Nov 15, 2023

Hai mươi năm dịch thuật (phần tiếp theo)

Hình như cần phải viết tiếp phần trước.


(đã xong - có vẻ - "spleen Spleen" và tiếp tục "vẽ")



Xuất bản Việt Nam đã đạt đến đỉnh (và có vẻ đã đi qua: đến đỉnh đồng thời cũng là đã đi qua, thường là vậy, để đến một điều: rơi vào trống rỗng) của một giai đoạn (hoàn toàn có thể gọi tên: tích lũy tư bản ở dạng sauvage) được đặc trưng bằng mấy yếu tố: best-seller, sale và nouveau riche (biểu hiện dễ thấy nhất: sách bản đặc biệt). Cùng nhau (hay, để dùng ngôn ngữ thân ái của thời đại - thời ấy - chung tay), mấy yếu tố đó tạo thành đặc điểm lớn hơn cả: sự không-đọc - và là như vậy từ mọi đường.

Chỉ vài thế hệ nữa thôi, sẽ là không thể hiểu nổi, chuyện người ta đề giá sách thật cao, để rồi ngay lập tức giảm, thậm chí nhiều lúc giảm ở mức 60%-70%. Trị giá - và đi kèm đó, giá trị - trở nên không thể xác định. Cũng sẽ không thể hiểu nổi, tại sao những cuốn sách chẳng có giá trị mấy lại được đóng bìa cứng (phần lớn vì cứng quá nên không thể đọc được) và được gọi là "đặc biệt". Và, hình ảnh cuộc sống của sách suốt một thời sẽ nằm ở đâu? nó sẽ nằm ở hình ảnh các cuộc bán tống bán tháo sách, được gọi là sale. Bằng con đường của sale, sự xuất bản đã tự trình hiện giá trị (lại cái từ đầy khó chịu này) đúng nghĩa của mình: những gì mà nó tạo ra, là để sale.

Sự nouveau riche ở tư cách yếu tố chính yếu của một thời như đã nói tạo ra một tâm trạng: sự phởn, bắt nguồn từ sự tiền-dễ. Và bởi vì luôn luôn có sự kháng cự, cho nên thời gian vừa qua đã nảy ra một mốt nho nhỏ của "khắc kỷ". Nhưng, điều đáng nói ở đây nằm ở chỗ: ngay cả sự khắc kỷ cũng không trở thành được đối trọng cho sự phởn kia, đấy là vì kể cả nó cũng rơi nốt vào best-seller. Sự best-seller (đồng nghĩa với không đọc) hiện nay đang thể hiện rõ hơn cả ở mảng sách nghệ thuật. Nhưng sách nghệ thuật như được sản xuất bởi xuất bản Việt Nam hiện nay, tuyệt đại đa số là tiểu sử người này người kia (và toàn tiểu sử pathetic) cùng những gì là tương ứng với chicken-soup trước đây: hướng dẫn thưởng thức.


Đấy là một tổng thể. Trong tổng thể ấy, nhiều ánh sáng đã rọi thêm cho cái nhìn vào dịch thuật.


Đã nói đến "phần tiếp theo", thì phần tiếp theo sẽ là gì, trong bối cảnh như vừa miêu tả? Tiếp theo, sẽ chỉ tham gia được những ai không mắc vào đó: những người mới hẳn, và những người không dính vào các yếu tố như best-seller, sale, etc., tức là, rất đơn giản: những người đọc.

Những người đọc thì không liên quan đến chuyện viết review: review là một cơ chế hoạt động rất then chốt của xã hội nouveau riche, vì xã hội ấy tạo dựng một thứ trông hao hao như là lòng tin (tạo sự thuyết phục, etc.) thông qua cơ chế ấy: review các mặt hàng, làm mẫu để người khác làm theo: review sản phẩm là thứ thay thế cho quảng cáo trước đây. "Review" có vị trí không khác gì một từ từng nói đến trước đây. Nghịch lý nằm ở chỗ: trong thế giới sách, tức là mặc nhiên của sự đọc, chính những người viết review sách lại ở rất xa sự đọc. Đấy không phải là đọc, mà đấy là đọc để review - pha lẫn với thêm một từ rợn tóc gáy nữa của thời đại: "cảm nhận".

Quay trở lại với thời điểm kịch tính của dịch thuật Việt Nam, năm 2012, tức là cách đây gần tròn mười hai năm. Về nó, tôi đã có hai lần nhìn nhận một số khía cạnh: mộthai.


