Heinrich von Kleist và Robert Walser
giờ đây thì, Walser lại viết về Kleist: Walser lấy Kleist làm chủ đề để viết
(tiếp tục "books no facebook" và "Hai mươi năm dịch thuật (phần tiếp theo)": có vẻ như là đã bắt đầu nhìn được một số thứ rõ ràng hơn)
Kleist ở Thun
Robert Walser
Kleist đã tìm được nơi trú chân trong một căn nhà miền quê trên đảo Aare ở vùng quanh Thun. Ngày nay người ta, sau hơn một trăm năm, không còn biết cụ thể nữa, tuy nhiên tôi nghĩ rằng, ông sẽ đi qua một cây cầu bé tí dài mười mét và kéo dây chuông. Rồi ai đó sẽ vội vàng chạy xuống cầu thang của căn nhà, để xem là ai. “Ở đây có phòng cho thuê không?” Và ngắn gọn, Kleist bây giờ đương thoải mái trong ba căn phòng người ta dành cho ông với số tiền ít ỏi kinh ngạc. “Một bé gái người Bern đáng yêu quản việc nhà cho ta.” Một bài thơ đẹp, một đứa trẻ, một hành động gan dạ, ông hướng đến ba điều ấy. Thêm nữa ông hơi ốm một chút. “Quỷ sứ mới biết ta cần gì. Ta làm sao thế? Nơi đây đẹp tuyệt.”
Ông làm thơ, hẳn nhiên rồi. Thỉnh thoảng ông đi bằng xe kéo đến Bern chỗ những người bạn văn chương và đọc thành lời những gì ông đã viết đôi chút. Đương nhiên người ta ngợi khen ông hết lời, ấy thế mà cùng lúc cũng thấy con người đó có phần bí hiểm. Vở Chiếc bình vỡ đang được viết. Thế nhưng tất cả để làm gì? Trời đã sang xuân. Những triền cỏ quanh Thun đã phủ rậm đầy hoa, nó tỏa hương và hát ca và góp mình và thay sắc và biếng nhác, dưới ánh mặt trời nóng điên lên được. Như những đợt sóng nung đỏ tê tái nó cuộn lên trong đầu Kleist, khi ông ngồi bên bàn viết và muốn viết. Ông nguyền rủa công việc của mình. Ông đã muốn trở thành nông dân, khi ông vừa đến Thụy Sĩ. Một ý tưởng xinh. Để nghĩ những điều như thế ở Potsdam thì dễ. Tuyệt nhiên những người viết vẽ ra rất dễ một điều nào đó. Ông thường ngồi bên cửa sổ.
Cứ cho là gần mười giờ sáng. Ông thật một mình quá. Ông ước một giọng nói bên mình, một giọng nói nào? Một bàn tay, ừ, rồi sao? Một thân thể, mà để làm gì? Ở đó hồ nước nằm lạc trọn vẹn trong những hương và mạng phủ trắng xóa, ôm bởi rặng núi chẳng lối tự nhiên, huyền hoặc. Nó khiến mê muội và bất an làm sao. Toàn vùng đất cho đến rìa nước là tuyền một khu vườn, và trong không khí sắc xanh này nó như thể ùa đến và đọng lại từ những cây cầu ngập hoa và từ những hiên nhà ngập hương. Những con chim hót thật yếu ớt dưới mặt trời và dưới ánh sáng ấy. Chúng rũ đời và mỏi mệt. Kleist gục đầu xuống khuỷu tay, nhìn và nhìn và muốn quên đi. Bức tranh của quê hương xa xôi phía Bắc trào lên trong ông, ông có thể trông rõ khuôn mặt người mẹ của mình, những giọng nói cũ, ông nguyền rủa nó - ông bật dậy và chạy xuống đi vào khu vườn của căn nhà miền quê. Ở đó ông bước xuống một con thuyền và chèo vào hồ nước rộng mở ban sáng. Cái hôn của mặt trời là thứ độc nhất và cứ mãi tiếp diễn. Chẳng một làn khí. Tuyệt đối không một chuyển động. Những ngọn núi như một tạo phẩm của người thợ vẽ sân khấu khéo léo, hoặc chúng nhìn như thể, toàn vùng đất này là một album, và những ngọn núi như được vẽ thêm vào tờ giấy trắng cho nữ chủ của album bởi một kẻ nghiệp dư ý tứ, để nhớ, bằng một vần thơ. Tập album có một bìa bọc màu xanh nhờ. Đúng đấy. Các dải chân đồi ở bờ hồ sao mà xanh đôi chút thế và cao thế, trì độn thế, ngát hương thế. La, la, la. Ông cởi quần áo và ném mình vào nước. Mọi thứ tuyệt đẹp với ông đến nhường nào. Ông bơi và nghe tiếng cười của các phụ nữ vọng từ bờ lại. Con thuyền tạo nên những chuyển động trong làn nước sắc xanh lá sắc xanh biển. Tự nhiên là sự âu yếm lớn lao độc nhất. Điều đáng vui và cũng có thể đớn đau thế nào.
