Mar 1, 2024

books no facebook

facebook is a false book

(công việc chuyển vẫn tiếp tục, nhưng có thể nói là đã xong rồi; tiếp tục "TB & YL", tiếp tục "hai năm" cũng như "hai mươi năm"

"chuyển" thì cũng đồng nghĩa với việc vứt bớt đi: chuyển nhà bao giờ cũng là cơ hội tuyệt vời để vứt đi vô số chổi cùn rế rách, những gì lưu cữu)


Tôi đã có cảm giác, khi một nơi tôi từng rất biết phát hiện ra facebook và trở nên cuồng facebook, rằng đấy là khoảnh khắc tuột dốc của mọi thứ. Nhất là khi, một chỗ làm ra những quyển sách (real book) lại đâm đầu vào trò false book (real và false rất dễ rơi vào một cái bẫy, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc). Facebook là một cái bẫy lớn, vì trước hết, nó tạo ra ảo tưởng.

Nhưng, ở mức cao hơn, vấn đề nằm ở chỗ, chính những lúc nào người ta làm những cái trông quá tiện, thì lại là thời điểm nhiều ý nghĩa bị mất đi. Một hình thức không có chút tương thích nào với một trong các lẽ sống của sách lại được xem như là cơ hội cho sự phát triển của thế giới sách: không tương thích ở một điểm cơ bản: không-lưu trữ, trong khi, lưu trữ chính là yếu tố gắn chặt vào sách, từ đó mà làm nên một thứ hay được gọi là văn hiến. Thêm nữa, công việc in sách chỉ đúng là nó và thực sự có ý nghĩa nếu nó kháng cự sự trôi chảy của thời đại. Sách không phải cái đi tới, mà nhiều khi nó còn ngăn cản điều đó: nó không phơi phới, mà lúc nào nó cũng đầy đắn đo. Thế nhưng, những đắn đo, đó là cơ sở cho ý thức.

books no facebook, và read no goodreads


Dường như chuyện nằm ở chính lý tưởng của thời đại: sự tương tác. Cái mà người ta cần trong một dạng tổ chức như vậy không chỉ là nhiều tương tác, mà sự tương tác còn phải tức thì.

Như vậy: không lưu trữ, và ngay lập tức. Thế thì cũng đồng nghĩa với không ký ức. Xóa bỏ ký ức là điều nằm ở trung tâm thế giới hiện nay: dục vọng về vứt bỏ ký ức là cái chi phối gần như mọi điều.

Thế nhưng, không chỉ (để dùng, ít nhất một chút, ngôn ngữ nhiều màu sắc giáo điều) có ký ức là một điều rất con người, một trong những thứ thuộc vào căn bản của thân phận con người, mà còn, nếu xét trên bình diện của lý trí, đã có quá nhiều điều dễ thấy.

Một nhà xuất bản muốn có nhiều người đọc sách của mình in ra (tất nhiên, nhà xuất bản nào cũng muốn thế) đều - ít nhất chuyện là như vậy từ trên dưới mười năm trở lại đây - dùng facebook để quảng cáo, để boost, để push, etc.; nhưng quá trình đó cho thấy, không phải nhà xuất bản truyền đạt được những gì mà sách của họ chứa đựng: chuyện còn hoàn toàn ngược lại, vì cơ quan ngôn luận của nhà xuất bản lại nhận về thì nhiều hơn là phát ra. Những cuốn sách không còn nói gì nữa (nếu quả thật chúng có gì để nói), bởi chúng không còn ngôn ngữ. Nói ngắn gọn, cơ chế hoạt động như ta thấy vô cùng phổ biến (tôi sẽ nói: không có ngoại lệ) hiện nay dẫn đến chỗ, đánh mất không chỉ ký ức, mà cả ngôn ngữ. Chính nhà xuất bản lại trở thành bình chứa ngôn ngữ thời đại (do nó không thực sự có ngôn ngữ riêng?).

Nhưng đánh mất ngôn ngữ là điều thực sự trầm trọng đối với sách, bởi vì chúng có gì khác đây, ngoài ngôn ngữ?

Các cơ sở xuất bản sẽ dùng ngôn ngữ của thời đại, và vậy là khép kín một cái vòng luẩn quẩn - toàn bộ ngột ngạt trong một mớ nói năng đồng phục. Ở mọi nơi, ta thấy các cách nói đặc trưng: "nhưng nó lạ lắm", "và cái kết", nhị nguyên "tôi nghĩ" & "thực tế". Thậm chí còn đến mức, một nhà xuất bản không tìm được gì khác ngoài sử dụng một thứ xu hướng như than phiền (thật ra là khoe khoang) việc mua nhiều sách nhưng đọc chẳng bao nhiêu, coi đó là một content hết sức độc đáo.