Nếu muốn có một ví dụ (để so sánh): các nhà xuất bản Pháp cuối thế kỷ 19, cả sang nhiều năm của thế kỷ 20, rất hay viết (lên cả bìa) rằng quyển sách (của họ) đã in đến lần thứ bao nhiêu đó - nhiều khi con số vô cùng lớn, hết sức fantastique, hàng trăm, nhiều trăm, chẳng hạn "édition thứ 243".

Phần lớn trong số những pha viết như vậy là bịa.


Ở chiều ngược lại (hoặc, cũng không ngược lại cho lắm), không phải tìm cách bán tống bán tháo, sale đủ kiểu (sale khủng), giới xuất bản ở Việt Nam hay tấm tắc về tài năng của một cơ sở nào đó rất giỏi trong việc đẩy được sách của họ vào hệ thống thư viện. Như vậy thì, chẳng phải lo gì (mấy) nữa khi in sách, vì in rồi kiểu gì cũng có chỗ mua, lại còn mua nhiều.

Đây là hình thức in những cuốn sách chẳng ai đọc, thậm chí còn không bao giờ biết đến. Và đây đích xác là cơ chế vận hành của các nhà xuất bản nhà nước.


Trước khi đi xa hơn (tức là sâu hơn, tức là, nhìn kỹ hơn), tôi thấy cần nói một (hoặc một vài) điều cụ thể. Bộ Tổ tiên của chúng ta, đấy là một trong những thứ tôi tổ chức (và dàn dựng). Tôi nhận ra người dịch Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôiHiệp sĩ không hiện hữu không hề đủ năng lực trong công việc ấy. Và là nhận ra từ rất sớm, ngay từ đầu.

Tôi cần phải nói điều này, vì những gì sẽ nói ở dưới. Nhìn chung hơn, tất tật (không ngoại lệ) văn chương Calvino ở Việt Nam đều ở mức trình độ rất thấp (tức là, không tương xứng).

Đấy là vì, Calvino có một tinh thần đặc biệt nhẹ. Những người dịch Calvino ở Việt Nam thì lại quá nặng, thậm chí bì bì. Người dịch Tổ tiên là người duy nhất (vì tôi chọn dựa trên tiêu chí đó) không bị như thế. Nhưng lại nhẹ quá, đến mức bông gòn.


Đã sau hai mươi năm, nhất thiết cần phải nhìn vào yếu tố quan trọng nhất. Đó là Nhã Nam. Về không ít phương diện (không hề nhỏ), đây chính là nhà xuất bản lớn nhất của lịch sử Việt Nam.


(một ví dụ cụ thể nữa: Cuộc đời & Số phận: gần đây, khi cuốn sách - rất dày - ấy in ra, tôi nhìn thấy tên người dịch: oay; đó là idea của tôi, từ cách đây đã rất lâu, một trong những project đổ, bao nhiêu lần tưởng đã được thì rồi cuối cùng lại không; và nó đã xuất hiện trong tiếng Việt, theo một giải pháp có thể gọi là giời ơi đất hỡi, vì người dịch thuộc vào category gì cũng làm: sách dạy làm giàu, xi rô tâm lý học, romance, etc., thuộc vào số những người khi nào bí quá thì gí cho, gì cũng làm và làm được hết, nhưng tất tật đều lào phào; thật ra, như vậy là đáng sợ hơn cả: đáng sợ hơn cả là tác phẩm văn chương lớn rơi vào tay các nhân vật như thế; phần trước đã nói đến "nhạc gì cũng nhảy", giờ cần nhắc tới "thượng vàng hạ cám")


Một khoảnh khắc ở chính giữa lịch sử của Nhã Nam tính đến thời điểm này: Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối - đấy, đây chính là một trong những điều khiến tôi do dự không ít, vì khi muốn nói đến một số điều, thì chúng lại quá liên quan đến tôi.

Đó là một cú lớn. Thời điểm in cuốn sách lần đầu trong tiếng Việt: năm 2014. Đây là điểm mốc của sự trưởng thành của Nhã Nam, sau không ít khốn đốn, mấy năm ngay trước đó. Đấy cũng là chớm của sự đi xuống - như đã nói: đó cũng là lần duy nhất của hai điều, thứ nhất, làm được văn chương lớn thành công vang dội (điều này thông thường chỉ thuộc về một số sách đặc thù, những loại sách không đáng nhắc đến), thứ hai, in sách của một tác giả ngay trước khi (chỉ cách mấy tháng) tác giả ấy nhận Nobel Văn chương. Giải thưởng khiến bùng nổ một thành công vốn dĩ đã không nhỏ từ trước. Không khó hiểu khi một tờ báo như Tuổi trẻ ra sức dè bỉu.