Đôi khi, nhất là vào những buổi tối đẹp, với ông, nơi đây như là tận cùng thế giới. Dãy Alpen hiện ra với ông như lối đi không thể leo đến dẫn vào một thiên đường được đặt cao vói. Ông đi lên hòn đảo nhỏ của mình, từng bước một, lên rồi xuống. Con bé phơi quần áo giữa những bụi rậm, ở đó lóng lánh ánh sáng êm ái, sắc vàng, đẹp phát bệnh. Các khuôn mặt của ngọn núi tuyết nhợt quá, cái đẹp không thể được chạm đến cuối cùng ngự trị trong tất thảy. Những con thiên nga, bơi qua rồi lại giữa những bụi lau, cứ như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và ánh sáng ban tối. Bầu không khí bệnh tật. Kleist ước được gửi đến một cuộc chiến khốc liệt, vào một trận đánh, ông thấy mình như một kẻ khốn khổ và thừa ra.
Ông làm một cuộc đi dạo. Tại sao, ông tự hỏi lối cười cợt, ông phải ngay bây giờ chẳng có gì để làm, chẳng gì để va vào và để lật giở ư? Ông cảm thấy, như sức sống và sức lực trong mình than phiền thì thầm. Trọn vẹn tâm hồn ông rần rật theo những gắng gồng thể xác. Ông bước lên ngọn đồi lâu đài, giữa những bức tường cao và cũ, qua những vụn đá vỡ của chúng cây thường xuân màu lục xám nhiệt thành tự nuốt chửng lấy mình. Ánh chiều le lói trên tất thảy những cửa sổ nằm trên cao. Ở rìa con dốc đá trên kia là một Pavillon nho nhỏ, ở đấy ông ngồi và ném tâm hồn mình vào khung cảnh loang loáng tĩnh mịch trang nghiêm này. Giờ ông hẳn sẽ ngỡ ngàng nếu ông có thể thấy thoải mái. Đọc một tờ báo ư? Điều đấy thì sao? Dẫn dắt một cuộc chuyện trò chính trị ngu ngốc hay vì lợi ích chung cùng một cái đầu chính quyền ngu độn được trọng vọng nào đó ư? Thật? Ông không bất hạnh, trong thầm lặng ông xem những người là viên mãn, những người có thể ủ rũ: ủ rũ lối tự nhiên và mạnh mẽ. Một nhỏ nhặt tin hin cong quẹo với ông còn thê thảm hơn nữa. Ông quá mẫn cảm, quá thực tại cùng tất tật những cảm tri thiếu quyết đoán, cẩn trọng, ngờ vực của ông, để bất hạnh. Ông muốn thét, muốn khóc. Chúa trên trời cao, con làm sao thế này, và ông vụt chạy xuống ngọn đồi tối đen. Đêm làm ông dễ chịu. Về đến căn phòng của mình, ông ngồi xuống, cả quyết, làm việc bên bàn viết đến khi hóa dại. Ánh sáng của ngọn đèn lấy khỏi ông bức tranh khung cảnh, nó làm ông sáng rõ và giờ ông viết.
