỏi nhé :)))), trời ơi, lắm cái ko biết tí rì luôn ạ :D.

      Delete
    2. mình muốn biết lắm cái thì vừa vào hỏi vừa phải mua sách ở đây nữa cơ https://xuatbankhac.com/chuong-trinh-xuat-ban-2023/

      Delete
    3. ah cái này thì ko hỏi vẫn mua đều, nhất của anh chủ blog :)))

      Delete
  3. trời mùa thu Hà Nội hôm nay dịu dàng nhất quả đất

    ReplyDelete
  4. đáng yêu nhất quả đất

    ReplyDelete
  5. Replies
    1. liệu em có thể mua cuốn Cuộc sống ko ở đây, ở đâu anh nhỉ, sách cũ đợi hoài cũng chưa có.

      Delete
  6. trời Hà Nội hôm nay đẫm ướt mi

    ReplyDelete
  7. *mưa/ đất ướt, ướt nhất quả đất

    ReplyDelete
  8. quyển đó có vẻ khó đấy

    tiếp tục

    ReplyDelete
    Replies
    1. dạ, nếu anh thấy, nhắn tin em với nhé, em cám ơn anh nhiều ạ

      Delete
  9. Đỏ và đen cùng với Tu viện thành Parme em đọc cách nay đã khá lâu, dù không còn nhớ rõ tình tiết các thứ nhưng chúng chưa là một trong những cuốn em muốn mở ra đọc lại. Bây giờ theo dõi bản dịch Đời Henry Brulard, chúng được nhảy xuống khỏi kệ trở lại, nói cảm ơn anh : )

    ReplyDelete
  10. a như bản dịch trong nguyên tác cũng thấy dấu [ ] - P[einture], tại sao vậy ạ?

    ReplyDelete
  11. Le grand drawback (imconvénient) d’avoir de l’esprit c’est qu’il faut avoir l’oeil fixé sur les demi-sots qui vous entourent🤩

    ReplyDelete
  12. ơ sao anh lại nhắn tin cho em, em nhắn tin cho anh chứ

    tiếp tục

    ReplyDelete
  13. chắc người ta còn chưa biết “Tôi là Molloy, tôi lại cũng là Oblomov lười biếng từ trong máu.“ ^ ^

    ReplyDelete
  14. có nhiều lẽ những nghiên cứu phân tâm học của S. Freud chui ra từ những tác phẩm của Stendhal

    ReplyDelete
  15. "...ngày 16 tháng Mười [thêm một tháng Mười] năm 1932"
    NL, 1832 chứ!

    ReplyDelete