Tôi về Việt Nam vào cuối tháng Tám năm 2006, dăm hôm sau đó tôi bắt đầu làm ở Nhã Nam. Trước đó vài tháng, nhân vật của Nhã Nam viết email mời tôi. Ban đầu tôi từ chối, nhưng sau lại nhận lời.

Thời điểm cụ thể ở đây hết sức cần thiết: chỉ cần như vậy đã cho thấy rõ, tôi không hề liên quan đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm; khi tôi bắt đầu, thì mọi thứ liên quan tới cuốn sách ấy đã lắng hẳn xuống. Một lý do không nhỏ khiến tôi từ chối khi được mời nằm chính ở đó: tôi không hề thấy việc một nhà xuất bản mới hoạt động gặp thành công lớn như thế có gì hay. Thậm chí, tôi còn nghĩ, vậy thì không khác gì bị cursed. Người ta sẽ chẳng thực sự hiểu nổi công việc của mình nếu chưa gì đã thành công.

Cho đến giờ, tôi vẫn chưa bao giờ đọc cuốn sách.

Tôi trở thành Tổng biên tập của Nhã Nam trong mùa hè năm 2007.


Một điều dễ nhận ra, và có thể nhận ra rất nhanh chóng: chẳng có gì. Nếu có ai nghĩ, dịch một cuốn sách là chuyện dễ, ít nhất là dễ đối với một chuyên gia của lĩnh vực ấy ("lĩnh vực" ở đây hay được hình dung theo dạng phương Tây hay Trung Quốc và Việt Nam, hoặc ở một mức độ kỹ lưỡng hơn, văn học Đức, văn học Pháp, văn học Ấn Độ, văn học Anh-Mỹ, etc.) thì người ấy gần như nhầm hoàn toàn. Sự nhầm ở đây còn đi đến mức độ: gần như không có chuyên gia nào. Ai cũng biết (tên) Shakespeare thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc ai cũng đọc Shakespeare; thậm chí cần phải nói, gần như một trăm phần trăm những người đó (những người biết tên Shakespeare) chưa bao giờ đọc dẫu chỉ một vở kịch của Shakespeare - kể cả các editor in Shakespeare trong tiếng Việt.

Nhiều sự được coi là đương nhiên lại không hề đương nhiên. Chẳng hạn, tôi không nghĩ một người như Trương Hồng Quang có thể coi là một chuyên gia về văn học Đức; trong lĩnh vực này, dễ thấy sự vớ vẩn của một người như Trần Đương hơn, nhưng nhân vật còn lại cũng không khác mấy.

Dẫu thế nào, thì cũng có một cách rất giản tiện: không ai có thể là chuyên gia về văn chương Đức nếu coi trọng một nhân vật như Marcel Reich-Ranicki, cũng như, tương tự, đối với văn chương Pháp, những người nào nghĩ Bernard Pivot là nghiêm túc. Vậy thì cũng không khác so với vào thời bây giờ, đọc sách theo hướng dẫn của Bill Gates hay Mark Zuckerberg.

Tức là: không có gì, và vậy thì chẳng thể làm gì. Bởi vì, chuyện rất đơn giản: người ta chỉ dịch được một cuốn sách khi biết rõ nó, và tất nhiên còn hơn như vậy, chỉ có thể thực sự dịch được một cuốn sách khi biết rõ nó cùng một số thứ khác. Hay, nói đúng hơn, cần phải đọc, ở một mức độ không thấp. Nhưng điều chính yếu nằm ở đây: không có sự đọc ấy.


Xuất bản - nhất là xuất bản như nó đã diễn ra trong nửa cuối thập niên đầu tiên thế kỷ 21 tại Việt Nam - đã trở thành điểm quan sát (với nhiều dẫn chiếu) vào giới nghiên cứu của Việt Nam.