Vào những ngày mưa trời lạnh khủng khiếp và trống rỗng. Vùng này làm ông run cóng. Những bụi cây rì rào và rên rỉ và rỏ nước mưa theo ánh mặt trời. Những đám mây lấm bẩn, quái dị lướt trên hình hài các ngọn núi như những bàn tay to tướng, hư đốn, giết chóc trên vầng trán. Vùng đất dường như muốn náu mình trước thời tiết, nó muốn co mình lại. Hồ nước cứng ngắc và ảm đạm, và những con sóng cất lời dữ dằn. Như một cảnh cáo đáng sợ cơn gió bão nhồm nhoàm về đây và thoát ra không ở đâu cả. Nó táp từ mặt núi này sang mặt núi kia. Trời tối và tin hin, tin hin. Ngươi ta thấy hết cả trên mũi của mình. Người ta muốn vơ lấy thanh gỗ và đập quanh. Biến đi, biến.
Rồi lại có mặt trời và là ngày Chủ nhật. Chuông vang. Mọi người bước ra từ nhà thờ nằm trên cao. Các cô bé và các bà trong những chiếc áo bó ngực chật, màu đen, điểm bằng bạc, đàn ông ăn vận đơn giản và nghiêm trang. Kinh cầu nguyện họ mang trên tay, và các gương mặt rất yên bình và đẹp, như rằng tất tật lo âu đã tan chảy cả, tất tật những nếp hằn của thống khổ và cãi vã được là phẳng và tất tật gồng gắng đã quên đi. Và những quả chuông. Như chúng vang lên, rung lắc với các âm vang và các sóng âm. Như nó lóng lánh, tỏa sáng, nhuộm xanh và vọng qua toàn thành phố bé nhỏ vào Chủ nhật ôm trong mặt trời này. Đám người tản ra. Kleist, bị khơi gợi bởi những tri nhận đặc biệt, đứng ở cầu thang nhà thờ và theo sau các chuyển động của những người đi xuống. Kia là một đứa trẻ nông dân nào đó, gào thét đi xuống các bậc như một nàng công chúa được sinh ra và chiều chuộng trong cao sang và tự ý. Kia là những cậu thiếu niên xinh xắn, nhỏ tuổi, khỏe khoắn lối thách thức từ vùng đất, và từ một vùng đất thế nào, không phải đồng bằng, không phải thiếu niên từ các triền đồi, mà là thiếu niên, của các thung lũng toang hoác hiện ra kỳ diệu từ thăm thẳm trong các dãy núi, đôi khi hẹp, như cánh tay của một con người trong lối bị đập bởi ai đó cao lớn hơn. Đấy là các thiếu niên của núi, nơi ruộng và cánh đồng dốc trượt vào một chìm sâu, nơi cỏ ngào ngạt bỏng tay mọc ở những khoảng bé tí sát rạt bên vực thẳm kinh hồn, nơi những ngôi nhà dính vào triền cỏ như các chấm, nếu một ai đó đứng ở con đường làng rộng bên dưới và ngước nhìn lên cao, chẳng biết trên đó có thể vẫn còn phòng của con người hay không.