Nhìn chung hơn, ai ai cũng dùng các từ đang chiếm thế thượng phong. Chẳng hạn như "rời đi" (cf. ngay dưới comment).

Ngôn ngữ trở nên đặc biệt nghèo nàn chính là một trong các hệ quả to lớn của việc những quyển sách không thực sự còn vị trí nữa.


Khi những tờ báo bắt đầu trở nên phổ biến, một nhân vật từng có một nhận xét hết sức chính xác: người ta đọc báo thay cho việc cầu nguyện trước đó.

Nhân vật đã nói điều ấy là Nietzsche. Tất nhiên, Nietzsche không biết rằng rồi một ngày các tờ báo sẽ chết. Nhưng sách là thứ có từ trước và đã không chết cả khi báo xuất hiện lẫn lúc báo tạch.

Tôi nghĩ, điều này là do, báo thì làm con người không nhìn thấy nhau nữa, còn sách thì làm con người nhìn thấy được nhau.


Tất nhiên, facebook cũng chính là thứ (mặc cho mọi vẻ bề ngoài) làm con người không nhìn thấy nhau. Thêm nữa, tình hình rất giống như thể, còn chưa có social thì social network đã tràn ngập.

Giữa các cá nhân, có rất nhiều tương tác, nhưng lại không hề có quan hệ gì với nhau. Đâu đâu cũng đồng phục, và rất độc đáo, nhưng lại không có căn cước, cũng chẳng có cá nhân tính. Cấu trúc của facebook cũng ngăn cản người ta làm một việc: tìm kiếm. Chẳng ai còn tìm gì nữa. Mọi thứ cứ thế lũ lượt hiện ra, nhưng lại không tìm được gì.

Không tìm kiếm nữa, thì cũng đồng nghĩa với chấm dứt công việc nghiên cứu.

Càng ngày, càng chẳng thực sự có gì. Người ta sẽ nói ngay: thì đã có AI.


Đúng thế, đây là một thế giới hăm hở phóng tới AIutopia. Thật là ai oán - à tôi nói nhầm, thật là vui.

Rồi, đến một ngày, tôi bỗng tìm hiểu một nhánh khác của sự nói về sách.

Các kênh youtube (channel: nghe như đường hầm, lại cũng như là ngõ cụt) bày ra một thứ rất cụ thể: một tủ sách, nhiều tủ sách. Tuyệt đại đa số màu trắng (trông tinh tươm dường như là một trong những lý tưởng trung tâm). Phần lớn các tủ (giá) sách ấy giống hệt nhau, nhất là giống ở một điểm: toàn sách lởm. Tức là, thậm chí còn không có lấy một quyển sách ra hồn người. Và chủ nhân của chúng say sưa khoe sự đọc rộng hiểu nhiều của họ. Có vẻ như là những nhân vật đó chui ra từ một cái lò chung vô hình nào đó: đồng loạt mân mê chiếc tủ sách của họ. Và hay niềng răng.

Cộng thêm sự cam kết: các lãnh tụ về đọc cho biết, dù bận đến mức nào, mỗi ngày họ đều dành khoảng 20, 25, có khi tận 30 phút để đọc sách.

Đi kèm với đó là cam kết trên cơ sở các bản danh sách, thậm chí số word sẽ đọc trong tháng, trong năm ("Words, Words, Words"). Đến đây, ta thấy bóng dáng của goodreads.


8 comments:

  1. Nhị Linh có nghĩ, Book trong chữ Facebook có thể không phải là sách, mà là booking không?

    ReplyDelete
  2. rời đi thì dễ, ở lại mới khó

    ReplyDelete
  3. book của facebook không phải là "cuốn sách" mà "cuốn sổ" có chứa mặt mũi thông tin của những người trong "friendlist", (yếu tố friend ‐ real friend và fake friend - mới làm cho nó khác biệt với các microblog khác như instagram, twitter...)

    thực ra trang cá nhân trên facebook chính là blogspot có giao diện được nhúng sẵn html đó chứ

    ReplyDelete
  4. Facebook là nơi em đi chợ, treo đồ trc căn hộ. Tiện lợi với người vừa lười vừa vụng như em 🤣

    ReplyDelete
  5. sao bỏ rồi mà chuyện gì trên ấy cũng nắm được hay vậy

    ReplyDelete
  6. Có nhà kho hashtag để lưu trữ đấy (chỉ có điều đó là một nhà kho rộng mức buồn cười, tạp nham, bẩn, bừa bãi nhất của bọn netizen ‘thời chúng ta,)

    ReplyDelete
  7. giờ nói bằng mồm với nhau cũng ngại

    ReplyDelete
  8. đọc mấy chữ cuối buồn cười phun hết cả cà phê ra.

    btw em đọc tới chương X rồi, ngồi ở sân Ta gió lạnh buốt răng.

    ReplyDelete