Ở khởi đầu, đã có một tác động qua lại nào đó (không hề yếu) làm cho mọi sự dường như sáng sủa hẳn lên. Điều này không khó hiểu: cuộc sống (và cả lẽ sống) của nghiên cứu (nhất là những gì thuộc xã hội & nhân văn) nằm rất nhiều ở các cuốn sách. Một nền xuất bản tốt luôn luôn là lối ra rất đẹp cho một nền nghiên cứu liên quan. Nếu nền nghiên cứu ấy cũng tốt.

Nhưng vấn đề nằm chính ở đó: đấy là một nền nghiên cứu không hề tốt, cho nên giới nghiên cứu Việt Nam đã gần như không hề tham gia xuất bản; điều này đào rộng thêm (hiện tại đã rộng vô biên) hố sâu ngăn cách giữa hai bên. Các nhà nghiên cứu Việt Nam gần như không in sách, khi có in thì những sách đó không thể tìm được. Cũng cần phải nói, các nhà nghiên cứu Việt Nam thích được đăng ký đề tài nghiên cứu (vì vậy thì có tiền) nhưng không thích in sách, cho dù có một số nhà xuất bản đương nhiên dành cho họ, nhất là nhà xuất bản Khoa học Xã hội (vì in sách thì sẽ cho người khác thấy rõ trình độ thực tế của họ).

Hệ quả là giới nghiên cứu đã thực sự rơi vào tình cảnh không có độc giả. Nhưng đấy là vì các nhà nghiên cứu không thể làm được điều đó: không phải vì họ không muốn, mà vì họ không thể. Họ đã thử, nhưng kết quả là: nul. Trưởng khoa văn của trường đại học quan trọng nhất của Hà Nội (đã nhắc) từng trở thành bỉnh bút cho tờ tạp chí Tia sáng (ký bút danh Lương Xuân Hà) nhưng chỉ viết điểm sách được một thời gian ngắn rồi thôi. Đấy là vì nhân vật đó không đủ sức viết điểm sách. Tuyệt đại đa số nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam không thể viết bình luận một cuốn sách nào. Không biết đọc.


Vào một thời điểm, khi thấy rằng mọi sự đã ở trên một triền dốc rất đáng sợ (tất nhiên, chỉ tôi nghĩ thế), tôi đã tìm cách thay đổi (và triền dốc ấy dẫn đến cái gì? nó dẫn đến sự tầm thường):


Nhưng trước khi kể tôi đã tìm cách thay đổi như thế nào (tức là đoạn "triền dốc"), tôi nghĩ cần phải quay trở ngược lại đoạn đầu tiên - dẫu sao thì cũng cần theo đúng trình tự câu chuyện (nếu như mà có câu chuyện thật).

Lúc đó, tôi đã làm gì? Tôi đã làm một việc rất gần với không làm gì: tôi nhìn.

Tôi thấy là cần nhìn xung quanh. Tuy trước đó (và là tận trước năm 2000), tôi đã có một số hiểu biết thực tế về công việc xuất bản tại Việt Nam - và trước đó nữa, là những quan sát có khoảng cách, ở tư cách một người đọc, vì không chỉ biết về thế giới sách cũ, như đã kể, tất nhiên tôi cũng biết về sách mới - nhưng vẫn cần nhìn, và nhìn nhận.

Muốn biết sách do các cơ sở khác in thì như thế nào, không gì tốt hơn so với tìm chúng và đọc chúng: nhưng vẫn còn có thể tốt hơn nữa, đọc chúng và bình luận chúng. Sự đọc khiến ta thấy được rất nhiều điều. Một cách hết sức tự nhiên, tôi viết về những cuốn sách. Tôi có thể chắc chắn một điều, rằng quãng thời gian tôi viết về sách cho một số báo và tạp chí, đó là thời kỳ duy nhất báo chí Việt Nam thực sự có mục đọc sách, tính trên toàn bộ lịch sử của nó. "Một cách hết sức tự nhiên", nhưng đồng thời việc ấy (bình luận sách trên diện rộng, đúng như những cuốn sách xuất hiện từ sự xuất bản) cũng đẩy tôi vào một situation không hề dễ (thêm một điều impossible): một người phụ trách nội dung của chỗ dần dà - và rất nhanh chóng - trở thành nhà xuất bản quan trọng nhất (significant) lại bình luận sách in general. Hai điều mà tôi có thể khẳng định, hiện giờ: thứ nhất, tôi đã luôn luôn chọn sách của chỗ khác như là ưu tiên hơn cả và thứ hai, trong công việc đó tôi không kiếm chút lợi ích riêng nào (hiểu theo nghĩa rất rõ: chẳng bao giờ tôi được các nhà xuất bản tặng sách để cảm ơn vì đã nhắc đến sách của họ trên báo).