Kleist thích các Chủ nhật, cả những ngày họp chợ, khi ấy từ những chiếc váy và áo choàng của các cô nông dân tất tật quẫy đạp và bò lổm nhổm xuống đường và ở những con ngõ chính. Ở đó, trong con ngõ chính, dưới vỉa hè, trong những vòm bằng đá và trong những quầy gọn nhẹ, hàng hóa được chồng lên nhau. Chủ quầy hàng hét lớn lối nông dân mời gọi các tinh phẩm rẻ tiền của mình. Thường đúng là vào một ngày họp chợ thế này tỏa ra ánh mặt trời sáng sủa nhất, ấm áp nhất và trì độn nhất. Kleist để cho đám người hỗn loạn đáng yêu và đầy sắc màu xô đẩy mình qua và lại. Khắp nơi tỏa mùi phô mai. Ở những quầy hàng khá hơn các phụ nữ vùng quê xinh đẹp bước vào lối nghiêm túc và thong thả, để thực hiện việc mua bán. Nhiều đàn ông với tẩu thuốc trên miệng. Lợn, bê và bò được kéo đi ngang qua. Một người đứng đó và cười và dùng gậy thúc một con lợn ỉn hồng hào đi. Nó không muốn, nên anh ta nắm nó dưới cánh tay và bế đi tiếp. Con người tỏa ra mùi hương từ quần áo của họ, về phía buôn bán vang lên tiếng ồn của những người uống rượu, những người nhảy nhót và những người ăn uống. Ôi tất thảy những tiếng động và tất thảy tự do của các âm thanh này! Xe ngựa đôi khi chẳng thể đi xuyên qua. Mấy con ngựa tuyệt đối bị vây lấy bởi những người buôn bán và buôn chuyện. Và mặt trời rọi sáng thật chuẩn vào các quầy, các gương mặt, những chiếc khăn, những cái giỏ và hàng hóa. Tất tật chuyển động, và cái chói chang mặt trời ấy hẳn nhiên cũng phải cùng chuyển động tuyệt đẹp. Kleist muốn cầu nguyện. Ông thấy không một âm nhạc lối tráng lệ nào đẹp hơn và không một tâm hồn nào thuần khiết hơn âm nhạc và tâm hồn của hoạt náo con người này. Ông bỗng thích ngồi xuống một bậc thềm cầu thang, cái dẫn xuống vào một con ngõ. Ông đi tiếp, đi qua những phụ nữ với chiếc váy kéo cao, qua những cô bé đội từ tốn và gần như thanh lịch chiếc giỏ trên đầu, như những cô gái Ý với chiếc bình của họ, như ông quen từ những bức họa, qua những người đàn ông thét gầm, và qua những kẻ say, qua các cảnh sát, qua các cậu bé học sinh đeo cái nhìn trẻ con đi học của mình theo, qua những quãng râm tỏa mùi mát rượi, qua những dây thừng, những cái que, đồ ăn, những trang sức dởm, những cái miệng, mũi, những chuồng, những ngựa, những cái màn, ga gối, những quần tất len, những cái xúc xích, những viên bơ tròn và những khay phô mai, ra khỏi đám hỗn độn, đến cây cầu Aare, ở chỗ của nó ông đang tựa người đứng lại, để nhìn vào mặt nước xanh thẳm, tuyệt diệu chảy vào kia. Trên cao ông là các tòa tháp lâu đài lóng lánh và tỏa rạng như một ngọn lửa nâu dập dềnh. Nó là nửa nước Ý.
Đôi khi, vào những ngày làm việc thông thường, thành phố bé nhỏ này hiện ra với ông như thể bị phù phép. Ông đứng im trước tòa thị chính kỳ lạ và cũ, với biển ghi số năm sắc cạnh trên bức tường lóng lánh ánh trắng. Tất thảy thật mất mát, như hình hài của một bài dân ca nào đó người ta đã quên. Ít sự sống, không, gần như không một. Ông bước xuống những bậc thang phủ gỗ trước đây dẫn vào tòa lâu đài của công tước, gỗ tỏa mùi của cũ kỹ và những số phận con người đã đi qua đây. Trên kia ông ngồi xuống một ghế băng rộng, vòng cung, màu xanh, để có được một tầm nhìn, thế nhưng ông nhắm mắt lại. Kinh khủng, như ngủ quên, đóng bụi và tước đi sự sống, tất thảy trông như thế. Cái nằm gần đây nhất lại như trong một xa xôi tiếp nữa, trắng xóa, bí ẩn và mơ màng. Tất thảy được gói trong những đám mây rực. Mùa hạ, thế nhưng thực là mùa hạ nào. Ta không sống, ông thét và chẳng biết, mình hướng đôi mắt, đôi bàn tay, chân và hơi thở vào đâu. Một giấc mộng. Không gì ở đây. Ta muốn không giấc mơ nào. Cuối cùng ông tự nói, ông đương sống quá cô độc. Ông rùng mình, để phải tri nhận, ông ương ngạnh với thế giới bên mình như thế nào.
Rồi những tối mùa hạ đến. Kleist ngồi trên bờ tường cao của sân trong nhà thờ. Trời gần như ẩm và đồng thời cũng oi. Ông cởi chiếc áo, để phanh ngực ra. Dưới kia, như bị ném bởi bàn tay quyền lực của Chúa vào sâu hoắm, một hồ nước được thắp sắc vàng và sắc đỏ, thế nhưng toàn bộ sự thắp sáng này dường như được đốt lên từ tầng sâu của nước. Nó như một hồ nước cháy rực. Dãy Alpen trở nên sống động và lặn vầng trán của mình xuống những chuyển động hi tuyệt trong nước. Những con thiên nga của nó xếp vòng ở dưới đó chỗ những đảo tĩnh mịch, và những ngọn cây vươn lên trong sự ngây ngất tối đen, lối hát ca và tỏa hương. Về điều gì? Chẳng gì, chẳng gì. Kleist uống trọn. Với ông toàn bộ hồ nước lấp lánh bóng tối này là trang sức, cái nằm mãi trên cơ thể người phụ nữ cao lớn không quen đương say ngủ. Những cây bồ đề, cây thông và hoa tỏa hương. Có một tiếng reo câm lặng, gần như không nghe thấy ở đây, ông nghe thấy nó, tuy nhiên ông cũng cả nhìn thấy nó. Đấy là một cái mới. Ông muốn thứ không nắm bắt được, không thể hiểu được. Dưới kia, trên mặt hồ một chiếc thuyền đương chèo. Kleist chẳng thấy nó, thế nhưng ông thấy những cây đèn theo sát nó, chúng lắc lư qua lại. Ông ngồi đó, của sắc mặt bị chặn lại, như thể ông đã phải sẵn sàng đến với cú nhảy tử mạng vào bức tranh của thẳm sâu trác tuyệt. Ông muốn chết trong bức tranh ấy. Ông chỉ còn muốn có đôi mắt, chỉ là một con mắt duy nhất. Không, tuyệt đối, tuyệt đối khác đi. Bầu không khí phải là một cây cầu và toàn bức tranh phong cảnh này là một cái tựa, để tựa vào, đầy ham muốn, ngất ngây và mỏi mệt. Đêm về, nhưng ông không muốn đi xuống, ông ném mình vào một cái huyệt ẩn dưới bụi cây, những con dơi vây phành phạch lấy ông, những cây cao nhọn rít bằng những cuộn gió thì thầm kéo đến. Cỏ thơm tuyệt, nằm dưới chúng là những bộ xương của những người được chôn cất. Ông thật hạnh phúc lối đau đớn, quá hạnh phúc, bởi vậy mà quá ngạt thở, quá cằn cỗi, quá đớn đau. Quá một mình. Tại sao những người chết chẳng đến và chuyện trò nửa giờ với người đàn ông cô đơn này? Vào một mùa hạ một người cũng phải có một người thương chứ. Ý nghĩ về những khuôn ngực lóa trắng và những làn môi truy đuổi Kleist xuống khỏi ngọn núi, đến bờ sông, rơi vào nước, cùng cả quần áo, cười, khóc.