Điều này hết sức hiệu quả: nhờ làm như vậy, tôi có thể thiết lập một nguyên tắc - hết sức đơn giản; lúc nào tôi cũng nghĩ rất đơn giản - cho công việc: tôi làm thế nào để sách của Nhã Nam bao giờ cũng có chất lượng nhỉnh hơn mức trung bình (mức này, tôi nắm bắt được chính nhờ hoạt động và công việc đã kể ở trên). Đồng thời với đó, là một số việc khác (mà tôi sẽ nói chi tiết ở bên dưới).

Đến đây, đã có thể có một nhận xét quan trọng: vai trò của báo chí. Dễ dàng thấy rằng, báo chí Việt Nam không bao giờ đủ sức nói về sách (điều này thì tôi từng nói, ít nhất là vài lần). Nhưng điều cần quan tâm ở đây không phải chuyện đó, mà là điểm sau đây: cú boom của xuất bản hồi 2005-2006 nhận được hậu thuẫn rất lớn từ các tờ báo (chất lượng bài viết rất thấp, chủ yếu phóng viên văn hóa không làm gì khác ngoài chỉnh sửa tí chút từ "thông cáo báo chí" gửi từ nhà xuất bản - nhưng điều này không mấy quan trọng): hầu như cuốn sách nào mới in cũng được đồng loạt nhắc đến (nếu không phải là chào mừng) trên một loạt báo (nhiều khi là hàng chục tờ, cùng một lúc - khỏi phải nói, nội dung na ná nhau, nếu tờ báo không có mục đọc sách đúng nghĩa, điều rất hiếm). Báo chí bắn pháo hoa tô vẽ cho xuất bản.

Chuyện hoàn toàn ngược lại, hiện nay: các cơ sở xuất bản mới vào thời điểm này không hề được hưởng điều đó, thậm chí là tịnh không một lời. Do chẳng có nguyên tắc nào, báo chí Việt Nam chạy từ cực này sang cực kia, không bao giờ tìm được chỗ đứng đúng.


Tất nhiên, đấy mới chỉ là chuyện phụ.


(đang nghĩ)



13 comments:

  1. sale còn có nghĩa là "bẩn" :p

    ReplyDelete
  2. Trong trường hợp không mình có điều kiện học hành bài bản thì những khoá học như của bác Cao Đăng mình có cần đăng ký học để thành dịch giả không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. đến ngày đến tháng là thấy âm binh trồi lên

      Delete
    2. cần chứ, rất cần, Y Lán trứ danh đã nói mà

      Delete
  3. tưởng tượng nếu đi thi bằng lái (không phải ô tô) ta phải lái trong cái đường chạy không phải mô phỏng số 8, mà là số 10 hoặc số 20 thì thế nào nhỉ, chắc sẽ khó hơn nhiều vì những cú ngoặt rất gắt và những cú qua vực thẳm rất phóng

    ReplyDelete
  4. Em thích cái cách mà anh dẫn dắt người đọc ở xbk hơn cả

    ReplyDelete
  5. “Có những tinh thần của những nơi mà khi mất đi thì cũng có nghĩa là mất tất. Cái tinh thần mà thời Khổng Tử được gọi là “tư văn”ấy…”

    ReplyDelete
    Replies
    1. tôi nghe như tiếng Quách Hiền nữ sĩ

      Delete
  6. Lương Xuân Hà học Sorbonne mà tệ thế ư

    ReplyDelete
  7. Em tiếp tục spam :)), cách đây tầm 8 năm một người anh trong hội sách có nói:"sách thời trước của NN, TĐ, BV, Phanbook còn có nhiều đầu sách chất lượng khá ổn, sau dần thì thôi khỏi nói :))", giờ em mới biết đó là thời của anh hehe.

    ReplyDelete
  8. anh có biết hiệu sách cũ nào tốt ở HN không? mà kiểu được lượn vào xem những lúc chưa nghĩ đến cần mua gì chứ không phải kiểu bác Dư Bà Triệu.

    trước em biết một hiệu ở Bạch Mai, nay đi qua có vẻ đã đóng cửa.

    ReplyDelete
  9. đột quỵ 2 lần cần oxy để thở nên bìa cứng đặt biệt phát hành duy nhất còn được tái bản =))

    ReplyDelete