Nhiều tuần trôi qua. Kleist đã hủy một bản, hai, ba bản viết. Ông muốn tinh phẩm cao nhất, tốt thôi, tốt thôi. Rồi sao. Do dự ư? Vào ngay thùng rác. Một cái mới hơn, hoang dại hơn, đẹp đẽ hơn. Ông khởi đầu trận đánh Sempach bằng nhân vật của Leopold nước Áo ở trung tâm, sự khéo léo của người này làm ông bộn rộn. Giữa chừng ông nhớ đến cái khéo léo của Robert Guiskard. Người này ông muốn có thật trác tuyệt. Cái may mắn, được là một con người tri nhận giản đơn, đắn đo đầy ý thức, ông nhìn, để vỡ tung thành đống đổ nát, như những tảng đá rầm rập sầm sập cuốn đi trận núi lở của cuộc đời ông. Trận lở còn hữu ích, giờ đây đã được quyết định. Nó muốn trọn vẹn rơi vào ngôi sao văn chương bạc mệnh: đây là điều tốt nhất, ta muốn chết đi chóng vánh nhất có thể!
Tạo phẩm của ông kéo khỏi ông những cái nhăn mặt, nó bại. Gần mùa thu ông đổ bệnh. Ông ngỡ ngàng về một sự dịu dàng kéo qua ông. Chị ông đã đến Thun, để đưa ông về nhà. Những hoắm sâu nằm trên gò má ông. Gương mặt ông có hình hài và sắc thái của một người bị phá nát trong trọn tâm hồn. Đôi mắt ông còn vắng sức sống hơn hàng lông mày bên trên. Tóc ông rũ trên trán như một nắm nhão dày và nhọn của những búi, thứ bị cắn nát bởi tất thảy các suy nghĩ kéo ông vào những lỗ, những hang bẩn thỉu, như ông đã tưởng là thế. Những vần thơ cất lên trong trí óc ông, hiện ra với ông như tiếng quạ rên, ông muốn giật phăng đi trí nhớ. Ông muốn phủi bay cuộc đời, thế nhưng cái vỏ của cuộc đời ông muốn trước hết phá nát nó. Cơn thịnh nộ của ông giống với nỗi đau của ông, sự khinh miệt của ông giống những than phiền của ông. Em cần gì, Heinrich, người chị âu yếm ông. Không gì cả, không gì cả. Hẵng còn thiếu đó, rằng ông nên nói ra, mình thấy thiếu điều gì. Trên sàn của căn phòng các bản thảo nằm như những đứa con kinh tởm bị cha mẹ bỏ lại. Ông đưa tay mình cho người chị và vừa lòng nhìn cô lâu và âm thầm. Nó đã sẵn tựa như một cái nhìn chăm chăm, và cô gái rùng mình.
Rồi họ đi. Cô bé lo việc nhà cho Kleist nói với họ lời tạm biệt. Là một sáng mùa thu chói chang, cỗ xe cuộn bánh qua cây cầu, qua người dân, xuyên qua các ngõ gồ ghề, người ta nhìn ra từ các cửa sổ, lên trên nơi bầu trời, dưới những đụm lá sắc vàng, tất tật đều sạch, đượm thu, điều gì tiếp theo? Và người đánh xe ngậm chiếc tẩu trên miệng. Tất tật đều như luôn luôn thế. Kleist ngồi ép vào một góc của xe. Những ngọn tháp của lâu đài Thun biến mất phía sau một ngọn đồi. Tiếp đấy, ở phía xa thêm nữa, người chị của Kleist nhìn lại thêm một lần hồ nước tuyệt đẹp. Đã đôi chút lạnh rồi. Những ngôi nhà miền quê tiến đến. Na nu, chủ đất quyền quý nào ở một vùng núi như thế này? Tiếp đi. Tất thảy bay khỏi và chìm đi lối giật lùi trước cái nhìn nghiêng, tất thảy nhảy múa, xoay tròn và thu dần lại. Nhiều thứ đã được bọc lấy trong bức màn mùa thu, và tất thảy được chút ít phủ vàng bởi mặt trời ló ra khỏi mây. Một thứ vàng như thế, như nó lấp lánh, và như rằng người ta chỉ có thể lượm nhặt trong bụi bẩn. Mực cao, các vách dốc, các thung lũng, các nhà thờ, các ngôi làng, những kẻ tọc mạch, trẻ con, cây cối, gió, mây, ây còn gì nữa? Có là điều gì đặc biệt không? Cái bị ném đi không phải là cái thông thường nhất hay sao? Kleist thấy chẳng gì cả. Ông mơ về mây và những bức tranh và một chút về bàn tay con người yêu thương, dịu dàng, vuốt ve. Em thấy sao, người chị hỏi. Kleist giật thót nơi khuôn miệng và muốn cười với cô chút ít. Cũng được thôi, tuy nhiên là gắng gượng. Với ông, như rằng ông phải dọn đi khỏi miệng mình tảng đá để có thể cười.
Người chị can đảm lối cẩn trọng để chuyện trò về một khởi đầu sớm thôi của một xác nhận ý nhị. Ông gật đầu, ông cũng tự cho là vậy. Tỏa rạng sáng chói lối nhạc điệu này làm run rẩy ông trong tri nhận. Thực rằng, nếu ông thừa nhận thành thực, thì giờ ông tuyệt đối dễ chịu; đau, tuy nhiên đồng thời dễ chịu. Nó làm ông đau một chút, đúng, thực là thế, tuyệt đối đúng, tuy nhiên không trong lồng ngực, cũng không ở phổi, không ở đầu, cái gì? Thật ư? Chẳng ở đâu ư? Có chứ, chỉ một chút thôi, đâu đó, rằng nó đúng thế, rằng người ta chẳng thể nói cho đúng được. Item, việc này chẳng đáng nói đến. Ông nói gì đó, rồi những khoảnh khắc đến, khi ông gần như hạnh phúc lối trẻ thơ, và khi ấy hẳn nhiên cô gái tức thì làm ngay nét mặt đôi chút nghiêm khắc lối rầy la, để thế nhưng cũng là chỉ cho ông một chút, ông thực ra chơi đùa kỳ khôi với cuộc đời mình như thế nào. Cô gái cũng là con gái nhà Kleist và hưởng sự giáo dục, cái điều cậu em đã muốn vứt bỏ. Cô hẳn nhiên tâm can vui mừng, rằng ông thấy khá hơn rồi. Tiếp nào, hây, hây, là một chuyến xe hàng. Thế nhưng cuối cùng người ta cũng sẽ phải cho nó đi, cỗ xe đưa thư, và cho điều cuối cùng rằng người ta cũng có thể chấp thuận một ghi chú, ở mặt trước của căn nhà miền quê, nơi Kleist từng ở, ai đã sống ở đó và đã viết thơ. Khách lữ hành với chủ đích đi quanh Alpen có thể đọc nó, những đứa trẻ từ Thun đọc và đánh vần nó, từng chữ từng chữ một, và nhìn nhau rồi hỏi trong ánh mắt. Một người Do Thái có thể đọc nó, một người Thiên chúa giáo cũng vậy, khi anh ta có thời gian và chuyến tàu không sắp sửa rời đi mất, một người Thổ, một con chim sẻ, trong chừng họ có thích thú ở đó, tôi cũng vậy, tôi có thể đôi khi cũng đọc lại thêm một lần. Thun nằm ở cửa ngõ vào vùng thượng Bern và hằng năm được đến thăm bởi hàng nghìn người lạ. Tôi có thể biết đôi chút vùng này, bởi tôi từng ở đó làm một nhân viên nhà máy nấu bia. Vùng đất này đặc biệt tuyệt mỹ hơn, như là tôi ở đây có thể miêu tả nó, hồ nước xanh thêm một lần, bầu trời đẹp thêm ba lần, Thun từng có một triển lãm thương mại, tôi không biết, tôi cho là cách đây bốn năm.
(T. T. dịch từ nguyên bản tiếng Đức: Robert Walser, Das Gesamtwerk I, Suhrkamp Verlag Zürich, 1978)
Mong "văn chương bên lề" Robert Walser sẽ xuất hiện ở Việt Nam
ReplyDelete